Trang

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

17-02-2016 : THỨ TƯ - TUẦN I MÙA CHAY

17/02/2016
Thứ tư tuần 1 Mùa Chay.


BÀI ĐỌC I: Gn 3, 1-10
"Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi".

Trích sách Tiên tri Giona.
Lời Chúa phán cùng Giona rằng: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.

Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: "Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?" Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 12-13. 18-19
Đáp: Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung (c. 19).

1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Đáp.

2)  Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Đáp.

3)  Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 8, 12b
Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".

PHÚC ÂM: Lc 11, 29-32
"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa". Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Dấu lạ của Thiên Chúa
“Người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm triết lý, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh Thập giá”. Thánh Phaolô, người tự xưng là Do Thái hơn cả người Do Thái đã nêu bật não trạng của dân tộc ngài.
Người Do Thái xưa kia luôn đòi các luật sĩ làm dấu lạ để minh chứng lời mình tuyên bố, và dĩ nhiên họ đời dấu lạ nơi những ai tự xưng mình là tiên tri.
Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi sự chờ đợi này. Trong suốt giai đoạn hoạt động công khai, Ngài không chỉ bị thách đố làm dấu lạ, mà ngay khi giữ chay 40 đêm ngày để chuẩn bị sứ vụ rao giảng Tin mừng, Ngài đã bị cám dỗ thực hiện dấu lạ, như biến đá thành bánh, gieo mình xuống từ thượng đỉnh Đền thờ để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa. Cuộc thách đố này còn kéo dài cả khi Ngài bị đóng đinh Thập giá, lúc ấy Ngài bị thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi Thập giá”.
Trong bài Tin mừng hôm nay, những luật sĩ và biệt phái đến xin Chúa Giêsu cho họ thấy một dấu lạ không hẳn là những đối thủ của Ngài. Nhưng điều Ngài muốn họ phải tẩy sạch khỏi não trạng là những định kiến, qua đó họ vẽ sẵn một khuôn mặt, một hình ảnh Đấng Cứu Thế và họ đòi buộc Chúa Giêsu phải mang lấy và phải hành động rập theo khuôn mặt ấy. Nhưng ngược lại quan niệm của họ về một Đấng Cứu Thế oai hùng, đánh đuổi ngoại xâm và tái lập một nước Do thái hùng mạnh, Chúa Giêsu muốn minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế qua một dấu lạ nhỏ bé khiêm tốn, yếu đuối: như tiên tri Giôna nằm trong bụng cá, Chúa Giêsu cũng sẽ nằm trong lòng đất ba ngay ba đêm. Nhìn từ bên ngoài, đây là một dấu lạ thua thiệt, dấu hiệu của sự thất bại, nhưng Thiên Chúa đã dùng dấu hiệu đó để áp dụng định luật: nhu thắng cương, nhược thắng cường.
Tìm những dấu lạ, tìm những dấu chỉ thời đại để củng cố niềm tin vào sự hiện diện cứu rỗi của Thiên Chúa trong cuộc sống không phải là một điều sai lầm, nhưng còn là điều mà các Kitô hữu trưởng thành cần phải làm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lạc lối nếu dõi theo vết xe cũ của luật sĩ và biệt phái giữ khư khư những định kiến và bắt buộc Thiên Chúa phải hiện diện theo những khuôn mặt, hình ảnh chúng ta đã vẽ sẵn. Vì thế, chúng ta phải chú tâm tìm những dấu chỉ hiện diện của Thiên Chúa theo ý muốn của Ngài, chứ không phải theo quan niệm của chúng ta, nghĩa là chúng là phải tìm gặp sự hiện diện của Ngài trong thân xác một người bị chết treo trên Thập giá như một tên tử tội và được chôn táng trong mồ như một người bại trận.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần I MC
Bài đọc: Jon 3:1-10; Lk 11:29-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ai cũng có thể ăn năn trở lại.
Mùa Chay là mùa của xám hối ăn năn. Biết bao nhiêu câu truyện của những người sống hoang đàng trở về với Chúa, giúp chúng ta hy vọng vào lòng thương xót của Chúa, và trở về với Ngài. Ví dụ, không ai có cuộc đời ăn chơi trác táng như Augustine, đến nỗi mẹ ông đã phải khóc lóc van xin với thánh Ambrose để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo con mình trở lại. Một cuộc đời cuồng tín, đang trên đường bách hại các tín hữu như Phaolô, sau khi bị ngã ngựa, đã trở thành một người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng hơn hết mọi người. Hay sự trở lại của người trộm lành trên Thập Giá: “Lạy Ngài, khi nào về vương quốc của Ngài, xin nhớ đến tôi.” Và Chúa Giêsu hứa với anh: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở cùng ta trên Thiên Đàng.” Những gương trở lại anh hùng này chứng minh cho chúng ta thấy: ai cũng có thể ăn năn trở lại.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự trở lại của tòan thành Nineveh sau biến cố rao giảng của tiên-tri Jonah. Trong Bài Đọc I, Nineveh là một thành dân ngọai cực kỳ rộng lớn và rất tội lỗi. Tuy không tin và thờ phượng Đức Chúa của Israel, thế mà khi nghe tiên-tri Jonah rao giảng mới một ngày rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Nineveh sẽ bị phá đổ;” cả thành: từ Vua đến dân, từ lòai người đến súc vật, đều ăn chay, nằm trên tro bụi, và ăn năn xám hối. Họ hy vọng Thiên Chúa sẽ xót thương và đình chỉ hình phạt của Ngài trên thành, và xảy ra như thế. Trong Phúc Âm, thánh Luca cho một hình ảnh ngược lại, những người Israel tin tưởng Đức Chúa, mặc dù đã được thấy tỏ tường những việc Ngài làm và lắng nghe những lời Ngài rao giảng, đã cứng lòng không chịu ăn năn trở lại, lại còn thách thức Chúa làm những gì họ muốn trước khi có thể tin vào Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự trở lại của dân thành Nineveh
1.1/ Thiên Chúa thương xót và cho dân thành cơ hội trở lại: Nineveh là Baghdad, Iraq, ngày nay. Trong thời của Jonah, đây là thành phố của Dân Ngọai, những người không phải Do-Thái và không tin Thiên Chúa. Không những thế, họ còn là kẻ thù của dân Do-Thái, vì đã mang quân đội phá bình địa Jerusalem, và bắt từ vua tới dân lưu đày qua Babylon. Đây chính là lý do tại sao tiên-tri Jonah bất tuân Thiên Chúa lần nhất không chịu qua Nineveh rao giảng. Tiên tri không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại tỏ lòng thương xót cho một thành Dân Ngọai và là kẻ thù không đội trời chung của Do-Thái. Ông không hiểu Thiên Chúa là Cha của mọi người: Do-Thái cũng như Dân Ngọai. Nếu Ngài là Cha, Ngài phải thương đồng đều tất cả các con: đứa ngoan ngõan cũng như đứa cứng đầu. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống” (Eze 33:11).
1.2/ Dân thành Nineveh tin vào Thiên Chúa: Tiên-tri mới chỉ rao giảng có một ngày, kết quả rao giảng được ghi lại như sau:
- Dân Nineveh tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
- Tin báo đến cho Vua Nineveh; Vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.
- Vua cho rao tại Nineveh: "Do sắc chỉ của Đức Vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước.
Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết."
1.3/ Thiên Chúa không phạt dân thành nữa: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.” Tác giả Sách Jonah không chú trọng đến thần học về các bản tính của Thiên Chúa, nên Bản Bảy Mươi dùng động từ “hối tiếc;” trong khi bản của Do-Thái dùng động từ ở thời thụ động (Niphal): Thiên Chúa động lòng thương và đình chỉ tai họa Ngài định giáng xuống trên họ. Điểm tác giả chú trọng tới là tình thương của Thiên Chúa dành cho tội nhân khi họ biết ăn năn trở lại.
2/ Phúc Âm: Hậu quả phải chịu nếu không biết ăn năn trở lại.
2.1/ Niềm tin không chỉ dựa vào dấu lạ: Người Do-Thái thích dấu lạ, nên họ hay đòi hỏi phải có dấu lạ để bảo đảm niềm tin. Chúa Giêsu không đả phá dấu lạ, vì chính Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng phép lạ chỉ khơi mào niềm tin mà thôi. Niềm tin vững chắc không thể chỉ dựa trên phép lạ, vì rất nhiều người đã chứng kiến phép lạ mà vẫn không tin. Còn đối với những người đã có niềm tin vững mạnh, phép lạ không còn cần thiết nữa. Đó là lý do tại sao Chúa nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” Dấu lạ Chúa muốn nói ở đây chính là sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
2.2/ Niềm tin phải đặt căn bản trên sự khôn ngoan: Con người phải dùng trí khôn suy xét để nhận ra sự thật. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không chỉ làm phép lạ, nhưng Ngài còn mặc khải và dạy dỗ dân để họ biết suy xét tìm ra sự thật. Rất nhiều lần Ngài đã sữa chữa những niềm tin sai lầm của dân chúng, nhất là của các kinh sư và biệt phái. Con người yêu mến sự thực và sự khôn ngoan, đó là lý do tại sao Nữ Hòang Phương Nam đã không quản ngại đường xa mang biết bao lễ vật đến để học hỏi sự khôn ngoan của Vua Solomon. Thế mà có người khôn ngoan hơn Solomon, Người đã ban khôn ngoan cho Solomon, đang đứng trước mặt họ để dạy dỗ. Họ vẫn khinh thường không chịu lắng nghe Ngài!
2.3/ Đạo trên danh nghĩa không bảo đảm được cứu độ: Tin Chúa là phải làm những gì Ngài dạy dỗ; niềm tin trong trí sẽ không giúp được gì cho con người. Điều trớ trêu trong cuộc đời là những con cái trong nhà như dân tộc Israel, những người được học hỏi nhiều như những người Công Giáo; thế mà khi phải biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa, họ còn thua cả những Dân Ngọai. Chúa Giêsu cảnh cáo dân Do-Thái, và chúng ta nữa: “Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Ai cũng có thể trở lại và ai cũng cần phải ăn năn trở lại. Chúa cho mọi người cơ hội đồng đều để ăn năn trở lại. Chúng ta cũng phải hy vọng và cầu nguyện cho tha nhân được ăn năn trở lại.
- Chúng ta phải nắm lấy cơ hội để học biết Thiên Chúa và ăn năn trở lại; vì chúng ta không biết cơ hội có tới nữa hay không. Đức tin không thực hành sẽ không mang lợi ích gì cho chúng ta.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

17/02/16 THỨ TƯ TUẦN 1 MC
Bảy Thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
Lc 11,29-32

Suy niệm: Cha James F. Keenan, Dòng Tên, khai triển một luận đề luân lý rất thú vị rằng “người ta phạm tội vì họ quá mạnh chứ không phải vì họ quá yếu.” Nghịch lý này còn được thấy nơi nhiều trường hợp khác nữa. Thiếu, không phải vì thiếu, mà vì có quá nhiều. Như cá giữa đại dương mà loay hoay đi tìm… nước! Như người Việt Nam ta từng bị mang tiếng là ‘chết trên đống thuốc’ (có ý nói rất nhiều cây cỏ quen thuộc của chúng ta là những vị thuốc quí giá mà ta không ngờ!). Chung qui, vấn đề nằm ở chỗ hoặc do người ta vô minh, hoặc do bướng bỉnh, hoặc do cả hai. Đây cũng là vấn đề của những người Do Thái thời Đức Giê-su. Họ có điều quí nhất trong tầm tay, nhưng họ không nhận ra, và họ mải kiếm tìm những thứ khác thôi.
Mời Bạn: Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta sực tỉnh nhìn lại thấy mình đang ‘thả mồi bắt bóng’. Ta sẽ đi tìm ánh sáng và sự khôn ngoan đích thực ở đâu, nếu không phải nơi Lời Chúa vốn luôn trong tầm tay ta? Ta sẽ tìm sự sống và sức mạnh tinh thần ở đâu, nếu không phải là nơi Thịt Máu Chúa vốn được trao ban cho ta mỗi ngày?
Chia sẻ: Là Ki-tô hữu, bạn nghĩ thực ra chúng ta rất giàu hay rất nghèo?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, tiếp cận với Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, ta ý thức rằng mình đang có được điều quí nhất có thể có dưới gầm trời này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ nơi Chúa con mới no thoả mọi khát vọng của con.

Con Người sẽ là một dấu lạ

Suy niệm:
Khi đọc chuyện ông Giôna người Galilê, ai cũng nhớ ông đã bị cá nuốt ba ngày. 
Sau đó ông lại được cá khạc ra trên đất liền mà vẫn còn sống. 
Nhưng điều đáng nhớ hơn là sau kinh nghiệm đó Giôna đã biết vâng phục Chúa. 
Ông chấp nhận đi giảng cho dân Ninivê, một dân ngoại ở vùng là Irắc bây giờ. 
Thật không ngờ, lời rao giảng của ông đã kéo cả nước vào một cuộc hoán cải, 
Từ vua đến dân, thậm chí cả súc vật, đều ăn chay, sám hối việc mình làm. 
Thái độ của họ đã làm Đức Chúa đổi ý, không đoán phạt nữa. 
Đức Chúa không muốn trừng phạt, Ngài chỉ mong con người sám hối.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nỗi buồn của Đức Giêsu 
khi dân chúng đòi dấu lạ, dù họ đã thấy nhiều phép lạ của Ngài. 
Dấu lạ ở đây phải hiểu là một điềm báo hoành tráng từ trời 
để chứng thực về con người và sứ mạng của Ngài. 
Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Ngài đã không nhảy xuống từ nóc Đền thờ. 
Ngài không muốn mua lòng tin của con người bằng một cử chỉ ngoạn mục. 
Bây giờ Ngài cũng dứt khoát từ chối: 
“Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna.” 
Dấu lạ ông Giôna không phải là chuyện ông bị cá nuốt mà còn sống. 
Dấu lạ là chính con người của ông với việc rao giảng của ông. 
Dân Ninivê đã sám hối khi nghe Giôna giảng, 
nhưng thế hệ đương thời với Đức Giêsu đã từ khước ngài. 
Họ là một thế hệ gian ác (c. 29) vì không chịu sám hối.
Đây còn hơn Giôna, đây còn hơn Salômôn” (cc. 31-32). 
Đức Giêsu đã không thành công bằng hai ông này. 
dù lời giảng của ngài còn khôn ngoan hơn lời của vua Salômôn 
và thuyết phục hơn lời giảng của ngôn sứ Giôna. 
Dân Ninivê và nữ hoàng Shêba sẽ kết án thế hệ này vì sự cứng cỏi của họ.
Mùa Chay là thời gian đọc lại những chuyện lạ Chúa đã làm cho đời mình. 
Có những chuyện bề ngoài tưởng là chuyện tự nhiên hay ngẫu nhiên. 
Chỉ ai biết nhìn mới thấy lạ. 
Có khi chúng ta vẫn thèm Chúa làm một cái gì đó thật kinh khủng 
để ta mạnh mẽ đổi đời và từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ. 
Làm sao để lòng sám hối đến từ việc nhận ra những chuyện nhỏ bé 
mà Chúa vẫn làm cho ta mỗi ngày nhiều lần?
Cầu nguyện:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

17 Tháng Hai

    Bảy Vị Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ
    (thế kỷ 13)


    Có thể nào bạn tưởng tượng được có bảy người nổi tiếng của thành phố Saigon hoặc Hoa Thịnh Ðốn cùng tụ nhau lại, từ giã gia đình sự nghiệp và sống cô độc trong một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa không? Ðiều đó đã xảy ra trong thế kỷ XIII, ở thành phố Florence phồn thịnh và văn vật. Lúc ấy, thành phố này tan nát vì tranh chấp chính trị cũng như vì lạc giáo Cathari (trong những điều lầm lạc, họ cho rằng ma quỷ là chúa đối nghịch và Ðức Giêsu chỉ là một thiên thần). Ðời sống luân lý thời ấy thật thấp và tôn giáo dường như không có ý nghĩa gì.

    Năm 1240, bảy người quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến một nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. Sự khó khăn đầu tiên của họ là việc cấp dưỡng cho thân nhân, vì hai người vẫn còn lập gia đình và hai người nữa goá vợ.

    Mục đích của họ là sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị quấy rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence. Sau đó họ di chuyển đến một nơi vắng vẻ khác là sườn núi Senario.

    Năm 1244, dưới sự linh hướng của Cha Phêrô ở Verona, O.P. (sau này được phong thánh), nhóm này theo thói quen đạo đức tương tự như của các cha Ða Minh, sống dưới quy luật của Thánh Augustine và lấy tên là Tôi Tớ Ðức Maria. Tu hội này có hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan viện thời xưa.

    Năm 1852, các thành viên của tu hội từ Áo đến Hoa Kỳ và định cư ở Nữu Ước, sau đó ở Philadelphia. Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini được thành lập ở Wisconsin năm 1870.

    Các thành viên của tu hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích cực. Trong đan viện, họ sống đời cầu nguyện, làm việc và giữ thinh lặng nhưng trong công tác tông đồ họ tham dự các công việc của giáo xứ, dạy học, rao giảng và các sứ vụ khác.

    Lời Bàn

    Thời gian mà bảy vị sáng lập dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ sinh sống cũng rất giống như hoàn cảnh mà chúng ta đang sống hiện nay. Ðó là "thời gian tốt nhất và xấu nhất." Có lẽ nhiều người cảm thấy như bị lôi cuốn đến một cuộc sống phi văn hóa, ngay cả phi tôn giáo. Trong một phương cách mới hơn và khẩn thiết hơn, tất cả chúng ta đều phải đối diện với những thử thách của một cuộc đời mà tâm điểm là Ðức Kitô.

    Lời Trích

    "Mọi tu hội hãy loan truyền tin mừng của Ðức Kitô trên toàn thế giới bằng đức tin chính trực, bằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bằng sự thành tâm với Thánh Giá và qua niềm hy vọng vào sự vinh hiển tương lai... Do đó, với lời cầu bầu mạnh mẽ của Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, mà 'cuộc đời ngài là quy luật cho mọi đời sống,' các cộng đồng tôn giáo sẽ cảm nghiệm sự gia tăng về số lượng, và sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp mà từ đó dẫn đến sự cứu độ" (Sắc Lệnh về Ðời Sống Tu Trì, 25).
    
    Trích từ NguoiTinHuu.com


17 Tháng Hai

    Người Buồn Cảnh Có Vui Ðâu Bao Giờ


    Bỏ xứ mình để đến phục vụ tại nơi đất khách quê người quả là một lý tưởng đáng ca ngợi. Hiện nay, người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán cuộc sống trống rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nguyện sang các nước thuộc thế giới thứ ba để phục vụ.

    Một thanh niên nọ đã xin đến Ấn Ðộ để phục vụ người nghèo. Ra đi hồ hởi bấy nhiêu, giờ này chạm với thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Tất cả đều xa lạ và tất cả đều làm anh chán nản: từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất là những khuôn mặt xem ra rất bí hiểm đối với anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết kiên nhẫn lại là một điều không đáng bận tâm mấy...

    Người ta dành cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiều tiện nghi lắm. Anh dọn dẹp và sắp xếp căn phòng lại cho tươm tất. Duy có một chướng ngại mà anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản: đó là sự hiện diện của một chú thằn lằn. Anh tìm đủ mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng vô ích: đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật chui được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm cách nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với nó.

    Dần dần, con thú đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu tiên của anh là tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết với anh, anh đặt cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn xấu xa, giờ này anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn cả đó là tài săn muỗi của nó.

    Sự hiện diện của chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc sống: những khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính từ bản thân anh.

    Chúng ta vẫn thường lặp lại câu thơ của Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm trạng của chúng ta. Khi chúng ta vui, chúng ta như thấy cảnh vật xung quanh chúng ta cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy u ám. Lắm khi những vấn đề khó khăn không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những người khác, mà chính từ chúng ta. Gương mặt cau có của chúng ta thường được chúng ta nhìn thấy nơi tất cả mọi người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta vui, chúng ta như cảm thấy mọi người đều vui vẻ với chúng ta. Quả thật, chúng ta đong đấu nào, thì người sẽ đong lại đấu ấy cho chúng ta.

    Câu chúc đầu tiên của Ðức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra cho các môn đệ của Ngài là: :bình an cho các con". Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới thắng được sợ hãi, mới vượt qua được những khó khăn trong tâm hồn. Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới dễ dàng tha thứ và chấp nhận chính bản thân để rồi từ đó mới có thể tha thứ và chấp nhận tha nhân cũng như mọi nghịch cảnh. Mang lấy màu xanh của hy vọng, đôi mắt chúng ta mới dễ dàng nhìn đời, nhìn người một cách lạc quan. Trái lại, mang lấy bộ mặt cau có và buồn chán, đi đâu, ở đâu, chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, thất vọng và khó chịu.

    Trích sách Lẽ Sống

Lectio Divina: Luca 11:29-32
Thứ Tư, 17 Tháng 2, 2016
Thứ Tư Sau Chúa Nhật I Mùa Chay                 


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa nhân từ, là Đấng hay tha thứ,
Chúng con cầu xin Chúa ban cho chúng con một chuẩn mực đúng đắn
Về lòng khiêm tốn và thành thực
Để xác nhận trước Chúa và trước mọi người
Rằng chúng con là những con người yếu đuối và nhiều sai lầm,
Là những kẻ thường vờ làm ngơ
Trước những thiếu sót và lỗi lầm của chúng con.
Xin cho chúng con nên mạnh mẽ với ân sủng đã được chiến thắng cách khó khăn
Bởi Con Chúa trên thập giá,
Chúng con xin Chúa cho chúng con lòng dũng cảm
Để tìm kiếm sự tha thứ của Chúa
Quay về và hết lòng với Chúa
Để phục vụ Chúa và mọi người.
Chúng cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.  

2.  Phúc Âm – Luca 11:29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng:  “Dòng giống này là dòng giống gian ác.  Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giôna.  Vì Giôna đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. 
Đến Ngày Phán Xét, Nữ Hoàng Phương Nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salômôn.  Nhưng ở đây còn có người hơn Salômôn. 
Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giôna giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giôna nữa.”

3.  Suy Niệm

-  Chúng ta đang ở trong Mùa Chay.  Phần Phụng Vụ trình bày những văn bản có thể giúp chúng ta sửa đổi bản thân và thay đổi đời sống chúng ta.  Điều giúp ích nhiều hơn cho việc sửa đổi là các sự kiện về lịch sử Dân Chúa.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày hai câu chuyện trong qua khứ:  ông tiên tri Giôna và Nữ Hoàng Phương Nam, và chuyển đổi câu chuyện này thành hình ảnh trong cách mà người ta có thể khám phá ra trong đó Chúa kêu gọi việc hối cải.
-  Lc 11:29:  Dòng giống gian ác đòi hỏi một điềm lạ.  Chúa Giêsu gọi họ là dòng giống gian ác, bởi vì họ không muốn tin vào Chúa Giêsu và tiếp tục đòi hỏi dấu lạ có thể chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến.  Nhưng Chúa Giêsu từ chối đưa ra những dấu chỉ này, bởi vì một cách dứt khoát, nếu họ đòi hỏi một điềm lạ thì đó là vì họ không tin.  Điềm lạ duy nhất được cho thấy là tiên tri Giôna.
-  Lc 11:30:  Điềm lạ về tiên tri Giôna.  Điềm lạ về tiên tri Giôna có hai khía cạnh khác nhau.  Khía cạnh thứ nhất là những gì mà văn bản của Luca khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay.  Ông tiên tri Giôna đã là một điềm lạ, nhờ vào lời giảng dạy của ông, cho dân thành Ninivê.  Nghe theo lời tiên tri Giôna, người ta đã sám hối. Trong cùng một cách, lời giảng dạy của Chúa Giêsu là một dấu chỉ cho dân của Người, thế nhưng người ta đã không cho thấy bất kỳ một dấu hiệu sửa đổi nào. Còn khía cạnh kia là điều mà sách Tin Mừng Mátthêu khẳng định khi Người trích dẫn câu chuyện tương tự:  “Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (Mt 12:40).  Khi kình ngư mửa ông Giôna ra trên đất liền, ông đã đi công bố Lời Chúa cho dân thành Ninivê.  Do đó, trong cùng một cách, sau cái chết và sự sống lại vào ngày thứ ba, Tin Mừng sẽ được công bố cho dân chúng thành Giuđa.
-  Lc 11:31:  Nữ Hoàng Phương Nam.  Tiếp theo điều này, Chúa Giêsu nhắc lại câu chuyện của Nữ Hoàng Phương Nam, người đến từ tận cùng trái đất để gặp vua Salômôn, và nghe lời khôn ngoan của ông (xem 1V 10:1-10).  Cả hai lần Chúa Giêsu khẳng định:  “Và, nhìn xem, ở đây còn có người hơn vua Salômôn nữa”, “Và xem này, ở đây còn có người hơn ông Giôna nữa”.   
-  Một khía cạnh khác rất quan trọng là phần tiếp theo trong cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các thủ lãnh Dân Do Thái mà trong đó Chúa Giêsu và những đối thủ của Người đứng trước mặt Thiên Chúa.  Sách của tiên tri Giôna là một dụ ngôn, trong đó chỉ trích tâm lý của những kẻ đã muốn Thiên Chúa chỉ dành riêng cho dân Do Thái.  Trong câu chuyện của tiên tri Giôna, dân ngoại được hoán cải đã nghe theo lời rao giảng của ông Giôna và Thiên Chúa chấp nhận họ với lòng nhân ái của Người và đã không phá hủy thành Ninivê.  Khi tiên tri Giôna trông thấy Thiên Chúa đã đoái nhận dân thành Ninivê và không phá hủy thành “ông Giôna bực mình lắm, và ông nổi giận.  Ông cầu nguyện với ĐỨC CHÚA và nói:  ‘Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao?  Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít.  Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giảng hòa.  Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!’” (Gn 4:1-3).  Vì lý do này, tiên tri Giôna là một dấu chỉ cho dân Do Thái thời Chúa Giêsu và đó tiếp tục là dấu chỉ cho Kitô hữu chúng ta.  Sau đó, theo một cách không thể nhận thức được, giống như tiên tri Giôna, trong chúng ta cũng có một tâm lý là Kitô hữu chúng ta được độc quyền về Thiên Chúa và tất cả những người khác phải trở thành Kitô hữu.  Điều này sẽ dẫn đến việc lôi kéo tín đồ.  Chúa Giêsu không đòi hỏi tất cả mọi người phải trở thành Kitô hữu.  Người muốn muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28:19), có nghĩa là, họ là những người, giống như Chúa Giêsu, tỏa sáng và loan báo Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người (Mc 16:15).      

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

-  Mùa Chay, thời gian cho việc hoán cải.  Điều gì mà tôi có về hình ảnh của Thiên Chúa cần phải thay đổi?  Tôi giống như tiên tri Giôna hay giống như Chúa Giêsu?   
 Đức tin của tôi được dựa vào đâu, được xây dựng trên điều gì?   Vào các điềm lạ dấu chỉ hay là vào Lời của Chúa Giêsu?

5.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
Đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
Xin đừng nỡ đuổi con không co gần Nhan Thánh,
Đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
(Tv 51:10-11)
  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét