Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

31-07-2016 : (phần I) CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN năm C

31/07/2016
Chúa Nhật tuần 18 thường niên năm C
(phần I)

Bài Ðọc I: Gv 1, 2; 2, 21-23
"Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm".
Trích sách Giảng Viên.
Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không. Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao. Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Ðáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". - Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-5, 9-11
"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng.
Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Ðấng đã tạo thành nó: ở đấy không còn là dân ngoại và Do-thái, chịu phép cắt bì hay không chịu phép cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa, nhưng mọi sự và trong mọi sự có Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 13-21
"Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Ðoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi". Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðổi Mới Cuộc Ðời
Bài đọc Kinh Thánh hôm nay đụng chạm đến đời sống thực tế của con người. Thoạt tiên chúng ta có thể đã cảm thấy nhiều điều chói tai. Bài sách Giảng viên không để lộ ra một quan điểm bi quan, yếm thế sao? Bài thư Phaolô dường như cũng có những lời khuyên xuất thế. Và bài Tin Mừng có vẻ không thích những con người tính toán làm ăn. Nhưng chính vì Lời Chúa hôm nay đề cập đến những vấn đề thực tế như vậy mà chúng ta phải tìm hiểu kỹ lưỡng. Chúng ta sẽ thấy chẳng có gì là bi quan xuất thế và mạt sát công ăn việc làm của con người. Ngược lại, chúng ta sẽ được khuyến khích nhìn xa hơn các công việc của ngày hôm nay, làm sao để lao công vất vả của con người ở đời được thành tựu lâu dài; và như vậy Lời Chúa chỉ muốn mạc khải cho chúng ta một lẽ sống để hoàn thành các nhiệm vụ ở trần gian.

1. Trước Hết Bài Sách Giảng Viên Khuyến Khích Chúng Ta Tìm Hiểu Về Lẽ Sống Ở Ðời
Ðây là những lời của một con người có thao thức tìm hiểu. Người ấy tự xưng là Qohelet, con của Ðavít, vua ở Giêrusalem. Thế thì ông là Salomon mất rồi. Nhưng tại sao ông lại bảo mình là Qohelet? Thật ra danh từ này chỉ có nghĩa là "cộng đoàn". Tác giả muốn nhân danh cộng đoàn dân Chúa mà giảng dạy. Thành ra chúng ta gọi là Giảng viên cho tiện. Và vì lời giảng của ông là những suy tư về sự khôn ngoan và lẽ sống ở đời, nên sách Giảng viên được liệt vào sổ các sách Khôn ngoan ở trong bộ Cựu Ước. Và hết mọi sách Khôn ngoan đều lấy Salomon làm tổ phụ. Do đó ở đây tác giả Giảng viên xưng mình là Qohelet, con của Ðavít, vua ở Giêrusalem. Tất cả những điều đó chỉ có nghĩa là bài sách và quyển sách Giảng viên này nói lên giáo huấn đã suy tư một cách khôn ngoan, khởi hứng từ thời Salomon, vị hoàng đế nổi danh là khôn ngoan tuyệt trần.
Vậy, các suy nghĩ khôn ngoan đã dẫn tác giả đến những kết luận nào? Câu đầu của đoạn sách đọc hôm nay cũng là câu đầu tiên của tác phẩm, tóm tắt thành quả suy nghĩ của tác giả. Ông nhận thấy: phù vân, rất mực phù vân, thảy là phù vân.
Chúng ta muốn lắc đầu chép miệng, vì sao mà yếm thế bi quan vậy? Nhưng đó là luận điệu của hầu hết các bậc khôn ngoan thánh hiền ngày xưa, nơi bất cứ dân tộc nào. Lão Tử, Thích Ca đều có những lời lẽ tương tự. Nếu chúng ta kính trọng các ngài thì đừng vội lắc đầu, chép miệng. Hãy tự coi như chúng ta chưa nhận ra sự khôn ngoan nơi những câu nói như vậy. Nhất nữa là ở đây: sách Khôn ngoan đã mặc hình thức lời linh ứng! Chúng ta hãy thử tìm hiểu lời Giảng viên muốn nói gì.
Ðể dễ xét đoán chúng ta hãy đọc thêm mấy câu nữa. Tác giả nói đến mình, nói đến Salomon đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan dưới ánh dương. Ông đã đem lao động tay chân và trí óc ra xây dựng sự nghiệp. Nhưng bây giờ ông tự hỏi: Công trình ấy sẽ để lại cho ai, sẽ rơi vào tay người nào? Phần ông chắc chắn sẽ chẳng mang theo được gì và không hiểu sẽ đi về đâu? Nghĩ như vậy mà không thấy hết thảy là phù vân sao?
Nhận xét này không bi quan, không yếm thế mà chỉ khắc khoải. Tác giả không hề tiếc vì đã lao nhọc. Ông không mảy may buồn vì đã trổ tài khôn ngoan ra ở dưới ánh dương. Ông chỉ ưu tư thắc mắc: Sự nghiệp ấy rồi sẽ rơi vào tay ai? Chắc chắn nó sẽ thành sở đắc của con người đã không lao nhọc gầy dựng nên. Nó có được đánh giá đúng mức để được tiếp tục xứng đáng không, hay sẽ lọt vào tay kẻ không xứng đáng mà tiêu tan ra mây khói? Sự nghiệp của con người như vậy không có tương lai bảo đảm. Nó chẳng phải là phù vân, tức là mau qua như gió thổi và không có rễ sâu chắc chắn sao? Rồi đến con người làm ra nó, tác giả đã vận dụng tay chân và trí óc để xây dựng, con người sẽ đi về đâu sau khi từ giã cuộc đời? Chẳng có gì bảo đảm tương lai cả. Ðời sống con người cũng thật là phù vân vậy.
Những suy tư này chân thật và thực tế. Chúng có thể dẫn sang những kết luận bi quan yếm thế. Người ta có thể dựa vào đó để suy nghĩ rằng cuộc đời chẳng có gì đáng sống; rồi lao nhọc làm gì để rồi ra đi với hai bàn tay không? Nhưng đó không phải là ý nghĩa của tác giả sách Giảng viên.
Lập trường của ông rất tích cực. Ông nêu lên những nhận định trên và đặt ra những câu hỏi về tương lai, không phải để khuyên yếm thế và vô vi. Nhưng ngược lại, ông thôi thúc độc giả và chúng ta tìm ra lẽ sống trường tồn cho cuộc đời. Ông nói lên khát vọng muốn được trường sinh và không mất mát chút gì về các sự nghiệp ở đời. Ông khắc khoải về tương lai và muốn nắm chắc định mệnh đời người. Trong cả tác phẩm của ông, không hề có thái độ nào muốn buông xuôi, chán nản chẳng muốn làm việc và xây dựng nữa. Ông tự hào vì đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương. Ðiều duy nhất làm cho tác phẩm của ông có vẻ ưu buồn là ông trách Chúa không cho con người biết rõ về tương lai và định mệnh của mình. Tức là ông vươn tới đời sau và bình diện cao hơn ở đời, đang khi vẫn ý thức rõ ràng cuộc sống của con người ở đời phải lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương.
Nói cách khác, bài đọc sách Giảng viên hôm nay khuyên chúng ta không nên thiển cận chỉ biết ngày hôm nay, nhưng phải nhìn xa về tương lai, phải nhìn cao hơn bình diện đời này để xây dựng không uổng phí và sự nghiệp khỏi trở thành phù vân. Ðó dường như cũng là ý tưởng của bài Tin Mừng Luca mà chúng ta tìm hiểu bây giờ.

2. Ðức Giêsu Khuyên Chúng Ta Phải Biết Làm Giàu Nơi Thiên Chúa
Hôm ấy có người trong đám đông nói với Người: "Thưa Thầy xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Không hiểu thói quen thời bấy giờ có thể chúng ta thấy hành động của người ấy lố bịch. Ai lại đưa vấn đề chia gia tài ra nói với Ðức Giêsu! Và lại đưa ra khi Người đang ở giữa quần chúng như thế! Ở đây Người không phải là vị tiên tri đang rao giảng Lời Chúa sao? Người đâu có đến để làm thẩm phán hay trọng tài trên của cải vật chất?
Nhưng người kia đã theo thói quen thời bấy giờ, thời mà pháp luật và việc thi hành pháp luật khá uyển chuyển. Pháp luật dạy gia tài cha mẹ để lại thì phải chia cho con cái và người con cả có quyền được nhiều hơn. Nhưng lòng tham của người này có thể khiến việc phân chia không được công bằng và kịp thời. Người con cả có thể trì hoãn việc phân chia để có thì giờ ăn huê lợi, hoặc có thể không chia đủ phần cho các em. Những người này có thể đem nội vụ ra kiện cáo trước pháp luật. Nhưng thường khi sự thủ tục phức tạp và tốn phí, người ta có thể xin những người có uy tín trong xã hội giúp đỡ. Các tiên tri ở trong số những người này. Và uy tín của Chúa Giêsu bấy giờ có khả năng sắp đặt những câu chuyện như thế.
Tuy nhiên, Người lại không phải là hạng người như vậy. Ðang lúc ở giữa đám đông rao giảng Tin Mừng cứu độ. Người càng muốn tránh những thái độ thông thường khiến người ta có thể lầm về sứ mạng của mình.
Hơn nữa, ở đây, căn cứ vào những lời Người nói tiếp theo, kẻ đứng ra kiện cáo có vẻ là con người tham lam, ít ra thánh Luca đã hiểu như vậy. Người dùng câu chuyện này làm tiền đề đi vào giáo huấn của Chúa. Chính giáo huấn này mới là cốt yếu. Chúng ta phải để ý đến giáo huấn này, chứ đừng đứng lại trong câu chuyện chia gia tài kia và thắc mắc vô ích.
Ðó chỉ là cớ và khởi điểm cho một huấn thị về đời sống đạo đức. Thấy có kẻ để hở ra lòng tham lam của cải, Ðức Giêsu quay ra nói với quần chúng: "Hãy coi chừng, hãy lo giữ mình khỏi mọi thứ tham lam vì không phải ai được sung túc là đời sống kẻ ấy được bảo đảm đâu".
Rồi Ðức Giêsu kể ví dụ về người phú hộ tưởng có nhiều của là được hạnh phúc vững bền, bởi vì nhỡ đêm nay chết, mọi điều người ấy đã sửa soạn sẽ về tay ai? Không nghĩ xa như vậy, thì thật là ngốc, không khôn ngoan như tác giả các sách khôn ngoan nói chung và như tác giả sách Giảng viên nói riêng, và vì ngốc như vậy, kẻ phú hộ ở đây được mô tả với những lời lẽ không được gây thiện cảm.
Quả vậy trong bài sách Giảng viên, chúng ta đã thấy con người khôn suy nghĩ được đồng hóa với Salomon, với con người đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương. Còn ở đây kẻ phú hộ được mô tả suy tính trong lòng mình: "Ta phải làm gì? Ta phải phá các lẫm cũ đi, xây những lẫm to hơn, chất lúa má vào đó, rồi sẽ nhủ hồn ta rằng: hồn ơi mày có chán của cải, nghỉ đi, ăn đi, hưởng đi". Tất cả nói lên một lòng dạ bẩn thỉu, ích kỷ, không biết nghĩ gì tới người khác và xã hội. Tác giả Luca theo Chúa Giêsu, ghét những tâm lý như vậy; và không thể chấp nhận được những kẻ làm giàu để hưởng thụ. Chúa tể của hạng người này là cái bụng! Khốn cho kẻ giàu có! Họ cậy có chắc của cải, tưởng là bảo đảm được đời sống. Nhưng đồ ngốc, ngay đêm nay, người ta (tức là Thiên Chúa) đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi điều ngươi đã sửa soạn kia sẽ về tay ai?". Dĩ nhiên người này sẽ được dùng, nhưng còn ngươi sẽ thế nào?
Kết luận Chúa Giêsu bảo người ta: "Như thế đó, kẻ lo cất cho mình mà không biết làm giàu nơi Thiên Chúa". Người muốn nói không nên chỉ lo cất cho mình; mà nhất là phải biết làm giàu nơi Thiên Chúa nữa. Người cũng không lên án việc làm ăn ở đời. Người đòi chúng ta phải biết nghĩ đến tha nhân và xã hội nữa khi làm ăn. Và nhất là Người dạy chúng ta phải chất chứa công phúc trước mặt Chúa.
Phải chăng Ðức Giêsu đã chẳng trả lời cho thắc mắc xao xuyến của tác giả sách Giảng viên. Ông lo lắng về tương lai sau khi lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương; thì Ðức Giêsu bảo đang khi sống ở đời này chúng ta phải biết làm giàu nơi Thiên Chúa. Những tích trữ này, mối mọt không làm gì được, như lời sách Tin Mừng Mátthêu đã viết. Còn những gì có thể tích trữ được như thế, thì bài thư Phaolô hôm nay có thể trả lời cho chúng ta được một phần nào.

3. Thánh Tông Ðồ Khuyên Chúng Ta Ðổi Mới Cuộc Ðời
Thoạt nghe, chúng ta thấy bài thư hôm nay nói đến những sự trên trời và những sự dưới đất. Chúng ta dễ tưởng tượng có những của chúng ta đem chất được vào kho tàng trên trời và có những việc chúng ta làm sẽ hư đi ở dưới đất...
Nghĩ như vậy là vong thân, là biến mình nên của cải, là đồng hóa mình thành công việc, là coi mình đã trở nên hàng hóa khi làm việc. Quan niệm lao động như vậy là quan niệm theo tư bản và bóc lột sức lao động. Chúng ta phải quan niệm ngược lại. Lao động phát triển khả năng của con người, làm giàu cho nhân cách, đưa con người vươn lên, khiến họ được vinh quang... Thành tích lao động nằm trong sự vật rất đáng kể, nhưng ghi lại trên con người và biến đổi họ thành đáng kể hơn.
Nói cách khác, con người đang thành thân bằng lao động, đang xây dựng mình bằng lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương. Theo Kitô giáo và như lời thư Phaolô hôm nay bản thân con người đang thành hình nơi chúng ta nhờ sinh hoạt ở đời, sẽ chỉ tỏ hiện khi Ðức Kitô hiện đến. Ánh sáng của Người sẽ chiếu vào chúng ta và con người thật của chúng ta bấy giờ sẽ biểu lộ nguyên hình.
Chúng ta muốn mình khi ấy tốt hay xấu? Nếu muốn đẹp thì ngay bây giờ chúng ta phải bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới, con người cũ luôn luôn tìm kiếm dâm bôn, ô uế... tham lam, hà tiện... và nói dối người khác. Nó hướng về những sự dưới đất. Còn con người mới cư xử chiếu theo hình ảnh của Ðấng đã dựng nên nó trong sự thánh thiện và duy nhất, nên không ngừng tìm kiếm những điều trong sạch và hòa thuận, là những điều mà Phaolô gọi là những điều ở trên cao, hay ở trên trời.
Dĩ nhiên chúng ta có thể trao đổi thêm với tác giả bức thư này về những điều vừa nói. Nhưng thiết tưởng vừa nhìn qua, chúng ta cũng đã hiểu được ý của tác giả. Thánh Phaolô khuyên chúng ta khi sinh sống ở đời phải nhìn đến tương lai và định mệnh, tức là phải vươn tới sự thành thân trong vinh quang. Và cho được như vậy phải sát phạt chi thể của con người cũ là từ bỏ những công việc xấu xa tội lỗi gồm tóm trong các hành vi tham lam và thiếu hòa thuận.
Ngược lại, phải mặc lấy con người đã được canh tân khỏi những khuynh hướng xấu xa trên, để thi hành những công việc trong sạch và hòa hợp theo hình ảnh con người Thiên Chúa đã dựng nên. Lời giáo huấn của Phaolô cũng nằm trong chiều hướng của bài Tin Mừng và bài sách Giảng viên. Chúng ta thấy tất cả đều tích cực và lạc quan... hơn nữa đó là quan điểm khôn ngoan và thánh thiện.
Chúng ta có thể đem ra thi hành kể từ giờ phút này. Thánh lễ có sức giúp chúng ta lột bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới. Tình bác ái của Ðức Giêsu thôi thúc chúng ta đã thấy hạnh phúc ở nhà thờ, nơi chúng ta được hiệp nhất và hòa đồng trong sự thánh thiện, thì khi ra về, phải lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ra ở dưới ánh dương, tức là trong đời sống, để xây dựng cuộc đời trong sự trong sạch và hòa thuận. Cuộc đời như vậy chắc chắn sẽ không phù vân. Sự nghiệp chúng ta xây dựng sẽ tồn tại và vinh quang.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Ecc 1:2; 2:21-23; Col 3:1-5, 9-11; Lk 12:13-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống cuộc đời này cho mục đích mai sau.
Câu hỏi “Con người sống trên đời này để làm gì?” là câu hỏi rất quan trọng, nhưng không dễ tìm được câu trả lời xác thực. Có người cho là làm lụng để có thật nhiều tiền; khi có tiền rồi tha hồ hưởng thụ, muốn gì có nấy; nên họ tìm mọi cách để vơ vét và tích trữ của cải. Có người cho giầu có mấy chăng nữa rồi cũng chết để lại của cải cho người khác, nên họ chỉ làm vừa đủ ăn, và tìm chỗ vắng vẻ để xa lánh bụi trần. Có người cho phải lưu danh cho hậu thế, nên ra sức tìm tòi học hỏi để lấy hết bằng này đến khám phá kia.
Các bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta rất nhiều suy tư về cuộc đời, và cho chúng ta câu trả lời xác thực nhất. Trong bài đọc I, tác giả Sách Giảng Viên dùng kiến thức và kinh nghiệm cá nhân để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên; nhưng không tìm được câu trả lời thỏa đáng vì sự bấp bênh của cuộc đời và sự hiện diện của cái chết. Sau cùng, ông đã phải kết luận: "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” Trong bài đọc II, thánh Phaolô trong Thư Colossê cho chúng ta câu trả lời xác đáng nhất: Vì Đức Kitô đã đánh bại thần chết và đem lại cho con người sự sống đời đời; nên cái chết không còn là một bế tắc nữa. Các tín hữu tuy sống cuộc đời này, nhưng mắt luôn dõi theo cuộc sống mai sau. Họ phải tìm những sự trên trời bằng cách mặc lấy Đức Kitô, và cởi bỏ con người cũ với tất cả những ham muốn nhục dục và tiền của. Trong Phúc Âm, khi một người đến xin Chúa Giêsu khuyên bảo anh của anh ta chia gia tài cho anh, Chúa Giêsu nói với anh: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Và Ngài kể câu truyện của anh điền chủ, tối ngày lo tích trữ của cải để hưởng thụ. Đến lúc anh ta cảm thấy đã có đủ của cải để hưởng thụ, Thiên Chúa nói với anh ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.”
Phù vân có thể nói là chủ đề của Sách Giáo Sĩ. Danh từ này được dùng khoảng 35 lần trong Sách. Phù hoa trong tiếng Do-thái là hebel, có nghĩa là “hơi thở” hay “hơi nước.” Nó cũng được dùng trong Thánh Vịnh 39:6-7 và 94:11 để chỉ một điều chóng qua, vô dụng hay trống rỗng.
1.1/ Cái nhìn của một người có kinh nghiệm về cuộc đời
Ông Qohelet là một giáo sĩ hay một nhà lãnh đạo tinh thần của cộng đoàn. Ông suy niệm về cuộc sống để tìm ra đâu là ý nghĩa của cuộc đời. Ông nhận ra sự sống là điều quan trọng nhất, vì nếu sự sống không còn nữa, mọi sự khác đều trở thành vô nghĩa với con người. Ông cũng nhận ra sự sống không tùy thuộc nơi con người, và mọi người đều phải chết. Cái quan trọng là điều gì còn lại sau khi con người chết đi. Nếu không có gì còn lại, cuộc sống này quả là vô nghĩa. Con người cứ việc ăn uống, chơi đùa thả dàn, vì chết là hết. Sách Giảng Viên được viết khoảng năm 150 BC. Lúc đó, người Do-thái chưa có niềm tin rõ ràng về sự bất tử của linh hồn và cuộc sống đời sau. Đối với họ, mọi sự xảy ra là ở đời này. Người lành giữ đạo được Thiên Chúa thưởng công cho giầu có, cho con đàn cháu đống, và cho sống lâu; nhưng rồi ai cũng phải chết. Phải đợi đến mặc khải của Chúa Giêsu 150 năm sau, chúng ta mới hiểu rõ về mục đích của cuộc đời.
1.2/ Cái gì làm cho con người có hạnh phúc?
Tác giả kết luận “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” sau khi đã làm một sự suy xét cẩn thận về những gì mà phần đông con người cho là hạnh phúc. Một số những đề tài được đề cập đến trong Sách và một số trong trình thuật hôm nay là:
(1) Khôn ngoan: Có người cho kiến thức khôn ngoan là quan trọng, vì nó giúp cho con người biết cách sống; nhưng tác giả nhận thấy người khôn ngoan hay kẻ ngu đần đều chịu chung số phận là phải chết. Khôn ngoan không theo chủ xuống mộ phần. Vì thế, khôn ngoan là phù vân.
(2) Hưởng thụ: Đa số con người cho mục đích cuộc đời là để hưởng thụ, nhưng điều này cũng không mang lại hạnh phúc cho con người. Khi phải đối diện với bệnh tật và cái chết, con người chẳng được hưởng thụ nữa. Vì thế, hưởng thụ là phù vân.
(3) Vất vả làm ăn là phù hoa: Có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết làm việc vất vả mới thành công. Khi phải đối diện với cái chết, người đó phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ.
Tác giả Sách Giảng Viên đặt câu hỏi: “Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời?” Chuyện đó đây là cái chết, cái chết lấy đi tất cả những gì con người phải vất vả tạo cho mình. Tác giả cũng nhận thấy giầu có cũng chỉ là phù vân, vì “đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí.” Ban đêm là thời gian ngủ nghỉ để lấy sức, thế mà những con người tham lợi nhuận vẫn không được an nghỉ. Nằm trên giường nhưng đầu óc không nghỉ ngơi, họ bày ra trong đầu hết kế hoạch này đến kế hoạch kia để làm giàu và canh giữ của cải. Người giàu có không hạnh phúc!
Thế thì phải sống làm sao để có hạnh phúc, tác giả khuyên hãy chấp nhận bất kỳ những niềm vui nhỏ nào mà Thiên Chúa “ban cho” con người.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô cho đời sống con người một giá trị mới.
Điều mà tác giả Sách Giảng Viên không giải quyết được là cái chết, thì đã được giải quyết bởi thánh Phaolô, trong Thư Colossê. Vì Đức Kitô đến gánh tội và chịu chết thay cho con người, nên từ nay con người không phải chết đời đời nữa, nhưng sẽ được sống muôn đời. Tất cả ý nghĩa của cuộc đời được tìm thấy nơi Đức Kitô, Ngài cho đời sống con người một giá trị mới. Để hiểu trình thuật hôm nay, chúng ta cần hiểu thần học về bí tích Rửa tội theo Phaolô. Khi một người tân tòng bị dìm xuống nước, anh cởi bỏ con người cũ với mọi thứ đam mê tội lỗi; để rồi khi ngoi lên khỏi mặt nước, anh mặc lấy con người Đức Kitô, con người trường sinh bất tử và mọi ơn thánh của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Ngài mô tả hai hiệu quả của hai hành động đó.
2.1/ Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới: Ngài nói với tín hữu Colossê: “Vì anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.” Thánh Phaolô gọi việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội là mặc lấy Đức Kitô. Khi mặc lấy Đức Kitô, các tín hữu phải sống cuộc sống mới như Đức Kitô sống: theo tiêu chuẩn của Nước Trời và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã từng khẳng định về lối sống của chính Ngài: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi; nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi.”
Có phải Phaolô muốn khuyên các tín hữu phải sống cách biệt khỏi thế giới để chỉ suy tư và chiêm ngắm những sự trên trời hay sống như thiên thần không lệ thuộc vào vật chất? Không phải như thế, nhưng ngay sau trình thuật hôm nay, ngài đưa ra một chuỗi những nguyên tắc đạo đức. Những nguyên tắc này xác định rõ những gì ngài chờ đợi nơi các tín hữu. Ngài mong họ tiếp tục với công việc của thế giới này và giữ lại tất cả các mối liên hệ bình thường; nhưng có một sự khác biệt là: từ nay, người tín hữu nhìn tất cả mọi sự trong tương quan với cuộc sống vĩnh cửu, và anh không sống như thế giới này là tất cả mọi sự.
Thái độ này thúc đẩy người tín hữu phải sống theo những tiêu chuẩn mới: những gì thế gian cho là quan trọng, anh không được cho là quan trọng, những tham vọng mà nó thống trị thế gian sẽ không còn sức mạnh lôi cuốn anh. Anh vẫn tiếp tục xử dụng của cải thế gian, nhưng trong một cách thức mới. Chẳng hạn, anh sẽ vui vẻ cho đi thay vì nhận lại, phục vụ thay vì cai trị, tha thứ thay vì hận thù. Những tiêu chuẩn giá trị này đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ con người.
Đức Kitô là Đấng cho đời sống vô nghĩa của con người niềm hy vọng là được sống, không phải chết muôn đời. Không những thế, Đức Kitô còn chính là sự sống. Sự sống trường sinh đang tiềm ẩn nơi con người: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.”
2.2/ Giết chết những gì thuộc hạ giới: Vì được dìm mình trong nước Rửa Tội, các tín hữu phải rửa sạch các tội của mình. Ngài liệt kê những tội người tín hữu phải khai trừ: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu, và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Phải từ bỏ những giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ, và ăn nói thô tục. Người tín hữu không còn được sống theo ý mình, nhưng phải tìm ra và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Họ phải sống theo sự thật, không được sống theo sự giả trá. Họ phải sống hiệp nhất và bác ái với mọi người; không được phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di hay mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người.
3/ Phúc Âm: Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.
3.1/ Lo lắng về của cải sinh ra bao tội lỗi cho con người.
(1) Lòng tham lam của cải làm con người tranh dành, kiện cáo, và chia rẽ nhau: Lẽ ra khán giả đến với Chúa Giêsu để được nghe những Lời mang lại sự sống, nhưng một người trong trình thuật hôm nay muốn nhờ thế giá của Chúa Giêsu để được chia gia tài từ anh mình. Chúa Giêsu từ chối lời yêu cầu của anh, và Ngài cảnh cáo anh về tội quá lệ thuộc vào của cải: “Không phải vì của cải mà con người tìm được hạnh phúc.”
(2) Lòng tham của cải làm con người tích trữ những điều không cần thiết: Rồi người mời gọi họ suy nghĩ về cuộc đời bằng một câu truyện thực tế: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”
3.2/ Con người không tránh được cái chết: Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Cái chết có thể đến với con người bất cứ lúc nào, vì mạng sống của con người nằm trong tay Thiên Chúa. Nếu một người dành cả cuộc đời để vất vả lao nhọc hầu tìm cho mình những lợi nhuận vật chất, mà không lo tích trữ cho mình những của cải trên trời, để rồi khi Thiên Chúa gọi anh về, anh được lợi gì đâu? Anh sẽ mất hết của cải đã tạo dựng được và mất luôn sự sống vĩnh cửu, vì đã không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi sự trên đời này chỉ là phù vân. Khi thần chết tới, nó lấy đi tất cả những gì của con người. Chúng ta đừng cậy vào bất cứ điều gì của thế gian này.
- Đức Kitô là niềm hy vọng của cuộc đời, vì Ngài mang lại sự sống đời đời cho chúng ta. Chúng ta hãy sống và hành động theo gương của Ngài.
- Chúng ta phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm. Chúng ta phải biết tích trữ cho mình những của không hư nát trên trời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

31/07/16 CHÚA NHT TUN 18 TN – C
Lc 12,13-21

Suy nim: Oprah Winfrey là n hoàng truyn hình ca M, cũng là n hoàng t thin ca nhiu chương trình, nht là tng hc bng cho các tr em, thiếu n nghèo Phi Châu. Bà là người hùng, hình mu vĩ đi ca rt nhiu người vì s chia s hào phóng y. Bà nói v chuyn giàu có như sau: “Tôi d chu vì nhng gì s giàu có mang li, thế nhưng s giàu có y không thay đi được điu tôi là ai. Chân tôi vn trên mt đt. Ch có điu tôi mang đôi giày tt hơn thôi. Người phú h trong bài Tin Mng không hành x được như vy, ông ch mãi mê thu tích cho riêng mình. Ch trong mt đon văn ngn, ta nhn ra năm ln ch “mình” ca ông. Cái nhìn ca ông v cuc đi quá hn hp, ch thu gn nơi vic có nhiu ca ci đ hưởng th, mà quên mt phi tường trình cho Chúa v vic s dng ca ci y trong ngày cui đi.
Mi Bn: “Khi gi sau cùng ca bn giáng xung, bn ch nên da vào điu bn đã tr thành (nhà văn St. Exupéry). Vi Chúa, bn giàu có không phi vì có nhiu, nhưng vì đã cho đi nhiu. Càng cho đi nhiu, bn càng tr thành Ki-tô hu rõ nét hơn.
Sng Li Chúa: Tôi chăm ch hc hành, làm vic, đ có nhiu tin lo cho cuc sng, nhưng không quên s dng tin ca y đúng như ý Chúa mun.
Cu nguyn: Ly Chúa Giê-su, khi chn cuc sng nghèo khó ca đi đa s người dân lao đng, Chúa mun chia s thân phn kiếp người vi chúng con. Xin cho chúng con, khi n lc làm vic đ kiếm tin, ý thc tin ca y không phi ch đ mua sm, hưởng th, nhưng còn đ chia s vi người nghèo. Amen.

NHNG KHO LN HƠN
Người giàu đáng yêu trước mt Thiên Chúa là người biết m kho đ trao đi và thy Thiên Chúa liên tc làm cho kho mình đy li. 


Suy nim:
Cái kho là quan trọng.
Kho bạc quan trọng đối với một đất nước.
Kho lẫm cần cho người làm nghề nông.
Mỗi gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng.
Có thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân hàng.
Mọi lợi nhuận đều thu vào kho.
Ai cũng muốn cho kho của mình bành trướng.
Sau một vụ mùa bội thu,
mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ trong dụ ngôn
là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình,
vì những kho cũ không đủ sức chứa nữa.
Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp này:
phá những kho cũ, làm những kho mới lớn hơn,
rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó,
khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm.
Khi nhà kho đã an toàn
thì tương lai của ông vững vàng ổn định.
Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm.
Những cái kho lớn cho ông tha hồ vui chơi, ăn uống.
Ông thấy mình chẳng cần đến Chúa, chẳng cần đến ai.
Của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc.
Những cái kho là nơi ông đặt lòng mình (x. Lc 12,34).
Xin đừng ai xâm phạm vào chỗ thiêng liêng ấy.
Kho là nơi của cải đổ vào, sinh sôi nẩy nở.
Kho không phải là chỗ chia sẻ cho người khác.
Ông phú hộ sống cô độc, khép kín như cánh cửa kho.
Ông sống với cái kho, sống nhờ cái kho.
Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan,
nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya,
hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả.
Cái kho không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ.
Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay.
Ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều kho.
Có thể chúng ta ôm mộng làm giàu hay đang giàu lên,
chúng ta định nới kho cũ hay xây kho mới.
Chúng ta chăm chút cái kho cho con cháu mai này.
Thật ra của cải không xấu, xây kho cũng không xấu.
“Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”  (12,15).
Phải mở rộng những cánh cửa kho của mình,
để kho không phải chỉ là nơi tích trữ cho tôi,
nhưng là phương tiện để tôi giúp đỡ tha nhân.
Ðừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích.
Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa
là người biết mở kho để trao đi
và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại.
Làm thế nào để khi ra trước toà Chúa,
chúng ta thấy kho của mình trống trơn
vì vừa mới cho đi tất cả.
Cầu nguyn:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm về cảnh người nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen. 

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG BẢY
Ngay Cả Sự Chết Cũng Phục Vụ Cho Sự Sống
Chúng ta nhận thấy Cựu Ước – trong khi nhìn nhận sự có mặt của nhiều loại sự dữ và đau khổ trong đời – đã làm chứng hùng hồn rằng sự khôn ngoan và lòng từ ái của Thiên Chúa (biểu hiện qua sự quan phòng thần linh của Ngài) tất thắng trên mọi sự dữ và đau khổ.
Cảm nhận này được trình bày trong Sách Gióp, cuốn sách xoáy trọn vào chủ đề sự dữ và tiếng kêu ai oán thất vọng. Cuốn sách quan trọng này (về chủ đề sự dữ) đôi khi được thấy như một kiểm nghiệm hùng hồn ‘đo lòng’ người công chính. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh phụ thuộc của quyển sách mà thôi. Cốt lõi của quyển sách chính là sự đúc kết vừa rõ ràng vừa công phu của tác giả rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Qua Sách Gióp, chúng ta nắm bắt những giới hạn và bản chất phù du của mọi tạo vật. Chúng ta nhận ra rằng một số hình thức của sự dữ thể lý có thể là do bản chất sa ngã của thế giới gây ra.
Chúng ta cũng ý thức rằng tất cả những gì thuộc vật chất đều ở trong một mối quan hệ hỗ tương gần gũi nhau – như câu nói xưa: “Đây chết thì kia sống”. Như vậy, xét một mức nào đó, ngay cả sự chết cũng phục vụ cho sự sống. Qui luật này cũng không loại trừ con người – vì con người vừa là xác thịt vừa là tinh thần, vừa khả diệt vừa bất tử.
Trong chiều hướng này, những ý tưởng của Thánh Phao-lô càng vén mở các chân trời rộng hơn nữa: “Dù con người bên ngoài chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2Cr 4,16). Rồi ngài nói thêm: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 31 - 7
Chúa Nhật XVIII Thường niên
Gv 1,2;2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21.

Lời suy niệm: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
Nhân cơ hội có người đến thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.”. Đây là một thói quen của người Do-thái, cũng là cách người này tôn Chúa Giêsu là một tôn sư. Nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận thói quen này, cũng như không chấp nhận vai tôn sư của người này tuyên xưng. Bởi vậy Chúa Giêsu đã từ chối, không muốn tham gia vào những tranh chấp về của cải và tiền bạc. Chúa đã đưa ra một dụ ngôn, để chỉ dạy cho những người đang đi theo Chúa phải có thái dộ nào đối với của cải vật chất.
Lạy Chúa Giêsu. tiền tài và vật chất đã nhiều lần làm cho tâm hồn chúng con ra mê muội, chỉ nghĩ đến việc tranh chấp, làm mất đi tình nghĩa anh em và bà con lối xóm. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết đặt tình thương và sự hy sinh trước mọi sự, để được sống hạnh phúc và bình an cho tâm hồn.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 31-07: Thánh IGNATIÔ LOYOLA
Linh Mục (1491 - 1556)

Don Inigo Lopez de Recalde sinh khoảng năm 1481 tại miền đồi núi Basque gần làng Azpeytia. Ngài là con út trong số 11 người con của một gia đình quí tộc. Được rửa tội với tên Inigo, một vị thánh Tây Ban Nha dòng thánh Bênêdictô, nhưng sau này Ngài thường dùng tên Ignatiô thành Antiokia. Hồi còn niên thiếu, người giúp việc cho một người bạn quí tộc của một gia đình là Giuan Velasquez. Sau khi Velasquez từ trần, Ngài lại phục vụ bá tước Najera, phó vương miền Navarre. Ngài được giáo dục một cách hời hợt. Thời đó, Ngài chỉ ham chơi, thích những chuyện hào hùng, nhất là những ngày lễ duyệt binh.
Trong cuộc chiến Pháp, Tây Ban Nha tháng năm 1521 quân đội pháp đã vượt núi Pyrênê và tới phong tỏa Pampeluna. Nhiều người đã tính chuyện đầu hàng, nhưng Ignatiô quyết cầm cự. Trong cơn bão tố tại pháo đài Ignatiô bị trúng đạn pháo ở đùi, Ngài được chuyển về lâu đài ỏ Loyola. Nơi dây người ta khám phá ra rằng xương đùi đã bị xếp trật, phải mổ ra và sắp xếp lại. Ngài đã can đảm chịu đựng cơn đau.
Thời gian dưỡng bệnh lâu dài tiếp theo sau đó, không có sách vở gì khác, Ignatiô dùng thời gian để đọc hạnh các thánh. Gương mẫu đời sống các thánh làm mủi lòng Ignatiô. Ngài nói: - Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phaxicô và Dominico đã làm chăng ?
Năm 1522, sau khi bình phục, Ngài đi hành hương kính Đức bà Montserrat. Nơi đây Ngài đã thực hiện cuộc xưng tội trong ba ngày, trao tặng đồ hiệp sĩ cho một kẻ ăn xin, đặt gươm trên bàn thờ Đức Mẹ và tới thành Manresa kế cận để phục vụ trong một nhà thương. Đã một thời Ngài bị nguy hiểm rơi vào một cuộc khổ hạnh quá độ. Ngài Ngài đã thoát hiểm nhờ sự vâng phục hoàn tòan đối với cha giải tội. Chính tại Manresa, Ngài được Thiên Chúa soi sáng, sự soi sáng hứơng dẫn trọn những ngày còn lại của cuộc đời Ngài. Ngài viết cuốn linh thao, trong đó vạch ra những nguyên tắc mà một người công giáo phải theo để "điều khiển đời sống mình" một đời sống nhằm ca tụng Chúa, tôn kính và phụng sự Ngài, để được cứu rỗi. Ngài phác họa một giáo thuyết của mình về sự chọn lựa và đòi hỏi để làm mọi sự để "vinh danh Chúa" (Ad Majorem dei gloriam)
Thánh nhân ở lại Manresa khoảng một năm và từ đó hành hương đi Palestina, trên đường đi có dừng lại ở Roma. Sau khi đã kính viếng các nơi thánh ở Palestina, Ngài trở về Barcelona. Nơi đây, dầu đã 30 tuổi, Ngài vẫn đến trường, ngồi chung ghế với các em nhỏ, để sữa chữa lại kẽ hở trong việc học hành, cho tới khi Ngài có thể dự lớp tại đại học Alcala và Salamanca. Tại cả hai nơi này, đã Ngài bị truy tố ra tòa án tôn giáo và bị tống giam ít ngày. Nhưng cuối cùng giáo thuyết của Ngài đã thắng.
Năm 1528, Ngài bỏ Salamanca đi Paris và Sorbonne. Ngài ở Paris 7 năm, nơi đây Ngài tụ họp được sáu môn sinh đầu tiên. Vào ngày lễ Mông Triệu năm 1534 bảy anh em đã long trọng hiến thân phụng sự Thiên Chúa, khấn giữ đức nghèo khó và trong sạch, tại đền thờ thánh Denis tại Montmartre. Lúc đó, họ dự định đi Giêrusalem và hiến thân cho việc cứu rỗi các linh hồn trong các miền còn ngoại giáo.
Ignatiô trở về Tây Ban Nha. Năm 1535, tu hội đã lên tới 10 người. Họ gặp nhau ở Venitia, định cùng đáp tàu đi hành hương thánh địa. Nhưng tình hình miền Đông Địa Trug Hải không cho phép. Bù lại một số đi Roma, để Ignatiô tại Venitia. Đức giáo hoàng Phaolô III ưu ái tiếp họ. Trở lại Ventia, họ mang theo phép của Đức Giáo hoàng cho Ignatiô và 6 anh em được thụ phong linh mục.
Một năm sau, thấy rằng: không thể tới thánh địa được, Ignatiô kết luận rằng ý Chúa không muốn cuộc hành hương này. Thay vào đó, Ngài đặt tu hội dưới danh hiệu "dòng Chúa Giêsu" dưới quyền xử dụng của toà thánh. Họ đi Roma và Ignatiô dâng thánh lễ đầu tiên ở đầu vào dịp lễ Giáng sinh năm 1538 tại đền thờ Đức Bà cả, Ngài soạn thảo hiến pháp của dòng mới và đến trình diện Đức giáo hoàng Phaolô III. Đức giáo hoàng đã phát biểu khi gặp họ: - Đây là bàn tay Thiên Chúa.
Và trong sắc lệnh Regimini Militantis Ecclesioe, ban hành tháng 9 năm 1540 Ngài đã chính thức công nhận hội dòng. Hội dòng thêm vào đó 3 lời khấn: nghèo khó, vâng lời, trong sạch, lời khấn đặc biệt vâng phục Đức giáo hoàng.
Trong hiến pháp đầu tiên, hội dòng giới hạn con số có 60 tu sĩ. Ignatiô được đồng thanh bầu làm bề trên ngày 7 tháng 4 năm 1541. Luật hạn định tu sĩ vào số 60 được rút lại bởi sắc lệnh của Đức giáo hoàng ngày 15 tháng 3 năm 1543.
Ignatiô khó rời bỏ Roma cho đến cuối đời. Nhưng hội dòng đã lan rộng tới mọi miền trên thế giới, dưới quyền hướng dẫn của Ngài như một phép lạ, khi Ngài từ trần vào ngày 3 tháng 7 năm 1556, hội dòng đã có 12 tỉnh dòng với 101 nhà và gần 1000 phần tử.
Thánh Ignatiô được suy tôn hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622.
(daminhvn.net)


31 Tháng Bảy
Tiếng Kêu Của Ếch
Một vị ẩn sĩ đạo đức nọ nổi tiếng là người có thể sai khiến được thú vật.
Một buổi tối nọ, ông đang tịnh niệm cầu nguyện, một con ếch không biết từ đâu cất tiếng kêu lên inh ỏi. Vị ẩn sĩ cố gắng tập trung ý chí vào lời cầu nguyện để không còn nghe tiếng ếch kêu nữa. Nhưng ông càng cố gắng, tiếng ếch càng kêu to. Không còn tự chế được nữa, vị ẩn sĩ quát lên: "Hãy câm miệng cho ta cầu nguyện được không?".
Mệnh lệnh đầy uy lực của nhà ẩn sĩ đã bịt miệng được chú ếch. Thinh lặng trở lại với không gian. Nhưng cũng chính lúc đó, nhà ẩn sĩ như nghe vang vọng trong tâm hồn ông một tiếng kêu khác. Ông nghe như có người nói với ông rằng: "Có lẽ Chúa cũng ưa thích tiếng kêu của ếch như lời cầu kinh của ngươi". Vị ẩn sĩ hỏi vặn lại: "Tiếng kêu của ếch mà cũng làm cho lỗ tai của Chúa vui được sao?". Tiếng kêu trong tâm hồn ông đáp trả: "Vậy thì ngươi có biết tại sao Chúa tạo ra âm thanh không?".
Vị ẩn sĩ chợt hiểu được bài học từ trong nội tâm... Ông đến bên cửa sổ và ra lệnh cho chú ếch: "Nào, hãy hát lên đi". Tiếng kêu của chú ếch vang lên, mấy chú ếch xung quanh cũng hòa theo một nhịp tạo thành một bài ca lúc trầm lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc tha thiết... Ðêm vắng bỗng trở nên vui hơn.
Với sự khám phá trên đây, trái tim của nhà ẩn sĩ bỗng trở nên hài hòa với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là cầu nguyện.
Sự cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành cho cuộc sống con người... Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục đích của các ngôi thánh đường.
Tuy nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó trong một khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay trên chợ đời.
Thành ra, lời cầu nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống "xin vâng" trong từng phút giây.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét