07/11/2014
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
31 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Pl 3, 17 - 4, 1
"Chúng
ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi
thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh
em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở
theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với
anh em, và bây giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù
nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là
cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng
những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi
đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người sẽ
biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người,
nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.
Bởi
thế, anh em thân mến và quý yêu, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của
tôi. Anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Ðáp: Tôi vui mừng
khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa"(c. 1).
Xướng:
1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà
Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.
2)
Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể.
Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.
3)
Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm
phán, ngai toà của nhà Ðavit. - Ðáp.
Alleluia:
Pl 2, 15-16
Alleluia,
alleluia! - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những
vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 16, 1-8
"Con
cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người
quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý
đến và bảo rằng: "Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản
lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa". Người quản lý thầm
nghĩ rằng: "Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc
đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất
chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ".
"Vậy
anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: "Anh mắc nợ chủ
tôi bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu". Anh bảo người
ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi". Rồi
anh hỏi người khác rằng: "Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?" Người ấy
đáp: "Một trăm giạ lúa miến". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy
văn tự mà viết lại: tám mươi".
"Và
chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời
này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Hành
Xử Khôn Khéo
Một
đạo sĩ đi ngang qua cây dừa, một chú khỉ hái dừa ném xuống đầu ông. Ðạo sĩ lẳng
lặng bổ ra lấy nước uống rồi ăn luôn cùi dừa, còn lại vỏ dừa, ông làm thành
chén ăn cơm. Nét điềm tĩnh của đạo sĩ là nắm lấy mọi cơ hội trong cuộc sống để
mưu ích cho mình. Ông quên đi niềm đau trên đầu của mình cũng như sự tinh nghịch
của chú khỉ, để sử dụng tối đa ích lợi của trái dừa.
Khôn
ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Trời, đó là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ
qua dụ ngôn người quản lý trong Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn có lẽ dựa trên một cuộc
biển lận xẩy ra trong bất cứ xã hội nào. Chúa Giêsu không có ý tán thành hành
vi biển lận của người quản lý; Ngài chỉ khen cung cách giải quyết vấn đề của
ông: ông biết nhìn xa thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn sắp phủ xuống
trên ông. Bài học có thể rút ra từ dụ ngôn chính là tận dụng thời gian, biết tất
cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa và xây dựng Nước Trời.
Thái
độ của con người thường là nổi loạn, than trách, buông xuôi, bỏ cuộc. Chúa
Giêsu khuyên chúng ta khôn ngoan điềm tĩnh để biến đau khổ thành cơ may đưa đến
một ơn ích cao đẹp hơn. Ðạo sĩ trong câu truyện trên đây không dừng lại để rủa
xả con khỉ, nhưng điềm nhiên sử dụng trọn vẹn trái dừa. Người điềm tĩnh khôn
ngoan là người biết nhìn một cách lạc quan những thất bại, mất mát trong cuộc sống.
Thánh Phaolô đã có cái nhìn lạc quan ấy, khi nói: "Ðối với những ai yêu mến
Chúa, thì mọi sự đều dẫn về điều thiện".
Dưới
cái nhìn của con người, loài người được xếp theo những hơn thua về tài năng,
may mắn, thành công, thông minh, nhưng trong cái nhìn yêu thương của Chúa, tất
cả đều là ân sủng. Chúng ta hãy tín thác cho Chúa, đón nhận mọi biến cố như lời
mời gọi yêu thương, tin tưởng. Bên kia những gì chúng ta có thể ước đoán, tưởng
tượng, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Hãy xử thế như người quản lý trong dụ
ngôn: biến tất cả thành cơ may để nhận ra tình yêu Chúa, để loan báo, chia sẻ
tình yêu ấy với mọi người.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 31 TN2
Bài đọc: Phil 3:17-4:1; Lk
16:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giá trị của tiền bạc
Mục
đích của Thiên Chúa khi cho con người sống trên trần gian không phải để đầu cơ
tích trữ của cải, nhưng là để làm vinh danh Thiên Chúa, và để xứng đáng lãnh nhận
cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Tiền bạc là của Thiên Chúa ban cho con người xử dụng,
nó chỉ là phương tiện sinh sống chứ không phải đích điểm. Con người cần biết xử
dụng tiền của để mưu ích cho mình và tha nhân trong cuộc sống đời này để chuẩn
bị cho cuộc sống đời sau. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu
Philipphê đừng quên mục đích cao trọng của cuộc đời để chỉ tôn thờ của cải vật
chất. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khen người quản lý bất lương vì ông biết dùng của
cải vật chất để mua bạn bè; ông hy vọng họ sẽ giúp ích lại cho ông trong tương
lai.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Thái
độ sống các tín hữu cần có về cuộc đời.
1.1/
Đừng chỉ nghĩ đến những của cải thế gian: Nếu chết là hết, con người cứ việc làm hết cách để
kiếm tiền và hưởng thụ; nhưng vì chết không hết, nên các tín hữu không được sống
theo kiểu của thế gian, kiểu của những người không tin Thiên Chúa và cuộc sống
đời đời mai sau. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu của ngài đề phòng lối sống này
vì những lý do sau đây:
(1)
Sống theo thế gian là sống đối nghịch với Thập Giá Đức Kitô: “Như tôi đã nói với
anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối
nghịch với Thập Giá Đức Kitô. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh
quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế
gian.” Trong đọan văn này, Thánh Phaolô không cắt nghĩa rõ ràng thế nào là lối
sống theo thế gian và thế nào là sống đối nghịch với Thập Giá Đức Kitô; nhưng
chúng ta có thể thấy ngài cắt nghĩa rõ ràng hơn trong (2 Tim 3:2-4): “Quả thế,
người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không
vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu,
thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu
căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa.”
(2)
Hậu quả của lối sống theo thế gian: Tất cả những ai sống theo lối sống này, sẽ không được
thừa hưởng vinh quang Thiên Chúa hứa ban, và “chung cục họ sẽ phải chịu hư
vong.”
1.2/
Hãy nghĩ đến những sự trên trời: Là những tín hữu đã được rửa sạch tội lỗi bằng Máu
Thánh của Đức Kitô và đã được giao hòa với Thiên Chúa, họ có quyền hy vọng được
thừa hưởng những gì Thiên Chúa và Đức Kitô đã dọn sẵn cho họ trên Thiên Đàng:
“Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức
Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài,
và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống
thân xác vinh hiển của Người.”
2/
Phúc Âm:
Phải biết dùng những của cải thế gian.
Trước
khi phân tích dụ ngôn này, chúng ta cần lưu ý một điều: Khi xử dụng dụ ngôn,
tác giả chỉ muốn nêu bật một điều chính, và không bao giờ có ý làm thỏa mãn tất
cả mọi điều; vì sẽ rất khó để thực hiện. Điểm Chúa Giêsu muốn nêu bật trong dụ
ngôn này là cách hành xử của viên quản lý khi anh biết anh sẽ mất việc.
2.1/
Người quản gia bất lương: Ngay từ đầu trình thuật đã cho khán giả biết đây là một quản gia
không tốt, và đó là lý do tại sao anh bị thất nghiệp. Một người quản gia tốt
không phải chỉ biết cách làm việc mà còn phải biết trung tín với chủ. Người quản
lý này có thể rất khôn ngoan, nhưng không trung tín; vì anh bị tố cáo đã phung
phí tài sản của chủ. Vì thế, chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người
ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh
không được làm quản gia nữa!”
2.2/
Người quản gia khôn lanh: Ông biết dùng tài sản của chủ như một phương tiện để chuẩn bị
cho tương lai của ông: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản
gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải
làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”
Ông nghĩ ra cách dùng tài sản của chủ để mua chuộc nhân tâm: Anh ta liền cho gọi
từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu
vậy?” Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu.” Anh ta bảo: "Bác cầm
lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.” Rồi anh ta hỏi
người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn
giạ lúa.” Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm
thôi.” Với 50 thùng dầu ôliu bớt cho con nợ thứ nhất và 200 giạ lúa bớt cho con
nợ thứ hai, anh hy vọng sẽ được họ thương chia bớt cho phần nào khi cơn túng cực
tới. Anh cũng có thể nghĩ trước, nếu họ không chịu chia chác, anh sẽ tố cáo với
chủ và họ sẽ phải hòan lại cho chủ.
2.3/
Chủ khen cách cư xử của người quản lý bất lương: Trước tiên chúng ta cần chú ý
là ông chủ không khen tư cách của người quản lý: ông gọi hắn là bất lương. Điều
ông chủ khen là cách cư xử khôn khéo của hắn: biết đặt con người trên tiền của;
còn người là còn tiền, bao giờ hết người mới hết tiền.
Nhiều
người đã xử sự sai khi đặt tiền của trên con người; hậu quả là họ mất cả người
lẫn tiền. Ví dụ: Khi tìm được người có tài và tin cậy, chủ phải trả họ đồng
lương tương xứng mới có thể giữ họ làm việc cho mình; nếu không họ sẽ làm cho
hãng khác và chủ bị thiệt hại vì không kiếm được người đủ khả năng. Hay có những
người chồng quá chi li cho việc tiêu xài trong nhà nên mất vợ, vì không biết
đánh giá đúng những việc vợ làm cho mình: chăm giữ con, nấu ăn, rửa chén, thu dọn
nhà cửa …
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta sống trên đời này không phải là để ra sức vơ vét của cải, vì chúng ta
biết rất rõ: chúng ta không thể mang theo được gì khi xuôi hai tay nằm xuống.
-
Chúng ta phải biết xử dụng của cải Chúa ban để sinh lợi ích cho mình và tha
nhân ở đời này; đồng thời biết dùng tiền của để đầu tư sinh lợi cho cuộc sống
mai sau.
-
Chúng ta đừng bao giờ quên nấc thang giá trị để biết hành xử cho đúng: (1)
Thiên Chúa, (2) con người, và (3) của cải vật chất. Đảo lộn thứ tự của nấc
thang giá trị này, sẽ mang lại những hậu quả vô cùng tai hại cho người làm nó.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 31
Lc 16,1-8
A. Hạt giống...
1. Phong tục do thái : đối với dân Do Thái, quản
gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là
một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện
tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý miễn sao
có lợi cho chủ thôi. BJ nói quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập
thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.
2. Chúa Giêsu nói người quản gia trong dụ ngôn
này là “bất lương”. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh còn bàn cãi nhau về sự “bất
lương” này (ăn gian tiền của chủ ? cho vay ăn lời cắt cổ ? hay là sửa đổi giấy
nợ ?...).
3. Nhưng điều Chúa Giêsu muốn ta noi gương nơi
người quản gia này là cách xử dụng tiền của : Người quản gia này là “con cái
thế gian”, thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi
của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai. “Con cái của sự sáng”
phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà mua sắm của cải trên
trời.
B.... nẩy mầm.
1. Mặc dù người quản lý trong dụ ngôn này không
tốt cho lắm, nhưng Chúa Giêsu đã rất khéo khi lấy hình ảnh người quản lý làm dụ
ngôn. Chúa muốn nhắc rằng đối với tiền bạc của cải mà chúng ta đang nắm trong
tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, chính Thiên Chúa mới là chủ. Đã là quản
lý thì phải xử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng
mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình.
2. Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền
bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc
sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường,
liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán :
- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?
- Chỉ một đồng thôi.
- Còn tô lớn kia ?
- Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ
quán bảo :
- Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có
không ?
Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng
chủ quán nói :
- Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài
được.
- Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?
- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng
thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.
Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng
chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.
Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền
để dành cho đời sau vậy.
3. “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh
sáng khi xử sự với đồng loại.” (Lc 16, 8b)
Ở đời, “biết mình biết người trăm trận trăm
thắng.” Người quản gia bất lương trong dụ ngôn xưa, hơn ai hết, biết rõ thực trạng
tội lỗi của mình, và biết chắc nguy cơ bị sa thải là không tránh khỏi. Điều hơn
người là y dám nhìn thẳng vào sự thật và dùng hết khả năng còn lại của mình để
đổi lấy tình thân hữu, dự phòng cho tương lai. Y đã thành công do biết nhìn xa
trông rộng.
Ở đây Thiên Chúa không có ý định ủng hộ những
hành động mưu lợi bản thân, mà qua đó Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về một chân
lý : dự phòng cho tương lai. Đời này đã có thể an tâm, còn dự phòng cho cuộc
sống đời sau, hẳn hạnh phúc hơn nhiều.
Lạy Chúa, xin cho con biết dùng cuộc sống đời này
để mua lấy cuộc sống đích thực nơi quê trời. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI
07/11/14 THỨ SÁU ĐẦU
THÁNG TUẦN 31 TN
Lc 16,1-8
Lc 16,1-8
Suy niệm: Một
triết gia đã nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.” Người quản gia
trong Tin Mừng có lẽ đã nhiều lần kinh nghiệm về điều này, nên khi dịp may đến,
ông liền nắm bắt lấy cơ hội. Biết rằng mình không được làm quản gia nữa, ông đã
lo liệu cho tương lai bằng việc dùng của cải, dùng sự cảm thông với các con nợ
mà mua lấy phúc đức. Thật đúng là “cái khó ló cái khôn”. Đức Giê-su khen người
quản gia, vì ông chợt tỉnh kịp lúc và có thái độ ứng xử khôn khéo khi biết lo
cho tương lai. Ngài muốn con cái sự sáng cũng thế. Ơn thánh Chúa ban, phúc lộc
Chúa tặng, không phải để Ki-tô hữu phí hoài, nhưng để họ tận dụng mà mua lấy
Nước Trời, bằng những việc lành phúc đức, bằng cử chỉ cảm thông tha thứ. Vậy,
nếu bạn đang là người quản gia ơn Chúa cách bất trung, thì hãy nắm lấy cơ hội
may mắn hôm nay, như là cơ hội cuối cùng mà thay đổi.
Mời Bạn: Bạn
có thể kể những ơn Chúa đang giao bạn quản lý. Bạn đang làm sinh lợi vốn liếng
Chúa giao như là người quản lý trung tín chứ? Nếu chưa, bạn có nhận ra
đây là cơ may Chúa dành cho bạn sửa đổi không?
Chia sẻ: Vì
sao cơ hội này như thể cơ hội cuối cùng Chúa dành cho bạn?
Sống Lời Chúa: Bạn
dành thời giờ để kiểm tra con cái, xem chúng nay thế nào? sống đạo ra sao?
Những người Chúa giao bạn coi sóc hưởng được gì nơi bạn, người quản lý của
Thiên Chúa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ Chúa đã dành cho con cơ hội làm lại
cuộc đời. Xin cho chúng con tận dụng cơ hội này sống đẹp lòng Chúa. Ước gì ơn
Chúa sinh lợi nơi mỗi chúng con.
Hành động khôn khéo
Ước gì chúng ta có sự khôn ngoan đích thực và
ngay thẳng, nghĩa là biết khéo tận dụng mọi sự mình có, để được gặp Chúa ở đời
này và được hạnh phúc ở đời sau.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta câu chuyện về Mạnh Thường Quân.
Ông là tướng quân của nước
Tề vào thời Chiến Quốc.
Khi ông sai Phùng Huyên sang
đất Tiết đòi nợ về cho mình,
Phùng Huyên lại đốt giấy nợ
của nhiều người và tha luôn nợ cho họ.
Mạnh Thường Quân không hiểu
hết được ý nghĩa việc làm này.
Một năm sau, khi không được
vua Tề tin dùng nữa,
Mạnh Thường Quân phải lui về
đất Tiết để cư ngụ.
Dân chúng đổ xô ra đón ông
như một vị ân nhân đáng kính.
Bấy giờ ông mới hiểu việc
làm khôn ngoan trước đây của Phùng Huyên.
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bối rối.
Người quản gia bị mang tiếng
là phung phí tài sản của chủ.
Anh phải nghỉ việc, dù không
rõ tiếng tiếng đồn ấy có đúng không.
Anh không được bào chữa gì
cho chính mình.
Bây giờ anh chỉ lo chuyện
tương lai, sau khi thất nghiệp.
Anh suy nghĩ như một độc
thoại: “Mình sẽ làm gì đây?”
Và anh nhận ra những hạn chế
của mình về thân xác và tâm lý.
“Cuốc đất thì không nổi, ăn
mày thì hổ ngươi” (c. 3).
Dường như một ý nghĩ đã lóe
lên trong anh.
“Mình biết phải làm gì rồi,
để sau khi mất chức quản gia,
sẽ có người đón rước mình về
nhà họ!” (c. 4).
Anh quản gia chỉ có một thời gian ngắn để thu xếp trước khi ra đi.
Anh đã gọi các con nợ của
chủ đến,
và trong tư cách là người
còn có quyền, anh cho họ tự tay viết lại giấy nợ.
Họ đều là người nợ ông chủ
những số nợ lớn.
Số nợ này được giảm đáng kể,
dưới sự gợi ý của anh quản gia.
Một trăm thùng dầu ôliu, nay
chỉ còn nợ năm mươi thôi.
Một ngàn giạ lúa, bây giờ
chỉ còn nợ năm trăm.
Dĩ nhiên đối với anh,
tất cả đều phải theo nguyên tắc có qua có lại.
Anh đã cho họ được hưởng lợi
vào lúc này,
thì hẳn họ sẽ phải nhớ đến
anh lúc anh sa cơ lỡ vận (c. 4).
Ông chủ chắc đã biết trò gian xảo của anh.
Những lời đồn đãi trước đây
quả không hoàn toàn vô căn cứ (c.1).
Đúng anh là một tên quản gia
bất lương.
Vậy mà ông chủ đã khen anh,
điều này làm chúng ta bị sốc.
Nhưng chủ không hề khen sự
bất lương của anh.
Ông chỉ khen anh về cách
hành động khôn khéo (c. 8).
Anh khôn khéo vì anh biết
nghĩ ra cách để tìm được bảo đảm cho mình,
dù đó chỉ là thứ bảo đảm vật
chất ở đời này có tính tạm bợ.
Đức Giêsu lấy làm tiếc vì con cái ánh sáng là chúng ta
lại không có được sự khôn
ngoan như con cái đời này.
Người ngoài đời có nhiều bí
quyết để làm giàu, để thành đạt.
Họ có đủ khôn khéo để công việc
kinh doanh được trôi chảy.
Họ dám có sáng kiến và dám
liều để đem ra thực hiện.
Ước gì chúng ta có sự khôn
ngoan đích thực và ngay thẳng,
nghĩa là biết khéo tận dụng
mọi sự mình có,
để được gặp Chúa ở đời này
và được hạnh phúc ở đời sau.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người
trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Giáo huấn của bài
Tin Mừng hôm nay liên quan đến việc sử dụng tiền của: “Hãy dùng của cải bất
chính mà tạo lấy bạn bè”(Lc 16,9). Trong
bài dụ ngôn Chúa Giêsu nói
tới một người quản gia kia bị tố cáo là phung phí tài sản của chủ nên bị chủ
báo tin là sẽ cho thôi việc. Anh ta lo sợ trước tương lai bấp bênh nên đã tìm
cách xoay sở, để sau này khi anh mất việc thì có nhiều người giúp đỡ anh.
Mấu
chốt của câu chuyện là cách xoay sở của anh: anh gọi những người thiếu nợ đến
và sửa lại giấy nợ, nghĩa là giảm bớt phần nợ mà họ phải trả. Làm như thế họ sẽ
biết ơn anh và sau này sẽ giúp anh để đền ơn.
Chúa đã kết luận
cách làm của anh ta “và
chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời
này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng". Cái khôn khéo của người quản gia ở đây
là biết xoay sở, dự liệu cho tương lai. Biết “dùng
của cải bất chính mà tạo lấy bạn bè” (Lc
16,9). Như thế, Chúa muốn dạy chúng ta phải sử dụng tiền của cách đúng đắn,
nghĩa là dùng chúng như là phương tiện để tìm hạnh phúc Nước Trời.
Trong xã hội hiện
nay, nhiều người ham mê tiền của nên làm mọi cách để có tiền, có khi họ không
từ bỏ những thủ đoạn để chiếm hữu cho bằng được của cải vật chất. Chúng ta vẫn
hay nghe trên các phương tiện thông tin những vụ lừa bịp, gia đình bất hòa,
chém giết nhau chỉ vì tất đất, miếng ruộng…
Tiếc thay, khuynh
hướng đó cũng có khi len lỏi vào đời sống các Kitô hữu, biến họ thành nô lệ cho
tiền của. Những ai chỉ biết có tiền thì không thể biết thương cảm đến nỗi đau
của tha nhân và không thể làm giàu trước mặt Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin
cho chúng con biết chọn lối sống đơn sơ và giản dị, lối sống thanh thoát vươn
lên khỏi những ước muốn giàu sang phú quý. Xin cho con biết khôn ngoan lo liệu
cho hạnh phúc đời sau của mình bằng lối sống nghèo “vì phúc thay ai nghèo khó
vì Nước Thiên Chúa là của họ”. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7
THÁNG MƯỜI MỘT
Một
Cộng Đoàn Yêu Thương
Cộng
đoàn Kitôhữu được sinh ra từ Lời Chúa và cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Vượt Qua của
Đức Kitô. Nhưng có một yếu tố thứ ba nữa làm nên đời sống cộng đoàn, đó là tình
yêu được Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng chúng ta (Rm 5,5). Thật vậy, cộng
đoàn sẽ ra sao nếu thiếu vắng tình yêu? Đời sống cộng đoàn chúng ta sẽ ra sao nếu
chúng ta không thi hành điều mà Công Đồng gọi là “luật” của Dân mới của Thiên
Chúa: yêu thương như Chúa Kitô yêu chúng ta (LG. 9)? Đời sống cộng đoàn chúng
ta sẽ ra sao nếu chúng ta không có mối hiệp thông trọn vẹn với giám mục của
mình và với Giáo hội trên toàn cầu?
Nhưng
tình yêu ấy phải hữu hình. Nó phải là đặc trưng cho mọi khía cạnh đời sống chúng
ta trong tư cách là một cộng đoàn. Mối hiệp thông thiêng liêng phải trở thành một
mối hiệp thông của các quan hệ phong phú giữa người với người. Chúng ta phải có
một cung cách đích thực Kitôhữu trong quan hệ với nhau. Như tôi đã từng khẳng định,
thật vô cùng quan trọng việc một giáo xứ trở thành tiêu điểm sum họp vừa mang
tính nhân bản vừa mang tính Kitô giáo, để tạo lập một đời sống cộng đoàn trọn vẹn.
Các
cộng đoàn chúng ta được mời gọi cảm nếm trước nền văn minh tình thương. Và, căn
cứ vào mẫu thức của các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên, thì chúng ta phải thể hiện
được một đời sống xã hội phong phú đặc trưng bởi tình huynh đệ đích thực. Mối
quan hệ của chúng ta phải được định hình bởi bởi tinh thần hiếu hòa và dâng hiến.
Chúng ta cần một tinh thần cộng tác và hòa giải – để chữa lành những vết
thương. Chúng ta cần một đời sống thiêng liêng vững mạnh có sức kết hiệp chúng
ta với tình yêu của Thiên Chúa cũng như với tình yêu của anh chị em chung quanh
mình.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
07-11
Pl
3, 17-4,1; Lc 16, 1-8.
LỜI
SUY NIỆM: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó”
Người
quản gia bất lương, vì anh ta đã phung phí tiền của của ông chủ, ông chủ không
còn tin anh ta nữa. Anh biết sẽ mất việc, và mất tất cả. Anh ta đã suy tính và
độc thoại với chính mình, ngồi nghĩ ra một mưu kế, để sau này nuôi sống bản
thân mình. Hinh ảnh người quản gia bất lương đối với trần thế là khôn ngoan.
Còn đối với chúng ta là Kitô hữu, chúng ta có khôn ngoan, có suy nghĩ để sắp xếp
cuộc sống phần xác và phần hồn cho mai sau, làm thế nào để được vào Nước Trời
không?
Lạy
Chúa Giêsu, Xin cho mỗi người trong gia đình chúng con biết khôn ngoan sắp xếp đời
sống của mình để ngày sau được hưởng phước Thiên Đàng với Chúa và Đức Mẹ cùng
các Thánh.
Mạnh
Phương
07
Tháng Mười Một
Nỗi Khao Khát Của Hạt
Muối
Khao
khát duy nhất của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi giá, nó muốn khám
phá thế nào là biển... Ngày kia, nó ra đi... Vừa đến bờ biển, nó khám phá ra một
cái gì mênh mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:
-
Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?
Một
đợt sóng trả lời:
-
Hãy chạm đến ta, rồi ngươi sẽ hiểu.
Hạt
muối trườn mình xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm vui tột cùng làm
nó cảm thấy như không còn đứng vững được nữa. Nó cảm thấy như đang hòa lẫn từ từ
trong nước. Niềm vui dâng trào. Nó lại hỏi một lần nữa:
-
Biển ơi, hãy nói đi, ngươi là ai?
Một
đợt sóng cuối cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong nước. Nó chợt reo
vui lần cuối cùng:
-
Bây giờ ta mới hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta.
Hạt
muối chỉ có thể hiểu được thế nào là biển khi nó được hòa tan trong nước. Có
chìm ngập trong biển, có đi vào biển mới hiểu được thế nào là biển... Thiên
Chúa cao cả hơn lý trí của con người. Chúng ta không thể chỉ biết Thiên Chúa bằng
lý trí... Hãy để cho Thiên Chúa chiếm ngự, hãy để cho Thiên Chúa ôm chầm lấy
ta, ta mới có thể biết được Ngài là ai. Tình tri giao giữa Thiên Chúa và con
người chỉ có thể nảy nở bằng thinh lặng, hòa nhập trong cảm mến, tri ân.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét