Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

29-03-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT LÊ LÁ năm B

29/03/2015
Chúa Nhật Lễ Lá Năm B
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Lá năm B
CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM B
Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mc 14,1 – 15,47
NGƯỜI TÔI TRUNG
“Cha ơi, Cha làm được mọi sự,
xin cất chén này xa con. 
Nhưng xin đừng làm điều con muốn,
mà làm điều Cha muốn”
 (Mc 14,36)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1- Bài đọc 1
Đoạn sách ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 trích từ bài ca thứ ba về người Tôi Trung. Bài ca phác họa những phẩm chất cao quý của người Tôi Trung của Thiên Chúa.
Trước hết, người Tôi Trung là người nhạy cảm nghe tiếng “đánh thức” mỗi ngày của Thiên Chúa, để nghe lời giáo huấn của Ngài. Lời Chúa vẫn vang vọng mỗi ngày, thầm thì đánh thức, mời gọi lắng nghe và đón nhận; và chỉ người Tôi Trung trong tinh thần sẵn sàng, chờ đợi và nhạy bén để nhận ra và lắng nghe tiếng Chúa. Tuy nhiên, không phải lúc nào tiếng Chúa cũng êm ái, dịu dàng, mà có lúc sẽ đòi hỏi quyết liệt, triệt để, thách đố, nên người Tôi Trung là người “không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50,5). Người Tôi Trung thật sự là người luôn sẵn sàng và vui lòng lắng nghe lời Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Hơn nữa, người Tôi Trung là người, sau khi lắng nghe và đón nhận, biết cất tiếng nói lời Thiên Chúa, lời an ủi, nhằm “nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức” (Is 50,4). Lời Chúa là lời ủi an, nhưng người Tôi Trung là người biết “lựa lời” để chuyển tải sứ điệp của lời Chúa cách xứng hợp, hầu mang lại niềm an ủi, động viên và nâng đỡ cho những người đang mệt mỏi, chán nản, thất vọng. Bản chất lời Chúa có sức mạnh đỡ nâng và an ủi, nhưng người Tôi Trung thật sự, bằng tấm lòng và sự trung tín của mình, chuyển tải cách trung thành và trọn vẹn sứ điệp ủi an của lời Chúa.
Sau cùng, dù mang sứ mạng cao cả là đón nhận và truyền rao lời Chúa, người Tôi Trung không thể tránh khỏi những trở ngại, thách đố, khó khăn, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, người Tôi Trung thật sự của Thiên Chúa là người sẵn sàng chấp nhận “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu,… và không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Tuy nhiên, người Tôi Trung không đơn độc, không sợ hãi hay nao núng vì “có Thiên Chúa là Đấng phù trợ”. Nhờ sức mạnh của Thiên Chúa luôn ở cùng mà người Tôi Trung không sợ “hổ thẹn”, nhưng luôn hiên ngang, kiên vững (Is 50,7).
Người Tôi Trung trong đoạn Is 50,4-7 là người sẵn sàng và nhạy cảm nghe lời Thiên Chúa đánh thức mỗi ngày, để sẵn sàng truyền rao lời Chúa, lời đem lại niềm an ủi cho những người mệt mỏi rã rời. Dù gặp muôn vàn thách đố trong sứ mạng phục vụ lời Chúa, người Tôi Trung không hề lo sợ vì xác tín rằng Thiên Chúa luôn ở bên để phù trợ.
2- Bài đọc 2
Bài đọc 2 là một bài ca tuyệt đẹp về người Tôi Trung Giêsu, người sẵn sàng tự hạ đến tận cùng để hoàn thành cách mỹ mãn kế hoạch của Thiên Chúa, nên được Thiên Chúa tôn vinh.
Nửa đầu của bài ca (Pl 2,6-8) làm nổi bật hành động của Đức Giêsu Kitô. Mầu nhiệm tự hạ cho thấy sự tự nguyện của người Tôi Trung Giêsu, Đấng chấp nhận hạ mình đến tận cùng để thánh ý Chúa nên trọn. Từ vị thế của Thiên Chúa, Người khước từ vinh quang thần linh và chấp nhận làm một con người, sống như bao nhiêu người trên trần thế. Hơn nữa, không chỉ làm người, Người hạ mình để chấp nhận thân phận của kẻ nô lệ, của người “đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ”. Và sự phục vụ của người Tôi Trung Giêsu đi đến tận cùng của sự tự hạ khi “vâng lời” cho đến nỗi “sẵn lòng chịu chết” (Pl 2,8), mà “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mt 20,28; Mc 10,45).
Nửa sau của bài ca (Pl 2,9-11) tập trung vào hành động của Thiên Chúa. Vì người Tôi Trung Giêsu tự hạ đến tận cùng, hiến trọn thân mình để thánh ý Chúa nên trọn (đi xuống), nên Thiên Chúa tôn vinh Người (đi lên) và ban cho danh hiệu trổi vượt hơn cả, danh hiệu “Giêsu”, Đấng Cứu Thế. Quả thế, sự tôn vinh Thiên Chúa dành cho người Tôi Trung chính là sự thừa nhận và đề cao vai trò “cứu thế” của Người, điều Người đã thực hiện khi tự hạ, hiến dâng mạng sống “làm giá chuộc muôn người”. Danh hiệu “Giêsu” thật cao cả vì thể hiện trọn vẹn sứ mạng của người Tôi Trung; Người chính là lý do mà mọi tạo vật, dù trên trời, dưới đất hay trong âm phủ đều cung kính bái thờ. Và thái độ tôn thờ đích thực là nhìn nhận công trình cứu độ và căn tính thần linh của Người, rằng Đức Giêsu Kitô chính là Chúa.
Người Tôi Trung Giêsu thực hiện trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa khi khiêm hạ hủy mình ra không, để rồi được Thiên Chúa tôn vinh, là mẫu mực cho đời sống Kitô hữu.
3- Bài Tin Mừng
Hình ảnh người Tôi Trung chấp nhận “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu,… và không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” trong Isaia (Is 50,6) được Tin Mừng Máccô đẩy xa hơn, khắc họa rõ nét hơn nơi người Tôi Trung Giêsu trong những giờ phút cuối cùng của Người trên trần gian để hoàn tất kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.
Để trung thành thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, người Tôi Trung hoàn toàn đơn độc trong những giờ phút cuối cùng. Trong số những kẻ thân tín nhất, không ai hiểu được Người, không ai chia sẻ với Người nỗi cô đơn tột cùng khi phải đối diện với án tử. Những kẻ tưởng gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ với Người lại bỏ Người mà chạy trốn hết (Mc 14,50). Mọi người đều lo cho sự an toàn của mình, để lại một mình Đức Giêsu. Đức Giêsu không thốt ra một lời than vãn, biện hộ, hay trách móc ai… mặc cho bị đối xử cách tàn tệ, bị nhạo báng, chê cười, bị kết tội cùng với hai tên trộm, bị liệt vào hạng phạm pháp (Mc 15,29-32). Trong sự cô đơn khủng khiếp, người Tôi Trung cảm thấy như thể Người đang bị chính Thiên Chúa bỏ rơi (Mc 15,34). Dù cảm thấy vô cùng đơn độc, cảm giác như bị Chúa Cha bỏ rơi, phải trải qua những giây phút lo lắng, xao xuyến, hãi hùng, người Tôi Trung Giêsu vẫn chỉ muốn làm theo ý Cha (Mc 14,36). Đó đích thật là người Tôi Trung, dù thế nào vẫn coi mình là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, trung thành cho đến hơi thở cuối cùng.
Tuy nhiên, sự trung thành của người Tôi Trung đem lại ý nghĩa lớn lao, hoàn tất chương trình nhiệm mầu của Thiên Chúa. Sự trung tín của người Tôi Trung cuối cùng đã phá tan sự ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Bức màn trướng trong Đền Thờ, ngăn cách Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh, ngăn cách Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi, bị xé ra làm đôi ngay khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá (Mc 15,37-38). Máu của người Tôi Trung Giêsu đổ ra để thanh tẩy tội lỗi và lương tâm con người (Hr 9,14), để con người được thánh hóa mà tiến lại gần Thiên Chúa cực thánh. Quả vậy, qua cái chết của người Tôi Trung Giêsu, Thiên Chúa đã chạm đến con người tội lụy và thánh hóa con người để họ được trở nên con cái Thiên Chúa. Con người được giao hòa và trở nên con Thiên Chúa nhờ sự trung thành cho đến chết của người Tôi Trung của Thiên Chúa, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, như lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Người Tôi Trung là người trung thành, đến nỗi chấp nhận cái chết, để thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Máu của Người đổ ra thanh tẩy lương tâm con người để xứng đáng được lại gần Thiên Chúa và sống trong tình thương của Ngài. Người Tôi Trung đó chính là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Ngôn sứ Isaia khắc họa hình ảnh người Tôi Trung là người nhạy cảm để lắng nghe, đón nhận và rao truyền lời Thiên Chúa. Dù gặp khó khăn, thử thách, người Tôi Trung vẫn kiên vững vì tin rằng luôn có Thiên Chúa ở cùng. Tôi có thể trở nên người tôi trung của Thiên Chúa? Tôi có sẵn sàng lắng nghe, đón nhận và rao truyền lời Thiên Chúa cách trung thành? Trong gian truân, thử thách, tôi có xác tín Thiên Chúa luôn ở cùng tôi?
2/ Thư Philípphê ca tụng người Tôi Trung Giêsu, Đấng mang thân phận thần linh, nhưng lại hạ mình đến tận cùng để chấp nhận cái chết, nên được Thiên Chúa tôn vinh là Đấng Cứu Độ mà muôn loài phải bái thờ. Tôi có muốn mỗi ngày nên giống người Tôi Trung Giêsu? Tôi có sẵn sàng hạ mình xuống, để thánh ý Thiên Chúa được thể hiện, để Thiên Chúa được tôn vinh và kính thờ qua cuộc đời và cách sống của tôi?
3/ Tin Mừng Máccô làm nổi bật sự trung thành cho đến chết của người Tôi Trung Giêsu. Dù bị những người thân cận xa lánh, bị người đời nhục mạ, nhạo báng, và cảm thấy như bị chính Thiên Chúa bỏ rơi, người Tôi Trung Giêsu vẫn trung thành thực hiện ý Thiên Chúa Cha, để giao hòa con người với Thiên Chúa. Tôi có trung thành với Chúa ngay cả khi phải chịu những khó khăn, thử thách, cô đơn? Tôi có sẵn sàng trở thành cầu nối để đưa Chúa đến với những anh chị em đang đau khổ, cô đơn, thất vọng?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hôm nay phụng vụ tung hô Chúa Kitô khải hoàn vào thành Giêrusalem, đồng thời mời gọi chúng ta tiến bước theo Người trên con đường thập giá. Trong tâm tình thờ lạy, ngợi khen và tín thác, chúng ta cùng tha thiết dâng lời nguyện xin.
1. Thiên Chúa đã biểu dương sức mạnh trong sự vâng phục và tự hạ của Đức Giêsu. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn biết làm sáng danh Chúa bằng thái độ mau mắn chu toàn thánh ý Người, và khiêm tốn phục vụ tha nhân.
2. Người Do Thái tung hô Đức Giêsu là Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Chúng ta cầu xin cho nhiều người, nhiều quốc gia trên thế giới được ơn nhận biết và qui phục vương quyền của Thiên Chúa, luôn hướng lên Người như lẽ sống và cùng đích của cuộc đời.
3. Cuộc vượt qua của Chúa Kitô đem lại ơn giải thoát toàn diện cho con người. Xin cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, thiên tai hay bất công xã hội ở khắp nơi, tìm được niềm an ủi nơi cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, luôn sống trong hy vọng và bình an đích thực.
4. Thập giá là con đường duy nhất và chắc chắn đưa tới vinh quang. Xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, biết nỗ lực sống các giá trị Tin Mừng, và can đảm đón nhận thập giá trong đời sống hằng ngày, để xứng đáng được dự phần vinh quang với Chúa Kitô.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô Con Chúa đã đổ tràn hồng ân cứu độ cho nhân loại. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn vững bước theo Người trên con đường thập giá, để xứng đáng chia sẻ vinh quang phục sinh cùng với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.


SCĐ CHÚA NHẬT LỄ LÁ. B
CHỦ ĐỀ :
NGƯỜI TÔI TỚ CỦA THIÊN CHÚA  ĐI VÀO CON ĐƯỜNG CHỊU NẠN
Sợi chỉ đỏ :
- Bài Tin Mừng lúc kiệu lá (Mc 11,1-14) : Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trong tư cách Vua Messia, một vị vua hiền lành khiêm tốn.
- Bài đọc Cựu Ước (Is 50,4-7) : Người Tôi Tớ của Thiên Chúa sẵn lòng chịu khổ.
- Bài Thánh Thư (Pl 2,6-11) : Sự tự hạ, tự huỷ của Đức Giêsu.
- Bài Thương khó (Mc 14,1—15,47) : cuộc chịu nạn chịu chết của Đức Giêsu.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
(Như lời dẫn nhập in trong sách lễ Rôma)
Anh chị em thân mến. Từ đầu mùa chay chúng ta đã dùng việc hãm mình đền tội và công việc bác ái chuẩn bị tâm hồn chúng ta, thì hôm nay chúng ta tụ họp để cùng với toàn thể Hội Thánh khai mạc mầu nhiệm vượt qua của Chúa chúng ta, nghĩa là cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Người. Để thực hiện điều đó, chính Người đã tiến vào thành Giêrusalem. Bởi vậy, với tất cả lòng tôn kính sùng mộ tưởng nhó đến việc Người vào thành mang lại ơn cứu độ, chúng ta hãy bước theo Chúa, để nhờ ơn thánh, chúng ta được tham dự vào thập giá, chúng ta cũng được dự phần vào sự phục sinh và sự sống.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
(Không có)
III. LỜI CHÚA
1. Bài Tin Mừng lúc kiệu lá : Mc 11,1-10
Việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem tuy có phần long trọng (dân chúng đón rước, tung hô…) nhưng không phải là một cuộc biểu dương chính trị, trái lại nhằm cho biết Đức Giêsu là người như thế nào :
- Đức Giêsu rất coi trọng việc này, cho nên đích thân Ngài thu xếp từng chi tiết cho cuộc vào thành (thu xếp trước với chủ lừa, dặn dò kỹ hai môn đệ về đường đi nước bước và lời ăn tiếng nói).
- Nhưng mọi sự chuẩn bị đều được tiến hành trong âm thầm kín đáo (những lời đối đáp giữa môn đệ với chủ lừa giống như trao đổi mật hiệu với nhau).
- Đức Giêsu chọn cởi lừa chứ không cởi ngựa.
- Lời chúc tụng của dân chúng có tính cách tôn giáo hơn là chính trị ("Hoan hô Đấng nhân danh Chúa mà đến", "Hoan hô trên các tầng trời")
Như thế, Đức Giêsu muốn cho người ta biết Ngài là vua nhưng là một vị vua cứu nhân độ thế, hiền hòa, khiêm tốn.

2. Bài đọc Cựu Ước : Is 50,4-7
Đây là bài ca thư ba về Người Tôi Tớ trong sách Isaia.
- Người Tôi Tớ nâng đỡ kẻ nhọc nhằn.
- Người Tôi Tớ luôn thức tỉnh đón nghe và thi hành ý Chúa.
- Người Tôi Tớ nhẫn nhục chịu đựng những đau khổ hành hạ.

3. Đáp ca : Tv 21
Tâm tình của người công chính bị bách hại :
- Than thở với Chúa về những sự hành hạ mình phải chịu
- Đồng thời bày tỏ lòng trông cậy vững vàng vào Chúa và vẫn chúc tụng Ngài.

4. Bài Thánh Thư : Pl 2,6-11
Thánh Phaolô vẽ 2 con đường của Đức Giêsu :
- Con đường hạ mình : dù là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu đã tự ý hạ mình đến mức tột cùng (làm thân tôi đòi, chết, chết trên thập giá)
- Con đường được tôn vinh : Ngài càng hạ mình thì Thiên Chúa càng nâng Ngài lên cao đến tột cùng (danh Ngài trổi vượt mọi danh hiệu, mọi loài trên trời, dưới đất và trong địa ngục đều phải tôn thờ Ngài).

5. Bài Thương khó : Mc 14,1—15,47
Diễn tiến cuộc chịu nạn của Đức Giêsu đều giống nhau trong 4 quyển Tin Mừng. Nhưng Mác cô nhấn mạnh một số ý lớn :
a/ Đức Giêsu "bị trao nộp" : Động từ này được dùng 9 lần trong bài tường thuật. Tác nhân trao nộp Đức Giêsu là : Giuđa (nộp Đức Giêsu cho các thượng tế), các Thượng tế (nộp Đức Giêsu cho Philatô), Philatô (nộp Ngài cho quân lính). Nhưng đàng sau và chủ động nhất là chính Thiên Chúa đã trao nộp Con mình cho loài người. Phần Đức Giêsu, Ngài cũng tự trao nộp mình.
Lý do trao nộp cũng khác nhau : vì tiền (Giuđa), vì lòng ganh ghét (các Thượng tế), vì mị dân (Philatô), và vì yêu thương (Chúa Cha, Đức Giêsu).
b/ Đức Giêsu là "Con Thiên Chúa" : Tin Mừng Mc diễn tiến theo sơ đồ từ từ hé lộ về con người Đức Giêsu : Ngài là người à là Kitô (Messia) à Con Thiên Chúa (Câu đầu tiên của tác phẩm vạch rõ sơ đồ này. Mc 1,1 : "Tin Mừng Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa". Mặc khải cao nhất về Đức Giêsu là tư cách Con Thiên Chúa của Ngài. Mặc khải này được thốt ra khi Ngài tắt thở : "Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa" (15,39).

IV. GỢI Ý GIẢNG

* 1. Chúa chọn con lừa
Nhiều độc giả Tin Mừng rất ngạc nhiên trước những lời căn dặn của Đức Giêsu với hai môn đệ mà Ngài sai vào thành trước : "Các anh vào làng trước mặt kia. Tới noi sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cởi bao giờ đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. Nếu có ai bảo tại sao các anh làm như vậy thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay" (các câu 2-3). Mọi việc đã diễn ra đúng lời Chúa dặn. Tưởng như một phép lạ. Thực ra không phải là phép lạ gì cả, mà là chính Đức Giêsu đã kín đáo thu xếp trước với người thân của Ngài trong làng : đến ngày đó, tại địa điểm đó, họ hãy để sẵn hai con lừa, sẽ có hai môn đệ của Ngài đến dắt đi, mật khẩu để nhận ra nhau là một câu hỏi và một câu trả lời đã quy ước sẵn.
Tại sao Đức Giêsu phải đích thân thu xếp các chi tiết cho chuyến vào thành Giêrusalem lần này ? Thưa có hai lý do :
1/ Sự việc diễn ra "mấy ngày trước lễ Vượt Qua" (c 1). Lễ này kỷ niệm việc dân do thái được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, cho nên mỗi lần mừng lễ này, ý tưởng giải phóng luôn hiện lên trong đầu dân chúng, nhất là khi đất nước đang nằm dưới ách thống trị của ngoại bang. Chính vì thế, viên Tổng trấn Rôma bình thường vẫn an tâm ở tổng hành dinh của ông tại Syria, nhưng gần đến lễ Vượt Qua thì phải đến Giêrusalem để có thể trực tiếp chỉ đạo nếu có xảy ra nổi loạn. Trong bầu khí nhạy cảm đó, Đức Giêsu phải kín đáo thu xếp để đừng ai biết trước chuyến vào thành của Ngài.
2/ Mọi chi tiết mà Đức Giêsu đích thân thu xếp đều liên hệ đến con lừa. Tại sao ? Vì Ngài không muốn người ta hiểu lầm Ngài là một nhà giải phóng quân sự hay chính trị. Ngài muốn người ta hiểu rằng Ngài là một vị vua hòa bình, hiền từ và khiêm tốn. Vua chinh chiến thì cỡi ngựa, còn vua hòa bình thì cỡi lừa.
Tuy nhiên xem ra không ai hiểu đúng ý Chúa : các môn đệ "lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó", dân chúng thì cũng "chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước kẻ theo sau reo hò vang dậy" (các câu 7-9). Sự hồ hỡi của họ có lẽ xuất phát từ ý tưởng giải phóng : Hôm nay ngày giải phóng đã đến rồi, vị Anh hùng đã xuất hiện ! Tóm lại mọi người đều nghĩ rằng hôm nay Đức Giêsu bắt đầu cuộc khởi nghĩa.
*
Chúa nhật Lễ Lá hôm nay bắt đầu Tuần Thánh. Chúng ta có thể dùng đoạn Tin Mừng này để soi sáng ý nghĩa những sự việc sẽ xảy ra trong Tuần Thánh :
- Tại sao các Thượng Tế do thái tìm bắt Đức Giêsu ? Thưa vì họ tưởng rằng Ngài là một chính khách nguy hiểm. Tin Mừng thứ tư ghi nhận rằng ngay cả trước biến cố này, các vị lãnh đạo ấy đã tính đến khả năng sức thu hút quần chúng của Đức Giêsu sẽ dẫn đến sự đàn áp của quân Rôma : "Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta" (Ga 11,48).
- Tại sao Giuđa nộp Đức Giêsu cho các Thượng Tế ? Nhiều chuyên gia Thánh Kinh cho rằng đó là do một tính toán chính trị : Hắn vẫn nghĩ Đức Giêsu là một người có khả năng làm một cuộc đảo chánh. Nhưng Giuđa chờ mãi mà không thấy Đức Giêsu làm gì nên hắn nộp Đức Giêsu như dồn Ngài vào chân tường : hy vọng khi đã bị bắt thì Đức Giêsu bó buộc phải ra tay hành động.
- Tại sao dân chúng hùa theo các Thượng Tế đòi giết Đức Giêsu ? Đó là phản ứng thất vọng của những người đã từng hy vọng quá nhiều : Họ hy vọng Đức Giêsu giải phóng đất nước nhưng khi Ngài không làm vậy thì họ thất vọng và trừng trị Ngài.
*
Hôm nay chúng ta cũng tay cầm lá, miệng tung hô Đức Giêsu. Nhưng chúng ta coi Ngài là ai và mong gì nơi Ngài ?
. Nếu chúng ta coi Đức Giêsu là một vị vua uy quyền, chúng ta sẽ như các lãnh tụ do thái tìm cách trừ khử Ngài khi cảm thấy uy quyền ấy đe dọa đến quyền tự do của chúng ta.
. Nếu chúng ta coi Ngài là một vị vua giúp chúng ta chiến thắng thù địch, chúng ta sẽ như quần chúng hôm ấy chán bỏ Ngài khi Ngài không giúp chúng ta đạt được mục đích ấy.
. Nếu chúng ta coi Ngài là một thứ ô dù cho chúng ta núp bóng, chúng ta sẽ như các môn đệ bỏ Ngài mà chạy trốn khi ước vọng của chúng ta không thành.
Đức Giêsu là một vị vua hòa bình, hiền từ và khiêm tốn. Đi theo Ngài có lẽ chúng ta sẽ không được hưởng đặc quyền đặc lợi, nhưng tâm hồn chúng ta sẽ luôn được bình an.

* 2. Con đường dẫn đến vinh quang
Trong bài Thánh Thư, Thánh Phaolô ngầm so sánh Ađam và Đức Giêsu.
- Ađam đã muốn "dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa". Nhưng kết quả chỉ là thấy mình trần truồng xấu hổ và bị đuổi khỏi hạnh phúc địa đàng.
- Còn Đức Giêsu thì vâng lời Thiên Chúa mà hạ mình xuống đến mức tột cùng. Kết quả là được nâng lên tới mức tột cùng.
Tự nhiên, chúng ta theo con đường của Ađam : tìm cách khẳng định mình, tưởng rằng làm thế thì giá trị của mình sẽ được nâng cao. Nhưng chúng ta quên rằng chúng ta là do Thiên Chúa tạo dựng, vì thế chúng ta có giá trị hay không, được nâng cao hay không là do Thiên Chúa chứ không do chúng ta. Con đường tốt nhất là vâng lời Thiên Chúa, đi theo sự chỉ dẫn của Ngài, rồi Ngài sẽ nâng chúng ta lên đúng theo ý Ngài muốn.

* 3. Trao nộp Đức Giêsu
Bài Tin Mừng theo thánh Mác cô cho thấy mọi người đều trao nộp Đức Giêsu, nhưng vì những động cơ khác nhau (xin xem lại phần giải thích phía trên).
Suy nghĩ thêm, ta còn thấy có những cách trao khác nhau :
- Trao cái này để đổi lấy cái kia (như Giuđa, Philatô) : cách trao vụ lợi
- Trao cho người khác cái mình muốn bỏ (các Thượng tế) : cách trao ác độc.
- Trao cho người khác cái mình rất quý (Chúa Cha) : cách trao yêu thương.
- Trao chính mình (Đức Giêsu) : yêu thương tột cùng.
Chúng ta hãy suy gẫm về những cách trao của mình và về cách mình trao Đức Giêsu cho người khác.

* 4. Cách chịu đau khổ là thước đo nhân phẩm
Một điều hiển nhiên là cuộc đời ngập tràn đau khổ. Giáo lý đạo Phật dạy "Đời là bể khổ". Nhiều người đã tìm nhiều cách để tránh khổ và diệt khổ. Nhưng có lẽ cái khổ sẽ không bao giờ tránh hết và diệt hết được.
Đức Giêsu không tránh khổ, không diệt khổ. Ngài "vác" lấy đau khổ (thập giá), và Ngài dạy môn đệ mình "Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà theo".
Nino Salveneschi có suy nghĩ này : "Thật lạ khi người ta có thể tính toán chính xác về sức nặng có thể chất lên một chiếc xe, một chiếc tàu hay một chiếc máy bay… nhưng không tính nổi sức nặng có thể chất lên vai con người. Xét cho cùng, càng có thể vác nặng bao nhiêu thì càng có giá trị bấy nhiêu" (Savoir souffrir)

* 5. Phêrô chối Thầy
Việc ông Phêrô chối Thầy gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ :
- Ông là người nhiệt tình nhất với Đức Giêsu, thế mà cuối cùng cũng chối Chúa. Nghĩa là bất cứ ai cũng yếu đuối và cũng có thể sa ngã nặng nề. Hơn nữa, Phêrô sa ngã vì ông không biết ông yếu, ông luôn tưởng mình mạnh.
- Lý do khiến Phêrô chối Chúa là vì ông sợ bị liên lụy. Nếu những người hỏi ông không phải là những người của vị Thượng Tế đang xét xử Đức Giêsu thì chắc Phêrô vẫn mạnh dạn nhìn nhận mình là môn đệ Đức Giêsu. Nhưng vì họ là người của Thượng Tế nên ông phải chối, kẻo họ báo cáo với Thượng tế rồi Thượng Tế cũng bắt ông luôn.
Phêrô đã dám theo Đức Giêsu suốt 3 năm khi Ngài đi rao giảng, khi Ngài làm phép lạ… Trong thời gian đó không phải là Phêrô không cực khổ, nhưng ông có thể chịu được. Nhưng hôm nay ông chối vì chuyện hôm nay không chỉ là vấn đề cực khổ, mà là vấn đề an toàn của sinh mạng. Ông chấp nhận từ bỏ và hy sinh, nhưng chỉ từ bỏ và hy sinh đến một giới hạn nào đó thôi.
Có lẽ cũng có những giới hạn mà chúng ta đặt ra - tuy một cách vô ý thức – cho việc chúng ta theo Chúa, việc chúng ta từ bỏ, việc chúng ta hy sinh.

Ngày 15-4-1996, linh mục George Parker, giám quản xứ thánh Giuse thuộc giáo phận Norwich ở Connecticut Hoa Kỳ, đã trả lại số tiền 5.000 đôla của nghị sĩ Christopher J.Dodd giúp cho trường học của giáo xứ. Cha Parker làm thế để phản đối nghị sĩ Dodd mang danh Công giáo, nhưng lại liên tục bỏ phiếu ủng hộ các dự luật phá thai. Cha Parker gọi số tiền của Dodd là "số tiền vấy máu hài nhi vô tội". Người không ngần ngại gọi Dodd là "môn đệ của thần chết".
Việc làm của cha khiến nhiều người cảm kích, dân chúng đã gởi về giúp trường học 61.000 đôla. Nhiều tổ chức bênh vực sự sống, và nhiều cơ quan truyền thông bày tỏ sự ngưỡng mộ ngài.
Trớ trêu thay không một linh mục nào trong giáo phận Norwich bênh vực hành động kiên cường ấy. Không ai dám công khai phê phán việc làm của nghị sĩ Dodd. Đau đớn hơn nữa, chính đức cha Daniel A. Hart vì áp lực của nghị sĩ Dodd đã cho ngài ngưng việc coi xứ. Đến nước này ngài chỉ biết xin về hưu. Đức Cha Hart viết thư cho ngài như sau : "Tôi rất tiếc là cha đã xin về hưu với tâm trạng bị xử bất công. Tôi cầu nguyện cho sự đau khổ này sẽ kết hợp cha với Đức Kitô một cách trọn vẹn hơn, nhờ Người mà cha tìm được niềm vui".
*
Câu chuyện trên đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ tâm trạng của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Thánh Gioan viết : "Sắp đến lễ Vượt Qua, rất nhiều người đi Giêrusalem… Họ đang tìm Đức Giêsu và hỏi han nhau : "Chắc ông ấy chẳng đến dự lễ đâu !" Còn bọn tư tế và Biệt phái đã ra lệnh : Bất cứ ai biết ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt" (Ga.11,55-57). Vậy Đức Giêsu vào thành Giêrusalem với tâm trạng của một kẻ bị truy nã, một kẻ có tên trong sổ bìa đen.
Nhưng Người vẫn công khai vào thành, không một chút sợ hãi. Người cỡi trên lưng lừa con để thực hiện lời tiên tri Dacaria : "Này Vua ngươi đến, đầy vẻ dịu dàng, cỡi lừa, lừa con của lừa mẹ" (Dcr.9,9). Đức Giêsu muốn chứng tỏ Người là Đấng Mêsia, Vị cứu tinh, Vua hiền từ : Một Vị vua chiến thắng bằng cái chết trên thập giá, khác với chiến thắng bằng vũ lực của các vua trần thế ngồi trên lưng ngựa.
Dân chúng trải áo, lấy lá lót đường, hoan hô chúc tụng Người như một vị vua chiến thắng, Đấng cứu tinh của dân tộc, đuổi lũ quân Rôma ra khỏi vùng Palestina, xô nhào chúng ra biển, tái lập vương quyền vua Đavít. Trái lại, Đức Giêsu đã cưỡi con vật hiền lành, tiến vào Giêrusalem, hành động này đã đi ngược lại quan niệm của họ, nên không lạ gì họ đã hùa theo nhóm Biệt phái, kết án tử hình cho Người chỉ vài ngày sau đó.
Cha Parker đã không chấp nhận thỏa hiệp với thế gian, với tội lỗi. Người đã giữ đúng vai trò tiên tri, chấp nhận lội ngược dòng, cho dù phải chịu khổ đau và bị bỏ rơi để nên giống Thầy Giêsu.
Đức Giêsu không xua quân đi giao chiến với các dân tộc. Nhưng đã qui tụ mọi người chiến đấu với nghèo đói, bất công và thù hận.
Đức Giêsu không đến để kết án và hủy diệt kẻ khác. Nhưng đã thứ tha và băng bó những vết thương tâm hồn.
Đức Giêsu không ngồi trên ngai vàng để dân chúng hầu hạ. Nhưng đã quì xuống rửa chân cho các thần dân.
Đức Giêsu không đến để thiết lập một vương quốc trần gian tạm bợ, Người đến để xây dựng một vương quốc vĩnh hằng, vương quốc tình yêu ngay trong lòng mọi người.
*
Lạy Chúa, người đời đón rước Chúa vào thành Giêrusalem, để rồi lại kết án Chúa ngay trong thành thánh. Xin cho chúng con đừng bao giờ thỏa hiệp với thế gian, nhưng cho chúng con can đảm theo Chúa đến chiều thứ Sáu Tuần Thánh, để được sống lại với Chúa trong đêm Phục Sinh khải hoàn. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
 
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, hôm nay bước vào Tuần Thánh, Hội thánh mời gọi các Kitô hữu bước theo Đức Giêsu trên đường thập giá, để được phục sinh với Người trong cuộc sống mới. Chúng ta hãy tha thiết nguyện xin :
1. Đức Giêsu đã khải hoàn vào thành Giêrusalem không phải để biểu dương uy quyền / mà là để bày tỏ lòng yêu thương và nhân lành / Xin cho các vị chủ chăn trong Hội thánh / biết noi gương Người để phục vụ mọi người trong khiêm tốn và hiền lành.
2. Đức Giêsu đã đến trần gian không phải để thống trị / nhưng để phục vụ mọi người / Xin cho các vị có chức quyền trong xã hội / biết lo cho công ích và quan tâm giúp đỡ mọi người.
3. Đức Giêsu đã phục vụ mọi người cho đến chết và chết trên thập giá / Xin cho tất cả những ai đang phải đau khổ trong tâm hồn hay thể xác / vì đã phục vụ mọi người / được luôn can đảm và vững tin nơi tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
4. Đức Giêsu đã chịu chết và sống lại để đem hạnh phúc thật cho mọi người / Xin cho mọi người trong họ đạo chúng ta đừng bao giờ trở nên gánh nặng và thập giá cho anh chị em mình.
Chủ tế  : Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Đức Giêsu Con Chúa phải đi qua đường thập giá mới vào được vinh quang. Xin cho mỗi người chúng con luôn noi theo đường lối của Người, để làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật Lễ Lá (B)
Chúa Nhật, 29 Tháng 3, 2015
Bài Thương Khó và cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu theo thánh Máccô
Thất bại cuối cùng như một lời mời gọi mới
Mc 14:1-16:8


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Cuộc Thương Khó và Khổ Nạn của Chúa Giêsu theo thánh Máccô 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Nói chung, khi chúng ta đọc bài thương khó và cuộc khổ nạn, chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu và sự đau khổ mà Người phải gánh chịu.  Nhưng điều ấy thật là giá trị, ít ra là một lần, nếu chúng ta cũng nhìn vào các môn đệ và thấy họ đã phản ứng với cây thập giá ra sao và cây thập giá đã ảnh hưởng đến đời sống của họ như thế nào, bởi vì cây thập giá là thước đo cho sự so sánh!
Thánh sử Máccô viết cho các cộng đoàn vào những năm của thập niên 70.  Nhiều người trong số các cộng đoàn này, cho dù ở Ý hay ở Syria, đang trải qua cuộc thương khó của chính họ.  Họ đã phải đối mặt với cây thập giá theo nhiều cách.  Họ đã bị bách hại trong triều đại hoàng đế Nêrô vào những năm 60 và nhiều người đã chết vì bị dã thú phanh thây ăn thịt.  Những người khác thì đã phản bội, đã từ chối hoặc chối bỏ đức tin của họ vào Chúa Giêsu, giống như Phêrô, Giuđa và các môn đệ khác.  Nhiều người đã tự hỏi:  “Liệu tôi có thể chịu nổi sự đàn áp không?”  Còn những kẻ khác đã mệt mỏi sau khi kiên trì trải qua nhiều lần bị xét xử mà không có kết quả.  Trong số những người đã từ bỏ đức tin của họ, có người tự hỏi có thể nào họ tái gia nhập cộng đoàn được không.  Họ muốn bắt đầu lại cuộc hành trình của họ lần nữa, nhưng không biết có thể tham gia lại được không.  Một cành cây bị cắt đi mà không có rễ!  Tất cả họ đều cần lý do mới và vững chắc để tái khởi động cuộc hành trình của họ.  Họ cần một kinh nghiệm đổi mới về tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đã vượt qua những lỗi lầm phàm nhân của họ.  Họ có thể tìm thấy điều này ở đâu?
Đối với họ, cũng như đối với chúng ta, câu trả lời ở trong các chương 14 đến 16 của Tin Mừng Máccô, trong đó kể lại cuộc thương khó, khổ nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thời gian của sự thất bại lớn nhất của các môn đệ, và trong ẩn cách, chính là niềm hy vọng lớn nhất của họ.  Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của những chương này để thấy các môn đệ đã phản ứng với cây Thập Giá như thế nào và Chúa Giêsu phản ứng với sự bội phản và nhu nhược của các môn đệ ra sao.  Chúng ta hãy cố gắng khám phá ra bằng cách nào mà Máccô đã khuyến khích đức tin của cộng đoàn và cách ông mô tả ai là người môn đệ thực sự của Chúa Giêsu.

b)  Nhìn vào tấm gương cuộc Thương Khó để biết cách làm một môn đệ trung thành
*  Mc 14:1-9:  Lời giới thiệu về câu chuyện cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu

1 Hai ngày trước Lễ Vượt Qua và Tuần Lễ ăn Bánh Không Men, các thượng tế và luật sĩ tìm mưu bắt giết Chúa Giêsu. 2 Họ bảo nhau rằng:  "Đừng làm trong ngày lễ, kẻo sinh náo động trong dân".  3 Khi Chúa đang dùng cơm ở Bêtania trong nhà ông Simon tật phong, thì có một người phụ nữ mang đến một bình ngọc đựng dầu thơm rất quý giá. Đập vỡ bình, bà đổ dầu thơm trên đầu Người.  4 Có mấy người khó chịu nghĩ thầm rằng: Làm gì mà phí dầu thơm như vậy? 5 Dầu này có thể bán được hơn ba trăm đồng bạc để bố thí cho kẻ nghèo khó. Và họ nặng lời với bà đó. 6Nhưng Chúa Giêsu bảo: "Hãy để mặc bà, sao các ông lại làm cực lòng bà? Bà vừa làm cho Ta một việc rất tốt. 7 Vì bao giờ các ông cũng có những kẻ nghèo ở bên mình, và các ông có thể làm phúc cho họ lúc nào tùy ý, nhưng Ta, các ông không có Ta ở luôn với đâu. 8 Làm được gì thì bà đã làm, bà đã xức dầu thơm có ý tẩm liệm xác Ta trước. 9 Ta bảo thật các ông: Trong khắp thế giới, Phúc âm này rao giảng đến đâu thì người ta cũng sẽ thuật lại việc bà mới làm để nhớ bà".

Mc 14:1-2:  Mưu kế chống lại Chúa Giêsu.
Khi kết thúc hoạt động rao giảng của mình, Chúa Giêsu đi đến Giêrusalem và đang được chờ đợi bởi các kẻ nắm giữ quyền lực trong tay:  các Thượng Tế, Kỳ Lão, Kinh Sư, Biệt Phái, Sađốc, người phái Hêrôđê và người La Mã.  Họ kiểm soát tình hình…  họ sẽ không để cho Chúa Giêsu, một nông dân thợ mộc từ trong miền quê Galilêa, gây rối loạn.  Họ đã quyết định tìm cách giết Đức Giêsu (Mc 11:18; 12:12). Chúa Giêsu đã là người bị lên án.   Giờ đây sẽ diễn ra điều mà chính Người đã báo trước với các môn đệ:  “Con Người đã được định trước là sẽ bị xử tử” (xem Mc 8:31; 9:31; 10:33).  Đây là bối cảnh cho câu chuyện về cuộc thương khó theo sau.
Câu chuyện cuộc thương khó sẽ cho thấy rằng người môn đệ thực sự chấp nhận đi theo Chúa Giêsu, Đấng Mêssia Tôi Tớ, và chấp nhận cống hiến cuộc đời mình chosự phục vụ các anh chị em của họ, phải vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu. Nếu câu chuyện cuộc thương khó nhấn mạnh đến sự thất bại và tiêu tan hy vọng, điều này không phải là để làm ngã lòng các độc giả.  Trái lại, nó được dùng để nhấn mạnh rằng việc mở rộng vòng tay và lòng yêu thương của Chúa Giêsu thì mạnh mẽ hơn sự thất bại và tiêu tan hy vọng của các môn đệ!

Mc 14:3-9:  Người môn đệ trung thành.
Một người phụ nữ mà tên của bà không thấy nhắc đến, xức cho Chúa Giêsu với bình dầu thơm nguyên chất đắt tiền (Mc 14:3).  Các môn đệ chỉ trích cử chỉ này.  Họ cho rằng đó là một việc phí phạm (Mc 14:4-5).  Nhưng Chúa Giêsu đã biện hộ cho bà:  “Tại sao các ông lại làm cực lòng bà ấy?  Bà vừa làm cho Ta một việc rất tốt… bà đã xức dầu thơm có ý tẩm liệm xác Ta trước” (Mc 14:6-8).  Vào thời đó, những ai chết vì bị đóng đinh thì không được chôn cũng không được tẩm liệm.  Biết được điều này, người phụ nữ đã dự đoán và xức dầu tẩm liệm cho Chúa Giêsu trước khi có bản án tử hình và việc đóng đinh của Người.  Cử chỉ này cho thấy rằng bà đã chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Tớ, Đấng sẽ chết trên cây thập giá. Chúa Giêsu hiểu được cử chỉ của người phụ nữ và tán thành điều này.  Trước đó, Phêrô đã bác bỏ ý kiến về một Đấng Cứu Thế Bị Đóng Đinh (Mc 8:32).  Người phụ nữ vô danh này là người môn đệ trung thành, một khuôn mẫu cho các môn đệ của Người là những người đã không hiểu gì.  Đây là một mẫu mực cho tất cả mọi người, “khắp cùng cõi trái đất” (Mc 14:9).

*  Mc 14:10-31:  Thái độ của các môn đệ về cây Thập Giá

10 Khi ấy, Giuđa Iscariốt, một trong nhóm Mười Hai, đến tìm các thượng tế để tình nguyện nộp Người cho họ. 11 Nghe vậy, họ mừng rỡ và họ liền hứa cho nó tiền. Và nó tìm dịp tiện nộp Người.  12 Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng Lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Người: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?" 13 Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: "Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. 14 Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu? 15 Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó".  16 Hai môn đệ ra đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo, và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
17 Chiều đến, Người cùng Mười Hai môn đệ tới. 18 Và khi mọi người đang ngồi ăn, thì Chúa Giêsu nói: "Ta bảo thật các con, một trong các con đang ăn cùng Ta, sẽ nộp Ta". 19 Các ông đều buồn rầu và lần lượt từng người thưa Ngài: "Thưa Thầy, có phải con không?" 20Người đáp: "Là một trong mười hai, kẻ cùng chấm một đĩa với Thầy. 21 Con Người phải ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà nó đừng sinh ra thì hơn". 22 Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". 23  Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. 24 Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. 25 Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa". 26 Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu. 27 Chúa Giêsu bảo các ông: "Đêm nay, tất cả các con sẽ vấp phạm vì Thầy, vì có lời chép rằng: ta sẽ đánh chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác.
28 Nhưng sau khi Thầy sống lại, Thầy sẽ đến xứ Galilêa trước các con". 29 Phêrô thưa Người:   "Dù tất cả vấp phạm vì Thầy, nhưng con thì không". 30 Chúa Giêsu bảo ông: "Thầy bảo thật con: Hôm nay, nội đêm nay, trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Thầy ba lần". 31Nhưng Phêrô càng lên giọng cương quyết hơn mà rằng:   "Không, dầu phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối Thầy".  Và tất cả đều nói như vậy.

Mc 14:10-11:  Giuđa quyết định phản bội Chúa Giêsu.
Trong sự tương phản hoàn toàn đối với người phụ nữ, Giuđa, một trong Nhóm Mười Hai môn đệ, quyết định phản bội Chúa Giêsu và âm mưu với kẻ thù là những kẻ hứa hẹn cho anh ta tiền.  Giuđa đã tiếp tục sống với Chúa Giêsu, với mục tiêu duy nhất là tìm cơ hội để nộp Người.  Khi Máccô đang viết quyển Tin Mừng của ông, có các môn đệ đang trông chờ lúc chính đáng để rời khỏi cộng đoàn vì đó là nguyên do mà họ bị đàn áp.  Hoặc có lẽ, họ đang trông chờ thời cơ thuận lợi để giao nộp các bạn đồng hành của họ.  Và chúng ta ngày nay thì sao?

Mc 14:12-16:  Việc chuẩn bị mừng Lễ Vượt Qua.
Chúa Giêsu biết rằng Người sẽ bị phản bội.  Tuy nhiên, bất chấp sự phản bội bởi một người bạn, Chúa vẫn tổ chức bữa tiệc mừng Lễ Vượt Qua trong tình huynh đệ với các môn đệ của Người.  Có lẽ Chúa đã phải chi rất nhiều tiền cho phòng tiệc, “một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng” (Mc 14:15), bởi vì đây là buổi tối trước Lễ Vượt Qua.  Thành phố đã chật ních những người bởi vì ngày lễ hội.  Khó mà tìm và đặt được một chỗ để ăn mừng.

Mc 14:17-21:  Lời loan báo về sự phản bội của Giuđa.
Tụ họp với nhau lần cuối, Chúa Giêsu loan báo rằng một trong các môn đệ sẽ phản bội Người:  “một trong các con đang ăn cùng ta!” (Mc 14:18).  Cách nói này của Máccô nhấn mạnh sự tương phản.  Đối với người Do Thái, cùng nhau ăn uống, ngồi chung bàn, là biểu hiện của sự thân mật và tin tưởng nhất.  Vì thế, trong ba dòng, Máccô đã chuyển tải sứ điệp sau đây đến độc giả của mình:  sự phản bội sẽ xảy ra do bàn tay của người bạn thân, nhưng tình yêu của Đức Giêsu thì cao cả hơn so với sự phản bội!

Mc 14:22-25:  Bí Tích Thánh Thể, việc cử hành Tiệc Lễ Vượt Qua.          
Đang lúc tiệc mừng, Chúa Giêsu chia sẻ điều gì đó.  Người chia sẻ bánh và rượu, một biểu lộ của sự cho đi chính bản thân Người và mời gọi các bằng hữu hãy nhận lấy mình và máu của Người.  Tác giả Tin Mừng đã đặt cử chỉ cho đi này (Mc 14:22-25) ở giữa lời loan báo về sự phản bội (Mc 14:17-21) và việc bỏ chạy và phủ nhận (Mc 14:26-31).  Vì vậy, ông nhấn mạnh sự tương phản giữa cử chỉ của Chúa Giêsu và của các môn đệ, ông nói lên cộng đoàn của ông thời ấy và cho tất cả chúng ta thấy tình yêu bao la của Đức Giêsu vượt qua khỏi sự phản bội, chối từ và tháo chạy của bạn bè của Người.

Mc 14:26-28:  Lời loan báo về sự chạy trốn của tất cả mọi người.
Sau bữa ăn tối, đang khi Người cùng với các môn đệ đi lên núi Cây Dầu, Chúa Giêsu loan báo rằng các ông sẽ bỏ rơi Người.  Họ sẽ bỏ chạy và tan tác!  Nhưng ngay sau đó Chúa nói:  “Sau khi Thầy sống lại, Thầy sẽ đến xứ Galilêa trước các con!” (Mc 14:28)  Các ông lìa bỏ Chúa, nhưng Đức Giêsu không lìa bỏ họ.  Người tiếp tục chờ đợi các ông tại cùng một chỗ, trong xứ Galilêa, nơi mà ba năm trước đây lần đầu tiên Người đã gọi các ông.  Điều chắc chắn về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống người môn đệ thì vững chắc hơn là sự từ bỏ hoặc tháo chạy! Người ta luôn luôn có thể quay trở lại.

Mc 14:29-31:  Lời loan báo về việc chối Thầy của Phêrô.
Ông Simon, được gọi là Kêpha (nghĩa là đá), có thể là bất cứ vật gì nhưng chẳng phải là đá.  Ông đã là “vật cản đường” (Mt 16:23) và là Satan đối với Chúa Giêsu (Mc 8:33), và giờ đây ông làm ra vẻ là người môn đệ trung thành nhất trong tất cả: “Dù tất cả vấp phạm vì Thầy, nhưng con thì không!” (Mc 14:29).  Nhưng Chúa Giêsu bảo ông:  Phêrô, con sẽ là người đầu tiên chối Thầy, trước khi gà gáy sáng!

*  Mc 14:32-52:  Thái độ của các môn đệ trong Vườn Cây Dầu

32 Đi đến một vườn kia tên là Giệtsêmani, Người bảo các môn đệ: "Các con hãy ngồi lại đây trong khi Thầy đi cầu nguyện". 33 Rồi Người đem Phêrô, Giacôbê và Gioan theo Người 34và Người bắt đầu kinh sợ và buồn sầu. Người liền bảo các ông: "Linh hồn Thầy buồn đến chết được, các con hãy ở lại đây và tỉnh thức".  35 Tiến xa hơn một chút, Người phục xuống đất và cầu xin nếu có thể được thì xin cho qua khỏi giờ này. Và Người nguyện rằng:36 "Abba, Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cất chén này khỏi con!  Nhưng không theo ý con muốn, một theo ý Cha".  37 Người trở lại và thấy các ông đang ngủ, nên nói với Phêrô: "Simon, con ngủ ư? Con không có sức thức được một giờ sao? 38 Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì lanh lẹ, còn xác thịt thì yếu đuối". 39Rồi Người đi khỏi đó và cầu nguyện cùng lời như trước. 40 Khi trở lại lần nữa và thấy các ông còn ngủ (vì mắt các ông nặng trĩu) và các ông không còn biết thưa Người làm sao. 41Lần thứ ba, Người trở lại và bảo: "Bây giờ các con hãy ngủ và nghỉ ngơi đi. Thế là xong! Giờ đã đến: Này Con Người sắp bị nộp trong tay những kẻ tội lỗi. 42 Thôi! hãy chỗi dậy, chúng ta đi, kẻ nộp Thầy đã tới nơi".  43 Người còn đang nói, thì Giuđa Iscariốt, một trong nhóm Mười Hai đến, cùng đi với một toán đông mang gươm giáo và gậy góc do các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão sai đến. 44 Trước đó, tên phản bội đã ra hiệu cho chúng rằng: "Hễ tôi hôn mặt ai, thì đó chính là Ngài, các ông cứ bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận".  45Vừa đến, nó liền tới gần Người mà nói: "Chào Thầy". Và nó hôn Người. 46 Và chúng tra tay bắt Người. 47 Nhưng một người trong những kẻ đứng xung quanh rút gươm chém tên đầy tớ thầy thượng tế đứt một tai. 48 Chúa Giêsu nói với chúng rằng: "Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta như bắt tên cướp!  49 Hằng ngày, Ta ở giữa các ngươi, giảng dạy trong đền thờ mà sao các ngươi không bắt Ta. Nhưng thế là để ứng nghiệm lời Kinh Thánh". 50 Bấy giờ môn đệ bỏ Người và trốn đi hết. 51 Có một thanh niên theo Người, mình chỉ quấn một tấm khăn, họ túm lấy anh ta, 52 nhưng anh ta bỏ tấm khăn lại và chạy trốn mình trần.


Mc 14:32-42:  Thái độ của các môn đệ trong cơn buồn sầu của Chúa Giêsu.
Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu bắt đầu cơn buồn sầu của mình và bảo các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan cầu nguyện cho Người.  Người buồn bã và bắt đầu kinh sợ.  Người tìm kiếm sự hỗ trợ nơi các bạn hữu của mình.  Nhưng họ lại mê ngủ. Các ông không thể thức được một giờ với Chúa.  Và đều cả ba lần!  Một lần nữa, chúng ta thấy sự tương phản lớn lao giữa thái độ của Chúa Giêsu và của ba môn đệ!  Tại Vườn Cây Dầu này và tại thời điểm buồn sầu của Chúa Giêsu mà lòng can đảm của các môn đệ đã tan rã.  Chẳng còn lại gì!

Mc 14:43-52:  Thái độ của các môn đệ khi Chúa Giêsu bị bắt.
Khi màn đêm buông xuống, các quân lính được dẫn đầu bởi Giuđa đi đến.  Nụ hôn, một dấu hiệu của tình bạn và tình yêu, trở thành dấu hiệu của sự phản bội.  Giuđa đã thiếu can đảm để đối diện với sự phản bội của mình.  Hắn ta trốn nó!  Trong khi bị bắt, Chúa Giêsu vẫn giữ được sự bình tĩnh, Người làm chủ tình hình.  Người cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của những gì đang xảy ra:  “Như thế là để ứng nghiệm lời Kinh Thánh!” (Mc 14:49)  Nhưng tất cả các môn đệ đều bỏ Người và trốn đi hết (Mc 14:50).  Chả có ai ở lại.  Chúa Giêsu trơ trọi một mình!

*  Mc 14:53-15:20:  Cuộc luận án:  những quan niệm mâu thuẫn khác biệt nhau về Đấng Cứu Thế.

53 Chúng điệu Chúa Giêsu đến thầy thượng tế, các tư tế, luật sĩ và kỳ lão hội lại đông đủ. 54Còn Phêrô theo Người xa xa đến tận trong dinh thượng tế và ngồi sưởi lửa với đám đầy tớ.55 Vậy các thầy thượng tế và toàn thể Công Nghị tìm một chứng cáo Chúa Giêsu để giết Người, song họ không tìm ra. 56 Có nhiều kẻ đã cáo gian Người, nhưng các chứng đó không hợp nhau. 57 Tuy nhiên có nhiều kẻ đứng lên làm chứng gian cho Người rằng:  58"Chúng tôi đã nghe nó nói: Ta sẽ phá huỷ đền thờ này do tay loài người làm ra, và trong ba ngày, Ta sẽ xây lại một đền thờ khác không bởi tay loài người làm ra". 59 Nhưng chứng cớ của họ cũng không hợp nhau. 60 Khi ấy, thầy thượng tế đứng lên giữa công nghị hỏi Chúa Giêsu rằng:  "Sao ông không trả lời gì về những điều các người này tố cáo ông". 61 Nhưng Người vẫn thinh lặng và không đáp lại gì. Thầy thượng tế lại hỏi:  "Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa đáng chúc tụng chăng?" 62 Chúa Giêsu đáp: "Phải, chính Ta! Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng toàn năng và ngự đến trên đám mây". 63 Thầy thượng tế liền xé áo mình ra và nói:  "Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng nữa? 64 Các ông đã nghe lời nói lộng ngôn, các ông nghĩ sao"  Ai nấy đều lên án Người đáng chết. 65Rồi có kẻ bắt đầu nhổ vào Người, che mặt Người và đánh đấm Người mà rằng:  "Hãy đoán xem!"  Và bọn thủ hạ vả mặt Người.
66 Phêrô đang ở ngoài sân tiền đường, thì có một đầy tớ gái của thầy thượng tế đến, 67thấy Phêrô đang sưởi, thì nhìn ông và nói:  "Ông cũng theo Giêsu, người Nagiarét".  68Nhưng ông chối phắt mà rằng:  "Tôi không biết, tôi không hiểu cô muốn nói gì".  Rồi ông đi ra ngoài phía trước tiền đường, và gà liền gáy. 69 Lần nữa người đầy tớ thấy ông, liền nói với những người xung quanh rằng:  "Ông này thuộc bọn đó".  70 Nhưng ông lại chối. Một lúc sau, những người ở đó lại nói với Phêrô rằng:  "Đúng ông thuộc bọn đó, vì cả ông cũng là người Galilêa". 71 Ông liền nguyền rủa nặng lời và thề rằng:  "Tôi không biết người mà các ông nói đó". 72 Tức thì gà gáy lần thứ hai. Và Phêrô nhớ lại lời Chúa Giêsu đã bảo ông: "Trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Ta ba lần". Và ông liền than khóc.

15:1 Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể Công Nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. 2 Philatô hỏi Người: "Ông có phải là vua dân Do-thái không?"  Chúa Giêsu đáp: "Ông nói đúng!"  3 Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. 4 Philatô lại hỏi Người rằng:  "Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!"  5 Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. 6 Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. 7 Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn.8 Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. 9 Vậy Philatô hỏi: "Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?"  10 Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người. 11 Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. 12 Philatô bảo dân chúng rằng:  "Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?" 13 Nhưng chúng lại kêu lên:  "Đóng đinh nó đi!"  14Philatô đáp lại:  "Người này đã làm gì nên tội?"  Song chúng càng la to hơn:  "Đóng đinh nó đi!"  15 Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. 16 Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. 17 Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. 18 Đoạn chào Người rằng:  "Tâu Vua dân Do-thái". 19 Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. 20 Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

Mc 14:53-65:  Chúa Giêsu bị kết án bởi Tòa Tối Cao
Chúa Giêsu bị dẫn ra trước tòa án của các thầy Thượng Tế, Kỳ Lão và Luật Sĩ, gọi là Công Nghị.  Những lời cáo gian đã buộc cho Người.  Chúa vẫn giữ im lặng. Không có bất kỳ lời biện bạch nào, Người bị trao cho kẻ thù của mình.  Vậy là Người đã ứng nghiệm những gì ngôn sứ Isaia đã nói về Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, Đấng đã bị bắt làm tội nhân, bị luận tội và bị lên án như một con cừu, Người không hề mở miệng kêu ca (xem is 53:6-8).  Khi bị tra vấn, Chúa Giêsu nhìn nhận sự thật Người là Đấng Cứu Thế:  “Phải, chính Ta!”  Nhưng Người xác nhận điều này dưới danh hiệu Con Thiên Chúa (Mk 14:62).  Sau cùng, Người bị vả vào mặt bởi những kẻ chế nhạo Người gọi Người là Đấng Mêssia Tiên Tri (Mk 14:65).

Mc 14:66-72:  Lời chối của Phêrô.
Phêrô bị người tớ gái nhận mặt là một trong những người đã có mặt trong Vườn Cây Dầu.  Phêrô phủ nhận điều này.  Ông chối phắt việc ấy bằng lời nguyền rủa và thề thốt.  Ngay cả lúc này ông không có khả năng chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Tớ, Đấng đã thí mạng sống mình cho người khác.  Nhưng khi gà gáy lần thứ hai, ông nhớ lại lời của Chúa Giêsu và bắt đầu than khóc.  Đây là những gì xảy ra cho những kẻ gần gũi với mọi người nhưng đầu óc bị lẫn mất trong hệ thống tư tưởng của nhóm Hêrôđê và những người Biệt Phái.  Đây có lẽ là tình trạng của nhiều người trong các cộng đoàn vào thời Máccô đang viết sách Tin Mừng của ông.  Và còn chúng ta ngày nay thì sao?

Mc 15:1-20:  Chúa Giêsu bị kết án bởi quyền lực La Mã.
Cuộc xử án tiếp tục.  Chúa Giêsu bị giải nạp cho nhà cầm quyền La Mã và bị cáo buộc là Đấng Mêssia Vua (Mc 15:2; Mc 15:25).  Những người khác thì đề nghị để thay thế cho Baraba, “bị giam cùng với những kẻ phiến loạn” (Mc 15:7).  Họ xem Chúa Giêsu như một Đấng Cứu Thế Anh Hùng chống lại đế quốc La Mã.  Sau khi bị kết án, họ khạc nhổ vào mặt Chúa Giêsu, nhưng Người sẽ không mở miệng.  Ở đây một lần nữa, chúng ta thấy Đấng Cứu Thế Tôi Tớ được công bố bởi ngôn sứ Isaia (xem Is 50:6-8).

*  Mc 15:21-39:  Trước cây Thập Giá của Chúa Giêsu trên đồi Canvê
    
21 Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. 22Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Gôngôtha, nghĩa là Núi Sọ. 23 Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. 24 Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.  25 Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. 26 Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái!27 Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. 28 Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. 29 Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói:  "Kìa! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: 30 hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!" 31  Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau:  "Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! 32 Bây giờ Đấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!"  Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. 33 Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. 34 Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng: "Eloi, Eloi, lema sabachtani!" Nghĩa là: "Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!" 35 Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng:  "Kìa, nó gọi Elia!"  36 Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng:  "Hãy đợi xem Êlia có đến đem nó xuống không?"  37 Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)
38 Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. 39 Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng:  "Đúng người này là Con Thiên Chúa!"

Mc 15:21-22:  Ông Simon vác đỡ thập giá.
Khi Chúa Giêsu đang bị điệu đi đến nơi đóng đinh vào thập giá, ông Simon quê ở Xyrênê, là một người cha trong gia đình, đã bị bắt vác đỡ Thập Giá.  Simon là một môn đệ lý tưởng, ông đi theo con đường mà Chúa Giêsu đi.  Theo nghĩa đen, ông vác thập giá đi theo chân Chúa Giêsu lên đồi Canvê    

Mc 15:23-32:  Đóng đinh vào thập giá.
Chúa Giêsu bị đóng đinh như kẻ bị ức hiếp, ở giữa hai tên trộm.  Một lần nữa, Tin Mừng của Máccô gợi nhớ lại hình ảnh của Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, Đấng mà ngôn sứ Isaia đã nói:  Người bị chôn cất giữa bọn ác ôn” (Is 53:9).  Tội gán cho Người là “Vua dân Do Thái!” (Mc 15:25)  Những kẻ có thẩm quyền tôn giáo nhạo báng và xúc phạm đến Chúa Giêsu và nói rằng:  “hãy xuống khỏi thập giá ngay đi để chúng ta thấy mà tin nào!” (Mc 15:321).  Họ cũng giống như Phêrô.  Họ sẽ chỉ chấp nhận Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai, nếu Người xuống khỏi cây thập giá.  Như bài thánh vịnh viết rằng:  “Họ chỉ muốn có một vị vua vĩ đại hùng dũng, thống trị, và vì điều này, họ đã không tin vào Ngài và đã giết Đấng Cứu Độ”.

Mc 15:33-39:  Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.
Bị tất cả mọi người bỏ rơi, Chúa Giêsu kêu lên một tiếng và trút hơi thở.  Viên sĩ quan, một người dân ngoại, có nhiệm vụ canh gác, đã thốt lên một lời tuyên xưng đức tin long trọng:  “Đúng người này là Con Thiên Chúa!”  Một người dân ngoại đã khám phá ra và chấp nhận những gì các môn đệ đã không thể khám phá và chấp nhận, đó là trông thấy sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong tấm hình hài bị tra tấn, loại trừ và bị đóng đinh này.  Giống như người phụ nữ vô danh ở đầu của hai chương này (Mc 14:3-9), vì thế tại phần cuối xuất hiện một mẫu mực môn đệ khác, viên sĩ quan, một người dân ngoại!

*  Mc 15:40-16:8:  Tại ngôi mộ của Chúa Giêsu

40 Cũng có những phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa.  Trong số có bà Maria Magđalêna, bà Maria mẹ của ông Giacôbê trẻ và của ông Giôsết, và bà Salômê, 41 là những kẻ đã theo giúp Người khi Người còn ở xứ Galilêa.  Và nhiều người khác cũng đã lên Giêrusalem với Người. 42 Trời đã xế chiều và hôm đó lại là ngày chuẩn bị, áp ngày Sabbát. 43 Ông Giuse quê ở Arimathia, một hội viên vị vọng trong Công Nghị, cũng là người trông đợi Nước Thiên Chúa, ông mạnh dạn đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. 44 Philatô ngạc nhiên nghe nói Người đã chết, ông gọi viên sĩ quan đến và hỏi xem Người đã chết thật chưa.  45 Khi được viên sĩ quan phúc trình, quan trao xác Người cho Giuse. 46 Giuse đã mua một khăn trắng, hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, liệm vào khăn và đặt trong mộ đã đục sẵn trong đá, và lăn một tảng đá lấp cửa mồ. 47 Lúc đó bà Maria Magđalêna và Maria mẹ ông Giuse nhìn xem nơi Người được an táng.

16:1  Vừa hết ngày Sabbát, bà Maria Magđalêna với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để đi ướp xác Chúa Giêsu. 2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. 3 Các bà bảo nhau:  “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm chúng ta đây?”  4 Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm.  5 Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ.  6 Nhưng người thanh niên liền nói:  “Đừng hoảng sợ!  Các bà tìm Đức Giêsu Nagiarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì?  Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.  Chỗ đã đặt Người đây này!  7 Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilêa trước các ông.  Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.”  8 Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía.  Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.   

Mc 15:40-47:  Táng xác Đức Chúa Giêsu.
Một nhóm các người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa:  Maria Magđalêna, Maria mẹ của Giacôbê và bà Salômê.  Họ đã không chạy trốn.  Họ vẫn trung thành cho đến cùng.  Các bà chứng kiến cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.  Từ nhóm nhỏ này mà lời công bố mới về Chúa Nhật Phục Sinh sẽ xảy đến.  Các bà đi với ông Giuse quê ở Arimathia là người đã xin phép để chôn Chúa Giêsu.  Sau đó, hai bà trong số họ, các bà Maria Magđalêna và Maria, ở gần ngôi mộ đã lấp.  Họ cũng chứng kiến việc táng xác Chúa Giêsu.

Mc 16:1-8:  Công bố sự phục sinh
Ngày thứ nhất trong tuần, vào lúc sáng tinh sương, những người phụ nữ ấy cùng đi để ước xác Chúa Giêsu.  Họ thấy ngôi mộ đã mở ra.  Các bà là những nhân chứng của sự phục sinh.  Một thiên thần nói với các bà rằng Chúa Giêsu đã sống lại và trao cho họ một mệnh lệnh:  “đi và nói với các môn đệ Người và ông Phêrô rằng: ‘Người sẽ đến Galilêa trước các ông; ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.’” (Mc 16:7).  Trong miền Galilêa, trên bờ hồ, nơi mà tất cả mọi sự đã khởi xướng, ở đó tất cả mọi thứ cũng sẽ bắt đầu lại.  Chúa Giêsu đã mời gọi!  Người sẽ không bỏ cuộc, ngay cả khi đối mặt với việc các môn đệ từ bỏ Người!  Người sẽ gọi lần nữa!  Người luôn luôn gọi!

c)  Sự thất bại cuối cùng như là lời kêu gọi mới trở thành môn đệ
Đây là câu chuyện về cuộc thương khó, khổ nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu được nhìn thấy từ quan điểm của các môn đệ.  Số lần mà câu chuyện này nói về việc kém hiểu biết và thất bại của các môn đệ, có lẽ tương ứng nhất với một sự kiện lịch sử.  Nhưng điểm quan tâm chính của tác giả Tin Mừng không phải là để kể lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, mà ông muốn tác động một sự hoán cải trong các Kitô hữu của thời ấy và khơi dậy trong họ và trong chúng ta một niềm hy vọng mới, có khả năng khắc phục được sự nản lòng và cái chết.  Có ba điều nổi bật và cần phải được suy nghĩ kỹ lưỡng:  
i)  Sự thất bại của những người được chọn:  Nhóm Mười Hai là những người đã được Chúa Giêsu gọi và chọn cách đặc biệt (Mc 3:13-19) và được Người sai đi trong sứ vụ (Mc 16:7-13), đã thất bại.  Thất bại hoàn toàn.  Giuđa phản bội, Phêrô chối Thầy, tất cả đều bỏ chạy, không một ai ở lại.  Tất cả phân tán!  Dường như, không có sự khác biệt nhiều giữa họ và những kẻ có thẩm quyền đã quyết định về cái chết của Chúa Giêsu.  Cũng giống như Phêrô, họ cũng muốn loại bỏ cây thập giá và muốn có một Đấng Cứu Thế vinh quangmột vì vua, Con Thiên Chúa được ơn phúc.  Nhưng có một sự khác biệt thật sự và sâu xa!  Mặc dù với tất cả nhữnglỗi lầm và yếu kém của mình, các môn đệ đã không có dã tâm.  Các ông không có bất kỳ một ý định xấu xa nào.  Họ gần như là một bản sao trung thực của tất cả chúng ta là những kẻ đang đi trên con đường của Chúa Giêsu, mãi mãi vấp ngã nhưng lại luôn gượng dậy!
ii)  Lòng trung thành của những người không được chọn:  Là một đối trọng với sự thất bại của một số người, sức mạnh đức tin của những người khác đã được bày tỏ, những người không thuộc về nhóm Mười Hai môn đệ được chọn:
1.  Người phụ nữ vô danh từ Bêtania.  Bà chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu ThếTôi Tớ và do đó, bà đã xức dầu cho Người trong dự đoán về việc chôn cất Người. Chúa Giêsu khen bà.  Bà là một gương mẫu cho tất cả chúng ta. 
2.  Ông Simon quê ở Xyrênê, một người cha trong gia đình.  Ông đã bị các quân lính bắt buộc phải làm điều mà Chúa Giêsu đã yêu cầu Nhóm Mười Hai làm mà họ đã bỏ chạy.  Ông vác cây thập giá đi theo chân Chúa Giêsu lên đồi Canvê. 
3.  Viên sĩ quan, một dân ngoại.  Vào lúc Chúa sinh thì, ông đã tuyên xưng đức tin của mình và nhận ra Con Thiên Chúa trong hình hài người đàn ông bị đánh đập và đóng đinh trên thập giá, người bị nguyền rủa chiếu theo luật Do Thái. 
4.  Bà Maria Magđalêna, bà Maria mẹ của ông Giacôbê và bà Salômê, “và nhiều phụ nữ khác ở đó đã lên Giêrusalem cùng với Người (Mc 15:41).  Họ đã không bỏ rơi Chúa Giêsu, nhưng kiên quyết ở lại dưới chân cây thập giá và gần mồ Chúa Giêsu. 
5. Ông Giuse quê ở Arimathia, một hội viên của Công Nghị, người đã mạo hiểm bằng mọi cách để xin xác Chúa Giêsu đem về mai táng.  Nhóm Mười Hai đã không làm tròn.  Việc tiếp tục sứ điệp Nước Trời đã không thông qua các ông, nhưng qua các người khác, đặc biệt là phụ nữ, những người sẽ được trao cho một nhiệm vụ rõ ràng là đi tìm gọi lại những môn đệ thất bại đó (Mc 16:7).  Và ngày nay, sứ điệp được lưu truyền qua những người nào?
iii)  Thái độ của Chúa Giêsu:  Cách thức mà trong Tin Mừng Máccô trình bày về thái độ của Chúa Giêsu trong khi nói về cuộc thương khó là có ý mang lại niềm hy vọng ngay cả với các môn đệ chán nản và thất vọng nhất!  Bởi vì cho dù sự phản bội của Nhóm Mười Hai có to lớn đến đâu thì tình yêu của Đức Giêsu vẫn luôn bao la hơn!  Khi Chúa Giêsu loan báo rằng các môn đệ sẽ chạy trốn, Người đã nói với các ông rằng Người sẽ đợi họ ở Galilêa.  Mặc dù Người đã biết trước về việc phản bội (Mc 14:18), chối bỏ (Mc 14:30), tháo chạy (Mc 14:27), Chúa vẫn tiếp tục cử hành Bí Tích Thánh Thể.  Và vào tảng sáng Phục Sinh, thiên thần, qua các ngườiphụ nữ, đã gửi một thông điệp đến Phêrô là người đã chối Chúa, và đến tất cả mọi người khác là những kẻ đã bỏ trốn, rằng các ông phải đi đến Galilêa.  Nơi mà tất cả mọi việc đã khởi đầu cũng sẽ là nơi mà tất cả mọi thứ được bắt đầu lại.  Sự thất bại của Nhóm Mười Hai không làm hủy đi giao ước đã được ký và đóng ấn bằng máu của Chúa Giêsu.      
d)  Khuôn mẫu của người môn đệ:  Đi theo, Phục vụ, Đi lên

Máccô nhấn mạnh đến sự hiện diện của các phụ nữ là những người đi theo và giúp Chúa Giêsu từ lúc Người còn ở Galilêa và đi lên Giêrusalem cùng với Người (Mc 15:40-41).  Máccô xử dụng ba chữ để xác định mối quan hệ của những người phụ nữ với Chúa Giêsu:  Đi theo!  Phục vụ!  Đi lên!  Các bà “đã đi theo và giúp đỡ” Chúa Giêsu và cùng với nhiều phụ nữ khác “đã cùng đi lên Giêrusalem với Người” (Mc 15:41).  Đây là ba từ ngữ để định nghĩa một người môn đệ lý tưởng.  Họ là những gương mẫu cho các môn đệ khác là những kẻ đã tháo chạy!
*  Đi theo mô tả lời mời gọi của Chúa Giêsu và quyết định đi theo Người (Mc 1:18). Quyết định này ngụ ý là từ bỏ mọi sự và chấp nhận nguy cơ có thể bị giết chết (Mc 8:34; 10:28).
*  Phục vụ nói rằng họ là những môn đệ đích thực, bởi vì sự phục vụ là đặc tính của người môn đệ và của chính Chúa Giêsu (Mc 40:42-45).
*  Đi lên nói rằng họ đủ tư cách là chứng tá cho cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu, bởi vì như các môn đệ, họ sẽ đi cùng với Người từ Galilêa đến Giêrusalem (Cv 13:31).
Sau khi chứng kiến sự phục sinh của Chúa Giêsu, họ cũng sẽ mục kích những gì họ đã trông thấy và đã trải qua.  Đó là kinh nghiệm của phép thanh tẩy của chúng ta.  “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người.  Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:4). Nhờ bí tích rửa tội, tất cả chúng ta cùng chia sẻ trong cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.

3.  Trợ giúp cho việc suy gẫm

i)  Trong cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu, điều gì khiến tôi cảm động nhất trong thái độ của mười hai vị tông đồ và thái độ của những người phụ nữ? Bạn sẽ làm gì nếu bạn đã có mặt vào lúc ấy?  Bạn sẽ hành động như các vị tông đồ hay sẽ hành động như các người phụ nữ?
ii)  Điều gì đã làm bạn cảm động nhất trong thái độ của Chúa Giêsu đối với các môn đệ của Người trong bài tường thuật cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu?  Tại sao?
iii)  Bài tường thuật về cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu theo Tin Mừng Máccô mang sứ điệp đặc biệt gì?  Bạn có đã tìm ra được những khác biệt giữa lời tường thuật về cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Máccô và trong các Tin Mừng khác chưa?  Những khác biệt này là gì?

4.  Lời cầu nguyện bằng Thánh Vịnh:  Thánh Vịnh 22 (21)

Bài Thánh Vịnh mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện trên Thập Giá

Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
Dù con thảm thiết kêu gào,
nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời!
Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng,
đêm van Ngài mà cũng chẳng yên.

Thế nhưng Chúa ngự nơi đền,
vinh quang của Israel là Ngài.
Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa,
họ cậy trông, Ngài đã độ trì,
van nài liền được cứu nguy,
đã không thất vọng mỗi khi cậy Ngài.
Thân sâu bọ chứ người đâu phải,
con bị đời mắng chửi dể duôi,
thấy con ai cũng chê cười,
lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai:
"Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó!
Người có thương, giải gỡ đi nào! "
Đưa con ra khỏi thai bào,
vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn.
Chào đời con được dâng cho Chúa,
được Ngài là Chúa tự sơ sinh.
Xa con Ngài đứng sao đành,
nguy hiểm bên mình không kẻ giúp cho.
Quanh con cả đàn bò bao kín,
thú Ba-san ùa đến bủa vây:
Há mồm đe doạ gớm thay,
khác nào sư tử xé thây vang gầm.
Tưởng mình như tan dần ra nước,
toàn thân con xương cốt rã rời,
con tim đau đớn bồi hồi,
mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan.
Nghe cổ họng khô ran như ngói,
lưỡi với hàm dính lại cùng nhau,
chốn tử vong Chúa đặt vào;

Quanh con bầy chó đã bao chặt rồi.
Bọn ác đó trong ngoài vây bủa,
chúng đâm con thủng cả chân tay,
xương con đếm được vắn dài;
chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem.
Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
còn áo trong cũng bắt thăm luôn.
Chúa là sức mạnh con nương,
cứu mau, lạy CHÚA, xin đừng đứng xa.
Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm,
gỡ thân con thoát miệng chó rừng,
khỏi nanh sư tử hãi hùng,
phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên.
Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay,
và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương.

Hỡi những ai kính sợ ĐỨC CHÚA,
hãy ca tụng Người đi!
Hỡi toàn thể giống nòi Giacóp,
nào hãy tôn vinh Người!
Dòng dõi Israel tất cả,
nào một dạ khiếp oai!
Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường,
chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ,
cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ,
nhưng đã thương nghe lời cầu cứu.

Chịu ơn Người, tôi dâng lời ca tụng,
ngày đại hội toàn dân.
Điều khấn nguyền, tôi xin giữ trọn
trước mặt những ai kính sợ Người.
Kẻ nghèo hèn được ăn uống thoả thuê,
người tìm CHÚA sẽ dâng lời ca tụng.
Cầu chúc họ vui sống ngàn đời.
Toàn thế giới, muôn người nhớ lại
và trở về cùng CHÚA.
Mọi dân tộc dưới trần
phủ phục trước Tôn Nhan.
Bởi vì CHÚA nắm quyền vương đế,
Người thống trị chư dân.

Mọi kẻ ngủ yên trong lòng đất
sẽ đều bái lạy một mình Người,
phàm những ai trở về cát bụi
sẽ cùng phủ phục trước Thánh Nhan.
Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa,
con cháu tôi sẽ phụng sự Người.
Thiên hạ sẽ nói về Đức Chúa
cho thế hệ tương lai,
truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người,
rằng: "Đức Chúa đã làm như vậy! "

5.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét