04/10/2016
Thứ Ba tuần 27 thường niên
Thánh Phanxicô Assisi.
Lễ nhớ.
* Thánh nhân sinh năm 1182 tại
Assisi. Từ ngày trở lại, gặp Chúa Kitô ở nhà thờ thánh Đa-mi-a-nô cho tới ngày
từ trần ở Poóc-ti-un-cu-la (1226), thánh nhân -con người được mệnh danh là Người Nghèo thành Assisi- cùng với
các anh em tu sĩ của mình sống nghèo khó, rảo khắp nơi loan báo tình yêu của
Thiên Chúa. Người cũng đặt nền tảng cho ngành nữ đan sĩ của Dòng và huynh đoàn giáo
dânhãm mình. Người còn tha thiết với việc giảng thuyết
cho những người chưa tin. Suốt đời, thánh nhân không có bận tâm nào khác ngoài
mối bận tâm theo Đức Giêsu trong tinh thần vui tươi, đơn sơ, tha thiết phục vụ
Hội Thánh và dịu dàng yêu thương mọi người.
Thứ
Ba sau Chúa Nhật 27 Quanh Năm
Bài Ðọc
I: (Năm II) Gl 1, 13-24
"Người
đã mạc khải cho tôi biết Con của Người, để tôi rao giảng Người cho dân ngoại".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh
em thân mến, anh em nghe nói về đời sống của tôi trước kia, khi theo đạo
Do-thái: tôi đã bắt bớ và phá hoại Hội Thánh của Thiên Chúa thái quá. Trong đạo
Do-thái, tôi đã vượt hẳn nhiều bạn đồng giống nòi, đồng tuổi với tôi, và tôi
nhiệt thành hơn bất cứ ai đối với truyền thống của cha ông tôi.
Nhưng
khi Ðấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ, và dùng ơn Người mà kêu gọi tôi, để tôi
rao giảng Người trong các dân ngoại, thì không lúc nào tôi bàn hỏi người xác thịt
máu huyết, và tôi không lên Giêrusalem để gặp các vị làm tông đồ trước tôi,
nhưng tôi đi ngay đến Arabia, rồi lại trở về Ðamas. Ðoạn ba năm sau, tôi mới
lên Giêrusalem để gặp Phêrô, và lưu lại với ông mười lăm ngày. Tôi không gặp một
tông đồ nào khác, ngoài Giacôbê, anh em của Chúa. Những điều này tôi viết cho
anh em, đây trước mặt Thiên Chúa, tôi không nói dối.
Thế rồi
tôi đã đi về miền Syria và Cilicia. Nhưng các giáo đoàn của Ðức Kitô ở xứ
Giuđêa chưa biết mặt tôi, họ chỉ nghe đồn rằng: "Người xưa kia bắt bớ
chúng ta, giờ đây lại rao giảng đức tin mà thuở trước ông muốn bài trừ",
và vì tôi, họ ngợi khen Thiên Chúa.
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 138, 1-3. 13-14ab. 14c-15
Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong
đường lối đời đời (c. 24b).
Xướng:
1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con lúc con ngồi hay con đứng.
Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy
hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con. - Ðáp.
2)
Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi
khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thực diệu huyền.
- Ðáp.
3)
Linh hồn con, Chúa hoàn toàn biết rõ, thể chất con không giấu nổi mắt Ngài, lúc
con được cấu tạo hình hài trong nơi kín đáo, lúc con được dệt thân ở chỗ đất
sâu. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 144, 14cd
Alleluia,
alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi
việc Chúa làm. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 10, 38-42
"Martha
rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy
Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà
mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người.
Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy
Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em
con giúp con với".
Nhưng
Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ
có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm:
Lắng Nghe và Chiêm Niệm
Ngày
nay, những tiện nghi do tiến bộ kỹ thuật mang lại đang tạo ra một nền văn hóa mới
đặt tính hiệu năng và khả năng tiêu thụ lên hàng đầu bậc thang giá trị: người
được đánh giá cao là người tài giỏi, giầu có, làm ra tiền và có khả năng tiêu
thụ cao. Trong một nền văn minh như thế, dĩ nhiên những giá trị luân lý, tôn
giáo hoặc bị đưa xuống thành thứ yếu, hoặc bị quên lãng và ngay cả bị chà đạp.
Ðây là một thách đố lớn lao đối với Giáo Hội. Giáo Hội qua các Kitô hữu hiện diện
như một dấu chỉ của cuộc sống mai hậu và những giá trị siêu việt, nhưng liệu
các Kitô hữu có còn đủ thức tỉnh và can đảm làm chứng cho những giá trị siêu việt
ấy không hay chính họ cũng chiều theo cám dỗ chạy theo dòng đời, thỏa hiệp với
những sức mạnh tăm tối đang xói mòn những giá trị luân lý đạo đức và loại bỏ
chiều kích thiêng liêng ra khỏi cuộc sống con người?
Tin Mừng
hôm nay có thể được lắng nghe và suy niệm với nỗi thao thức ấy. Chúa Giêsu hẳn
không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Marta tất bật với việc tiếp
đãi khách, và một của Maria ngồi bên chân khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả
hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể và tích
cực qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn
huyên ân cần. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ
của Marta. Ngài chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria đang ngồi dưới chân Ngài để
nói lên thái độ cơ bản mà con người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng
nghe và chiêm niệm.
Hơn
bao giờ hết, sự hiện diện của những người hiến dâng cho việc cầu nguyện và
chiêm niệm là một trong những kho tàng quí giá nhất của thời đại chúng ta, để
nhắc nhở cho thế giới rằng cuộc sống con người không chỉ giản lược vào điều mà
thánh Phaolô gọi là chuyện ăn, chuyện uống, tôn thờ cái bụng, và rằng cuộc sống
chỉ có giá trị và đứng vững vì chính chiều kích siêu việt, thiêng liêng của nó.
Trong
một bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng Kín tại Mêhicô năm 1979, Ðức
Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cao sự hy sinh của họ như sau:
"Cuộc
sống của chị em quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy
tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về thần linh, trong một
thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, các chị
lại dấn thân vào các tu viện Kín để làm chứng cho những giá trị mà các chị sống
cho. Các chị là những chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay; với lời cầu
nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người
ngày nay".
Những
lời của Ðức Gioan Phaolô II không chỉ đề cao chứng từ của các Tu sĩ chiêm niệm,
mà còn nhắc nhở cho các Kitô hữu về chính chứng từ của sự cầu nguyện của họ. Có
những người hiến thân trọn vẹn cho sự cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải
là độc quyền của một số người, mà phải là hơi thở cho tất cả những ai có niềm
tin. Có những giây phút dành cho việc cầu nguyện đã đành, nhưng người Kitô hữu
phải sống thế nào để biến cả cuộc sống của họ thành lời cầu nguyện. Chiêm niệm
không chỉ là hoạt động dành riêng cho một số người hay một số giờ hoặc một số
nơi nhất định. Chiêm niệm chính là thái độ tìm kiếm, lắng nghe và suy niệm bao
trùm mọi sinh hoạt của người Kitô hữu.
Nguyện
xin Chúa nung nấu sự khát khao trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta luôn hướng về
Ngài, tìm kiếm Ngài và kết hiệp với Ngài trong mọi sự. Nguyện xin Mẹ Maria là Ðấng
luôn cất giữ và suy niệm mọi sự trong lòng, hướng dẫn chúng ta trong thái độ cầu
nguyện và chiêm niệm của Mẹ.
Veritas Asia
Lễ
Thánh Phanxicô Assisi
Bài Ðọc
I: Gl 6, 14-18
"Nhờ
cây Thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh
em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ
về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu
đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Ðức Kitô có cắt bì hay
không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới.
Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và
cho cả Israel của Thiên Chúa nữa. Từ nay trở đi, ước gì không ai làm phiền tôi
nữa, vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu. Anh em thân mến, nguyện
ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh em. Amen.
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp
của con (c. 5a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa, con thưa cùng Chúa:
"Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính
Ngài nắm giữ vận mạng của con". - Ðáp.
2)
Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ,
cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên
hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.
3)
Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên
nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.
Alleluia:
x. Mt 11, 25
Alleluia,
alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu
nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 11, 25-30
"Chúa
đã giấu các điều ấy cùng kẻ khôn ngoan thông thái, và đã tỏ bày ra cho những kẻ
bé mọn".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy,
Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng
Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những
điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như
vậy.
"Mọi
sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng
không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.
"Tất
cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho
các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm
nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì
êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Ðó là
lời Chúa.
Suy niệm : Đam mê của thánh Phanxicô Assisi
Khi
nói đến thánh Phanxicô, chúng ta nghĩ ngay đến Kinh Hòa Bình và Bài Ca Tạo Vật.
Có thể nói, từ những tư tưởng này, ngài được mệnh danh là Sứ giả hòa bình bởi
vì chúng là điểm qui chiếu cho đời sống an hòa nơi ngài.
Thiên
thời, địa lợi và nhân hòa, cả ba chiều kích này được thánh nhân sống rất triệt để. Chính
thái độ sống hòa đồng và hòa điệu với mọi chiều kích mà thánh nhân đáng được gọi
là Sứ giả hòa bình.
Năm
1979, ĐGH Gioan Phaolô II đã công bố: Thánh Phanxicô là quan thầy của
những người bảo vệ môi sinh. Chắc hẳn, đây không phải là một quyết định
dựa trên tình cảm nhất thời, nhưng dựa vào đời sống của ngài được thể hiện cụ
thể trong Bài ca Tạo Vật. Trong đó, chim trời mây nước và cả vũ trụ này đều có
chỗ đứng và giá trị nào đó trong cuộc đời của ngài; tất cả nên chị nên anh, cả
đến cái chết như là sự dữ tuyệt đối cũng được ngài gọi bằng một tên thân
thương: chị chết. Như thế, không một thực tại nào mang màu sắc u tối,
ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống thánh nhân. Chính sự huyền đồng này (hòa điệu một
cách huyền nhiệm) đã giúp ngài chinh phục cả những kẻ thù giết hại. Xin đơn cử
giai thoại kể về cuộc gặp gỡ giữa ngài và con chó sói hung bạo tại Agodio
Gubio.
Khi
thánh nhân cư ngụ tại Agodio thì có một con chó sói hung dữ đã xuất hiện, nó quấy
nhiễu và gieo rắc tại họa cho mọi người. Mỗi lần đi ra ngoài, ai ai cũng trang
bị khí giới sẵn sàng chuẩn bị giao chiến với con thú dữ; có người sợ đến nỗi
không dám ra khỏi nhà. Thấy vậy, ngày nọ ngài quyết định đến chạm trán với con
thú, ngài làm dấu Thánh giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến thẳng đến
trước mặt con vật. Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công,
nhưng ngài không lùi bước, ngài tiến lại gần, làm dấu Thánh giá và gọi nó lại.
Ngài nói cùng nó với tất cả sự trân trọng vì nó cũng là một tạo vật của Chúa: “Này
anh sói, anh lại đây, nhân danh Chúa Kitô, tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa”. Như
một phép lạ, con chó sói hung dữ giờ đây ngoan ngoãn khép miệng lại và quấn
quýt bên ngài, ngài lại tiếp tục nói như sau: “Này anh sói, anh đã gây không
biết bao nhiêu thiệt hại cho vùng này, anh giết hại những tạo vật của Chúa mà
không có phép Ngài. Anh không những sát hại súc vật mà còn giết hại cả loài người
là hình ảnh Thiên Chúa nữa; anh đáng phạt vì những tội ấy… Nhưng tôi muốn giàn
hòa giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa”.
Thánh
nhân vừa nói xong những lời đó thì con chó sói vặn mình ra điều biết lỗi và chấp
nhận đề nghị của ngài. Ngài nói tiếp: “Này anh sói, hẳn anh thích làm hoà với
mọi người, tôi hứa rằng: bao lâu còn sống, anh sẽ không bị đói khát nữa, anh có
hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không ?”. Con
vật cúi đầu như đoan hứa, thánh nhân đặt tay trên nó và đại diện cho thị dân
Agodio long trọng cam kết những lời ngài vừa hứa với con sói. Giai thoại kể tiếp
rằng: con vật tiếp tục sống hai năm tại đó, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào
cũng như chính nhà của nó. Nó không làm hại ai và cũng không ai hãm hại nó, cuối
cùng, con vật chết đi giữa tiếng khóc của dân làng.
Theo
thánh nhân, chúng ta cần tỏ ra bất bạo động với thiên nhiên, với chim trời núi
rừng, với không khí nước non. Chỉ với một tâm hồn thanh thản và hài hoà như thế,
con người mới có thể xây dựng hoà bình trên thế giới.
Sự
hoà giải này không dừng lại với tương quan thú vật nhưng còn mở ra với người
khác. Chính ý hướng ngay lành này góp phần hoán cải các tâm hồn đối nghịch.
Chúng ta thấy nỗi đam mê hoà giải không chỉ được phát huy lúc thời trai trẻ mà
ngay cả lúc trên giường bệnh ngài vẫn dấn thân phục vụ hoà bình vì ích chung.
Điều
này được cha Nguyễn Hồng Giáo [1] biên soạn khi ghi lại
lịch sử cuộc đời thánh nhân: Năm 1226, vào những ngày cuối đời nằm trên giường
bệnh, thánh nhân rất đau lòng khi nghe tin Đức giám mục và ông trị trưởng ở
Assisi kình địch nhau. Vị Giám mục thì ra vạ tuyệt thông cho ông thị trưởng, còn
ông này thì cấm không cho ai được mua bán và ký kết khế ước gì với Đức Cha.
Thánh
nhân nói với anh em trong dòng: “Thật xấu hổ cho chúng ta, những người làm
tôi Chúa, vị Giám mục và ông thị trưởng thù ghét nhau như thế mà chẳng ai đứng
ra hoà giải”.
Chúng
ta cũng có thể hỏi: thế bản thân ngài làm được gì khi mắt đã gần mù và thân xác
kiệt quệ phải nằm một chỗ ? Có chứ ! Thánh nhân đã làm một việc quá sức tưởng
tượng của mọi người, và có thể nói “rất Phanxicô”, đó là thêm vào Bài ca tạo vật
mà ngài đã sáng tác trước đó ít lâu, một phiên khúc ca ngợi hoà bình và tha thứ,
rồi cử anh em đi mời ông thị trưởng tới Tòa Giám mục. Khi ông tới nơi và hai
người gặp nhau, các môn đệ nhân danh ngài, cất tiếng hát Bài ca tạo vật cùng với
phiên khúc mới. Khi tiếng hát vừa dứt, hai người nắm tay nhau nói lời hoà giải
và ôm hôn tỏ tình thân mật.
Chắc
hẳn, thánh nhân không bao giờ tự coi mình có khả năng hoà giải nhưng luôn là
khí cụ bình an của Chúa. Điều này được chứng thực trong lời Kinh Hoà Bình.
Lạy
Chúa, xin hãy dùng con
Như
khí cụ bình an của Chúa
Để
con đem yêu thương vào nơi oán thù
Đem
thứ tha vào nơi lăng nhục
Đem
tin kính vào nơi nguy nan
Đem
trông cậy vào nơi thất vọng
Dọi
ánh sáng vào nơi tối tăm
Đem
niềm vui đến chốn ưu sầu.
Lạy
Chúa, xin hãy dạy con
Tìm
an ủi người hơn được người ủi an
Tìm
hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm
yêu mến người hơn được người mến yêu
Vì
hiến thân chính là nhận lãnh
Tha
thứ cho người chính là được thứ tha
Cam lòng
chịu chết là được sống muôn đời.
Thật
ra, nhiều nhà chuyên môn nhìn nhận rằng kinh này không do thánh nhân trước tác
nhưng được gán cho ngài vì tinh thần hoà bình của tác giả theo chủ trương của
thánh nhân vào thời bấy giờ. Nhưng dù sao, chúng ta cũng có thể rút ra một kết
luận tác giả đã khôn khéo khi truyền đạt điểm giáo lý này với một văn phong hết
sức đạo đức trong bầu khí cầu nguyện. Thật vậy, tác giả ý thức hoà bình không
phải là hoa trái của riêng nỗ lực cá nhân người nào mà có được nhưng phát xuất
ơn hoán cải tâm hồn đến từ Thiên Chúa. Như thế, bầu khí cầu nguyện của lời kinh
giúp mọi người ý thức sự yếu đuối của bản thân, từ đó, trông chờ ơn Chúa giúp. Ở
đây chúng ta cảm nhận một thái độ sống đam mê xây dựng hoà bình, nhờ ơn Chúa và
khởi đi từ chính bản thân sẽ mang lại hoa trái tốt đẹp cho các linh hồn. Khi chúng
ta đặt lời kinh này trong bối cảnh thời ấy, mới nhận ra sự tranh chấp quyền lợi,
tranh giành quyền bính… đã huỷ hoại bầu khí hoà bình; đồng thời, xác định tầm
quan trọng về sự hiện diện của thánh nhân và sự quan phòng tốt đẹp của Chúa nhằm
tái lập tinh thần Kitô giáo trong thời Trung cổ.
Ở
đây, chúng ta cần xác tín lại điều đã khẳng định từ trước, môi trường là một
trong những yếu tố làm phát sinh đam mê. Cụ thể hơn, chính môi trường rối loạn
tranh chấp, bất hoà làm phát sinh niềm đam mê xây dựng hoà bình nơi thánh nhân
và những người thiện chí đương thời. Bài ca tạo vật và Kinh hoà bình là những bằng
chứng sống động cho một thời đen tối trong xã hội và Giáo hội.
Chúng
ta vừa bàn qua tương quan giữa thánh nhân với thiên nhiên và tha nhân, xét cho
cùng, hai chiều kích này chỉ là hệ quả tất yếu, hoa trái của một thực tại cao
sâu hơn. Thiết nghĩ, chính tương quan giữa ngài với Thiên Chúa mới tạo nên nhựa
sống trào tràn nuôi dưỡng cây sinh trái là hoà bình.
ĐHY
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận kể lại giai thoại về thánh Phanxicô rằng[2]: Vào dịp thánh nhân qua
Toà thánh để xin phê chuẩn luật dòng anh em hèn mọn, ĐTC thân mật hỏi ngài:
– Con
có bao giờ thấy Chúa chưa?
+ Con
vừa thấy đêm qua.
– Người
có nói gì với con không?
+ Người
và con bên nhau suốt đêm không nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lúc con nói “Cha” với
Người thì Người trả lời lại với con: “Con của Ta”. Cứ thế, chẳng có gì hơn cho
đến lúc trời sáng.
Qua
đó, chúng ta thấy thánh nhân có những khoảnh khắc nên Một với Chúa; thao thức của
Chúa cũng là thao thức của ngài, đam mê của Chúa cũng là đam mê của ngài. Chúa
đã chịu đóng đinh và chịu chết khả dĩ giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Qua
thánh nhân, Chúa tiếp tục thân hành lên đường tìm kiếm những con chiên lạc để
đưa về ràn. Có thể nói, qua thánh nhân, Chúa tiếp tục chịu đóng đinh và chết
cho con người. Sự chia rẽ của con người cách nào đó in đậm 5 dấu thánh trên
thân thể ngài. 5 dấu thánh là dấu chỉ sống động cụ thể thay cho lời mời gọi nhân
loại: Hãy sống và xây dựng hoà bình, hãy sống và đam mê hoà bình vì bạn
sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
EYMARD
An Mai Đỗ, O.Cist.
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Kính
Thánh Phanxicô Khó Khăn
Bài đọc: Gal 6:14-18, Psa 16; Mt 11:25-30
I. CHỦ ĐỀ: Không có gì
quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô.
Thánh
Phanxicô là con của một thương gia rất giàu có tại Assisi. Cha của ngài là người
buôn tơ lụa và muốn ngài nối tiếp sự nghiệp của ông; nhưng Phanxicô được Chúa
soi sáng đã sớm nhận ra sự phù hoa của giàu có bằng cách giúp ngài hiểu thấu
đáo về mầu nhiệm Thập Giá. Đức Kitô là Thiên Chúa, Ngài có tất cả mọi sự trên
trời dưới đất; nhưng đã tự huỷ mình ra không để gánh lấy hình phạt của tội lỗi
cho nhân loại. Trên Thập Giá, Ngài nghèo đến nỗi chỉ còn một miếng vải che thân
trong khi gánh mọi đau thương của cực hình chỉ vì yêu thương nhân loại.
Khi
đã nhận ra tình yêu này, Phanxicô đã bắt chước gương Đức Kitô để đáp trả lại
tình yêu vô bờ Đức Kitô đã dành cho ngài bằng cách từ chối không theo nghề nghiệp
của thân phụ. Khi biết rõ ý định của con muốn tận hiến cuộc đời cho Chúa, cha của
ngài đã đuổi ngài ra khỏi nhà; và mỗi khi ngài đi khất thực ngang qua nhà, ông
xua đầy tớ ra đánh đập, chửi rủa với hy vọng làm cho con đổi ý định. Một lần
sau khi đã bị hành hạ, ngài đã cởi bỏ bộ quần áo đang mặc trên người trả lại
cho cha và nói, “Đây là của cha, con xin trả lại cho cha; còn thân xác này của
Chúa dựng nên từ nay thuộc trọn về Thiên Chúa.” Giáo Hội khi tôn phong ngài, đã
gọi ngài là “Nữ Hoàng Khó Nghèo.”
Các
bài đọc hôm nay soi sáng cho chúng ta hiểu mầu nhiệm giầu có và sâu thẳm của Thập
Giá cùng với sự phù hoa của giầu có thế gian. Trong bài đọc I, chắc chắn thánh
Phaolô cũng đã cảm nhận được tình yêu của Đức Kitô dành cho ngài khi suy ngắm về
mầu nhiệm Thập Giá. Một khi đã hiểu được mầu nhiệm này, ngài cảm thấy tâm hồn
bình an; vì nếu Thiên Chúa đã yêu thương con người bằng cách hy sinh Người Con
Một chết cho con người như thế, còn gì có thể làm mà Ngài lại từ chối không ban
cho con người? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tạ ơn Thiên Chúa đã mặc khải mầu nhiệm
Nước Trời cho những kẻ bé mọn; mà không cho những người khôn ngoan, thông thái.
Chỉ có những ai hiền lành và khiêm nhường mới có thể mở lòng trí để đón nhận những
mầu nhiệm cao siêu của Thiên Chúa, hành động theo những chỉ dạy của Ngài và tìm
được sự bình an đích thực cho tâm hồn.
II. PHÂN TÍCH:
1/ Bài
đọc I: Niềm xác tín của người
môn đệ: “Tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô.”
1.1/ Làm
sao để có bình an?
(1)
Thập giá Đức Giêsu Kitô là niềm hãnh diện của người tín hữu: Đây là bốn câu cuối
cùng của Thư Galat, và thánh Phaolô muốn tổng kết những gì Ngài đã nói với các
tín hữu trong toàn Thư. Người tín hữu không được tìm sự hãnh diện nơi bất cứ điều
gì thế gian dâng tặng như: uy quyền, danh vọng, tiền của, hưởng thụ... Niềm
hãnh diện của người tín hữu là ở nơi Thập Giá của Đức Kitô, vì nhờ cây Thập Giá
này mà họ được rửa sạch tội lỗi và được giao hòa với Thiên Chúa. Thánh Phaolô
tuyên xưng: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá
đối với tôi, và tôi đối với thế gian.”
(2)
Qui tắc để có bình an: Đối với các Kitô hữu, không phải hệ tại ở việc cắt bì,
cũng chẳng phải ở việc giữ Luật, nhưng là ở chỗ trở nên một tạo vật mới: theo sự
hướng dẫn của Thánh Thần để hoàn toàn sống cho Đức Kitô. Thánh Phaolô dạy: “Quả
thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ
tạo mới. Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Israel của Thiên
Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người.”
Bình
an này có liên kết mật thiết với niềm tin của người tín hữu vào Đức Kitô: một
khi đã biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, người tín hữu không còn lo lắng về
tội lỗi và về sự chết nữa. Họ biết nếu họ tin và tuân giữ những gì Đức Kitô dạy
bảo, họ sẽ được sống đời đời với Thiên Chúa. Chính sự xác tín này làm cho họ được
bình an trong tâm hồn.
1.2/ Tôi
mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu: Trong cuộc đời, người tín hữu phải đương đầu với biết bao
nhiêu những lạc thuyết của thế gian và các tôn giáo khác nhau. Một khi đã biết
rõ ràng Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, người tín hữu đừng để cho bất cứ người
nào làm lung lay niềm tin của mình, đừng để cho bất cứ sự gì lôi cuốn mình khỏi
Thập Giá của Đức Kitô, và đừng để cho những dấu tích của Đức Kitô in trên thân
thể bị xóa nhòa. Những “dấu tích” thánh Phaolô nói ở đây có thể là “5 dấu thánh”
mà thánh Phanxicô Khó Khăn, thánh Catarina Sienna, hay Cha Piô được chịu; cũng
có thể là những đau khổ để lại trên thân xác sau khi đã trải qua những gian khổ
để làm chứng cho Đức Kitô; hay có thể hiểu một cách thiêng liêng: những chứng
tích mà bí-tích Rửa Tội để lại trong linh hồn các tín hữu.
2/
Phúc Âm: “Hãy học với tôi,
vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”
Chúa
Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái (sophos, sunetos)
với kẻ bé mọn (nêpios), để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ
thơ là tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những
kiến thức về Thiên Chúa. Một thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận
ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ.
2.1/ Kiến
thức về Thiên Chúa: "Cha
tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha;
cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc
khải cho."
(1)
Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở
đây là "epiginôskô," biết như một con người hay sự vật là. Con
người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa
Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc
nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài
là một.
(2)
Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn
để mặc khải cho con người, con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức
Kitô chính là mặc khải của Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết
về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha.”
Hơn nữa, để con người có thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do
Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và thúc đẩy từ bên trong.
2.2/ Hai
điều quan trọng chúng ta cần học hỏi cùng Chúa Giêsu: Người môn đệ tuy vẫn phải mang ách và
mang gánh nặng; nhưng họ không mang chúng theo cách của thế gian, mà mang chúng
theo cách của Đức Kitô. Để biết mang ách và gánh đúng cách, họ cần phải học với
Đức Kitô. Hai nhân đức quan trọng họ cần học nơi Ngài:
(1)
Hiền lành: Đây là mối thứ hai trong Bài Giảng Trên Núi. Chúa Giêsu là Thiên
Chúa, Ngài có quyền tiêu diệt những ai nói những lời xúc phạm, đánh đòn, và giết
chết Ngài; nhưng Ngài đã không làm những chuyện đó. Ngài chọn con đường tha thứ:
“Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài hòa giải
con người với nhau và với Thiên Chúa. Ngài dạy phải thương yêu, cầu nguyện và
làm ơn cho kẻ thù. Con người cũng thường có khuynh hướng yêu thích những ai hiền
lành, nhã nhặn, và tha thứ.
(2)
Khiêm nhường: là nhân đức diệt trừ tính kiêu ngạo, tội đầu tiên trong bảy mối tội
đầu. Không ai thích người kiêu ngạo và tâm lý chung chẳng ai thích người hay “nổ.”
Khiêm nhường là biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.
Người khiêm nhường biết mọi sự mình có được là do Thiên Chúa ban, nên họ không
huyênh hoang lên mặt với người khác; nhưng biết dùng tài năng để mở mang Nước
Chúa và phục vụ anh em. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa và luôn bất
an vì sợ người khác hơn họ. Họ bất an khi không nhận được những gì họ muốn và
khó chịu với mọi người.
III. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta hãy đến và học với Đức Kitô trên Thập Giá, vì Ngài sẽ dạy cho chúng ta
những bài học khôn ngoan mà chúng ta không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu trên thế
gian này.
-
Không một ai trên đời này yêu thương chúng ta bằng Đức Kitô. Ngài đã chứng tỏ
cho chúng ta tình yêu thâm sâu của ngài qua cái chết đau thương trên Thập Giá để
gánh chịu mọi hình phạt thay cho chúng ta.
- Nếu
chúng ta đánh đổi tình yêu của Đức Kitô cho sự giàu có thế gian, chúng ta đã
rơi vào bẫy của ma quỉ và trở thành những kẻ rồ dại và đang thương nhất trên đời.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
04/10/16 THỨ BA TUẦN 27 TN
Th. Phan-xi-cô Át-si-si
Lc 10,38-42
Th. Phan-xi-cô Át-si-si
Lc 10,38-42
Suy niệm: Tiếp đón Chúa là làm cho Chúa cái gì hay nhận
gì nơi Chúa? Cô Mác-ta tỏ lòng hiếu khách bằng cách lo cơm nước đãi khách. Còn
cô Ma-ri-a tỏ lòng hiếu khách bằng cách ngồi nghe Chúa nói. Mác-ta chủ ý “cho”
mà không chú ý “nhận”. Thực ra, Mác-ta muốn cô em Ma-ri-a và cả Thầy Giê-su nữa
để mắt tới “công lao” của chị khi chị nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới
sao?” Còn
Ma-ri-a thì “quên” hết mọi sự chung quanh, “quên” cả chính mình, chỉ chú tâm
lắng nghe, đón nhận “những
lời bởi miệng Chúa phán ra” (x.
Mt 4,4). Cuối cùng Chúa đánh giá: Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị
lấy đi.
Mời Bạn: Chúa
là Đấng ban phát hơn là người nhận. Người đến nhà chị em Mác-ta và Ma-ri-a,
Mác-ta dọn cho Người lương thực vật chất, còn Người trao cho Ma-ri-a lương thực
thiêng liêng. “Không
phải cô Ma-ri-a ngồi dưới chân Chúa vì làm biếng. Phúc Âm không phong thánh
người làm biếng. Ma-ri-a chọn phần nhất: nghe Chúa nói, để Lời Chúa thấm tận
tâm can, lay chuyển mình, làm việc trong mình. Có gì hoạt động bằng sự lột xác,
sự biến đổi ấy?” (HY
Ph.Xav. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 147). Chọn Chúa thì hơn chọn việc
phục vụ Chúa. Và khi đã có Chúa thì mình sẽ biết phục vụ Chúa bằng việc gì.
Sống Lời Chúa: Yêu
mến Lời Chúa bằng việc hằng ngày dành thời gian đọc và suy niệm một đoạn Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mới là đối tượng tuyệt đối và đáng cho chúng
con yêu mến. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa bằng cách lắng nghe Lời Chúa.
Chọn phần tốt hơn
Cuối cùng đời sống chúng ta
là kết hợp của Mácta và Maria: vừa đón Chúa như Mácta, vừa tiếp Chúa như Maria,
vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa,
Suy niệm:
Nếu ở Việt Nam mỗi năm có
khoảng mười hai ngàn người chết vì tai nạn giao thông,
thì ở Nhật có ba mươi
ngàn người tự sát trong năm qua.
Tai nạn giao thông lắm
khi do vội vã, không làm chủ được tốc độ.
Tự sát do áp lực của công
việc quá lớn, do căng thẳng, do sợ bị khiển trách.
Xem ra cuộc sống hối hả
đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.
Nhiều người chết bất ngờ
vì bệnh tim mạch.
Con người hôm nay có
nhiều tiện nghi hơn, nhiều thú vui hơn ngày xưa,
nhưng lại thiếu sự thanh
thản, bình an, trầm lắng.
Trong bài diễn văn ngày 20-08-2006 tại Castel Gandolfo,
Đức Thánh Cha đã cảnh báo
về nguy hiểm khi làm quá nhiều công việc.
Ngài trích lời thánh
Bênêđictô: bị quá tải thường dẫn đến sự chai đá của con tim,
tinh thần bị thương tổn,
trí khôn bị mất và ơn Chúa bị phân tán.
Ngài khẳng định lời nhắc
nhở này cũng áp dụng cả cho ngài và cho mọi người.
Không được đánh mất mình
trong công việc :
đó là tâm niệm của người
lãnh đạo trên một tỉ người Công Giáo khắp thế giới.
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một giây phút thư giãn của Đức Giêsu.
Trên con đường nay đây
mai đó của một người rao giảng,
Đức Giêsu cũng có lúc
dừng chân.
Một ngôi làng quen thuộc,
một mái nhà ấm cúng, một bữa ăn ngon,
tất cả như một ốc đảo
xanh tươi đem lại cho Thầy trò hạnh phúc
sau những vất vả, nhọc
mệt, hiểm nguy và thiếu thốn.
Hầu chắc ngôi làng này ở
Bêtania, gần Giêrusalem.
Hai chị em Mácta và Maria
đã được nhắc đến trong Tin Mừng Gioan.
Mácta là người đón khách
và nấu nướng (Ga 11, 20; 12, 2),
còn Maria thì hay phủ
phục dưới chân Đức Giêsu (Ga 11, 32; 12, 3).
Những nét này ta lại thấy
trong bài Tin Mừng hôm nay theo Luca.
Mácta vẫn là người ra đón
Chúa, Maria vẫn là người ngồi duới chân Chúa.
Một người thiên về hoạt
động, một người có vẻ trầm hơn.
Nhưng cả hai đều được Đức
Giêsu quý mến (Ga 11, 5).
Chúng ta cần chiêm ngắm cuộc chia sẻ của Đức Giêsu với chị Maria.
Chị ngồi bên chân Chúa và
lắng nghe lời Người (c.39).
Đức Giêsu là người nói và
chị Maria là người nghe.
Ngài có thể đã chia sẻ
với chị về đời sống nội tâm và việc tông đồ của ngài.
Được chia sẻ và có người
nghe mình chia sẻ là một hạnh phúc.
Còn chị Maria thì sung
sướng được ngồi nghe trong tư thế của một môn đệ.
Người ta có cảm tưởng chị
có thái độ thụ động khi nghe.
Thật ra để lắng nghe cần
tích cực mở tai và mở lòng.
Lắng nghe Lời Chúa là cần
trước khi đem ra thực hành.
Mácta đón Chúa vào nhà,
còn Maria đón Lời Chúa
vào tâm hồn mình.
Có thể định nghĩa cầu
nguyện là ngồi và lắng nghe Chúa nói.
Một số người tưởng cầu
nguyện là phải nói thật nhiều cho Chúa nghe.
Thật ra Chúa muốn bày tỏ
cho ta những ước mơ của ngài về ta,
nên ta cũng cần dành
khoảng lặng cho ngài.
Nghệ thuật đối thoại cũng
là nghệ thuật thinh lặng lắng nghe.
Trong khi Maria ngồi nghe Chúa nói,thì Mácta tất bật dưới bếp.
Mácta bối rối về nhiều chuyện
phục vụ (peri pollên diakonian, c. 40).
Chị sợ bữa ăn không được
chuẩn bị chu đáo và kịp thời.
“Em con để con phục vụ
một mình”: chị thấy cô đơn trong công việc.
“mà Thầy không quan tâm
sao?”: chị nghĩ lẽ ra Thầy nên để ý chuyện ấy.
“Xin Thầy bảo em giúp con
một tay”: chị muốn Maria xuống bếp giúp chị.
Mácta thật là người tốt,
chị muốn tiếp đãi Đức Giêsu đàng hoàng.
Nhưng có lẽ chị quên rằng
Maria cũng đang tiếp đãi Đức Giêsu,
và ngài rất vui với cách
tiếp đãi đó.
Nếu đưa Maria xuống bếp
phụ cho chị, thì Thầy Giêsu nói chuyện với ai?
Chúng ta cũng dễ say mê
làm việc của Chúa, đến nỗi quên cả việc gặp Chúa.
Có khi chúng ta coi trọng
hiệu quả của công việc ta làm cho Chúa
mà quên dành giờ cho
Chúa.
Cầu nguyện là ở với Chúa,
nghỉ ngơi bên Chúa,
sống tình bạn với Chúa
như hai người ngồi bên nhau.
Đức hồng y Nguyễn Văn
Thuận nhắc ta đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa.
Đức Giêsu thông cảm với nỗi căng thẳng, âu lo của Mácta
thể hiện trên khuôn mặt
và giọng nói của chị.
Ngài nhẹ nhàng gọi tên
chị hai lần : “Mácta, Mácta ơi !”
“Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện
quá!” (peri polla, c.41).
Câu này ngài cũng muốn
nói với từng người chúng ta.
Chúng ta cũng lo nhiều chuyện,
gánh nhiều trách nhiệm.
“Chỉ có một chuyện
cần mà thôi”: ngài mời ta tập trung vào một chuyện cần.
Lo nhiều chuyện làm ta bị
phân tán.
“Maria đã chọn phần tốt
nhất” :
ngồi dưới chân Chúa là
một chọn lựa nghiêm chỉnh giữa những công việc bề bộn.
Đặt Chúa lên trên và lên
trước mọi việc khác là một chọn lựa không dễ dàng.
Dù sao Mácta là một thánh nữ, được Giáo Hội kính nhớ trong Phụng vụ.
Chúng ta phải làm Mácta,
tận tụy với việc của Chúa, không phải việc của mình,
như thế ta sẽ bình an hơn
khi thất bại, khiêm tốn hơn khi thành công.
Chúng ta phải làm Mácta,
nhưng không được lo lắng, bôn chôn.
Chúng ta làm mọi việc
trong an tĩnh, thư thái, vui tuơi, hài hước,
bởi lẽ Chúa chẳng đòi ta
làm quá sức mình.
Chúng ta phải làm Mácta,
đảm đang lo nhiều việc, nhưng không được tự hào,
coi thường những người
thiếu khả năng, bệnh tật,
hay đánh giá người khác
dựa trên hiệu quả công việc.
Chúng ta phải làm Mácta,
nhưng không cần ai để ý (c.40).
không coi việc mình làm
là quan trọng hơn việc người khác,
vì biết rằng Chúa ban cho
mỗi người mỗi việc để phục vụ cho toàn thân.
Cuộc sống hôm nay khiến ta khó làm Maria.
Nhưng phải cố dành giờ để
làm Maria mỗi ngày.
Phải thu xếp để được làm
Maria, để có người thay mình làm Mácta.
Nghe lời Chúa sẽ dẫn tới
hành động: đó là xây nhà trên đá.
Cuối cùng đời sống chúng
ta là kết hợp của Mácta và Maria:
vừa đón Chúa như Mácta,
vừa tiếp Chúa như Maria,
vừa làm việc của Chúa, vừa
gặp gỡ chính Chúa,
vừa hoạt động, vừa chiêm
niệm,
nhưng lúc nào cũng hướng
về Chúa.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan
Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh
thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4
THÁNG MƯỜI
Thánh
Phanxicô Assisi, Một Kiến Trúc Sư Của Hoà Giải
Khuôn
mặt Thánh Phanxicô Assisi đem lại cho cuộc hành trình nhân loại của chúng ta một
sắc thái Kitô giáo. Ngài tranh thủ ơn phúc hòa bình của Phúc Aâm, và qua đó
ngài giúp những tâm hồn ly cách được hòa giải với Giáo Hội và xã hội.
Lối sống
nghèo của Asissi thật vô cùng phong phú giữa những nẻo đường nên thánh của Kitô
giáo. Không thể chối cãi rằng một trong những sứ điệp cảm kích – mà Thánh
Phan-xi-cô vừa sống cách triệt để vừa tiếp tục làm vang dội trong lương tâm của
con người thời đại – đó là nỗi khát khao bỏng cháy đối với hòa bình.
Sau
khi toàn tâm dấn mình theo tiếng gọi của Thiên Chúa, ngài và các môn đệ đầu
tiên của ngài rảo qua các thành thị, làng mạc. Thầy trò dừng lại ở các quảng
trường và các khu dân cư, lặp đi lặp lại mấy tiếng hết sức đơn sơ nhưng vô cùng
hàm súc: an bình và hạnh phúc. Mấy tiếng ấy được nói lên không chỉ đơn thuần
như một điều khát khao, nhưng còn như một lời cam kết dấn thân thúc bách các
thính giả của ngài, những người thường bị rơi vào tình trạng phân hóa và xung đột:
tôn giáo này chống tôn giáo kia, thành phố này đối đầu với thành phố nọ, xung đột
giữa các xóm thôn, các gia đình.
Ở nước
Ý thời Trung Cổ có một từ ngữ được khơi lên và gây âm vang rất lớn, một từ rất
đơn sơ tầm thường song cũng cưu mang rất nhiều sức mạnh, sức mạnh của Tin mừng.
Đó là một từ của Thánh Phan-xi-cô Assisi. Ngài là một con người được Bà Chúa
Nghèo yêu mến, một con người thực sự là anh em chân tình của bất cứ ai mà ngài
gặp gỡ.
Người
tu sĩ khiêm tốn này được những người đương thời đánh giá là “con người mới, được
gởi xuống từ trời cao” (FF 1212). Trong tinh thần của Đức Kitô, ngài thậm chí tự
nguyện trở thành nhịp cầu nối giữa Kitô giáo và Hồi giáo, đến độ ngài đã đi viếng
thăm vua Ai cập, Melek-el-Kamel. Ngài mong muốn đảm nhận vai trò của một ngôn sứ
đích thực để loan báo cho nhà vua sứ điệp của Con Thiên Chúa nhập thể.
Chúng
ta có thể nói rằng thánh Phanxicô không chỉ là một sứ giả. Bởi hơn thế nữa,
ngài là nhà xây dựng và là kiến trúc sư của hoà giải và hoà bình. Ngài nói:
“Chúa đã mặc khải cho tôi lời chào mà chúng tôi vẫn sử dụng, đó là ‘Xin Chúa
ban bình an cho bạn’” (FF 121). Tôma Celano, người viết tiểu sử của ngài, đã khắc
họa dung mạo nghèo khó nơi ngài như sau: “Trong các bài giảng, trước khi chia sẻ
lời Chúa cho mọi người, ngài luôn diễn tả khát vọng hòa bình, ngài nói: ‘Xin
Chúa ban bình an cho anh chị em! Ngài loan báo sự bình an này cách chân thành
cho mọi người nam cũng như nữ, cho tất cả những ai ngài gặp gỡ. Bằng cách đó,
nhờ ân sủng Chúa, ngài thường thành công trong việc giúp cho những người chống
lại hòa bình và chống lại ơn cứu độ của chính họ trở thành con cái của hoà bình
và biết khát khao ơn cứu rỗi đời đời” (FF 359).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
04 -10
Thánh
Phanxicô Assisi
Gl
1,13-24; Lc 10,38-42.
Lời
suy niệm “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà
Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! Chúa đáp: Mácta!
Mácta ơi! Chị băng khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết
mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Mácta
và Maria đều yêu mến Chúa Giêsu và cả hai đều được Chúa Giêsu yêu mến. Việc làm
cả Mácta cũng như Maria đều cần thiết cho cuộc tiếp đón Chúa Giêsu, nhưng Mácta
làm công việc theo ý riêng của mình, còn Maria làm công việc đúng ý muốn của
Chúa Giêsu. Mácta bị Chúa quở trách là vì; Mácta muốn Chúa Giêsu và Maria làm
theo ý của mình; Maria đã được Chúa khen, bởi vì những gì Maria đón nhận từ
Chúa Giêsu đã thấm nhập vào tâm trí của Maria, những điều này không ai có thể lấy
đi được khỏi Maria.
Lạy
Chúa Giêsu. Lời Chúa là sức mạnh và sự khôn ngoan trong đời sống đức tin của
chúng con. Xin cho mỗi người chúng con yêu mến Lời Chúa bằng cách siêng năng học
hỏi, suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hiện trong ngày sống của chúng con.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
04-10
Thánh
PHANXICÔ ASSISIS
(1181
- 1226)
Thánh
Phanxicô sinh tại Assisi, miền Umbria, năm 1181. Ong Phêrô Bernadone là một
thương gia giầu có, lúc sinh ra thánh nhân, ông đang ở Pháp, nên đã đặt tên cho
Ngài theo tên quốc gia này. Thời thơ ấu, thánh nhân chịu ảnh hưởng nhiều bởi
người mẹ nhiệt thành và khả ái. Ngài tỏ ra vui vẻ, mạo hiểm, quảng đại và bình
dân. Dầu được chuẩn bị để theo nghề buôn bán như cha, Ngài vẫn thường mơ ước trở
thành hiệp sĩ.
Năm
1201, Phanxicô tham gia cuộc chiến ở Perugia và bị bắt tù một năm. Kinh nghiệm
đau xót này cùng với cơn bệnh ngặt nghèo là khởi đầu cuộc trở lại của Ngài. Dầu
vậy, năm 1205, Ngài vẫn còn tham dự vào cuộc viễn chinh tại Apulia. Trong một
giấc mơ, Phanxicô được Chúa Kitô mở lời kêu gọi phục vụ Người. Ngài trở về và
hiến mình chăm sóc các bệnh nhân.
Ngày
16 tháng 4 năm 1206, Phanxicô lại nghe tiếng Chúa Kitô kêu gọi Ngài tái thiết đền
thờ thánh Damianô. Luôn mau mắn và tận tâm, Phanxicô đã từ bỏ đời sống cũ và chấp
nhận sống như một ẩn sĩ. Khi bị cha bỏ tù, rồi dẫn đến đức giám mục như một đứa
con bất phục, thánh nhân đã từ khước mọi quyền lợi lẫn của cải, cả đến áo quần
đang mặc nữa.
Hai
năm sau, có lẽ vào ngày 24 tháng 2 năm 1209, Ngài nghe đọc đoạn Tin Mừng Mt
10,9 và thấy mình được ơn gọi đi rao giảng sự thống hối. Đây là giây phút quyết
liệt. Thánh nhân cởi bỏ tu phục ẩn sĩ, mặc áo vải thô, thắt giây lưng và bắt đầu
rao giảng Chúa Kitô. Có hai người bạn đi theo, Ngài cho họ một bản luật gồm ba
câu thánh kinh Mt 20,21; 10,9 và Lc 9,23. Khi con số môn sinh lên tới 11, Ngài
viết cho họ một bản luật vắn (bản Primitiva, nay đã thất lạc), và dân họ tới
Roma để được Đức Giáo hoàng phê chuẩn.
Đức
giáo hoàng Innocentê III, sau phút ngập ngừng, đã nhận ra nơi người giáo dân
ngay thật và nhiệt tình này một tông đồ chân chính, và ban lời chuẩn nhận
(tháng 6 năm 1210). Nhóm huynh đệ trở về Assisi. Họ sống trong những chiếc chòi
ở Rivetortô. Gần Porziuncola và rao giảng sư thống hối trên khắp nước Ý. Đầy
đơn sơ, họ làm đủ mọi việc và sống bằng nghề ăn xin. Chính sự đơn sơ như thiên
thần của Phanxicô mà họ coi là hiền huynh và hiền mẫu, là gương sống hứơng dẫn
họ trên đường thiêng liêng. Chưa có một tổ chức nào cả, với phép của Phanxicô,
họ đi khắp nơi, như các anh em thống hối nghèo miền Assisi.
Năm
1212, Phanxicô khích lệ Clara, một thiếu nữ danh giá trong thành phố, thiết lập
nhóm chị em sống đời nghèo khó và cầu nguyện ở nhà thờ thánh Damianô. Họ đã trở
thành các bà nghèo khó và ngày nay gọi là các nữ tu Clara.
Không
bao giờ Phanxicô muốn lập một "Hội dòng". Ngài chỉ muốn theo Chúa
Kitô trong các sách Tin Mừng một cách hoàn toàn đến từng chữ viết. Dầu vậy,
nhóm huynh đệ đã theo một hình thức tu dòng nào đó. Họ đọc kinh nhật tụng, ngủ
và ăn chung như các tu sĩ. Khi nhóm huynh đệ đã tăng số cách lạ lùng, mau
chóng, Phanxicô phải ủy quyền cho các người lãnh đạo mà Ngài gọi là "Hiền
mẫu" hay là "tôi tớ" của các nhóm. Hàng năm các anh em họp nhau
một lần tại Porziuncola.
Năm
1216, Phanxicô tham dự đám táng Đ. G.H Innocentê III và được Đức Honoriô IV ban
ân xá cho thánh đường Perziuncola. Năm sau, Ngài được cảm tình của đức Hồng y
Ugôlinô, là đấng sẽ trung tín bảo trợ Ngài mãivề sau.
Năm
1219. Nhóm huynh đệ tăng số đông đảo và phải chia thành nhiều tỉnh dòng. Cánh đồng
truyền giáo đầu tiên của nhóm vượt qua rặng núi Alpes.
Chính
Phanxicô, bất chấp những cân nhắc khôn ngoan, đã bỏ nước Ý để tham gia thập tự
quân và đã đến gặp Sultan. Trong khi Ngài vắng mặt, nhóm huynh đệ gồm nhiều học
viên mới, có học thức và thuộc hàng giáo sĩ, họ như con thuyền không lái và rơi
vào cuộc khủng hoảng. Vấn đề chỉ giải quyết xong khi kêu mời Phanxicô trở về,
nhờ tài khéo léo của Đức hồng y Ugôlinô, và nhóm phải chọn một khuôn mẫu thông
thường của đời sống tu trì.
Trước
sức ép liên tục, bây giờ Phanxicô phải viết một bản luật chi tiết hơn (bản
Regula Prima) dầu vậy, bản luật này vẫn còn quá đơn sơ và đòi hỏi các người
lãnh đạo mới của cộng đoàn về đàng thiêng lêng. Sau khi sửa lại, bản luật mới
này được đức giáo hoàng Honoriô III chấp nhận năm 1223 (bản Rehula Secunda hay
Bullata nay vẫn còn được xử dụng) Trong khi đó, Phanxicô trở nên yếu đau và lo
âu. Ngài trao quyền quản trị nhóm huynh đệ cho người đại diện. Từ năm 1221, anh
Elia đầy bí nhiệm đảm nhận chức vụ.
Chính
Phanxicô lại lui vào trong núi. Ngày 14 tháng 9 năm 1224, sau một thời sống ẩn
dật, Ngài đã được Chúa Kitô in dấu. Từ đây, bệnh tình Ngài tăng thêm và trở nên
mù lòa hầu như hoàn toàn. Ngài được bốn anh em trung tín mang đi đây đó. Có lẽ
vào năm 1224, Ngài đã viết "bài ca mặt trời". Năm 1226, Ngài viết
chúc thư (testament) long trọng nhấn mạnh đòi buộc sống nghèo khó tuyệt đối,
vâng lời luật dòng đến từng chữ viết và từ khước mọi đặc ân.
Ngày
02 tháng 10 năm 1226, sau khi viếng thăm Clara cùng các nữ tu và chúc lành cho
thành Assisi, Ngài từ trần tại Porziuncola. Hai năm sau Ngài được bạn cũ là
Ugôlinô bấy giờ là ĐGH grêgoriô IX tôn phong lên hàng hiển thánh. Năm 1228, xác
Ngài được dời về mai táng tại đại giáo đường do anh Elia xây cất.
(daminhvn.net)
04
Tháng Mười
Bí Quyết Trẻ Trung
Hôm
nay Giáo Hội kính nhớ thánh Phanxicô Assisi.
Sống
cách chúng ta trên 7 thế kỷ, thánh Phanxicô Assisi vẫn mãi mãi để lại một hình ảnh
trẻ trung. Chưa có vị thánh nào trong Giáo Hội được nhắc nhở, yêu mến như thánh
nhân. Chưa có vị thánh nào đã gợi lên nhiều cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật
cho bằng thánh nhân. Chưa có vị thánh nào được các nhà chính trị, các nhà cách
mạng ca tụng cho bằng thánh nhân.
Sứ
điệp của thánh nhân siêu việt thời gian, bởi vì con người của thánh nhân là hiện
thân của tuổi trẻ. Thật thế, suốt cả cuộc đời của mình, thánh Phanxicô Assisi
luôn biết giữ một tâm hồn tươi trẻ. "Tuổi tác không phải là điều kiện thể
lý cho bằng bầu khí của tâm hồn". Có lẽ thánh nhân không phải là người đã
nói lên châm ngôn ấy, nhưng hẳn ngài đã sống theo châm ngôn ấy.
Ngài
biết giữ mãi cho tâm hồn tươi trẻ bằng cách hạn chế tối đa các nhu cầu, bằng
cách chống cự lại các ước muốn. Ngài đón nhận mọi sự. Không thắc mắc, không lo
lắng, không buồn giận.
Những
khám phá của khoa học tâm lý ngày nay, thánh Phanxicô Assisi đã từng biết và sống
một cách trọn vẹn. Thật thế, để có một thể xác lành mạnh, một tâm hồn tươi trẻ,
các nhà tâm lý học khuyên chúng ta như sau:
-
Hãy tập yêu thích những gì không quá đắt giá.
-
Hãy tập yêu thích việc đọc sách, chuyện vãn, nghe nhạc.
-
Hãy tập yêu thích những thức ăn thanh đạm.
-
Hãy tập yêu thích tiếng chim hót, sự hiện diện của thú vật, tiếng cười đùa rộn
rã của trẻ em.
-
Hãy tập yêu thích trồng trọt, làm việc tay chân.
-
Hãy tập yêu thích ánh bình minh cũng như hoàng hôn, tiếng mưa rơi trên mái nhà
cũng như cảnh tuyết rơi.
-
Hãy tập yêu thích những nhu cầu đơn giản nhất.
-
Hãy tập yêu thích công việc và cảm nhận được niềm vui khi làm tốt một công việc.
-
Hãy tập yêu người, dù người không giống ta.
Không
khí, ánh sáng, mặt trời, niềm vui, hạnh phúc, cuộc sống, con người: đó là những
yếu tố cần thiết để tạo cho bầu không khí tươi trẻ trong tâm hồn. Phải chăng đó
không là những yếu tố mà người ta cũng bắt gặp trong bài ca vạn vật của thánh
Phanxicô Assisi?
Một
tâm hồn luôn luôn tươi trẻ: đó không chỉ là một bí quyết để được hạnh phúc trên
đời này, nhưng còn là một đòi hỏi đối với người Kitô. Chúa Giêsu đã nói với
chúng ta: "Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những ai giống
chúng. Ta nói thật với các con: nếu các con không đón nhận nước Trời như trẻ nhỏ,
các con sẽ không được vào Nước Trời".
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét