Linh
Hồn Bất Tử
Trong tác phẩm Phaedo của Plato, Socrates có một cuộc đối thoại quan trọng với các bạn trước khi ông chết. Theo lời của những người bạn này, họ sợ rằng, khi linh hồn lìa khỏi thân xác, linh hồn sẽ chết ngay lập tức. Thế nhưng, Socrates khẳng định: linh hồn bất tử, vì ba lý do: một là, nguyên
lý đối nghịch luôn luôn đúng; hai là, linh hồn có khả năng nhớ lại; ba là, linh hồn là nguồn của sự sống. Những điều này có được chứng minh hay không?
Trước hết, nguyên lý đối nghịch (the
principle of Opposites) là một niềm tin có tính nghịch lý. Socrates nói rằng, mọi thứ đều có cái đối nghịch của nó, và một thứ sinh ra từ cái đối nghịch của nó; sự sống và cái chết là đối nghịch của nhau, nên sự sống đến từ cái chết. Theo đó, linh hồn đến thế giới bên kia sau cái chết, và sau đó, nó trở về thế giới này; thế nên, một con người được sinh ra từ người đã chết. Như vậy, một là, ông khẳng định, mọi thứ đến từ cái đối nghịch của nó. Đây không phải là một chân lý hiển nhiên, mà chỉ là một niềm tin mà ông cũng như những người bạn ông thừa nhận. Hai là, ông liệt kê các cặp đối lập: xấu – tốt, bất công – công bằng… Hơn nữa, ông nói về hai quá trình biến đổi: phân chia – hợp nhất, tiến triển – thụt lùi… Tóm lại, từ việc quan sát thực tế trong vũ trụ và suy tư về chúng, ông cố gắng mô tả cách thế mà linh hồn tồn tại sau cái chết; tuy nhiên, điều này không đủ để chứng minh sự bất tử của linh hồn, thậm chí là sự tồn tại của linh hồn sau khi chết, dù chỉ là một khoảng thời gian nào đó.
Thứ hai, học thuyết về sự nhớ lại (the Recollection) dường như là một lý lẽ yếu cho sự bất tử, vì hai lý do. Một là, nếu học thuyết này sai, thì không có gì cần bàn. Hai là, nếu học thuyết này đúng, thì kết quả đáng mong đợi cũng không đạt được. Ông nói, tri thức chỉ là sự nhớ lại, nghĩa là linh hồn đã học trước khi con người được sinh ra; thế nên, linh hồn phải tồn tại trước khi nó sống trong thân xác. Tuy nhiên, sự tồn tại trước ấy của linh hồn là bao lâu, và bằng cách nào? Và một khoảng thời gian thì khác xa sự bất tử.
Để làm cho việc chứng minh của mình thuyết phục hơn, Socrates kết hợp hai luận cứ trên lại với nhau. Sự sống đến từ cái chết, và linh hồn tồn tại trước khi con người được sinh ra, nên linh hồn phải tồn tại sau khi con người chết, để nó có thể sống trong một con người mới. Điều này chỉ có thể hiểu được trong niềm tin về luân hồi, tức thời gian như đường vòng tròn. Còn trong niềm tin của người Do-thái chẳng hạn, thời gian là đường thẳng, thì không thể hiểu được lập luận này của ông.
Thứ ba, điều khẳng định: linh hồn là nguồn của sự sống (the sourse of life), không nối kết mạch lạc cách trực tiếp với sự bất tử. Ông nói, thân xác sống động là do linh hồn, và bất cứ cái gì có linh hồn thì có sự sống; nếu linh hồn mang sức sống cho thân xác, thì nó không thể mang sự đối nghịch của sự sống tức sự chết; như vậy, linh hồn không thể chấp nhận cái chết, tức là nó bất tử. Những lý do này có vẻ không hiển nhiên. Ngay từ đầu, ý kiến chắc nịch về việc “linh hồn chỉ sống động” đã được coi như một chân lý. Tại sao linh hồn không chết giống thân xác? Hơn nữa, linh hồn không thể nhận cả sự sống và cái chết cùng một lúc, nhưng lại là có thể trong những thời điểm khác nhau, nếu thế câu chuyện ở đây sẽ trở nên rất khác. Vượt ra ngoài việc bàn về linh hồn của con người, chúng ta thử áp dụng suy nghĩ của ông cho cây cối và loài vật, thì chúng có linh hồn và linh hồn ấy cũng bất tử. Vậy nên, lập luận thứ ba này chỉ vòng vo và không đủ sáng tỏ.
Như vậy, các luận điểm và lập luận của Socrates thật tuyệt khi ông sử dụng chúng để diễn tả quan niệm của mình về linh hồn, thật tuyệt khi chúng ta tìm cách giải thích huyền nhiệm của con người trên con đường đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Mặt khác, những lập luận ấy không có giá trị để chứng minh sự bất tử, nhưng chúng lại mang một giá trị lớn lao trong cách hiểu về thực tại, cái mà chúng ta luôn luôn kiếm tìm và không bao giờ nắm bắt cho đủ. Ông không thể chứng minh niềm tin của mình, nhưng ông có thể giải thích niềm tin cách độc đáo và tường minh.
Vincent Vũ Tứ Quyết, S.J.
Học viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét