Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

10-07-2016 : (phần II) CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN năm C

10/07/2016
Chúa Nhật tuần 15 thường niên năm C.
(phần II)

SCĐ CHÚA NHT XV TN C
Ch đ :
Lut trong lòng

Người Samaria nhân hậu (Lc 10,25-37)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Đnl 30,10-14) : Luật quan trọng nhất của Thiên Chúa là luật ghi khắc trong lòng mỗi người.
- Tin Mừng (Lc 10,25-37) : Người Samaria tốt lành đã hành động theo luật yêu thương xuất phát cách hân thành từ tấm lòng của anh.

I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Hôm nay chúng ta sẽ nghe dụ ngôn về người Samaria nhân hậu. Qua hình ảnh ngườiSamaria này, Chúa muốn chúng ta hãy quân tâm giúp đỡ chăm sóc người khác. Còn thầy tư tế và thầy lêvi thì xem ra chẳng làm gì nên tội, nhưng thực ra tội của họ chính là tội thiếu sót : họ đã không làm điều lẽ ra họ phải làm.
Trước khi cùng nhau dâng Thánh lễ, chúng ta hãy xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta, những tội trong lời nói, việc làm và cả những tội thiếu sót.

II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta rất ít quan tâm đến người khác.
- Nhiều việc lành chúng ta có thể làm nhưng chúng ta đã bỏ qua không làm.
- Chúng ta thường thờ ơ dửng dưng trước những người nghèo khổ bệnh tật.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Đnl 30,10-14)
Để khuyến khích dân do thái thực thi những lệnh truyền của Thiên Chúa, ông Môsê lưu ý họ rằng : Những lệnh truyền của Thiên Chúa không quá khó khăn cũng không vượt quá sức con người, nhưng có thể thực hiện được vì chúng không ở trên trời hay ở bên kia biển cả mà ở sát bên con người, nơi miệng con người và trong lòng con người.
2. Đáp ca (Tv 68)
Tv này là lời kêu xin của người đang gặp cảnh khổ, mong được Thiên Chúa cứu giúp.
Những lời này có thể áp dụng cho nạn nhân trong bài Tin Mừng bị kẻ cướp hành hạ đến nửa sống nửa chết và bỏ nằm trên đường.
3. Tin Mừng (Lc 10,25-37)
1. "Ai là người thân cận của tôi ?" Câu hỏi này của vị Luật sĩ phản ảnh phần nào chiều hướng suy nghĩ của ông :
- Ông muốn tìm một câu định nghĩa về "người thân cận". Người do thái thời đó hiểu "người thân cận" chỉ là những đồng bào do thái với mình.
- Ông muốn nghe một câu trả lời có tính lý thuyết.
2. Dụ ngôn người Samari phản ảnh chiều hướng suy nghĩ của Chúa Giêsu :
- Định nghĩa về "người thân cận" không quan trọng bằng thực thi bác ái với người thân cận (câu 37)
- Người thân cận là bất cứ ai (không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, quan điểm...). Hình như hai nhân vật chính trong dụ ngôn này một người là do thái một người là Samari.
- Thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những kẻ đang cần mình giúp đỡ (câu 36)
4. Bài đọc II (Cl 1,15-20) (Chủ đề phụ)
Tín hữu Côlossê tuy đã tin vào Chúa Giêsu Kitô nhưng chưa an tâm, một mặt họ vẫn giữ lại những tập tục do thái giáo (như cắt bì, giữ luật ngày Sabát…), mặt khác họ tin thêm một số thần khác, làm thêm một số việc mê tín dị đoan. Họ nghĩ rằng như thế thì "chắc ăn" hơn.
Để bài trừ cách sống đạo "thập cẩm" này, thánh Phaolô đề cao vai trò tối thượng duy nhất của Chúa Giêsu :
- Ngài là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình
- Ngài là trưởng tử mọi thọ tạo
- Mọi thọ tạo đều được tạo thành trong Ngài
- Ngài còn là đầu của Hội Thánh
- Thiên Chúa đã đặt tất cả mọi sự viên mãn trong Ngài
Tóm lại, Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu độ duy nhất. Bởi vậy, muốn được cứu độ thì chỉ cần tin vào một mình Chúa Giêsu Kitô, không cần nhờ bất cứ tôn giáo hay thần thánh nào khác.

IV. Gợi ý giảng
* 1. Các vai trong dụ ngôn
Thầy tư tế và thầy Lêvi là những người chỉ quan tâm đến bản thân mình : khi gặp một tình huống đặc biệt, họ nghĩ đến bản thân họ trước (không dừng lại chăm sóc người bị nạn vì sợ trễ giờ, vì sợ ô uế nếu đụng vào xác chết).
Người Samaria là người biết nghĩ đến người khác : khi gặp người bị nạn, anh chỉ biết tìm cách giúp đỡ nạn nhân, không ngại mất giờ, mất công và mất tiền.
Thầy tư tế và thầy lêvi chú ý giữ luật ghi trên sách vở (luật quy định về thanh sạch và ô uế) ; Người Samaria giữ luật trong tim (luật yêu thương)
Thầy tư tế và thấy lêvi không phạm tội nào về lời nói hay việc làm, nhưng phạm tội thiếu sót vì đã bỏ qua không làm điều mình phải làm.
* 2. Người chăm sóc
Người Samaria là một người chăm sóc (carer)
Loại người này rất hiếm thấy trong xã hội, vì trong xã hội ai nấy chỉ biết lo cho mình, ít ai để ý chăm sóc người khác, nhất là chăm sóc những người xa lạ không có quan hệ gì tới mình.
Nhưng loại người này rất hữu ích cho xã hội. Bằng những việc chăm sóc âm thầm, nhỏ bé, họ chính là muối và men làm cho xã hội bớt đau khổ, bớt xấu xa và thêm tốt đẹp.
Khi đề cao người Samaria, Chúa Giêsu muốn chúng ta cũng phải là những người chăm sóc. Con đường Giêrusalem tới Giêricô chính là đường đời, trên đó không thiếu những người bất hạnh cần được chăm sóc. Mỗi người cũng được Chúa ban có nhiều khả năng chăm sóc : một lời an ủi động viên, một cử chỉ thân ái, một giúp đỡ thiết thực chính là chút rượu và chút dầu xoa dịu những thương đau cho người anh em mình đang gặp đau khổ. (FM)
* 3. Lòng tốt tự phát
Có nhiều người làm một việc tốt cách hết sức tự nhiên và dễ dàng. Đó là những người mà luật yêu thương đã ăn sâu vào con tim mình, đã trở thành máu thịt và hơi thở của mình.
Người Samaria trong dụ ngôn này là một người như thế : khi gặp một nạn nhân trên đường, anh không cần suy nghĩ gì cả mà tự nhiên xuống lừa, cúi xuống lấy dầu và rượu xoa dịu những vết thương của nạn nhân, rồi chở nạn nhân đến quán trọ, bỏ tiền ra nhờ chủ quán tiếp tục lo cho nạn nhân.
Khác hẳn với Thầy tư tế và thầy Lêvi : hai người này cũng thấy cảnh đó, nhưng đắn đo suy tính thiệt hơn. Và sau khi suy tính, họ chọn giải pháp "đi qua". Họ thuộc luật rất nhiều đấy, nhưng luật chưa ăn sâu vào tim và chưa trở thành máu thịt và hơi thở của họ.
Làm thế nào để có lòng tốt tự phát như người Samaria ? Việc này không phải muốn là được, không phải chỉ cố gắng tập một lần mà có, mà là kết quả của việc thực thi những việc tốt nho nhỏ cách đều đặn và kiên trì. Một hành động tốt cao cả là thành quả của nhiều hành động tốt nho nhỏ đã quen làm trước đó. Phần thưởng đích thực của một hành động tốt là nó giúp ta có thể làm thêm những hành động tốt khác một cách dễ dàng hơn.
* 4. Yêu rồi làm
Một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng luôn bị một cô gái làng chơi đến cám dỗ. Ngạc nhiên trước sự thanh thản của vị tu hành, nhưng đồng thời cũng nghi ngờ sự bất bình thường của người đàn ông, cô liền hỏi một câu chế nhạo :
- Thầy không biết yêu sao ?
Vị ẩn sĩ trả lời :
- Chưa đến giờ đó thôi ?
Câu chuyện bỏ lửng tại đó. Một lần kia, trong lúc đi khất thực, vị tu hành phát hiện người con gái hay đến phá phách mình đó bị bọn cướp trấn lột và đánh cho thừa sống thiếu chết bên lề đường. Ông bèn dừng chân lại săn sóc cô ta, chữa các vết thương và đưa cô về thành phố điều trị.
Cô gái sững sờ nhìn vị ân nhân mà chưa biết mở lời ra sao, thì vị ẩn sĩ mỉm cười nói :
- Đã đến giờ rồi đấy, giờ của lòng thương xót !
Người thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay hỏi Chúa Giêsu : "Ai là người thân cận của tôi ?" Thay vì trả lời, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người Samari tốt lành : Một khách bộ hành đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Trong khi hai thầy tư tế và Lê vi "tránh qua bên kia mà đi", thì người Samari ngoại đạo lại dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc.
Chúa Giêsu hỏi lại người thông luật : "Vậy ai là người thân cận của kẻ bị cướp ?". Hỏi tức là trả lời. Và người thông luật đáp : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót". Chúa Giêsu bảo : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" (Lc 10,37).
Vị ẩn sĩ trong câu chuyện trên đây và người Samari nhân hậu đã sống luật yêu thương một cách tuyệt vời, đó là "yêu bằng việc làm". Yêu không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, rồi phủi tay không làm gì cả, mà yêu chính là "miệng nói tay làm", làm thực sự với hết khả năng của mình. Những việc làm cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông. Con đường dài nhất là con đường từ trái tim đến đôi tay. Chúa Giêsu muốn chúng ta đi hết con đường đó :"Hãy đi và làm như vậy". Pascal đã nói : "Khuyết tật lớn nhất của một người là phục vụ quá ít cho những kẻ họ yêu thương".
Sở dĩ người ta không dám làm một cái gì đó cho những người anh em, là vì họ không có can đảm vượt qua nỗi sợ.
Sở dĩ thầy tư tế và thầy Lê vi "tránh qua bên kia mà đi" là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp còn ẩn nấp đâu đây, sợ rắc rối phiền hà đến bản thân.
Sở dĩ chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người anh em khi họ cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công sức, sợ mất thời gian, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn, tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân ! Thầy tư tế và thầy Lêvi đã tự hỏi : "Điều gì sẽ xảy ra cho tôi, nếu tôi dừng lại và săn sóc người anh em bị đánh nhừ tử ?". Trái lại, người Samari đã đảo ngược câu hỏi : "Điều gì sẽ xảy ra cho người anh em bị đánh nhừ tử, nếu tôi không dừng lại và chăm sóc người ấy ?" Người Samari tốt lành đã xả thân vào một hành động vị tha đầy nguy hiểm.
Yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Yêu thương là hy sinh, là quên mình, là hiến thân phục vụ tha nhân : Kahil Gibram có một câu nói chí tình : "Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi". Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, con người càng chết dần mòn trong nỗi cô đơn. Càng muốn được yên thân, con người càng vong thân.
Nỗi khát khao hạnh phúc của con người chỉ có thể được lấp đầy khi họ biết đến gần, cúi xuống phục vụ tha nhân.
Con người chỉ thành đạt thực sự, con người chỉ thục sự là người khi họ dám sống chết cho anh em.
Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Mẹ Têrêsa Calcutta nói : "Ki tô hữu là người trao ban chính bản thân mình".
Yêu rồi làm. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết phải làm gì cho người anh em. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ có sáng kiến để xả thân vì mọi người, nhất là những người nghèo hèn đau khổ. Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận, kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần chúng ta dám đừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em.
Lạy Chúa cuộc sống đạo của chúng con sẽ trở nên phù phiếm nếu cái cốt lõi của đạo là yêu thương chỉ là điều phụ thuộc.
Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ ; chai đá, dửng dưng trước những khổ đau của anh em. Nhưng xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương và giúp đỡ những ai đang cần đến chúng con. Amen (TP)

5. Chuyện minh họa
a/ Lòng hiếu khách tự nhiên
Alaska là một vùng đất đẹp thu hút nhiều du khách, nhưng cũng là một vùng rộng lớn thưa dân.
Ngày kia, một du khách lái xe đi thăm các thắng cảnh thiên nhiên. Quá mãi mê ngắm cảnh, xe của ông lạc vào một vùng hoang vu. Rủi thay chính lúc đó xe ông bị hư. Sau một hồi lâu tìm kiếm, ông may mắn gặp được một nông trại và xin ông chủ nông trại ấy giúp sửa dùm chiếc xe. Người chủ nông trại nhanh nhẹn lấy đồ nghề ra. Nửa giờ sau xe chạy được. Người du khách móc ví tiền ra, hỏi :
- Tôi phải trả công cho ông bao nhiêu ?
- Thôi, khỏi phải trả chi cả.
- Nhưng tôi thấy có bổn phận trả lại cho ông điều ông đã làm cho tôi.
- Thì ông đã trả rồi đó.
- Xin lỗi, tôi chưa hiểu ông muốn nói gì ?
- Ở nơi hoang vu này, tôi rất cô đơn nên cần có bạn. Ông đã cho tôi có dịp làm bạn với ông suốt một giờ đồng hồ vừa qua.
b/ Bản năng giúp người khác
Larry Skutnik là một người có tính nhút nhát làm việc cho một công sở ở Washington. Chiều ngày 13 tháng giêng năm 1982, một trận bão tuyết rất lớn đổ xuống thành phố này. Xe anh đang trên đường về nhà thì bị kẹt trên cầu bắt qua sông Potomac. Lý do là có một chiếc máy bay chở 79 người đã đâm đầu xuống sông. Anh bước khỏi xe để quan sát và thấy có 3 người đang bám vào đuôi chiếc máy bay đang chìm dần xuống nước. Một chiếc trực thăng đã đến kịp. 3 người ấy leo lên trực thăng. Nhưng chỉ 2 người bám dính, còn người thứ ba, một phụ nữ, vuột tay rơi trở lại xuống nước.
Không chút ngần ngại, Larry Skutnik nhảy tòm xuống sông, lặn xuống dòng nước lạnh cóng để tìm kiếm nạn nhân. Một lúc sau anh đã tìm được và đưa bà này lên bờ.
Tất cả những diễn tiến của cảnh đó đều được thu hình và sau đó được đưa lên truyền hình. Mọi người đều ca ngợi anh là một vị anh hùng. Sáng hôm sau, một phóng viên tới phỏng vấn :
- Do đâu mà anh đã làm được một hành động anh hùng như thế ?
- Quả thực hai chữ "anh hùng" làm tôi xấu hổ quá. Tôi đâu có cố gắng gì đâu, chỉ là phản xạ tự nhiên thôi.
Anh hùng thật là người làm hành động anh hùng một cách tự nhiên như phản xạ. Người tốt thật là người làm việc tốt một cách rất tự nhiên.

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, đạo Chúa Kitô là đạo tình thương, chỉ dùng tình thương mà cảm hóa và chinh phục người khác. Với quyết tâm sống trọn vẹn đức bác ái yêu thương Chúa đã dạy, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1. Hội thánh là dấu chỉ tình thương của Chúa đối với nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội thánh / biết luôn chân thành yêu thương / và tôn trọng hết thảy mọi người.
2. Trên thế giới ngày nay / chiến tranh và khủng bố / hận thù và bạo lực / vẫn còn đang hoành hành ở nhiều nơi / gây ra tang tóc và đau khổ cho biết bao gia đình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho đức bác ái của Chúa Kitô tác động đến mọi suy nghĩ / lời nói và việc làm của con người hôm nay.
3. Trong đời sống thường ngày / có một số người ngại phiền phức / sợ cực nhọc khi phải giúp đỡ người khác / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho tất cả mọi người Kitô hữu biết sống quảng đại / và sẵn sàng trợ giúp những ai đang lâm cảnh gian truân khốn khó.
4. Sống bác ái là chu toàn cả Lề Luật của Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết rộng rãi chia sẻ cơm áo cho những ai đói rách bần cùng.
Chủ tế : Lạy Chúa, đức tin đòi buộc chúng con phải sống đức ái. Vậy xin Chúa thương ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn vẹn niềm tin của mình. Chúng con cầu xin

VI. Trong Thánh Lễ
Trước kinh Lạy Cha : Chúa Giêsu đã kêu mời chúng ta hãy yêu thương giúp đỡ nhau như những anh em cùng một Cha. Vậy chúng ta hãy cùng Ngài dâng lên Chúa Cha lời kinh say đây :
Sau kinh Lạy Cha : "Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, đặc biệt là lối sống thờ ơ ích kỷ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…

VII. Giải tán
Sau khi kể cho người thông luật nghe dụ ngôn về người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu đã bảo người đó : "Anh cũng hãy đi và làm như vậy". Trong Thánh lễ này, Chúa Giêsu cũng kể lại cho chúng ta nghe dụ ngôn ấy. Giờ đây Thánh lễ đã xong, Ngài cũng bảo chúng ta : "Chúng con hãy đi và làm như vậy". Chúc anh chị em ra về bình an.

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nht XV Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 10 Tháng 7, 2016
Dụ ngôn người Samaria nhân lành
Ai là anh em của tôi?
Lc 10:25-37


1.  BÀI ĐỌC

a) Lời nguyện mở đầu:

Lời nguyện của Chân Phước Giorgio Preca trong quyển Đền Thờ Thần Khí Chúa Kitô (Il Sacrario dello spirito di Cristo)

Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin hãy ban cho con sự khôn ngoan để con biết được Thần Khí Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin hãy ban cho con ân sủng Thần Khí của Chúa, Chúa Giêsu Kitô của con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin hãy hướng dẫn con trên mọi nẻo đường với ánh sáng của Chúa
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin hãy dạy cho con biết thực thi thánh ý Chúa trong mọi lúc.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin hãy đừng để con lạc xa Thần Khí Chúa, Thần Khí của tình yêu.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
            Xin đừng lìa xa con khi con yếu đuối sa ngã.

b)  Tin Mừng

25 Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng:  “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”  26 Người nói với ông:  “Trong Lề Luật đã chép như thế nào?  Ông đọc thấy gì trong đó?”  27 Ông trả lời:  “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi; và hãy thương yêu anh em như chính mình.”  28 Chúa Giêsu nói:  “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống.”
29 Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng:  “Nhưng ai là anh em của tôi?”  30 Chúa Giêsu nói tiếp:  “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết.  31 Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó; trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua phía bên kia đường.  32 Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua.  33 Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương.  34 Người đó lại gần và băng bó những vết thương, xức dầu và rượu; rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc.  35Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán và bảo rằng:  “Ông hãy săn sóc người ấy, ngoài ra, còn tổn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông.”  36 Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị bỏ rơi vào tay bọn cướp?”  37Người thông luật trả lời:  “Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy.”  Và Chúa Giêsu bảo ông:  “Ông cũng hãy đi và làm như vậy.”

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào tâm hồn chúng ta và soi sáng đời sống chúng ta

2.  SUY NIỆM

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Đây là chương 10 của Phúc Âm theo thánh Luca.  Đây là phần trọng tâm của sách Tin Mừng Luca và phần này dõi bước theo cuộc hành trình của Chúa Giêsu đi về Giêrusalem: “Vì gần tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem” (Lc 9:51).  Chúng ta biết rằng đối với Luca, Giêrusalem là thành phố nơi sẽ diễn ra ơn cứu độ, và cuộc hành trình của Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem tạo nên chủ đề chính.  Câu chuyện của Luca bắt đầu tại thành thánh Giêrusalem (Lc 1:5) và cũng kết thúc tại cùng thành này (Lc 24:52).  Trong đoạn giữa của sách Tin Mừng, Luca sẽ liên tục nhấn mạnh vào sự kiện rằng Chúa Giêsu sẽ đi về Giêrusalem (ví dụ trong các câu Lc 13:22; 17:11).  Đoạn Tin Mừng này kể về dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu trong bối cảnh của một cuộc đối thoại của Chúa với một nhà thông luật liên quan đến điều răn lớn nhất, người ta lại tìm thấy chủ đề về một cuộc hành trình, lần này từ Giêrusalem đến Giêricô (LC 10:30).  Dụ ngôn là một phần của đoạn giữa của sách Tin Mừng bắt đầu với Chúa Giêsu, một khách hành hương cùng với các môn đệ của Người trên đường tới Giêrusalem.  Người sai các ông đi trước để dọn đường cho Người nghỉ chân ở một ngôi làng Samaria và ở đó các ông chỉ gặp thấy sự thù nghịch chính vì các ông đang trên đường đi đến Giêrusalem (Lc 9:51-53).  Người Samaria đã tránh né các khách hành hương trên đường đến Giêrusalem và thường tỏ ra không thân thiện với họ.  “Sau đó Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, vào tất cả các thành và những nơi mà chính Người sẽ tới” (Lc 10:1).  Bảy mươi hai là con số truyền thống của các quốc gia dân ngoại.

Hãy nhớ rằng tất cả các biểu tượng liên hệ tới Giêrusalem, thành thánh của sự cứu rỗi, các vị Tổ Phụ của Giáo Hội (thánh Ambrose, Âugústinô, Giêrômê, và các thánh khác) giải thích bài dụ ngôn này theo một cách cụ thể.  Trong nhân vật người đàn ông đi từ Giêrusalem đến thành Giêricô, họ nhìn thấy ông Adong, người đại diện cho toàn thể nhân loại đã bị khai trừ khỏi Eden, vườn địa đàng, bởi vì tội lỗi.  Các vị Tổ Phụ Giáo Hội quan niệm các tên trộm như là sự cám dỗ đã dùng các mưu chước của chúng để đưa chúng ta rời xa tình bằng hữu của Thiên Chúa và chúng đã cầm buộc chúng ta thành những tên nô lệ trong bản chất loài người đã bị tổn thương vì tội lỗi của chúng ta.  Trong nhân vật thầy tư tế và thầy trợ tế Lêvi, các Tổ Phụ cho là sự thiếu sót của lề luật cũ cho ơn cứu rỗi mà sẽ được hoàn thành bởi người Samaria Nhân Lành của chúng ta, đó là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Chuộc, Người đã rời khỏi thiên đàng Giêrusalem, đến để cứu giúp tình trạng tội lỗi của chúng ta và chữa lành chúng ta với dầu của ân sủng và rượu của Thần Khí.  Trong quán trọ, các vị Tổ Phụ quan niệm hình ảnh của Giáo Hội trong nhân vật chủ quán, các ông nhận ra bàn tay các vị chủ chăn đã được Chúa Giêsu ủy thác để chăm sóc cho dân Người.  Việc rời khỏi quán trọ của người Samaria được quan niệm bởi các thánh Tổ Phụ như sự phục sinh và sự vinh hiển về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha của Chúa Giêsu, nhưng Người hứa sẽ trở lại để phán xét công trạng mỗi người.  Sau đó, Chúa Giêsu để lại hai quan tiền cho Giáo Hội để dùng vào sự cứu rỗi của chúng ta, hai quan tiền đó là quyển Kinh Thánh và các Bí Tích giúp chúng ta trên con đường nên thánh.

Lời giải thích bí ẩn và bóng bảy này của đoạn Tin Mừng giúp chúng ta chấp nhận một cách sâu sắc thông điệp của dụ ngôn này.  Bài dụ ngôn bắt đầu với cuộc đối thoại giữa một nhà thông luật đứng lên thử thách Chúa bằng câu hỏi:  “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Lc 10:25).  Chúa Giêsu trả lời với một câu hỏi khác:  “Trong Lề Luật đã chép như thế nào?  Ông đọc thấy gì trong đó?”  (Lc 10:26).  Chúng ta phải quan niệm cuộc đối thoại này như là một cuộc đối đầu giữa hai bậc thầy, một điều rất phổ biến trong những ngày ấy như là một phương cách để làm sáng tỏ và đào sâu thêm về những quan điểm lề luật.  Phong thái cuộc tranh luận miêu tả ở đây thì khác hơn so với trong Tin Mừng của Máccô nơi câu hỏi được đặt ra bởi một người Kinh Sư, kẻ “đã lắng nghe họ tranh luận (Chúa Giêsu và nhóm Sađốc), và đã quan sát Chúa Giêsu trả lời họ như thế nào” (Mc 12:28), rồi sau đó đặt câu hỏi với Chúa Giêsu.  Người Kinh Sư này đã chú tâm lắng nghe Chúa Giêsu, đến nỗi Đức Giêsu đã kết thúc cuộc đối thoại với câu:  “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” (Mc 12:34).  Tuy nhiên, thánh sử Mátthêu đặt câu hỏi này trong bối cảnh của một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Sađốc với sự hiện diện của những người Biệt Phái khi họ “nghe nói rằng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người trong bọn họ đặt một câu hỏi …” (Mt 22:34-35).  Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời ngay lập tức trích dẫn giới răn yêu thương được tìm thấy trong sách Đệ Nhị Luật và Lêvi.


Chỉ trong Tin Mừng của Luca thì câu hỏi không phải về điều răn lớn nhất nhưng về làm cách nào để được hưởng sự sống đời đời, một câu hỏi được nhắc lại lần nữa trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm trên môi của người thanh niên giàu có (Mt 19:16; Mk 10:17; Lc 18:18).  Như trong sách Tin Mừng của Máccô, cũng như ở đây, Chúa Giêsu ca ngợi người thông luật:  “Ông đã trả lời đúng… hãy làm như vậy và ông sẽ được sống” (Lc 10:28).  Nhưng người thông luật vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của Chúa Giêsu và muốn “biện minh cho mình” (Lc 10:28) cho nên đã đặt thêm câu hỏi nữa “nhưng ai là anh em của tôi”!  Câu hỏi thứ hai này giới thiệu và nối kết dụ ngôn sau đây với cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thông luật.  Chúng ta cũng nhận thấy rằng sự bao hàm giữa câu 26 kết thúc cuộc tranh luận và dẫn chúng ta tới câu chuyện về dụ ngôn trong câu 37, kết thúc dứt khoát cuộc đối thoại và câu chuyện dụ ngôn.  Trong câu này, Chúa Giêsu nhắc lại cho người thông luật rằng ông ta đã định nghĩa người anh em là người đã tỏ lòng thương xót:  “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.  Câu nói này của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về những câu nói tại bữa tiệc ly đã được ghi lại trong Tin Mừng Gioan, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu kêu gọi các ông hãy làm theo gương của Người (Ga 13:12-15).  Tại bữa tiệc ly, Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ giới răn yêu thương được hiểu như sự sẵn lòng “hy sinh mạng sống mình” vì tình yêu dành cho nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta (Ga 15:12-14).

Giới răn này đi xa hơn việc tuân giữ lề luật.  Thày tư tế và thày trợ tế Lêvi đã tuân giữ lề luật bằng cách tránh xa người xấu số đã bị bọn cướp đánh bị thương và bỏ cho dở sống dở chết, để họ không bị ra ô uế (Lv 21:1).  Chúa Giêsu đi xa hơn việc tuân giữ lề luật và Người mong muốn các môn đệ cũng làm giống như Người.  “Bằng lòng yêu thương này anh em dành cho nhau, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13:35).  Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, chỉ có lòng thương người thôi thì chưa đủ.  Người Kitô hữu được kêu gọi phải làm hơn thế nữa, đó là họ phải noi theo gương của Chúa Giêsu, như thánh Phaolô Tông Đồ đã nói:  “Chúng ta là những người có tư tưởng của Chúa Kitô” (1Cr 2:16) “Tình yêu của Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người” (2Cr 5:14).

b) Một vài câu hỏi gợi ý để hướng dẫn việc suy niệm và thực hành của chúng ta:

*  Điều gì trong bài dụ ngôn đã làm bạn cảm động nhất?
*  Bạn nghĩ mình là ai trong câu chuyện?
*  Bạn đã có bao giờ nghĩ về Chúa Giêsu như là người Samaria Nhân Lành chưa?
*  Bạn có cảm thấy có sự cần thiết cho ơn cứu rỗi trong cuộc sống bạn không?
*  Bạn có thể nói với thánh Phaolô Tông Đồ rằng bạn có tư tưởng của Đức Kitô không?
*  Điều gì thúc đẩy bạn yêu mến những người anh em của bạn?  Đó có phải là nhu cầu yêu và được yêu, hay đó có phải là lòng bác ái và tình yêu của Chúa Kitô không?
*  Anh em của bạn là ai?

3.  CẦU NGUYỆN

Thánh Ca – Thư thứ nhất của Thánh Phêrô 2:21-24

21 Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. 22 Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. 23 Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại; chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. 24 Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính.  Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.

4.  CHIÊM NIỆM

Chiêm niệm là biết làm thế nào để giữ vững tâm hồn và trí óc cho Thiên Chúa, Đấng mà Lời của Người đã biến đổi chúng ta thành con người mới luôn tuân theo thánh ý Người.
“Anh em đã biết những điều này, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”  (Ga 13:17)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét