16/12/2016
Thứ Sáu tuần 3 mùa vọng
Bài Ðọc I: Is 56,1-3a,6-8
"Nhà Ta là nhà cầu nguyện
cho mọi dân tộc".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Thiên Chúa phán: Hãy giữ luật và
thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ
tỏ hiện. Phúc thay người làm như vậy, và con người trung thành với điều ấy, giữ
ngày Sabbat không hề sai lỗi, và giữ tay mình không làm tội ác.
Và người ngoại bang tin theo
Chúa sẽ không nói: Chúa sẽ tách tôi ra khỏi dân Ngài.
Người ngoại bang theo Chúa để phụng
sự Chúa và mến yêu danh Ngài, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày
Sabbat không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta.
Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh và
Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện, Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu
và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.
Chúa là Thiên Chúa đã tập hợp những
người Israel tha hương, phán rằng: Ta sẽ tập hợp, những người khác lại với
chúng.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 66,2-3,5,6-8
Ðáp: Chư dân, hãy ca tụng Chúa, thân lạy Chúa, hết thảy
chư dân hãy ca tụng Ngài!
Xướng 1) Xin Thiên Chúa xót
thương và chúc phúc lành cho chúng tôi, xin tỏ ra cho chúng tôi thấy long nhan
Ngài tươi sáng, để trên địa cầu thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư
dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.
2) Các dân tộc hãy mừng vui và
khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.
- Ðáp.
3) Ðấng đã chúc phúc cho chúng
tôi, Ðức Thiên Chúa, Chúa chúng tôi. Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng
tôi, để cho khắp cùng bờ cõi đất kính sợ Ngài. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Ngày của
Chúa gần đến; Người sẽ đến cứu chúng ta. - Alleluia.
Phúc Âm: Jo 5, 33-36
"Gioan là đèn cháy
sáng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân
Do Thái rằng: Các ngươi đã sai người đến hỏi Gioan và ông đã làm chứng cho sự
thật. Còn Ta, Ta không ỷ vào lời chứng của một người, nhưng Ta nói thế là để
các ngươi được cứu thoát.
Gioan là đèn cháy sáng, và các
ngươi trong một lúc đã vui mừng vì ánh sáng đó.
Nhưng phần Ta, Ta có chứng cao
trọng hơn chứng của Gioan: đó là những việc Cha Ta đã giao cho Ta thực hiện,
chính các việc mà Ta đang làm minh chứng rằng Cha đã sai Ta.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sức mạnh và giới hạn của
chứng tá
Lời Đức Kitô hôm nay làm ta suy
nghĩ về sức mạnh và giới hạn của chứng tá.
Từ đâu phát sinh sức mạnh của chứng
tá cho Đức Giêsu? Sức mạnh ấy phát sinh từ phẩm chất của giáo thuyết, từ uy quyền
của phép lạ, từ những dấu hiệu của lòng nhân từ, đại độ. Chúa Giêsu nói: những
công việc Người làm chứng tỏ rằng chính Chúa Cha đã sai Người đến, vì chỉ có
Chúa Cha mới có thể ban quyền năng để làm các điều đó. Quả thực, công việc Chúa
Giêsu đã thu hút sự chú ý của người Do Thái, nhưng tại sao họ không biết đọc
cái chứng tá mà công việc kia mang lại? Vì, trong trật tự đức tin, chứng tá tự
giới hạn lại để tôn trọng tự do. Nó đòi hỏi được đón nhận cách tự do bởi những
tâm hồn ngay thẳng, những cõi lòng tự do, những trí khôn lương thiện.
Mà Do Thái thì chất đầy những
đam mê chính trị và quốc gia, những thành kiến, tư lợi và hẹp hòi trong việc hiểu
biết Lề Luật. Trong những điều kiện như thế, họ đóng kín trước chứng tá do các
việc Chúa Giêsu làm. Trí khôn con người là thế đó: họ còn đi đến chỗ dùng ngay
các việc của Chúa mà đả lại Người.
Ta có dám quả quyết rằng hiện tượng
đó là một chuyện của quá khứ, không liên quan gì tới ta nữa chăng? Hiện nay một
số người dùng Phúc Âm chống lại Phúc Âm. Mà họ lại được nhiều người nghe theo.
Phần ta, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp ta đọc Phúc Âm, nghĩa là nghe chứng từ
của Đức Giêsu với một tâm hồn ngay thẳng, một cõi lòng tự do, một trí khôn
lương thiện. Bởi vì không ai đến với Chúa Giêsu nếu không được Chúa Cha lôi
kéo, nên ta hãy cầu nguyện cùng Chúa Cha đừng bao giờ để tình trạng mơ hồ, nước
đôi ngăn cản con mắt ta đọc chứng tá mà Chúa Thánh Thần đang đem tới về Đức
Kitô hôm nay.
(Trích trong ‘Lương Thực Hàng
Ngày’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần III MV
Bài đọc: Isa
56:1-3a, 6-8; Jn 5:33-36.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tìm hiểu
Kinh Thánh để nhận ra và tin theo thánh ý Thiên Chúa.
Quà tặng quí giá nhất Thiên Chúa
ban cho con người là trí tuệ, và Thiên Chúa muốn con người dùng trí tuệ để suy
luận, nhận ra, và làm theo thánh ý của Ngài. Cách con người tìm hiểu là đặt câu
hỏi và cố gắng bằng mọi cách để tìm ra câu trả lời. Hai nguồn mặc khải chính
con người phải dùng để nhận ra ý Chúa là qua khoa học thiên nhiên và Kinh
Thánh.
Các bài đọc hôm nay giúp con người
đọc Kinh Thánh để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi của con người. Trong bài
đọc I, ngôn sứ Isaiah đã cho dân chúng biết trước Kế-hoạch cứu độ của Thiên
Chúa. Ngài không chỉ giải thoát và cứu độ những người còn sót và biết ăn năn
sau cuộc lưu đày, nhưng còn cho Dân Ngoại nhập đoàn với dân Chúa, và cứu độ tất
cả những ai chân thành tìm hiểu, giữ Luật, và hành động theo những gì Chúa dạy.
Trong Phúc Âm, khi người Do-thái đặt câu hỏi với Chúa Giêsu làm sao họ có thể
nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai được sai đến bởi Thiên Chúa, Chúa Giêsu cung cấp
cho họ hai câu trả lời. Câu trả lời thứ nhất là Gioan Tẩy Giả. Ông là người
Kinh Thánh đã nói ông sẽ trở lại trước thời Đấng Thiên Sai để dọn đường cho
Thiên Chúa, và chính ông đã làm chứng cho ngài. Câu trả lời thứ hai là các việc
Chúa Giêsu đã làm trước mắt họ; những việc này cũng đã được các ngôn sứ đề cập
tới về những gì sẽ xảy ra khi Đấng Thiên Sai đến: mù được thấy, điếc được nghe,
què đi được, và Tin Mừng được rao giảng cho mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngoài những người đã được tập hợp, Ta sẽ còn tập hợp thêm nữa
về với Israel.
1.1/ Thiên Chúa có kế hoạch cho dân
Israel còn sót lại được trở về từ nơi lưu đày: Các
ngôn sứ trước thời lưu đày (Amos, Hosea, Isaiah và Micah) đã tiên báo lưu đày sẽ
xảy ra vì dân không thờ phượng Thiên Chúa và vâng lời Luật của Ngài. Tuy nhiên,
Thiên Chúa sẽ không hủy diệt tất cả; Ngài sẽ cứu độ số dân còn sót lại sau cuộc
lưu đày, nhưng người đã nhận ra các tội lỗi của họ, ăn năn thống hối xin Thiên
Chúa tha thứ, và giữ cẩn thận các Luật Chúa dạy. Trình thuật hôm nay nằm trong
Sách Isaiah đệ nhị, được viết ra để an ủi và khuyến khích dân chúng đang sống
trong những nơi lưu đày: “Đức Chúa phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực,
thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của
Ta sắp được biểu lộ. Phúc thay người làm như thế, phúc thay phàm nhân nắm giữ
điều này, người giữ ngày Sabbath mà không vi phạm, chẳng hề đưa tay làm điều
gian ác.”
1.2/ Thiên Chúa có kế hoạch cho cả
Dân Ngoại: Nếu một người tìm hiểu các Sách
Ngôn Sứ, người ấy không thể bỏ qua điều mà các ngôn sứ lặp đi lặp lại: số người
trở về từ nơi lưu đày không phải chỉ có người Do-thái còn sót, mà có cả những
Dân Ngoại từ khắp nơi tấp nập lên Núi Sion và cùng thờ phượng trong Đền Thờ.
Trong trình thuật hôm nay, Isaiah mô tả hai điều chính Thiên Chúa sẽ làm cho Dân
Ngoại.
(1) Dân Ngoại cũng có thể trở
nên những tôi tớ của Thiên Chúa: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để
phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người.” Cám dỗ
muôn đời của con người cần tránh là hai thái cực. Thái độ tự tôn cho chỉ có
mình mới đáng được Thiên Chúa thương và cứu như một số người Do-thái. Thái độ tự
ti cho: "Hẳn Đức Chúa đã tách tôi ra khỏi dân Người."
(2) Dân Ngoại cũng được lên Núi
Thánh và được cầu nguyện trong Nhà của Thiên Chúa: “Hết những ai giữ ngày Sabbath
mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên
núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ
ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là
nhà cầu nguyện của muôn dân.”
Như thế, ngôn sứ Isaiah và rất
nhiều các ngôn sứ khác đã thấy trước và viết xuống rõ ràng: “Sấm ngôn của Đức
Chúa là Thiên Chúa, Đấng tập hợp những người Israel tản lạc về: Ngoài những người
đã được tập hợp, Ta sẽ còn tập hợp thêm nữa về với Israel.” Điều này có nghĩa:
sau thời lưu đày, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa sẽ được mở rộng ra đến tất cả
các Dân Ngoại, chứ không giới hạn trong vòng dân Do-thái lưu đày mà thôi.
Tuy đã được báo trước bởi các
ngôn sứ trong Kinh Thánh, không phải người Do-thái nào cũng biết và chấp nhận
Dân Ngoại được nhập đoàn với người Do-thái làm thành một Dân Chúa duy nhất. Thời
nào cũng có những người Do-thái, tuy tin vào Sách Ngôn Sứ, nhưng lại loại trừ
Dân Ngoại và cho họ không xứng đáng để nhập đoàn và được cứu độ như họ.
2/ Phúc Âm: Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha
đã sai tôi.
Hầu hết các Sách Ngôn Sứ đều mặc
khải về Đấng Thiên Sai và những gì sẽ xảy đến trong triều đại của ngài. Nếu một
người chịu khó bỏ giờ học hỏi về Đấng Thiên Sai qua các Sách Ngôn Sứ, người đó
sẽ biết Đấng Thiên Sai là ai và sẽ nhận ra ngài khi ngài đến.
2.1/ Chứng của Gioan: Ngôn sứ Isaiah đã nói về sứ vụ của Gioan Tẩy Giả như sau:
“Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng
hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.” Khi Gioan bị chất
vấn bởi các kinh-sư và Pharisees về sứ vụ của ông, ông đã thẳng thắn trả lời họ:
ông là tiếng của người hô trong sa mạc, kêu gọi dân chúng chuẩn bị đường cho Đấng
Thiên Sai, đúng như lời ngôn sứ Isaiah đã loan báo (Mt 3:17, Mk 1:3; Lk 3:4; Jn
1:23). Trong trình thuật của Gioan hôm nay, Chúa Giêsu lặp lại biến cố này:
“Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.”
Lời chứng của Gioan cần để củng
cố niềm tin cho con người, vì con người cần chứng tá của các nhân chứng; nhưng
Chúa Giêsu nói: “Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi
nói ra những điều này để các ông được cứu độ.”
2.2/ Chứng của Thiên Chúa: Chúa Giêsu nói: “Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn
hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi
hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai
tôi.” Những việc Chúa Cha trao phó cho Chúa Giêsu để hoàn thành là những việc
gì? Trước tiên là những mặc khải và những lời dạy dỗ khôn ngoan của ngài cho
con người, nhất là về Kế-hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thứ đến là các phép lạ
ngài làm cho con người, như các ngôn sứ đã loan báo những gì sẽ xảy đến trong
triều đại của Đấng Thiên Sai (Isa 35:5-6; 42:7). Sau cùng là cuộc Thương Khó,
cái chết và sự phục sinh vinh hiển của ngài. Khi con người chứng kiến một số
hay tất cả những điều này, họ phải tin Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, được Chúa
Cha sai đến để cứu độ con người. Một lần nữa, tất cả những điều này đều đã được
nói trước bởi các ngôn sứ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy biết dùng trí tuệ
để nhận ra tình yêu Thiên Chúa và các kế hoạch của Ngài trong thế giới. Hãy đặt
các câu hỏi và chân thành đến cùng tìm câu trả lời xác thực nhất.
- Mối đe dọa lớn nhất cho con
người ngày nay là sự sai lạc. Rất nhiều chính thể và quỉ thần chủ trương dùng
chính sách ngu dân để cai trị con người. Họ chủ trương một khi con người không
còn nhận ra sự thật, họ nói gì con người cũng nghe và làm theo.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
16/12/16 THỨ SÁU TUẦN 3 MV
Ga 5,33-36
Ga 5,33-36
Suy niệm: Vào những đêm trăng, nhất là đêm rằm, ánh trăng lúc dịu dàng, lúc tỏ hiện vằng vặc, thật đẹp. Nhưng trăng không tự phát sáng, nó chỉ tiếp nhận ánh sáng từ mặt trời và phản chiếu ánh sáng đó lên trái đất. Gio-an đang rao giảng, nhưng ông ý thức rõ mình chỉ là người dọn đường cho Đấng Mê-si-a đến, là người làm chứng cho sự thật, là người phản chiếu Ánh Sáng thật từ Đức Ki-tô mà thôi.
Mời Bạn: Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta nhận lấy ngọn nến sáng tượng trưng đức tin được thắp sáng từ Đức Ki-tô, Đấng Phục Sinh.
Chúng ta có sứ mạng làm cho ngọn nến đó chiếu sáng mãi để làm chứng nhân cho Ngài.
Chia sẻ: Những tai hoạ từ thiên nhiên cũng như do con
người như chiến tranh, khủng bố, huỷ hoại môi trường khiến cho không ít người lâm vào cảnh khốn cùng, chết chóc. Bạn có thể làm gì cho những anh chị em gặp cơn hoạn nạn đó để bạn có thể toả chiếu ánh sáng của Đức Ki-tô qua hoạt động bác ái của mình?
Sống Lời Chúa: Noi gương Gio-an Tẩy giả, trong những ngày còn lại của Mùa Vọng, tôi quyết làm chứng cho sự thật, cho sự sáng bằng việc bớt chi tiêu những khoản không cần thiết và chia sẻ cho những người nghèo khổ, neo đơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, sống và làm chứng cho Chúa là sứ mạng của người ki-tô hữu. Xin Chúa ban ơn trợ giúp chúng con toàn sứ mạng ấy. Xin Chúa gia tăng sức mạnh và lòng can đảm để chúng con có thể vượt qua được chính bản thân mình cũng như những trở ngại bên ngoài, ngõ hầu ngọn đèn đức tin của chúng con luôn toả sáng. Amen.
Ngọn đèn cháy sáng (16.12.2016 – Thứ sáu Tuần 3 Mùa Vọng)
Thực sự mừng lễ Giáng sinh là dám mở ra trước Ánh sáng, không giấu diếm tình trạng tăm tối, lạc hướng của mình, nhìn nhận mình đã rời xa sự thật, sự thiện và sự sống.
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Gioan, Đức
Giêsu nhiều lần nói về mình:
“Tôi là Ánh sáng thế
gian” (8,12; 9,5; 12,46).
Ngài là Ngôi Lời, là Ánh
sáng thật đến trong thế gian này
để chiếu soi mọi người
chẳng trừ ai (Ga 1,9).
Tiếc thay có những người
đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng,
vì các việc họ làm thì
dối trá và xấu xa (3,19-21).
Người ta né tránh ánh
sáng vì sợ việc mình làm bị bại lộ.
Nhưng ai sống theo sự
thật sẽ bị thu hút bởi ánh sáng của Đức Giêsu.
Ai theo Ngài sẽ không
phải đi trong bóng tối, không sợ vấp ngã (11,10),
nhưng sẽ có ánh sáng đem
lại sự sống (8,12).
Ai tin vào Ngài sẽ không
sẽ không ở lại trong bóng tối (12,46),
nhưng sẽ trở nên con cái
ánh sáng (12,36).
Gioan Tẩy giả là người
được Thiên Chúa sai đến
để làm chứng cho Ánh sáng
là Đức Giêsu (1,7-8).
Ông là nhịp cầu để mọi người
nhờ ông mà tin vào Ánh sáng.
Gioan không phải là Ánh
sáng, dù ông đến trước Đức Giêsu.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, Ngài gọi ông là ngọn đèn cháy sáng (c.35).
Đức Giêsu còn nhắc lại
chuyện người Do thái đã cử người đến gặp Gioan.
Và ông đã làm chứng cho
sự thật (c.33 ; x. 1,19-28).
Sự thật là : Đức
Giêsu, Đấng đến sau ông thì cao trọng hơn ông nhiều.
Ông chỉ là ngọn đèn, còn
Đức Giêsu là Ánh sáng.
Đám đông đã nhờ ngọn đèn
ấy mà đến với Ánh sáng.
Ngọn đèn của Gioan rực
sáng giữa lúc dân Do-thái chờ mong,
và họ đã vui sướng kéo
đến với Gioan để hưởng ánh sáng ấy.
Tiếc thay điều ấy chỉ kéo
dài một thời gian, rồi tàn lụi.
Vì nhiều người không tin
Đấng là Ánh sáng mà Gioan làm chứng.
Chúng ta đã gần đến ngày
mừng Lễ Chúa Giáng Sinh.
Lễ Giáng Sinh là lễ mừng
Ánh sáng đi vào thế gian tối tăm này.
Thế giới hôm nay đã được
điện khí hóa, và sáng hơn xưa,
nhưng bóng tối của tội
lỗi và sự chết vẫn còn đó.
Con người luôn có tự do
để đón nhận hay từ khước ánh sáng.
Bóng tối sẽ bủa vây khi
tôi đóng cửa lòng mình.
Thực sự mừng lễ Giáng
sinh là dám mở ra trước Ánh sáng,
không giấu giếm tình
trạng tăm tối, lạc hướng của mình,
nhìn nhận mình đã rời xa
sự thật, sự thiện và sự sống.
Chỉ khi khiêm hạ nhận
mình đang bị tối tăm đè bẹp,
ta mới đẩy lui được sự
thống trị của bóng tối nơi ta.
Mừng Giáng Sinh bằng
trang trí nhiều đèn màu, không đủ.
Chỉ mong tôi để Ánh sáng
Chúa đi vào bóng tối đời mình,
biến tôi thành một ngọn
đèn cháy sáng như Gioan
để đem lại niềm vui sống
cho thế giới hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Ánh sáng thân
thương,
giữa những bủa vây của u
sầu ảm đạm,
xin Chúa dẫn con đi.
Đêm thì tối, đường còn
xa,
xin Chúa dẫn con đi,
xin giữ bước chân con.
Con đâu dám xin thấy
tương lai xa xôi,
chỉ thấy một bước trước
mặt cũng đủ rồi.
Chưa bao giờ con như bây
giờ,
cũng chưa bao giờ con xin
Chúa dẫn.
Con đã quen chọn và thấy
con đường của mình.
Nhưng giờ đây,
xin Chúa dẫn con đi.
Chân phước John Henry
Newman
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG MƯỜI HAI
Vậy Chúng Tôi Phải Làm Gì?
Thiên Chúa đang đến gần ta, vậy
ta sẽ đáp lại thế nào đây? Cũng như con cái Israel bên bờ sông Gio-đan, chúng
ta tự hỏi: “Vậy chúng tôi phải làm gì ?” Thiên Chúa hiểu thấu tất cả những gì
kín nhiệm thẳm sâu trong cõi lòng con người, vì Ngài đến để làm ánh sáng soi
chiếu lương tâm và trái tim con người.
Chúa đến gần ta, ta đáp trả thế
nào đây? Đáp trả thế nào trước sự hiện diện của Ngài? Chúng ta có đầy lòng tôn
thờ, đầy lòng nhiệt tâm với Chúa và tin tưởng nơi Ngài không? Phụng vụ Mùa Vọng
kêu mời chúng ta đáp trả bằng thái độ như thế.
Hay chúng ta hành động cách khác
hẳn? Hay chúng ta cứ sống đối ngược lại tinh thần mùa Vọng? Sự gần gũi của
Thiên Chúa đã “quen quá hóa nhàm” đối với chúng ta rồi sao? Phải chăng chúng ta
đã đánh mất chân lý thẳm sâu mà Thiên Chúa trao cho chúng ta trong Mùa Vọng? Phải
chăng chúng ta đã trở nên dửng dưng với chân lý ấy?
Trước sự hiện diện gần gũi của
Thiên Chúa, chúng ta có sẽ nói ‘vâng’? Hay là sự hiện diện ấy chỉ tổ quấy rầy
và gây phiền phức cho chúng ta?
Phụng vụ Mùa Vọng thúc giục
chúng ta giải quyết những câu hỏi ấy. Đó là những câu hỏi vô cùng cốt yếu. Những
câu hỏi ấy không chỉ liên hệ tới con người luân lý và đến cung cách ứng xử của
chúng ta, mà chúng còn liên hệ đến chính cốt lõi hiện hữu của chúng ta, đến
lương tâm Kitô giáo của chúng ta.
Anh em hãy vui lên, Chúa đang đến
gần! Niềm vui của chúng ta sẽ là niềm vui đích thực và sâu xa khi chúng ta hiểu
và đón nhận tất cả sự thật trong tiếng kêu của Gioan Tẩy Giả bên bờ sông
Gio-đan. Chúng ta không bao giờ được phép quên rằng Thiên Chúa, Đấng vô cùng gần
gũi với ta, cũng là một Thiên Chúa vô cùng thánh thiện!
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 16-12
Is 56,1-3a.6-8; Ga 5,33-36.
Lời suy niệm: “Nhưng phần
tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan, đó là những việc
Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành. Chính những việc tôi làm đó làm chứng
cho tôi rằng: Chúa Cha đã sai tôi.”
Trước lời chứng của ông Gioan Tẩy
Giả về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Nhóm người Pharisêu và các kinh sư, cũng như
các kỳ mục trong dân vẫn chưa thỏa mãn, tất cả họ đang muốn có những chứng khác
nữa. Chúa Giêsu mời gọi họ hãy nhìn vào những việc Người đã làm: người mù xem
thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống
lại, kẻ nghèo nghe được Tin Mừng. Để thấy những việc làm này chỉ có một mình
Thiên Chúa mới thực hiện được; mà trước mặt các ông đã thấy tường tận, chính điều
này chứng tỏ Người là Đấng đã được Chúa Cha sai đến để cứu độ nhân loại khỏi phải
chết nhưng được sống.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa nêu ra tất
cả những việc Chúa đã làm, để cho chúng con biết quyền năng của Thiên Chúa đang
hành động trong Chúa và qua Chúa để chúng con được hưởng nhờ. Xin cho chúng con
tin Chúa là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng con.
Mạnh Phương
16 Tháng Mười Hai
Hơi Ấm Của Tình Người
Một vị linh đạo Ấn Giáo và
các môn sinh ngồi quây quần bên một bếp lửa hồng. Sức nóng của than hồng và hơi
nóng của từng người làm cho căn phòng ấm hẳn ra... Nhưng bỗng chốc, vị linh đạo
già run lập cập, môi ông bập bẹ không nói ra lời. Các môn sinh lo lắng cho sức
khỏe của thầy: "Thưa thầy, chắc thầy yếu trong người, chúng con xin phép
được cho thêm củi vào lò sưởi".
Trong cơn thổn thức, vị linh
đạo già cố gắng nói từng tiếng: "Lửa và sức nóng trong căn phòng này quá đủ
cho ta... Ta cảm thấy lạnh là bởi vì bên ngoài có một người hành khất đang run
lập cập".
Quả thật, đúng như lời của vị
thầy, các môn sinh đã mở cửa nhìn ra ngoài, và họ đã tìm thấy một người hành khất
đang rét run vì đói và lạnh... Họ đưa người đó vào trong căn phòng, săn sóc cho
anh và từ giây phút ấy, vị linh đạo già cũng trút bớt được nỗi rét run của
mình.
Câu chuyện được trích từ kho
tàng khôn ngoan của người Ấn Ðộ trên đây có lẽ gợi lại cho chúng ta lời của
thánh Giacôbê tông đồ: "Ðức Tin không có việc làm là một Ðức Tin chết".
Vị linh đạo già trên đây đã cảm thấy rét run là bởi vì sự ấm áp của thầy trò
đang có với nhau chưa được chia sẻ cho người khác. Ông chỉ cảm thấy thật sự ấm
lòng, khi hơi ấm của sự quây quần ấy được san sẻ cho người khác.
Vị linh đạo này là hình ảnh của
đời sống Ðức Tin của chúng ta. Dù có sốt sắng bao nhiêu trong việc cầu nguyện,
trong các nghi thức phụng tự, nếu tâm hồn chúng ta không được nuôi dưỡng bằng
lòng mến đối với tha nhân, thì hơi ấm của lòng đạo đức nơi chúng ta chỉ là một
thứ hơi ấm giả hiệu... Một Ðức Tin nhiệt thành, một Ðức Tin có hơi ấm thật sự cần
phải được nuôi dướng bằng lòn mến.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan 5:33-36
Thứ Sáu, 16 Tháng 12, 2016
Thứ Sáu sau CN III Mùa Vọng
Gioan là đèn cháy sáng, Chúa
Giêsu là ánh sáng
1. Lời Nguyện Mở Đầu
Lạy Cha, Cha đã sai ông Gioan đến
để loan báo về sự xuất hiện của Con Cha, Đức Giêsu. Ông đã chứng kiến với
tình yêu tuyệt vời dành cho người Bạn và là Chúa của mình. Trong sự viên
mãn của thời gian, Cha đã sai Con Cha đến với chúng con, Người là Đấng Cứu Độ của
chúng con. Người đã làm chứng cho tình yêu của Cha cho đến chết và Người
đã dạy cho chúng con sống trong tình bạn thân thiết với Cha. Xin Cha hãy
giúp chúng con hân hoan chào đón sự hiện diện của Đức Kitô, để sống trong sự hiệp
thông với Người và dẫn dắt cuộc sống của chúng con hướng về Cha, trong ánh sáng
của gương mặt Người. Xin Cha hãy cho ánh sáng này chiếu soi trên chúng
con và vươn tới các anh chị em của chúng con là những người mà Cha đã đem vào
trong cuộc sống của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng con. Amen.
2. Bài Đọc – Trích Tin
Mừng theo Gioan
5:33-36
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân
Do Thái rằng: “Các ngươi đã sai người đến hỏi Gioan và ông đã làm chứng
cho sự thật. Còn Ta, Ta không nại vào lời chứng của một người nào, nhưng
Ta nói thế là để các ngươi được cứu thoát. Gioan là đèn cháy sáng, và các
ngươi trong một lúc đã vui mừng vì ánh sáng đó. Nhưng phần Ta, Ta có chứng
cao trọng hơn chứng của Gioan: đó là những việc Cha Ta đã giao cho Ta thực
hiện, chính các việc mà Ta đang làm, minh chứng rằng Cha đã sai Ta.”
3. Suy Niệm
* “Các ngươi đã sai … Cha
đã sai Ta.” Động từ “sai” mở và đóng cho đoạn Tin Mừng ngắn này, gom
góp lại và tóm tắt tất cả sự phong phú của Lời mà Chúa muốn ban cho chúng
ta. Người Do Thái cử một số tư tế và mấy thày Lêvi đến Giêrusalem để hỏi
ông Gioan (Ga 1:19). Họ cử các người này đi để chiếm một lợi thế, soán đoạt
lời chứng của Gioan và để cho ông ta phải chết. Chúa Cha sai Con của Người
là Đức Giêsu từ trong lòng Người (Ga 1:1-2) như là một Ân Sủng và ơn cứu độ cho
toàn thể nhân loại.
Sai đi là một hành động thuộc về
Chúa Cha; nó tùy thuộc vào chúng ta, các con cái để đón nhận Đấng đã được sai đến.
Trong việc đón nhận, ngày qua ngày, kinh nghiệm về sự tự do và sự phát triển
trong tâm linh bắt đầu. Sau đó bởi vì điều này, chúng ta có thể là những
người sẽ được sai đi, như những nhà truyền giáo, và các nhân chứng cho Thiên
Chúa trong thế gian. Đây là con đường đã vạch sẵn cho chúng ta, con đường
mà Đức Giêsu với những Lời này giúp chúng ta khám phá ra. Người sẵn sàng
đồng hành với chúng như Thầy dạy, một người anh và người bạn, như một bạn đồng
hành trên cuộc hành trình.
* “ông đã làm chứng”. Ở đây là một từ
ngữ quan trọng khác, được lặp đi lặp lại một số lần trong đoạn Tin Mừng này,
trong những biểu hiện khác nhau: làm chứng, chấp nhận như người chứng, lời
khai, làm chứng cho tôi. Nhân chứng là người đã nhìn thấy và đã nghe; do
đó có thể nhớ lại và lặp lại, khẳng định, tuyên bố cách chắc chắn. Theo từ
ngữ kinh thánh, từ Cựu Ước trở đi, chữ này rất mạnh mẽ bởi vì nguồn gốc của lời,
nhân chứng hoặc làm chứng dùng để chỉ về một hoạt động kéo dài một thời gian
dài, hoặc một điều gì đó tự nó có khả năng đạt xa hơn nữa, thậm chí đến muôn đời.
Những gì Gioan làm, những gì chúng ta thấy xảy trong cuộc đời của Chúa Giêsu và
sau đó trong cuộc đời của các môn đệ Ngài, trải qua nhiều thế kỷ, chính là hoạt
động nhập thế này, như là một món quà vô điều kiện, qua lời nói và việc làm, và
suốt cuộc đời. Họ đã đi xa hơn nữa, họ đã vượt quá lằn ranh biên giới,
nói một lần và nói thường xuyên tiếng xin vâng với Thiên Chúa. Không có
gì có thể ngăn trở trên con đường hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân của
họ.
* “Ông ấy là ngọn đèn.” Hình ảnh ngọn
đèn cháy sáng ở giữa đoạn Tin Mừng này cùng với những lời nói về ánh
sáng: cháy, chiếu sáng, ánh sáng. Vì Chúa Giêsu chỉ ra phương hướng
chúng ta phải đi, điểm mà mắt chúng ta phải nhìn đến. Cũng có một nguồn
ánh sáng chắc chắn, một ngọn lửa đang cháy, trong đêm tối của chúng ta (Tv
139:12). Ngọn đèn, đó là các tiên tri (2Pr 1:19), những người làm chứng
cho Đức Kitô, ngọn đèn đó chính là Gioan Tẩy Giả, đặc biệt là vào thời gian Mùa
Vọng này, có nhiệm vụ dẫn đưa chúng ta đến ánh sáng thực sự, nó chiếu soi cho mọi
người (Ga 1:9), ánh sáng không bao giờ tắt (Lc 1:78-79), ánh sáng mà tự nó là sự
sống (Ga 8:12; 9:5): đó là Đức Giêsu.
Sau đó, có một dấu hiệu, một bằng
chứng chắc chắn rằng Chúa ban cho chúng ta: Trong ánh sáng này, xuất phát
từ Chúa Cha, niềm vui mừng đến với cuộc sống. Điều chúng ta chỉ phải làm
là nhìn vào trong tâm hồn, đứng trước Ngài với sự cởi mở và chân thành, và cũng
đứng trước chính mình, trước đời sống chúng ta, để nhìn thấy những dấu hiệu của
niềm hân hoan này. Chỉ cần một thời khắc thôi sao? Hay là thậm chí
đến muôn đời? …
4. Một vài câu hỏi gợi
ý cho việc suy gẫm cá nhân
* Các hoạt động trong cuộc hành trình đức tin mà
Chúa đặt trước mặt chúng ta, đặc biệt là trong thời gian này của Mùa Vọng, thì
rất rõ ràng: từ ông Gioan đến Chúa Kitô, từ việc làm chứng cho sự thật và
người nhân chứng trung tín thật thà, từ ngọn đèn đến ánh sáng không bao giờ tắt,
từ Đức Kitô đến Chúa Cha ….
Tôi có cảm thấy rằng mình đã sẵn
sàng để bước tới những bước, và không chỉ đứng yên không? Tôi có ước ao,
bên trong lòng, đi theo cuộc hành trình này không, để thực sự hướng tới Đức
Kitô, và với Người, hướng về Chúa Cha không? Hay là tôi lại muốn, thêm một
lần nữa, để cho mọi việc qua đi, chờ đợi một thời điểm tốt hơn, và tiếp tục sống,
tôi có giống như những người Do Thái, cũng phái những người khác đến để hỏi những
câu hỏi, để đi tìm bất kỳ một vị vua nào có câu trả lời nhanh chóng và hời hợt
không?
* Mắt tôi có mở ra chưa, tim tôi có sẵn sàng để
đón chào lời chứng về Chúa Giêsu chưa, lời chứng về những công việc mà Người
làm, công việc của Chúa Cha, mặc khải Người là Chúa Con, như một Người Anh
không? Hay là, tôi mù lòa, không thể nhìn thấy bất kỳ một dấu hiệu nào của
ân sủng, của lòng thương xót, của sự hiện diện của Thiên Chúa không?
* Trong lòng tôi có sẵn
sàng làm nhân chứng cho Đức Kitô, một nhân chứng cho Chúa Cha không? Hay
là, tôi sợ hãi, không có khát vọng lớn nào, hay là chưa sẵn sàng, hay là tôi ưa
sống khép kín cho riêng mình, thay vì mở ra không?
* Cuộc đời tôi có ánh sáng nào không? Hay là,
tôi cảm thấy mình hoàn toàn ở trong bóng tối? Hay là chung quanh tôi chỉ
toàn là các đám mây, có những đám mây nào trong tim tôi không? Ngọn đèn của
Lời Chúa đã được thắp lên, vì Chúa Cha đã sai Chúa Con, Ngôi Lời sự sống và đời
đời, Đấng mà Chúa Cha đã giao tất cả mọi việc. Tôi có muốn lắng nghe, nhớ,
và lặp lại tất cà những gì tôi đã nghe không?
* Ngay cả trong những dòng
chữ ít ỏi này, mối quan hệ tình yêu hiện hữu giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha thì rất
rõ ráng, một mối quan hệ kết hợp và làm cho họ nên một. Tôi biết rằng mốt
quan hệ này thì rộng mở, bởi vì Chúa Cha cũng mời gọi tôi, giống như mọi con
người khác, những người đến thế giới này để đi vào và ở lại, để tận hưởng niềm
vui thật sự. Tôi có chấp nhận lời mời gọi không? Hay là, tôi chọn đứng
bên ngoài, và giống như người thanh niên giàu có, bước đi với một con tim nặng
trĩu không?
5. Lời nguyện kết
Đáp ca: Chúa nói với
tôi rằng: “Con là con Ta!”
Làm thế nào giữ được tuổi xuân
trong trắng?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.
Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài,
xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.
Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ,
để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.
Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng,
thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.
Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại,
các quyết định miệng Ngài phán ra.
Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng
hơn là được tiền rừng bạc bể.
Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền,
đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa.
Con vui thú với thánh chỉ Ngài
chẳng quên lời Ngài phán.
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.
Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài,
xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.
Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ,
để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.
Lạy Chúa, con dâng lời ca tụng,
thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.
Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại,
các quyết định miệng Ngài phán ra.
Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng
hơn là được tiền rừng bạc bể.
Con sẽ gẫm suy huấn lệnh Chúa truyền,
đưa mắt nhìn theo đường lối Chúa.
Con vui thú với thánh chỉ Ngài
chẳng quên lời Ngài phán.
(Tv 119:9-16)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét