10/07/2016
Chúa Nhật tuần 15 thường niên năm C.
(phần I)
Bài Ðọc I: Ðnl 30, 10-14
"Lời
ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi".
Trích
sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê
nói cùng dân chúng rằng: "Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các
ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong
sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết
linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó
khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi
có thể nói: 'Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng
tôi nghe để chúng tôi thực hành được?' Nó cũng không phải ở bên kia biển, để
các ngươi viện lẽ nói rằng: 'Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về
cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?' Nhưng lời
ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực
thi".
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 68, 14 và 17. 30-31.
33-34. 36ab và 37
Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm
kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (c. 33).
Xướng:
1) Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ
tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung
thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng
cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con. - Ðáp.
2) Phần
con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ
xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. -
Ðáp.
3) Các
bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn
hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người
bị bắt cầm tù. - Ðáp.
4) Vì
Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của
bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định
cư. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Cl 1, 15-20
"Mọi
vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Ðức
Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì
trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và
vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật
đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi
loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ
và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên
Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật
nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà
bình trên trời dưới đất.
Ðó là
lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia,
alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và
vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 25-37
"Ai
là anh em của tôi?"
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy,
có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi
phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật
đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi
hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí
khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói:
"Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người
đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em
của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:
"Một
người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột
người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư
tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ
tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria
đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần,
băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về
quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng:
'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về,
tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị
rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng
thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và
làm như vậy".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm: Bài học về lòng thương người
Bài
Tin Mừng hôm nay tiếp tục cho chúng ta thấy Ðức Giêsu vẫn đang trên đường truyền
giáo với các môn đệ. Ðó là hình ảnh diễn tả Người luôn luôn đồng hành với Hội
Thánh trên đường lữ thứ trần gian. Người đã nhắc nhở chúng ta muốn đi theo Người
phải có tinh thần từ bỏ mọi sự và hiến thân cho Nước Trời. Hôm nay Người dạy
chúng ta phải làm gì để được hạnh phúc thật?
Người
lợi dụng sự kiện có kẻ muốn hỏi Người điều đó để dạy chúng ta. Và để chúng ta
không hiểu lầm giáo huấn của Người, phụng vụ còn đọc cho chúng ta nghe hai bài
Kinh Thánh nữa để thấy rằng luôn luôn phải hiểu các lệnh truyền và giới răn của
đạo theo ý nghĩa sâu xa và gắn liền với mầu nhiệm Chúa Kitô. Nói cách khác, tuy
bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta phải coi mọi người là cận thân và phải có
lòng thương xót mọi người, nhưng nơi Kitô giáo lòng thương người và hành vi bác
ái không chỉ diễn ra bên ngoài nhưng phải bắt nguồn từ bên trong và nằm trong mầu
nhiệm Thiên Chúa. Chúng ta hãy đọc lại các bản Kinh Thánh của Lời Chúa hôm nay.
1. Bài Tin Mừng Về Lòng Thương Người
Thánh
Luca kể rằng hôm ấy có một luật sĩ lên tiếng hỏi thử Ðức Giêsu: "Thưa Thầy,
tôi phải làm gì để được sống đời đời?". Người ấy muốn biết giáo lý của Người
có trung thành với luật pháp không, hay thực ra ông ta cũng muốn dạy dỗ thêm về
đường lối cứu độ? Thái độ của người ấy trong tất cả câu chuyện này dường như
làm chứng ông ta đang muốn tìm hiểu thêm thật. Thế nên khi Ðức Giêsu hỏi lại
ông ta: "Luật dạy thế nào? Ông đọc thấy gì?" thì người ấy vội vàng
thưa hết những gì ông ta biết. Ông trả lời rằng: "Luật dạy phải mến Chúa hết
sức mình và yêu cận thân như chính mình". Ông đã nối kết một câu trong
sách Lêvi (19,18) với một câu trong sách Ðệ Nhị Luật (6,5); và việc ấy làm chứng
ông là người hiểu luật pháp và biết tổng hợp để có những nguyên tắc sống đạo đầy
đủ. Ðức Giêsu bảo ông cứ việc sống như thế...
Nhưng
tác giả Luca không muốn dừng lại ở đây. Người biết ai cũng đã hiểu muốn sống đạo
thì phải mến Chúa yêu người, nhưng thực tế thì lại ít ai biết thực hành những
điều căn bản ấy. Thế nên người đã để cho người luật sĩ kia hỏi thêm, tạo dịp
cho Ðức Giêsu giải thích rộng rãi, dạy người ta phải biết thực hành luật mến
Chúa yêu người như thế nào. Nói đúng hơn tác giả Luca đã lấy câu chuyện về người
Samari nhân ái để trình bày cho mọi người biết phải thi hành lòng thương người
làm sao? Tức là câu chuyện người luật sĩ đến chất vấn Ðức Giêsu và câu chuyện
người Samari nhân hậu có thể là hai câu chuyện khác nhau đã xảy ra trong cuộc đời
của Ðức Giêsu. Nhưng Luca đã ghép hai chuyện lại làm một, để đưa ra cho chúng
ta bài học.
Ðó là
bài học phải làm gì để được sống đời đời? Và khi đặt câu hỏi như vậy, tác giả
Luca đã hàm ý khẳng định: đạo không phải là vấn đề lý thuyết, nhưng là vấn đề
thực hành. Theo đạo không phải là biết đạo, nhưng là sống đạo và làm những việc
đạo dạy. Những việc này trở đi trở lại cũng vẫn chỉ là những việc bác ái thương
người. Nếu trong sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu có đoạn nói rằng trong ngày
phán xét Chúa chỉ tra hỏi người ta về những việc đã làm cho tha nhân, thì ở đây
thánh Luca cũng quả quyết: muốn được sống đời đời, phải hành động như người
Samari nhân ái.
Ông ta
cũng đi đường. Nhưng đột nhiên ông đứng lại; xuống ngựa và cúi nhìn xem một
thân thể đang nằm xõng xoài bên vệ đường. Trước đó cũng có hai người đi qua: một
thầy tư tế và một thầy Lêvi. Cả hai cũng thấy thân thể nằm xõng xoài kia, nhưng
họ đã bỏ đi. Vì động đến một thây ma ư, khiến sẽ bị dơ theo luật dạy? Chắc
không, vì rõ ràng thân thể nằm dài kia chưa chết, nhưng đang quằn quại đau đớn.
Ðó chỉ là một người bị thương, một kẻ bất hạnh đi từ Giêrusalem đến nhưng bị cướp
đón đường đánh bị thương nặng rồi lấy của bỏ đi.
Những
trường hợp như vậy vẫn thường xảy ra trên quãng đường này. Hai thầy tư tế và
Lêvi kia đã không ở lại, có phải vì sợ bọn cướp ư? Chắc cũng không phải như vậy;
vì thường kẻ cướp lấy được của rồi bỏ đi chứ không ở lại làm gì. Ðàng khác ai
dám động đến tư tế và Lêvi. Hai người này đã bỏ đi không ở lại với nạn nhân một
phút, chỉ vì họ không biết và không muốn làm những hành vi thương người. Họ
không thấy người nằm ở vệ đường kia là thân cận, gần gũi mình. Ðó là kẻ xa lạ,
mặc dầu đó cũng là người đồng đạo và đồng bào với mình. Kẻ ấy đã trở thành người
xa lạ vì rơi vào hoàn cảnh bất hạnh nghèo khó.
Ở đời
có nhiều người cư xử như hai người tư tế và Lêvi kia. Họ chơi với người khác
khi người này đang ở trong tình trạng bình thường. Nhưng chẳng may những kẻ này
sa cơ thất thế, thì lập tức họ bị bỏ rơi và bị coi như xa lạ.
Ở đây
tác giả Luca không phải chỉ muốn nói như vậy mà thôi. Người nói đến một thầy tư
tế và một thầy Lêvi là để chúng ta hình dung những con người đang dâng lễ, và để
rồi làm chứng rằng Chúa không thích lễ dâng nhưng Người muốn lòng thương xót.
Quả vậy,
tất cả bài Tin Mừng hôm nay chỉ muốn làm nổi bật cái tư cách dễ thương của người
Samari nhân hậu. Chúng ta thấy ông ta xuống ngựa và đến cúi xuống trên con người
đang nằm quằn quại trên vệ đường. Ông chẳng để ý xem kẻ bất hạnh đây là ai? Là
người Giuđa hay Samaria. Hai dân này vẫn coi nhau như cừu địch. Ông chỉ thấy
đây là một kẻ bất hạnh, một con người như mình mà lại không được như mình. Và
ông thấy bổn phận phải yêu thương người ấy như chính mình. Thế nên ông đổ dầu,
đổ rượu vào các vết thương, băng bó mau lẹ, vực người ấy lên ngựa, phóng mau đến
quán trọ gần nhất. Sau khi thuốc thang cho người ấy đỡ, ông giao lại cho chủ
quán săn sóc và dặn rằng khi trở về ông sẽ trang trải mọi phí tổn.
Như vậy
ai là kẻ cận thân, gần gũi với người bị nạn, nếu không phải là người Samaria
nhân hậu này, mặc dù ông ta không cùng nòi giống và tôn giáo với người kia?
Ðang khi hai thầy tư tế và Lêvi vừa là người Do Thái vừa là bậc dạy đạo đức lại
coi kẻ đồng đạo, đồng bào là kẻ xa lạ... Chính những hành vi bác ái làm chứng
ai thật là kẻ có lòng nhân? Ai là người nhân hậu? Ai mang bản tính nhân loại
trong mình? Ai là người thật vì đã cư xử xứng đáng với nhân phẩm? Thế nên Ðức
Giêsu kết luận: hãy đi và làm như vậy. Và tác giả Luca còn ngầm nói rằng: và
như vậy rõ ràng Chúa không ưa lễ dâng, nhưng tìm lòng thương xót; và chính tình
thương sẽ xóa bỏ được hận thù để làm cho những kẻ trước đây xa lạ trở nên cận
thân và gần gũi.
Câu
chuyện hôm nay đẹp. Bài học này cần được suy nghĩ. Nhưng cẩn thận, nếu chúng ta
chỉ dừng lại trong lãnh vực tư tưởng thì sẽ không đạt được ý của tác giả. Thánh
Luca muốn chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ hiểu đạo; phải thi hành
lòng thương xót, chứ không phải chỉ biết đạo dạy mến Chúa yêu người.
Nhưng
để tránh những thái độ quá khích ngay cả trong việc bác ái yêu thương, phụng vụ
hôm nay muốn chúng ta phải để ý đến hai bài đọc kia nữa.
2. Bài Cựu Ước Nói Về Luật Pháp
Nhiều
người không quan tâm đến đoạn sách Thứ Luật hôm nay. Nó là đoạn chót của một cuốn
sách dày trên 30 chương. Phân tách văn chương còn có thể cho thấy nó đã được viết
thêm vào sau này, chứ chẳng có thể nào đã là những lời đích thực thốt ra từ môi
miệng Môsê.
Chắc
chắn đây là những quan niệm kết quả của nhiều thế hệ suy tư thần học, có sau cả
những thời kỳ suy tư triết học của các tác phẩm khôn ngoan, và đã được thấm nhuần
giáo huấn của các tiên tri.
Thực vậy
tư tưởng chính ở đây là: luật pháp và các giới răn của Chúa không xa lạ nhưng gần
gũi, không rớt từ trên trời xuống cũng không đi từ đại dương lên, nhưng ở ngay
trong miệng và trong lòng con người. Quan niệm như vậy gián tiếp muốn sửa chữa
những ý tưởng vẫn được trình bày trong các sách khôn ngoan.
Ở những
tác phẩm này, và nói đúng hơn, theo quan niệm khôn ngoan của người đời, chân lý
càng cao vời càng có giá trị và luật pháp càng thâm sâu càng đáng trọng. Ðúng,
khi nghĩ về Thiên Chúa, chúng ta không thể bỏ chiều cao và chiều sâu. Người
siêu việt quá mọi suy nghĩ của ta.
Nhưng
Thiên Chúa chúng ta không muốn sống xa lạ. Người đã trở thành cận thân với con
người. Sự khôn ngoan của Người rất cao vời; nhưng như lời sách Khôn ngoan viết:
sự khôn ngoan của Chúa lại đã đến lập cư ở giữa con cái loài người. Tính cách
siêu việt của Thiên Chúa không được diễn tả nguyên chiều cao của Người, nhưng đồng
thời nhắc nhở Người đã cúi xuống với loài người chúng ta, để tuy vẫn là Thiên
Chúa, Người cũng đã làm người, để Người vừa ở xa mà lại vừa ở gần: giống như
người Việt Nam chúng ta thường nói: Sen là bông hoa ở gần bùn nhưng chẳng hôi
tanh mùi bùn.
Thời Cựu
Ước Thiên Chúa chưa ở gần loài người như thời Tân Ước. Nhưng Người cũng đã ở giữa
dân bằng Luật pháp. Luật pháp vừa là ý Chúa vừa là chính Chúa. Người ta lầm khi
nghĩ rằng luật pháp là hai bia đá và là các sách luật. Nghĩ như vậy, Chúa chẳng
bao giờ ở gần người ta. Và quan niệm như thế dễ đi đến chỗ giữ luật và giữ đạo
nguyên vì hình thức. Người ta tưởng rằng cứ thi hành y như chữ viết là đẹp lòng
Thiên Chúa. Tệ hơn nữa, người ta lại thường chỉ thi hành những bổn phận tế tự
và xao nhãng điều luật dạy về yêu thương. Thầy tư tế và thầy Lêvi trong câu
chuyện của Luca là một thí dụ.
Tác giả
đoạn sách Thứ Luật hôm nay không chấp nhận quan niệm như thế về luật pháp. Ông
đã được hấp thụ giáo huấn của các tiên tri. Ông nhớ Giêrêmia (31,31) và Êzêkien
(36,25) đã tuyên bố: Thiên Chúa sẽ viết lại một luật pháp, không phải trên bia
đá, như thời Môsê nữa, nhưng trên trái tim con người. Nói đúng hơn, Người sẽ biến
đổi trái tim chai đá của con người tội lỗi thành trái tim thịt đầy yêu thương
theo thần khí. Con người khi đó sẽ không thi hành luật pháp một cách lạnh lùng
cứng nhắc, nhưng sẽ lấy yêu thương mà sống với mọi người.
Tức là
tác giả đoạn sách Thứ luật hôm nay đã có một quan niệm rất sâu xa về luật pháp.
Ông truyền bá đạo nội tâm, đạo chân thật, đạo không vụ hình thức nhưng căn cứ
vào tâm tình thành khẩn.
Nếu
ông ở vào thời Cựu Ước còn muốn như vậy, thì huống nữa là chúng ta ở thời Tân Ước.
Chúng ta sẽ được Thiên Chúa đổ Thánh Thần xuống trong lòng, nhờ mầu nhiệm Tử nạn
Phục sinh của Ðức Giêsu Kitô. Lẽ nào chúng ta còn được thỏa mãn với những hành
vi bác ái bên ngoài mà không có những tâm tình chân thật kèm theo. Làm những
hành vi giúp đỡ người khác, là điều phải và đáng khen. Nhưng Chúa đã đổ Thánh
Thần vào lòng chúng ta để có thể có những hành vi kia nên những việc cứu nhân độ
thế, khiến mọi người càng ngày càng cảm thấy cận thân gần gũi với nhau nhiều
hơn. Và cho được làm như vậy, có lẽ bài thư Phaolô hôm nay sẽ giúp ích nhiều.
3. Bài Thánh Thư Và Mầu Nhiệm Chúa
Kitô
Nói
đúng ra, đây là một bài ca và là một bài ca Phụng vụ. Và như vậy tác giả của nó
không thuần túy là nguyên thánh Phaolô. Người đã có công đưa nói vào trong một
bức thư của người để nó được truyền tụng tới thời ta. Có thể người cũng đã sửa
chữa, uốn nắn nó lại ra hình thức hiện nay. Dù sao, nội dung chính yếu của bài
ca này cũng là chúc tụng Ðức Giêsu Kitô theo hai đề tài chính: Người là hình ảnh
của Thiên Chúa vô hình để nhìn vào đó mà mọi loài được tạo dựng; Người là trưởng
tử giữa các vong nhân nghĩa là đã sống lại trước hết mọi người để tái tạo mọi
loài sa ngã vào đời sống ân sủng.
Như vậy,
Ðức Giêsu trong bài ca này được ngợi khen theo hai khía cạnh: tạo dựng và cứu
chuộc. Trong cả hai, Người là đầu hết và là cuối hết. Người là khuôn mẫu và là
bản chất cho mọi loài được hiện hữu trong sự sống và trong ân sủng. Tức là mọi
loài chỉ có thể cận thân gần gũi với nhau ở nơi Người và nhờ Người.
Áp dụng
điều này vào bài học bác ái thương người hôm nay chúng ta thấy phụng vụ dường
như muốn dạy chúng ta rằng: ai sống đạo thì phải thương người (đó là ý của bài
Tin Mừng) nhưng những hành vi bác ái thật phải phát xuất từ trong lòng (và đây
là bài học của sách Ðệ Nhị Luật); và lòng con người phải kết hợp mật thiết với
Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chịu chết và sống lại để đưa chúng ta trở về lòng bác
ái của Thiên Chúa đã dựng nên mọi loài trong hòa hợp yêu thương theo như hình ảnh
của Người cũng là chính Ðức Giêsu Kitô (như bài Thánh thư viết).
Có lẽ
khi viết bài ca này trong thư gửi cho người Côlôsê, thánh Phaolô khuyên họ đừng
tin vào các thiên tòa, thiên chủ, thiên phủ uy linh nào và tưởng rằng có các bậc
vô hình ấy và các vị này có thể đem ơn cứu độ đến cho loài người và làm cho
chúng ta được hạnh phúc trong hòa hợp. Không, không ai đã giải hòa được chúng
ta với Thiên Chúa để chúng ta được cận thân, gần gũi, hòa hợp với nhau trong hạnh
phúc trường cửu, ngoại trừ Ðức Giêsu Kitô cứu thế.
Ðiều này
là tín điều căn bản xây dựng nên Kitô giáo. Chúng ta không ngừng nhắc đi nhắc lại,
nhất là những khi bị lôi cuốn theo một công việc nào mà chúng ta tin vào hiệu
năng đến nỗi tưởng đó là hành động cứu thế. Không, chỉ có hành vi cứu độ thật
nơi Ðức Giêsu Kitô trong việc Người Tử nạn Phục sinh. Hành vi ấy chúng ta sắp cử
hành bây giờ trong phụng vụ Thánh Thể.
Thế
thì không những chúng ta phải tham dự thánh lễ này thật ý thức và sốt sắng
nhưng chúng ta còn phải thi hành đòi hỏi của việc cử hành Thánh Thể này. Nhìn
vào mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại vì ta, chúng ta phải có khả năng đáp
trả bằng cách hiến thân hy sinh vì Chúa và Hội Thánh của Người. Chúng ta muốn bắt
chước chính Người, chưa được như lúc Người xả thân trên Thập giá thì ít ra cũng
phải như khi Người đi trên đường truyền giáo. Người không luôn luôn sẵn sàng
cúi mình săn sóc bệnh nhân, các người khổ sở, những kẻ tội lỗi và bé mọn sao?
Chúng
ta có thể nghĩ thánh Luca đã nhìn vào Ðức Giêsu để họa ra bức tranh người
Samaria nhân ái. Bức họa ấy vừa nói lên vai trò cứu thế của Ðức Giêsu khi chữa
lành các vết thương tội lỗi của nhân loại, vừa diễn tả thái độ nhân hậu của Người
trong khi tiếp xúc với mọi hạng người.
Thái độ
nhân hậu nói lên vai trò cứu thế kia; thế nên chúng ta cũng phải theo gương Người
đem tinh thần cứu thế vào các hành vi bác ái thương người.
Chúng
ta hãy đem Chúa Giêsu vào lòng để từ lòng chúng ta sẽ xuất ra nhiều sáng kiến dẫn
đến phục vụ bác ái. Ðẹp đạo thì phải tốt đời vậy.
(Trích dẫn từ tập sách Giải
Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô
Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 15 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Deut 30:10-14; Col 1:15-20; Lk
10:25-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải
làm gì để được sống và sống đời đời?
Đạo Công Giáo không chỉ dạy đâu là mục
đích tối hậu của đời người, mà còn dạy rất rõ ràng làm sao để đạt được mục đích
đó. Thực ra, những lời dạy này đã có từ thời Cựu Ước; nhưng con người không nắm
được những lời dạy chính yếu, nên cứ tập trung vào những điều phụ thuộc. Khi
Chúa Giêsu đến, Ngài chỉ rõ những điều phải làm, như trong Phúc Âm hôm nay.
Các
bài đọc hôm nay tập trung trong việc tìm ra con người phải làm gì để đạt được
cuộc sống đời đời. Trong bài đọc I, trong Sách Đệ Nhị Luật, Moses đã dạy cho
con cái Israel là phải: “nghe và giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người ghi
trong sách Luật... và trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết
dạ.” Trong bài đọc II, tác giả Thư Colossians khuyên phải tin vào Thánh Tử
Giêsu, vì “nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho
mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trả lời:
“phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực,
và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Ngài
cũng đưa một ví dụ cụ thể để chứng minh như thế nào là yêu người đích thực.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa và giữ những
mệnh lệnh và thánh chỉ của Người.
1.1/ Những
gì phải làm đã được ghi rõ trong Sách Luật.
Nhiều
học giả cho những lời này của Sách Đệ Nhị Luật có thể là những lời của bài giảng
của một kinh sư trong Thời Lưu Đày. Ông nhắc lại cho dân chúng: điều kiện để được
Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành là họ phải tuân giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ
của Thiên Chúa ghi trong Sách Luật, họ phải thành tâm trở về với Đức Chúa là
Thiên Chúa duy nhất của họ.
Thiên
Chúa không bao giờ truyền cho con người làm chuyện không thể. Đây là những điều
con người có thể làm được, chứ không vượt quá sức lực của con người. Điều tối cần
là con người phải đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Họ phải tin chắc những gì Thiên
Chúa hứa Ngài sẽ thực hiện.
1.2/ Con
người có khả năng nhận ra, thấu hiểu và thi hành được.
Truyền
thống Do-thái rất hãnh diện về Lề Luật. Họ tin không có một thần nào trên thế
gian có uy quyền và thương dân đến độ thân hành hiện ra và ban cho dân chúng Lề
Luật. Hơn nữa, Thiên Chúa của họ là Đấng dựng nên và quan phòng trời đất, vì vậy,
biết được sự khôn ngoan của Ngài qua Lề Luật là biết được những gì đưa sự sống
và tránh được những gì đưa tới cái chết. Thánh Vịnh 119 là một ví dụ biểu tỏ niềm
tin này.
Trong
trình thuật hôm nay, tác giả lặp lại việc Thiên Chúa thân hành ban Lề Luật cho
họ: “Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: "Ai sẽ lên trời
lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực
hành?” Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: "Ai
sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng
tôi đem ra thực hành?” Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng,
trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” Tác giả có ý muốn nói họ đọc Lề
Luật và suy niệm chúng mỗi ngày. Họ chỉ thiếu một điều là đem chúng ra thực
hành thì sẽ được Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ.
2/ Bài
đọc II: Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an.
2.1/
Thiên Chúa tạo dựng mọi sự qua Ngôi Lời
Nhiều
học giả cho Colossians 1:9-14 là một Bài Thánh Ca cổ, được hát trong lúc hội họp
hay thờ phượng trong những cộng đoàn tiên khởi để ca tụng Đức Kitô, Ngôi Lời của
Thiên Chúa. Có học giả còn cho nguồn gốc của Bài Thánh Ca là để chống lại chủ
thuyết Thuần Tri (Gnosticism) rất thịnh hành thời đó trong quốc gia Hy-lạp.
Nhưng một sự so sánh giữa những gì Giáo Hội dạy và những gì thuyết Thuần Tri chủ
trương, cho thấy sự đối nghịch hoàn toàn với chủ thuyết Thuần Tri.
(1) Đức
Kitô là Thánh Tử, là Ngôi Lời (Logos), là hình ảnh (eikon) của
Thiên Chúa vô hình; đến nỗi có thể nói: thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa (Jn
14:9). Chủ thuyết Thuần Tri cho Đức Kitô tuy cao hơn các tạo vật, nhưng không
phải là Thiên Chúa vì mang trong mình chất liệu của con người; chỉ có Thiên
Chúa là hoàn toàn không lệ thuộc vật chất.
(2) Đức
Kitô là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo: Ngài là Lời, là sự khôn ngoan
của Thiên Chúa. Trong trình thuật về tạo dựng của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo
dựng bằng cách phán: "Hãy có!" tức thì mọi vật liền có. Do Ngôi Lời
mà muôn vật được tạo thành, và không có Ngài, chẳng có vật gì được tạo thành
(Jn 1:3). Thuyết Thuần Tri không cho Thiên Chúa tạo dựng thế giới, mà thế giới
được tạo thành bởi một vị thần ác, đối nghịch với Thiên Chúa. Thần này muốn hủy
hoại công trình của Thiên Chúa.
(3)
Thiên Chúa quan phòng mọi sự qua Đức Kitô vì Ngài là chính sự khôn ngoan của
Thiên Chúa: "Tất cả đều tồn tại trong Người." Thuyết Thuần Tri cho vũ
trụ tồn tại nhờ chính nó.
2.2/ Thiên
Chúa cứu chuộc và hòa giải qua Ngôi Lời.
(1) Đức
Kitô cứu chuộc con người: bằng cách đổ máu để thanh tẩy tội lỗi, làm cho con
người khỏi chết, và cho con người được sống đời đời với Thiên Chúa bằng sự phục
sinh vinh hiển của Ngài. Thuyết Thuần Tri cho con người được giải thoát khỏi nô
lệ cho vật chất và đoàn tụ với Thiên Chúa nhờ kiến thức đặc biệt và bí mật, mà
chỉ có họ mới có thể cung cấp cho con người.
(2) Đức
Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau: Ngài hòa giải con người bằng
việc chấp nhận cái chết trên Thập Giá. Nhờ sự hòa giải này, con người có được sự
bình an.
Thuyết
Thuần Tri không tin vào tội lỗi và vào sự hòa giải, vì Thiên Chúa không thay đổi
và con người luôn xấu xa vì bị giam cầm trong thân xác.
Tại
sao Thiên Chúa cho Đức Kitô vào thế gian? Tác giả Thư Do Thái cho chúng ta một
lý do: Mặc dù Thiên Chúa đã mặc khải nhiều lần và dưới nhiều hình thức qua các
tiên tri, nhưng con người vẫn chưa lĩnh hội hết được. Chúng ta có thể thấy rõ
những điều này nơi các kinh sư và biệt phái khi họ tranh luận với Chúa Giêsu. Đức
Kitô là mặc khải toàn vẹn của Thiên Chúa. Ngài mang lấy thân xác con người để
truyền thông cho con người những gì Ngài thấy nơi Thiên Chúa. Hơn nữa, Ngài
mang thân xác để gánh chịu hình phạt của tội lỗi thay cho con người, để con người
được hòa giải với Thiên Chúa, và lãnh nhận ơn cứu độ là cuộc sống đời đời. Vì
thế, để đạt được cuộc sống đời đời, Đức Kitô đòi hỏi người nghe phải tin vào
Ngài. Đây cũng chính là thánh ý của Thiên Chúa (Jn 6:39-40).
3/ Phúc Âm: Mến Chúa và yêu người hết lòng.
3.1/ Phải
làm gì để được sự sống đời đời?
Đây là
câu hỏi rất quan trọng và thực tiễn của cuộc đời. Người hỏi là thầy thông luật,
tuy ông đã biết câu trả lời nhưng vẫn hỏi để thử Chúa Giêsu. Thay vì cho ông
câu trả lời, Chúa Giêsu hỏi lại ông: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế
nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến
người thân cận như chính mình." Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông trả lời đúng
lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống." Câu trả lời của người luật sĩ là tổng
hợp của hai đoạn trong Sách Luật đã có sẵn trong Cựu Ước: Deuteronomy 6:5 và
Leviticus 19:18.
3.2/ Ai
là người thân cận của tôi?
Người
Do-thái không phải không biết những gì Luật dạy; nhưng điều họ thiếu là thi
hành Luật, nhất là cho những người mà họ từ chối nhận là “thân cận.”
Tuy
Jericho cách Jerusalem khỏang 20 dặm nhưng độ cao khác biệt là 3,600 ft. Đây là
đọan đường rất nguy hiểm vì lối đi hẹp và có rất nhiều hang động, chỗ ẩn của trộm
cướp. Rất ít ai dám đi một mình trên quãng đường này. Người bị đánh trọng
thương rất có thể là người Do-thái vì đi từ Jerusalem xuống. Chúa Giêsu liệt kê
ra 3 lọai người và phản ứng của họ khi nhìn thấy người bị thương:
(1) Thầy
tư tế: là người Do-thái. Lý do tại sao ông tránh có thể vì sợ sẽ bị không sạch
trong 7 ngày (Num 19:11); nếu động tay vào xác chết, và sẽ không được phục vụ
trong Đền Thờ. Ông đặt việc tế tự trên lòng thương xót khi ông tránh qua bên
kia mà đi.
(2) Thầy
Lêvi: cũng là người Do-thái. Nhiệm vụ của các Lêvi là phục vụ cung điện nơi Hòm
Bia của Thiên Chúa ngự. Giống như tư tế ở trên, ông có lẽ cũng sợ bị không sạch,
nên tuy cũng thấy người bị trọng thương, nhưng rồi cũng tránh qua bên kia mà
đi.
(3)
Người Samaria xem người Do-Thái như thù địch và không muốn chung chạ gì với họ.
Nhưng khi thấy người bị trọng thương, người Samaria không để ý đến nạn nhân là
người Do-thái hay không, ông chạnh lòng thương nạn nhân đau khổ: một niềm
thương xót giữa người với người.
Ông ta
lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt
người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy
ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người
này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại
bác."
3.3/ Chúa
Giêsu hỏi thầy thông luật: “Vậy
theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị
rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực
thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy
đi, và cũng hãy làm như vậy." Qua câu truyện, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc
làm, chứ không phải chỉ biết mà thôi; và khi làm, Chúa đòi làm cho tới nơi tới
chốn; chứ không phải chỉ làm cho qua lần chiếu lệ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mến
Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình là hai điều kiện cốt yếu để
vào Nước Trời. Chúng ta phải sống hai điều này chứ không phải chỉ tin như thế.
- Chúa
Giêsu là hình ảnh của Chúa Cha vô hình. Ngài mặc lấy thân xác để biểu lộ tình
thương Thiên Chúa và dạy dỗ con người. Tin yêu Đức Kitô là tin yêu Thiên Chúa.
- Tình
yêu không có giới hạn và cũng không biết tính toán lợi nhuận. Chúng ta phải yêu
Chúa và tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Lm.
Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
10/07/16 CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – C
Lc 10,25-37
Lc 10,25-37
Suy niệm: Thương mến tha
nhân đôi lúc đòi chúng ta một sự mạo hiểm. Trong câu chuyện Chúa Giê-su kể hôm nay, vị tư tế và thầy trợ tế không dám đến gần nạn nhân, vì sợ mắc nhơ uế theo Luật cấm sờ chạm vào một người ngoài Do Thái. Nhưng một người Sa-ma-ri mạo hiểm, đến cạnh nạn nhân, chăm sóc và chấp nhận mọi liên lụy. Tâm lòng của người Sa-ma-ri mở ra, không vô cảm hay lạnh lùng, nhưng chạm đến vết thương ngoài da thịt lẫn vết thương tâm hồn của nạn nhân bằng hành động cụ thể chữa lành cho nạn nhân. Từ thời các giáo phụ, người Sa-ma-ri nhân hậu được hiểu là hình ảnh của Chúa Giê-su. Thánh Clê-men-tê
đã viết: “Ai thương xót chúng ta hơn Chúa Giê-su?” Đấng với lòng thương cảm sâu xa có khả năng cúi xuống đỡ nâng và đổ dầu bí tích chăm sóc tội nhân, Đấng như người Sa-ma-ri nhân hậu rời nhà trọ và sẽ trở lại thanh toán vào ngày cánh
chung cho những ai chăm sóc anh chị em mình.
Mời Bạn: Bạn có dám để mắt, để tâm lòng và rộng tay chấp nhận liên lụy giúp đỡ anh chị em vùng
biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, những người đang phải chịu khốn khổ vì mong có bữa cơm, nhất là bữa cơm sạch chưa?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời Chúa: “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương anh chị em con đang phải khốn khổ. Xin cho con biết rộng tay và rộng lòng khi nghĩ đến anh chị em con, với những hành động cụ thể của lòng thương xót.
Hãy đi và làm như vậy
Suy Niệm
Tôi
phải làm gì để được sự sống đời đời?
Phải yêu, yêu hết mình,
yêu Thiên Chúa và yêu người thân cận.
Ðức Giêsu khen câu trả lời của người luật sĩ và bảo:
“Hãy làm như vậy và ông sẽ có sự sống.”
Ðể có sự sống, cần phải yêu,
nghĩa là ra khỏi mình và trao hiến.
Ai không yêu là hủy hoại chính mình và người khác.
Con người được dựng nên bởi Ðấng là Tình Yêu,
được khuôn đúc theo hình ảnh của Tình Yêu đó,
nên con người hướng về Tình Yêu
như hoa hướng dương quay về phía mặt trời.
Con người chỉ thật là mình khi biết yêu thương.
Phải yêu, yêu hết mình,
yêu Thiên Chúa và yêu người thân cận.
Ðức Giêsu khen câu trả lời của người luật sĩ và bảo:
“Hãy làm như vậy và ông sẽ có sự sống.”
Ðể có sự sống, cần phải yêu,
nghĩa là ra khỏi mình và trao hiến.
Ai không yêu là hủy hoại chính mình và người khác.
Con người được dựng nên bởi Ðấng là Tình Yêu,
được khuôn đúc theo hình ảnh của Tình Yêu đó,
nên con người hướng về Tình Yêu
như hoa hướng dương quay về phía mặt trời.
Con người chỉ thật là mình khi biết yêu thương.
Hãy
yêu người thân cận như chính mình.
Nhưng ai là người thân cận của tôi?
Ðức Giêsu giúp ta tìm thấy câu trả lời bất ngờ
qua dụ ngôn người Samari nhân hậu.
Người thân cận của tôi là mọi người đang cần đến tôi,
là người hôm nay tình cờ tôi gặp trên đường.
Người thân cận là người gần tôi
vì tôi đã đến gần người ấy,
đã cúi xuống và phục vụ.
Nhưng ai là người thân cận của tôi?
Ðức Giêsu giúp ta tìm thấy câu trả lời bất ngờ
qua dụ ngôn người Samari nhân hậu.
Người thân cận của tôi là mọi người đang cần đến tôi,
là người hôm nay tình cờ tôi gặp trên đường.
Người thân cận là người gần tôi
vì tôi đã đến gần người ấy,
đã cúi xuống và phục vụ.
Không
phải vì người đó là thân cận của tôi
nên tôi đến gần mà phục vụ.
Nhưng khi tôi đến gần bất cứ ai mà phục vụ,
tôi biến mình thành người thân cận của họ.
Chẳng ai là người xa lạ với tôi,
nếu tôi không tránh họ như hai thầy Lêvi và tư tế.
nên tôi đến gần mà phục vụ.
Nhưng khi tôi đến gần bất cứ ai mà phục vụ,
tôi biến mình thành người thân cận của họ.
Chẳng ai là người xa lạ với tôi,
nếu tôi không tránh họ như hai thầy Lêvi và tư tế.
Người
thân cận với tôi không chỉ là người cùng nhà,
cùng nhóm, cùng tôn giáo, cùng quê hương, cùng lý tưởng.
Người thân cận với tôi không phải là một ý niệm trừu tượng
nhưng là bà mẹ già gần bên, là người bạn chung phòng,
là người hàng xóm mà tôi phải chịu đựng,
là tất cả những ai đã và đang làm tôi đau khổ.
Tất cả đều có thể được tôi yêu thương
và đều có thể trở nên người thân cận của tôi.
Tình yêu là một phép mầu,
chỉ cần tôi dám bước tới, xích lại và cúi xuống
là người lạ nên quen, người xa nên gần, kẻ thù nên bạn.
Những khoảng cách được lấp đầy,
những rào chắn phút chốc sụp đổ.
cùng nhóm, cùng tôn giáo, cùng quê hương, cùng lý tưởng.
Người thân cận với tôi không phải là một ý niệm trừu tượng
nhưng là bà mẹ già gần bên, là người bạn chung phòng,
là người hàng xóm mà tôi phải chịu đựng,
là tất cả những ai đã và đang làm tôi đau khổ.
Tất cả đều có thể được tôi yêu thương
và đều có thể trở nên người thân cận của tôi.
Tình yêu là một phép mầu,
chỉ cần tôi dám bước tới, xích lại và cúi xuống
là người lạ nên quen, người xa nên gần, kẻ thù nên bạn.
Những khoảng cách được lấp đầy,
những rào chắn phút chốc sụp đổ.
Nhưng
yêu không phải là chuyện dễ
dù con người hôm nay cứ tưởng mình đã biết yêu.
Lúc nào cũng có cớ để người ta né tránh yêu thương.
Thầy tư tế và Lêvi đều tránh qua một bên mà đi.
Phải chăng họ sợ bị ô nhơ nếu đụng nhằm xác chết?
Phải chăng họ sợ bọn cướp vẫn còn ở đâu đây?
Những nỗi sợ làm người ta bỏ đi.
Chấp nhận là đến gần và cúi xuống
là chấp nhận liều lĩnh và trả giá.
Cuộc hành trình bị chậm lại, chương trình phải thay đổi.
Tiền bạc, thời giờ, công sức là những điều phải trao đi.
Tất cả chỉ vì chạnh lòng thương,
vì con tim biết nhói đau trước nỗi khổ của người khác.
dù con người hôm nay cứ tưởng mình đã biết yêu.
Lúc nào cũng có cớ để người ta né tránh yêu thương.
Thầy tư tế và Lêvi đều tránh qua một bên mà đi.
Phải chăng họ sợ bị ô nhơ nếu đụng nhằm xác chết?
Phải chăng họ sợ bọn cướp vẫn còn ở đâu đây?
Những nỗi sợ làm người ta bỏ đi.
Chấp nhận là đến gần và cúi xuống
là chấp nhận liều lĩnh và trả giá.
Cuộc hành trình bị chậm lại, chương trình phải thay đổi.
Tiền bạc, thời giờ, công sức là những điều phải trao đi.
Tất cả chỉ vì chạnh lòng thương,
vì con tim biết nhói đau trước nỗi khổ của người khác.
Tình
yêu thực sự bao giờ cũng cụ thể:
chấp nhận cả tay và người bị dơ bẩn lấm lem,
chấp nhận gặp rắc rối, xáo trộn và nguy hiểm,
vì Tình Yêu đòi hiến trọn con người.
Chúng ta cần thành thật nhận mình chưa biết yêu,
vì yêu như thế thì vượt quá sức con người.
Cần đón lấy nguồn Tình Yêu Thiên Chúa đổ vào tim ta (Rm 5,5)
để tim ta trở nên mênh mông và quảng đại,
để ta thi hành được điều Chúa nói:
“Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy.”
chấp nhận cả tay và người bị dơ bẩn lấm lem,
chấp nhận gặp rắc rối, xáo trộn và nguy hiểm,
vì Tình Yêu đòi hiến trọn con người.
Chúng ta cần thành thật nhận mình chưa biết yêu,
vì yêu như thế thì vượt quá sức con người.
Cần đón lấy nguồn Tình Yêu Thiên Chúa đổ vào tim ta (Rm 5,5)
để tim ta trở nên mênh mông và quảng đại,
để ta thi hành được điều Chúa nói:
“Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy.”
Cầu Nguyện
Lạy
Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.
Lạy
Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hoá.
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hoá.
Chúng
con thích Chúa đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao.
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao.
Ước
gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.
Lm.
Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG BẢY
Hậu Quả Cay Đắng Của Sự Tự Do Sai Quấy
Trên hành trình đào sâu nhận thức về mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta thường phải đối diện với vấn nạn này: Nếu Thiên Chúa hiện diện và điều hành mọi sự, thì làm sao con người có thể tự do được? Và nhất là, đâu là ý nghĩa và vai trò của tự do trong đời sống chúng ta? Và đâu là hậu quả cay đắng của tội lỗi gây ra do sự tự do sai quấy? Làm sao có thể hiểu tất cả những điều này trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh?
Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Công Đồng Vatican I: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo thành thì Ngài giữ gìn và điều khiển với sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng mở rộng từ chân trời này đến chân trời kia và cai quản mọi sự một cách tốt đẹp (Kn 8,1). Mọi sự đều phơi bày rõ ràng trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì diễn ra trong sáng kiến tự do của tạo vật” (DS 3003).
Mầu nhiệm quan phòng thần linh tác động trên tất cả thế giới tạo vật một cách thâm sâu. Trong tư cách là một diễn tả của sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, kế hoạch quan phòng đến trước chính công cuộc sáng tạo. Trong tư cách là một diễn tả quyền lực của Thiên Chúa, nó hướng dẫn và triển khai công cuộc ấy. Một cách nào đó, chúng ta thậm chí có thể nói rằng sự quan phòng được thực hiện trong chính công việc của nó. Đó là một sự quan phòng siêu việt, nhưng đồng thời nó cũng hiện diện trong mọi sự. Điều này áp dụng cho giáo huấn của Giáo Hội mà chúng ta vừa mới nhắc lại trên đây, nhất là khi vận dụng vào con người với lý trí và tự do của mình.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 10 – 7
Chúa Nhật XV Thường niên
Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37.
Lời suy niệm: “Có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”
Trước câu hỏi của người thông luật để thử Người, Chúa Giêsu đã gợi nhớ cho ông ta những gì ông đã sống và tuân giữ lề luật của Thiên Chúa ban qua ông Môsê. Rồi Người dẫn đưa người thông luật vào dụ ngôn: “Dụ ngôn người Samari Nhân Hậu”. Giúp người thông luật nhận định lại cách sống và thi hành Lề Luật phải làm thế nào mới được: “sự sống đời đời làm gia nghiệp.”
Lạy Chúa Giêsu. Giáo lý của Chúa không phải là một lý thuyết suông, nhưng cần phải đưa vào đời sống phục vụ vì yêu thương. Xin Chúa ban cho chúng con những ơn cần thiết để chúng con sống Lời Chúa đối với mình và với tha nhân. Để chúng con được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Mạnh Phương
10
Tháng Bảy
Lời Lãi Cả Thế Gian Ðể Làm Gì?
Có
một lý tưởng để đeo đuổi, có một hướng đi cho cuộc đời: đó là nguồn hạnh phúc lớn
lao cho con người.
Thông
thường, những kẻ than thân trách phận, những con người bất mãn trong cuộc sống,
những kẻ chán đời, không phải là những kẻ nghèo khổ, những người kiếm cơm kiếm
gạo từng ngày, mà chính là những con người dư dả, giàu sang.
Thi
sĩ Anh, Lord Byron, mặc dù sống trên nhung lụa, vẫn than thở: "Sâu bọ, ruồi
nhằn, khổ đau là thức ăn hằng ngày của tôi". Văn sĩ nổi tiếng của Pháp là
Voltaire, mặc dù có một đời sống phú túc và danh tiếng vẻ vang, vẫn phải thốt
lên: "Tận cùng của cuộc sống ấy là buồn thảm, khoảng giữa của cuộc sống là
vô nghĩa và khởi đầu của cuộc sống ấy là thô bỉ... Phải chi tôi đừng sinh ra
thì hơn".
Talleyrand,
một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ thứ 19, sau một quãng đời sống
trong nhung lụa và vinh quang, đã ghi lại trong tập nhật ký của mình nhân ngày
sinh 83 như sau: "83 năm của đời tôi đã đi qua, không để lại một kết quả
nào khác hơn là mệt mỏi, trong thể xác lẫn tâm hồn, một nỗi đắng cay khi nhìn về
tương lai và chán chường khi nhìn lại quá khứ".
Tại
sao những con người trên đây đã tỏ ra đắng cay và thất vọng về cuộc sống? Thưa
là bởi vì họ đã không tìm ra được mục đích của cuộc đời. Một cuộc đời không có
mục đích thì chẳng khác nào một công trình xây dựng không đồ án. Với tất cả mọi
vật liệu, nhưng nếu không có đồ án, người ta không thể kiến thiết được bất cứ
công trình nào.
Một
cuộc sống không có mục đích, một cuộc sống không có lý tưởng thường cũng chỉ
kéo theo cay đắng, buồn sầu, bất mãn... Chúa Giêsu đã chẳng nói với chúng ta:
"Lời lãi cả thế gian để làm gì, nếu để mất linh hồn?".Phúc cho những
ai có tinh thần nghèo khó, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai khóc
lóc, phúc cho những ai đói khát công chính, phúc cho những ai có lòng thương
xót, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai kiến tạo hòa bình,
phúc cho những ai bị bách hại vì Nước Trời... Trước khi công bố Hiến Chương của
Hạnh Phúc ấy, Chúa Giêsu hẳn phải là con người hạnh phúc. Hạnh phúc đối với
Chúa Giêsu không có nghĩa là không có nước mắt và đau khổ. Hạnh phúc đối với
Chúa Giêsu không có nghĩa là được mọi may mắn trên cõi đời này. Hạnh phúc đối với
Chúa Giêsu không có nghĩa là thành công trong cuộc sống này.
Ngài
đã sống như một con người đau khổ. Ngài đã không trốn chạy khỏi đau khổ. Ngài
đã không cất lấy đau khổ khỏi cuộc đời này.
Hạnh
phúc của Ngài chính là tiếp nhận đau khổ, là đi vào cõi chết, nhưng không tiếp
nhận đau khổ và đi vào cõi chết như một ngõ cụt, trái lại khai thông con đường
dẫn đến sự sống. Cuộc đời đã có một hướng đi. Cuộc đời đã có một ý nghĩa, và đó
chính là nguồn hạnh phúc đích thực của con người.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét