Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Giải đáp phụng vụ: Những ai không được Rước lễ?

Giải đáp phụng vụ: Những ai không được Rước lễ?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đã dự một lễ cưới, mà trong đó linh mục chỉ cho đôi tân hôn Rước lễ mà thôi. Sau đó, con được biết rằng linh mục làm như thế vì ngài lo sợ một cộng đoàn hỗn hợp - một số người có thể là không Công Giáo, hoặc một số người có thể ở trong tình trạng tội trọng - và không muốn liều mình trao Mình Thánh cho các người không xứng đáng như vậy. Tuy nhiên, đã có nhiều tín hữu cảm thấy bị tổn thương và bị xúc phạm khi họ không được Rước lễ. Liệu hành động ấy là có thích hợp về phía linh mục không, thưa cha? - J. S., St. Louis, Missouri, Mỹ. 


Đáp: Trong khi vị linh mục đã cho thấy sự tôn trọng đáng quý và tôn kính đối với phép Thánh Thể, tôi không tin rằng cha đã hành động một cách chính xác trong trường hợp này.

Trong các xã hội đa dạng như Mỹ, việc cử hành Thánh lễ cưới và Thánh lễ an táng hầu như luôn có đông người thuộc các sắc tộc và tín ngưỡng khác nhau tham dự. Do đó sự nguy hiểm của một người nào đó Rước Lễ không xứng đáng là có thực.

Nhưng đây không phải là một vấn đề mới, và các giáo xứ khắp nơi đã tìm ra được nhiều giải pháp khả thi.

Trong một số trường hợp, cha xứ hoặc một người khác nói lời thông báo thích hợp, hoặc là trước Thánh Lễ hoặc trước khi Rước lễ. Thông báo này khéo léo giải thích rằng, bởi vì đây là trung tâm của đức tin chúng tôi, việc Rước lễ chỉ được dành riêng cho người Công Giáo trong tình trạng ân sủng mà thôi.

Một cách thức khác là in rõ các điều kiện cho việc Rước lễ, và phân phối cho những người có mặt, hoặc thậm chí kẹp nó vào trong cuốn sách nhỏ, vốn thường được chuẩn bị trong dịp lễ cưới.

Nếu linh mục đã có các bước thích hợp để thông báo cho những người hiện diện về tầm quan trọng của việc Rước lễ trong tình trạng ân sủng, thì trách nhiệm cho một việc Rước lễ không xứng đáng rơi vào lương tâm của người lên Rước lễ.

Nhiệm vụ của linh mục là không có hành động phủ đầu chống lại hành vi có thể xúc phạm đến phép Thánh Thể, bằng cách hạn chế việc cho Rước lễ.

Ngoài ra, linh mục không nên tước đi nơi các tín hữu đang ở trong tình trạng ân sủng cơ hội tham gia đầy đủ vào Hy Tế Thánh Lễ bằng việc Rước lễ. Khi làm như vậy, ngài bất công tước đi nơi họ quyền lợi của mình là người Công Giáo đã rửa tội.

Để kết luận, tôi xin cung cấp một đoạn trích từ một văn bản mẫu được in trong sách hướng dẫn việc tham dự Thánh lễ. Tài liệu rất hữu ích này được công bố bởi Ủy ban Phụng vụ thuộc Hội Đồng Giám Mục Mỹ, với nhan đề “Hướng dẫn việc Rước lễ” (Guidelines for the Reception of Communion).

"Đối với người Công Giáo" Là người Công Giáo, chúng ta tham gia đầy đủ vào việc cử hành Thánh Thể khi chúng ta Rước Mình Thánh Chúa. Chúng ta được khuyến khích Rước lễ sốt sắng và thường xuyên. Để sẵn sàng cho việc Rước lễ, người tham dự ý thức mình không phạm tội trọng, và thường đã nhịn ăn trong một giờ trước đó. Ai biết mình đang có tội trọng thì đừng Rước Mình và Máu Thánh Chúa, trừ phi đã xưng tội trước đó, ngoại trừ một lý do nghiêm trọng là không có cơ hội xưng tội. Trong trường hợp này, người ấy phải ý thức và thực hiện việc ăn năn tội cách trọn, kể cả ý định đi xưng tội càng sớm càng tốt (Giáo luật điều 916). Một việc lãnh bí tích Hòa Giải là được khuyến khích cho mọi người.

"Đối với các Kitô hữu khác" Chúng ta hoan nghênh các Kitô hữu đồng đạo của chúng ta tham dự Thánh lễ như là anh chị em của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện rằng phép rửa chung của chúng ta và tác động của Chúa Thánh Thần trong phép Thánh Thể này sẽ lôi kéo chúng ta gần gũi nhau hơn, và bắt đầu xua tan các chia rẽ buồn sầu, vốn tách rời chúng ta. Chúng ta cầu nguyện rằng các chia rẽ này sẽ giảm bớt và cuối cùng sẽ biến mất, phù hợp với lời cầu nguyện của Chúa Kitô cho chúng ta là "xin cho tất cả họ được nên một" (Ga 17, 21).

"Bởi vì người Công Giáo tin rằng việc cử hành Thánh Lễ là một dấu hiệu của thực tại của sự hiệp nhất đức tin, đời sống và việc thờ phượng, nên các thành viên của các Giáo Hội này, mà chúng ta chưa hiệp nhất đầy đủ với họ, thường không thể Rước lễ được. Việc Rước lễ trong trường hợp đặc biệt của các Kitô hữu khác đòi hỏi phải có sự cho phép, theo các chỉ thị của Giám mục Giáo phận và các điều của Bộ Giáo luật (Điều 844 § 4). Các thành viên của Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Assyria phương Đông, và Giáo Hội Công Giáo Quốc gia Ba Lan được yêu cầu tôn trọng kỷ luật của các Giáo Hội riêng của họ. Theo kỷ luật Công Giáo Rôma, Bộ Giáo Luật không phản đối việc Rước lễ của các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội này (Điều 844 § 3).

"Đối với những người không Rước lễ" Tất cả những ai không Rước lễ được khuyến khích thể hiện trong tâm hồn của họ sự ước muốn cầu nguyện cho sự kết hiệp với Chúa Giêsu và với nhau.

"Đối với người ngoài Kitô hữu" Chúng ta cũng hoan nghênh việc tham dự Thánh lễ của các người không chia sẻ đức tin của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Trong khi chúng ta không thể chấp nhận cho họ Rước lễ, chúng ta xin họ dâng lời nguyện cho hòa bình và sự thống nhất của gia đình nhân loại".

Hỏi: Liệu sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu vẫn còn trong Mình Thánh, khi một người không tín ngưỡng Rước Mình Thánh ấy không? - Một linh mục, Yangon, Myanmar. 

Đáp: Cần phải có sự phân biệt: sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Mình Thánh bắt nguồn từ việc truyền phép, và không phụ thuộc vào niềm tin cá nhân của người nhận lãnh.

Do đó, sự hiện điện thật sự vẫn ở một thời gian ngắn trong bất kỳ người nào Rước lễ.

Một yếu tố khác là sự gia tăng ơn thánh hóa, vốn đi kèm với việc Rước Lễ. Trong trường hợp này, chỉ có tín hữu đã được rửa tội nhận được lợi ích tinh thần; người chưa được rửa tội thiếu ân sủng ban đầu của ơn thánh hóa, vốn được phát triển bởi các hành vi thánh thiện, như việc Rước Lễ chẳng hạn.

Nếu người không tín ngưỡng Rước lễ với lòng thành của mình, Thiên Chúa có thể tự do ban cho người ấy các hiện sủng đặc biệt tùy theo sự chân thành của các ý định, khi người ấy Rước lễ.

Trong số các ân sủng này, có sự quan tâm đánh thức trong ý nghĩa của cử chỉ ấy cho người Công Giáo, và sự ước muốn hiểu biết thêm về đức tin Kitô giáo nói chung, cuối cùng dẫn đến việc người ấy có thể đón nhận đức tin.

Lẽ tất nhiên, điều này sẽ tùy vào lòng từ bi của Chúa, và một khả năng xa như vậy có thể không bao giờ được sử dụng để coi thường các qui định của Giáo Hội về việc Rước lễ. Theo các qui định này, người chưa rửa tội không được phép Rước lễ. (Zenit.org ngày 12 và 26-9-2006)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét