Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Đức Cha Anthony Fisher nhậm chức TGM Sydney

Đức Cha Anthony Fisher nhậm chức TGM Sydney

Tối 12 hôm qua, Đức Cha Anthony Fisher O.P. đã chính thức nhậm chức TGM Sydney bằng một thánh lễ long trọng tại Nhà Thờ Chính Tòa St Mary, Sydney. 

Cứ nhìn vào các nhân vật và số người tham dự lễ nhậm chức cũng đủ thấy Sydney quả đã dành một cảm tình nồng hậu đối với vị TGM thứ chín của họ. Ngoài 2,000 ngồi chật ních trong nhà thờ, còn rất nhiều người phải đứng tại tần g hầm theo dõi màn ảnh truyền hình. Cùng tham dự với họ có đại diện của TT Tony Abbot, đại diện trưởng khối đối lập, cựu TT John Howard, Thống Đốc NSW David Hurley, Thủ Hiến NSW Mike Baird, Thị Trưởng Sydney Clover Moore và nhiều nhà lãnh đạo các tôn giáo bạn. Về phía Giáo Quyền, dĩ nhiên có Đức TGM Denis Hart, Chủ Tịch HĐGM Úc, Đức TGM Paul Gallagher, đai diện Tòa Thánh tại Úc và vừa được Đức Phanxicô cử làm ngoại trưởng Tòa Thánh, thay thế Đức TGM Mamberti thuyên chuyển Tòa Án Tối Cao, một chức vụ trước đây do Đức HY Burke của Hoa Kỳ nắm giữ từ năm 2008. Đáng lưu ý hơn hết là sự vắng mặt của vị tiền nhiệm, Đức HY George Pell.

Đức Tân TGM đã được ca đoàn của Các Trường Nghệ Thuật Biểu Diễn Công Giáo đón chào tại cửa phía nam Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary. Sau khi tiếp nhận tượng chịu nạn và nước thánh, ngài được tháp tùng vào Thánh Đường giữa lúc ca đoàn xướng các ca khúc bằng tiếng La Tinh. Trong số các ca khúc trong thanh lễ, người ta thấy Summae Trinitati của nhà soạn nhạc Ái Nhĩ Lan James MacMillan, Te Deum của Tomas Luis de Victoria và hợp xướng Missa Te Deum Laudamus của Palestrina. Ngoài ra còn ca khúc In Faith and Hope and Love của hai soạn giả Úc Richard Connolly và James Phillip MacAuley. 

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Tân TGM đoan hứa sẽ lấy lại niềm tin cho Giáo Hội tiếp theo cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục do một số giáo sĩ gây ra. 

Yvonne Molloy, 64 tuổi, cho Sky News hay bà cảm thấy tích cực đối với vị tân TGM và tin rằng ngài sẽ “khác” với vị tiền nhiệm. Bà cho hay: “Một số khía cạnh về hành chánh, trong vụ lạm dụng tình dục trẻ em, đã không được xử lý như ông đã từng hy vọng. Tôi nghĩ nhiều người có lẽ vẫn cho rằng ngài (Fisher) là kẻ được (Đức HY) Pell che chở, nhưng tôi hy vọng ngài sẽ là ngài’.

Daisy Dumas, của tờ Sydney Morning Herald, thì gọi đây là một thế hệ mới trong một nghi lễ có tính cổ truyền: vị tân TGM cởi bỏ bộ áo giám mục “giống như của ca đoàn” để mặc bộ phẩm phục “Thánh Mẫu” làm bằng lụa phụng vụ Âu Châu do một gia đình địa phương tặng. Ngài đeo nhẫn và thánh giá ngực mới và mang chiếc gậy tổng giám mục vốn thuộc vị TGM đầu tiên của Sydney là John Bede Polding trong các năm 1842-1877. 

Nhân dịp này, tờ The Australian cho rằng Tân TGM Anthony Fisher sẽ đối phó với các thử nghiệm của thời đại. Nhưng để đối phó với các thách đố này, ngài chọn Lễ Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu, vốn là bổn mạng Nước Úc, làm lễ nhậm chức. 

Ngài cho biết tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu đánh dấu “việc cầu bầu và đôi khi kình chống nhau của ba ý tưởng lớn từng lên khuôn linh hồn con người thời đại ta, đó là Kitô Giáo, Hồi Giáo và thuyết duy tục”. 

Ngài nói thêm “những khuynh hướng quá khích của từng dòng tư tưởng trên có lúc đe dọa sự an toàn của người khác; có lúc sống chung hòa bình và hợp tác với nhau trong một số phương cách nào đó. Là một giám mục Công Giáo, tôi tuyên xưng niềm tin vào con người Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng của Người là kẻ thừa tự của phần lớn Do Thái Giáo và đã trở thành nền tảng cho nền văn minh mới mẻ Tây Phương và là một cố gắng truyền giáo vĩ đại nhằm đem đức tin và thờ phượng, giáo dục và chăm sóc y tế, phúc lợi và chăm sóc mục vụ, đến tận cùng thế giới”. 

Ngài nói rằng trong thế kỷ 16, “giữa các căng thẳng trầm trọng giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo (dưới hình thức Liên Minh Thánh và Đế Quốc Ottoman), Đức Thánh GH Piô V đã kêu gọi Âu Châu lần chuỗi mân côi cho hòa bình và an ninh”. Đức Piô V, vị GH từng tổ chức một liên minh các lực lượng Kitô Giáo để đẩy lui những người Hồi Giáo quá khích tại Vịnh Lepanto vào năm 1571, cũng giống Đức TGM Fisher, đều thuộc Dòng Đa Minh, dòng của Kinh Mân Côi. Từ đấy, người Công Giáo vẫn cho rằng chiến thắng Lepanto là chiến thắng của Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu. 

Nhưng người con của Thánh Đa Minh ngày nay có khác. Đức TGM Fisher nói rằng ngài chìa “bàn tay thân hữu và hợp tác ra cho người của các tín ngưỡng khác và cả người vô tín ngưỡng nữa”. Hồi còn là GM Parramatta, ngài làm việc chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Hồi Giáo. 

Trong bài giảng lễ, ngài cũng cho thấy ngài sẽ là một nhà lãnh đạo thẳng thắn, cương quyết đối với các sai sót của Giáo Hội: “trách nhiệm của vị mục tử, trong bất cứ thời đại nào, cũng vốn là một trách nhiệm nặng nề, nhưng trong thời đại ta, nó lại càng nặng nề hơn bởi việc làm đáng xấu hổ của một số giáo sĩ và bởi các thiếu sót trầm trọng của một số nhà lãnh đạo không chịu can thiệp”. 

Ngài tâm sự rằng nghe truyện kể của các nạn nhân quả là đau lòng, họ bị bỏ rơi xiết bao và đến giờ này, vẫn còn đau đớn vô kể. “Với những người sống thoát cơn lạm dụng và tất cả những ai chịu ảnh hưởng, tôi xin thưa: Giáo Hội, và riêng tôi, hối hận sâu xa về những gì đã xẩy ra. Mọi người trẻ tuổi cần được qúy yêu và bảo vệ.

“Giáo Hội có thể làm tốt hơn nữa và tôi cam kết sẽ dẫn đầu trong lãnh vực này. Tôi cầu xin để Giáo Hội, sau thời kỳ bị tra vấn công khai như thế này, sẽ trở nên khiêm tốn hơn, biết cảm thương hơn và thực sự tái sinh về thiêng liêng. Chỉ lúc ấy, ta mới lấy lại tính đáng tin và sự tín thác nơi nhiều con mắt. 

“Với những ai tách biệt khỏi Giáo Hội trong những năm gần đây vì các thất bại của chúng tôi hay vì một lý do nào khác, tôi xin thưa: hãy trở về nhà, hãy cho chúng tôi một cơ hội nữa và giúp chúng tôi trở thành một Giáo Hội tốt hơn. Chúng tôi cần cái nhìn thông sáng, niềm phấn khích và lời cầu nguyện của các bạn”. 

Nguyên văn bài giảng lễ

Khi Cha John Joseph Therry đặt tên cho ngôi nhà nguyện Công Giáo đầu tiên của khu thuộc địa New South Wales là “Thánh Maria, Phù Hộ Các Giáo Hữu”, ngài đã chọn một tước hiệu để chỉ sự cầu bầu và đôi khi sự kình chống giữa ba ý tưởng vốn lên khuôn linh hồn con người ở thời đại ta: Kitô Giáo, Hồi Giáo và thuyết duy tục.

Trong thế kỷ 16, giữa các căng thẳng nghiêm trọng giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo (dưới hình thức Liên Minh Thánh và Đế Quốc Ottoman), Thánh Giáo Hoàng Piô V kêu gọi Âu Châu lần chuỗi mân côi cầu cho hòa bình và an ninh. Trong thế kỷ 19, khi thuyết duy tục (dưới hình thức Cách Mạng Pháp và Napoléon) cũng tìm cách bót nghẹt Giáo Hội, Đức GH Piô VII cũng đã kêu gọi như thế. Hai thế kỷ trước đây, vào cùng năm nay, ngài đã được giải thoát và Giáo Hội lại sống sót một lần nữa. Một năm sau, ngài đưa lễ kính “Phù Hộ Các Giáo Hữu” vào lịch phụng vụ và thêm một tước hiệu nữa vào chuỗi dài các tước hiệu từng khởi đầu với Tin Mừng tối nay khi Êlisabét gọi Đức Mẹ là “Mẹ của Chúa tôi” và “Diễm Phúc Hơn Mọi Người Nữ” (Lc 1:39-56). 

Ta cần phải nói nhiều hơn về ba người anh em họ này: Kitô Giáo, Hồi Giáo và thuyết duy tục, những giống nhau, khác nhau và căng thẳng trong gia đình của họ. Những khuynh hướng quá khích trong từng dòng này có lúc đe doạ sự an toàn của người khác; có lúc sống chung hòa bình và hợp tác cách nào đó.

Là một giám mục Công Giáo, tôi tuyên xưng đức tin vào con người Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng của Người là người nối dõi của phần lớn Do Thái Giáo và trở thành nền tảng của nền văn minh mới Tây Phương và một cố gắng truyền giáo vĩ đại nhằm đem đức tin và thờ phượng, giáo dục và chăm sóc y tế, phúc lợi và chăm sóc mục vụ, đến tận cùng thế giới, thậm chí xa xôi như nước Úc thuộc địa. Nhưng như ta nghe trong bài đọc thứ nhất tối nay, Người Đàn Bà của Khải Huyền tức Israel, Giáo Hội, Mẹ Đồng Trinh, không luôn có Tin Mừng ấy cách dễ dàng, dù đã hạ sinh Hoàng Tử Hòa Bình (Kh 11:19; 12:1-6,10). 

Giáo Hội non trẻ Úc đại lợi vốn có lý do đặc biệt để tôn kính Đức Maria: trong những năm tháng các linh mục và thánh lễ Công Giáo bị ngăn cấm, hàng ngũ giáo dân đã duy trì để đức tin sống động bằng cách công khai đọc kinh mân côi. Ngôi nhà thờ Công Giáo đầu tiên, sau này trở thành nhà thờ chính tòa khi Đức GM John Bede Polding tới đây năm 1835, đã được xây dựng bằng những đồng xu của người Công Giáo Ái Nhĩ Lan và Anh nghèo khổ nhưng cũng đã được sự trợ giúp của vị thống đốc sáng suốt lúc ấy là ông Macquarie, và một số người Thệ Phản giầu có. Đó là điển hình của lòng tôn trọng tự do tôn giáo, và hợp tác giữa Giáo Hội và nhà nước, và sự hoà hợp của các tín hữu.

Tôi tin rằng đó chính là một trong các sức mạnh vĩ đại nhất của Đất Nước ta và sự hiện diện tối nay của nhiều nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo khác nhau đã chứng minh cho điều đó. Ta phải không ngừng cảnh giác để bảo vệ các khía cạnh này trong đời sống quốc gia của ta. Đối với người thuộc các tín ngưỡng khác hay không có tín ngưỡng nào cả, tôi chìa bàn tay thân hữu và hợp tác ra, và với những người đang đau khổ tại quê nhà và ở ngoại quốc vì đức tin của họ, tôi cam kết sẽ làm việc cho hoà bình và hoà hợp. 

II

Các vị giám mục đầu tiên của Sydney thuộc dòng Bênêđíctô; tôi thuộc dòng Đa Minh. Dòng của tôi được thành lập cách nay 8 thế kỷ “để rao giảng và cứu rỗi các linh hồn”. Những tu sĩ đầu tiên đúng ra khá dè dặt đối với việc các tu sĩ nhà mình trở thành giám mục. Khi nhà thần học kiêm khoa học gia, Thánh Alberto Cả, được bổ nhiệm làm giám mục ở Regensburg, Cha Bề Trên Cả của Dòng là Humbert Người Rôma, viết thế này:

“Tôi muốn cha chết đi hơn là làm giám mục… Tại sao hủy hoại danh tiếng của cha và danh tiếng của Dòng bằng việc để mình bị lấy khỏi sự nghèo khó và việc rao giảng? Bất kể cha thấy anh em mình bối rối thế nào, cha đừng bao giờ tưởng tượng rằng sự việc sẽ tốt hơn khi cha có hàng giáo sĩ triều và quyền lực để đương đầu với… Tốt hơn nên nằm vào quan tài còn hơn ngồi vào ghế giám mục!”. 

Thánh Phaolô, trong thư ta đọc hôm nay, dự ứng trước và đã trả lời cha Humbert, bằng cách nhắc nhở ta rằng Chúa Kitô ban ơn cho người này làm tông đồ hay người rao giảng Tin Mừng, cho người khác làm mục tử và thầy dạy, người khác nữa, như chính ngài, làm tất cả những việc ấy, nhưng tất cả “đều nói sự thật trong yêu thương” và do đó, đều xây dựng Giáo Hội cả (Eph 4:1-16). 

Trách nhiệm của vị mục tử là một trách nhiệm nặng nề, bất cứ ở thời nào, nhưng ở thời ta, nó càng nặng nề hơn nữa bởi việc làm đáng xấu hổ của một số giáo sĩ và sự thất bại nghiêm trọng của một số nhà lãnh đạo khi đáp ứng. Bản thân tôi, như một giám mục, tôi cũng đau nhói khi nghe các người sống sót kể cho nghe truyện của họ, nghe họ nói họ cảm thấy bị bỏ rơi ra sao và tiếp tục đau khổ như thế nào. 

Với các người thoát cơn lạm dụng và mọi người chịu ảnh hưởng, tôi xin thưa: Giáo Hội, cá nhân tôi, hối hận sâu xa về những gì đã xẩy ra. Mọi người trẻ cần được qúy trọng và bào vệ. Giáo Hội có thể làm tốt hơn nữa và tôi cam kết sẽ dẫn đầu trong lãnh vực này. Tôi cầu xin cho Giáo Hội, sau thời kỳ bị công khai tra vấn như thế này, sẽ trở nên khiêm nhường hơn, cảm thương hơn và tái sinh về phương diện thiêng liêng. Chỉ lúc đó, ta mới lấy lại được sự đáng tin và sự tín thác dưới mắt nhiều người. Với những ai đã tách biệt khỏi Giáo Hội trong những năm gần đây vì các thất bại của chúng tôi hay vì lý do nào khác, tôi xin thưa: các bạn hãy trở về nhà, hãy cho chúng tôi một cơ hội nữa, và giúp chúng tôi trở nên một Giáo Hội tốt hơn. Chúng tôi cần các tầm nhìn thông sáng, niềm phấn khởi và lời cầu nguyện của các bạn.

III

Khi Đức Maria mới mang thai chào kính người chị em họ của mình, Tin Mừng thuật lại rằng con trẻ nhẩy mừng trong lòng Bà Êlisabét. Các thi sĩ đã mô tả bào thai Gioan Baotixita nhào lộn hân hoan khi thấy Đấng Cứu Thế tới; các nhà vẽ tranh mô tả ngài nhẩy mừng trong thế qùy gối; cách nào thì cũng không dễ chịu gì cho mẹ ngài cả! Nhưng khung cảnh ấy nắm bắt được nỗi phấn khích mà tất cả chúng ta đều cảm thấy khi gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Người con trai chưa sinh này đã hé thấy ơn gọi của cậu làm ngón tay chỉ tới Chúa Kitô. 

Với tôi, tôi cần nhiều thì giờ hơn thế mới nắm bắt được! Là đứa nhỏ tại các giáo xứ Lakemba và Lane Cove thời Đức HY Gilroy, lớp chúng tôi được đọc cuốn Người Chính Nhân Kitô Hữu (The Christian Gentleman) của Sư Huynh Davy với lời tựa của Đức Hồng Y. Lời khuyên của cuốn sách về phép xã giao với các thống đốc, thủ hiến và khâm sứ xem ra chẳng liên hệ gì, tôi biết rất ít! Đến tuổi thiếu niên tại Riverview và Đại Học Sydney, Đức HY Freeman là tổng giám mục và ngài rửa chân cho tôi vào một tối Thứ Năm Tuần Thánh; tôi chưa bao giờ mơ ước có ngày lại đi rửa chân ở tại đây, nên nhớ tôi phải “phục vụ chứ không được người ta phục vụ” (Ga 13:1-17; Mt 20:25-28). 

Là một giáo sĩ trẻ tại Sydney và Melbourne thời Đức HY Clancy, tôi chưa bao giờ ước đoán một ngày kia mình sẽ đứng lên vai những con người vĩ đại này, ngược lên tới Polding. Tôi biết ơn kính chào người cha mới qua đời của chúng ta,Ted Clancy. Tôi cũng biết ơn Đức HY George Pell, người mà tôi làm phụ tá trong 7 năm và là người trước khi được bổ nhiệm qua Rôma đã thực hiện được nhiều việc trong giáo dục, các ban tuyên úy và các chủng viện, các trung tâm huấn luyện, tĩnh tâm và hành hương, và trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới, biến cố mà tôi hân hạnh được liên kết với. 

Được trở lại con đường mới mẻ này quả là vui sướng xiết bao! Tôi đã sống hay làm việc tại vùng Tây Nam Sydney và vùng hạ Bắc Sydney, thượng Bắc Sydney, nội thành và vùng phía Đông, và mới đây vùng phía Tây của hành phố vĩ đại này. Tôi yêu người dân của nó. Đức GH Phanxicô nói rằng các mục tử phải có mùi chiên. Đây không phải lời bình luận về việc vệ sinh của giáo sĩ: nó là lời nhấn mạnh đòi ta phải từ giáo dân mà ra và vì giáo dân mà hành dộng. Bởi thế, xin qúy vị cầu nguyện để tôi mãi mãi là người chăn chiên Sydney như lòng Chúa Giêsu Kitô mong muốn. 

IV

Tối nay, tôi nhìn trở lui nguồn cội của ngôi nhà thờ chính tòa này, của giáo phận này và của Giáo Hội toàn quốc này. Nhìn tới trước, chúng ta còn phải xây dựng thêm nhiều nữa. Trên hết, chúng ta có Chúa Giêsu Kitô như viên đá nền và rất nhiều công trình được Chúa Thánh Thần linh hứng suốt hai thế kỷ qua. 

Giáo Hội tại Úc hiện có khoảng 10,000 giường bệnh viện, 20,000 nơi chăm sóc người già, 700,000 ghế trường học, và đang trợ giúp không biết bao nhiêu người qua các giáo xứ, CatholicCare và hội St. Vincent de Paul. Năm triệu rưỡi người Công Giáo, trong 1,300 giáo xứ, thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, đang đóng góp muôn hình vạn trạng cho quốc gia chúng ta. Các nền dân chủ hoà bình, các nền kinh tế giầu có và các xã hội gắn bó không phải bỗng nhiên mà có: chúng tùy thuộc cả một phức thể gồm nhiều lý tưởng, thực hành và định chế và tại xứ sở này tất cả những điều vừa kể phần lớn đều là gia bảo của Do Thái Giáo và Kitô Giáo, dù ít được thừa nhận như thế. Còn cần phải làm nhiều hơn nữa để đổi mới vốn liếng xã hội này và tôi xin dấn kết Giáo Hội tại Sydney vào trách vụ này. 

Tổng Giáo Phận này sẽ có hình dáng ra sao khi, nếu Chúa Muốn, tôi sẽ về hưu vào năm 2035? Tôi hy vọng sẽ có một Giáo Hội trong đó Tin Mừng được rao giảng cách hân hoan, đức khôn ngoan của truyền thống ta được đào xới cách trung thành, các bí tích được cử hành cách xứng đáng và với thái độ chào đón, còn các chủng viện, các tu viện và các nhóm tuổi trẻ sinh động với sinh khí mới; một Giáo Hội trong đó các giáo xứ, các ban tuyên úy và các định chế giáo dục là những trung tâm chân thực của tân phúc âm hóa, các giáo dân của ta hiểu biết về thần học và được huấn luyện kỹ về linh đạo, các chương trình vươn tay của ta ra với người túng thiếu được hữu hiệu và lớn mạnh, và trên hết, Thiên Chúa được tôn vinh. Điều này phần lớn tùy thuộc ba nhân tố sau đây: các giáo sĩ và tu sĩ của ta; các gia đình của ta; và người trẻ của ta. Tôi xin kết thúc bằng mấy lời vắn tắt với từng nhân tố này.

Bất chấp các tiết lộ nản lòng trong quá khứ và các đòi hỏi quá mức vào lúc này, chúng ta vẫn được sự phục vụ của rất nhiều linh mục quảng đại, các tu sĩ thánh thiện và các chủng sinh can đảm và tối nay, tôi xin chào mừng những vị đó của Tổng Giáo Phận với một niềm lạc quan và qúy mến to lớn. Quả là một đặc ân được tham gia với qúy vị trong việc phục vụ vườn nho của Chúa. Tôi hy vọng rằng nhiều thợ làm vườn nho mới sẽ cùng chúng ta tiến tới. Tối nay, tôi hứa sẽ cầu nguyện với qúy vị và cho qúy vị, sẽ lắng nghe và học hỏi từ qúy vị, sẽ hướng dẫn và hỗ trợ qúy vị như một người cha với hết sức tôi, và sẽ làm việc với qúy vị như một người anh em trong sứ vụ chung. 

Tối nay, tôi cũng đoan hứa sẽ hiến thân hỗ trợ hôn nhân và gia đình vào một thời điểm định chế này bị hiểu lầm rất nhiều và chịu nhiều sức ép. Tôi là TGM Sydney đầu tiên may mắn được cả cha lẫn mẹ hiện diện trong lễ khởi đầu sứ vụ của mình và tôi cám ơn Thiên Chúa vì tình yêu và sự hỗ trợ của Colin (cha ngài) và Gloria (mẹ ngài) suốt 50 năm qua. Chính trong Giáo Hội tiểu gia của các ngài lần đầu tiên tôi đã được nghe Tin Mừng sự sống và yêu thương. Với trọn cõi lòng, tôi xin cám ơn các ngài, các em của tôi và toàn bộ gia đình cùng bằng hữu, đã thương yêu tôi xiết bao và sẵn sàng chia sẻ với tôi lúc này cùng với gia đình mới gồm khoảng 600,000 người Công Giáo của Tổng Giáo Phận. 

Tôi cũng xin chào kính các tín hữu giáo dân, trong đó có các cộng sự viên của tôi tại các giáo xứ, trường học, đại học và các cơ quan. Thánh Gioan Phaolô II kêu gọi anh chị em làm tiên tri của sự thật, tác nhân của tân phúc âm hóa cho thiên niên kỷ mới. Đức GH Bênêđíctô XVI mời gọi anh chị em làm đối tượng của cái đẹp, giống như các viên đá qúy biết khúc xạ vinh quang Thiên Chúa và lôi kéo mọi con mắt hướng về Người. Và nay, Đức GH Phanxicô mời gọi anh chị em làm mẫu mực của sự thiện, “các môn đệ truyền giáo” như Đức Maria luôn vươn tay ra với người chị em họ của mình và với thế giới đau khổ, chỉ cho mọi người thấy “lòng xót thương từng được hứa với tổ tiên chúng ta”. Với người mang tên ngài, Thánh Mary MacKillop, anh chị em hãy biến việc thông truyền đức tin và lòng thương xót ấy cho người trẻ thành việc mình quan tâm đặc biệt. 

Và với mọi người trẻ của Sydney, tôi đặc biệt âu yếm thưa rằng: các bạn hãy mở trái tim mình ra đón nhận cuộc phiêu lưu của Tin Mừng. Tối nay, trong chỉ dụ bổ nhiệm tôi, các bạn nghe Đức Thánh Cha nhắc tới các bạn như spes Ecclesiae, "niềm hy vọng của Giáo Hội”. Tôi tùy thuộc các bạn, xin các bạn cho tôi mượn mọi năng lực và lý tưởng của các bạn. Các bạn đừng bao giờ mua các dối trá cho rằng không có gì là sự thật cả, tất cả đều tương đối, lý tưởng của các bạn chỉ là ảo tưởng, các việc làm tốt của các bạn chỉ vô ích. Các bạn trẻ thân mến, với Thiên Chúa ở bên cạnh, ai có thể chống lại các bạn được? 

Việc cử hành tối nay đem chúng ta trở lại với thời của cha Therry và của Đức Cha Polding, qua bao thế hệ liên tiếp, tới Giáo Hội trẻ rung vẫn còn đang xuất hiện vào thiên niên kỷ thứ ba này. Lúc nhận nhiệm vụ mới này, tôi xin tất cả qúy vị cùng suy niệm về ơn gọi đích danh xây dựng Giáo Hội và cộng đồng. Xin qúy vị cùng tôi thưa lời Xin Vâng của Đức Maria, vô điều kiện, với Thiên Chúa. Với Thánh Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu, linh hồn ta hãy tán dương Chúa và thần trí ta hãy vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ ta. Vì Đấng Toàn năng đã làm cho ta những điều kỳ diệu: danh Người thật chí thánh chí tôn!

Vũ Văn An11/13/2014(vietcatholic)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét