Nội dung bài nói chuyện của Ðức Hồng Y
Filoni
Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo
với các linh mục giáo tỉnh Hà Nội
Nội dung bài nói chuyện của
Ðức Hồng Y Filoni Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo với các linh mục giáo tỉnh Hà Nội.
Hà Nội (Vat. 20-01-2015) -
Như qúy vị đã biết, trong các ngày từ 19 đến 25 tháng giêng năm 2015 Ðức Hồng Y
Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, viếng thăm Việt Nam, theo lời mời
của Ðức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Ðọc, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.
Lúc 10 sáng ngày 20 tháng 1 năm
2015 Ðức Hồng Y đã gặp gỡ các linh mục toàn Giáo tỉnh Hà Nội. Sau đây chúng tôi
xin gửi tới quý vị nội dung bài nói chuyện của ngài:
Mở đầu bài nói chuyện Ðức
Hồng Y nói: Anh em thân mến trong chức Linh Mục, tôi xin chào anh em tất cả, và
tôi đem đến cho anh em phép lành của Ðức Thánh Cha Phanxicô. Tôi hài lòng được
ở trên miền đất được chúc phúc này, miền đất của một Giáo Hội sinh động và vững
vàng, nơi máu của nhiều vị tử đạo đã đổ ra một cách anh hùng. Hàng năm vào ngày
24 tháng 11 Giáo Hội cử hành việc tưởng nhớ các Thánh Anrê Dũng Lạc linh mục và
116 bạn tử đạo, tôi có dịp đọc lại bức thư hay đẹp của thánh Phaolô Lê Bảo
Tịnh, viết trong ngục gửi các chủng sinh. Tình yêu của ngài đối vớí Chúa Giêsu
và Giáo Hội cũng như sự lo lắng mục vụ cho các chủng sinh được giao phó cho
ngài, đánh động tôi rất nhiều. Gương sáng của ngài luôn luôn dấy lên trong tôi
ước muốn nồng cháy đối với Chúa và việc phục vụ Giáo Hội Ngài. Như là các linh
mục có trách nhiệm với các giáo đoàn Việt Nam anh em được mời gọi là "muối
đất và ánh sáng" (x. Mt 5,13-15) trong xã hội này. Hãy noi gương các tiền
nhân tử đạo anh dũng của anh em và hãy xứng đáng là những người kế vị các ngài.
Tiếp tục diễn văn Ðức Hồng Y
Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đề cập tới công tác rao truyền Tin Mừng. Ngài nói:
Anh em thân mến, đề trài rao giảng Tin Mừng vẫn còn và sẽ luôn luôn đáng kể,
bởi vì Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Ðề tài này đã được Ðức Thánh Cha
Phanxicô nhắc lại và nêu bật đặc biệt trong Tông huấn "Niềm vui Phúc
Âm". Tài liệu qúy báu này phải là điểm tham chiếu cho Giáo Hội Việt Nam,
được mời gọi đồng thời bưóc đi trên con đường hoán cải và dấn thân rao giảng
Tin Mừng. Trong nghĩa đó chúng ta hãy nhớ rằng việc rao giảng Tin Mừng nảy sinh
từ Tin Mừng và liên tục tái sinh trong cuộc găp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu. Cuộc
gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi đời sống đồng thời trao ban niềm vui sâu xa đích
thật luôn hướng tới chỗ truyền thông. Ðức Thánh Cha viết: "Nếu có một ai
đã tiếp nhận tình yêu trao ban cho mình ý nghĩa cuộc sống, làm sao lại có thể
kìm hãm ước muốn thông truyền nó cho người khác được?" (EG, 8). Rao giảng
Tin Mừng là loan báo Chúa Kitô, gặp gỡ Ngài và được Ngài canh tân. Thật là hay,
điều Ðức Thánh Cha đã viết trong Thông điệp Ánh Sáng Ðức Tin và lấy lại trong
Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm: "Giáo Hội không lớn lên vì chiêu dụ tín đồ
nhưng vì hấp dẫn" (s. 14). Như là những người rao giảng Tin Mừng chúng ta
sống kinh nghiệm niềm vui Phúc Âm trong việc trở thành con cái của Thiên Chúa,
là linh mục của Chúa, trong việc phục vụ tín hữu được giao phó cho cho sự chăm
sóc của chúng ta.
Ðức HồngY Tổng trưởng Bộ
Truyền Giáo cũng đã đề cập tới tầm quan trọng của đời sống thiêng liêng. Ngài
nói: Trước hết tôi muốn nói tới đời sống thiêng liêng của linh mục, bởi vì
"nếu chúng ta sống theo Thần Khí, chúng ta cũng bước đi theo Thần
Khí", theo lời thánh Phaolô dậy các tín hữu Galát (5,25). Với các lời này
thánh Tông Ðồ nhắc cho chúng ta nhớ rằng cuộc sống thiêng liêng của linh mục
phải được linh hoạt bởi Thần Khí của Thiên Chúa, là Ðấng dẫn đưa chúng ta tới
sự thánh thiện, được hoàn thiện bởi lòng bác ái. Chúng ta là linh mục, còn hơn
mọi tín hữu khác, chúng ta được mời gọi sống thánh thiện bởi căn tính của mình:
là những người đã được thánh hiến với dầu và được sai đi loan báo sứ điệp tươi
vui cho người nghèo. Việc thánh hóa linh mục trước hết hệ tại mối dây thân tình
và sâu xa với Chúa Giêsu, là Ðầu và là Mục Tử của Giáo Hội. Các linh mục được
mời gọi sống tính cách triệt để của Tin Mừng, bước theo Chúa Kitô khiết tịnh,
khó nghèo và vâng lời. Trước hết linh mục là một người được mời gọi trở nên
đồng hình dạng với Chúa Giêsu Thượng Tế và là Linh Mục Ðời Ðời. Nói cách khác,
chúng ta phải yêu như Chúa Giêsu yêu, nghĩ như Chúa Giêsu nghĩ, hành động như
Chúa Giêsu hành động, phục vụ như Chúa Giêsu phục vụ, trong mọi lúc của cuộc
đời. Là linh mục không phải là một nghề hay một văn phòng bàn giấy có thể chọn
thi hành trong một thời gian, rồi thôi. Là linh mục là "một kiểu
sống" chứ không phải là một công việc. Vị linh mục sống chức linh mục của
mình, nhưng không bao giờ hoàn toàn chiếm hữu nó. Là các linh mục của Thiên
Chúa, hơn là các giáo sĩ, nghĩa là những người quen thuộc với một điều kiện tôn
giáo trong chức linh mục. Ðể sống tràn đầy căn tính linh mục, đời sống thiêng
liêng của linh mục phải gắn liền với lời cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa. Cầu
nguyện và lắng nghe, như Mẹ Maria. Ðó là thái độ của người tín thác nơi quyền
năng của Thiên Chúa, để cho mình được Thiên Chúa sửa dậy và để cho Thiên Chúa
hoạt động trong cuộc đời mình.
Ðiểm thứ tư Ðức Hồng Y Tổng
trưởng Bộ Truyền Giáo trình bầy trong bài nói chuyện với các linh mục giáo tỉnh
Hà Nội sáng ngày 20 tháng Giêng là cuộc sống luân lý. Ðức Hồng Y nói: Liên quan
tới cuộc sống luân lý tôi muốn nói về việc độc thân linh mục. Sự lựa chọn này
phải đuợc nhìn trong bối cảnh của "mối dây mà sự độc thân có với Phép
Truyền Chức Thánh, khiến cho vị linh mục trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu
Kitô, là Ðầu và là Phu Quân của Giáo Hội. Giáo Hội, như là Hôn Thê của Chúa
Giêsu Kitô, muốn được linh mục yêu thương một cách toàn vẹn và triệt để như
kiểu Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương Giáo Hội" (Pastores Dabo Vobis, 29).
Hiểu như thế linh mục sẽ tiếp nhận sự độc thân "với quyết định tự do và
yêu thương cần liên lỉ canh tân" (ibid.), vì ý thức về sự yếu đuối của điệu
kiện là người của mình. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng "để sống tất cả các
đòi buộc luân lý, nục vụ và tinh thần của việc độc thân linh mục lời cầu nguyện
khiêm tốn và tin tưởng là điều tuyệt đối cần thiết (ibid,). Có một cách duy trì
cuộc sống linh mục đó là vun trồng một tương quan huynh đệ với các anh em khác
trong chức linh mục. Việc đồng hành và sư nâng đỡ của các linh mục luôn luôn là
một ơn thánh và là một cứu giúp quý báu giúp cho chức linh mục và sứ vụ của
chúng ta được sinh động. Nơi đâu thiếu một tương quan huynh đệ giữa các linh
mục, thì nơi đó luôn luôn bắt đầu một cuộc khủng hoảng. Cần duy trì một tương
quan tốt với cả Giám Mục của mình nữa, là cha và là đầu của Giáo Hội địa
phương, trong sự qúy trọng và tin tưởng thổ lộ.
Ðiểm cuối cùng Ðức Hồng Y
Filoni trình bầy là đời sống mục vụ. Ngài nói với các linh mục: Liên quan tới
cuộc sống mục vụ Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chúng ta về nguy cơ các
linh mục gặp phải là "ám ảnh lo lắng cho thời giờ riêng tư của mình".
Ngài viết : "Ðiều này xảy ra một cách thường xuyên do sự kiện người ta cảm
thấy nhu cầu cấp thiết phải duy trì các khoảng không độc lập, làm như thể nhiệm
vụ rao truyền Tin Mừng là một thuốc độc nguy hiểm, thay vì là một trả lời tươi
vui đối với tình yêu của Thiên Chúa, là Ðấng triệu vời chúng ta cho một sứ mệnh
và khiến cho chúng ta hoàn toàn và phong phú. Vài người kháng cự lại đến độ cảm
thấy cho tới tận cùng hương vị của sứ mệnh và bị lôi cuốn vào sự thờ ơ gây tê
liệt" (EG, 81). Ðể tận hiến toàn cuộc sống và sức lực cho việc phục vụ
Giáo Hội, chúng ta cần có tình bác ái mục vụ của Chúa Giêsu, là Ðấng đã trao
ban mạng sống mình cho đoàn chiên. Chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu trong
việc tận hiến chính mình và trong việc phục vụ. Chính lòng bác ái mục vụ mà
chúng ta đã được thấm nhuần, sẽ làm cho sứ vụ linh mục của chúng ta được phong
phú và sẽ định đoạt kiểu suy tư và hành xử của chúng ta" (Pastores Dabo
Vobis, 23). Tình bác ái mục vụ đòi hỏi nơi chúng ta việc hoán cải mục vụ, xin
chúng ta "ra khỏi các tiện nghi của mình và có can đảm đi tới các vùng
ngoại biên cần ánh sáng Tin Mừng" (EG, 20). Mục tiêu ưu tiên của lòng bác
ái mục vụ là những người nghèo, những người bị gạt bỏ ngoài lề, những người bé
nhỏ, đau yếu, những người tội lỗi và những người không tin.
Thể rồi trong các thành phố
lớn cần chú ý đến các người di cư và các nô lệ mới. Trong sứ điệp gửi Ngày Hoà
Bình Thế Giới 2015 Ðức Thánh Cha đã đề cập tới nhiều gương mặt của cảnh nô lệ:
các công nhân bị biến thành nô lệ, các người di cư, các nam nữ nô lệ tình dục
vv... Ngoài ra, trong sứ điệp cho Ngày Ði Cư Tỵ Nạn 2015 lần thứ 101 (3-9-2014)
Ðức Thánh Cha đã viết rẳng Chúa Giêsu là "người rao giảng Tin Mừng tuyệt
vời, là hiện thân Tin Mừng; và sự ân cần của Ngài đặc biệt hướng tới những
người dễ bị tổn thương nhất và bị gạt bỏ ngoài lề, mời gọi tất cả mọi người lo
lắng cho các người giòn mỏng nhất và nhận ra gương mặt đau khổ cùa Ngài, nhất
là nơi các nạn nhân của các hình thức mới của sự nghèo túng và nô lệ".
Tình bác ái mục vụ khiến cho chúng ta luôn luôn sẵn sàng lãnh nhận bất cứ dấn thân
nào cho thiện ích của Giáo Hội và của các linh hồn.
Anh em thân mến trong chức
Linh Mục, tôi xin cám ơn lòng nhiệt thành và dấn thân không mệt mỏi của anh em
trong công tác rao truyền Tin Mừng. Chúng ta hãy tiến lên, đươc linh hoạt bời
tình yêu thương chung đối với Chúa và Giáo Hội Thánh Mẹ chúng ta. Xin Ðức Mẹ La
Vang che chở và đồng hành với anh em. Chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu
nguyện.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét