Arnaud Bédat: “Đối với Đức Phanxicô, năm 2017 là năm của tất
cả mọi nguy hiểm”
Arnaud Bédat, Phanxicô, một mình chống tất cả. Điều tra về một giáo hoàng đang gặp nguy hiểm, Flammarion, Paris, 2017. |
Sau quyển sách “Phanxicô, người
Argentina”, tác giả Arnaud Bédat xuất bản “Phanxicô, một mình chống tất cả”. Một
cuộc điều tra về các hiểm nguy đang đe dọa Đức Thánh Cha.
Đức Phanxicô làm mê hoặc.
Ngài cũng làm bực tức. Sau khi xuất bản một tác phẩm có tính cách tiểu sử cách
đây ba năm, năm nay ký giả Arnaud Bédat xuất bản quyển Phanxicô, một mình chống
tất cả (Flammarion, 2017), một cuộc điều tra về hiểm nguy đang đe dọa Giáo
hoàng Argentina. Giáo triều La Mã, phái công giáo cực kỳ bảo thủ, Nhà nước Hồi
giáo tự xưng: đối với nhà báo Thụy Sĩ, luồng chống đối đến từ nhiều nơi khác
nhau. Và chúng có thể có các tầm mức nguy kịch khác nhau: “2017 là năm của mọi
hiểm nguy”.
Đức Giáo hoàng đang gặp hiểm
nguy. Đó là kết luận cuộc điều tra của ông và là tít phụ tác phẩm của ông. Ngài
bị đe dọa từ ai và từ cái gì?
Arnaud Bédat: Từ những người canh giữ giáo điều, chẳng hạn như bốn
hồng y công khai nêu các nghi ngờ của mình, các hoài nghi “dubia” của họ về
tông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia, được công bố
sau Thượng hội đồng gia đình). Ngài bị đe dọa bởi những người chủ trương giữ
công giáo chính thống, họ chống sự tiến hóa của một vài vấn đề như tính không
thể sai lầm về hôn nhân, đồng tính hay sự mở ra của Giáo hội cho tất cả mọi người.
Giáo hoàng này làm phiền vì không còn ai quan tâm đến “người công giáo tốt”,
người đó đã có được rồi. Người đó đã đến các “vùng ngoại vi địa lý cũng như hiện
sinh” để gặp tất cả mọi người. Thật là kỳ lạ. Vì sao một người không mộ đạo như
tôi lại quan tâm đến ngài? Bởi vì tôi thích lời nói của ngài, cũng như tôi
thích cách ngài phủi bụi Giáo hội.
Dĩ nhiên không một ai xem thái độ
này là phạm thượng. Đối với họ, giáo hoàng là Satan. Họ mong ngài đi khuất mắt
càng sớm càng tốt hoặc họ tìm cách bẫy ngài. Đó mới là hiểm nguy thực sự. Tôi
không nói các kẻ thù này sẽ tìm cách đầu độc ngài, chúng ta không còn ở thời của
Borgia. Nhưng Đức Phanxicô phải đấu tranh thường xuyên. Một cuộc chiến đấu
không ngừng để chống bệnh tật (21 tuổi, Jorge Mario Bergoglio đã phải cắt một
phần trên lá phổi mặt sau khi bị sưng phổi cấp tính), chống với một số thành viên
Dòng Tên, với cơn khủng hoảng của chế độ độc tài, với gia đình trị Kirchner. Đó
là tất cả các đề tài của quyển sách này.
“Nếu bây giờ bầu lại giáo
hoàng, tôi nghi ngài không có cơ hội để mình được bầu một lần nữa”.
Ông cũng có đề cập đến các hiểm
nguy đáng gờm như: Nhà nước Hồi giáo tự xưng, những kẻ chính thống cực
đoan hoặc những nhóm bè phái muốn lấy sinh mạng của Đức Giáo hoàng. Sự sống của
ngài có gặp nguy hiểm không?
Tôi không thể loại ra những kẻ cố
lấy mạng sống của ngài. Đã có một cảnh báo rất mạnh trong lần ngài đi Phi Luật
Tân tháng 2 năm 2015. Cảnh sát đã phá vỡ một kế hoạch tấn công của nhóm khủng bố Yemaa
Islamiya. Năm 1981, Ali Ağca đã bắn Đức Gioan-Phaolô II. Một kẻ cuồng nhiệt
cũng đã tìm cách đâm Giáo hoàng Ba Lan trong chuyến đi Fatima của ngài. Tôi
không muốn nói loại biến cố này sẽ tái lại nhưng hiểm nguy là có thật.
Trong cuộc điều tra của ông,
ông luôn viết rất mạnh. Chẳng hạn ông viết: “Vatican đúng là một chuồng thú: một
ổ rắn độc, ổ của những con thú săn mồi, ổ của những con quạ mà Đức Giáo hoàng cố
gắng sắp đặt lại thứ tự” (trang 222). Ông có nói quá không?
Người ta kể cho tôi, chính ngài
đã nói: “Tôi có 80% kẻ thù ở giáo triều”. Không phải là chẳng có gì mà ngài chỉ
có một ít người thân cận ở Nhà Mácta hoặc có một hội đồng chín hồng y trong guồng
máy Giáo hội. Đó là thành lũy của ngài. Tôi cũng đã có dịp thảo luận với nhiều
người trong giáo triều. Qua những câu nói như thành mẫu, họ bật lên vài câu nói
ác độc về Đức Giáo hoàng. Quý vị cứ xem tin tức thời sự là thấy rõ. Chiều tối
thứ sáu (3 tháng 2) các áp-phích chống giáo hoàng dán đầy ở Rôma. Sự chống đối
bây giờ xuất hiện ngay trên đường phố của Thành phố Vĩnh cửu.
Bergoglio không phải chỉ có
toàn kẻ thù, nếu không thì làm sao ngài được bầu chọn giáo hoàng. Ai là bạn của
ngài?
Chắc chắn bạn của ngài ở bên
ngoài Vatican nhiều hơn là ở bên trong. Tôi nghĩ, ở mật nghị các hồng y hiểu
đây là thời điểm cho “bước ngoặt latinô”. Hồng y Ba Tây Scherer là người bảo thủ
một ít. Những người có ảnh hưởng cho rằng Bergoglio là con đường cứu vãn. Gần
người nghèo, khá lớn tuổi: tóm tắt, một giáo hoàng chuyển tiếp sẽ tô điểm lại
cho thể chế. Nhưng lịch sử đã lặp lại: năm 1958 người ta cũng đã bầu Đức Gioan
XXIII trong các điều kiện tưuơng tự. Hồi đó người ta đã nói, “đó là vị thứ trưởng
không có quyền”. Vậy mà cuối cùng đó là giáo hoàng của Công đồng Vatican II. Chắc
chắn hồng y cử tri đoàn đã không ước lượng được tầm mức của giáo hoàng hiện
nay. Họ bầu ngài mà không biết ngài có một đặc sủng như vậy, một khả năng thu
hút như vậy. Ngài thu hút đám đông và một cách khéo léo, ngài thay đổi địa
chính trị của thể chế. Nếu bây giờ bầu lại giáo hoàng, tôi nghi ngài không có
cơ hội để mình được bầu một lần nữa.
“Phanxicô có sở thích quyền lực”.
Trong cuộc điều tra của ông,
ông cho thấy một khía cạnh lạ lùng nhất của Đức Phanxicô. Đôi khi ngài tỏ ra “rất
nhanh chóng”, “nghiêm trị”, thậm chí “làm tổn thương”.
Đó là khía cạnh ít ai biết,
nhưng chính xác như vậy. Nhìn cách ngài loại chỉ huy truởng Đội cận vệ Thụy Sĩ,
Daniel Anrig cách đây hai năm. Ngài cho nghỉ việc người chỉ huy quá độc tài dưới
mắt ngài, mà không nói lý do. Ngài cách chức cựu Hồng y Quốc Vụ Khanh không một
bố trí. Và đó cũng là điều người ta mong chờ ở ngài: ngài biết quyết định một
cách dứt khoát nhanh nhẹn và ổn định lại thứ trật.
Về mặt tín điều và luân lý,
ngài không bao giờ đổi đường hướng của Đức Bênêđictô XVI. Ngài tố cáo các vận động
hành lang muốn đưa vào lý thuyết về giống loài trong các sách giáo khoa ở Pháp.
Thượng hội đồng về gia đình đã không làm cách mạng như một vài người mong muốn.
Cuối cùng, về mặt tín điều, Đức Phanxicô cũng ở trong đường hướng của Đức
Bênêđictô XVI, đúng không?
Tôi không nghĩ vậy. Ngài có thể
có thay đổi, rất sát, nhất là về vấn đề độc thân của chức thánh. Còn về Thượng
hội đồng, Đức Phanxicô đi lui một bước để có thể đi tới vài bước. Để nắm được
quan điểm của ngài về các vấn đề này, phải nhìn lại sứ vụ của ngài ở Argentina.
Trong các thành phố ổ chuột, ngài cho những người ly dị tái hôn rước lễ và rửa
tội cho con cái của họ. Ngài hiểu, đời sống thật là như vậy. Ngài muốn mở Giáo
hội ra để Giáo hội có thể sống còn và để đặt con người vào trọng tâm.
Ông chẩn đoán như thế nào về
đoạn cuối triều giáo hoàng của ngài? Ám sát, từ chức hay tại chức đến khi chết?
Đức Phanxicô có sở thích quyền lực.
Các bạn của ngài nói như vậy. Ngài có ở tại chức đến cùng không? Tôi không biết.
Về phần tôi, tôi luôn tự biện, có thể trong một chuyến đi Argentina năm 2018
hay 2019, ngài sẽ ở lại và không về Rôma nữa. Có thể ngài sẽ nói: “Tôi ra đi từ
Buenos Aires, tôi trở về đó và tôi ở lại đó”. Trong khi chờ đợi, một điều chắc
chắn: năm 2017 sẽ là năm của tất cả mọi nguy hiểm. Chuyến đi Fatima tháng năm sắp
tới là cả một đe dọa. Tất cả mọi người đều nghĩ đây là chuyến đi mục vụ bình lặng,
nhưng ban mật vụ rất lo lắng. Có bất trắc của một người ôm bom tự sát giữa đám
đông.
Đâu là dấu vết ngài sẽ để lại
cho lịch sử?
Ngài sẽ ở lại lịch sử như một
Martin Luther King hay một Gandhi. Trong một thời gian dài, thế giới sẽ không
tìm ra một giáo hoàng nào như ngài. Giáo hội sẽ giữ triều giáo hoàng của ngài
như một hình thức giải thiêng liêng hóa: làm sao giáo hoàng tiếp theo dám quay
về ở dinh tông tòa sang trọng hay đi xe Mercedes chắn đạn, ở thời buổi mà sự
toàn cầu hóa gây ra không biết bao nhiêu là bất bình đẳng và bỏ mặc không chăm
lo dân chúng? Ngài mở đầu cho một sự cắt đứt sẽ kéo dài bởi vì càng ngày càng
có những người giống “bergogliens” trong số hồng y cử tri đoàn. Và cuối cùng,
trong lịch sử, ngài sẽ là giáo hoàng đã thành công vượt ra ngoài thế giới công
giáo. Đó là nhà lãnh đạo thế giới được tất cả mọi người nghe, kể cả những người
thuộc các tôn giáo khác. Một điều thật sự mới mẻ cho Giáo hội công giáo.
Bốn tháng điều tra
Phải mất bốn tháng để thực hiện
quyển sách này. Tác giả Arnaud Bédat giải thích: “Một tháng để đọc và để ghi lại
tất cả các bài viết của ngài và về ngài. Tôi không muốn làm sai cái gì. Bố cục
của cuộc điều tra được dần dần vẽ ra trước khi tôi bắt đầu viết bản thảo”. Ba
tháng viết, “chúi mũi viết”. Ba tháng say sưa viết ở quê hương Jura của ông.
“Cà phê buổi sáng, sau đó là ‘quay về bàn viết’ suốt ngày. Buổi tối nghỉ một
chút để ăn vội. Đôi khi có hai mươi phút ngủ trưa”. Cuối cùng, dù thời hạn
tương đối sít sao, nhưng tác giả Arnaud Bédat hài lòng. “Tôi khá bằng lòng đã
vào sâu được trong vũ trụ xa lạ này đối với tôi và cũng đã có một tác phẩm từ
đó. Chưa biết trước có thắng hay không”, ông cười.
Vì sao có cuộc điều tra
Tác giả Arnaud Bédat giải thích:
“Phanxicô người Argentina như một loại phóng sự lớn. Một chuyến đi
dạo ở Buenos Aires để tìm các nhân vật, các nơi chốn đã tô điểm cho cuộc đời của
Đức Phanxicô cho đến khi ngài lên ngôi Thánh Phêrô. Từ đó là các căng thẳng xảy
ra ở Vatican cũng như ở các nơi khác. Tôi nghĩ sẽ tốt cho tôi nếu tên tôi đóng
móc vào “Da Vinci Giáo hoàng” (cười). Tôi nói chuyện này với nhà xuất bản
Flammarion, họ thấy ý tưởng này hấp dẫn. Từ ba năm nay, Đức Giáo hoàng này chiếm
hết tâm trí tôi. Một nhân vật thú vị. Tôi muốn tiếp tục cuộc phiêu lưu này.”
Marta An Nguyễn chuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét