13/02/2017
Thứ Hai tuần 6 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm I) St
4, 1-15. 25
"Cain xông vào
giết Abel em mình".
Trích sách Sáng Thế.
Ađam ăn ở với vợ là
Evà; bà mang thai, sinh ra Cain, và nói rằng: "Nhờ ơn Chúa, tôi sinh được
người con". Bà sinh ra Abel là em. Abel thì chăn chiên, còn Cain thì làm
ruộng. Sau một thời gian, Cain lấy hoa trái đồng ruộng dâng lên cho Chúa. Abel
cũng bắt các con vật đầu đàn và lấy mỡ mà dâng lên cho Chúa. Chúa đoái nhìn đến
Abel và của lễ ông dâng. Còn Cain và của lễ của ông, thì Chúa không nhìn đến,
nên Cain quá căm tức và sụ mặt xuống. Chúa nói với Cain: "Tại sao ngươi
căm tức, tại sao ngươi sụ mặt như thế? Nếu ngươi làm lành, sao ngươi không ngẩng
mặt lên; còn nếu ngươi làm dữ, thì tội đã kề ở cửa ngươi. Lòng ganh tị thúc đẩy
ngươi, ngươi phải chế ngự nó".
Cain nói cùng em là
Abel rằng: "Chúng ta hãy ra ngoài". Và khi hai anh em đã ra tới đồng,
thì Cain xông vào giết Abel em mình. Chúa phán cùng Cain rằng: "Abel, em
ngươi đâu?" Cain thưa: "Tôi đâu có biết! Tôi có phải là người giữ em
tôi đâu?" Chúa phán: "Ngươi đã làm gì? Tiếng máu em ngươi từ đất kêu
thấu đến Ta. Bây giờ, ngươi bị chúc dữ trên phần đất đã mở miệng hút máu em
ngươi do tay ngươi làm đổ ra. Khi ngươi trồng tỉa, đất sẽ không sinh hoa trái
cho ngươi. Ngươi sẽ đi lang thang khắp mặt đất". Cain thưa cùng Chúa rằng:
"Tội ác tôi quá nặng nề, đâu tôi còn đáng tha thứ. Hôm nay Chúa đuổi tôi
ra khỏi mặt đất, tôi sẽ ẩn trốn khỏi mặt Chúa và tôi sẽ đi lang thang trên mặt
đất, nhưng ai gặp tôi, sẽ giết tôi". Chúa bảo: "Không có vậy đâu, hễ
ai giết Cain, thì sẽ bị phạt gấp bảy lần". Rồi Chúa ghi trên Cain một dấu,
để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn.
Ađam còn ăn ở với vợ,
bà sinh một con trai đặt tên là Seth, bà nói: "Thiên Chúa đã ban cho tôi một
đứa con trai khác thế cho Abel mà Cain đã giết".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 49, 1 và 8.
16bc-17. 20-21
Ðáp: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi (c. 14a).
Xướng: 1) Chúa là
Thiên Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống.
Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt
ở trước mặt Ta luôn. - Ðáp.
2) Tại sao ngươi ưa kể
ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là
kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? - Ðáp.
3) Ngươi ngồi đâu là
buông lời nói xấu anh em, làm tủi nhục cho người con cùng mẹ với ngươi. Ngươi
làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt
lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. - Ðáp.
Alleluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe
biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 8, 11-13
"Tại sao thế hệ
này lại xin điềm lạ?"
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các người biệt
phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ
trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin
điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ
nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Dấu lạ của
tình thương
Thánh Marcô đặt cuộc
tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu
đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa
bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu
nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ
không tin.
Ở đây, chúng ta thấy
rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép
lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của
Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con
người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.
Khi những người Biệt
phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do thái trong
thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng
tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, Satan đã bảo
Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn
mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân
Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan: "Ngươi chớ thử thách
Thiên Chúa là Chúa của ngươi". Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt
phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ
nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy
mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.
Giáo Hội tiếp tục công
cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại
những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ
đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những
phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào
thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày
nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của
Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ
đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ
vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể
hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết
cho người mình yêu.
Dấu lạ cả thể mà có lẽ
con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương.
Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì
cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu
của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ
cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại
của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm
thấy nơi Giáo Hội.
Trong sự đóng góp
khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta
luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người
chưa nhận biết Chúa Kitô.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 6 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen
4:1-15, 25; Mk 8:11-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần khiêm nhường
biết mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không mắc nợ
gì với con người; trái lại, con người mắc nợ mọi sự với Thiên Chúa. Khi con người
tin tưởng nơi Thiên Chúa, con người không thêm điều gì cho Ngài; nhưng niềm tin
nơi Thiên Chúa sẽ giúp con người đạt tới cuộc sống đời đời. Cũng thế, khi con
người làm việc thờ phượng như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, dâng lễ vật, con người
chẳng thêm gì cho Thiên Chúa; nhưng con người sẽ nhận được những lợi ích từ các
việc làm này.
Các Bài Đọc hôm nay
cho thấy những quan niệm sai của con người trong mối liên hệ với Thiên Chúa.
Trong Bài Đọc I, khi Cain dâng lễ vật cho Thiên Chúa và không được Ngài đóai
nhìn tới; ông tức giận với Thiên Chúa và ghen tị với em mình là Abel, vì Ngài
đóai nhìn lễ vật của em ông. Hậu quả là ông đã giết đứa em ruột của mình. Trong
Phúc Âm, các kinh-sư thách thức Chúa Giêsu hãy làm phép lạ để họ có thể tin
Ngài là Thiên Chúa; Chúa Giêsu thở dài vì thái độ thách thức của họ. Ngài từ chối
không làm bất cứ phép lạ nào cho họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cain giết Abel, em mình.
1.1/ Nguyên nhân của việc
Cain giết Abel: Cain ghen tị với Abel vì Đức
Chúa đóai nhìn đến lễ vật của Abel, và không đoái nhìn đến lễ vật của ông.
Trình thuật không nêu lý do tại sao Đức Chúa không đóai nhìn lễ vật của Cain,
chúng ta chỉ có thể suy đóan qua truyền thống. Của lễ dâng cho Thiên Chúa phải
kèm theo một tấm lòng yêu mến, chứ không chỉ dâng cho qua lần chiếu lệ như Lề
Luật buộc. Trong thực tế, Abel không phải là nguyên nhân chính sự tức giận của
Abel; nhưng vì sự tức giận của Cain với Thiên Chúa, đã đưa đến sự tức giận của
Cain với em ông. “Giận cá chém thớt” là vậy; vì không làm gì được Thiên Chúa,
nên giết người em yếu đuối để bù lại. Tội giết người này cũng xác nhận bản tính
tội lỗi của con người sau lần sa ngã đầu tiên, tội tổ tông.
Thiên Chúa cắt nghĩa
cho Cain lý do tại sao con người phạm tội: "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao
ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt
lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó
thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó." Tội lỗi luôn rình chờ con
người, nhưng con người phải sẵn sàng khắc phục nó bằng sự tự chủ và ý hướng
luôn làm điều tốt. Giận dữ và ghen tị sẽ đưa con người đến những tội lỗi lớn
hơn.
1.2/ Cain giết Abel và bản
án của Thiên Chúa: Khi con người muốn phạm tội,
họ tìm nơi hoang vắng để không ai biết việc làm của họ. Cain cũng thế, ông nói
với em là Abel: "Chúng mình ra ngoài đồng đi!" Và khi hai người đang ở
ngoài đồng thì Cain xông đến giết Abel. Nhưng Cain đã quên đi một Đấng, Người
luôn thấu suốt mọi tư tưởng và hành động của ông. Đức Chúa phán với Cain:
"Abel em ngươi đâu rồi?" Cain thưa: "Con không biết. Con là người
giữ em con hay sao?" Giống như sự sa ngã ban đầu, phản ứng đầu tiên của
con người không bao giờ dám nhận trách nhiệm, họ phủ nhận hành động đã làm như
Cain, hay tìm cách tổ tội cho người khác như ông Adam và Bà Evà.
Đức Chúa phán:
"Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta!
Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em
ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho
ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất." Đối
với người Do-Thái, sự sống có được là từ máu, và bắt nguồn từ Thiên Chúa (Lev
17:11-14). Vì Thiên Chúa làm chủ sự sống (Gen 2:7), máu của người vô tội đổ ra
sẽ kêu thấu tới Thiên Chúa. Đất có mối liên hệ mật thiết với con người: con người
sinh ra từ bụi đất và sẽ trở về bụi đất; đất sẽ sinh thực phẩm cho con người;
và tội của con người là lý do làm đất đai sinh gai góc (J).
1.3/ Lòng thương xót của
Đức Chúa cho Cain: Con người phải chịu trách
nhiệm về hành động của mình. Cain suy nghĩ về các hậu quả của việc giết em và
thưa với Đức Chúa: "Hình phạt dành cho con quá nặng không thể mang nổi.
Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi
giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con
sẽ giết con."
Hình phạt đầu tiên
Cain phải chịu là trốn tránh Thiên Chúa và con người. Xua đuổi khỏi mặt đất là
xua đuổi khỏi nơi hoang vắng, chỗ ở của ma quỉ và tội nhân. Kẻ giết người sẽ
luôn ở trong tình trạng lẩn trốn: trốn Thiên Chúa, con người, và chính mình.
Truyền thống tin Đức Chúa hiện diện cách đặc biệt với dân của Ngài. Không có sự
hiện diện của Đức Chúa, mạng sống con người sẽ luôn bị đe dọa.
(1) Đức Chúa vẫn
thương xót Cain: Người đời đòi “mắt đền mắt, răng đền răng;” và Cain cũng biết
luật vay trả này “bất cứ ai gặp con sẽ giết con.” Nhưng Đức Chúa vẫn tỏ lòng
thương xót cho Cain, Ngài phán: “Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy."
Đức Chúa ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông. Dấu đặc biệt
trên trán này chỉ sự bảo vệ của Thiên Chúa.
(2) Đức Chúa đóai
thương đến gia đình Adam: Ông Adam lại ăn ở với vợ. Bà sinh một con trai và đặt
tên là Seth. Bà nói: "Thiên Chúa đã sắp đặt cho tôi một dòng dõi khác thay
cho Abel, vì Cain đã giết nó."
2/ Phúc Âm: Niềm tin dựa trên phép lạ.
(1) Đấng Thiên Sai phải
làm được các phép lạ: Mỗi quốc gia trên địa cầu đều có những sắc thái riêng của
mỗi dân tộc; Thánh Phaolô nói rất đúng về người Do-Thái: “Người Do-Thái tìm kiếm
dấu lạ; trong khi người Hy-Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan.” Truyền thống Do-Thái đã
thêu dệt sẵn kiểu mẫu một Đấng Thiên Sai: Ngài là Đấng uy quyền, có khả năng
làm những dấu lạ lùng trong trời đất. Ngài là Chúa của người Do-Thái, nên Ngài
sẽ giúp họ đánh đuổi ngọai bang, và cai trị tòan thế giới. Với kiểu mẫu có sẵn
của Đấng Thiên Sai, những người Pharisees kéo đến với Chúa Giêsu, để thách thức
Người làm một dấu lạ từ trời.
(2) Tại sao Chúa Giêsu
không chịu làm phép lạ? Thứ nhất, Ngài đã làm không biết bao nhiêu phép lạ rồi.
Những người Pharisees này hoặc đã từng chứng kiến, hoặc đã nghe biết về những
phép lạ Ngài đã làm. Thứ đến, phép lạ chỉ giúp khai mở niềm tin. Khi Chúa Giêsu
chữa lành các bệnh nhân, Ngài nhắc nhở cho họ những gì Tiên-tri Isaiah nói về Đấng
Thiên Sai, giờ đây được hiện thực nơi Ngài; mục đích là để giúp họ tin vào
Ngài. Hơn nữa, niềm tin chỉ dựa trên dấu lạ sẽ không vững chắc. Họ cần một sự
hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài; chứ không phải
theo một Thiên Chúa và các kế họach do họ dựng nên. Nếu niềm tin chỉ dựa trên
phép lạ, niềm tin sẽ lung lay và biến mất khi không nhìn thấy phép lạ nữa. Sau
cùng, Chúa Giêsu không muốn con người điều khiển Thiên Chúa: khi con người cần
gì, Thiên Chúa có bổn phận làm phép lạ ban cho họ điều đó; mà không cần biết điều
họ xin có tốt hay không!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần khiêm
nhường biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tất cả những việc thờ phượng
chúng ta làm là cho lợi ích của cá nhân chúng ta, chứ không thêm gì cho Thiên
Chúa.
- Khi cầu xin điều gì
không được, chúng ta hãy xét xem điều đó có đúng ý Thiên Chúa không. Đừng bao
giờ có thái độ giận dữ trả thù bằng cách bỏ đạo hay làm hại những người được
Thiên Chúa phù hộ.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
13/02/2017 - THỨ HAI TUẦN 6 TN
Mc 8,11-13
TIN DẤU LẠ CHÚA LÀM
Người thở dài não ruột
và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế
hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc 8,12)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã từng
làm biết bao nhiêu điềm thiêng dấu lạ làm bằng chứng cho thấy thời đại Thiên
sai đang tới (x. Mt 11,2-6). Thế nhưng khi những người Pha-ri-sêu đòi hỏi Chúa
làm cho họ dấu lạ, không phải vì họ chưa thấy hay vì họ khao khát muốn thấy uy
quyền của Thiên Chúa; trái lại, vì tấm lòng chai đá, họ đã không chấp nhận những
việc lạ lùng Chúa đã thực hiện giữa họ. Chính vì thế, trong khi những người
nghèo khó khiêm tốn thấy và tin dấu lạ Chúa làm, lòng họ đầy hân hoan ca tụng
Thiên Chúa, thì những người xin dấu lạ này, do lòng dạ kiêu căng, trở nên kẻ mù
lòa đáng thương vì như thể mầu nhiệm Nước Thiên Chúa bị che khuất mắt họ.
Mời Bạn: Thiên Chúa đã, đang, và sẽ
còn dùng những dấu chỉ trong thiên nhiên, và trong lịch sử để bày tỏ quyền năng
và tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta. Trong cuộc sống Giáo Hội của Chúa
Ki-tô, Lời Chúa và các bí tích là những “dấu chỉ” đơn sơ để mọi người có thể gặp
gỡ và kết hiệp với Ngài. Vấn đề là chúng ta có đủ khiêm tốn và mau mắn để tin
và tiếp nhận hay không.
Sống Lời Chúa: Coi trọng và tìm gặp Chúa
qua việc đọc các “dấu chỉ” của Ngài, cách riêng qua việc siêng năng đọc Lời
Chúa trong Kinh Thánh.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con đừng sợ hãi ánh sáng của
Chúa, ánh sáng… đòi buộc con hoán cải. Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong
bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con. Xin cho con khiêm tốn để đón nhận những tia
sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.” (Thắp sáng niềm tin, tr. 170)
(5 Phút Lời Chúa)
Tìm một dấu lạ từ trời (13.2.2017 – Thứ hai Tuần 6 Thường niên)
Làm sao chúng ta nhìn ra được những điều bình thường, nho nhỏ mà Chúa vẫn làm cho
chúng ta mỗi ngày? Nhiều khi chúng ta vẫn đòi những điều lạ lùng hơn, lớn lao hơn.
Suy niệm:
Ai cũng dễ bị hấp dẫn bởi
cái lạ thường, cái khác thường.
Còn cái bình thường, như
thường, thì ít hấp dẫn, lắm khi tẻ nhạt.
Chỉ cần nghe đâu đó có
hiện tượng khác thường là người ta đổ xô đến,
lắm khi chẳng cần suy
nghĩ để biết có thực không, có đáng tin không.
Đức Giêsu đã làm nhiều
phép lạ trong mấy năm sứ vụ.
Những phép lạ đó không
nhằm ra oai biểu diễn quyền uy,
cũng không nhằm lôi kéo
sự tôn vinh của dân chúng.
Ngài đã từ chối nhảy
xuống từ nóc đền thờ:
một cám dỗ làm điều ngoạn
mục để thu hút quần chúng.
Ngài cũng từ chối xuống
khỏi thập giá:
một hành vi đủ làm bẽ mặt
những kẻ giết Ngài.
“Cứ xuống khỏi thập giá
để chúng ta thấy và tin” (Mc 15, 32).
Đức Giêsu không mua niềm
tin của đám đông bằng sự phản bội Cha.
Ngài đã ở lại trên thập
giá như một người có vẻ thua cuộc…
Kitô giáo không đặt nền
trên những chuyện dị thường, ma quái.
Đức Giêsu đã làm phép lạ
chữa bệnh và trừ quỷ
vì Ngài chạnh lòng thương
trước nỗi khổ đau của con người,
vì Ngài muốn đáp lại lòng
tin quá lớn của bệnh nhân,
và vì Ngài muốn cho thấy
Nước Thiên Chúa đã đến rồi.
Phép lạ lớn nhất của Đức
Giêsu là Tình Yêu.
Các ông Pharisêu không
phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ.
Sau này các thượng tế
cũng nhìn nhận:
“Hắn đã cứu được người
khác…” (Mc 15, 31).
Nhưng họ thấy điều đó vẫn
không đủ hoành tráng và gây ấn tượng.
Họ đòi một dấu lạ từ
trời, một dấu lạ lớn hơn để họ tin vào Ngài.
Đức Giêsu đã mạnh mẽ từ
chối đòi hỏi ấy.
Làm sao chúng ta nhìn ra
được những điều bình thường, nho nhỏ
mà Chúa vẫn làm cho chúng
ta mỗi ngày?
Nhiều khi chúng ta vẫn
đòi những điều lạ lùng hơn, lớn lao hơn.
Như người Pharisêu, chúng
ta chẳng hề mãn nguyện.
Chúng ta vẫn muốn thử Thiên
Chúa, bởi lẽ chúng ta không tin Ngài.
Xin cho tôi thấy được sự
kỳ diệu của Tình Yêu
nơi những điều tưởng như
là tự nhiên của cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ,
xin cho chúng con thấy sự
hiện diện của Cha
trong vũ trụ vô cùng lớn,
trong những hạt tử vô
cùng nhỏ,
và trong bộ óc vô cùng
phức tạp của con người.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một
thế giới đầy mầu sắc.
Mầu xanh cỏ non, mầu hồng
trái chín,
mầu vàng mặt trời xế
chiều.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một
thế giới đầy âm thanh.
Tiếng suối róc rách,
tiếng chim hót véo von,
tiếng gió rì rào qua kẽ
lá.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một
thế giới đầy hương thơm.
Hương của đồng lúa mới,
của hoa bưởi, hoa cau,
hương thơm của nắng xuân
dìu dịu.
Chúng con ca ngợi đôi tay
khéo léo của Cha
khi tạo nên sự trong ngần
ngời sáng của viên ngọc,
sự lộng lẫy phong phú của
muôn loài hoa lan,
sự rực rỡ hài hòa nơi đôi
cánh của loài bướm,
và nhất là sự đẹp đẽ cao
cả nơi con người.
Dưới lòng đất, trên núi
cao,
giữa biển sâu, trong rừng
vắng,
chỗ nào chúng con cũng
thấy bóng dáng Cha.
Xin cho chúng con
biết chung sống với thiên
nhiên này
như một người bạn, một
quà tặng Cha ban,
biết giữ gìn ngôi nhà
trái đất
để nó khỏi hư hỏng, cạn
kiệt,
và biết chia sẻ cho nhau
bao tài nguyên còn tiềm ẩn.
Ước gì đến ngày cả trái
đất, cả vũ trụ này
và muôn loài Cha đã dựng
nên
được cùng với cả nhân
loại chúng con
vui hưởng tự do và vinh
quang trong Nước Cha. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG HAI
Theo Đuổi Kỷ Luật Bản
Thân
Thánh Phao-lô nhấn mạnh
đến ý nghĩa tâm linh của thể thao: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều”
(1Cr 9, 25). Ngài nhận thức rằng sự quân bình, kỷ luật bản thân, sự điều độ và
nhất là nhân đức là những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động thể thao.
Để trở thành một vận động
viên chân chính, người ta cần phải trung thực với chính mình và với người khác.
Người ta cần có lòng trung thành và nghị lực tinh thần hơn cả sức lực thể lý.
Người ta phải biết kiên trì, phải có tinh thần cộng tác, tính cách hào hiệp,
lòng quảng đại, thái độ cởûi mở bao dung. Tất cả những điều ấy đều là những đòi
hỏi của một căn bản đạo đức. Nhưng, Tông Đồ Phao-lô còn thêm: “Các vận động
viên làm thế để chiến thắng một triều thiên tạm bợ chóng qua, còn chúng ta,
chúng ta nhắm đến một triều thiên vĩnh cửu”. Qua những lời ấy, chúng ta tìm thấy
sự phác họa một nền đạo đức thể thao và thậm chí một nền thần học soi sáng cho
tất cả các giá trị của thể thao.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 13 -2
St 4, 1-15.25; Mc
8, 11-13.
Lời Suy Niệm: Người thở dài
não ruột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông
biết: Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.”
Đối với những người
Pharisêu, họ rất am tường Kinh Thánh và lời các ngôn sứ, họ lại được chứng kiến
biết bao dấu lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trước mắt họ: “Kẻ què được đi, người
phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin
Mừng. Mà giờ đây họ còn đòi Người phải cho họ một dấu lạ. Nên Chúa Giêsu đã từ
chối với sự não ruột và thở dài của Người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con có được ơn đức tin khi nhìn mọi sự, để nhận ra sự hiện diện
và quan phòng của Chúa trong thiên nhiên và cuộc sống của mỗi người chúng con,
để cảm tạ và thờ phượng Chúa.
Mạnh Phương
13 Tháng Hai
Mang Tên Một Vị Thánh
Hiện nay, những người
vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi
trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà
Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân
chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St.
Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng
bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền
hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại
gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. ngững người yêu cầu hoàn trả
tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha
sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai
nguyên của nó.
Tại cộng hòa
Georgia, trường đại hoạc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng
của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của
các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập.
Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên
cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức
Maria.
Mỗi người chúng ta,
khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên
thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng
ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều
là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự
vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở
thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.
Ðó là nguồn gốc, là
căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô
luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ
chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để
làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để
sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người
Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh,
đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét