27/02/2015
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
I Mùa Chay
Bài
Ðọc I: Ed 18, 21-28
"Có
phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống
ư?"
Trích
sách Tiên tri Êdêkiel.
Ðây
Chúa là Thiên Chúa phán: "Nếu kẻ gian ác ăn năn sám hối mọi tội nó đã phạm,
tuân giữ mọi giới răn của Ta, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ sống chớ
không phải chết. Ta sẽ không nhớ lại mọi tội ác nó đã phạm: nó sẽ sống nhờ việc
công chính mà nó đã thực hành! Chúa là Thiên Chúa phán: "Có phải Ta muốn kẻ
gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?
Còn
nếu kẻ công chính bỏ đàng công chính, và phạm tội ác cách ghê tởm như người
gian ác quen phạm, có phải nó được sống ư? Chẳng ai còn nhớ đến mọi việc công
chính nó đã thực hiện, vì sự bất trung nó đã làm và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ
phải chết.
Các
ngươi nói rằng: "Ðường lối của Chúa không chính trực". Vậy hỡi nhà
Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại
đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công
chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu
kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được
sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải
chết".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8
Ðáp: Nếu Chúa con
nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? (c. 3)
Xướng:
1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu;
dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. - Ðáp.
2)
Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường
rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. - Ðáp.
3)
Tôi hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn tôi trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn tôi
mong đợi Chúa tôi, hơn người lính gác mong trời rạng đông. - Ðáp.
4)
Hơn lính gác mong hừng đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa tôi: Bởi vì Chúa rộng
lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho
khỏi mọi điều gian ác. - Ðáp.
Câu
Xướng Trước Phúc Âm: Ga 11, 25a và 26
Chúa
phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".
Phúc
Âm: Mt 5, 20-26
"Hãy
đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính
hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con
đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt
nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị
toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị.
Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang
dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con,
thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước
đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc
đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao
con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ
không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!"
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Hãy
Làm Hòa Với Anh Em
Khi
hay tin cậu con trai yêu quí duy nhất của mình là Giacóp vừa tử trận, nữ bá tước
Listry vô cùng đau khổ và cảm thấy tiêu tan hết nghị lực. Tuy nhiên, bà vẫn cố
gắng lao mình vào công việc phục vụ bệnh nhân trong bệnh xá do bà sáng lập. Rồi
một ngày nọ, một thương binh người Ðức được chở đến bệnh viện, dù người lính Ðức
này thuộc thành phần quân đội thù địch đã giết chết con trai bà trước đây,
nhưng bà Listry vẫn tiếp nhận anh lính một cách vui vẻ. Khi soạn đồ đạc trong bị
của anh lính, bà bắt gặp chiếc ví và cái đồng hồ của con trai mình trong túi áo
của người lính. Vừa bàng hoàng, vừa tức giận, nữ bá tước Listry chỉ biết thốt
lên: "Ðúng! Ðây là tên lính đã giết chết đứa con trai của mình".
Nhưng kìa, một mảnh giấy ở trong bị anh rơi xuống, bà vội cúi mình nhặt lên và
đọc. Một hàng chữ đập vào mắt bà: "Mẹ yêu quí của con! Con luôn nhớ đến mẹ
và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con bị tử trận, xin mẹ đừng quá đau buồn,
nhưng hãy can đảm, quảng đại chịu đau khổ để cầu nguyện cho con". Sau một
hồi xúc động, bà Listry cúi xuống tiếp tục săn sóc cho người lính Ðức cách tận
tình. Những giọt nước mắt tha thứ tuôn trào từ đôi mắt bà cứ từ từ rớt xuống đất,
vì sự xúc động cảm nhớ đến người con yêu quí của bà.
Anh
chị em thân mến!
Trong
cuộc sống hằng ngày, chắc chúng ta không có dịp to lớn để tha thứ cho những kẻ
xúc phạm nặng nề với mình. Nhưng những phiền lòng nho nhỏ có thể luôn có và lúc
nào chúng ta cũng được mời gọi sống tha thứ.
Ðức
cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng"
đã ghi lại kinh nghiệm tu đức của mình như sau: "Ðừng tức tối vì người ta
chỉ trích con. Hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tội lỗi khác nơi con mà họ chưa nói
đến". Chúa nói: "Nếu ai trong các con làm mất lòng người khác, con
hãy để của lễ về làm hòa với người ấy trước". Còn con, con làm ngược lại, là
phóng thanh cho mọi người biết những khuyết điểm của họ. Phần con, con không
thiếu khuyết điểm, sao con tức tối và tấn công khuyết điểm của anh em? Tại sao
ngày nào con cũng lập tòa án và bắt anh em diễu hành lần lượt qua đó? Tại sao
lúc nào cha cũng thấy con ngồi ghế "quan tòa", không bao giờ ngồi
băng ghế "bị can".
Sống
tha thứ là một điều rất khó. Những tù nhân bị lưu đầy xa quê hương đã khắc trên
đá những dòng chữ lưu đầy cho thế hệ mai hậu như sau: "Hãy tha thứ, nhưng
đừng quên bị xúc phạm". Chính chúng ta cũng có tâm trạng giống như vậy.
Tôi tha thứ, nhưng tôi không thể quên điều xúc phạm này được. Thật ra, tha thứ
và bỏ qua là hai điều khác nhau. Nhiều khi ta đã tha thứ rồi, nhưng ta không thể
quên được và ngược lại, ta đã quên đi những điều phiền muộn, nhưng ta đã không
tha thứ thật lòng.
Chúa
Giêsu biết rõ tha thứ là điều khó, nên Ngài dạy các đồ đệ hãy cầu nguyện:
"Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng
con". Và trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu đã ghi lại những lời dạy
của Chúa Giêsu như sau: "Nên Ta bảo các ngươi rõ: nếu các ngươi không ăn ở
chính trực hơn những thầy thông giáo và Pharisiêu, các ngươi chẳng được vào nước
trời... Hãy đi làm hòa cùng anh em đã rồi ngươi hãy đến dâng của lễ..."
(Mt 5,20-26).
Sự
tha thứ là điều kiện căn bản để con cái Thiên Chúa có thể tôn vinh phụng thờ
Ngài một cách xứng đáng. Có những điều phiền lòng đã được tha thứ rồi, nhưng lại
khó quên. Ðây là phản ứng tự nhiên của con người, nhưng chúng ta hãy cố gắng
luyện tập, để rồi với thời gian, sự thành thật tha thứ có thể giúp chúng ta
quên đi sự phiền lòng. Chúng ta hãy tha thứ với tình yêu thương, để có thể bắt
đầu lại được mối tương quan tốt đẹp với anh em.
Tha
thứ không có nghĩa là một sự cắt đứt: "Tôi tha thứ cho kẻ làm phiền lòng, để
từ đó về sau tôi không muốn gặp mặt trao đổi gì với người đó nữa". Không!
Tha thứ như vậy chưa phải là tha thứ, nhưng phải tha thứ vì tình yêu thương như
Chúa đã nêu gương. Ngài tha thứ và bắt đầu lại mãi mãi với mỗi người chúng ta.
Lạy
Chúa, xin giúp con sống yêu thương tha thứ cho anh em một cách thật lòng. Xin
biến đổi con thành khí cụ bình an và yêu thương của Chúa trong môi trường con sống.
Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần I MC
Bài đọc: Eze
18:21-28; Mt 5:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống trung thành
yêu thương suốt cả đời.
Chúng
ta thường chú trọng đến những cuộc trở lại, từ xấu thành tốt; và dường như
không để ý đến những cuộc đời từ tốt thành xấu như cuộc đời của Judah
Iscarioth. Trong thực tế, cả hai đều có thể xảy ra; và trường hợp thứ hai có thể
xảy ra thường xuyên hơn trường hợp thứ nhất, đặc biệt trong đời sống gia đình.
Ví dụ, khi chưa thành vợ chồng, cả hai người dường như ít khuyết điểm và đối xử
với nhau yêu thương tử tế hơn.
Các
Bài Đọc hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết cả hai cuộc trở lại đều có thể xảy
ra, nếu chúng ta không cẩn thận xét mình. Trong Bài Đọc I, tiên tri Ezekiel nhấn
mạnh đến cả lòng nhân từ lẫn sự công bằng của Thiên Chúa. Vì lòng nhân từ, Ngài
không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống. Vì
sự công bằng, Ngài phải luận phạt nếu người công chính bỏ đàng ngay thẳng để
làm điều bất chính. Mỗi người có cả một cuộc đời để luyện tập trước khi Thiên
Chúa xét xử con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải sống công
chính hơn các kinh sư: không phải chỉ tránh giết người phần xác, nhưng phải
tránh cả giận hờn, la mắng, chửi rủa; vì những hành động này làm tổn thương
danh dự của họ và đưa đến những thiệt hại phần hồn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa nhân từ và công bằng.
1.1/
Đường lối xét xử của Thiên Chúa: Thiên Chúa không xét xử con người mỗi ngày, mỗi
tháng, mỗi năm; nhưng cho con người có cơ hội cả một đời, trước khi phán xét
con người. Tiêu chuẩn phán xét dưới đây có lẽ áp dụng cho Ngày Phán Xét.
(1)
Kẻ gian ác ăn năn trở lại sẽ được sống: Điều nổi bật trong Sách Tiên Tri
Ezekiel là lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa, được tóm gọn trong câu:
“Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của Đức Chúa là
Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống
sao?” Vì thế, Ngài sẽ không ngừng gởi tới cơ hội và kêu gọi kẻ gian ác trở lại
để được sống. Ngài hứa: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân
giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn
nó sẽ sống, nó không phải chết. Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta sẽ không
còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh.”
(2)
Người công chính từ bỏ đường ngay sẽ bị luận phạt: Thiên Chúa nhân từ nhưng
cũng công bằng. Ngài kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn, và ban ơn gìn giữ người ngay
lành đừng phạm tội. Tuy nhiên, Ngài cũng báo trước: “Nếu người công chính từ bỏ
lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế
mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc
đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết.”
1.2/
Lý luận của con người: Đứng
trước cách phán xét của Thiên Chúa, nhiều người sẽ nói: "Đường lối của
Chúa Thượng không ngay thẳng." Thiên Chúa trả lời: “Vậy hỡi nhà Israel,
hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của
các ngươi mới không ngay thẳng?”
-
Lý luận của con người: Chẳng lẽ chỉ vì phạm một tội cuối đời mà người công
chính phải hư mất? Nếu Thiên Chúa công bằng, Ngài phải bỏ tội và phúc lên cân
xem bên nào nặng hơn. Nếu bên tội nặng hơn, phải chịu hình phạt; nếu bên phúc nặng
hơn, cần được thưởng.
-
Trả lời: Tội và phúc không phải như đồ vật có thể cân được; nhiều khi một tội
xem ra nhẹ, nhưng gây hậu quả nặng nề; và ngược lại. Hơn nữa, tội rất hay lây.
Nếu một con vi trùng ung thư có thể làm thiệt hại mạng sống, tội còn gây hậu quả
nặng nề hơn thế nữa. Ví dụ, trường hợp ngọai tình của Vua David: không những
gây thiệt hại mạng sống cho Uriah, cho đứa con đầu lòng, cho Amnon và Absalom;
mà còn để lại những vết thương lòng cho chính Vua David, Bà Bathsebah, và con
gái Tamar. Đấy là chưa kể làm gương mù cho nhiều người và xáo trộn tình hình
chính trị cả nước. Thiên Chúa là Đấng xét xử công minh, Ngài sẽ thưởng phạt
chúng ta công bằng. Chúng ta không biết được hậu quả của tội; điều hay nhất là
tránh mọi tội.
2/
Phúc Âm:
Môn đệ Chúa phải sống công chính hơn các Kinh-sư và Biệt-phái.
2.1/
Giết người không chỉ giết về phần xác: Nhiều người khi xét tới điều răn thứ năm, thứ chín,
và thứ mười, họ thấy mình không có tội, vì chưa bao giờ giết người, ngọai tình,
và lấy của người khác. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta phải xét mình
cẩn thận hơn. Có những người muốn giết người, ngọai tình trong tư tưởng, và ham
muốn của người; những tư tưởng như thế đã đủ làm con người phạm tội. Về việc giết
người, Chúa nhấn mạnh đến 3 điểm sau:
-
Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Có hai động từ
“giận” trong Hy-lạp: (1)qumomace,wcó nghĩa “tức giận,” nhưng xong rồi
thôi. Cơn giận nổi lên như lửa gần rơm, nhưng rồi cũng mau chóng nguội.
(2) ovrgi,zomaichỉ sự giận âm ỉ, hờn giận. Cái giận thứ nhất có thể
tha thứ vì thuộc bản năng con người; cái giận thứ hai đáng bị luận tội hay bị
đưa ra tòa xét xử, vì là cái giận giai dẳng và từ chối không tha thứ, dù trí
khôn đã cho biết phải bỏ qua. Cái giận mà có người nói “sống để trong lòng, chết
mang theo.” Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ lột tả được cái giận này: “Giết
nhau chẳng cái lư cầu. Giết nhau bằng cái âu sầu độc chưa.”
-
Ai mắng anh em mình là đồ ngu ngốc, thì đáng bị đưa ra trước
Thượng Hội Đồng. ~Raka, có nghĩa người không có trí khôn, không biết suy xét;
nó là tiếng khinh thường tha nhân. Con người thường rất tức giận khi nghe ai mắng
mình là “đồ ngu ngốc.”
-
Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả
ngục thiêu đốt. Mwre, có nghĩa là người hành động như người điên rồ
về phương diện luân lý. Thánh Vịnh 14, câu 1 nói “Kẻ ngu si tự
nhủ: "Làm chi có Chúa Trời!" Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm,
chẳng có một ai làm điều thiện.” Gọi ai Mwre, có nghĩa khinh thường
họ có một cuộc đời vô luân, làm đĩ làm điếm, không xứng đáng với người có đạo.
Tội làm mất danh giá người khác qua việc nói xấu, nói hành là tội nặng, và xứng
đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
2.2/
Phải hòa thuận trước khi rước Mình Thánh Chúa: Luật Cựu Ước đòi phải dâng lễ vật
để đền tội đã phạm đến Thiên Chúa và con người. Vì thế, Chúa Giêsu nói: “Vậy, nếu
khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện
bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người
anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” Nếu không giao hòa và tha thứ
cho anh em, làm sao con người có thể dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ tội
của mình. Tương tự khi con người lên rước lễ, nếu còn đang có chuyện bất bình với
tha nhân, làm sao họ có thể kết hợp và xin sự tha thứ của Thiên Chúa?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Mỗi người chúng ta đều có thể từ xấu trở nên tốt, và từ tốt trở nên xấu. Nếu
Thiên Chúa nhân từ không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối
để được sống; Ngài cũng công bằng xét xử, nếu người công chính bỏ đàng tốt lành
để theo đàng tội lỗi.
-
Để trung thành theo đàng công chính, con người cần hiểu biết và sống theo những
điều Chúa dạy; nhất là phải tuyệt đối sợ và tránh xa tội.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
27/02/15 THỨ SÁU TUẦN 1 MC
Mt 5,20-26
Mt 5,20-26
Suy niệm: Kỷ
lục chạy 100m từ bao đời nay dường như không thể vượt qua ngưỡng 10 giây, nay
đã liên tục bị phá đổ bởi Usain Bolt (Yu-sên Bôn), tay đua người Jamaica biệt
danh “Tia Chớp”, với 9.69 giây năm 2008, và tạm dừng ở mức 9.58 giây trong năm
2009. Với phương châm Olympic “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn”, không ai biết anh
sẽ phá kỷ lục của chính mình tới mức nào. Cũng thế đối với đời sống thiêng
liêng mà thánh Phao-lô ví như một “cuộc chạy đua” (1Cr 9,24) trong đó ta phải luôn nhắm thẳng
tới đích (Pl 3,12-14) để “chạy hết chặng đường” và “giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7) thì Chúa Giê-su đưa ra phương châm “công chính hơn”:
không chỉ như “các kinh sư và người
Pha-ri-sêu” mà
phải là “nên hoàn thiện như Cha trên
trời là Đấng hoàn thiện” (Mt
5,48).
Mời Bạn: Sống “công chính hơn” không hệ tại ở một số việc làm hình thức bên
ngoài mà ở cả tấm lòng yêu mến: không phải cứ dâng nhiều lễ vật lên Chúa là đủ
mà trước hết phải sống hoà bình với nhau; giới răn “chớ giết người” không chỉ
cấm xâm phạm mạng sống con người, mà còn đòi loại bỏ khỏi tâm trí mọi ý tưởng
giận ghét anh em nữa, bởi vì “ai ghét anh em mình, ấy là kẻ
sát nhân” (1Ga
3,15). Hơn nữa, cả khi chúng ta làm những việc tự bản chất là tốt, nhưng nếu
không làm vì mến Chúa thì những việc đó cũng chưa thể giúp ta đạt được tiêu chí “công chính hơn” này.
Sống Lời Chúa: Kiểm
điểm về những việc tốt bạn làm, xem bạn đã làm vì hư danh hay vì lòng yêu mến
Chúa thực sự.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con trong mọi việc, con làm chỉ vì lòng yêu mến
Chúa mà thôi.
Làm hòa
Điều đáng lưu ý là chúng ta phải đi làm hòa với
các anh em đang có điều bất bình với ta, phải đi bước trước làm hòa dù ta chẳng
phải là người gây chuyện.
Suy niệm:
Ngày 5-2-2009, trong một
cuộc gặp gỡ thường niên có tính tôn giáo,
Tổng thống Mỹ Barack Obama
đã chia sẻ với các tham dự viên:
“Dù chúng ta chọn niềm tin
nào, hãy nhớ rằng
chẳng có tôn giáo nào lấy
căm thù làm giáo lý chủ yếu cho mình…
Chẳng có Thiên Chúa nào lại
dung túng
chuyện cướp đi mạng sống của
một người vô tội.”
Trên núi Sinai, ông Môsê đã
nhận được giới răn “Ngươi chớ giết người.”
Đức Giêsu cho thấy uy quyền
của mình trong việc giải thích giới răn ấy.
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”
Ngài đã đẩy giới răn này đi
xa hơn nhiều, vào tận trái tim con người:
“Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa” (c. 22).
Tình cảm nóng giận có thể
dẫn đến nhiều chuyện không hay.
Nó khiến người ta dùng lời
nói mà lăng mạ, làm nhục người khác.
Giận mất khôn, nóng giận
thậm chí có thể đưa đến chỗ giết người.
Nhưng Đức Giêsu không muốn
loại trừ thứ nóng giận chính đáng,
như ta thấy có nơi Ngài (x.
Mc 3,5; Mt 23,17).
Mùa Chay là thời gian dành
cho việc làm hòa với người anh em.
Đây là công việc vừa quan
trọng, vừa cấp bách.
Quan trọng đến nỗi đòi ta để
của lễ lại trước bàn thờ
và đi làm hòa với người anh
em đó, rồi mới trở lại dâng của lễ.
Tương quan với Thiên Chúa
cần được diễn ra trong bầu khí hòa thuận.
Chúa chỉ nhận lễ vật khi
trái tim ta bình yên.
Điều đáng lưu ý là chúng ta
phải đi làm hòa
với các anh em đang có điều
bất bình với ta,
phải đi bước trước làm hòa
dù ta chẳng phải là người gây chuyện.
Nhưng cũng phải làm hòa với
cả thù địch của mình (c. 25).
Trên đường bị đưa đến cửa
công, cần mau mau dàn xếp cho ổn thỏa.
Cần trả ngay món nợ chưa
thanh toán, kẻo bị kết án và tống ngục.
Làm sao thời gian Mùa Chay
vừa là thời gian ta làm hòa với Chúa,
vừa là thời gian ta làm hòa
với một người đang sống gần bên.
Đó là thời gian người con cả
thôi đứng ngoài cổng,
nhưng vào nhà để chung vui
với cha và ôm lấy người em.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn
cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn
khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng
đến vô cùng
và trái tim được lớn lên
mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và
lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với
Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng
con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp
chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận
nhau là anh em.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27
THÁNG HAI
Khát
Khao Kết Hợp Mật Thiết Với Đức Kitô
Trong
suốt cả Mùa Chay, lời mời gọi này của phụng vụ vẫn âm vang trong lòng chúng ta:
“Hãy nhớ rằng người là tro bụi, và người sẽ trở về bụi tro” (St 3,19). Nếu
chúng ta đủ khiêm tốn nhìn nhận thân phận của mình, chúng ta có thể nhận hiểu
tính khẩn thiết trong tiếng gọi của Thiên Chúa: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”
(Mc 1,15).
Ước
gì tiếng gọi đó vẫn luôn đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong suốt Mùa Chay. Ước
gì tiếng gọi đó làm thay đổi cách nghĩ của chúng ta, thay đổi cách cư xử của
chúng ta. Uớc gì tiếng gọi đó thúc giục chúng ta biết khao khát cầu nguyện nhiều
hơn nữa và kết hiệp với Đức Kitô mật thiết hơn nữa trong chính nội tâm của
mình. Ước gì tiếng gọi đó giúp chúng ta nhận hiểu nhu cầu phải hy sinh và tiết
chế. Ước gì – đối với chúng ta – tiếng gọi đó của Thứ Tư Lễ Tro trở thành vừa
là một đòi hỏi của con tim vừa là một ân phúc dồi dào nhận được từ Thiên Chúa.
Ước gì tiếng gọi đó thúc đẩy chúng ta biết chú ý đến các nhu cầu của người
khác: bạn hữu, gia đình và cả những người ở xa. Ước gì tiếng gọi đó thôi thúc tất
cả chúng ta dấn thân thực hiện những công việc từ thiện cụ thể.
Một
Mùa Chay nữa lại đến. Đây là “thời gian thuận tiện” để quay về với Thiên Chúa.
Đây là “ngày cứu độ”. Tuy nhiên, ‘thuận tiện” hay “cứu độ” đến mức nào còn tùy
thuộc vào thái độ đáp trả của chính chúng ta.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
27-02
Ed
18,21-28; Mt 5,20-26.
LỜI
SUY NIỆM: “Thầy bảo cho anh
em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
Chúa
Giêsu đang mời gọi chúng ta đừng bao giờ tự mãn về sự đạo đức của mình, nhưng
phải luôn luôn học biết, tu sửa đời mình không ngừng từng ngày, một cách khiêm
tốn, trong tâm tình cầu nguyện và tạ ơn Chúa. Bởi vì tất cả mọi sự đều do ơn của
Chúa ban cho, chứ sức riêng của mình chẳng làm được việc gì, hầu được Chúa ghi
nhận mà ban ân thưởng.
Lạy
Chúa Giêsu. Chúa đòi chúng con phải nên trọn lành như Cha các con ở trên trời.
Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con không được tự mãn những việc
lành của mình, nhưng xin được, luôn cố gắng thực hiện điều tốt giữa mọi người
vì Chúa.
Mạnh
Phương
27
Tháng Hai
Ðám Ðông Dưới Chân
Thập Giá
Một
trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống
vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai
cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập
giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một
đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng
không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn
kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng
tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó
chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ
đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại
chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải
thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi
của chính ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp
vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng
muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng
đinh Chúa Giêsu.
Dưới
cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động
tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ
Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã
cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập,
hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
Dưới
cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một
Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta lkhông thể hiểu được tại sao Con Một Thiên
Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách
nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng
đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là
chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của
chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng
reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta
chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta
chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc
chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét