Trang

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

02-03-2016 : THỨ TƯ - TUÂN III MÙA CHAY

02/03/2016
Thứ tư tuần 3 Mùa Chay.


Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1. 5-9
"Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môi-sen nói với dân chúng rằng: "Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi nên biết, tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa tôi mà truyền dạy cho các ngươi biết lề luật và huấn lệnh của Chúa, để các ngươi thi hành các điều ấy trong phần đất mà các ngươi chiếm hữu; các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: "Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt". Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?
"Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 15-16. 19-20
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các chốt cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.
2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. - Ðáp.
3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Xh 33, 11
Chúa phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".

Phúc Âm: Mt 5, 17-19
"Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Luật Vĩnh Viễn
Có một tín hữu nọ đi tới một quán ăn, anh biết quán ăn có nhiều món cá lạ, nhưng là ngày thứ sáu buộc phải kiêng thịt mà trong lòng thì lại thích ăn thịt. Vì thế, trước hết anh gọi những món cá mà anh biết chắc chắn chẳng bao giờ có, anh nói: "Cho tôi dĩa cá sấu; cho tôi dĩa cá voi..." Chủ quán trả lời: "Không có. Không có". Thế rồi anh ta tự nhủ: "Lạy Chúa, Chúa biết cho con, con đã làm hết sức, đó là con đã gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi, con đành phải gọi một tô phở bò tái mà ăn trong ngày thứ sáu kiêng thịt vậy". Cầu nguyện xong, anh thi hành liền, anh tự tạo ra những lý do, những hoàn cảnh để khỏi phải bị lỗi luật Chúa.
Anh chị em thân mến!
Nếu không có lòng mến Chúa thật thì con người sẽ tạo ra trăm phương nghìn cách để an ủi mình và chuẩn cho mình khỏi phải tuân giữ luật Chúa, giải thích Lời Chúa theo sở thích riêng tư. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy sống trung thành với Luật Chúa cho đến cùng.
Vào thời Chúa Giêsu, các giới lãnh đạo tôn giáo dân Do thái là những người biệt phái, những người Pharisiêu. Họ là những kẻ muốn bảo tồn luật Chúa trong lời dạy của Môisê và các tiên tri. Nhưng những thay đổi trong lịch sử đặt ra những vấn nạn mới và thôi thúc họ phải giải thích áp dụng luật Chúa vào hoàn cảnh mới. Tinh thần ham danh lợi, vụ hình thức đã làm cho họ lạc đường, đến nỗi bị Chúa Giêsu quở trách là những kẻ giả hình giống như những cái mả tô vôi. Họ hăng say buộc kẻ khác tuân giữ những truyền thống của con người, của tiền nhân để lại mà bỏ quên luật Chúa.
Khi giải thích lại những lời dạy của Môisê và các tiên tri, Chúa Giêsu lưu ý các môn đệ là Ngài không đến để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn lề luật. Cần tuân giữ luật Chúa với tinh thần mới, tinh thần của chính Ngài trao ban cho các môn đệ. Chúa Giêsu đã kêu gọi bằng một sự nghiêm chỉnh dấn thân của mọi đồ đệ để sống trọn vẹn sứ điệp của Ngài: "Ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất và dạy người khác làm như vậy sẽ là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời".
Qua mọi thời đại, Giáo Hội không ngừng kêu gọi những con cái mình kiểm điểm lại đời sống mình để canh tân nếp sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy lắng nghe những lời sau đây của Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng":
Ngôi Lời đã nhập thể và Ðức Chúa Cha đã phán: "Ðây là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta mọi đàng. Các ngươi hãy nghe lời Ngài". Ngài là sự sống, con chỉ sống bằng tinh thần của Người. Người là sự thật, con chỉ tìm lời dạy của Người. Người là đường, con chỉ bước theo chân Người.
Có thứ công giáo vụ lợi, có thứ công giáo lý lịch, có thứ công giáo xu thời, có thứ công giáo danh dự. Chúa chỉ chấp nhận những phần Công giáo trăm phần trăm, hạng công giáo vô điều kiện, đó là họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài.
Hội thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội Thánh có lời hứa của Chúa. Hội thánh là một phép lạ liên lỉ. Tuy nhiên, đừng vì thế mà phơi bày những khuyết điểm và gương xấu cho mọi người, cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu để Chúa làm phép lạ mỗi ngày.
Lời Chúa không bao giờ qua đi, Hội thánh Chúa sẽ vượt qua mọi thử thách, mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy nhất quyết sống trung thành đến cùng với ơn gọi Kitô hữu của mình.
Lạy Chúa, trong những ngày canh tân đời sống của Mùa Chay, xin Chúa thương ban cho con một ý chí mạnh mẽ, một niềm tin xác tín sâu xa và nhất là xin Chúa ban cho con ơn gọi Chúa ban. Amen.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần III MC
Bài đọc: Deut 4:1, 5-9; Mt 5:17-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lề Luật của Thiên Chúa bảo vệ đời sống con người.
Con người khó chịu khi phải tuân giữ luật lệ, vì nó ngăn cản không cho con người làm những gì họ muốn làm. Họ coi luật lệ như là một chướng ngại, giới hạn tự do của con người. Nhưng luật lệ tốt lành được làm ra là để bảo vệ con người: chính đương sự, môi trường sống, và những người chung quanh. Lề Luật được ví như hàng rào giữ con người khỏi bước ra ngòai phạm vi giới hạn; vì nếu bất tuân bước ra ngòai, con người sẽ phải lãnh nhận thiệt hại và ngay cả cái chết. Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những lợi ích của Lề Luật trong cuộc sống con người. Trong Bài Đọc I, Sách Đệ Nhị Luật xác tín Lề Luật là kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa, vì nó giúp con người đạt mọi điều tốt lành và tránh được mọi điều nguy hiểm. Trong Phúc Âm, nhiều người nghĩ Chúa Giêsu đến để bãi bỏ Lề Luật Thiên Chúa ban qua Moses và các ngôn sứ; nhưng Chúa Giêsu tuyên bố: “Ngài đến để kiện tòan Lề Luật.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải học biết và thực hành Lề Luật của Thiên Chúa.
1.1/ Lề Luật là kho tàng vô giá vì phát xuất từ Thiên Chúa: Người Do-thái hết sức hãnh diện về Lề Luật, và họ có lý do để làm như thế: vì nó phát xuất từ Thiên Chúa. Có ai hiểu biết sản phẩm hơn người làm ra nó? Thiên Chúa không những tạo dựng nên con người, mà còn tất cả môi trường sống chung quanh con người. Ngài biết con người tưởng nghĩ gì, thích muốn gì, và thích làm gì. Ngài biết điều gì tốt cũng như điều xấu cho con người, con người không biết như vậy nếu không chịu học hỏi. Vì thế, Ngài ban cho con người Lề Luật để con người thi hành để đạt được điều tốt và tránh điều xấu. Còn ai là người khôn ngoan hơn, xứng đáng hơn, để ban hành những Lề Luật này cho con người hơn Thiên Chúa? Đó là lý do Ông Moses hỏi dân: “Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?”
1.2/ Thi hành Lề Luật bảo đảm mọi kết quả tốt đẹp cho cuộc sống: Lề Luật Thiên Chúa ban ra là để thi hành, chứ không phải chỉ để đóng khung tôn kính. Ông Moses truyền cho dân: “Hỡi Israel, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em.”
Vi phạm Lề Luật hay không chịu thi hành là sẽ phải chấp nhận mọi thiệt hại và ngay cả cái chết. Ông Moses cũng cảnh cáo dân: “Nhưng anh em hãy ý tứ và cẩn thận giữ mình đừng quên những điều mắt anh em đã thấy, và suốt đời, đừng để cho những điều ấy ra khỏi lòng anh em; trái lại, anh em hãy dạy cho con cháu anh em biết.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu đến để kiện tòan Lề Luật.
2.1/ Người Do-thái tưởng Chúa Giêsu đến bãi bỏ Lề Luật: Các cuộc tranh luận của Chúa Giêsu và người Do-thái thường xoay quanh các vấn đề của Lề Luật: thanh tẩy, giữ ngày Sabbath, ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức. Nhiều người trong họ nghĩ Chúa Giêsu đến để bãi bỏ Lề Luật và dạy dân chúng khinh thường Lề Luật. Tuy nhiên, trong tất cả trường hợp, Chúa Giêsu muốn giúp họ sửa sai những quan niệm và áp dụng của họ về Lề Luật:
- Người phân biệt giữa Lề Luật của Thiên Chúa và của con người: “Các ông khéo lấy Lề Luật của các ông để vô hiệu hóa các giới răn của Thiên Chúa.” Ví dụ: Giới luật thứ bốn trong Thập Giới truyền phải thảo hiếu cha mẹ bằng cách phải phụng dưỡng các ngài. Các kinh-sư và biệt-phái dạy: "Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là "coban" nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa" rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa” (Mk 7:11-12). Con người có bổn phận phải giữ các Luật của Thiên Chúa; họ có thể từ chối không giữ luật của con người nếu những luật này ngược lại với những gì Thiên Chúa dạy.
- Người phân biệt giữa tinh thần của Lề Luật và cách áp dụng Lề Luật: “Lề Luật làm ra vì con người chứ không phải con người cho Lề Luật” (Mk 2:27). Ví dụ: Ngày Sabbath làm ra vì con người; vì thế, chữa bệnh trong ngày Sabbath là điều được phép làm. Chính các kinh-sư và biệt-phái cũng làm như thế, khi họ kéo các con vật của họ rơi vào hố trong ngày đó; thế mà họ lại khó chịu khi thấy Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbath (Mt 12:1-12).
- Để chứng minh sự hiểu biết sai của họ về Luật thanh tẩy, Người phân biệt cái nhơ bẩn bên ngòai và sự ô uế trong tâm hồn: "Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?" Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế" (Mk 7:18-23).
2.2/ Chúa Giêsu đến để kiện tòan Lề Luật: Để sửa sai quan niệm của họ về Ngài, Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” Chúa Giêsu làm gì để kiện tòan Lề Luật? Chương 5 của Matthew chứa đầy những giáo lý tòan hảo của Chúa Giêsu trên Lề Luật; ví dụ:
- Khi Ngài dạy phải thanh sạch ngay từ trong tâm hồn: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:27-28).
- Khi Ngài dạy các môn đệ phải yêu thương kẻ thù: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:46-48).
- Khi Ngài dạy bán hết gia tài và phân phát cho người nghèo khó: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" (Mt 19:21).
- Khi Ngài cầu xin cho các môn đệ được hiệp nhất nên một như Cha Ngài và Ngài là một:
“Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Jn 17:23).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lề Luật của Thiên Chúa ban là cho sự thiện hảo của con người. Chúng ta phải biết quí trọng và mang ra thực hành trong cuộc sống để đạt lợi ích cho cá nhân, gia đình, và xã hội.
- Làm theo những gì Chúa Giêsu dạy là tiến trình nên trọn lành và tránh các tội. Không một thần minh hay con người nào trong vũ trụ này dạy chúng ta cách tốt đẹp hơn Ngài.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


02/03/16 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC
Mt 5,17-19

Suy niệm: Người Việt Nam có lý do rất chính đáng để tự hào về 4.000 năm văn hiến của dân tộc mình. Đó là di sản vô cùng quí giá mà cha ông để lại, và chúng ta được kế thừa và phát huy. Với cái nhìn siêu nhiên, đó là công trình mà Chúa Thánh Thần âm thầm xây dựng qua dòng lịch sử nhân loại, để mạc khải tình yêu Thiên Chúa và từng bước “đổi mới bộ mặt địa cầu.” Nếu Đức Ki-tô không đến để huỷ bỏ nhưng để kiện tòan lề luật, truyền thống đạo đức Do Thái, thì Ki-tô hữu Việt Nam hôm nay cũng đón nhận nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình với lòng tri ân, và cố gắng sống đức tin của mình trong cung cách Việt Nam.
Mời Bạn: Còn gì đau đớn cho bằng khi thấy một dân tộc đánh mất các giá trị tích cực trong truyền thống đạo đức và văn hoá của mình? Còn gì đáng thất vọng hơn khi thấy một lớp trẻ đang cuồng nhiệt chạy theo những trào lưu vong bản, vọng ngọai, bỏ mất cội nguồn? Chúng ta không được quên rằng: Ơn Chúa thường đến với ta qua khung cảnh văn hoá chúng ta đang sống và cũng qua đó, chúng ta thể hiện và làm chứng cho những giá trị vỉnh cửu của Nước Thiên Chúa.
Chia sẻ: Tại địa phương bạn, có tập tục tốt đẹp nào đó đã bị mai một đi không? Có biểu hiệu suy đồi do du nhập từ nền văn hoá ngoại lai đồi truỵ không (trong phim ảnh, sách báo, cách ăn mặc…)?
Sống Lời Chúa: Không phải mọi yếu tố trong văn hoá đều trong sáng, đều lành mạnh dưới cái nhìn của người Kitô. Do đó tôi cần luôn tỉnh thức và biết nhận định dưới ánh sáng Lời Chúa.
Cầu nguyện: Hát “Hãy chiếu sáng tâm hồn con.

Kiện toàn
Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc bám vào mặt chữ, ta có thể giữ luật như cách biểu lộ hồn nhiên tình yêu với Chúa và tha nhân.


Suy nim:
Vào thời Tin Mừng Mátthêu được viết, các người Do thái thuộc Hội Đường
thường chỉ trích các người Do thái đã tin vào Đức Giêsu Kitô,
coi họ như những người đã bỏ Luật Môsê, bỏ cái cốt lõi của Do thái giáo.
Đức Giêsu của Mátthêu đã bác bỏ lối hiểu sai này.
“Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c. 17).
Kiện toàn là đưa Luật Môsê đến chỗ thành tựu, hoàn hảo,
bởi lẽ nó có những hạn chế, bất toàn,
do Thiên Chúa phải nương theo trình độ lúc đó của Dân Ngài.
Kiện toàn là giải thích lại Luật Môsê theo đúng ý Thiên Chúa.
Chẳng ai biết Ý Thiên Chúa Cha bằng Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Hơn ai hết, Đức Giêsu có quyền nói lên ý nghĩa mới mẻ của Lề Luật.
Có một dòng chảy liên tục trong khoa sư phạm của Thiên Chúa.
Ngài huấn luyện Dân Ngài qua Môsê và các ngôn sứ trong lịch sử.
Đỉnh cao nhất là Đức Giêsu, Đấng vén mở trọn vẹn ý định của Thiên Chúa.
Đức Giêsu không phá những công trình đi trước, ngài kiện toàn.
Lời giáo huấn của Ngài vừa liên tục với,
vừa vượt qua Giao Ước thứ nhất còn khiếm khuyết.
Vượt qua về chiều rộng,
khi Ngài mời ta đi xa hơn chuyện không được giết người,
mà còn không được có hành vi, lời nói giận ghét anh em (Mt 5, 22).
Vượt qua về chiều sâu,
khi Ngài đòi ta không được giữ Luật kiểu giả hình bên ngoài,
nhưng phải khởi đi từ trái tim, từ cái tâm bên trong (cc. 27-28),
khi Ngài đưa ra những đòi hỏi tận căn trước đây chưa hề có
về việc chẳng những không được trả thù mà còn yêu kẻ thù (cc. 38-48).
Mọi lề luật đều qui về điều răn chính yếu là yêu thương.
Phải yêu như Cha trên trời mới trở thành con cái Cha (c. 45).
Đức Giêsu mời chúng ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được Ngài kiện toàn.
Luật ấy là lời giáo huấn của Ngài mà các môn đệ đã nghe.
Con người thời nay thích tự do nên dị ứng với luật lệ.
Nhưng giữ luật không phải là chuyện của nô lệ hay trẻ con.
Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc bám vào mặt chữ,
ta có thể giữ luật như cách biểu lộ hồn nhiên tình yêu với Chúa và tha nhân.
Trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé của các điều răn chỉ vì yêu,
và “dạy người ta mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20),
đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau cho người môn đệ.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

02 Tháng Ba
Bàn Thờ Cho Người Nô Lệ

Du khách đến viếng thăm nước Tanzania bên châu Phi không thể không dừng chân trước Nhà Thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar.
Bước vào nhà thờ, người ta có thể đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như sau: "Bạn đang ở trong nhà thờ chính tòa của Ðức Kitô. Nơi đây đã từng là chợ buôn người nô lệ".
Ngôi thánh đường này đã được xây ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng đã tập trung không biết bao nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác như những con thú. Ðặc biệt nhất là bàn thờ của ngôi thánh đường: đây là nơi mà trước khi được bán, người nô lệ phải chịu đánh đòn. Sở dĩ người ta phải dùng roi để quất vào người nô lệ là để xem người ấy còn khỏe mạnh không.
Cột trụ ở ngay lối vào nhà thờ là một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải phóng Livingstone, một nhà thám hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc buôn bán vô nhân đạo này. Cây thánh giá mang tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông thường đứng để hô hào cuộc chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.
Mãi đến ngày 06 tháng 6 năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính thức bị cấm chỉ bằng một đạo luật. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.
Cũng như một đan viện dòng kín đã được dựng lên ngay bên cạnh trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan để âm thầm nhắc nhở về những độc ác dã man mà con người đã có thể làm cho người khác, thì nhà thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar cũng là một nhắc nhở về một quá khứ vô cùng đau thương và đen tối của cả nhân loại, khi con người chỉ xem những giống người khác như thú vật để đổi chác. Nhưng một tưởng niệm không chỉ dừng lại ở khía cạnh kết án, nó còn là một mời gọi để cam kết sống đích thực hơn. Ðối lại với chà đạp dã man phải là sự tôn trọng yêu thương mà con người phải có đối với tha nhân.
Cuộc sống của người Kitô chúng ta được xây dựng trên một tưởng niệm vô cùng cao cả: đó là cái chết của Ðức Kitô được thực hiện trong Thánh Lễ. Thánh lễ vừa là một nhắc nhở về cái chết vô cùng dã man mà Ðức Kitô đã trải qua, vừa là một tưởng niệm về Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, vừa là một mời gọi sống yêu thương, yêu thương đến nỗi có thể chết thay cho người khác... Chúng ta không thể tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu mà vẫn tiếp tục cưu mang hận thù, mà vẫn nuôi dưỡng sự khinh rẻ đối với tha nhân.
Lẽ Sống

Lectio Divina: Mátthêu 5:17-19
Thứ Tư, 2 Tháng 3, 2016
Thứ Tư Tuần III Mùa Chay                                


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
Các lời tiên tri của Chúa nhắc nhở chúng con
Trong mùa và ngoài mùa
Về những nhiệm vụ của chúng con đối với Chúa
Và đối với tha nhân.
Khi các lời ấy làm phiền và gây khó chịu cho chúng con,
Xin Chúa để cho đó được là một sự xáo trộn thánh thiện
Khiến cho chúng con trăn trở, nóng lòng làm theo thánh ý Chúa
Và để đem lại công bình và tình yêu thương xung quanh chúng con.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

2.  Phúc Âm – Mátthêu 5:17-19 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri:  Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn.  Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.
Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời.”   

3.  Suy Niệm

-  Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 5:17-19) dạy cho chúng ta cách tuân giữ Lề Luật Chúa theo một cách cho thấy trong đó việc thực hành đầy đủ nó bao gồm những điều gì. Mátthêu đã viết để giúp cho các cộng đoàn người Do Thái cải đạo vượt qua được những lời phê phán của các người đồng hương đã buộc tội họ bằng cách nói rằng: “Quý vị là những người không chung thủy với Luật Môisen”.  Chính Chúa Giêsu cũng đã bị cáo buộc là không tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa.  Thánh sử Mátthêu đã có câu trả lời rõ ràng của Chúa Giêsu cho những kẻ chỉ trích Người.  Do đó, ông đưa ra một số ánh sáng để giúp các cộng đoàn giải quyết vấn đề của họ.     
-  Sử dụng hình ảnh của đời sống thường nhật, với lời lẽ giản dị và thẳng thắn, Chúa Giêsu đã nói rằng sứ vụ của cộng đoàn, lý do để cho cộng đoàn tồn tại, phải là muối và là ánh sáng!  Người đã ban cho một số lời khuyên về mỗi hình ảnh này. Tiếp theo sau đó là hai hoặc ba câu ngắn gọn của bài Tin Mừng hôm nay.
-  Mt 5:17-18:  Một chấm, một phẩy trong bộ Luật cũng không bỏ sót.  Có một vài khuynh hướng khác nhau trong cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi.  Một số người cho rằng không cần thiết phải tuân giữ lề luật trong Cựu Ước, bởi vì chúng ta được cứu rỗi nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu mà không nhờ bởi việc tuân giữ lề luật (Rm 3:21-26).  Một số người khác chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng họ đã không chấp nhận tinh thần phóng khoáng mà một số người trong cộng đoàn đã sống trong sự hiện diện của Chúa Giêsu.  Họ cho rằng là người Do Thái, họ phải tiếp tục tuân giữ các lề luật của Cựu Ước (Cv 15:1-5).  Nhưng cũng có những Kitô hữu sống quá tự do trong Thần Khí Chúa, những kẻ không còn nhìn vào cuộc sống của Đức Giêsu Nagiarét, cũng chẳng lý gì đến Cựu Ước và thậm chí họ đã còn đi quá đà mà nói rằng:  “Giêsu là đồ khốn kiếp!” (1Cr 12:3).  Quan sát những căng thẳng này, thánh sử Mátthêu cố gắng tìm một sự quân bình giữa hai thái cực. Cộng đoàn phải là chỗ, nơi mà sự quân bình có thể đạt được và được duy trì.  Câu trả lời được Chúa Giêsu đưa ra cho những ai chỉ trích Người đã tiếp tục là thực tế cho các cộng đoàn:  “Ta không đến để hủy bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn nó!” Cộng đoàn không thể chống báng lại lề luật, cũng không thể sống khép kín cho riêng mình trong việc tuân giữ lề luật.  Giống như Đức Giêsu, họ phải tiến lên, và cho thấy, trong sự thực hành, mục đích mà lề luật muốn đạt được trong đời sống của con người, đó là, trong việc thực hành hoàn hảo của tình yêu thương.   
-  Mt 5:18-19:  Một chấm, một phẩy cũng không bỏ sót khỏi bộ Luật.  Điều này dành cho những ai muốn dứt bỏ tất cả các lề luật mà Mátthêu nhắc lại bài dụ ngôn khác của Chúa Giêsu:  “Bất cứ ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời.”  Mối quan tâm lớn trong sách Tin Mừng Mátthêu cho thấy rằng Cựu Ước, Đức Giêsu Nagiarét và sự sống trong Thần Khí Chúa thì không thể tách rời.  Cả ba là một phần của cùng một dự án và duy nhất của Thiên Chúa và thông tri với chúng ta điều chắc chắn của đức tin:  Thiên Chúa của ông Abraham và bà Sara đang hiện hiện diện ở giữa cộng đoàn bởi lòng tin vào Đức Giêsu Nagiarét, Đấng sai Thần Khí của Người đến với chúng ta.
                                 
4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
                     
-  Tôi thấy lề luật và sống theo lề luật của Thiên Chúa như thế nào:  như là một chân trời ánh sáng đang lớn dần hay là như một áp đặt giới hạn sự tự do của tôi?
 Ngày nay chúng ta có thể làm được gì cho anh chị em chúng ta, những người xem mọi cuộc thảo luận loại này là lỗi thời và không thực tế?  Chúng ta có thể học hỏi những gì từ họ?

5.  Lời nguyện kết

Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh CHÚA!
Này Sion, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi!
Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc,
Con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân.
(Tv 145:12-13)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét