Tiếp nhận Chúa Giêsu là
cộng tác vào công trình cứu chuộc
Khi tiếp nhận Chúa Giêsu và tìm theo Ngài mỗi ngày như Mẹ
Maria, chúng ta có thể cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Chúa đối với
chúng ta và thế giới. Cử chỉ vâng lời và khiêm tốn của thánh Giuse dậy cho
chúng ta biết luôn luôn tín thác nơi Thiên Chúa và để cho Chúa hướng dẫn cuộc sống.
Chúng ta hãy tìm bước vào lễ Giáng Sinh đích thật của Chúa Giêsu để đón
nhân ơn thánh của ngày lễ là ân huệ của tình yêu, lòng khiêm tốn và sự hiền dịu.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và
du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua. Mở đầu
bài huấn dụ ngài nói: phụng vụ của Chúa Nhật thứ tư và cuối cùng của mùa Vọng
có đề tài là Thiên Chúa đến gần trong khiêm nhường. Đoạn Tin Mừng của thánh sử
Mátthêu cho chúng ta thấy hai người đã bị liên lụy hơn mọi người khác trong mầu
nhiệm tình yêu này: đó là Đức Trinh Nữ Maria và chồng là Giuse. Mầu nhiệm của
tình yêu, mầu nhiệm sự gần gũi của Thiên Chúa với nhân loại.
Đức Maria được giới thiệu dưới ánh sáng lời tiên tri nói rằng:
“Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai và cho chào đời một con trai”(c. 23). Thánh
sử Mátthêu thừa nhận rằng điều đã xảy ra nơi Đức Maria, là Đấng đã thụ thai
Chúa Giêsu do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Con Thiên Chúa “đến” trong
cung lòng Mẹ để trở thành người và Mẹ tiếp nhận Chúa. Như vậy, trong một cách
thức duy nhất, Thiên Chúa đã đến gần con người, bằng cách nhận lấy thịt xác của
một phụ nữ. Thiên Chúa đến gần chúng ta và đã nhận lấy thịt xác của một phụ nữ.
Ngài cũng đến gần chúng ta, trong cách thức khác nhau, với ơn thánh của Ngài để
bước vào trong cuộc sống chúng ta và cống hiến cho chúng ta món quà là Con của
Ngài. Và chúng ta làm gì? Chúng ta có tiếp đón Ngài, có để cho Ngài đến gần hay
khước từ Ngài, hay đuổi Ngài đi? ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:
Như Me Maria, khi dâng hiến chình mình cho Chúa của lịch sử
đã cho phép Ngài thay đổi số phận khiêm hạ, cũng thế khi tiếp đón Chúa Giêsu và
tìm theo Ngài mỗi ngày, chúng ta có thể cộng tác vào chương trình cứu độ của
Ngài đối với chúng ta và thế giới. Như vậy, Mẹ Maria xuất hiện như mẫu gương cần
noi theo, và như sự nâng đỡ có thể cậy nhờ trong việc kiếm tìm Thiên Chúa,
trong sự gần gũi của chúng ta với Chúa, trong việc để cho Ngài đến gần chúng
ta, và trong dấn thân xây dựng một nền văn minh tình thương.
Nhân vật khác của Tin Mừng hôm nay là thánh Giuse. Thánh sử
minh nhiên sự kiện một mình thánh Giuse không thế giải thích biến cố ngài trông
thấy trước mắt, nghĩa là việc Đức Maria mang thai. Tuy nhiên, chính khi đó,
chính trong lúc nghi ngờ và cả trong sự âu lo ấy Thiên Chúa cũng tới gần thánh
nhân với một sứ giả của Ngài, và soi sáng cho thánh nhân biết bản chất của
chức làm mẹ ấy: “con trẻ được sinh ra nơi Mẹ là do Chúa Thánh Thần” c. 20). Như
thế, đứng trước biến cố ngoại thường, chắc chắn nổi lên trong con tim người biết
bao nhiêu câu hỏi, người hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng tới gần
thánh nhân,và theo lời Chúa mời gọi không rẫy người vợ đã được hứa hôn, nhưng
đem về với mình và cuới Đức Maria. ĐTC giải thích ý nghĩa thái độ của thánh
Giuse như sau:
Khi tiếp nhận Đức Maria thánh Giuse ý thức tiếp nhận với
tình yêu Đấng đã được thụ thai nơi Mẹ do công trình đáng khâm phục của Thiên
Chúa, là Đấng làm được mọi sự. Thánh Giuse con người khiêm tốn và công chính
(c. 19) dậy chúng ta luôn luôn tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng đến gần chúng
ta: khi Thiên Chúa tới gần chúng ta, chúng ta phải tín thác. Thánh Giuse dậy
chúng ta để cho Chúa hướng dẫn với lòng vâng lời tự nguyện.
Hai gương mặt này, Đức Maria và thánh Giuse, là những người
đầu tiên tiếp đón Chúa Giêsu qua đức tin, dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm
lễ Giáng Sinh. Mẹ Maria giúp chúng ta đặt mình trong thái độ sẵn sàng tiếp đón
Con Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể, trong thịt xác chúng ta. Thánh Giuse
thúc giục chúng ta luôn luôn tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa và đi theo với lòng
tin tưởng tràn đầy. Cả hai vị đã để cho Thiên Chúa tới gần.
“Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai: Người sẽ
được đặt tên là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt
1,23). Thiên thần nói như thế: “Con trẻ sẽ được gọi là Emmanuel, có nghĩa là
Thiên Chúa ở cùng chúng ta, có nghĩa là Thiên Chúa gần gũi chúng ta. Và
tôi mở cửa cho Thiên Chúa đến gần – mở cửa cho Chúa – khi tôi cảm nhận một linh
hứng nội tâm, khi tôi cảm nhận rằng Ngài xin tôi làm một điều gì hơn nữa cho
tha nhân, khi Ngài mời gọi tôi cầu nguyện. Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên
Chúa tới gần. Ước chi lời loan báo hy vọng này thành toàn trong lễ Giáng Sinh,
cũng hoàn tất sự chờ đợi Thiên Chúa nơi từng người trong chúng ta, trong toàn
Giáo Hội, và trong biết bao nhiêu người bé nhỏ, mà thế giới khinh rẻ, nhưng
Thiên Chúa yêu thương và Thiên Chúa đến gần họ.
Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành
toà thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho
cuộc đối thoại tại Cộng hoà dân chủ Congo được diễn ra trong an bình tránh mọi
loại bạo lực và cho thiện ích của toàn quốc gia này.
ĐTC đã đặc biệt chào nhóm UNITALSI là liên hiệp Italia
chuyên chở các bệnh nhân đi hành hương Lộ Đức. Ngài ca ngợi công việc làm tốt
lành của họ. Liên hiệp đã tổ chức một hang đá sống với sụ tham dự của các người
tàn tật. ĐTC cám ơn mọi nguời và mọi tổ chức đã gửi lời chúc mừng thượng thọ 80
của ngài hôm thứ bẩy vừa qua. Ngài nói: Chúa Nhật tới là lễ Giáng Sinh. Trong
tuần này, tôi xin anh chị em, chúng ta hãy tìm ra vài lúc để dừng lại, thinh lặng
và tưởng tượng ra Đức Mẹ và thánh Giuse đang đi về Bétlêhem. Tưởng tượng ra các
ngài như thế nào: đi đường xa mệt nhọc, nhưng cũng tươi vui, sự cảm động, nỗi
lo lắng tìm một chỗ trọ, sự âu lo… vv. Hang đá máng cỏ trợ giúp chúng ta làm điều
ấy. Chúng ta hãy tìm bước vào trong lễ Giáng Sinh đích thật, lễ Giáng
Sinh của Chúa Giêsu, là Đấng đến gần, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, để nhận ân sủng
của ngày lễ này, là một ơn thánh của sự gần gũi, của tình yêu, lòng khiêm tốn
và sự hiền dịu. Và trong những lúc ấy xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho
tôi nữa.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét