Diễn từ của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 800 năm ơn Tha Thứ tại Assisi
8/4/2016
8/4/2016
Lúc 3h chiều ngày 4 tháng 8,
Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng trực thăng để đến đến hành hương tại
Porziuncola, là ngôi thánh đường nhỏ ở bên trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ
các Thiên Thần của các cha dòng Phanxicô gần Assisi.
Cuộc hành hương diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 800 năm ơn Tha Thứ tại Assisi. Năm 1216, trong một thị kiến, thánh Phanxicô được chính Chúa Giêsu ban ơn toàn xá. Ngài đã xin và được Đức Thánh Cha Ônôriô III phê chuẩn ơn toàn xá đặc biệt cho người dân vùng Assisi trong năm đó.
Lúc 3:40, Đức Thánh Cha đến Assisi và lúc quá 4h ngài đã trình bày diễn từ sau trước các Giám Mục miền Umbria và đông đảo các tín hữu.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, trước hết, tôi muốn nhắc nhớ lại những lời, mà theo một truyền thống cổ kính, Thánh Phanxicô đã nói ở chính nơi này trước sự hiện diện của tất cả các dân làng và các giám mục: “Tôi muốn gửi tất cả các bạn lên thiên đàng!”. Còn điều gì tốt hơn mà những người dân nghèo vùng Assisi có thể kêu xin, nếu không phải là ân sủng của sự cứu rỗi, sự sống đời đời và niềm vui bất tận, mà Chúa Giêsu đã giành được cho chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Ngài?
Bên cạnh đó, thiên đường là gì nếu không phải là mầu nhiệm tình yêu mãi mãi liên kết chúng ta với Thiên Chúa, để chiêm ngưỡng Ngài đến muôn đời? Giáo Hội luôn tuyên xưng điều này bằng cách thể hiện niềm tin của mình nơi sự hiệp thông với các thánh. Chúng ta không bao giờ cô đơn trong đời sống đức tin; chúng ta sống đức tin trong sự hiệp thông với tất cả các thánh và những người thân yêu của chúng ta đã thực hành niềm tin với niềm hân hoan đơn sơ và làm chứng cho niềm tin ấy qua cuộc sống của họ. Có một mối liên kết, tuy vô hình nhưng không vì thế mà kém phần hiện thực, làm cho chúng ta, qua phép rửa, trở nên “một thân thể” duy nhất được di chuyển bởi “một Thần Khí” (Eph 4: 4). Khi Thánh Phanxicô xin Đức Thánh Cha Ônôriô III ban ơn toàn xá cho tất cả những ai đến thăm Porziuncula, có lẽ ngài đang suy nghĩ đến những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14:2-3)
Sự tha thứ - ơn được thứ tha - chắc chắn là con đường trực tiếp của chúng ta để có một nơi ở trên trời. Ở đây, tại Porziuncola này, mọi thứ đều nói với chúng ta về sự tha thứ! Thật là một ân sủng tuyệt vời Chúa đã ban cho chúng ta khi Ngài dạy chúng ta tha thứ và qua đó chạm vào lòng thương xót của Cha! Chúng ta vừa nghe dụ ngôn Chúa Giêsu dạy chúng ta tha thứ (x Mt 18: 21-35). Tại sao chúng ta phải tha thứ cho một người đã xúc phạm chúng ta? Bởi vì chúng ta đã được tha thứ trước tiên, và quá nhiều. Dụ ngôn nói chính xác điều này: như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng nên tha thứ cho những người làm hại chúng ta. Kinh Lạy Cha, mà Chúa Giêsu dạy chúng ta, cũng nói như thế: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Các khoản nợ là tội lỗi của chúng ta trước mặt Chúa, và những kẻ có nợ chúng ta là những người mà, về phần chúng ta, phải tha thứ cho họ.
Mỗi người chúng ta đều có thể trở thành người tôi tớ trong dụ ngôn là người mắc nợ chủ quá nhiều đến mức vô phương có thể trả được nợ. Khi chúng ta quỳ trước linh mục giải tội, chúng ta làm chính xác những gì người tôi tớ ấy đã làm. Chúng ta nói, “Lạy Chúa, xin kiên nhẫn với con.” Chúng ta nhận thức ra nhiều lỗi lầm của chúng ta và cũng nhận thức được một thực tế là chúng ta thường rơi trở lại vào cùng những tội như trước. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi ban ơn tha thứ của Ngài mỗi lần chúng ta cầu xin. Sự thứ tha của Ngài là một sự tha thứ đầy đủ và hoàn chỉnh, bảo đảm với chúng ta rằng, thậm chí nếu chúng ta rơi trở lại vào cùng những tội lỗi như trước, Ngài luôn có lòng thương xót và không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta. Giống như những người chủ trong dụ ngôn, Chúa cảm thấy trắc ẩn, một tổng hợp của lòng thương xót và tình yêu; đó là cách Tin Mừng mô tả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Cha của chúng ta trắc ẩn bất cứ khi nào chúng ta sám hối, và Ngài đưa chúng ta về nhà với con tim thanh thản và bình an. Ngài nói với chúng ta rằng tất cả đều đã được đền bù và tha thứ. Sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn; lớn hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng ra và được ban cho tất cả những ai nhận thức được trong trái tim họ là họ đã làm sai và mong muốn quay trở lại với Ngài. Thiên Chúa tìm kiếm những tâm hồn mong chờ ơn tha thứ.
Chẳng may là vấn đề xảy ra bất cứ khi nào chúng ta phải đối phó với một người anh em hay chị em đã xúc phạm đến chúng ta một chút. Phản ứng này được mô tả trong dụ ngôn một cách hoàn hảo: “Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’” (Mt 18:28). Ở đây chúng ta chứng kiến tất cả bi hài kịch trong các mối quan hệ của con người. Khi chúng ta đang mắc nợ người khác, chúng ta trông chờ lòng thương xót; nhưng khi những người khác mích lòng chúng ta, chúng ta kêu đòi công lý! Đây là một phản ứng không xứng đáng với các môn đệ của Chúa Kitô, cũng không phải là dấu chỉ của một phong cách Kitô trong cuộc sống. Chúa Giêsu dạy chúng ta tha thứ và phải làm như thế vô tận: “Thầy không nói phải tha thứ đến bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy” (câu 22).. Những gì Chúa Giêsu ban cho chúng ta là tình yêu của Chúa Cha, chứ không phải là công lý mà chúng ta kêu đòi. Chỉ tin tưởng vào công lý mà thôi thì không phải là dấu chỉ cho thấy chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô, là những người đã nhận được lòng thương xót dưới chân thập giá hoàn toàn nhờ vào tình yêu của Chúa Con với Chúa Cha. Chúng ta đừng quên câu nói nghiêm khắc vào cuối dụ ngôn: “Vì vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (câu 35)..
Anh chị em thân mến,
Sự tha thứ mà Thánh Phanxicô biến mình thành một “máng chuyển” ở đây, tại Porziuncola này, tiếp tục “mang lại thiên đường” cho chúng ta cả sau tám thế kỷ. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, điều trở thành rõ ràng hơn bao giờ hết là con đường của sự tha thứ đích thực có thể canh tân Giáo Hội và thế giới. Mang đến cho thế giới ngày nay những chứng tá của lòng thương xót là một nhiệm vụ không ai trong chúng ta có thể cảm thấy được miễn trừ. Thế giới cần sự tha thứ khi quá nhiều người đang bị lôi cuốn vào những bến bờ oán giận và hận thù, bởi vì họ không có khả năng thứ tha. Họ hủy hoại cuộc sống riêng của mình và cuộc sống của những xung quanh họ hơn là tìm kiếm niềm vui của sự thanh thản và bình an. Chúng ta hãy xin Thánh Phanxicô cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, để chúng ta có thể luôn luôn là dấu chỉ khiêm tốn của sự tha thứ và là máng chuyển của lòng thương xót.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét