Tường thuật lễ tôn phong hiển thánh cho Mẹ Teresa
Calcutta
Hoạt động thương xót không mỏi
mệt của Mẹ Terexa Calcutta ở vùng ngoại biên các thành phố và cuộc sống giúp
chúng ta luôn ngày càng hiểu rằng tiêu chuẩn hoạt động duy nhất của chúng ta phải
là tình yêu thương nhưng không, tự do khỏi bất cứ ý thức hệ hay ràng buộc nào,
và tuôn đổ trên tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc
hay tôn giáo. Mẹ Terexa thường nói: “Có lẽ tôi không nói tiếng của họ, nhưng
tôi có thể cười”. Chúng ta hãy mang theo trong tim nụ cười của Mẹ và trao ban
nó cho những ai chúng ta gặp trên đường đời, nhất là cho những người đau khổ.
Kính thưa quý vị thính giả,
ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ tôn phong hiển
thánh cho Mẹ Terexa Calcutta, do ngài cử hành trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô
lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật mùng 4 tháng 9 hôm qua.
Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC
đã có khoảng 70 Hồng Y, 400 Tổng Giám Mục Giám Mục, 1.700 linh mục trong đó có
600 vị giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ. Tham dự thánh lễ, ngoài ngoại giao đoàn cạnh
Toà Thánh còn có phái đoàn đại diện của 20 quốc gia, do 13 quốc trưởng và thủ
tướng hướng dẫn gồm các nước: Albania, nguyên Cộng hoà Jugoslavia Macedonia, Ấn
Độ, Kosovo, Tây Ban Nha, San Marino, Đài Loan, Nigeria, Honduras, Italia, Vương
quốc Monaco, Hoà Lan, Ghana, Bosni Erzegovina, Panama, Hoa Kỳ, Áo,
Croazia, Montenegro, Belize và 2 tổ chức quốc tế là Luơng nông quốc tế FAO và
Lương thực thế giới PAM. Cùng tham dự thánh lễ có hơn 100.000 tín hữu, trong đó
có 45.000 thành viên các tổ chức thiện nguyện về Roma mừng Năm Thánh Lòng
Thương Xót. Đặc biệt cũng có 1.500 người nghèo, hành khất, vô gia cư, bị bỏ rơi
được các nữ tu của Mẹ Terexa săn sóc trong các nhà ở Roma, Milano, Bologna,
Firenze và Napoli.
Sau lời chào mở đầu thánh lễ
của ĐTC ĐHY Angelo Amato Tổng trưởng Bộ Phong Thánh đã tiến lên xin ĐTC phong
hiển thánh cho chân phước Têrexa Calcutta, và đọc tiểu sử của chân phước mà mọi
người đều gọi là “Mẹ Têrêxa Caltutta”. Chân phước tên đời là Agnes Gonxha
Bojaxhiu sinh ngày 26 tháng 8 năm 1010 tại Skopje, con của một gia đình gốc
Albani. Hồi còn trẻ chị đã tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ và ước mong tận
hiến cuộc đời cho Chúa. Chị rời gia đình và được nhận vào dòng Đức Trinh Nữ diễm
phúc Maria Loreto tại Rathfarnam bên Dublin Ai Len. Chi được gửi sang phục vụ
bên Ấn Độ, vào nhà Tập và khấn dòng với tên gọi là Terexa. Trong 17 năm trời chị
dậy học tại trường trung học Thánh Mary Bengali gần Calcutta. Trên một
chuyến xe lửa từ Calcutta đi Darieeling chị nghe tiếng Chúa Giêsu hấp hối trên
thập giá nói “Ta khát” và trực giác được “ơn gọi trong ơn gọi”, thành lập một
dòng du để “làm thoả mãn cái khát vô tận tình yêu thương và các linh hồn, mà
Chúa Giêsu có trên thập giá, bằng cách làm việc cho ơn cứu rỗi và việc thánh
hóa những người nghèo nhất trong những người nghèo. Chị lập dòng các nữ tu Thừa
Sai Bác Ái, tiếp theo đó là dòng các Anh em Thừa Sai Bác Ái, các tổ chức giáo
dân và Phong trào rộng mở cho các linh mục giáo phận.
Mẹ Terexa không quản ngại mệt
nhọc tận hiến cuộc đời và sức lực cho việc loan báo Tin Mừng, qua nhiều hoạt động
bác ái và trợ giúp những người rốt hết, không phân biệt giai tầng xã hội, tôn
giáo và chủng tộc. Ở nền tảng mọi sáng kiến của Mẹ là việc cử hành Thánh Lễ, chầu
Thánh Thể, cầu nguyện và có một tình yêu đại đồng thúc đẩy Mẹ trông thấy và phục
vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo.
Chứng tá tin mừng anh hùng của
Mẹ khơi dậy sự khâm phục của của các giới chức lãnh đạo cao cấp nhất trong Giáo
Hội cũng như trong thế giới đời. Năm 1979 Mẹ được giải thường Nobel Hoà Bình.
Kiệt lực nhưng luôn luôn mạnh mẽ trong tinh thần Mẹ qua đời tại Calcutta ngày
mùng 5 tháng 9 năm 1997 trong hương thơm thánh thiện.
Tiếp đến ĐTC đã cùng cộng
đoàn hát kinh cầu các thánh. Rồi ngài đọc công thức tôn phong hiển thánh cho Mẹ
như sau:
Để vinh danh Thiên Chúa
Ba Ngôi Chí Thánh, biểu dương đức tin công giáo và thăng tiến cuộc sống kitô, với
quyền của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và của hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô
và của chúng tôi, sau khi đã suy nghĩ lâu dài và nhiều lần xin ơn Chúa trợ giúp
và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong Hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và
định nghĩa là Thánh chân phước Terexa Calcutta và ghi tên người vào Sổ Bộ các
Thánh và thiết định rằng người được tôn kính giũa các Thánh trong toàn thể Giáo
Hội, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Thánh tích của Mẹ đã được rước
lên đặt bên trái bàn thờ. Đó là một cây thánh giá được ghép bằng nhiều mảnh gỗ
phát xuất từ nhiều người và từ nhiều nơi khác nhau, nơi khổ đau tiếp tục nói
lên tiếng rên “Ta khát” của Chúa Giêsu. Phần trước của thánh giá cũng bao gồm một
mảnh gỗ của bàn quỳ toà giải tội, biểu tượng cho ơn tha thứ, mà hối nhân nhận
được từ tình yêu của Thiên Chúa, và Mẹ Terexa coi họ là những người nghèo nhất
trong những người nghèo. Thánh giá được viền vàng để nêu bật hai tình yêu lớn
nhất của Mẹ đối với Chúa Giêsu và Người Nghèo. Chiếc hộp đựng thánh tích của Mẹ
có hình một giọt nước để giải cơn khát của sự vô nghĩa của khổ đau trong cô
đơn. Thánh giá được cắm trên một đế bảng sắt bẩn hư hại biểu tượng cho cái
nhìn, mà xã hội có đối với người nghèo, nhưng họ lại được Mẹ yêu thương với tất
cả tâm lòng và được Mẹ phục vụ trong các khu xóm ổ chuột bần thỉu tại Calcutta,
vì họ là phương thế giúp kết hiệp với Chúa Giêsu.
Thánh giá được đặt trong một
cái hộp hình trái tim phần bên trái có ba giải mầu xanh diễn tả chiếc áo dòng
sari của Mẹ, cong xuống như lưng của Mẹ cúi xuống cầu nguyện, suy niệm và gù
người phục vụ dân nghèo. Phần tim bên phải có hình mềm mại hơn mầu trắng diễn tả
chiếc áo dòng của Mẹ vói hai chữ “Ta khát” Hai phần của trái tim tách rời nhau
nhưng nối liền bởi một vòng tròn diễn tả sự năng động trong sứ mệnh của Mẹ, bắt
đầu với sự mạc khải của Chúa Giêsu và được đưa tới chỗ thành toàn. Mầu xanh và
mầu trắng cũng là mầu của Mẹ Maria, mà Mẹ Terexa rất tôn sùng và cầu khẩn với lời
nguyện đẹp sau đây: “Lậy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, xin ban cho con Trái tim của
Mẹ, xinh đẹp, trinh trong, vô nhiễm, tràn đầy tình yêu và khiêm tốn, để con có
thể nhận lấy Chúa Giêsu trong Bánh Sự Sống, yêu Ngài như Mẹ đã yêu Ngài, và phục
vụ Ngài như Mẹ đã phục vụ Ngài dưới gương mặt biến dạng của nhừng người nghèo
nhất trong những người nghèo”.
Thánh lễ tiếp tục với Kinh
Vinh Danh. Các bài sách Thánh đã được tuyên đọc bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban
Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, và Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh và
tiếng Hy Lạp. Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Albani,
Pháp, Bengali, Đồ Đào Nha và Tầu.
Giảng trong thánh lễ ĐTC đã
quảng diễn ý nghĩa bài đọc một trích từ sách Khôn Ngoan liên quan tới điều
Thiên Chúa muốn nơi con người, là sống đẹp lòng Ngài. ĐTC nói: Các tác nhân lịch
sử luôn luôn là hai: một đàng là Thiên Chúa, đàng khác là con người. Nhiệm vụ của
chúng ta là nhận thức được tiếng gọi của Thiên Chúa và đón nhận ý muốn của
Ngài. Nhưng để có thể tiếp nhận và kiểm thực tiếng gọi của Chúa mà không lưỡng
lự chúng ta phải hiểu điều gì làm đẹp lòng Ngài. Biết bao ngôn sứ loan báo điều
đẹp lòng Chúa và đúc kết nó trong kiểu diễn tả này: “Ta muốn lòng thương xót chứ
không cần của lễ” (Hs 6,6; Mt 9,13). ĐTC giải thích như sau:
Mọi công việc của lòng thương
xót đều đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì trong người anh em, mà chúng ta giúp đỡ,
chúng ta nhận ra gương mặt của Thiên Chúa, mà không ai trông thấy (x. Ga 1,18).
Mỗi lần chúng ta cúi xuống trên các nhu cầu của các anh em khác, là chúng ta đã
cho Chúa Giêsu ăn và uống; chúng ta đã cho Ngài mặc, nâng đỡ và viếng thăm Con
Thiên Chúa (x. Mt 25,40). Như thế, chúng ta đưọc mời gọi diễn tả cụ thể điều
chúng ta xin trong lời cầu nguyện và tuyên xưng trong đức tin. Không có cách
nào khác ngoài tình bác ái: những ai phục vụ các anh em khác là những nguời yêu
mến Thiên Chúa, dù không biết Ngài (x Ga 3,16-18; Gc 2,14-18). Tuy nhiên, cuộc
sống kitô không chỉ là việc trợ giúp khi cần. Nó là tâm tình liên đới đẹp,
nhưng sẽ khô cằn vì không có gốc rễ. Trái lại, dấn thân mà Chúa đòi hỏi là dấn
thân của một ơn gọi bác ái, qua đó nguời môn đệ Chúa Kitô dùng chính cuộc sống
mình để phục vụ và lớn lên mỗi ngày trong tình yêu. Phúc Âm nói đến “đám đông
dân chúng đến với Chúa Giêsu” (Lc 14,25). Ngày hôm nay “đám đông” đó là thế giới
thiện nguyện đang quy tụ ở đây nhân Mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót. Anh chị em
chính là những người theo Chúa và khiến cho tình yêu của Ngài trở thành cụ thể
đối với từng người…. Các người thiện nguyện củng cố biết bao con tim, nâng đỡ
biết bao bàn tay, lau khô biết bao nước mắt! Có biết bao tình yêu thương đã được
đổ vào việc phục vụ dấu ẩn, khiêm tốn và vô vị lợi này!
Việc theo Chúa Giêsu là một dấn
thân nghiêm chỉnh, đồng thời tươi vui. Nó đòi hỏi tính triệt để và lòng can đảm,
để nhận ra Chúa nơi người nghèo nhất và phục vụ họ. Khi phục vụ các người rốt hết
và cần được giúp đỡ vì tình yêu Chúa Giêsu, các người thiện nguyện không chờ đợi
lời cám ơn hay ca ngợi nào. Họ từ chối mọi sự vì đã khám phả ra tình yêu đích
thật. Như Chúa đã đến gặp tôi và cúi xuống trên tôi trong lúc thiếu thốn, tôi
cũng đi gặp gỡ Ngài và cúi xuống trên những người đã mất đức tin hay sống như
thể Thiên Chúa không hiện hữu, cúi xuống trên những người trẻ sống không giá trị
và không lý tưởng, trên các gia đình gặp khủng hoảng, trên bệnh nhân và người
tù, người di cư tỵ nạn, trên người yếu đuối và không được bênh đỡ trên thân xác
cũng như trong tinh thần, trên các trẻ em vị thành niên bị bỏ rơi cho chính
mình, cũng như trên các người già cả phải sống cô đơn.
Đề cập đến gương sống của Mẹ
Terexa ĐTC nói:
Trong toàn cuộc đời mình Mẹ
Teressa đã quảng đại phân phát lòng thương xót Chúa, sẵn sàng với tất cả mọi
người qua việc tiếp đón và bảo vệ sự sống con người, sự sống chưa sinh ra cũng
như sự sống bị bỏ rơi và gạt bỏ. Mẹ đã dấn thân bênh vực sự sống bằng cách
không ngừng công bố rằng “ai chưa sinh ra là người yếu đuối nhất, bé nhỏ nhất,
bần cùng nhất”. Mẹ cúi xuống trên trên những người kiệt lực bi bỏ chết bên lề
đường, bằng cách thừa nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ đã làm vang
lên tiếng nói của Mẹ giữa các người quyền thế của trái đất này, để cho họ nhận
ra các lỗi lầm của họ trước các tội ác của nghèo đói do chính họ dã gây ra. Đối
với Mẹ lòng thương xót đã là “muối” trao ban hương vị cho mỗi hoạt động của Mẹ,
và là “ánh sáng” chiếu soi các tăm tối của biết bao người cũng đã chẳng còn nước
mắt để khóc thương cho sự nghèo túng và nỗi khổ đau của họ.
Sứ mệnh của Mẹ trong các vùng
ngoại biên của các thành phố và của cuộc sống tồn tại ngày nay như chứng tá
hùng hồn sự gần gũi của Thiên Chúa với những người nghèo nhất giữa những người
nghèo. Hôm nay tôi trao gương mặt biểu tượng này của phụ nữ và người được thánh
hiến cho toàn thế giới thiện nguyện: ước chi Mẹ là mẫu gương sự thánh thiện của
anh chị em! Ước chi người hoạt động của lòng thương xót không mỏi mệt này giúp
chúng ta luôn ngày càng hiểu biết hơn rằng tiêu chuẩn hoạt động duy nhất của
chúng ta là tình yêu nhưng không, tự do khỏi bất cứ ý thức hệ hay ràng buộc
nào, và tuôn đổ trên tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa, chủng
tộc hay tôn giáo! Mẹ Terexa thường nói: “Có lẽ tôi không nói tiếng của họ,
nhưng tôi có thể cười”. Chúng ta hãy mang theo trong tim nụ cười của Mẹ và trao
ban nó cho những ai chúng ta gặp trên đường đời, nhất là cho những người đau khổ.
Như thế chúng ta sẽ mở ra cho biết bao người đã mất tin tưởng và đang cần sự cảm
thông và lòng hiền dịu các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng.
Trưóc khi đọc kinh Truyền Tin
và ban phép lành cuối lễ cho mọi người ĐTC đã ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người
tham dự. Trước hết là các nữ tu Thừa Sai Bác Ái là gia đình thiêng liêng của Mẹ.
Uớc chi thánh đấng sáng lập luôn trông chừng trên con đường của các chị và giúp
các chị trung thành với Thiên Chúa, Giáo Hội và người nghèo. Tiếp đến ĐTC cám
ơn các chính quyền hiện diện đặc biệt của các nước gắn bó nhất với gương mặt của
vị Thánh mới, cũng như các phái đoàn chính thức và nhiều tín hữu hành hương đến
từ các nước đó trong dịp hạnh phúc này. Xin Chúa chúc lành cho quốc gia của anh
chị em.
ĐTC cũng chào và cám ơn các
thiện nguyện viên và nhân viên lòng thương xót. Ngài phó thác họ cho sự che chở
của Mẹ Teresa. Xin Mẹ dậy cho họ biết chiêm ngắm và thờ lậy Chúa Giêsu bị đóng
đanh mỗi ngày để nhận biết và phục vụ Ngài nơi các anh chị em nghèo. Chúng ta
cũng xin ơn này cho tất cả những ai hiệp nhất với chúng ta qua các phương tiện truyền
thông khắp nơi trên thế giới.
ĐTC cũng muốn nhớ tới những
người xả thân phục vụ các anh chị em phải sống trong các hoàn cảnh khó khăn và
nguy hiểm, đặc biệt là biết bao nhiêu nữ tu không quản ngại hiến mạng sống mình
cho tha nhân. Ngài xin mọi người đặc biệt cầu nguyện cho chi Isabel người Tay
Ban Nha bị sát hại cách đây hai ngày trong thủ đô Haiti, một đất nước bị thử
thách nhiều và ngài cầu mong các hành động bạo lực như thế chấm dứt và có nhiều
an ninh hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta cũng hãy nhớ tới các nữ tu khác mới
đây đã là nạn nhân của bạo lực tại các nước khác. Chúng ta làm điều này bằng
cách hướng lời cầu lên Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ và là Nữ Vương các Thánh. Tiếp
đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người
Sau thánh lễ 1.500 người
nghèo đã được ĐTC đãi ăn trưa tại tiền sảnh đại thính đường Phaolô VI, do 100 nữ
tu và 50 tu huynh Thừa Sai Bác Ái phục vụ.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét