09/12/2016
Thứ Sáu tuần 2 mùa vọng
Bài Ðọc I: Is 48, 17-19
"Chớ gì ngươi
lưu ý đến giới răn của Ta".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Thiên Chúa là Ðấng
Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi phán: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi,
Ðấng phán dạy ngươi những điều hữu ích, Ðấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải
đi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như
dòng sông, và sự công chính của ngươi sẽ như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ như
cát và con cháu ngươi sẽ đông đúc, và danh ngươi sẽ không bị xoá, bị diệt trước
nhan thánh Ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4
và 6
Ðáp: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống
(x. Ga 8, 12).
Xướng: 1) Phúc cho ai
không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân,
không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa,
và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng
bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả
công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được
như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công
chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! -
Này đây Ðức Vua là Thiên Chúa địa cầu sẽ đến. Chính Người sẽ cất ách tù đày của
chúng ta. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11, 16-19
"Họ không nghe
lời Gioan và lời Con Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng dân chúng rằng: "Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn
trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: "Chúng tôi thổi sáo, sao
các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!"
"Vì Gioan đến,
không ăn không uống, thì họ nói: "Ông ta phải quỷ ám!" Con Người đến,
ăn uống giống như thường, thì họ nói: "Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của
quân thu thuế và những kẻ tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng
các công việc của mình".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Pharisiêu Cứng
Lòng
Một vị quan văn nổi tiếng
vào thời nhà Tống ở Trung Quốc có câu chuyện Giáp Ất tranh luận như sau:
Giáp hỏi Ất:
- Nếu lấy đồng đúc
thành chuông, đẽo gỗ làm cái dùi, lấy dùi đánh vào chuông, nó lêu boong boong.
Vậy tiếng kêu là do gỗ hay do đồng.
Ất đáp:
- Lấy dùi gõ vào tường
vách không kêu, gõ vào chuông lại kêu. Vậy tiếng kêu ở đồng.
Giáp lại hỏi:
- Lấy dùi gõ vào tiền
trinh bằng đồng không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu là do ở đồng mà ra không?
Ất lại đáp:
- Ðồng tiền đặc, cái
chuông rỗng. Vậy tiếng kêu là do các đồ vật rỗng mà ra.
Giáp hỏi tiếp:
- Lấy gỗ, lấy đất sét
làm thành chuông đánh cũng chẳng nghe tiếng kêu boong boong, thế thì chắc gì tiếng
là do các vật rỗng mà ra.
Cuộc tranh luận giữa
Giáp và Ất sẽ kéo dài mãi thì chẳng thể nào có một giải đáp đúng nghĩa nếu họ
chỉ giải đáp một cách phiến diện và chủ quan, chỉ giải quyết vấn đề theo từng
góc cạnh riêng lẻ. Tâm trạng chủ quan và cái nhìn phiến diện của họ phần nào
cũng giống như cái nhìn của người Do Thái được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin
Mừng mà thánh Matthêu ghi lại.
Thật vậy, sống trong một
thế giới đầy màu sắc và ánh sáng thì chẳng ai lại không lo sợ và đề phòng về chứng
tật mù lòa. Nhìn người mù không ai mà lại không cảm thấy xót thương, động lòng
trắc ẩn, vì mắc phải bệnh mù con người gần như mất một phân nửa cuộc đời, và
không những họ mất hết niềm vui do cái nhìn đem lại mà trước một sự việc họ
cũng chẳng hiểu được tường tận nếu chỉ đón nhận bằng đôi tai, chưa nói đến những
điều đòi phải được đón nhận bằng đôi mắt.
Tuy nhiên, dù cho thiệt
thòi như vậy bệnh mù lòa vẫn chưa nguy hiểm bằng căn bệnh của những người Do
Thái được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là óc phê phán chủ
quan và họ cứ tưởng mình sáng hóa ra lại chẳng thấy gì. Vì nếu người mù biết
mình tối thì họ sẽ cố gắng tìm hiểu sự việc trước mắt khi không nhìn được sự
khác. Còn người chủ quan và phiến diện thì muôn đời sẽ tăm tối trước chân lý,
vì khi chỉ nhìn được một khía cạnh của chân lý mà họ cứ tưởng là đã đạt được
chân lý để rồi cứ thế mà cố chấp trước những vẻ đạp của chân lý. Họ chẳng khác
gì năm người mù đi xem voi, người thì cho con voi là cái cột đình to tướng, kẻ
lại nói con voi là chiếc quạt khổng lồ, người khác lại cho con voi là quả núi đồ
sộ.
Khi thánh Gioan Tẩy Giả
đến rao giảng ơn cứu độ, người không ăn uống thì được gán cho nhãn hiệu là bị
quỉ ám. Ðức Kitô đến, Người ăn uống như bình thường thì bị kết án là người mê
ăn uống, là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Họ chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan
điểm riêng của mình, chỉ nhìn Ðấng Messia theo cái nhìn phiến diện nên người Do
Thái đã khép chặt cửa lòng trước lời mời gọi của ơn cứu rỗi. Với cái nhìn phiến
diện đã nảy sinh những phe phái chủ quan chẳng khác gì bọn trẻ nít ngồi nơi phố
chợ: "Chúng tôi thổi sáo sao các bạn không nhảy múa. Chúng tôi than vãn
sao các bạn không than khóc?" Chính vì thế mà ơn cứu độ đến và qua đi mà
người Do Thái chẳng nhận ra: "Ngài đã đến trong nhà Ngài nhưng người nhà
đã không nhận ra Ngài, không đón tiếp Ngài".
Trong Giáo Hội ngày
nay cũng không thiếu những trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do Thái. Ðức
Kitô được trình bày trọn vẹn trong Kinh Thánh, qua Phụng Vụ và qua Giáo Hội, thế
mà người ta lại giới hạn Ðức Kitô trong cái nhìn của họ. Họ cũng giới thiệu Ðức
Kitô cho người khác nhưng đây chỉ là một Ðức Kitô bị bóp méo cho hợp với chủ
trương của họ, có lợi cho họ. Và nếu có một ai giới thiệu Ðức Kitô khác với chủ
trương và đi ngược lại với quyền lợi thì họ sẵn sàng kết án hoặc bôi nhọ làm
sao để đừng mất đi quyền lợi của mình.
Lạy Chúa, khi nhìn lại
bản thân chắc chắn không ít lần con đã hành động như người Do Thái, nhìn Chúa bằng
một cái nhìn phiến diện. Chỉ đón nhận Thiên Chúa hợp với sở thích, quyền lợi,
giới thiệu cho người khác hoặc Thiên Chúa bị uốn nắn theo những điều con nghĩ
tưởng, và nếu có điều nào khác quyền lợi của con, con sẽ sẵn sàng kết án dù cho
đó là chân lý, là sự thật.
Trong Mùa Vọng này,
xin Chúa cho con được biết vượt qua các thành kiến hẹp hòi mà vươn lên khỏi những
ràng buộc của quyền lợi để rộng mở tâm hồn đón tiếp Chúa, vì Chúa đang đến
trong từng giây phút qua các biến cố cuộc đời cũng như qua người anh em bên cạnh
con.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu, Tuần II MV, Năm Lẻ
Bài đọc: Isa
48:17-19; Mt 11:16-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đừng bắt người
khác phải làm mọi sự theo ý mình.
Thiên Chúa dựng nên mỗi
người khác nhau: về nhân vị, về sở thích, về cách thức suy nghĩ. Những khác biệt
này làm cho mỗi người có ơn gọi, cách sống, và cách làm việc khác nhau. Lý do
Thiên Chúa dựng nên con người khác nhau là vì Ngài muốn mọi người bổ xung cho
nhau, đòan kết với nhau, để cùng nhau sinh sống.
Vấn đề tranh chấp xảy
ra là khi có những con người độc tài, họ bắt những người khác phải theo sự suy
nghĩ, cách sống, và cách làm việc của họ. Thiên Chúa, Đấng có thể bắt buộc,
nhưng Ngài vẫn để tự do cho con người hành động; nhưng ngược lại, con người nhiều
khi bắt ngay cả Thiên Chúa phải làm theo ý muốn của mình.
Các Bài Đọc hôm nay
xoay quanh vấn đề này. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Isaiah khuyên con người phải
nghe theo sự dạy dỗ của Thiên Chúa để được hưởng muôn ơn phúc lộc Ngài ban cho.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nêu lên lối phê bình không có nền tảng của con người:
“Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ
ám." Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo:
"Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.””
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hạnh phúc thay những ai đi trong đường lối của Thiên Chúa!
1.1/ Phải vâng nghe những
lời dạy dỗ của Thiên Chúa: Tiên Tri Isaiah
nói thay Chúa: “Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, Đức Thánh của Israel, phán thế
này: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng dạy ngươi những điều bổ ích, Đấng
hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi.” Nghe lời Thiên Chúa là dấu hiệu của con
người khôn ngoan; vì có ai trong trần gian này khôn ngoan hơn Thiên Chúa: Ngài
biết những gì có lợi và những gì gây thiệt hại cho con người.
1.2/ Ân huệ dành cho những
ai làm theo ý Chúa: Có rất nhiều ích lợi cho
những ai đi sống theo đường lối của Thiên Chúa; Tiên Tri liệt kê 3 điều chính:
(1) Tâm hồn được bình
an: Người làm theo ý Chúa có bình an trong tâm hồn vì biết mình đã làm đúng, và
biết chắc sẽ có kết quả tốt như lời bảo đảm của TT Isaiah: “Giả như ngươi lưu ý
đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như giòng sông, sự
công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển.”
(2) Con đàn, cháu đống:
“Giòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số.” Người
xưa quan niệm: con cái là hồng ân Thiên Chúa ban, nhưng tâm trạng của con người
thời nay khác hẳn với những gì Chúa dạy: họ sợ con đàn cháu đống. Tâm trạng này
cần được xét lại vì Thiên Chúa chẳng nói hay làm điều gì sai.
(3) Được Thiên Chúa nhớ
tới muôn đời: “Tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị
xoá bỏ khỏi mắt Ta.” Người không nghe lời Thiên Chúa là tự mình khai trừ tên tuổi
mình ra khỏi số những người con của Thiên Chúa. Ngài luôn để ý đến những ai kêu
cầu và bước đi trong đường lối của Ngài.
2/ Phúc Âm: Những bất tòan của đường lối con người.
Thiên Chúa trình bày sự
thật và để con người có tự do chọn lựa sống theo đường lối Ngài; ai theo, sẽ được
hưởng muôn vàn ân huệ. Khác với tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa, nhiều người
chẳng có sự thật hay ân huệ; nhưng lại bắt người khác làm theo ý muốn và cách
thức của mình. Chúa Giêsu lên án 2 tật xấu của con người đương thời:
2.1/ Muốn mọi sự theo ý
mình: Chúa Giêsu nói: “Tôi phải ví thế hệ
này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: "Tụi
tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không đấm ngực khóc than."”
(1) Muốn mọi sự phải
theo ý mình: Người ích kỷ không quan tâm đến ý của người khác nghĩ gì; đối với
họ, chỉ có ý của họ là nhất. Họ quên đi họ phải theo ý của Thiên Chúa; và tùy
trường hợp, họ phải theo ý của người có trách nhiệm.
(2) Muốn mọi người phải
theo ý mình: Làm việc gì cũng phải có nơi chốn, hợp thời gian; chứ không phải
khi mình muốn là mọi người phải làm theo ý mình. Chúa tạo dựng con người có đầy
đủ trí khôn và ý muốn, chứ không phải là người máy hay những con múa rối để
mình muốn điều khiển cách nào thì điều khiển. Trong ví dụ hôm nay, Chúa Giêsu
muốn vạch ra những cái phi lý của người đương thời: Ngòai chợ chứ có phải đám
đình đâu mà nhảy múa! Ngòai chợ tòan người sống chứ có người chết đâu mà đấm ngực
than khóc!
2.2/ Thói luôn phê bình
người khác: Người đương thời phê bình cả lối
sống khắc khổ của Gioan Tẩy Giả và lối sống phóng khóang của Chúa Giêsu. Sự phê
bình của họ được Chúa Giêsu tóm tắt như sau: “Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn
không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám." Con Người đến, cũng
ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với
quân thu thuế và phường tội lỗi." Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng
hậu quả của nó."” Con người thích phê bình vì nhiều lý do:
(1) Muốn chứng tỏ mình
hay hơn: Nhiều người thích phê bình để chứng tỏ mình biết nhiều, và không muốn
chấp nhận cái hay của người khác. Họ quên đi một điều là trong thế gian luôn có
người hay hơn và họ cần phải học hỏi.
(2) Vì ghen tị và
không muốn ai hơn mình: Nhiều người phê bình vì sợ bị mất ảnh hưởng nơi dân
chúng. Điều này rất đúng với các Kinh-sư và Biệt-phái. Họ không muốn chấp nhận
những dạy dỗ của Chúa Giêsu không phải vì họ không biết đó là sự thật, nhưng vì
họ sợ mất ảnh hưởng và quyền lợi trên dân chúng. Họ muốn triệt hạ Chúa Giêsu vì
họ sợ dân chúng sẽ chạy theo Ngài.
(3) Không muốn chấp nhận
sự thật để khỏi phải thi hành điều sự thật đòi hỏi: Đây là điều thường xảy ra
cho những người vô thần. Họ không tin không phải vì họ không nhận ra Thiên
Chúa, nhưng vì sợ nếu tin, họ phải giữ những điều Chúa dạy.
2.3/ Đức Khôn Ngoan được
chứng minh bằng hậu quả của nó: Để biết ý
nào là ý khôn ngoan, cần phải xem vào hậu quả thì mới biết được. Nếu hậu quả tốt
thì là ý khôn ngoan, hậu quả xấu là ý điên rồ. Mọi người tuôn đến với Gioan Tẩy
Giả vì biết ông là người thánh thiện và ông chuẩn bị tâm hồn con người để đón
nhận Thiên Chúa. Mọi người tuôn đến với Chúa Giêsu vì biết Ngài có quyền năng
chữa bệnh, khôn ngoan, và yêu thương họ thực sự; chứ không như các Biệt-phái và
Kinh-sư.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải học hỏi
để tìm ra tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa; sau đó, chúng ta phải có can
đảm để sống theo tiêu chuẩn và đường lối của Ngài.
- Hậu quả của việc sống
theo đường lối Thiên Chúa là chúng ta sẽ có bình an thực sự trong tâm hồn, đạt
được kết quả tốt và vững bền, nhất là luôn được Thiên Chúa ghé mắt trông coi.
- Chúng ta cần suy xét
cẩn thận về tiêu chuẩn và đường lối của con người. Chúng ta cần nhận ra tất cả
những nguyên nhân đen tối ẩn núp đàng sau.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
09/12/16 THỨ SÁU TUẦN 2 MV
Th. Gio-an Đi-đa-cô
Mt 11,16-19
Th. Gio-an Đi-đa-cô
Mt 11,16-19
Suy niệm: Trong bổn phận của mình, Đức Bê-nê-đi-tô XVI nhắc nhở, Ki-tô hữu là người đáp ứng một nhu cầu cấp thiết cho mọi thời đại, đó là nói với thế giới về Thiên Chúa và trình bày với Thiên Chúa về thời đại. Con người thời đại chỉ cần nơi Ki-tô hữu điều đó và yêu cầu Ki-tô hữu hãy là Ki-tô hữu đến cùng, chứ không đòi hỏi điều gì khác. Bởi thiên hạ tìm thấy nơi biết bao người khác điều mà họ đang cần về mặt tự nhiên, nhưng chỉ nơi Ki-tô hữu họ mới có thể nghe Lời Chúa và biết về Ngài. Lời này ở trên môi của Ki-tô hữu và rõ ràng trong lối sống của Ki-tô hữu. Muốn được thế, Ki-tô hữu không chiều theo thị hiếu phù du của thời đại hay ngả theo những khuynh hướng thế tục thịnh hành; trái lại, Ki-tô hữu cần thuộc về Thiên Chúa cách kiên vững, đúng với tư cách một người được thánh hiến riêng cho Ngài.
Mời Bạn dành thì giờ gặp riêng với Chúa và xét lại xem những hành động, lời nói và lối sống của bạn có đem lại lợi ích thiêng liêng cho con người thời đại như lòng Chúa mong muốn hay không. Bạn đang chiều theo
tinh thần thế tục hay đang làm chứng cho Chúa giữa đời?
Sống Lời Chúa: Kiên trì thực hiện điều đã hứa với Chúa hằng ngày, nỗ lực vượt qua mọi trở ngại và dâng lên Chúa những cố gắng ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin
cứ sai con
ra đi làm chứng nhân cho Chúa giữa đời, vì người đời cần được nghe Lời Chúa và cần được thấy những chứng nhân trung kiên của Chúa.
Lũ trẻ ngồi ngoài chợ (9.12.2016 – Thứ sáu Tuần 2 Mùa Vọng)
Mùa Vọng mời chúng ta dám tin vào lời chứng của Gioan và Giêsu. Tin luôn đòi
chúng ta hoán cải, không được sống như xưa.
Suy niệm:
Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi
ngoài chợ (cc. 16-17).
Một nhóm bày trò chơi đám
cưới,
thổi sáo, thổi kèn để
mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã chẳng tham gia.
Nhóm này bèn chơi trò đám
ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia cũng không
giả vờ than khóc.
Thế hệ của Đức Giêsu cũng
có nét tương tự như lũ trẻ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời
gọi họ sám hối ăn năn,
sự khổ hạnh của vị ngôn
sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không
thích khóc than hay hoán cải.
Lối sống của Gioan phù
hợp với lời ông giảng về Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác
thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người
ta đã coi ông là bị quỷ ám (c. 18),
nên cuối cùng đã không
tin ông (Mt 21, 32).
Ngược lại, khi Đức Giêsu
đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng
dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một
người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản
ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm
vui và sự giải thoát.
Ngài tiếp đón những ai bị
xã hội loại trừ.
Ngài ăn chung một bàn với
những tội nhân cần xa tránh.
Chính trong bầu khí vui
tươi, ấm áp của bữa ăn,
họ cảm nhận được tình
thương tha thứ của Thiên Chúa và hoán cải.
Tiếc thay, Đức Giêsu cũng
bị nhiều người từ khước như Gioan.
Ngài bị coi là kẻ chỉ
biết ăn với nhậu (c. 19).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu
đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Sống thế nào cũng không
chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính
mình, ai cũng cố tìm ra lý do để biện minh.
Để khỏi phải đối diện với
chân lý, con người trở nên ngụy biện.
Đức Giêsu dám ví thế hệ
của Ngài với đám con nít ngồi ngoài chợ.
Ngài sẽ ví thế hệ chúng
ta với ai?
Nơi một số nước, người ta
cho phép ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính.
Ở nhiều nơi vẫn còn sự kỳ
thị về giới tính, màu da, tôn giáo, chủng tộc.
Bao giờ người ta cũng tìm
đủ lý do để làm những điều trên.
Nguy cơ của con người
thuộc mọi thời đại, là ở lại trong sự ấu trĩ,
khăng khăng với những
ngang bướng ích kỷ của mình.
Cả Gioan và Đức Giêsu đều
đã bị loại trừ và bị giết.
Mùa Vọng mời chúng ta dám
tin vào lời chứng của Gioan và Giêsu.
Tin luôn đòi chúng ta
hoán cải, không được sống như xưa.
Tiếng kêu từ hoang địa
của Gioan kéo ta ra khỏi mọi dính bén trần tục.
Thái độ bao dung nơi bàn
ăn của Giêsu mời tội nhân ra khỏi bóng tối.
Làm sao con người hôm nay
nghe được tiếng kêu của Gioan và Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu
của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu
nghèo nàn,
vào những lối mòn quen
thuộc,
nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi
ngày.
Xin nuôi chúng con bằng
những thức ăn mới,
cho chúng con khám phá ra
những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô
và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống,
thế giới hôm nay luôn bị đe dọa
bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh;
mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin cho chúng con biết
say mê sự sống,
và gieo vãi sự sống khắp
nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại
một lễ Hiện Xuống mới
để con người có thể hiểu nhau hơn
và đón nhận nhau trong yêu thương.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG MƯỜI HAI
Linh Hồn Tôi Nhảy Mừng
Trong Chúa
Nỗi chờ mong của Đức Nữ
Trinh, Đấng “được sủng ái giữa các người phụ nữ” (Lc 1,42), đúc kết tất cả niềm
hy vọng mà Dân Thiên Chúa đã đặt vào các lời hứa được trao cho các tổ phụ. Và
xuyên qua dân Israel, niềm hy vọng của toàn thể nhân loại được kết đọng lại
trong nỗi chờ mong vĩ đại này.
Chúng ta cũng hãy trân
trọng thái độ chờ mong trong đức tin của Đức Maria, một đức tin cắm rễ sâu
trong lịch sử dân tộc và trong niềm hy vọng của toàn thể loài người. Chúng ta
hãy nắm vững ý nghĩa của nó khi chúng ta hành trình qua các thế kỷ. Đó là một
con đường được thiết lập vững chắc trên niềm hy vọng cứu độ đến từ chỉ một mình
Thiên Chúa.
Đức Maria được chúc
phúc bởi vì Mẹ tin vào sự hoàn thành những lời Chúa nói cùng Mẹ (Lc 1,45). Mẹ
biết rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ lời hứa của Người. Mẹ ‘vui mừng’ và đồng thời
Mẹ ‘được chúc phúc’ bởi Thiên Chúa. Hai tình trạng hiện hữu ấy không thể tách rời
– vì cái trước là hệ quả của cái sau.
Lời chúc phúc, được
Thiên Chúa nói lên, luôn luôn là nguồn sự sống và do đó cũng là nguồn đem lại
niềm vui. Trong toàn bộ Thánh Kinh, niềm vui đến xuyên qua việc trao ban và
thông truyền sự sống, cả thể lý lẫn thiêng liêng. Hễ ai được Thiên Chúa ‘chúc
phúc’ bằng sự sống của Ngài, thì người ấy cũng ‘mừng vui’.
Đức Maria vui mừng chờ
mong món quà sự sống. Nhưng chính sự sống ấy cứu độ Mẹ và làm cho Mẹ mừng vui.
Vì sự sống ấy là chính Con Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 09-12
Thánh Gioan Điđacô
Is 38,17-19; Mt
11,16-19.
Lời suy niệm: “Thật vậy,
ông Gioan đến không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: Ông bị quỷ ám. Con Người đến,
cũng ăn cũng uống như ai thì thiên hạ lại bảo: Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với
quân thu thuế và phường tội lỗi. Nhưng Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành
động.”
Chúa Giêsu cũng đang nói
những lời này với mỗi người trong chúng ta. Mỗi người phải khôn ngoan không toa
rập với những người chỉ biết đứng mà phê phán Giáo Hội, chỉ trích người này người
nọ, phê bình những người khác theo thành kiến riêng và sự cố chấp của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con đức khiêm nhường, đạo đức và sự nhiệt thành, để cùng nhau hiệp nhất
trong việc xây dựng một xã hội mới, để đưa con người đến gần Chúa hơn.
Mạnh Phương
09 Tháng Mười Hai
Thế Nào Là Cầu Nguyện?
Một chàng thanh
niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả
mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng
chấp nhận tức khắc.
Trong những ngày đầu,
anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả
mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người
thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất
vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: "Thưa
cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu
nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất
quá nhiều". Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: "Có lẽ
con có lý... Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào
phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện".
Nghe thế, chàng
thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu
nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn
trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh
niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy
không dùng bữa?". Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi".
"Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi. Cha bề
trên mới trả lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ
có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao
động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như
các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu
nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".
Nghe thế, người
thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con
người không chỉ cầu nguyện bằng nhữg giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng
cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí... Cầu
nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.
Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.
Chúng ta cảm thấy được
thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên
Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là
hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi.
Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có những giây
phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt
trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào
khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được
tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh
hoạt hằng ngày.
Cuộc sống cần có tổ chức,
cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau.
Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt
hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn
kéo của sự cầu nguyện.
Tổ chức cuộc sống như
thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền
miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với
Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ
Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Mátthêu 11:16-19
Thứ Sáu, 9 Tháng 12,
2016
Thứ Sáu sau CN II
Mùa Vọng
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa
của chúng con,
Đã nhiều lần chúng con
đắp tai làm ngơ với tiếng nói của Chúa
Và với sự hiện diện của
Con Chúa
ở giữa chúng con, dân
riêng của Người.
Xin Chúa hãy linh ứng
cho chúng con qua các tiên tri của Chúa và Chúa Thánh Thần
Rằng bây giờ là thời
điểm thích hợp để thay đổi
Và để chúng con dấn
thân
Cho đời sống nhân bản
và công lý
Theo như được đòi hỏi
bởi Nước Trời.
Xin Chúa giúp cho
chúng con có thể để cho người ta thấy rằng
Con Một của Chúa vẫn
đang sống ở giữa chúng con
Và rằng Người là Chúa
của chúng con đến muôn đời.
2. Phúc Âm –
Mátthêu 11:16-19
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng dân chúng rằng: “Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ
giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng:
‘Chúng tôi thổi sáo,
sao các bạn không múa nhảy, chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!’
Vì Gioan đến, không ăn
không uống, thì họ nói: ‘Ông ta phải quỷ ám!’
Con Người đến ăn uống
giống như thường, thì họ nói: ‘Đó là người mê ăn uống, là bạn của
quân thu thuế và những kẻ tội lỗi.’
Nhưng sự khôn ngoan được
biện minh bằng các công việc của mình.”
3. Suy
Niệm
- Các nhà lãnh đạo, những người khôn ngoan,
luôn không hài lòng khi một ai đó chỉ trích hoặc thách đố họ. Điều
đó đã xảy ra vào thời của Chúa Giêsu và cũng xảy ra ngày nay nữa, trong xã hội
lẫn trong Giáo Hội. Ông Gioan Tẩy Giả, đã nhìn thấy, đã chỉ trích,
và không được chấp nhận. Họ nói rằng: “Ông ta bị quỷ ám!” Đức
Giêsu, đã nhìn thấy, đã chỉ trích, và không được chấp nhận. Họ nói rằng: “Ông
này là người mất trí!” “Kẻ rồ dại!” (Mc 3:21). “Ông ta bị
quỷ vương ám!” (Mc 3:22), “Ông ấy là người dân ngoại Samaritanô!” (Ga 8:48),
“Ông ta không phải là người của Thiên Chúa!” (Ga 9:16). Những việc
tương tự cũng xảy ra thời nay. Có những kẻ đã khư khư nắm giữ lấy những
gì đã được dạy bảo và họ không chấp nhận cách giải thích khác hay cách sống đức
tin khác. Sau đó, họ nghĩ ra những lý do và cái cớ để không tuân
theo: “Đó là chủ nghĩa Mác!”, “Đó là phản nghịch lại Lề Luật của
Thiên Chúa!”, “Đó là sự bất tuân với truyền thống và với giáo huấn của Giáo Hội”
và họ phàn nàn về sự thiếu liên kết của người ta. Họ luôn nại ra được
một số lý do để không chấp nhận thông điệp của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã loan
báo. Thật ra, tương đối dễ dàng tìm ra được những lập luận và lý do để bác
bỏ những ai suy nghĩ theo một cách khác với chúng ta.
- Chúa Giêsu phản ứng và nêu ra cách công khai
sự bất nhất của họ. Họ tự coi mình là khôn ngoan, nhưng họ lại giống
như các trẻ nhỏ muốn làm trò cho mọi người tại phố phường và họ nổi loạn khi
người ta không di động theo bản nhạc mà họ chơi. Hoặc là những kẻ tự
coi mình là khôn ngoan mà không hề có bất cứ điều gì thực sự là khôn
ngoan. Họ chỉ chấp nhận những ai có cùng một ý tưởng với họ
thôi. Và do đó, chính họ, bởi vì thái độ bất nhất của họ, đã lên án
chính họ.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Tôi gắn bó với đức tin của tôi đến độ
nào?
- Tôi có một lương tâm khe khắt liên quan đến hệ
thống xã hội và giáo hội không, mà đôi khi, lại viện ra những lý do và cái cớ để
hợp thức hóa tình trạng và ngăn trở bất kỳ một thay đổi nào không?
5. Lời
nguyện kết
Phúc thay người chẳng
nghe theo lời bọn ác nhân,
Chẳng bước vào đường
quân tội lỗi,
Không nhập bọn với phường
ngạo mạn kiêu căng,
Nhưng vui thú với lề
luật CHÚA,
Nhẩm đi nhẩm lại suốt
đêm ngày.
(Tv 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét