09/07/2016
Thứ Bảy tuần 14 thường niên
Bài Ðọc
I: (Năm II) Is 6, 1-8
"Lưỡi
tôi nhơ bẩn, mắt tôi trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Năm
vua Ozias băng hà, tôi nhìn thấy Thiên Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của
Người phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, mỗi vị có sáu cánh:
hai cánh che mặt, hai cánh phủ chân và hai cánh để bay. Các vị đó luân phiên
tung hô rằng: "Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn
thể địa cầu đầy vinh quang Chúa!" Các nền nhà đều rung chuyển trước tiếng
tung hô, và Ðền thờ đầy khói.
Tôi
nói rằng: "Vô phúc cho tôi, tôi chết mất! Vì lưỡi tôi nhơ bẩn, mắt tôi
trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh". Nhưng lúc đó có một trong
các Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp gắp
từ trên bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: "Hãy nhìn xem,
than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi ngươi được xoá bỏ, tội của ngươi được
tha thứ". Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: "Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ
đi cho Chúng Ta?" Tôi liền thưa: "Này con đây, xin hãy sai con".
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5
Ðáp: Chúa làm Vua, Ngài đã mặc thiên
oai (c. 1a).
Xướng:
1) Chúa làm Vua, Ngài đã mặc thiên oai, Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long
đai. - Ðáp.
2) Và
Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ
muôn thuở; tự đời đời vẫn có Chúa. - Ðáp.
3) Lời
chứng bảo của Ngài rất đáng tin; lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà
Ngài, cho tới muôn muôn ngàn đời. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 118, 27
Alleluia,
alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con
suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 10, 24-33
"Các
con đừng sợ những kẻ giết được thân xác".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy,
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ
không hơn chủ mình. Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là
khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của
Ngài. Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị
thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các
con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao
giảng trên mái nhà.
"Các
con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con
hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán
hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha
các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi.
Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy
ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha
Thầy là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ
chối nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðừng Sợ Người Ðời
Mahatma
Gandhi, nhà tranh đấu bất bạo động cho quyền con người và nền độc lập của Ấn Ðộ,
đã có lần nhắn nhủ các môn sinh như sau: "Sự thật và tình thương sẽ chiến
thắng. Hãy suy nghĩ điều đó và hành động theo sự thật và tình thương. Ðừng bao
giờ dùng bạo lực đáp trả bạo lực, vì làm như thế là bắt chước lối sống man rợ của
những người dùng bạo lực. Khi dùng bạo lực, những người đó cho thấy nỗi thất vọng
và trạng thái thú hóa của họ. Chúng ta hãy sống như con người. Những người dùng
bạo lực có thể đánh đập và giết chết thân xác chúng ta, nhưng không thể giết được
tinh thần và quyền lợi của chúng ta, họ không thể giết được sự thật. Sự thật và
tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ kỹ và hãy sống theo sự thật và tình
thương, bởi vì nếu sống theo bạo lực và hận thù, thì thế giới sẽ trở thành mù
lòa".
Ðã từng
vào tù ra khám, đã từng bị đánh đập hành hung, con người đã nói những lời trên
đây chưa một lần tỏ ra sợ sệt. Ngày 30/01/1948, ông ngã gục vì nhát gươm của một
người quá khích. Cái chết của ông là một cụ thể hóa của chính chủ trương bất bạo
động mà ông đã đề ra.
Sẵn
sàng chết để làm chứng cho sự thật và tình thương với niềm tin vào sự bất tử của
linh hồn con người, Mahatma Gandhi dù chưa phải là Kitô hữu, nhưng đã sống theo
lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay, đó là sống hiên ngang, không sợ hãi trước
các cường lực sự dữ, không sợ hãi những người chỉ giết được thân xác, nhưng
không làm gì được linh hồn; sống trung thực với phẩm giá của con cái Chúa,
không để mình rơi vào tình trạng hóa thú và nô lệ cho bạo lực: "Các con đừng
sợ những kẻ giết được thân xác, mà không giết được linh hồn".
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp
với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của
con cái và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy
ánh sáng của Tin Mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người Kitô hữu, tôi
phải sống những thực tại ấy thế nào? Lý tưởng của tôi là tìm mọi cách để có nhiều
của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?
"Môn
đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ". Chúa Giêsu đã đi con đường của
nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha thứ và tha thứ cho đến cùng.
Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta một lý tưởng, một con đường để đi
theo, Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu
chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi
gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc
trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Bảy Tuần 14 TN2, Năm Chẵn
Bài
đọc: Isa 6:1-8; Mt
10:24-33
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngôn sứ phải nói những gì Thiên Chúa
truyền.
Các
bài đọc hôm nay tập trung trong ơn gọi ngôn sứ và những gì ngôn sứ phải làm.
Trong bài đọc I, Isaiah tường thuật ơn gọi ngôn sứ của chính mình. Ơn gọi ngôn
sứ bắt nguồn từ Thiên Chúa, không do bởi con người, nhưng họ có tự do đáp trả.
Họ được thánh hiến và giáo huấn trước khi được sai đi để làm phát ngôn viên cho
Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ những gì phải làm và những
gì không được làm trước khi sai các ông lên đường.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Thiên Chúa gọi
Isaiah làm ngôn sứ cho Ngài.
1.1/
Ngôn sứ nhận thức được sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi của mình.
Ngôn
sứ Isaiah hoạt động tích cực tại Jerusalem trong 4 đời vua: Uzziah, Jotham,
Ahaz và Hezekiah. Triều đại của vua Uzziah cai trị trong 50 năm chấm dứt một
triều đại an lành và hạnh phúc. Từ đó trở đi, các vua Judah kế tiếp và toàn thể
dân chúng cũng chẳng khác gì các vua của Israel. Họ sống kiêu ngạo xa Thiên
Chúa, sống hưởng thụ, và sống bất công với người nghèo.
Một
trong những điểm đặc biệt trong Sách của ngôn sứ Isaiah là muốn làm nổi bật sự
thánh thiện của Thiên Chúa và sự tội lỗi của con người. Trình thuật hôm nay là
một điển hình. Thị kiến hôm nay có lẽ xảy ra trong Đền Thờ Jerusalem. Hình ảnh
các Seraphim có 6 cánh rất phổ thông trong các quốc gia vùng Cận Đông. Khi các
Seraphim tung hô "Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng
Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!" các Ngài tuyên dương sự
thánh thiện tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, không một ai trên bầu trời này thánh thiện
như Ngài. Đền Thờ tỏa khói mịt mù nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa với loài
người, như Ngài đã từng hiện diện với con cái Israel trong Cột Mây và Lều Hội
Ngộ, khi họ lang thang 40 năm trong sa mạc.
Khi
nhận diện ra sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa cũng là lúc Isaiah nhận ra sự
tội lỗi bất xứng của mình, đến nỗi Isaiah phải thốt lên: "Khốn thân tôi,
tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng
ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!" Truyền thống
Do-thái tin không một ai nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống (Exo 33:20). Isaiah
tin chắc ông sẽ phải chết nếu Thiên Chúa không can thiệp.
1.2/
Ngôn sứ được thánh hiến bằng lửa: Trình thuật kể: “Một trong các thần Seraphim bay về phía
tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ.” Thánh
hiến bằng than hồng có lẽ là một hành động biểu trưng cho sự thánh hiến tâm hồn
của Isaiah. Chính hành động này đã làm cho ngôn sứ Isaiah được sạch tội và khỏi
phải chết, như lời sứ thần Seraphim tuyên bố: "Đây, cái này đã chạm đến
môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội." Miệng lưỡi của ngôn sứ là khí
cụ quan trọng nhất trong sứ vụ của ngôn sứ; có lẽ đây là lý do sứ thần đưa hòn
than ấy chạm vào miệng ngôn sứ.
Ơn gọi
ngôn sứ là ơn gọi hoàn toàn tự nguyện: Thiên Chúa gọi và người được gọi đáp trả.
Thiên Chúa mời gọi ngôn sứ qua việc đặt câu hỏi: "Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ
đi cho chúng ta?" Isaiah được sự thúc đẩy từ bên trong đã mạnh dạn thưa:
"Dạ, con đây, xin sai con đi."
2/
Phúc Âm: Điều Thầy nói với
anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày.
2.1/ Ba
thái độ phải có của người môn đệ Đức Kitô: Để trở thành môn đệ trung thành của Đức Kitô, một người phải có
ba thái độ sau:
(1) Sẵn
sàng chấp nhận gian khổ: "Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh
em." Người môn đệ Đức Kitô chắc chắn sẽ bị người đời bắt bớ, vì họ đã từng
bắt bớ và giết Ngài. Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải nhớ rõ điều này:
"Trò không hơn thầy, đầy tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, đầy tớ được
như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Beel-zebul, huống
chi là người nhà."
Trong
khi rao giảng hay làm việc tông đồ, người môn đệ chắc chắn sẽ gặp những người
phê bình, chống đối, đe dọa và bắt bớ. Lý do đơn giản là người môn đệ nói những
điều người đời không muốn nghe, và sự thật thì hay mất lòng. Một vài ví dụ dẫn
chứng: người môn đệ nói phải tuyệt đối trung thành trong ơn gọi gia đình đang
khi khán giả ngồi dưới đã từng ly dị; người môn đệ dạy phải hy sinh để báo hiếu
cha mẹ đang khi khán giả gởi cha mẹ vào các viện dưỡng lão; người môn đệ dạy phải
sinh con cái cho nhiều đang khi khán giả không muốn sinh thêm con.
(2)
Không được sợ hãi người đời: Nếu người môn đệ sợ làm người đời mất lòng, sợ bị
phê bình hay bị chống đối, người môn đệ sẽ không dám nói sự thật mà ông được
kêu gọi để rao giảng; ngược lại, ông sẽ tìm cách nói những gì mà khán giả
thích, cho dẫu những điều này không phải là những gì Chúa dạy. Đó là lý do Chúa
Giêsu răn dạy các môn đệ: "Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có
gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết.
Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh
em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng."
Khi
làm chứng cho sự thật, các môn đệ sẽ phải trả giá đắt, có thể phải hy sinh cả
tính mạng như trường hợp của các thánh tử đạo; nhưng các ngài sẵn sàng đổ máu để
làm chứng cho sự thật, vì các ngài tin Thiên Chúa sẽ trả lại thân xác vinh
quang, và cho linh hồn các ngài được sống đời đời.
(3)
Phải tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Để dạy các môn đệ điều này,
Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ: Thứ nhất, chim sẻ: Ngài nói: "Hai con chim sẻ
chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài
ý của Cha anh em. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ."
Thứ hai, tóc trên đầu: Ngài nói: "Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng
đếm cả rồi." Tóc trên đầu con người quá nhiều và rụng xuống hàng ngày. Nếu
một sợi tóc vô nghĩa rơi xuống hàng ngày như vậy còn được Thiên Chúa quan tâm tới,
huống hồ là số phận của những người môn đệ Chúa.
Trong
sự quan phòng của Thiên Chúa, đau khổ là phương tiện Thiên Chúa dùng để thử
thách niềm tin yêu của con người dành cho Ngài. Nếu con người sợ hãi và trốn
tránh đau khổ, con người không chứng minh niềm tin yêu của họ dành cho Ngài.
2.2/ Phần
thưởng cho những môn đệ sống trung thành và làm chứng cho sự thật: Chúa Giêsu nói rõ ràng với các môn đệ:
"Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố
nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời." Ngược lại, "Ai
chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy,
Đấng ngự trên trời." Người nào không dám tuyên xưng danh Thầy mình, không
dám nói những sự thật Thầy dạy, người ấy không phải là môn đệ Đức Kitô. Trong
Ngày Chung Thẩm, Đức Kitô cũng không nhận những người như thế trước mặt Cha của
Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Ngôn sứ phải nói những gì Thiên Chúa truyền, cho dù lời ấy người đời không
thích. Khi người ngôn sứ nói ngược lại những lời Thiên Chúa truyền, ông tuyên
án cho chính mình.
- Mỗi
tín hữu đều nhận ơn gọi làm ngôn sứ cho những người có trách nhiệm. Chúng ta phải
chu toàn bổn phận được giao bằng việc trao ban cho tha nhân những lời dạy của
Ngài.
Lm Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
09/07/16 THỨ BẢY TUẦN 14 TN
Th. Âu-tinh Dao Rong, linh mục và các bạn tử đạo
Mt 10,24-33
Th. Âu-tinh Dao Rong, linh mục và các bạn tử đạo
Mt 10,24-33
Suy niệm: Thế giới không khỏi ngưỡng mộ người phụ nữ gan dạ của đất nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi.
Vì dân tộc, vì lý tưởng, bà chấp nhận dấn thân, dù phải chịu nhiều năm tháng bị giam cầm không được nhìn thấy con cái lớn lên, không chứng kiến được nhịp sống xã hội của dân mình. Nói đúng hơn, vì muốn sống nên người, bà không sợ hãi sự đe dọa nào. Vậy thì lòng mến Chúa nơi mỗi Ki-tô hữu còn khích lệ họ dám sống đến cùng niềm tin của mình hơn. Vì mến Chúa, Ki-tô hữu chấp nhận sống cho sự thật bất chấp mọi thiệt thòi. Vì mến Chúa, Ki-tô hữu sẵn sàng chịu mọi gian nan, miễn sao Tin Mừng được rao giảng. Vì mến Chúa, Ki-tô hữu nỗ lực bảo vệ gia đình trong đức tin, mặc người đời tránh xa. Người đời có thù ghét cũng chỉ giết được thân xác chứ không giết được linh hồn. Và nếu sự kiên trì sống nên người của người phụ nữ Myanmar kia lúc này được đáp đền, thì sự kiên tâm chịu đựng vì đức tin và lòng mến Chúa chắc chắn được Thiên Chúa bảo đảm như Ngài đã hứa.
Mời Bạn: Điều gì khiến bạn ngần ngại không dám bày tỏ và sống đức tin trước mặt mọi người? Phải chăng vì bạn chỉ nghĩ đến đời này mà quên đời sau, nơi linh hồn và thân xác bạn phải được vui hưởng trong Chúa, Đấng có quyền trên hồn và xác của bạn?
Sống Lời Chúa: Dành
riêng 5 phút trong tĩnh lặng, gặp Chúa và nhìn lại đức tin của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con được nhồi nắn bằng gì. Xin cho con được mạnh sức và nâng đôi mắt con hướng về Chúa mỗi khi gặp thử thách.
Anh em đừng sợ
Vấn đề không phải là trở nên vô cảm, không biết sợ là gì. Nhưng là biết sợ ai.
Suy
niệm:
Trong
bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu nhắc chúng ta đừng lo (c.19).
Hôm
nay ba lần Ngài nhắc chúng ta đừng sợ kẻ bách hại (cc. 26. 28.31).
Cuộc
sống con người bị trói buộc bởi những nỗi sợ,
có
lý và vô lý, đến từ bên ngoài hay từ bên trong trái tim.
Càng
văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới.
Nỗi
sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui…
“Đừng
sợ” là điệp khúc trấn an được Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần.
Đừng
sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10).
Đừng
sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27).
Đừng
sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7).
Đừng
sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36).
Đừng
sợ, hỡi các phụ nữ, khi gặp Thầy phục sinh (Mt 28, 10).
Nỗi
sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh.
Nhưng
Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ.
Có
người môn đệ sợ bị mất mạng, đến nỗi không dám rao giảng,
không
dám tuyên nhận Thầy trước mặt người đời.
Đức
Giêsu mời các môn đệ nói công khai giữa ban ngày, trên mái nhà,
điều
mình nghe Thầy thì thầm trong đêm khuya (c. 27).
Họ
không được giữ riêng cho mình điều đã lãnh nhận.
Đừng
sợ cái giá phải trả cho việc rao giảng, làm chứng cho Thầy,
vì
có điều gì còn quý hơn cả sự sống thân xác nữa (c. 28).
Trong
Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng sợ chết, vì Ngài còn quá trẻ.
Nhưng
Ngài đã không để cho nỗi sợ thắng mình,
khi
dám nói tiếng xin vâng, buông đời mình trong tay Cha.
Cha
lo cho cả những sinh vật bé nhỏ, tưởng như vô giá trị.
Chim
sẻ là thức ăn rẻ tiền nhất vào thời Đức Giêsu.
Tiền
lương một ngày mua được ba chục con chim sẻ.
“Thế
mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha” (c. 29).
Cả
đến sợi tóc của trên đầu chúng ta cũng được Thiên Chúa đếm (c. 30).
Dù
một sợi cũng được Thiên Chúa giữ gìn (Lc 21, 18).
Chính
vì thế người Kitô hữu được giải phóng khỏi những nỗi sợ đeo đẳng.
Họ
chẳng còn sợ ai, ngoài Thiên Chúa.
Vấn
đề không phải là trở nên vô cảm, không biết sợ là gì.
Nhưng
là biết sợ ai.
“Mày
cùng chịu một án phạt mà không biết sợ Thiên Chúa ư?”
Anh
trộm lành đã nói với người kia như vậy (Lc 23, 40).
Xin
Chúa giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ vu vơ,
để
chúng ta được tự do, biết lo điều phải lo, biết sợ điều phải sợ.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin
cho con dám hành động
theo
những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì
xác tín rằng
Chúa
ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa
ngàn lần quảng đại hơn con,
và
Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin
cho con dám liều theo Chúa
mà
không tính toán thiệt hơn,
anh
hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can
đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và
ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
09
Tháng Bảy
Nụ Hôn Của Ðứa Bé
Người
Ả Rập thường kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Một
ông lão tên là Bi Quan, đãng trí và vô tình đến độ không còn nhớ được mình đã một
lần trải qua tuổi hoa niên. Kỳ thực, cả cuộc sống, dường như ông chưa bao giờ
biết sống là gì. Ông đã không học biết sống, cho nên cũng không học chết cách
nào cho hợp lý, cho xứng đáng với con người...
Ông
không có hy vọng, cũng chẳng có ưu tư. Ông không biết cười cũng chẳng biết
khóc. Không gì trên trần gian này có thể gây được sự chú ý và ngạc nhiên cho
ông. Suốt ngày, ông ngồi trước cửa lều, nhìn trời mà không biết trời xanh hay
trời đục...
Ngày
kia, có người tìm đến vấn kế vì nghĩ rằng tuổi đời chồng chất, ông hẳn phải là
bậc thông thái khôn ngoan. Không mấy chốc, thiên hạ tuôn đến căn lều để tham khảo
ý kiến... Những người thanh niên hỏi ông: "Làm thế nào để có được niềm
vui?". Ông trả lời: "Niềm vui là một bày vẽ của những kẻ ngu dốt".
Những
người có tâm huyết phục vụ đến xin ông chỉ giáo để trở nên người hữu dụng cho
xã hội. Họ hỏi ông: "Làm thế nào để xả thân phục vụ người anh em một cách
hữu hiệu?". Ông trả lời: "Ai xả thân hy sinh cho nhân loại, người đó
là một thằng điên".
Các
bậc phụ huynh đến hỏi ông: "Làm thế nào để hướng dẫn con cái trên đường
ngay nẻo chính?". Ông trả lời: "Con cái chỉ là loài rắn độc. Chúng chỉ
có thể phun ra nọc độc mà thôi".
Các
nghệ sĩ, thi sĩ cũng đến xin chỉ giáo để diễn tả được những gì là cao quý nhất
trong tâm hồn, ông trả lời: "Tốt nhất là nên thinh lặng". Những lời
chỉ giáo của con người chưa biết sống, biết yêu, biết chết ấy không mấy chốc được
quảng bá trên khắp thế giới. Tình yêu, lòng thiện hảo, nghệ thuật không mấy chốc
biến khỏi Trái đất. Cuộc sống con người chìm ngập trong ảm đạm buồn thảm...
Nhận
thấy những tai hại do những lời chỉ giáo của ông lão Bi Quan gây ra trên mặt đất,
cho nên Thượng đế mới tìm cách chữa trị. Thì ra, suốt cả đời, ông lão này chưa
hề nhận được một cái hôn nào. Thế là Thượng đế mới sai một em bé đến với ông
lão. Ðứa bé đã vâng lệnh Thượng đế, nó tìm đến với ông lão Bi Quan, bá lấy cổ
ông và đặt lên gò má sần sù của ông một nụ hôn... Ông lão như sực tỉnh. Lần đầu
tiên trong đời, ông biết ngạc nhiên và ngây ngất. Ông mở mắt nhìn đứa bé, nhìn
vào cuộc đời, rồi nhắm mắt xuôi tay mà nụ cười vẫn còn tươi nở trên môi nhờ nụ
hôn của đứa bé.
Cô
đơn là nguyên nhân làm cho con người bi quan. Người cô đơn không những không cảm
nhận được tình yêu mà cũng không biết yêu.
Tín hữu Kitô phải là người lạc quan bởi vì họ cảm nhận được Tình Yêu của Chúa và được mời gọi để loan báo và san sẻ tình yêu ấy cho người khác.
Tín hữu Kitô phải là người lạc quan bởi vì họ cảm nhận được Tình Yêu của Chúa và được mời gọi để loan báo và san sẻ tình yêu ấy cho người khác.
Có biết
bao nhiêu tâm hồn già nua vì không cảm nhận được tình yêu, vì không tìm thấy ý
nghĩa cho cuộc sống. Có biết bao nhiêu tâm hồn khô cằn, chai đá vì không hề nhận
được một nghĩa cử yêu thương của những người xung quanh...
Người
tín hữu Kitô không những sống lạc quan, nhưng còn có sứ mệnh mang lại tinh thần
lạc quan cho những người xung quanh. Có biết bao nhiêu người xung quanh đang chờ
đợi một cái mỉm cười, một nụ hôn, một cái bắt tay, một lời chào hỏi, một cử chỉ
an ủi, đỡ nâng... Bầu trời của cuộc đời sẽ trong sáng biết bao, nếu người người
chỉ biết đối xử với nhau bằng Tình thân ái, sự tử tế, lòng quảng đại, tha thứ...
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét