04/11/2014
Thứ Ba sau Chúa Nhật
31 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Pl 2, 5-11
"Người
đã tự hạ mình, vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh
em thân mến, anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô:
Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng
với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi
đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm.
Người
đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên
Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu,
để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối
xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa
Cha được vinh quang.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 21, 26b-27. 28-30a. 31-32
Ðáp: Lạy Chúa, bởi
Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong Ðại hội (c. 26a).
Xướng:
1) Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong Ðại hội. Con sẽ làm trọn những lời
khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được
no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: "Tâm hồn các bạn hãy vui sống
tới muôn đời". - Ðáp.
2)
Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể
bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất
sẽ tôn thờ duy một Chúa. - Ðáp.
3)
Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và
chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: "Ðiều đó Chúa đã
làm". - Ðáp.
Alleluia:
Tv 147, 12a và 15a
Alleluia,
alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần
ai. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 14, 15-24
"Anh
hãy ra ngoài đường ngoài ngõ, và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, một người đồng bàn thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Phúc cho kẻ sẽ được ăn
tiệc trong nước Thiên Chúa". Người phán cùng kẻ ấy rằng: "Có một người
kia dọn tiệc linh đình, và đã mời nhiều thực khách. Tới giờ dự tiệc, ông sai đầy
tớ đi báo cho những kẻ được mời để họ đến, vì mọi sự đã dọn sẵn sàng rồi. Nhưng
mọi người đồng thanh xin kiếu. Người thứ nhất nói với ông rằng: "Tôi mới tậu
một thửa ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu". Người
thứ hai nói: "Tôi mới mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin
ông cho tôi kiếu". Người khác lại rằng: "Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi
không thể đến được".
"Người
đầy tớ trở về thuật lại những điều đó cho chủ mình. Bấy giờ chủ nhà liền nổi giận,
bảo người đầy tớ rằng: "Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm
thành phố mà dẫn về đây những người hành khất, tàn tật, đui mù và què quặt".
Người đầy tớ trở về trình rằng: "Thưa ông, lệnh ông ban đã được thi hành,
thế mà hãy còn dư chỗ". Ông chủ lại bảo người đầy tớ rằng: "Anh hãy
ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho
các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của
tôi".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Lời
Mời Dự Tiệc
Một
trong những hình ảnh Kinh Thánh dùng để nói về Nước Thiên Chúa, đó là bữa tiệc.
Sách Cách Ngôn đã mô tả bữa tiệc của Ðấng Khôn Ngoan như một giá trị cứu rỗi.
Ngôn sứ Isaia nói đến một bữa tiệc Thiên Chúa dọn ra cho dân khi thời Cứu thế đến,
tất cả mọi người đều được mời đến dụ, không phân biệt ai. Ðó cũng là bữa tiệc
mà Chúa Giêsu dùng để nói về Vương Quốc của Ngài.
Tại
Palestina, mỗi khi có tổ chức một bữa tiệc lớn, thì khách luôn luôn được mời
trước, và người chủ tiệc cũng nhận được câu trả lời của khách trước. Khi tiệc
rượu đã sẵn, ông chủ sai các đầy tớ đi báo cho người được mời để họ đến dự. Bởi
thế, một lời từ chối vào phút cuối quả là một tổn thương lớn cho người chủ tiệc.
Thiên
Chúa là ông chủ của bữa tiệc Nước Trời cũng đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho
Israel. Các Tiên tri được sai đi gọi mời, và khách được mời cũng sống trong tâm
tình chờ đợi. Nếu có các sách Tiên tri để loan báo về bữa tiệc thì cũng có các
Thánh vịnh nói lên tâm tình tin tưởng và đợi chờ Thiên Chúa. Thế nhưng, khi giờ
đến, lúc tiệc rượu đã chuẩn bị sẵn sàng thì kháck được mời lại từ chối.
Bàn
tiệc Nước Trời vẫn được dọn ra và khách được mời hôm nay không ai khác hơn là mỗi
người chúng ta. Bí tích Rửa tội là tấm thiệp cho phép chúng ta tham dự bàn tiệc
này. Nhưng khi giờ đã đến, chúng ta lại để mình bị lôi cuốn bởi của cải vật chất,
bởi thú vui trần thế, mà bỏ qua lời mời gọi đến tham dự bàn tiệc thánh.
Thiên
Chúa vẫn mời gọi và chờ đợi chúng ta. Ước gì chúng ta hiểu đúng giá trị của bữa
tiệc Ngài dọn sẵn cho chúng ta mỗi ngày, để với tất cả lòng yêu mến biết ơn,
chúng ta tham dự, ngõ hầu chúng ta được mạnh sức tiến tới bàn tiệc vĩnh cửu
trên Thiên quốc.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 31 TN2
Bài đọc: Phil 2:5-11; Lk
14:15-24.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tai hại của việc
không biết hay biết sai
Con
người có khuynh hướng giản lược tất cả đời sống vào các nhu cầu vật chất: công
ăn việc làm, giải trí hưởng thụ, … và rất ít người chịu bỏ thời giờ để học hỏi
và tìm kiếm những của ăn tinh thần. Vì thế, khi con người phải làm những quyết
định quan trọng cho cuộc đời, đa số sẽ nhắm vào những giá trị vật chất hơn là
những giá trị tinh thần. Bài đọc I trình bày cho con người biết đường lối Cứu Độ
của Thiên Chúa qua Đức Kitô: Thiên Chúa cứu con người không bằng quyền năng và
sức mạnh quân sự, nhưng bằng sự khiêm nhường tự hạ và sự vâng lời tuyệt đối của
Con Thiên Chúa. Phúc Âm dẫn chứng chân lý vì không chịu học hỏi Kinh Thánh để
biết sự thật về Đấng Thiên Sai, nên đa số con người đã làm quyết định sai lầm
khi từ chối lời mời dự tiệc của Thiên Chúa, và bị lọai ra ngòai vương quốc mà
Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Cách Cứu Độ con người của Thiên Chúa
Đa
số các học giả Kinh Thánh đồng ý đây là một bản thánh ca có sẵn trong các cộng
đồng tín hữu sơ khai, và được Thánh Phaolô dùng để khuyên các tín hữu Philipphê
biết noi gương Đức Kitô để sống đức bác ái trọn hảo như ngài nói: “Giữa anh em
với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.” Nghiên cứu cấu
trúc của bài Thánh Ca này, chúng ta nhận ra 3 điểm chính:
(1)
Sự khiêm nhường tự hạ của Đức Kitô: Có rất nhiều điều liên quan đến tín lý mà các Thánh
Gíao Phụ và các Công Đồng đầu tiên rút ra từ 2 câu của Bài Thánh Ca này: “Đức
Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân
nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” Giáo Hội dùng những
tín lý này để chống lại các Bè Rối thời đó: Hai bản tính của Đức Kitô: con người
và Thiên Chúa (chống lại 2 bè rối: Chúa Kitô hòan tòan là Thiên Chúa hay hòan
tòan là con người); sự ngang hàng bằng nhau của Cha và con (chống lại bè rối
Con Nuôi); Chúa Giêsu thực sự làm người (chống lại bè rối Docetism).
(2)
Sự vâng lời tuyệt đối của Đức Kitô: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng
lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” Chúa Giêsu không bị Thiên Chúa bắt chịu
cực hình, nhưng Ngài tự nguyện vâng lời để làm trọn Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.
Ngài đã chết thực sự (không ai khác như chủ thuyết Docetism tin).
(3)
Vinh quang được ban tặng cho Đức Kitô: Chính vì sự khiêm nhường tự hạ và sự vâng lời tuyệt
đối của Đức Kitô mà “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt
trên muôn ngàn danh hiệu.” Những kết quả đạt được từ công việc Nhập Thể - Cuộc
Thương Khó – Cái Chết – và sự Phục Sinh của Đức Kitô:
-
Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi: Bằng cuộc Khổ Nạn, Chúa xóa sạch tội lỗi con
người.
-
Đức Kitô đã chiến thắng thần chết: Nếu Đức Kitô không sống lại, thần chết sẽ thống
trị nhân lọai, và con người không có hy vọng gì đựơc sống đời đời; nhưng vì
Ngài đã sống lại, nên Ngài đã chiến thắng thần chết, kẻ thù cuối cùng của con
người.
-
Đức Kitô đã chiến thắng ma quỉ: Trong sa mạc, ma quỉ thách thức Chúa để dùng những
cách của nó để làm cho con người tin: bánh ăn, làm phép lạ, bả vinh hoa. Chúa
Giêsu chứng minh cho chúng biết con người có thể tin vào Lời Chúa, tình thương
hy sinh, và cuộc sống đời đời.
2/
Phúc Âm:
Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
2.1/
Truyền thống và phong tục của người Do-Thái: Theo truyền thống, người Do-Thái tin khi Đấng Thiên
Sai tới, Ngài sẽ đãi dân một bữa tiệc (Isa 25:6-9). Đó là lý do tại sao một
trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: "Phúc thay ai được dự tiệc
trong Nước Thiên Chúa!" Họ tin chỉ có những người Do-Thái mới được dự bữa
tiệc này mà thôi. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để dạy họ một bài học: Nếu họ
không sẵn sàng, họ có thể bị lọai ra ngòai để lấy chỗ cho các dân tộc khác.
Theo phong tục của người Do-Thái, buổi tiệc được phác họa và khách dự tiệc được
mời và đáp trả một thời gian lâu trước khi bữa tiệc xảy ra, nhưng giờ dự tiệc
chưa được loan báo. Khi ngày dự tiệc tới và mọi sự đã sẵn sàng, chủ sai các đầy
tớ đi triệu tập các khách đã nhận lời mời. Vì thế, khách nào đã nhận lời nhưng
từ chối không đến là một khinh thường cho chủ nhà.
2.2/
Những lý do xin kiếu:
(1)
Bận rộn chuyện làm ăn: Người
thứ nhất nói: "Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.”
Đây là lý do có lẽ phổ thông nhất của con người: xưa cũng như nay. Quá bận rộn
chuyện làm ăn khiến con người không còn thời giờ cho Thiên Chúa, và dần dần làm
con người quên đi mục đích của cuộc đời.
(2)
Quyến dũ của cuộc sống: Người
khác nói: "Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.” Những
vui thú của thế gian dễ cám dỗ con người chạy theo hơn là giữ những Lề Luật của
Thiên Chúa. Sau một tuần vất vả làm việc, những giải trí vui thú cuối tuần dễ
làm cho con người chiều theo hơn là phải đi tham dự Thánh Lễ. Một cuộc sống chiều
theo sở thích như thế sẽ làm con người dần dần đi trật đường.
(3)
Lo toan cho gia đình: Người
khác nói: "Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.” Cưới vợ là niềm vui lớn
nhất của con người. Theo Sách Đệ Nhị Luật, người mới cưới vợ có thể được miễn
trừ các bổn phận như quân dịch, làm ăn để ở nhà vui vẻ với vợ trong một năm (Dt
24:5). Tuy nhiên, ngay cả những miễn trừ này cũng không thể được dùng làm cớ
cho con người xao lãng bổn phận với Chúa, nhất là lời mời dự tiệc Nước Trời.
2.3/
Ý nghĩa của dụ ngôn: Chúa
Giêsu dùng dụ ngôn để giải thích cho con người biết Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên
Chúa. Theo Mầu Nhiệm này, Thiên Chúa đã chọn và mời gọi dân Do-Thái ngay từ đầu
để tham dự Tiệc Cưới Nước Trời; nhưng vì họ từ chối không tham dự nên Tiệc Cưới
mở rộng đến mọi người: Dân Ngọai, những người thu thuế, và gái điếm… tất cả những
ai sẵn sàng tin vào Đức Kitô. Những nghĩa biểu tượng của các nhân vật trong dụ
ngôn có thể được nhận ra dễ dàng như sau:
-
Chủ nhà: là Thiên Chúa.
-
Các đầy tớ: là các ngôn sứ và môn đệ của Chúa.
-
Các khách kiếu không dự tiệc: là những người Do-Thái.
-
Các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt: là những người thu thuế và gái
điếm.
-
Các người đến từ các đường xóm đường làng: là tất cả các Dân Ngoại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Cuộc sống con người không thể bị gỉan lược vào những nhu cầu vật chất. Con người
cần biết dùng thời gian để học hỏi về Thiên Chúa và trau dồi những nhu cầu tâm
linh. Không biết hay biết sai sẽ thúc đẩy con người làm những quyết định sai
trong cuộc đời.
-
Kẻ được mời gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít. Cho dù chúng ta đã được mời,
nhưng nếu không chịu dùng thời giờ để học hỏi về Chúa, năng chịu các Bí-tích để
lấy sức mạnh chiến đấu với ba thù, chúng ta sẽ dễ dàng đi trật đích và bị lọai
ra ngoài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 31
Lc 14,15-24
A. Hạt giống...
Hình ảnh đặc biệt của đoạn Tin Mừng này là bữa
tiệc. Trong Thánh Kinh, bữa tiệc là hình ảnh về hạnh phúc Thiên Chúa ban (x. Is
25,6 55,1-3 Xh 24,11 Kh 19).
Khi ấy Chúa Giêsu đang ngồi ăn chung với nhiều
người khác trong một bữa tiệc do một thủ lãnh biệt phái đãi (x. Lc 14,1-14).
Bữa tiệc ấy khiến một trong những thực khách liên tưởng tới bữa tiệc thiên quốc
nên nói “Phúc cho ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn để trả lời cho người
ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó rằng được hưởng hạnh phúc trong
Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc lớn. Nhưng Ngài đặt vấn đề : thực ra anh có
sẵn lòng nhận lời mời vào Nước ấy không ?
Trong dụ ngôn, ông chủ đã mời rất nhiều người đến
dự tiệc, nhưng tất cả đều nhất loạt xin kiếu. Hai người đầu còn nói lời cáo lỗi
(“cho tôi xin kiếu”), người thứ ba chẳng buồn nói một lời lịch sự. Nghĩa là tất
cả mọi người đều không tha thiết với hạnh phúc Nước Thiên Chúa. Hai người đầu
coi hạnh phúc ấy nhẹ hơn tiền của (đất, bò). Người thứ ba coi trọng hạnh phúc
hôn nhân hơn.
Vì loạt người được mời lần đầu (chỉ dân do thái)
đã từ chối dự tiệc, ông chủ mời loạt người khác. Đó là những người “nghèo khó,
tàn tật, đui mù, què quặt”. Họ tượng trưng cho lương dân. Như thế, dân do thái
dù được Thiên Chúa ưu tiên mời vào Nước Trời nhưng đã từ chối. Thế nhưng sự từ
chối của họ chẳng những không làm hỏng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trái lại
còn thúc đẩy nhanh việc Thiên Chúa thành lập Nước Thiên Chúa, một dân mới đã
được mời vào thế chỗ cho dân do thái.
B.... nẩy mầm.
1. “Mọi sự đã sẵn sàng” (Omnia parata sunt) :
Hạnh phúc Nước Trời đã được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn tất cả cho ta, cũng như cỗ
bàn được ông chủ trong dụ ngôn này chuẩn bị chu đáo (giáo huấn Tin Mừng, Giáo
Hội, bí tích, ơn Chúa v.v.). Nhưng tại sao nhiều người không đến dự tiệc ? Vì
họ không muốn từ bỏ những thứ đang quyến rũ họ : một thửa đất mới mua (tài
sản), năm cặp bò mới tậu (việc làm ăn), một người vợ mới cưới (hạnh phúc nhân
loại). Những người đó không sai vì coi trọng những thứ vừa kể, nhưng sai vì coi
chúng trọng hơn Nước Trời. Chúa Giêsu đã dạy “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa và đức công chính của Ngài. Tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt
6,33)
2. Lý do khiến loạt khách mời thứ nhất từ chối
đến dự tiệc là vì họ đang có những thứ họ ham thích. Còn lý do khiến loạt khách
thứ hai đáp lời mau mắn (x. dụ ngôn song song được ghi trong Mt 22,1-10 :
“phòng tiệc cưới đã đầy thực khách”) là vì họ đang không có gì cả, nói cho rõ
hơn, họ nghèo. Nghèo là tâm thế rất thích hợp để đón nhận Nước Trời.
3. Triết gia Socrates sống rất giản dị. Một ngày
kia ông ngắm nghía rất kỹ những món hàng đắt tiền được bày bán ngoài chợ. Thấy
thế một người lấy làm lạ nên hỏi. Ông giải thích : “Tôi ngạc nhiên vì không
hiểu tại sao người ta lại bán quá nhiều thứ mà tôi không cần đến như thế”
(Clifton Fadiman).
4. “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều
người. Người thứ nhất nói : tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm ; người
thứ hai nói : tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây... ; người khác nói
: tôi mới cưới vợ nên không thể đến được” (Lc 14,16-20)
Có câu chuyện về những người nằm chết khát trên một chiếc bè lênh đênh ngoài
khơi bờ biển Brazil. Họ không hề hay biết nước biển ngay chỗ bè họ trôi
là nước ngọt. Thật vậy, dòng chảy của con sông mạnh đến nỗi tống ra biển xa đến
hai dậm và nước ngay chỗ họ vẫn là nước sông. Nhưng họ không hề hay biết...
Đời là một bữa tiệc lớn. Tất cả những niềm vui –
nỗi buồn, cái thật - cái giả, ánh sáng - bóng tối... đều cống hiến cho bữa tiệc
ấy. Nhưng con người như bị thôi miên, cứ chọn cái buồn, cái giả, cứ chạy theo
bóng tối... nên rất nhiều người đang chết đói trên bàn tiệc, trong đó có bạn và
tôi...
Lạy Chúa, con đã phải nếm sự đau khổ vì cứ mê muội bám víu vào các tạo vật. Xin
cho con được ơn thức tỉnh thật sự. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
04/11/14 THỨ BA TUẦN 31
TN
Th. Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Lc 14,15-24
Th. Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Lc 14,15-24
Suy niệm: Các
ngôn sứ đã dùng hình ảnh bữa tiệc để chỉ về điều Thiên Chúa sẽ thực hiện khi
Triều đại Nước Thiên Chúa đến. Dân Chúa nóng lòng mong chờ ngày đó xảy đến.
Chúa Giê-su cũng dùng hình ảnh bữa tiệc lớn để chỉ về Nước Thiên Chúa, nhưng Ngài
xác định chính Thiên Chúa mới là Đấng nóng lòng và nhất quyết thực hiện bữa
tiệc mà Ngài đã hứa trước. Điều bất thường là có nhiều người chống đối niềm
vui, chống đối bữa tiệc đó. Đã có nhiều người không muốn tham dự, họ không muốn
cộng tác vào một cuộc vui như thế. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bữa tiệc đó
bớt lộng lẫy và bị hủy bỏ. Ông chủ bữa tiệc rất quảng đại và nhất quyết thực
hiện cho bằng được bằng cách mở rộng vòng tròn khách mời. Vòng tròn khách mời
này có thể mở ra đến vô tận, từ đường phố đến thôn quê, từ những người tàn tật
cho đến những người ở nơi hẻo lánh.
Mời Bạn: Có
khi nào bạn nghĩ rằng Tiệc Nước Trời chỉ dành cho một số người có một tiêu
chuẩn nào đó về luân lý? Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi hãy loan Tin Mừng cho
mọi người đặc biệt là hãy ra đi loan Tin Mừng cho những vùng ngoại vi của cuộc
sống.
Sống Lời Chúa: Tôi
chan chứa niềm vui vì ý thức rằng tôi được mời tham dự vào bữa tiệc của Chúa
hoàn toàn là do lòng quảng đại và sự giàu có khôn lường của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ngày càng thấu hiểu rằng Chúa
nhân hậu từ bi và giàu lòng thương xót. Chúa sẽ nhất quyết thực hiện đến cùng
chương trình yêu thương và cứu độ của Ngài. Amen.
Xin kiếu
Đại tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn rồi, không chỉ ở đời
sau, mà ngay ở đời này. Ngài mong ta đến để dự tiệc, hay đúng hơn để chia sẻ một
tình bạn.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm
trong bối cảnh của bữa tiệc
do một ông Pharisêu chức sắc
mời Đức Giêsu vào ngày sabát (Lc 14, 1).
Những lời Ngài nói trong bữa
tiệc đã đánh động một người cùng bàn.
Ông chia sẻ với Đức Giêsu về
niềm hạnh phúc
của người được dự tiệc trong
Nước Thiên Chúa (c. 15),
ở đó có mặt các tổ phụ và
thiên hạ từ khắp tứ phương (Lc 13, 28-29).
Chính vì thế Đức Giêsu đã
muốn kể một dụ ngôn về Nước Trời.
Nước Trời giống như một đại
tiệc do một người khoản đãi.
Ông đã mời nhiều quan khách
đến dự.
Khi đến giờ đãi tiệc, ông
còn sai đầy tớ đi mời họ lần nữa.
“Mời quý vị đến, vì mọi sự
đã sẵn sàng rồi” (c. 17).
Tiếc thay lời mời ấy, đại
tiệc ấy, lại bị mọi người coi nhẹ.
Ai cũng có lý do để xin kiếu
từ.
Kẻ thì kiếu vì cần phải đi
xem miếng đất mới mua (c. 18).
Kẻ thì kiếu vì phải đi kiểm
tra năm cặp bò mới tậu (c. 19).
Kẻ khác lại xin kiếu vì phải
ở nhà với người vợ mới cưới (c. 20).
Có vẻ các lý do đưa ra đều
có lý phần nào.
Nhưng thực sự chúng có phải
là những lý do chính đáng
để từ chối đại tiệc mà mình
đã được mời cách trân trọng hay không?
Vấn đề chỉ là chọn lựa.
Xem đất mới mua, xem bò mới
tậu, ở nhà với vợ mới cưới,
những điều ấy hẳn cần thiết
và quan trọng.
Nhưng có quan trọng bằng
chuyện đi dự tiệc không?
Nếu đi dự tiệc để diễn tả sự
hiệp thông của tình bạn
thì có thể hoãn các chuyện
khác không, để chọn điều có giá trị hơn?
Chúng ta hiểu được sự nổi
giận của ông chủ,
khi thấy bữa tiệc dành để
khoản đãi các khách quý lại bị đổ vỡ.
Ông thấy chính mình bị xúc
phạm, tình bạn bị coi thường.
Ông quyết định dành bữa tiệc
này cho những ai không phải là khách quý,
những người thuộc giới hạ lưu,
nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c. 21).
Và khi phòng tiệc vẫn còn
chỗ trống, ông đã khẩn khoản lôi kéo vào
cả những người ở ngoài đường
hay trong vườn nho (c. 23).
Cuối cùng, người được mời
trước thì bị loại, vì họ tự loại chính họ (c. 24).
Còn những người có vẻ không
xứng đáng lại được ngồi vào bàn.
Chẳng ai xứng đáng được dự
bàn tiệc Nước Thiên Chúa
nếu Thiên Chúa không mời.
Nhưng chẳng ai bị loại trừ
khỏi bàn tiệc cánh chung
nếu họ không cố ý từ chối
lời mời đó.
Chẳng ai có thể tự cứu mình
mà không cần đến Thiên Chúa,
nhưng con người có thể làm
mình bị trầm luân mãi mãi
chỉ vì thái độ khép kín của
mình trước ơn Chúa ban.
“Tôi xin kiếu”, đó là câu
nói của nhiều người Kitô hữu hôm nay.
Chúng ta xin kiếu một cách
quá dễ dàng,
chẳng để ý gì đến nỗi thất
vọng và đau đớn của người đãi tiệc.
Lời mời của Thiên Chúa bị từ
chối chỉ vì những chuyện không đâu.
Chuyện tất bật làm ăn,
chuyện vui chơi giải trí, chuyện mời mọc của bạn bè.
Có nhiều chuyện thấy có vẻ
quan trọng hơn, khẩn trương hơn,
đến nỗi có người bỏ tham dự
thánh lễ Chúa Nhật.
Hãy chọn Thiên Chúa và biết
quý những gì Ngài muốn ban cho ta.
Đại tiệc Thiên Chúa đã dọn
sẵn rồi,
không chỉ ở đời sau, mà ngay
ở đời này.
Ngài mong ta đến để dự tiệc,
hay đúng hơn để chia sẻ một tình bạn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều
bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn
những cầu thủ bóng đá,
những
tài tử điện ảnh
làm
thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa
cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và
chúng con thật sự đắn đo
trước
khi chọn Chúa.
Bởi
chúng con biết rằng
chọn
Chúa là lội ngược dòng,
theo
Chúa là bước vào con đường hẹp:
con
đường nghèo khó và khiêm nhu,
con
đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm
nay, chúng con chọn Chúa
không
phải vì Chúa giàu có,
tài
năng hay nổi tiếng,
nhưng
vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng
ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng
ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì
chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều
lần trong ngày,
qua
những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa
chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để
chúng con
thông
hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy
niệm
Đoạn
Tin Mừng hôm nay tiếp theo các đoạn Thứ Bảy tuần rồi và Thứ Hai hôm qua, nghĩa
là vẫn trong khung cảnh Chúa Giêsu đang dự tiệc ở nhà một lãnh tụ Biệt phái. Có
nhiều người Biệt phái cùng dự tiệc và họ dò xét Ngài.
Trong
Thánh Kinh, bữa tiệc là hình ảnh của Nước Thiên Chúa. Được dự tiệc của Thiên
Chúa nghĩa là được hưởng hạnh phúc. Bởi đó khung cảnh bữa tiệc hôm ấy và lời hứa
ban phần thưởng hạnh phúc Nước Trời cho những ai sống bác ái của Chúa Giêsu, đã
khiến một người trong đám thực khách liên tưởng tới hạnh phúc thiên đàng, và
người này buộc miệng thốt lên “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước
Thiên Chúa”.
Chúa
Giêsu đồng ý với phát biểu trên, nhưng Ngài cũng nêu lên vấn đề là: “Có
nhiều người biết rằng hạnh phúc thay ai được mời dự tiệc Nước Trời; nhưng ít
người đến dự”.
Lý
do không đến dự? Vì những bận tâm của sự đời: "Tôi mới tậu một thửa
ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu". "Tôi mới
mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin ông cho tôi kiếu".
"Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi không thể đến được".
Vậy
nên, đối với những người này cái trước mắt, cái nhìn thấy được, cái cụ thể của
đời này thì quan trọng hơn là những cái vô hình ở đời sau. Họ thích chọn cái tạm
bợ thay vì vĩnh cửu, chuộng hạnh phúc chóng qua đời này hơn là hạnh phúc đời đời.
Và số phận của họ sẽ là“không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm
bữa tiệc của tôi”.
Ngày
nay, chúng ta hay nại vào những việc cơm áo gạo tiền, bận tâm lo cho cuộc sống
mà quên đi bổn phận đến với Chúa, bỏ ngoài tai lời mời dự tiệc Nước Trời. Coi
chừng chúng ta trở thành những kinh sư, Pharisêu thời đại khi biết rằng “phúc
thay ai được mời dự tiệc Nước Trời” nhưng lại không cần đến dự (x.Lc
11,52). Và Chúa Giêsu cũng dạy rằng “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không
làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều”(Lc 12,47).
Lạy
Chúa, giữa những bề bộn của cuộc đời, nhiều khi chúng con quên đáp lại lời mời
dự tiệc của Chúa, lắm khi chúng con làm ngơ trước tiếng chuông nhà thờ vang dội
báo giờ dự tiệc vui. Xin Chúa xót thương ban cho chúng con sự khôn ngoan, để chọn
Chúa là ưu tiên một trong cuộc đời, và ngày sau hết chúng con được hạnh phúc
luôn mãi trong bàn tiệc Nước Chúa. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4
THÁNG MƯỜI MỘT
Lòng
Thương Xót Của Chúa Cha
Trong
lời nguyện hiến tế của Ngài, Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ cho khỏi
ác thần (Ga 17,15). Như vậy, lời nguyện hiến tế vừa ca ngợi sự tốt lành của hiệp
nhất, vừa là lời khẩn xin tha thiết để mọi sự dữ chống lại hiệp nhất đều có thể
được thắng vượt. Do đó, đây cũng là một lời nguyện hoà giải. Sự hoà giải này diễn
ra ở những cấp độ khác nhau: nơi chính bản thân mỗi người, giữa các cá nhân, giữa
các Kitô hữu, giữa người Kitô hữu và những người ngoài Kitô giáo, giữa các dân
tộc và các quốc gia, giữa các khu vực đã phát triển và các khu vực kém phát triển
trên thế giới.
Hoà
giải là một kinh nghiệm sâu xa thuộc lãnh vực tâm linh con người. Trong hình thức
cao nhất của nó, nó là hình ảnh người Cha nhân lành mở rộng vòng tay ôm lấy đứa
con bất trị. Anh ta là nạn nhân của cám dỗ muốn xây dựng một thế giới hoàn toàn
bởi sức riêng mình, bất cần Cha. Cái trống rỗng của sự chọn lựa ấy, nỗi cô đơn
nhức nhối ấy, và hậu quả là phẩm giá của anh cũng chẳng còn … Tất cả đã gây ra
những vết thương cần phải được chữa trị tận căn. Anh cần phải quay về và kinh
nghiệm lại lòng thương xót của Cha. Vâng, sự hoà giải phải cắm rễ sâu trong cuộc
sống chúng ta: hoà giải với Thiên Chúa, với chính mình, với nhau, với các cộng
đoàn Giáo Hội khác, bắt đầu bằng một sự biến đổi sâu xa trong tâm hồn mình.
Hoà
giải còn mang một chiều kích xã hội nữa. Nó vượt qua những rào cản ngăn cách
các tầng lớp xã hội và vượt qua sự xung khắc giữa các quốc gia. Nó tiêu diệt
các hình thức kỳ thị đầy bất công. Trên hết, nó ưu tiên tôn trọng phẩm giá độc
đáo của mỗi người và tích cực bảo vệ các quyền của con người ở bất cứ nơi đâu
mà các quyền ấy bị đe doạ.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
04-11
Thánh
Carôlô Borrômêô, Giám mục
Pl
2, 5-11; Lc 14, 15-24.
LỜI
SUY NIỆM: Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với
Đức Giêsu: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”
Dự
tiệc là cả một niềm vui và vinh dự, Vui là vì cùng được gặp gỡ được nhiều
người và được nới rộng quan hệ quen biết; vinh dự là được mời và được ngồi
chung bàn với đủ mọi hạng người. Niềm vui và vinh dự khi con người được dự tiệc
trong Nước Thiên Chúa thì đó là một Đại Phúc
Lạy
Chúa Giêsu, Dự tiệc trong Mước Trời là cùng đích của chúng con. Xin cho mọi
thành viên trong gia đình chúng con được hưởng phúc lộc này của Chúa.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
04-11
Thánh
CARÔLÔ BORRÔMÊÔ
Giám
Mục (1538 - 1584)
Xuất
thân từ dòng họ quí phái Lombardo, thánh Carôlô Borrômêô sinh tại Arôna ngày 2
tháng 10 năm 1538, là con thứ trong gia đình, tuổi trẻ đạo đức đã sớm định hứơng
cuộc đời Ngài để phục vụ Giáo hội, Ngài đạt bằng tiến sĩ luật ở Paris năm 1559,
nhưng tháng giêng năm sau đã triệu vời về Roma. Ở đó Ngài được đặt ngay làm Hồng
Y với những trách và cao trọng trong Giáo hội gồm cả chức vụ Tổng Giám mục
Milan, và dù còn trẻ cũng đã được trao cho trách nhiệm làm quốc vụ khanh tòa
thánh.
Trong
quyền hạn này, Ngài kiểm soát mọi giao dịch chính thức của Đức Giáo hoàng, bao
gồm nhiều cuộc đám phán khó khăn liên quan đến việc hoàn thành công đồng
Tridentinô từ năm 1560-1564. Công đồng kết thúc, Ngài còn phải lo lắng tới những
công chuyện còn sót lại và mãi tới tháng 9 năm 1565 Ngài mới được đức giáo
hoàng cho phép về ở tại nhiệm sở của mình. Khó khăn lắm mới được trở về Milan,
Ngài lại bị triệu hồi để giúp cậu Ngài bên giường bệnh, và sau đó góp phần chọn
lựa đấng kế vị là Đức Giáo hoàng Piô V. Ngài trở lại Milan vào tháng 4.1566.
Kể
từ lúc đó cho đến khi qua đời, ngày 3.10. 1584, cuộc đời của thánh Carôlô được
dành trọn cho giáo phận với tư cách của một Tổng giám mục. Việc canh tân khẩn
thiết nhất trong mục vụ của vị giám mục tập chú vào sơ đồ canh tân công đồng
Tridentinô để ra. Thánh Carôlô đã trở thành giám mục "kiểu mới" của
công đồng Tridentinô, Ngài đã thành công đến nỗi trở thành gương mẫu và gợi hứng
cho toàn thể Giáo hội. Có lẽ hơn bất cứ một cá nhân nào khác Ngài đã chuyển các
sắc lệnh của cộng đồng ra hành động trong Giáo hội công giáo, Ngài đã thực hiện
cuộc canh tân, tổ chức lại hàng giáo sĩ và đời sống thiêng liêng trong cả địa
phận lẫn tỉnh Milan. Nhưng nỗ lực này được ghi lại đầy đủ chi tiết qua một số
qui luật do sáu hội nghị giáo tỉnh và mười một hội nghị giáo nhận.
Ngài
kiên trì viếng thăm toàn giáo phận rộng rãi bao la được giảng dạy, ban các phép
bí tích tới những làng mạc xa xôi nhất và những vùng thung lũng núi Alpels. Cuộc
hồi sinh đạo công giáo tại Thụy sĩ mà nhiều phần nằm trong quyền hạn của Ngài đã
là ảnh hưởng quyết định của Ngài, Ngài đã thiết lập nhiều học viện và chủng viện,
Ngài là người bạn của dòng tên, dòng thánh Barnaba và nhiều dòng mới thời đó.
Chính Ngài cũng đã thiết lập dòng cho những tu sĩ thánh Ambrôsiô (bây giờ là
thánh Carôlô) để đặc biệt giúp đỡ Ngài. Ngài còn liên hệ một cách chủ động tới
cuộc canh tân dòng cổ. Có một nhóm bất mãn dòng Umiliati là Ngài muốn canh tân
và sau này đã biến mất, đã tìm cách sát hại khi Ngài đang cầu nguyện năm 1569.
Ngài
đã khích lệ những hội đạo đức và tổ chức lại các trường công giáo. Ngài cố gắng
bảo tồn nghi thức thánh Ambrôsiô cho Milan khi nghi thức này bị đe dọa và cố gắng
theo gương thánh Ambrôsiô. Nhưng sự cương quyết không chịu thoả hiệp và sự
nghiêm khắc về những nguyên tắc luân lý đã không khỏi gây nên những chống dối.
Sức chống đối không chỉ từ vài nhóm giáo sĩ và còn từ phía uy quyền thế tục đại
diện bởi những nhà cầm quyền Tây Ban Nha và nghị viện thành phố nữa.
Dầu
vậy, như một thánh nhân và một nhà canh tân, thánh Borrômêô không đòi những người
khác điều gì mà chính Ngài đã thi hành. Đời sống cầu nguyện và bỏ mình của Ngài
còn tân tiến với những nỗ lực mục vụ. Tai họa dịch hạch năm 1576 đến 1578 cho
thấy sự hy sinh xả kỷ tột cùng của Ngài, Ngài đã hiến mình làm hiến tế, bô thí
tất cả những gì Ngài có như động sản, áo quần; lột bỏ những màn trướng để phủ
che những người bất hạnh, chính Ngài cũng ngủ trên sàn nhà, Ngài gọi các linh mục
và tu sĩ đến, chỉ định cho họ những ngả đường để giải tội cho nhưng bênh nhân,
an ủi và chuẩn bị cho họ chết lành. Để những người hấp hối có thể tham dự thánh
lễ, Ngài cho dựng những bàn thờ nơi các ngã tư. Thánh giá mọc lên khắp nơi cho
mọi người nhìn thấy. Chuông nhà thờ reo vang, những bản thánh ca được hát lớn
trong mỗi gia đình vào giờ nhất định.
Như
thế, bệnh nhân được tham dự vào đời sống cộng đoàn, thành phố thoát khỏi cảnh
tang thương vô vọng để sống như trong một tu viện. Đức tổng giám mục đến với
người bị dịch hạch, những trẻ em lăn lóc bên xác mẹ, Ngài cuốn áo choàng mang về
nhà. Người ta tổ chức những cuộc đi chân không theo đám rước tay cầm chặt thánh
giá. Cuối cùng khi tai họa chấm dứt, Đức Hồng y đã xác tín rằng: dù cho có bao
nhiêu nạn nhân, đoàn chiên Ngài phải cảm ơn Thiên Chúa vì cơn thử thách đã đổi
mới các tâm hồn.
Nhiều
dịp khác cũng cho thấy sáng kiến và lòng tận tâm của thánh nhân, Milan nhiều lần
bị nạn đói, thánh Carôlô cho trồng bắp, tổ chức những bữa cháo nghèo, lập các
nhà từ thiện. Nhờ Ngài, những người giàu có nên quảng đại hơn. Thánh nhân đã
không tìm nghĩ ngơi sau những nỗ lực không ngừng cho công việc bác ái và mục vụ.
Mỗi lúc đêm về người ta còn thấy Ngài tiến vào nhà nguyện để đọc kinh suy gẫm.
Tới cuối đời, Ngài còn tìm tòi học hỏi, không lãng quên sách thánh, Ngài thích
đọc sách cổ, sách thuốc và sách chiêm tinh Ả Rập. Ngài rất ưa thích nghệ thuật
và nếu phải bán bộ sưu tầm của Ngài đi, thì đây là một hy sinh lớn lao cho
Ngài.
Không
nghỉ ngơi, thánh Carôlô Borrômêô giống như một người nghèo không bao giờ biết đến
nghỉ ngơi. Cơn bệnh đến, thánh nhân bất động, mắt nhắm nghiền. Vài người nói:
"Kìa cơn mê của giám mục thánh Modène". Vào những ngày cuối đời, nhắm
mắt lại để người ta tưởng Ngài ngủ và như thế có thể hồi tâm cầu nguyện mà
không bị lo ra, Ngài cười khi người ta khuyên Ngài đừng sợ chết. Rồi sau khi
lãnh nhận các bí tích sau hết, Ngài lịm vào trong sự tôn thờ.
Tin
loan báo cái chết của thánh Carôlô Borrômêô đã làmcho cả Milan đau đớn. Sủ gia
viết truyện đời Ngài nói: "Đêm ấy, ít có ai ngủ được". Đức Phaolô V
đã phong thánh cho Ngài ngày 10 tháng 11 năm 1610.
(daminhvn.net)
04
Tháng Mười Một
Quo Vadis, Domine?
Ðêm
trước ngày vào cơ mật viện để bầu Giáo Hoàng, Hồng Y Karol Wojtyla đã chuẩn bị
hành lý để trở về Krakow, tổng giáo phận của ngài. Thế nhưng, ngài đã không trở
lại Krakow nữa. Ngày thứ hai, 16 tháng 10 năm 1978, vị Hồng Y 58 tuổi này đã được
bầu làm Giáo Hoàng và lấy tên là Gioan Phaolô II. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu
tiên đến từ Ba Lan, là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Italia kể từ
450 năm qua, và tính từ 150 năm trở lại, thì ngài là vị Giáo Hoàng trẻ nhất.
Trong
khi chuẩn bị cho bài giảng Chúa Nhật đầu tiên kể từ lúc được bầu làm Giáo
Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã nghĩ đến tác giả của quyển tiểu thuyết giả sử nổi
tiếng "Quo vadis, Domine?" là ông Henryk Sienkiewicz, một văn sĩ và đồng
thời cũng là một nhà ái quốc Ba Lan. Qua tác phẩm này, vị Giáo Hoàng người Ba
Lan đã so sánh tâm tình của mình với vị Giáo Hoàng đầu tiên là thánh Phêrô như
được ghi lại trong tác phẩm "Quo vadis,Domine?", "Lạy Chúa, Chúa
đang đi đâu?". Theo tác giả quyển tiểu thuyết giả sử, thì có lẽ thánh
Phêrô thích ở lại quanh quẩn bên bờ hồ Genezareth hơn là đến giữa trung tâm của
đế quốc La Mã để gặp không biết bao nhiêu chống đối và bách hại. Giữa lúc vị
Giáo Hoàng đầu tiên toan tình trốn khỏi La Mã để trở về quê hương mình, thì ngài
gặp lại Chúa Giêsu hiện ra đang đi ngược chiều với ngài. Ngạc nhiên về sự xuất
hiện của Chúa, thánh Phêrô đã hỏi: "Quo vadis, Domine?" nghĩa là
"Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?". Và Chúa Giêsu đã trả lời như sau:
"Ta đang đi đến La Mã để chịu đóng đinh một lần nữa". Hiểu được ý
Chúa, Phêrô đã quay trở lại La Mã và ngài ở lại đó cho đến khi chịu đóng đinh.
Hôm
nay Giáo Hội kính nhớ thánh Carolô Borremêô và mừng bổn mạng một cách đặc biệt
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Mãi mãi tên Carolô gắn liền với tên tuổi và
vận mệnh của Ðức Thánh Cha. Hơn ai hết, ngài phải là người kính nhớ và ghi ơn vị
thánh bổn mạng nhiều nhất.
Tên
thánh được đặt cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa đánh dấu sự đổi đời quan
trọng của chúng ta. Từ cái chết trong tội lỗi, chúng ta được tái sinh trong sự
sống của Chúa. Hướng đi của chúng ta phải là hướng đi tới Chúa, không thể là bước
thụt lùi.
Mang
lấy tên thánh Carolô, Wojtyla đã quyết tâm hướng cuộc đời của mình tiến tới
trong phục vụ và hy sinh như như chính thánh giám mục Carolô Borremêô. Và khi
chọn lấy danh hiệu mới là Gioan Phaolô, vị Giáo Hoàng người Ba Lan cũng quyết
tâm tiến tới trên con đường mà hai vị tiền nhiệm của mình đã vạch ra... Là người
Kitô, chúng ta cũng luôn được mời gọi tiến tới không ngừng trên đường theo chân
Chúa Giêsu. Tên thánh mà chúng ta mang lấy trong ngày Rửa Tội, danh hiệu Kitô
mà chúng ta được đặt cho phải luôn luôn là một nhắc nhở chúng ta về con đường
tiến lên ấy. Chắc chắn con đường ấy không là một con đường rộng thênh thang. Sự
tiến lên ấy không là một đà tiến dễ dàng. Phêrô đã quay trở lại La Mã để chịu
đóng đinh... Thập giá có lẽ đang chờ đợi chúng ta, chúng ta hãy hiên ngang tiến
bước vì đó chính là hướng đi của tất cả những ai mang danh hiệu Kitô.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét