Trang

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

11-06-2015 : THỨ NĂM TUẦN X MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH BARNABA, TÔNG ĐỒ (Lễ Nhớ)

Ngày 11 tháng 6
Lễ Thánh Barnaba, Tông Ðồ
Lễ Nhớ


Bài Ðọc I: Cv 11, 21b-26; 13, 1-3
"Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đệ lần đầu tiên nhận tên là "Kitô hữu".
Bấy giờ trong hội thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thư ấu, và Saolô.
Ðang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: "Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định". Vậy sau khi ăn chay cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3a. 3cd-4. 5-6
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ trước mặt chư dân (c. 2a).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng. Tay mặt Người đã đem lại toàn thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành đối nhà Israel. - Ðáp.
3) Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng tôi. Toàn thể địa cầu hãy hân hoan mừng Chúa, hãy vui mừng hoan lạc và đàn ca. - Ðáp.
4) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm thụ, với đàn cầm thụ, với nhạc cụ râm ran: Hãy thổi sáo và rúc tù và, hân hoan trước thánh nhan Chúa là Vua. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúng con ca ngợi Thiên Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa; lạy Chúa, ca đoàn vinh quang của các Tông đồ ca ngợi Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 7-13
"Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy đi rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ: Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.
"Các con chớ mang vàng, bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc: vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở nơi đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi.
"Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: "Bình an cho nhà này". Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì sự bình an của các con sẽ trở về với các con".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Barnaba tông đồ. Là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp vào khởi đầu của đạo Kitô, Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Có lẽ thánh nhân từng sống tại Giêrusalem trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Vì nhiệt tình và sự thành công trong công tác rao giảng, cho nên thánh nhân được các thánh tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là "người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi". Sau khi trở lại, thánh Phaolô đến Giêrusalem, nhưng cộng đoàn tín hữu tại đây vẫn còn ngờ vực thiện chí của ngài.
Chính thánh Barnaba là người đứng ra bảo đảm và giới thiệu thánh Phaolô với các tông đồ, nhưng sau đó thánh Phaolô lui về ẩn dật trong nhà ngài tại Tácxô trong nhiều năm và Barnaba vẫn ở lại Giêrusalem. Sau này các thánh tông đồ sai Barnaba đến Antiokia để điều tra về sự thành công của thánh Phaolô trong công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Barnaba đã nhận ra ngay ơn Chúa trong công việc của thánh Phaolô. Ðây là lý do để nối kết hai người lại với nhau trong cánh đồng truyền giáo của dân ngoại. Cả hai sát cánh bên nhau tại Antiokia trong vòng một năm. Một trận đói lớn đã tàn phá Giêrusalem, Barnaba và Phaolô đã quyên góp để mang về Giêrusalem cứu trợ. Sau công tác này, cả hai trở về Antiokia và mang theo một người bà con họ hàng với Barnaba là Marcô, vị thánh sử tương lai.
Từ Antiokia, cùng với Marcô, Barnaba và Phaolô lên đường đi đến đảo Sýp, quê hương của Barnaba và từ đó sang Tiểu Á. Tại một trạm đầu tiên ở Tiểu Á, Marcô đã chia tay với Barnaba và Phaolô. Barnaba và Phaolô bắt đầu những trạm truyền giáo cam go nhất. Mỗi một bước đi là mỗi một lần bị chống đối và bách hại từ phía những người Do Thái. Những người này cũng xúi giục dân ngoại chống lại các vị tông đồ.
Tại Líttra, sau khi thánh Phaolô chữa lành một người tàn tật, dân thành xem các ngài như những vị thần. Họ định giết bò để tế cho các ngài nhưng liền sau đó bị người Do Thái xúi giục họ lại quay ra tấn công hai ngài. Riêng thánh Phaolô bị gây thương tích. Dù bị chống đối và bách hại, hai vị tông đồ vẫn hoán cải được nhiều người cũng như tổ chức được giáo đoàn. Bị người Do Thái và dân ngoại chống đối và bách hại, Barnaba và Phaolô còn gặp khó khăn ngay cả từ phía cộng đoàn Giêrusalem. Vấn đề xoay quanh việc có nên cắt bì cho dân ngoại không. Hai vị thánh này đã tranh đấu và cuối cùng đã tìm được giải pháp trong cộng đoàn Giêrusalem.
Về sau, trong chuyến đi trở lại để viếng thăm các cộng đoàn, Barnaba và Phaolô đã chia tay nhau mỗi người một ngả. Barnaba đi với Marcô đến Sýp; Thánh Phaolô cùng với một người môn đệ tên là Xila trở lại Tiểu Á. Những năm tháng còn lại của Barnaba không còn được nhắc đến nữa. Nhưng cũng như thánh Phaolô, thánh Barnaba vừa rao giảng Tin Mừng vừa tự lực cánh sinh. Khi thánh Phaolô bị giam tại Rôma, Marcô đã trở thành môn đệ của ngài. Ðiều này cho thấy rằng Barnaba không còn nữa.
Theo truyền thuyết, thánh Barnaba là vị giám mục đầu tiên của thành Milanô. Dù thế nào đi nữa, tất cả mọi truyền thuyết đều gặp nhau trong cùng một điểm là xem Barnaba như con người được mến chuộng nhất trong thế hệ Kitô đầu tiên. Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, thánh sử Luca gọi ngài là một con người tốt, đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thái độ của ngài đối với thánh Marcô chứng tỏ một trái tim nhân hậu và đại lượng.
Veritas Asia


Thứ Năm sau Chúa Nhật 10 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 3, 15 - 4, 1. 3-6
"Thiên Chúa chiếu sáng trong lòng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Người".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, cho đến nay, mỗi lần đọc sách Môsê, vẫn còn có cái màn che lòng con cái Israel. Nhưng khi người ta đã trở lại cùng Chúa, màn ấy mới được cất đi. Chúa là Thần linh, và ở đâu có Thần linh Chúa, thì ở đấy có tự do. Phần chúng ta hết thảy, không màn che mặt, chúng ta phản ảnh vinh quang của Chúa, được biến hoá giống hình ảnh Chúa, từ vinh quang này đến vinh quang khác, xứng với tác động của Thần Linh Chúa.
Bởi thế, đảm nhiệm việc phục vụ do lòng thương xót chúng tôi đã được hưởng, chúng tôi không ngã lòng. Nếu Phúc Âm chúng tôi còn ẩn khuất, thì cũng chỉ ẩn khuất cho những ai hư mất, cho những ai không tin, vì thần thế gian này đã làm cho tâm trí họ trở thành mù quáng, khiến họ không còn thấy sáng chói Phúc Âm của vinh quang Ðức Kitô, Người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thật vậy, chúng tôi không rao giảng bản thân chúng tôi, nhưng rao giảng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi: chúng tôi chỉ là tôi tớ anh em vì Ðức Giêsu, bởi Thiên Chúa, Ðấng đã phán: "Sự sáng hãy từ bóng tối toả ra", chính Người chiếu sáng trong lòng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Người trên tôn nhan của Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Ðáp: Vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi (c. 10b).
Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. - Ðáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 29
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 5, 20-26
"Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
"Các con đã nghe dạy người xưa rằng: "Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án". Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!"
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm: Sự thánh thiện đích thực
Chân phước Marchello, một kỹ nghệ gia giàu có người Italia, đã bán hết tất cả gia sản và sang Châu Mỹ La tinh phục vụ những người phong cùi, có kể lại câu chuyện như sau: tại một viện bài phung giữa rừng già miền Amazone, có một người đàn bà thoạt nhìn qua ai cũng thấy đáng thương. Từ nhiều năm qua, vì phong cùi, bà bị chồng con bỏ rơi, bà sống đơn độc trong một túp lều gỗ, mặt mũi đã bị đục khoét đến độ không còn hình tượng con người nữa.
Mang đến cho bà vài món quà, chân phước Marchello hỏi bà:
- Bà làm gì suốt ngày? Có ai đến thăm bà không?
Người đàn bà trả lời:
- Tôi sống đơn độc một mình. Tôi không còn làm được gì nữa, tay chân bại liệt, mắt mũi lại chẳng còn trông thấy gì nữa.
Marchello tỏ ra cảm thông trước nỗi khổ của bà, ngài hỏi:
- Vậy chắc bà phải cô đơn buồn chán lắm phải không?
Người đàn bà liền nói:
- Thưa ngài, không. Tôi cô độc thì có, nhưng tôi không hề cảm thấy buồn hoặc bị bỏ rơi, bởi vì tôi cầu nguyện suốt ngày và tôi luôn cảm thấy có Chúa bên cạnh.
Ngạc nhiên về lòng tin của bà, chân phước Marchello hỏi tiếp:
- Thế bà cầu nguyện cho ai?
Người đàn bà như mở to được đôi mắt mù lòa, bà nói:
- Tôi cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ. Tôi cầu nguyện cho những người phong cùi bị bỏ rơi, cho các trẻ em mồ côi, cho tất cả những ai giúp đỡ trung tâm này.
Chân phước Marchello ngắt lời bà:
- Bà không cầu nguyện cho bà sao?
Với một nụ cười rạng rỡ, người đàn bà quả quyết:
- Tôi chỉ cầu nguyện cho những người khác mà thôi, bởi vì khi người khác được hạnh phúc, thì tôi cũng được hạnh phúc.
Thái độ sống và cầu nguyện của người đàn bà phong cùi trên đây minh họa cho sự thánh thiện đích thực là người chỉ sống cho người khác, lấy hạnh phúc của người khác làm của mình. Ðể có được thái độ như thế, chắc chắn phải có một đức tin sâu xa, một đức tin luôn đòi hỏi con người nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi người và yêu thương mọi người. Như vậy, thánh thiện và bác ái cũng là một: thánh thiện mà không có bác ái là thánh thiện giả hình.
Chúa Giêsu đã đến để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực. Ngài đề ra một mẫu mực thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của người Biệt Phái và Luật Sĩ, tức là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được quy định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.
Ðả phá quan niệm và cách thực hành của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: "Nếu các con không ăn ở công chính hơn những Biệt Phái và Luật Sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời."
Quả thật, nếu an bình, hân hoan, hạnh phúc là thể hiện của Nước Trời ngay trong cuộc sống này, thì chúng ta chỉ được vào Nước Trời, nếu chúng ta biết sống cho tha nhân mà thôi. Sống vui và hạnh phúc, phải chăng không là mơ ước của mọi người, nhưng liệu mỗi người có ý thức rằng bí quyết của hạnh phúc và niềm vui ấy chính là sống cho tha nhân không? Kỳ thực, các thánh là những người đạt được niềm vui và hạnh phúc ấy ngay từ cuộc sống này. Người Tây phương đã chẳng nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn" đó sao?
Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn biết tìm kiếm và cảm mến được niềm vui và hạnh phúc đích thực trong yêu thương và phục vụ.

Veritas Asia

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 10 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 3:15-18, 4:1, 3-6; Mt 5:20-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải cảm nhận được tình thương Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô.
Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này và sẽ tồn tại trong cuộc đời sau là tình yêu Thiên Chúa. Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta thấy những hậu quả tốt lành khi một người có được tình yêu này. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác nhận tình yêu Thiên Chúa, biểu tỏ cho con người qua Đức Kitô, có khả năng biến đổi con người thành tạo vật mới. Sau khi được thấm nhuần tình yêu này, con người sẽ biết cách đáp trả thích đáng tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và biết yêu thương tha nhân như những người con của Chúa và như những chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ cụ thể là hậu quả của tình yêu Thiên Chúa: người môn đệ Đức Kitô phải luôn biết tha thứ và sống hòa thuận với mọi người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khi người ta quay lại với Đức Kitô, tấm màn mới được cất đi.
1.1/ Con người phải tin vào Đức Kitô: Nếu chỉ tin vào Lề Luật của Moses, con người chỉ hiểu vinh quang Thiên Chúa lờ mờ như qua một tấm màn, như Phaolô xác quyết: "Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Moses, tấm màn vẫn che phủ lòng họ." Điều này có lịch sử trong Sách Xuất Hành: vì dân Do-thái không thể chịu đựng được khi Thiên Chúa tỏ uy quyền, nên họ xin Thiên Chúa nói với ông Moses, và ông sẽ nói lại cho dân chúng. Sau khi Moses đàm đạo với Thiên Chúa và xuống núi để nói với dân chúng, họ vẫn không thể nhìn mặt Moses vì vinh quang Thiên Chúa phản chiếu trên mặt ông; nên Moses đã phải đeo một khăn che mặt để khỏi làm nhức mắt dân chúng.
Tấm màn này cũng có lịch sử trong Đền Thờ để phân chia nơi Thánh và nơi Cực Thánh, là nơi Thiên Chúa ngự. Không ai có thể vào nơi Cực Thánh ngoại trừ Thầy Thượng Tế, ông chỉ được vào đó mỗi năm một lần trong Ngày Yom Kippur. Khi Chúa Kitô trút hơi thở trên Thập Giá, bức màn này trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Tác giả Thư Do Thái chú giải: Nhờ Đức Kitô, từ nay con người có thể trực tiếp đến với Thiên Chúa mà không cần phải đợi tới ngày Yom Kippur, và cũng chẳng cần vào Đền Thờ tại Jerusalem.
Thánh Phaolô ví khi con người đọc Cựu Ước mà không nhận những mặc khải của Đức Kitô, như đọc sách qua một tấm màn; họ chỉ có thể hiểu lờ mờ những mầu nhiệm và vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng nếu họ tin vào những mặc khải của Đức Kitô, bức màn này sẽ bị lấy đi, và họ có thể hiểu rõ ràng các mầu nhiệm và vinh quang của Thiên Chúa. Thánh Phaolô xác quyết với các tín hữu: ''Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.''
1.2/ Khó khăn của người môn đệ khi rao giảng về Đức Kitô: Chinh phục tha nhân về cho Thiên Chúa là công việc rất khó khăn và đòi hỏi người môn đệ phải kiên nhẫn, vì họ phải đối phó với quyền lực của ác thần và của thế gian. Thánh Phaolô tường thuật kinh nghiệm của Ngài: "Tin Mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất đối với những người hư mất, đối với những kẻ không tin. Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Kitô, là hình ảnh Thiên Chúa."
Tuy nhiên, người môn đệ phải xác tín: Quyền lực của Đức Kitô có thể thắng vượt mọi quyền lực của ác thần và của thế gian. Nếu người môn đệ thành tâm, yêu thương, có đủ kiên nhẫn, và luôn sống kết hiệp với Đức Kitô, Thiên Chúa sẽ ban những ơn cần thiết để giúp ông chinh phục con người về cho Ngài.
2/ Phúc Âm: Phải ăn ở công chính hơn các kinh sư và luật sĩ để được vào Nước Trời.
Môn đệ của ai phải nói và hành động như môn đệ của người ấy. Người môn đệ của Đức Kitô cũng phải nói năng và hành động theo những gì Đức Kitô dạy. Trình thuật hôm nay nêu bật hai đặc điểm chính là hậu quả khi con người đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa.
2.1/ Không được giận dữ với tha nhân: Chúa Giêsu phân biệt đòi hỏi của Lề Luật và của tình yêu; đồng thời Ngài cũng thách đố các môn đệ phải sống theo đòi hỏi của tình yêu, những điều mà Lề Luật không thể đạt tới: "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt."
Lề Luật không thể kết tội những gì xảy ra bên trong con người vì không nhìn thấy những điều đó. Lề Luật cũng không kết tội khi con người chửi mắng người khác, vì đó là những cảm xúc nhất thời của con người. Lề Luật chỉ kết tội con người khi có bằng chứng rõ ràng như giết người, gây thương tích thân xác hay tài sản ... Ngược lại, đối với Thiên Chúa, Ngài có thể thấu hiểu bên trong tâm hồn mỗi người và biết rõ những thiệt hại cho cả người làm lẫn người bị xúc phạm; nên Ngài đòi hỏi các môn đệ phải đi xa hơn trong tiến trình nên trọn lành.
2.2/ Phải ăn ở thuận hòa với mọi người: Chúa Giêsu nêu ra hai lý do người môn đệ phải sống hòa thuận với mọi người:
(1) Mối liên hệ với Thiên Chúa không thể tách rời khỏi mối liên hệ với tha nhân: Theo truyền thống Do-thái, mỗi khi vô tình phạm tội, hối nhân phải dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ cho những tội đã phạm. Trường hợp liên quan tới mối liên hệ với con người, họ phải làm hòa với nhau trước khi có thể giao hòa với Thiên Chúa. Thần học về Bí-tích Giải Tội cũng đòi hối nhân phải tha thứ cho người xúc phạm đến mình như Thiên Chúa đã tha thứ cho hối nhân.
(2) Ăn ở hài hòa giúp con người tránh được những nhức đầu trong cuộc sống: Cha ông chúng ta vẫn dạy "dĩ hòa vi quí;" người hiền lành sẽ được mọi người thương mến. Ngược lại, những người khó chịu, cau có, sẽ chuốc cho mình những ghen ghét, tranh tụng, và mất bình an. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: ''Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa trước khi có thể đáp trả lại, và yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
- Chúng ta có được tình yêu Thiên Chúa là qua sự kết hiệp và ở lại trong Đức Kitô. Nếu không có Đức Kitô, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như được đòi hỏi.
- Để đáp ứng ơn gọi làm môn đệ của Đức Kitô, chúng ta không phải chỉ giữ những Lề Luật bên ngoài, mà còn phải luôn đối xử với nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

11/06/15 THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Th. Ba-na-ba, tông đồ
Mt 10,6-13


Suy niệm: Chúa đòi buộc các tông đồ phải rao giảng lời của Chúa, để lời của các tông đồ rao giảng phải là lời của Thiên Chúa và phải được đón nhận như lời của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội tiên khởi, thánh Phao-lô cho biết, các tín hữu đầu tiên đã ý thức và đón nhận lời các tông đồ rao giảng “không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy” (1Th 2,13). Vì thế, khước từ lời rao giảng Tin Mừng của các tông đồ cũng là khước từ lời rao giảng của Chúa Giê-su và khước từ những người Chúa Giê-su sai đến là khước từ chính Chúa Giê-su. Người ta không thể ngụy biện rằng, chúng tôi tin Chúa Giê-su và nghe lời Ngài, nhưng chúng tôi không nghe lời các tông đồ Chúa sai đến. Lối ngụy biện đó không có đất sống, vì lời Chúa đã nói: “Ai nghe các con là nghe Thầy ; và ai khước từ các con là khước từ Thầy ; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16). Chính vì tầm quan trọng của lời rao giảng, các tông đồ được đòi hỏi phải trung thành với lời Chúa hơn.
Mời Bạn: Những lời rao giảng và khuyên bảo của các linh mục được bạn và gia đình đón nhận như thế nào? Như lời của Thiên Chúa hay như lời người phàm? Nghe những lời Chúa dạy hôm nay, bạn quyết tâm thực hiện điều gì?
Sống Lời Chúa: Lắng nghe lời các linh mục giảng dạy hay khuyên bảo và cám ơn Chúa đã gởi các linh mục đến coi sóc, chỉ bảo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có lòng kính trọng các linh mục và cầu nguyện cùng cộng tác với các ngài lo việc tông đồ như cộng tác với Chúa vậy.

Nước Trời đã đến gần
Thế giới hôm nay vẫn yếu đau và bị ám như cách đây hai ngàn năm. Thế giới hôm nay vẫn chờ một Tin Vui, một lời chúc Bình an. Chúng ta vẫn được mời gọi để làm điều Ngài và các môn đệ đã làm.

Suy nim:
Chúng ta không rõ Thầy Giêsu đã sai các môn đệ lên đường
sau thời gian họ sống với Ngài bao lâu.
Nhưng chúng ta biết chắc là Thầy có sai các môn đệ.
Thầy sai họ đi để làm những việc Ngài đã và đang làm (Mt 9, 35),
như rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, chữa bệnh, trừ quỷ (c. 8a).
Như thế họ trở nên những cộng sự viên của Ngài trong cùng một sứ vụ.
Thầy Giêsu không độc quyền trong công việc.
Ngài cũng không giữ riêng cho mình quyền trên các thần ô uế (Mt 10,1).
Việc chia sẻ quyền và mời gọi cộng tác đã có từ thời Thầy Giêsu,
và vẫn kéo dài trong Giáo Hội.
Lời dặn dò của Đức Giêsu trước khi sai họ đi đã đánh động nhiều tâm hồn,
đặc biệt những vị sáng lập các dòng tu.
Đặt mình vào bối cảnh vùng Galilê cách đây gần hai mươi thế kỷ,
chúng ta mới hình dung được khuôn mặt của những vị tông đồ đầu tiên.
Trước hết họ được sai đến với chính đồng hương của họ,
“những chiên lạc nhà Israel”, vất vưởng không người chăn dắt (Mt 9, 36).
Loan báo Tin Mừng là lên đường, đường đất đá hay đường núi đồi,
và đi bằng đôi chân của mình, không giày dép.
Những bước chân nhẹ nhàng vì hành trang chẳng có gì.
Thắt lưng chẳng mang tiền vàng, bạc, đồng, để dùng khi hữu sự.
Cả những điều một người lữ hành thường có cũng không:
một bao bị, một cái áo dự phòng, một cái gậy để chống khi đi đường xa.
Người tông đồ được đặt ở trong tình trạng bấp bênh, không chỗ dựa.
Chỗ dựa duy nhất của họ là lòng tốt của Thiên Chúa,
được thể hiện qua lòng tốt của người đón nghe Tin Mừng.
Chuyện ăn, chuyện ở, họ đều phải tin tưởng phó thác (cc. 10b. 11).
Hành trang nhẹ nhàng, tâm hồn nhẹ nhàng,
nên các tông đồ cũng thi hành sứ vụ một cách nhẹ nhàng, thanh thoát.
Họ làm mọi sự mà chẳng đòi hỏi gì (c. 8b).
Vừa rao giảng Tin Mừng rằng Nước Trời đã đến rồi,
vừa minh chứng Tin Mừng ấy bằng bao niềm vui đem đến cho người khác.
Bệnh nhân được khỏi, người chết sống lại, người phong được sạch,
và nhất là ma quỷ không còn chỗ cư ngụ trong lòng con người (c. 8a).
Bình an là lời chúc trên môi dành cho mọi căn nhà họ đến ở (c. 12).
Rõ ràng hành trình truyền giáo là một kinh nghiệm đầy ắp niềm vui hứng khởi,
cho đoàn chiên và cho chính các tông đồ.
Nếu Thầy Giêsu dặn dò các tông đồ hôm nay, Ngài sẽ nói gì?
Ngài sẽ bảo chúng ta đừng mang gì và nên làm gì cho con người hôm nay?
Chắc Ngài cũng sẽ khuyên hãy nhẹ nhàng hơn, phó thác hơn, vô vị lợi hơn.
Thế giới hôm nay vẫn yếu đau và bị ám như cách đây hai ngàn năm.
Thế giới hôm nay vẫn chờ một Tin Vui, một lời chúc Bình an.
Chúng ta vẫn được mời gọi để làm điều Ngài và các môn đệ đã làm.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG SÁU
Biết Phân Định Tốt Xấu
Con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa”; mầu nhiệm này còn được trình bày trong các sách khác của Thánh Kinh. Chẳng hạn, ta đọc thấy trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người… rồi lại đưa con người trở về đất. Người cho nó quyền thống trị vạn vật trên mặt đất. Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà làm ra nó. Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người, để chúng thống trị muôn chim cầm thú. Người ban cho chúng trí khôn, luỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu. Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người … Người còn ban kiến thức cho chúng, và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống; Người đã lập với chúng một giao ước muôn đời, và tỏ cho thấy những điều Người phán quyết” (Hc 17,1. 2b – 7. 9 – 10).
Cần phải suy niệm thật kỹ bản văn phong phú và sâu sắc trên của Sách Huấn Ca. Hãy ôm ấp những lời ấy trong lòng mình và hãy xích lại gần hơn với Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 11-6
Thánh Barnaba, tông đồ
Cv 11, 21b-26; 13,1-3; Mt 10, 7-13

LỜI SUY NIỆM: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”
Trong cuộc sống của chúng ta, suy cho cùng, thì mỗi người đã nhận được biết bao ơn lớn nhỏ của Chúa một cách nhưng không; như là trí tuệ, sức khỏe, khôn ngoan..., nhưng phần đông trong chúng ta đã không nhận ra, mà cứ tưởng những khả năng mà mình đang có, là do trí óc, sức lực và sự khôn ngoan, khéo léo của riêng mình mà có được; rồi khi dùng những cái “có” đó, mà phục vụ người khác, lại đòi hỏi sự trả ơn của người thụ ơn. Lời Chúa đang đánh thức mỗi người hãy xem xét lại, để nhận ra, là mình đã được lãnh nhận “nhưng không” từ nơi Chúa những gì? thì phải trao lại cho người khác cũng cách “nhưng không” như vậy.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tất cả đều yếu đuối và thường là kẻ vô ơn đối với Chúa và với anh em. Xin cho chúng con được ơn của Chúa, để nhận ra tất cả những gì chúng con đang có, đang hưởng là do ơn ban nhưng không của Chúa; mà tạ ơn Chúa. Và biết trao lại một cách nhưng không cho những người đang cần, đang sống chung quanh, để cùng nhau chúc tụng, tạ ơn Chúa.
Mạnh Phương

Gương Thánh Nhân
Ngày 11-06: Thánh BARNABA TÔNG ĐỒ
(Thế kỷ I)

Thánh Barnaba nắm giữ một chức vụ nổi bật trong những chương đầu của sách công vụ tông đồ, không phải cho mình mà nhằm giới thiệu thánh Phaolô, anh hùng trong cuốn sách. Ngài là một người Do thái được sinh tại Chypre. Và là một phần tử trong Giáo hội sơ khai ở Giêrusalem.
Chính ở địa vị này mà khoảng năm 39 tân tòng Saolê được đón nhận vào cộng đoàn các tông đồ (Cv 9-27). Bốn năm sau, Ngài kêu gọi Saolê tham gia công tác hướng dẫn cộng đoàn Kitô giáo mới được thiết lập ở Antiôkia (Cv 11,19-26). Thành phố này rất quan trọng, chỉ kém Rôma và đã trở nên trung tâm Kitô giáo của lương dân. Một lần nữa, cùng với Saolê, Ngài được trao phó cho nhiệm vụ mang tiền cứu trợ gởi về cho Giáo hội Giêrusalem (Cv 27-30). Nơi đây hai người lại được Gioan Maccô là bà con của Barnaba (Gl 4,10) nhập bọn.
Ba người họp thành đoàn truyền giáo, lên đường khoảng năm 45 (Cv 13 và 14). Từ đây Barnaba dần dần ẩn mặt đi. Dầu Chypre là sinh quán của Ngài, nhưng chính Saolê dưới tên mới là Phaolô dẫn dầu cuộc truyền bá Phúc âm. Phaolô và đoàn tùy tùng lên đường tới lục địa Tiểu Á. Khi cùng Phaolô rao giảng (Cv 14,8-18), Barnaba được coi là thần Jupiter và Phaolô là Hermes.
Đây là chứng cớ hùng hồn về vai trò hỗ tương của hai ông. Ba năm sau Phaolô trở về và được cộng đồng Giêrusalem phê chuẩn về đường lối Ngài theo trong chuyến hành trình (Cv 15,1-35). Nămsau, dự định hành trình truyền giáo thư hai có sự tranh chấp về việc kết nạp Gioan Marcô (Cv 15,35-41). Phaolô chọn các bạn đồng hành khác và Barnaba trở về Chypre. Việc giới thiệu Phaolô đã được hoàn thành và tên Ngài không còn được nhắc đến trong sách Công vụ nữa. Trong việc trao đổi thư từ của Phaolô với Giáo hội Côrintô cho thấy khoảng năm 56 thánh Barnaba vẫn còn sống (1Cr 9,5). Sáu năm sau Phaolô xin Marcô đến gặp mình ở Roma (2Tm4). Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng thánh Barnaba đã qua đời.
Một truyền thống sau này nói tới chuyến hành trình của thánh Barnaba tới Alexandria, Rôma, và Milan. Tại Milan, Ngài là giám mục tiên khởi. Một truyền thống đáng tin hơn cho biết Ngài chết vì ném đá ở Salamis,sinh quán của Ngài. Nay còn nhiều mảnh vụn của cuốn ngụy thư Phúc âm thánh Barnaba và của một tác phẩm thuộc thế kỷ thứ V là công vụ thánh Barnana. Nhưng những tài liệu này không cho biết nhiều hơn những điều đã biết được từ sách Công vụ các tông đồ. Cuốn gọi là thơ thánh Barnaba mà nhiều giáo phụ chép vào thơ mục thánh kinh, nay người ta biết được là tác phẩm của một người Do thái theo Kitô giáo ở Alexandria.
Người ta nói rằng mộ Ngài được tìm thấy năm 448. Trên ngực Ngài còn có một cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Barnaba đã chép tay.
(daminhvn.net)


11 Tháng Sáu
Kẻ Tháo Ðinh
Một trong những chi tiết trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục gợi hứng cho các họa sĩ: đó là việc hạ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại việc ông Nicôđêmô và một người môn đệ kín đáo khác của Chúa Giêsu tên là Giuse Arimahtia đã đến xin phép Philatô được tháo gỡ xác Ngài xuống khỏi Thập giá. Trong hầu hết các bức tranh mô tả biến cố này, người ta đều thấy hình ảnh tiều tụy, không còn hình tượng của Chúa Giêsu mà hai người môn đệ đỡ xuống khỏi thập giá. Một người tháo đinh ra khỏi tay Ngài, còn một người thì tháo đinh ra khỏi chân Ngài.
Một họa sĩ nọ, thay vì vẽ lại chân dung của hai người môn đệ của Chúa Giêsu đã chọn những khuôn mặt của thời đại ông. Và người tháo đinh ra khỏi bàn chân của Chúa Giêsu không ai khác hơn là chính ông. Khi được hỏi lý do tai sao ông lại đồng hóa mình với một trong hai người môn đệ, nhà họa sĩ đã giải thích như sau: "Những người như tôi rất thường đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Và những đinh sắt tôi dùng để đóng đinh Chúa chính là tội lỗi của tôi. Ðã đến lúc, tôi cảm thấy cần phải tháo gỡ chiếc đinh của tội lỗi ra khỏi thân xác của Ngài".
Chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi". Ðiều đó có nghĩa là do tội lỗi của chúng ta, chúng ta góp phần vào việc đóng đinh Ngài vào thập giá.
Thập giá vẫn luôn mãi là một lời tố cáo, một bản án cho tội lỗi. Nhưng đó không chỉ là một biểu tượng, mà là một hiện thực. Nếu Ðức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là Một, nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người và nếu tội lỗi là một chối bỏ, thì mỗi lần chúng ta phạm tội, chúng ta cũng chối bỏ chính Ngài, chúng ta đóng đinh Ngài vào thập giá một lần nữa. Nếu Ðức Kitô vẫn tiếp tục sống trong lịch sử con người, nếu Ngài tự đồng hóa với con người, nhất là những kẻ khốn cùng, những kẻ thấp hèn nhất trong xã hội, thì mỗi một lần chúng ta khước từ hay xúc phạm đến người anh em, là mỗi lần chúng ta chối bỏ Ngài và đóng đinh Ngài vào thập giá. Qua mỗi người anh em của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục bị chối bỏ và chịu đóng đinh.
 (Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét