Trang

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Miả mai trò hề Tấn Phong Giám Mục ở nước Tàu: khó nuốt như cơm trộn với cát!

Miả mai trò hề Tấn Phong Giám Mục ở nước Tàu: khó nuốt như cơm trộn với cát!

Theo Linh mục Phê Rô Bác Đa Thẩm Phúc (Bo Duo Shen Fu) thì việc Nhà Nước cài đặt một giám mục bất hợp pháp và bị rút phép thông công tham gia vào việc tấn phong các giám mục hợp pháp thì cũng giống như 'cơm trộn với cát', thật là tai tiếng, mỉa mai và khó nuốt.

Những sự tham gia ấy thì không thể chấp nhận được; Người ta không thể ăn "cơm trộn với cát" mà có thể nói là ngon, là dễ nuốt.

Với một văn phong nhẹ nhàng nhưng đầy mỉa mai, một linh mục ở đông bắc của Trung Quốc, một blogger nổi tiếng, Cha Phê Rô Bác Đa Thẩm Phúc, đã lên án cái "tâm lý nô lệ" của những Kitô hữu ở Trung Quốc, chấp nhận sự cai trị cuả đế quốc trên Giáo Hội.

Ngài có ý nói đến các lễ tấn phong giám mục ở Thành Đô và Tây Xương, là những nơi mà một vị giám mục bất hợp pháp - do sự áp đặt cuả cảnh sát - tham gia vào buổi lễ với các Giám Mục khác. Cha Phêrô cảnh báo không nên lấy lý do về lịch sử khó khăn của Giáo Hội tại Trung Quốc mà thỏa hiệp đức tin: như thể một cô gái bị cưỡng hiếp lại đi cảm ơn tên côn đồ vì "đã thương xót cô ta và yêu cô ta"

Xin lược dịch nguyên bài cuà Cha Phêrô như sau:


Lần đầu tiên tôi nghe thấy cụm từ "cơm trộn với cát" là từ người cha tinh thần của tôi, cha Nghiêm Văn Đạt (Yan Wenda.) Do hoàn cảnh xã hội vào thời điểm đó, chủ trương cuả chính quyền là phủ nhận tính ưu việt của giáo hoàng. Vì vậy, "Tân Ước" mà chúng tôi sử dụng, được xuất bản với một "lưu ý" cuả các nhà thần học "chuyên gia" cuả Trung Quốc. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng bất lực vì sách tôn giáo thì rất thiếu thốn, cho nên các linh mục đã phải quảng bá những quyển sách ấy cho các tín hữu. Cha Đạt đã nói: ".. Chúng ta là đám ăn xin. Chúng ta biết rằng điều này là cơm trộn với cát. Nhưng chúng ta phải nuốt nó, tất cả như nhau, nếu không, chúng ta chết đói."

Sau những giải thích từ cha Đạt, tôi cũng đành chấp nhận "Tân Ước". Sau đó thì các giáo sĩ trung thành với đức tin đã lén lút ban hành một "errata corrige" (bản đính chính) về cuốn "Tân Ước", làm cho chúng tôi bắt đầu lưu ý hơn về cách đọc nó một cách chính xác hơn, mà không rơi vào sự nhầm lẫn [tạo ra] bởi những "lưu ý" dị giáo.

Trong những năm gần đây, một số người đã gọi sự tham gia của các giám mục bất hợp pháp trong lễ tấn phong giám mục hợp pháp như thể là "cơm trộn với cát". Trong thực tế, dưới nhãn quan đức tin Công Giáo thánh thiện, thì sự tham gia ấy là một xúc phạm nghiêm trọng.

Có lẽ bởi vì mọi người đã quen với những việc "thô tục" như thế, cho nên có người đã nghĩ rằng đó không có gì là đáng quan tâm, họ cũng có thể không còn thấy chướng tai gai mắt. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là, có những người đã quen với việc ăn "cơm trộn với cát", giờ đây thậm chí đã nói rằng điều đó là tốt, là thực sự ngon.

Chúng tôi không thế hiểu cái niềm đam mê của họ với các "hột cát" thì đặc biệt ở điểm nào, nhưng có lẽ họ đã làm những điều đó là để liếm những chiếc giầy cuả những bậc thầy đã bố thí cho họ "cơm trộn với cát". Họ thực sự đã phản bội lương tâm của chính mình.

Tư tưởng sâu sắc cuả Nho Giáo có nói "Người quân tử không uống nước cuả kẻ ăn cắp; người chân chính không ăn cơm cuả kẻ khinh nhờn." Phương châm này tiếp tục ăn sâu trong đầu óc tôi. Liệu nước từ một nguồn bị đánh cắp có làm dịu cơn khát của tôi không? Hoặc, các thực phẩm nhận được từ những người xem thường chúng ta có tính nuôi dưỡng không? Và, thậm chí có thể chấp nhận rằng, nếu một cô gái bị cưỡng hiếp, nên đánh giá cao kẻ hãm hiếp mình vì anh ấy đẹp trai, mạnh mẽ, lực lưỡng, và có thể nói rằng cử chỉ xâm phạm này là "lòng thương xót" và "tình yêu"? Nếu một tên cướp đã lột quần áo và để tôi khỏa thân với chỉ một bộ đồ lót cho đỡ xấu hổ, thì tôi có phải cảm ơn hắn và gọi hắn là "anh Hai ăn cướp" ư?

Mặc dù có một lịch sử cay đắng và một quá khứ thật là thê thảm, Giáo Hội tại Trung Quốc (cuả chúng ta) không thể cho rằng tất cả mọi thứ là 'đã được định đoạt xong rồi' và như thế là bình thường, và chấp nhận "làm quen" với cái thực tế là chúng ta luôn luôn bị "xúc phạm" và bị "trộn lẫn với cát".

Văn hóa đế quốc của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra cái tâm lý nô lệ này. Tất cả chúng ta luôn phải hoan nghênh và kêu lên "hoan hô!", dù đó là trước một màn đánh đòn công khai với tội danh "tôn giáo Taliban", mà kẻ phạm tội chỉ là người phát biếu tư tưởng theo đúng lương tâm của mình.

Nhưng, như mọi người đều biết, văn hóa đế quốc của Trung Quốc đã ảnh hưởng trên đất Trung Quốc hơn 5000 năm, thì thật là khó khăn mà hòa giải với các ý tưởng của Kitô giáo. Trong văn hóa Nho giáo, hoàng đế là hoàng đế; các cận thần là cận thần; cha là cha; con trai là con trai. Hoàng đế thống lĩnh các cận thần; cha chi phối các con: Đây là cơ sở lý thuyết của hệ thống đẳng cấp, đóng một vai trò quyết định trong việc duy trì sự cai trị của các triều đại phong kiến. Việc nhập thể của Con Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta rằng chúng ta đều là con của Một Cha, chúng ta phải yêu thương nhau. Không có vấn đề ai là hoàng đế, hoặc viên chức, hay một công dân bình thường, chúng ta đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Đây là một giá trị Kitô giáo và cũng là phổ quát. Cho nên khi phải đối mặt với "cơm trộn với cát", ít nhất tôi có thể thì thầm rằng: "Tôi không thể nuốt được nó." Vậy thì bạn cũng có thể nói như thế không?
Fr. Peter Duo Bo Shen Fu

Trần Mạnh Trác12/15/2016 (vietcatholic)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét