04/09/2016
Chúa Nhật
tuần 23 thường niên năm C
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 23 Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Kn 9,13-18; Plm 9b-10.12-17;
Lc 14,25-33)
Lc 14,25-33)
CHỦ ĐỀ:
TỪ BỎ MỌI SỰ để LÀM MÔN ĐỆ CHÚA
TỪ BỎ MỌI SỰ để LÀM MÔN ĐỆ CHÚA
“Ai trong anh em
không từ bỏ hết những gì mình có,
thì không thể làm môn đệ tôi được”
(Lc 14,33)
không từ bỏ hết những gì mình có,
thì không thể làm môn đệ tôi được”
(Lc 14,33)
I. CÁC BÀI
ĐỌC
Các bài đọc hôm này nói về ý
định cứu độ của Thiên Chúa, với những cách thế cụ thể con người cần làm, sự
chọn lựa tận căn và cái giá cần trả đến mức từ bỏ mọi sự để được hưởng ơn cứu
độ của Thiên Chúa.
1.
Bài đọc I (Kn 9,13-18)
Bài đọc 1 trích từ sách Khôn
Ngoan cho thấy tình trạng con người đứng trước chương trình cứu độ của Thiên
Chúa. Con người yếu đuối và giới hạn, chưa thể hiểu được những gì xảy ra ở hạ
giới thì làm sao hiểu nổi ý định của Thiên Chúa để nhận được ơn cứu độ. Mặc dù
ý định và chương trình cứu độ của Thiên Chúa nằm trong bối cảnh của con người
và con người có thể nắm bắt được bằng trí khôn ngoan của mình, nhưng để thấu
hiểu được điều đó, phải nhờ vào Đức Khôn Ngoan và Thần Khí Thánh của Người.
Thật vậy, khả năng tự nhiên
của con người không thể nắm bắt được ý định cứu độ của Thiên Chúa. Điều
này được diễn tả ra bằng năm điểm cụ thể. Trước hết, suy tư của con người rất
giới hạn nên không thể có sự hiểu biết thần linh, nếu không được mặc khải cho.
Thứ hai, chính vì thế, Thiên Chúa sẽ gửi Đức Khôn ngoan và Thần Khí tới để soi
sáng cho con người. Thứ ba, Đức Khôn Ngoan và Thần Khí sẽ chỉ dạy cho con người
con đường, sự thật và sự sống, như Đức Giêsu sẽ hứa trong thời của Người rằng
Người sẽ sai Thần Khí đến để dạy con người mọi sự và giúp thông hiểu những gì
Người đã nói và đã làm. Thứ tư, nhờ Thần Khí hướng dẫn, con người biết
cách thế làm đẹp lòng Thiên Chúa. Cuối cùng, nhờ Đức Khôn Ngoan và Thần Khí Thánh
của Thiên Chúa, con người sẽ biết cách sửa đổi đời sống và nhờ đó mà được cứu
độ.
Hình ảnh và vai trò của Đức
Khôn Ngoan ở đây chính là hình ảnh và vai trò của Đức Giêsu, Ngôi Lời và Sự
Khôn Ngoan của Thiên Chúa; và Thần Khí Thánh ở đây chính là Chúa Thánh Thần
trong thời Tân Ước.
2.
Bài đọc II (Plm 9b-10.12-17)
Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô
cho thấy rằng nhờ Phép Rửa, người Kitô hữu đã có một sự thay đổi tận căn, biết
tha thứ và đón nhận nhau để thiết lập một tương quan mới nhân danh Đức Giêsu
Kitô. Thật vậy, thánh Phaolô đã nâng đỡ cho người tân tòng Ônêximô, và nhân
danh lòng bác ái Kitô giáo mà xin ông chủ cũ của anh là Philêmôn tha thứ cho
anh. Ônêximô trước đây là nô lệ của Philêmôn, đã trốn đi vì làm thiệt hại tài
sản và mắc nợ ông chủ (x. Plm 18). Sau khi anh này trở thành Kitô hữu, thánh
Phaolô đã gửi anh ta về cho chủ và xin ông hãy đón nhận anh không phải như một
nô lệ, mà là như một người anh em trong Đức Kitô.
Thánh Phaolô xin Philêmôn thực
hiện điều đó, không phải dựa trên uy quyền, nhưng dựa trên tình người và tình
anh em đồng đạo trong Chúa. Hơn nữa, thánh Phaolô cũng tin rằng với sự hoán cải
và được trở thành người Kitô hữu, Ônêximô đã thực sự thay đổi lối sống, không
còn giả dối, tham lam hay trộm cắp, mà đã trở thành một con người mới khả tín,
có thể cộng tác trong công việc và thiết lập tương quan mới: trở nên anh em rất
thân mến trong gia đình Giáo Hội. Đáp lại, vì trở nên người anh em, dù Ônêximô
vẫn quay lại công việc thường ngày là phục vụ ông chủ, nhưng không phải tinh
thần của một người nô lệ, nhưng là tinh thần của người anh em trong một gia
đình mới.
Như thế, nhờ được trở nên Kitô
hữu, con người được Thiên Chúa cứu độ, được biến đổi mọi mặt: cả tư cách, tương
quan và nhất là có lối sống xứng hợp với hoa trái của Thần Khí; đồng thời, có
thể có khả năng đáp trả những đòi hỏi từ Tin Mừng của Đức Giêsu, Ngôi Lời Khôn
Ngoan thượng trí của Thiên Chúa.
3.
Bài Tin Mừng (Lc 14,25-33)
Bài
Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh về cái giá phải trả để trở thành môn đệ Đức Giêsu,
hay nói rộng hơn là để trở thành người Kitô hữu. Trong bối cảnh có rất nhiều
người đi theo Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả đều vượt qua được ngưỡng cửa
cuối cùng để gia nhập vào “gia đình” của Người. Ngưỡng của cuối cùng và cũng là
điều kiện tiên quyết để trở thành môn đệ Đức Giêsu là sự “từ bỏ”: “Ai đến với Tôi mà không ghét [ghét ở đây là cách nhấn mạnh
của hành động từ bỏ; xem đoạn văn song song trong Mt 10,37tt: yêu cha mẹ,…
nhiều hơn yêu Chúa] cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả
mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Tôi được. Ai không vác thập giá mình
mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,25-33). Để
có thể làm môn đệ Đức Giêsu, người đó phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự, ngay cả những
tương quan mật thiết nhất và ngay cả “chính mình”. Điều này được thể hiện qua
việc “vác thập giá mình” nghĩa là sẵn sàng chịu đau khổ và chết, nhất là chết
cho cái tôi của mình, như cái giá phải trả cho việc đi theo Đức Giêsu. Đó là
điều rất khó, và điều sau cùng trở nên khó nhất vì người ta có thể từ bỏ được
nhiều thứ, nhưng rất khó bỏ “cái tôi” của mình. Như thế, mọi giá trị trần thế
trở nên tương đối trước sự chọn lựa theo Đức Giêsu, vì vậy cần đặt Đức Giêsu
lên trên mọi giá trị khác, qua việc chọn lựa và từ bỏ.
Đức Giêsu đã ví việc nhận thức
và chọn lựa điều cốt yếu để kiến thiết đời sống Kitô hữu với hai dụ ngôn: xây
tháp và đi chinh chiến. Dụ ngôn thứ nhất cho thấy cần phải tính trước cái giá
phải trả cho việc xây cất tháp. Người môn đệ cũng thế, cần phải thấy trước cái
giá mình phải trả trong việc kiến thiết đời sống của mình trên con đường bước
theo Đức Giêsu, và có thể ngầm hiểu cái giá cao nhất đó là từ bỏ mọi sự, ngay
cả mạng sống mình. Dụ ngôn thứ hai cho thấy vị vua ra đi chinh chiến phải lường
trước năng lực của mình, kể cả cái giá phải trả khi bước vào cuộc chiến, nơi mà
chỉ có một khả năng xảy ra: chiến thắng vinh quang hoặc chiến bại, đồng nghĩa
với mất mạng sống. Nếu ý thức được điều đó, vị vua đó sẽ có chọn lựa thích
đáng: chiến đấu hay cầu hòa; nghĩa là sẽ có một chọn lựa chính xác để bảo toàn
sự sống của mình. Vị vua này không thể xem vua kia vừa là bạn (cầu hòa) vừa là
thù (chiến đấu) được. Người môn đệ cũng vậy, không thể theo Đức Giêsu cách nửa
vời được.
II. GỢI Ý
MỤC VỤ
1.Con
người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài [Thiên Chúa], và nhờ Đức Khôn
Ngoan mà được cứu độ. Có khi nào chúng ta quá cậy
dựa vào sức mình qua những suy tư và hiểu biết về kiến thức Kinh Thánh, Thần
học hay giáo lý, để nghĩ rằng mình đã thông hiểu được ý định của Thiên Chúa hay
không? Đức Khôn Ngoan là Đức Giêsu Kitô và Thần Khí Thánh là Chúa Thánh Thần có
vai trò như thế nào đối với tôi trong đời sống đạo?
2. Xin hãy đón nhận Ônêximô, không
phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến. Khi đã
chịu Phép Rửa để trở thành Kitô hữu, mọi người trở nên anh em với nhau trong
một gia đình Giáo Hội có Đức Giêsu Kitô làm đầu. Vậy có khi nào chúng ta nhìn
về quá khứ đau buồn của một người nào đó để khinh miệt, hoặc có sự phân biệt
đối xử giai cấp, chủ tớ, sang hèn, giàu nghèo,… trong cộng đoàn, trong giáo xứ
của chúng ta hay không?
3. Ai không từ bỏ hết những gì
mình có thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai
muốn làm môn đệ Đức Giêsu, hoặc một Kitô hữu thực sự, thì cần phải biết các
điều kiện được đặt ra, và xét xem mình có khả năng đáp ứng được hay không. Đức
Giêsu muốn người ta đi theo Người cách ý thức và có cân nhắc, nếu không sẽ dừng
lại bỏ cuộc giữa đường thì chẳng được ích gì, thậm chí có hại cho bản thân
mình. Một trong những điều kiện tiên quyết, đó là từ bỏ ngay cả những gì cao
quý nhất: tương quan gia đình và cả bản thân mình. Đức Giêsu đã dạy người ta
yêu thương mọi người và thảo kính cha mẹ, nhưng điều này cho thấy mối tương
quan với Đức Giêsu phải được đặt ưu tiên hơn mọi tương quan khác. Vậy đối với
tôi, Đức Giêsu là ai và tôi đã đặt Người ở vị trí nào trong cuộc đời và trong
các mối tương quan của tôi?
III. LỜI
NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh
chị em thân mến! Từ bỏ mọi sự và vác thập giá hằng ngày là đòi hỏi tiên quyết
đối với những ai muốn trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Với niềm xác tín
và quyết tâm theo Chúa, chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin.
1. Thiên Chúa luôn ban
Thánh Thần để soi sáng và hướng dẫn Hội Thánh của Người. Chúng ta cùng cầu xin
cho Đức Giáo hoàng Phanxicô và các Đức Giám mục của chúng ta luôn chu toàn vai
trò lãnh đạo trong Hội Thánh theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
2. Hạnh phúc đích thực của con
người là được sống đúng với phẩm giá của mình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhà
cầm quyền các quốc gia trên thế giới biết tôn trọng tự do và phẩm giá con
người, luôn dành mọi ưu tiên cho lợi ích và hạnh phúc của người dân.
3. Chúa nói: “Ai không vác
thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.” Chúng ta cùng cầu
nguyện cho mọi Kitô hữu, cách riêng những người trẻ, luôn can đảm trước mọi thử
thách, biết dùng khả năng và nhiệt huyết Chúa ban để dấn thân phục vụ Tin Mừng.
4. Trong Đức Kitô, tất cả
các Kitô hữu đều hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ. Chúng ta cùng cầu
nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn đồng tâm nhất trí và tích
cực cộng tác với nhau trong những hoạt động nhằm xây dựng và mở mang Nước Trời.
Chủ tế: Lạy
Thiên Chúa toàn năng, Chúa luôn soi sáng và hướng dẫn chúng con bằng Thánh Thần
của Chúa, xin đoái thương nhận lời con cái khẩn cầu mà nâng đỡ chúng con trong
nỗ lực từ bỏ để trở nên môn đệ đích thực của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa. Người
hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lectio Divina: Chúa Nhật XXIII Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 4 Tháng 9, 2016
Các điều kiện để làm môn đệ của Chúa
Giêsu
Lc 14:25-33
Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa Toàn Năng ngự trên cao,
Chúa đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền
thờ Chúa ngự.
Xin Chúa hãy hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến
đá trong sa mạc,
để cho nước có thể chảy ào ra hầu làm dịu cơn khát của chúng
con.
Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con che phủ
chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe
được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình minh,
Xin Chúa hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên của Đấng Tuyệt Đối
Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí
Thánh, hương vị của kỷ niệm thánh.
1. BÀI ĐỌC
a) Phúc Âm:
25 Khi ấy, có nhiều đám đông
cùng đi với Chúa Giêsu. Người ngoảnh lại bảo họ rằng: 26 "Nếu
ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình, thì
không thể làm môn đệ Ta. 27 Còn ai không vác thập giá mình
mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. 28 "Và có
ai trong các ngươi muốn xây tháp, mà trước tiên lại không ngồi tính toán phí tổn
cần thiết, xem mình có đủ để hoàn tất không? 29 Kẻo lỡ ra,
đặt móng rồi mà không có khả năng hoàn tất, thì mọi người xem thế sẽ chế diễu
người đó rằng: 30 "Tên này khởi sự xây cất, mà không
hoàn thành nổi. 31 Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một
vua khác, mà trước tiên lại không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem một vạn
quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình
chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở
xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy,
bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm
môn đệ Ta được.”
b) Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Chúng ta hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.
2. SUY GẪM
a) Một vài câu hỏi gợi ý:
- Nếu ai đến với Ta mà không từ bỏ … thì người ấy không thể
làm môn đệ Ta: Có thật chúng ta phải đến độ tách rời chính mình với các mối
liên hệ trong lòng chúng ta: những tình cảm được nhận lãnh và cho đi, cả
mạng sống mình, để mà đi theo Chúa Giêsu không?
- Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì không thể
làm môn đệ Ta được: Tôi đã có được trong người lý lẽ của thập giá, đó là,
lý lẽ của tình yêu cho đi một cách tự ý chưa?
- Các phương tiện để hoàn tất điều này: Tôi có khả
năng để nghĩ rằng đời sống đức tin của tôi đã trưởng thành chưa hay là đó chỉ
là một lúc bốc đồng nội tâm rồi sẽ tàn lụi theo với thời gian và trôi qua với
các sự kiện trong cuộc sống hằng ngày của tôi mà thôi?
- Để tránh có những kẻ đứng ngoài chế diễu về một việc mới
bắt đầu: những ai đi theo Chúa thì được hưởng gì khi không có những nguồn
nhân lực để tiếp tục, đó là, sự chế nhạo vì kém khả năng, có sẽ áp dụng cho tôi
không?
- Không ai có thể làm môn đệ Ta trừ khi người ấy từ bỏ tất
cả của cải mình đang có: Tôi có tin rằng chìa khóa để làm môn đệ Chúa là
sự nghèo khó vô tài sản và chân phúc của khó nghèo không?
b) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Chúng ta là những người đi theo Chúa Giêsu, với tất cả những
hành lý của quá khứ của chúng ta. Là một trong số nhiều người, tên chúng
ta có thể không được biết đến. Nhưng khi Chúa ngoảnh lại và Lời của Người
đụng chạm vào nỗi đau của những mối quan hệ đã cột chặt các mảnh rời của đời sống
chúng ta, các câu hỏi được gói ghém trong một thung lũng của các âm vang cổ xưa
nhất và chỉ một câu trả lời khiêm tốn đến từ những hoang tàn đổ nát của các
công trình dở dang: Lạy Chúa, chúng con sẽ phải theo ai bây giờ? Chỉ
có Chúa mới có Lời ban sự sống đời đời.
Câu 25-26: Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi
với Chúa Giêsu. Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà
không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn
đệ Ta”. Chúa không quan tâm đến việc đếm xem có bao nhiêu người đến
với Chúa. Lời của Người rất mạnh mẽ và tỏ tường. Có ai mà không biết
được ý nghĩa của ghét bỏ không? Nếu tôi ghét một người nào, thì tôi sẽ
tránh xa người đó. Sự chọn lựa giữa Chúa và lòng thương mến cha mẹ là điều
đòi hỏi đầu tiên để làm môn đệ Chúa. Để học hỏi từ Chúa Kitô, thật là cần
thiết để đi tìm một lần nữa cốt lõi của mỗi tình yêu và sự quan tâm. Tình
yêu của một người đi theo Chúa không phải là một tình yêu chiếm hữu, mà là một
tình yêu của sự tự do. Đi theo một ai đó mà không cần có bất kỳ bảo đảm
như quan hệ huyết thống có thể có, đó là, mối quan hệ gia đình và huyết thống
gia tộc của người ấy, đó là, cuộc sống của một người, là môn đệ Chúa, một
nơi mà cuộc sống của Ơn Khôn Ngoan được phát sinh.
Câu 27: Còn ai không vác thập giá mình mà
đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Mối ràng buộc
duy nhất giúp chúng ta đi theo Chúa Giêsu là cây thập giá. Dấu hiệu này của
tình yêu không thể bị tước đoạt, có khả năng trở nên lời nói ngay cả khi mọi vật
trên thế gian đều im lặng bởi sự lên án và cái chết, là bài học của người Giáo
Sĩ Do Thái sinh ra tại một làng nhỏ nhất trong xứ Giuđêa.
Câu 28: Và có ai trong các ngươi muốn xây
tháp, mà trước tiên lại không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem mình có đủ
để hoàn tất không? Để xây một cái tháp, nó đòi hỏi một khoản tiền lớn lao
cho những ai có nguồn tài lực hạn chế. Một ý định tốt để xây thì chưa đủ,
người ta cần phải ngồi xuống, tính toán các chi phí, tìm phương cách để đưa dự
án đến hoàn tất. Đời sống con người không đầy đủ và mãn nguyện bởi vì dự
án càng lớn thì nợ càng chồng chất! Một dự án được thực hiện theo nhu cầu:
không biết cách tính toán những gì trong khả năng chúng ta để hoàn tất công việc
không phải là sự khôn ngoan của những ai sau khi đã cày xong thửa đất để chờ
cơn mưa, nhưng lại thiếu hiểu biết về cách thu hoa lợi từ những hạt giống được
ném vào giữa sỏi đá và các bụi gai, lại không ra công tìm cách xới tơi miếng đất.
Câu 29-30: Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không
có khả năng hoàn tất, thì mọi người xem thế sẽ chế diễu người đó rằng:
"Tên này khởi sự xây cất, mà không hoàn thành nổi”. Sự
chế diễu của các người khác ví như cát được sàng lọc trên những cảm giác niềm
hy vọng của người muốn tự mình với cao, là phần thưởng cho ai có tính kiêu căng
khoác lên mình bộ áo nhân đức. Có bao nhiêu sự bẽ mặt mà chúng ta không
mang trên người, nhưng số hoa trái chúng ta thu nhặt được thì quá it ỏi so với
biết bao kinh nghiệm đớn đau! Đặt móng rồi mà sau đó không hoàn tất được
công trình thì thật là vô ích. Những ước vọng tiêu tan đôi khi là những
trợ giáo tốt cho lòng tự tin ngờ nghệch của chúng ta … nhưng chúng ta sẽ không
thể hiểu điều đó khi mà chúng ta còn cố gắng che đậy những thất bại và ảo tưởng
của mình khi thức giấc từ thế giới thần thoại của những giấc mơ thời ấu
thơ. Vâng, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy trở nên như con trẻ, nhưng một đứa
trẻ sẽ không bao giờ giả vờ xây một cái tháp “thật”! Đứa trẻ sẽ hạnh phúc
với một cái tháp nhỏ trên bãi biển, bởi vì đứa trẻ ấy biết rõ năng lực của
mình.
Câu 31-32: Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến
với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem một
vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?
Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ
đi cầu hoà. Không ai có thể thắng một cuộc chiến mà không cần gửi
đoàn sứ giả hòa bình đi trước. Điều kiện để tranh đấu cho quyền lợi tối
cao của nhà vua trên mọi người khác là không được phép chiến bại, bởi vì con
người không được kêu gọi để làm vua trị vì, nhưng để làm chúa tể hòa bình.
Tiếp cận với đối phương khi họ còn ở xa là dấu hiệu tốt đẹp nhất của sự
chiến thắng nơi mà không có người thắng cũng không có kẻ bại, nhưng tất cả đều
trở thành tôi tá của Đấng có quyền lực thực sự trên thế giới: hòa bình và sự
sung mãn của các tặng phẩm từ Thiên Chúa.
Câu 33: Cũng vậy, bất kỳ ai trong các
ngươi không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Ta được.
Nếu chúng ta xem xét cẩn thận các mối tội đầu, chúng ta sẽ khám phá ra chúng
trong cách thức sở hữu mà Đức Giêsu đã nói đến. Một người mà cuộc sống
mình dựa vào các tài sản của cải thì là một kẻ vô hạnh, là kẻ giả vờ có quyền lực
trên tất cả mọi thứ (tự phụ), tận hưởng một cuộc sống của hưởng thụ (dục vọng),
vượt quá những giới hạn của quyền cá nhân (giận dữ), đói khát các của cải vật
chất (mê ăn uống), ăn cắp của người khác (ganh tị), bo bo những thứ cho riêng
mình (tham lam), chiều chuộng bản thân quá độ mà không dấn thân làm bất cứ điều
gì (lười biếng). Người môn đệ, trái lại, đang đi trên lối của nhân đức sống
của những ân sủng từ Chúa Thánh Thần: Người ấy là người có sự hiểu biết về
việc của Thiên Chúa (ơn khôn ngoan) và chia sẻ nó mà không giữ lại cho riêng
mình, và đào sâu vào ý nghĩa thiết yếu của Đời Sống là gì (ơn hiểu biết), người
đã lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Linh (ơn biết lo liệu), và phản ảnh trên
mỗi sự nhận thức rõ ràng (ơn biết lo liệu), người cho phép chính mình được bảo
vệ bởi những giới hạn của bản thân (ơn dũng cảm) và không đầu hàng trước cám dỗ
của tội lỗi, người hiểu biết những bí mật của lịch sử (ơn hiểu biết) để xây dựng
những chân trời của sự tốt lành, người không tự cho mình có quyền tạo ra lý lẽ,
nhưng lại là người hoan nghênh việc can thiệp của Thiên Chúa (ơn đạo đức), người
xuất hiện từ vực thẳm của im lặng và biết ơn về những sự kỳ diệu của Đấng Hóa
Công (ơn kính sợ Thiên Chúa) mà không e ngại về sự nhỏ bé của mình. Vì thế,
người môn đệ là một người giống như Chúa Giêsu.
c) Suy gẫm Lời Chúa:
Trái tim của chúng ta là những tấm lưới làm bằng sự ràng buộc.
Chúng ta có những mối quan hệ chăm sóc ân cần và lòng biết ơn, những mối quan hệ
của tình yêu và sự lệ thuộc, những mối quan hệ bất tận với tất cả mọi thứ đã động
chạm đến cảm xúc của chúng ta. Chúa Giêsu nói về những mối liên hệ huyết tộc:
cha, mẹ, vợ, con cái, anh chị em, và những mối quan hệ với cuộc sống mà theo
tinh thần ngôn ngữ Do Thái Semitic được tượng trưng bằng máu. Nhưng trái
tim phải được thoát khỏi những ràng buộc này để đến với Chúa và tạo nên một mối
liên hệ mới mang lại cho cuộc sống bởi vì nó cho người ấy sự tự do được đích thực
là mình. Mọi người môn đệ chỉ có một nhiệm vụ: học hỏi và không phụ
thuộc vào ai. Các liên hệ huyết thống tạo nên sự phụ thuộc: áp lực
tình cảm thường xuyên ngăn trở người ta việc xây dựng tháp của sự tồn tại của họ
như thế nào? Thường xuyên các lời này đã được nghe: Nếu con thương
mẹ, thì hãy làm điều này! Hoặc: Nếu anh yêu em, thì đừng làm việc này
…? Đời sống tự nó có thể giam hãm bạn khi nó ràng buộc bạn vào những chuyện
không thích hợp vật chất hoặc tinh thần; vì thế làm ảnh hưởng đến câu chuyện phức
tạp của bạn, hoặc khi nó ràng buộc bạn đến nỗi bạn phải quyết định một cách kém
suy xét với một ý chí đã bị suy yếu bởi hàng ngàn các sự kiện và áp lực.
Cây thập giá không hề ràng buộc, nó thúc giục bạn tuôn đổ tất cả những gì bạn
có thể tuôn đổ ra: máu và nước, ngay cả đến giọt cuối cùng: tất cả đời sống bạn
như một món quà mà không mong đợi bất kỳ phần thưởng nào. Thuộc về hơn là
sở hữu là bí quyết của tình yêu cho không của Thầy và của các môn đệ. Bất
cứ ai đi theo Chúa Giêsu không chỉ là một môn đệ để tìm hiểu về một học thuyết,
mà còn trở nên một môn đệ yêu dấu, có khả năng thuật lại những kỳ công của
Thiên Chúa khi ngọn lửa Chúa Thánh Thần sẽ khiến người ấy thành ngọn lửa trên
cây nến cho thế gian.
3. CẦU NGUYỆN
Thánh Vịnh 22 (23)
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
4. CHIÊM NIỆM
Lạy Chúa, khi Chúa quay lại nhìn con, lời của Chúa thấu qua tâm
trí con và thách thức con với tất cả mọi sự thuộc về đời sống con. Nó như
là một cái kéo không ngại ngần nhưng nhẹ nhàng cắt đứt mọi quan hệ đã nuôi dưỡng
con và giúp con tiến bước. Và điều này là hành động thật đích xác và cần
thiết để phục hồi lại hơi thở hoàn toàn và sự tự do của con. Kinh Thánh
có nói trong những trang đầu tiên về nhân loại: Người nam sẽ lìa cha mẹ
mình và sẽ hướng tới một sự viên mãn mới, tất cả con người anh ta hướng tới sự
hợp nhất với một người, có khả năng kết sinh hoa trái và sự sống mới.
Nhưng chúng ta đã chưa nắm giữ được ý chính của dự án tuyệt vời này, một lời tạo
nên sự bất tiện bởi vì nó giống như những làn sóng của biển khơi nơi mà bạn
không thể để tự thả lỏng mình mà không có sự bảo đảm, Lời: sự chuyển động.
Sự sống không ngừng lại. Một tình yêu và một sự sống nhận được từ người
cha và người mẹ. Vâng, một tình yêu trọn vẹn, nhưng tình yêu ấy không giới
hạn chân trời. Người nam sẽ lìa bỏ … và sẽ đi … Một người nam và một
người nữ, hai nên một, con cái sẽ là khuôn mặt của tình yêu của họ, nhưng rồi
mai kia đến lượt chúng cũng sẽ lìa bỏ … nếu bạn dừng lại để níu lấy cuộc sống,
cuộc sống sẽ chết trong nắm tay của bạn. Và cùng với cuộc sống, giấc mơ
chưa trọn vẹn của bạn cũng sẽ chết, giấc mơ của một tình yêu vẹn toàn thì không
bao giờ cạn kiệt. Lay Chúa, xin ban cho chúng con hiểu rằng yêu mến là đi
theo, lắng nghe, đi, dừng lại, là đánh mất bản thân mình để tìm thấy chính mình
trong chuyển động của sự tự do đáp ứng mọi ước muốn cho việc sở hữu đời đời.
Xin Chúa đừng để con, vì ích lợi của việc sở hữu một phần của đời sống, mà đánh
mất đi niềm vui thuộc về đời sống, để đời sống thiêng liêng ấy đến rồi đi trong
con cho những người khác và từ những người khác cho con để làm cho ngày tháng
qua đi bằng những làn sóng của sự Tự Do và các ân sủng từ Thiên Chúa trong những
hạn chế của mỗi đời sống. Xin ban cho con luôn có thể là người môn đệ yêu
mến của sự sống chết dần của Chúa, có khả năng đón nhận di sản của tình cha con
và giám hộ, trong Chúa Thánh Thần, của tình mẫu tử rất đích thực.
SCĐ CHÚA NHỰT XXIII TN C
Chủ đề :
Ý thức cái giá phải trả khi làm môn đệ Chúa
Từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa (Lc
14,25-33)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : "Ai nào hiểu được Chúa muốn điều
chi ?" Cần phải được Chúa ban ơn khôn ngoan để có thể hiểu được ý định
của Ngài.
- Tin Mừng : Chúa Giêsu nói rõ ý định của Ngài : ai muốn
làm môn đệ Ngài thì phải sẵn sàng từ bỏ tất cả.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Mỗi ngày Chúa nhật khi chúng ta đến với Chúa, chúng ta đã được
nghe Chúa nói với chúng ta nhiều điều, những điều rất ngọt ngào, những điều rất
an ủi. Hôm nay Chúa sẽ nói với chúng ta một điều không ngọt ngào lắm :
Ngài muốn chúng ta phải hy sinh, phải từ bỏ.
Tại sao theo Chúa thì phải hy sinh và từ bỏ ? Và phải hy
sinh từ bỏ những gì ?
Chúng ta hãy chú ý nghe Chúa giải thích. Và xin Chúa giúp chúng
ta can đảm đáp lại lời kêu gọi của Ngài.
II. Gợi ý sám hối
- Phải chăng từ trước tới nay chúng ta đi theo Chúa vì tính toán
vụ lợi, nghĩa là chỉ để được Chúa ban cho ơn này ơn nọ ?
- Phải chăng chúng ta ít biết hy sinh ?
- Phải chăng chúng ta rất ngại từ bỏ ?
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Kn 9,13-18)
Sách Khôn ngoan sưu tập những suy nghĩ của nhiều thế hệ loài người
về những vấn đề căn bản. Đoạn trích hôm nay bàn về giới hạn của sự hiểu biết của
con người :
- Ngay cả những vấn đề thuộc hạ giới, tức là những vấn đề trong
tầm tay con người mà con người cũng phải rất nhọc công mới khám phá được, thậm
chí nhiều điều con người không hiểu nổi.
- Huống chi những vấn đề thuộc thượng giới, những vấn đề liên
quan đến cuộc sống đời đời.
- Vì thế, con người rất cần được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan để
biết đường lối của Chúa để mà đi theo và nhờ đó được ơn cứu độ.
2. Đáp ca (Tv 89)
Tv này triển khai những ý tưởng của bài đọc I :
- Thân phận con người rất mỏng manh : "như cỏ đồng trổi
mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn"
- Do đó con người kêu xin Chúa : "Xin dạy chúng con đếm
tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan"
3. Tin Mừng (Lc 14,25-33)
a. Khung cảnh : Khi ấy "Có rất nhiều người đi đường với
Chúa Giêsu" : họ đang cùng với Chúa Giêsu "tiến lên
Giêrusalem". Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến
thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Chúa Giêsu nói những lời tiếp
theo.
b. Đại ý Chúa Giêsu nói : Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu
("đi theo" Ngài) thì phải yêu mến Ngài hơn (diễn tả theo kiểu đặc biệt
sêmít là "ghét") tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ,
vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa.
c. Sau đó Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn : Một người xây
tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay
không. Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa
có nên giao chiến hay không. Cũng thế, nếu biết theo Chúa Giêsu phải chấp nhận
từ bỏ tất cả, thì trước khi theo phải tính toán cho kỹ.
4. Bài đọc II (Plm 9b-10.12-17) (Chủ đề phụ)
Đây là một phần của bức thư Phaolô viết cho một tín hữu của ngài
là Philêmon.
Hoàn cảnh : Khi ấy, một nô lệ của Philêmon tên là Ônêsimô bỏ
nhà trốn đi có lẽ sau khi đã ăn cắp một số tiền. Do hoàn cảnh nào đó đẩy đưa,
Ônêsimô gặp Phaolô đang ở tù. Ônêsimô xin theo đạo. Phaolô chấp thuận. Phaolô
cũng quyến luyến Ônêsimô muốn giữ anh lại với mình, nhưng không thể được. Vì thế
Phaolô quyết định gởi Ônêsimô về cho chủ. Nhưng Phaolô không gởi suông, mà cho
Tychique đi kèm và còn mang theo lá thư này nữa cho Philêmon trong đó Phaolô tế
nhị gợi ý Philêmon sẽ đón nhận Ônêsimô như một người anh em trong đức tin.
Nhưng Phaolô không hề lạm dụng tình nghĩa của Philêmon đối với mình để làm áp lực,
trái lại chỉ nhẹ nhàng gợi ý và hy vọng Philêmon sẽ vì lòng tốt mà làm việc đó.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Con đường theo Chúa
Thánh Luca mở đầu bài tường thuật này như sau :"Có rất
đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ". Trong ngôn ngữ Thánh
kinh, "đi theo" có nghĩa là làm môn đệ. Chúa Giêsu là ông thầy đi trước,
các môn đệ đi theo phía sau. Thông thường ông thầy chỉ cần đi trước cho các môn
đệ đi theo. Nhưng trong chuyện này Chúa Giêsu đã "quay lại bảo họ",
nghĩa là Ngài có điều quan trọng muốn dặn dò kỹ các môn đệ.
Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn dặn dò kỹ các môn đệ là
gì ? Đọc tiếp đoạn Tin mừng chúng ta thấy Chúa dặn dò 2 điều : một điều
tiêu cực là phải từ bỏ, một điều tích cực là phải vác thập giá. Chúng ta hãy
suy nghĩ về từng điều :
1. Điều thứ nhất là từ bỏ
a/ Tại sao làm môn đệ Chúa thì phải từ bỏ ? Vì đi theo Chúa
giống như đi leo núi. Nếu mang nhiều thứ cồng kềnh thì sẽ bận vướng nặng nề khiến
không leo nhanh được, thậm chí còn có thể bỏ cuộc.
b/ Vậy phải từ bỏ những gì ? Chúa Giêsu kể : phải bỏ
"cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình". Qua cách nói
"Cha mẹ, vợ con, anh chị em", ý Chúa muốn nói tới gia đình ; còn
qua chữ "mạng sống", ý Chúa muốn nói tới những gì thân thiết nhất của
mình. Nhưng ta hãy hiểu cho đúng ; Chúa không bảo người môn đệ phải bỏ những
thứ vừa kể một cách tiên thiên, mà là bỏ nếu như chúng làm bận vướng cho việc
đi theo Chúa. Gia đình là tốt, mạng sống là cần. Gắn bó với gia đình và tha thiết
với mạng sống không có gì là xấu cả. Tuy nhiên bất cứ khi nào mình cảm thấy 2
thứ đó trở thành bận vướng, hay bất cứ khi nào Chúa soi sáng cho ta thấy như vậy,
thì người môn đệ phải can đảm từ bỏ.
2. Điều quan trọng thứ hai mà Chúa Giêsu căn dặn chúng ta là vác
Thập giá
a/ Tại sao muốn đi theo Chúa thì nhất thiết phải với thập
giá ? Vì, như đã vừa nói ở phía trên, nếu đi theo Chúa giống như đi leo
núi, thì thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có
ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi,
có khi té ngã hay bỏ cuộc.
b/ Điều thứ hai này có liên quan tới điều thứ nhất : chúng
ta từ bỏ những thứ bận vướng là để mình có thể thong dong mà vác thập giá.
Chúng ta thường quên mất 2 việc rất quan trọng để thực sự xứng
đáng làm môn đệ Chúa :
a) Xưa nay chúng ta quen tìm kiếm để được thêm chứ ít khi nào
chủ động từ bỏ. Thỉnh thoảng có từ bỏ chỉ là vì miễn cưỡng, vì rán chịu vậy mà
thôi. Thí dụ khi chúng ta bị mất tiền, mất đồ đạc, khi một người thân chết.
b) Cũng thế xưa nay chúng ta không chủ động vác thánh giá. Thập
giá nào Chúa gởi thì chúng ta rán mà vác vậy thôi. Nguyên việc khám phá thứ nhất
này cũng cho thấy chúng ta chưa thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu. Người
môn đệ thật của Chúa phải chủ động từ bỏ và chủ động vác thập giá.
* 2. Đòi hỏi của tình yêu
Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi
trung thành của công tử Trùng Nhĩ.
Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người,
lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại
trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ
ăn.
Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới
Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.
Trùng Nhĩ dù sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt,
mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu,
hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân. Chúa
Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có mặt trên
cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả
chính mình để bước theo Người ?
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng : "Ai đến
với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa,
thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu
động từ "dứt bỏ" không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là "ít
hơn". Vì tiếng Hy Bá không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả
hơn kém người ta dùng lối văn đối ngẫu "yêu và bỏ". Thánh Matthêu hiểu
như vậy nên đã viết : "Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với
Thầy" (Mi 10,37).
Vậy ý của Chúa Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Người thì phải đặt
tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải
thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu : Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả
chính mình.
Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ của Người,
họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè ; họ vẫn phải yêu mến
chính bản thân mình ; họ cũng phải quí mến của cải như là những ơn lành
Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu
Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa
cũng phải đặt lại cho mình.
Nhưng có một cám dỗ rất nguy hiểm này, là Thiên Chúa thì linh
thiêng xa vời, mà con người và của cải thì sờ sờ trước mắt, lại hấp dẫn cuốn
hút lạ thường, nên người ta dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào mà chính mình
cũng chẳng hay biết. Vì thế, Chúa mới cảnh giác qua hai dụ ngôn "Xây
tháp" và "Cuộc giao chiến". Tháp đã khởi
công xây dựng, cuộc chiến đã bắt đầu, thì không thể ngồi xuống mà bàn tính. Phải
dồn vốn để xây tháp, phải dồn sức mà tấn công. Nhiều người đã khởi công nhưng
chẳng thành công, nhiều kẻ đã chiến đấu nhưng không chiến thắng.
Chúa muốn những kẻ theo Người phải trung thành trong tình yêu,
và dám sống chết với ơn gọi của mình. Người không chấp nhận "cầm
cày mà còn quay lại sau lưng". Thật vậy, những kẻ "đứng
núi này trông núi nọ" thường là những người bỏ cuộc, và những kẻ "bắt
cá hai tay" là những người thua thiệt nhiều nhất. Đúng như Pierre
Charles đã nói về họ : "Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà
lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi".
Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết
bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát.
Xin đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những
đòi hôi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ
hội giúp chúng con lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn. Amen. (TP)
* 3. Lời nói thẳng thắn
Dòng Thừa Sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta đã rất nổi tiếng,
nên có rất nhiều thiếu nữ xin gia nhập. Nhưng Mẹ Têrêsa rất thẳng thắn, Mẹ nói
với họ : "Công việc người nữ tu dòng này rất cực khổ : chúng tôi
phải phục vụ cho những người nghèo và những người vô gia cư. Chúng tôi phải làm
việc suốt 24 giờ mỗi ngày". Mẹ Têrêsa thẳng thắn như thế để các thiếu nữ ý
thức và cân nhắc cẩn thận trước khi gia nhập dòng.
Gia nhập "dòng" của Chúa Giêsu để làm môn đệ Ngài còn
cực khổ hơn nhiều. Vì thế Chúa Giêsu cũng rất thẳng thắn nói rõ cho những kẻ đi
theo Ngài : Ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải sẵn sàng từ bỏ tất cả và còn
phải vác thập giá mà theo.
Làm môn đệ Chúa không phải là bám theo một nhân vật quyền thế để
có ô dù che chở hay để chia xẻ vinh dự, mà là để sống theo gương Ngài : hy
sinh tất cả vì yêu thương mọi người.
Bởi đó người muốn làm môn đệ Chúa cần phải suy nghĩ kỹ xem mình
có thể đáp ứng được những đòi hỏi khó khăn ấy không. Như người xây tháp phải
suy nghĩ kỹ về khả năng tài chính của mình, như một ông vua trước khi xuất
chinh phải suy nghĩ kỹ về sức mạnh quân sự của mình.
Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ về khả năng đáp ứng của mình trước hai
đòi hỏi trên của Chúa Giêsu, chắc là chúng ta nản lòng không dám làm môn đệ của
Ngài nữa.
Tuy nhiên gương các tông đồ là một khích lệ cho chúng ta :
ban đầu các ông theo Chúa Giêsu mà không suy nghĩ gì nhiều ; nhiều lúc các
ông còn nghĩ rằng theo Chúa Giêsu thì sẽ được chia quyền chia thế trong nước mà
Ngài sẽ thành lập. Nhưng Chúa Giêsu từ từ thanh luyện suy nghĩ của các ông. Sau
ngày Chúa phục sinh, các ông mới hiểu rõ thế nào là làm môn đệ Chúa ; và
nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần các ông đã can đảm từ bỏ tất cả và vác thập giá của
mình đi theo Chúa một cách hăng hái và vui vẻ.
Hiện giờ chúng ta chưa đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của
Chúa về một người môn đệ. Nhưng ít ra ý thức của chúng ta về những đòi hỏi đó
cũng giúp chúng ta không đi theo Chúa vì những tính toán sai lệch. Nhìn gương
các tông đồ và tin tưởng vào sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta có thể can đảm từ
bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.
* 4. Người-đi-theo và người-môn-đệ
Trong đoạn Tin Mừng này, có những cụm từ rất ý nghĩa, đó là
"đi theo" và "làm môn đệ". Thánh Luca đã xử dụng những cụm
từ này rất khéo : "Khi ấy có rất đông người đi theo Chúa
Giêsu. Ngài quay lại bảo họ : Ai không dứt bỏ… thì không thể làm
môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình màđi theo tôi thì không
thể làm môn đệ tôi" → Rất đông người "đi theo" Chúa
Giêsu nhưng không phải tất cả đều là "môn đệ" Ngài ; chỉ những
ai đi theo mà từ bỏ và vác thập giá thì mới là môn đệ.
Người-đi-theo chưa hẳn là người-môn-đệ
Cũng như người-nói "Lạy Chúa lạy
Chúa" chưa hẳn là người-làm theo ý Chúa.
Cũng như người-đến-nhà-thờ chưa hẳn là người-tín-hữu.
Cũng như người-mang-danh kitô hữu chưa hẳn
là người-kitô-hữu.
Điều khiến người-nói thành người-làm, người-đến-nhà-thờ thành
người-tín-hữu, người-đi-theo thành người-môn-đệ, người-mang-danh-kitô-hữu thành
người-kitô-hữu-đích-thực, đó là từ bỏ vàvác thập giá.
Một trong những khiếm khuyết của Giáo Hội - và là khiếm khuyết lớn
nhất - đó là trong Giáo Hội có rất nhiều người-đi-theo Chúa Giêsu, nhưng rất ít
người-môn-đệ thực sự của Ngài.
* 5. Trả giá
Muốn làm việc gì cũng phải trả giá cho việc đó. Việc càng trọng
thì giá càng cao. Nhiều người không làm xong việc mình muốn làm là vì không dám
trả giá.
Antoinette là một cô gái rất đẹp nhưng rất nghèo. Điều mơ ước
duy nhất của cô là trở thành giàu có, và cô nghĩ rằng cách dễ nhất là lấy được
một người chồng giàu. Nhưng rủi thay khi cô lấy chồng thì người chồng của cô chỉ
là một kẻ thường dân. Thất vọng và chán nản, cô chẳng muốn làm gì nữa, cũng chẳng
muốn đi đâu hết.
Một hôm, Antoinette nhận được thiệp mời đến dự một bữa tiệc gồm
toàn những người quý phái. Cô mừng lắm. Nhưng cô không có y phục và nữ trang
sang trọng. Tuy nhiên cô biết cách thu xếp : cô rút hết tiền tiết kiệm ra
mua được một bộ áo đẹp ; cô đến với Marie một bạn học cũ mượn được một chiếc
vòng nạm kim cương.
Thế là Antoinette xuất hiện trong bữa tiệc với một dáng vẻ rất
xinh đẹp và sang trọng. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về cô. Cô rất sung sướng. Tuy
nhiên khi tiệc tàn, trở về nhà, cô hoảng hốt khi biết chiếc vòng nạm kim cương
đã rơi mất. Tìm tới tìm lui nhiều lần mà vẫn không thấy.
Chẳng còn cách nào khác, cô đành phải đi vay 40 ngàn quan với
lãi xuất cao để ra tiệm kim hoàng mua một chiếc vòng y như thế trả lại cho
Mary. Vì hai chiếc vòng rất giống nhau nên Marie không thắc mắc gì cả.
Từ đó trở đi, Antoinette phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền trả nợ.
Sau 10 năm, cô trả xong nợ. Nhưng khi đó trông cô rất già và không còn xinh đẹp
như ngày xưa nữa.
Một hôm Antoinette và Marie tình cờ gặp nhau :
- Ồ sao trông bạn già đi và tiều tụy như thế ? Marie giật
mình hỏi.
- Tất cả chỉ tại bạn đó.
- Sao lại tại tôi ?
Antoinette kể rõ đầu đuôi sự việc. Nghe xong Marie nói :
- Trời ơi tội nghiệp cho bạn quá. Chiếc vòng nạm kim cương của
tôi là đồ giả. Giá chỉ có 400 quan thôi.
Thế là đột ngột Antoinette được Marie trả lại 39.600 quan. Cô đã
trở thành người giàu có. Nhưng với cái giá là 10 năm làm quần quật đủ mọi thứ
việc cùng với một thân xác tiều tuỵ và một bộ mặt già nua.
Phải chi Antoinette đã chịu khó làm việc ngay từ đầu thì cái giá
đâu đến nỗi cao quá như vậy !
6. Chuyện minh họa
a/ Một hôm, có một người đến hỏi một giáo sư nổi tiếng về một
thanh niên : "Anh ta có phải là môn đệ của Thầy không ?" Vị
giáo sư đáp : "Quả thật anh ta đang theo học những bài dạy của tôi.
Nhưng không bao giờ anh ta là môn đệ của tôi".
b/ Một vị vua đến thăm một thiền viện. Nhà vua hỏi vị thiền
sư : "Trong thiền viện này có tất cả bao nhiều người đang theo học".
Thiền sư đáp "10 ngàn". Nhà vua rất ngạc nhiên. Nhưng nhà vua càng ngạc
nhiên hơn nữa khi thiền sư nói tiếp : "Trong số đó, số môn đệ thật của
tôi chỉ có 4 hoặc 5 người".
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, có người nào biết được ý định của
Thiên Chúa ? Ai hiểu được Chúa muốn gì ? Với ước mong được Chúa gan Đức
Khôn ngoan và Thánh thần để giúp ta hiểu được thánh ý Người, chúng ta cùng dâng
lời cầu xin :
1. Hội thánh luôn bênh vực những người thấp cổ bé miệng / bảo
vệ những ai cô thế cô thân / giúp đỡ những kẻ đói rách bần cùng /
Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa nâng đỡ các công cuộc từ thiện của Hội thánh
trên khắp hoàn cầu.
2. Ngày nay / tuy chế độ nô lệ không còn nữa / nhưng
nhiều hình thức nô lệ khác tinh vi hơn vẫn tồn tại và phát triển / làm mất
hết tự do và phẩm giá của con người / như việc buôn bán phụ nữ còn đang xảy
ra ở nhiều nơi trên thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những nhà
lãnh đạo các quốc gia / sớm tìm được phương thế thích hợp / để tiêu
diệt tội ác đáng kinh tởm này.
3. Trách nhiệm của người Kitô hữu / là cộng tác với hất thảy
mọi người thành tâm thiện chí / để xây dựng trái đất này ngày càng xinh đẹp
và hữu ích hơn / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai tin Chúa / biết
cố gắng thực hiện trọn vẹn bổn phận cao quý này.
4. Chúa Giêsu nói : / Ai không vác thập giá mình mà
theo tôi / thì không thể làm môn đệ tôi được / Chúng ta hiệp lời cầu
xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn can đảm đón nhận mọi thử
thách / và trung kiên bước theo Chúa mái đến cùng.
Chủ tế : Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và mời gọi chúng con làm
con cái Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống xứng danh người Kitô hữu, để những
anh chị em chưa nhận biết Chúa, nhìn vào đời sống của chúng con mà nhận ra Chúa
chính là tình yêu. Chúng con cầu xin
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha : Tác giả đoạn sách Khôn
ngoan hôm nay đã viết "ý định của Chúa ai nào biết được". Chúng ta
hãy xin Chúa tỏ cho chúng ta biết được thánh ý của Ngài để chúng ta thi hành.
VII. Giải tán
Chúng ta hãy ghi nhớ lời Chúa Giêsu "Ai không vác thập giá
mình mà theo Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta". Trong tuần này chúng
ta hãy can đảm vác lấy những thập giá hằng ngày để theo Chúa.
Bài đọc thêm
THƯ GỬI PHILÊMON
A. Hoàn cảnh
1. Thư này do Phaolô viết, tại Rôma, khoảng năm 61-63 trong lúc
đang bị cầm tù
2. Người nhận là Philémon. Đó là một người do Phaolô giúp cho trở
lại Kitô giáo, thuộc giáo đoàn Côlôxê, có vợ tên là Apphia và con trai tên là
Archippe. Ông là 1 tín hữu rất sốt sắng và rộng rãi. Các kitô hữu thường xuyên
họp mặt tại nhà ông. Philémon cũng là một người khá giả vì trong nhà có nô lệ
giúp việc.
3. Khi ấy, một nô lệ của ông tên là Onésisme bỏ nhà trốn đi có lẽ
sau khi đã ăn cắp một số tiền. Do hoàn cảnh nào đó đẩy đưa, Onésisme gặp Phaolô
đang ở tù. Onésisme xin theo đạo. Phaolô chấp thuận. Phaolô cũng quyến luyến
Onésisme muốn giữ anh lại với mình, nhưng không thể, vì 3 lý do : 1/ Luật
pháp thời đó còn bảo vệ chế độ nô lệ. Nếu một nô lệ bỏ trốn mà bị bắt lại thì sẽ
bị phạt rất nặng ; 2/ Người chứa chấp tên nô lệ bỏ trốn cũng bị kết tội
tòng phạm ; 3/ Ngoài ra Phaolô còn ngại nếu Philémon hay chuyện thì sẽ trách
Phaolô đã dẫm chân lên quyền lợi của ông hoặc lạm dụng ông.
4. Vì thế Phaolô quyết định gởi Onésisme về cho chủ. Nhưng
Phaolô không gởi suông, mà cho Tychique đi kèm và còn mang theo lá thư này nữa
cho Philémon.
B. Tính chất
1. Đây là bức thư ngắn nhất của Phaolô : chỉ có 25 câu.
2. Cũng là bức thư duy nhất do chính tay Phaolô viết từ đầu đến
cuối (các thư kia hoặc Phaolô đưa ý tưởng cho một thư ký viết, hoặc Phaolô viết
một phần và thư ký viết một phần).
3. Bức thư mang tính chất tư riêng, nhưng Phaolô có ý cho nó được
đọc giữa cộng đoàn tụ họp tại nhà Philémon, nên nó cũng mang tính cộng đoàn.
Ngoài ra, về nội dung, dù thư này đề cập tới trường hợp cá biệt của một nô lệ -
do đó không thể xem đây là giáo lý kitô giáo về vấn đề nô lệ cách chung - nhưng
tư tưởng của ông về vấn đề nô lệ cũng ảnh hưởng rất nhiều tới quan điểm của
Giáo Hội.
4. Về lời văn, thư này làm cho nhiều người cảm động vì lời lẽ vừa
tình cảm vừa tế nhị thận trọng : dù rất muốn Philémon trả tự do cho
Onésisme, nhưng Phaolô không hề lạm dụng tình nghĩa của Philémon đối với mình để
làm áp lực, trái lại chỉ nhẹ nhàng gợi ý và hy vọng Philémon sẽ vì lòng tốt mà
làm việc đó. Bởi thế có người đã mô tả bức thư này là "kiệt tác của tâm hồn
tế nhị".
Lm. Carolo
HỒ BẶC XÁI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét