05/05/2017
Thứ Sáu đầu tháng, tuần 3 Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 9, 1-20
"Người này là
lợi khí Ta chọn, để mang danh Ta đến trước mặt các dân tộc".
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa, ông đến thượng tế, xin chứng
minh thư gởi đến hội đường ở Ðamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy bất luận nam nữ,
ông trói đem về Giêrusalem. Ðang khi đi đường lúc đến gần Ðamas, bỗng nhiên một
luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe
tiếng phán rằng: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?" Ông thưa:
"Lạy Ngài, Ngài là ai?" Chúa đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt
bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi". Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi
rằng: "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?" Chúa phán: "Hãy chỗi dậy,
vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì". Những kẻ đồng
hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi
dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở, mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông
vào thành Ðamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.
Bấy giờ ở Ðamas, có một
môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng:
"Anania". Ông thưa: "Lạy Chúa, này con đây". Chúa phán:
"Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố "Thẳng", và tìm tại nhà
Giuđa một người tên là Saolô, quê ở Tarsê; ông ta đang cầu nguyện". (Saolô
cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt).
Anania thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông
đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được
các vị thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa".
Nhưng Chúa phán: "Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh
Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải
chịu nhiều đau khổ vì danh Ta". Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên
Saolô mà nói: "Anh Saolô, Chúa Giêsu, Ðấng hiện ra với anh trên đường đi đến
đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần".
Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt; ông
chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức. Ông ở lại ít ngày
cùng với các môn đồ thành Ðamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng:
Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2
Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16,
15).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể chư
dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. - Ðáp.
2) Vì tình thương Chúa
dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn
đời. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia! -
Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để ở
cùng các con luôn mãi. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 53-60
"Thịt Ta thật
là của ăn, Máu Ta thật là của uống".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, những người
Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà
cho chúng ta ăn được?"
Bấy giờ Chúa Giêsu nói
với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người
và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta
và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau
hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống
máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã
sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta.
Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã
chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời".
Người giảng dạy những
điều này tại Hội đường Caphar-naum.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sống bằng sự
sống của Thiên Chúa
Triết gia Nietzsche
của Đức đã cho rằng: Kitô giáo là vong thân. Con người càng tin tưởng nơi thần
linh, con người càng đánh mất chính mình. Như vậy để cho con người đừng thẳng
lên như một con người, cần phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con người”.
Thật ra, con người
không thể loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, vì làm như thế con người sẽ chuốc
lấy chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy của cái chết, loại bỏ Thiên Chúa
là tự hủy diệt. Con người không thể sống mà không cần Thiên Chúa, đó là bản chất
Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người, đi ngược với bản chất ấy là đi vào cõi chết.
Tin Mừng hôm nay nhắc
nhở chúng ta về chân lý ấy, Chúa Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, chỉ
trong Ngài con người mới thấy được Thiên Chúa. Ngài đã nói với các môn đệ: “Ai
thấy Ta là thấy Cha Ta”, “Ta và Cha Ta là một”. Bởi vì con người chỉ có thể sống
nhờ Thiên Chúa, bởi vì Chúa Giêsu và Chúa Cha là một, cho nên để sống thật sự,
con người phải sống bằng chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Nếu các
ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống”.
Tuyên bố điều đó, Chúa Giêsu cũng loan báo chính cái chết của Ngài. Thật thế, vừa
xác quyết mình từ trời xuống nghĩa là bởi Thiên Chúa mà ra và là chính Thiên
Chúa, vừa tự xưng là lương thực cần thiết cho con người, Chúa Giêsu đã đọc lên
chính bản án của Ngài. Người Do Thái đã giết Ngài vì Ngài tự xưng là Thiên Chúa
nghĩa là Ngài đã lộng ngôn. Như vậy cái chết của Ngài trên thập giá là một mạc
khải Thiên tính của Ngài.
Bí tích Thánh Thể, vì
là tưởng niệm cái chết ấy, nên cũng là một bày tỏ và tuyên xưng Thiên tính của
Chúa Giêsu. Chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban cho con người như lương thực để
con người được sống. Khi tiếp nhận Chúa Giêsu trong Thánh Thể, người tín hữu
tuyên xưng rằng con người không thể sống mà không có Thiên Chúa. Chỉ có sức sống
thần linh mới làm cho con người được sống và sống dồi dào. Thế nhưng lương thực
trường sinh mà người tín hữu đón nhận trong Thánh Thể cũng là một cam kết.
Tuyên xưng rằng con người chỉ có thể sống bằng sự sống của Thiên Chúa, người
tín hữu cũng phải sống thế nào để cuộc sống của họ là một bằng chứng của sự hiện
diện và tác động của Thiên Chúa trong con người. Sức sống của Thiên Chúa mà con
người cần đến sẽ được tỏ hiện qua niềm vui, tình huynh đệ, lòng quảng đại, sự
tha thứ trong cuộc sống người tín hữu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần III PS
Bài đọc: Acts
9:1-20; Jn 6:52-59.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có
thể làm chuyện không thể đối với con người.
Con người thường lấy
những gì mình suy nghĩ để áp dụng cho Thiên Chúa. Họ quan niệm Thiên Chúa cũng
giống như họ: nếu họ không thể làm được, Thiên Chúa cũng không thể làm được. Họ
quên đi một điều là Thiên Chúa khác và vượt xa con người: Ngài làm được mọi sự
và không có điều gì là không thể đối với Ngài. Tiên-tri Isaiah nhắc nhở con người
phải luôn nhớ điều này: “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng
cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi
chừng ấy” (Isa 55:9).
Các Bài Đọc hôm nay mở
mắt cho chúng ta thấy những kỳ công Chúa thực hiện. Trong Bài Đọc I, Chúa biến
đổi ông Saul từ một người Pharisees dữ dằn và khốc liệt truy tố các tín hữu, trở
thành một người hăng say rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng chết để làm chứng cho
Ngài; một điều không thể xảy ra với sức con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
tuyên bố: Tất cả những ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ được sống muôn đời; người
Do-thái ngạc nhiên thắc mắc: “Làm sao ông ấy có thể lấy thịt cho chúng ta ăn được?”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa tạo cơ hội cho Saul ăn năn trở lại.
1.1/ Xung đột ý kiến giữa
Thiên Chúa và Saul.
(1) Ý của ông Saul:
Ông đi Damascus với mục đích là để đi bắt các tín hữu theo Đạo mới về để trị tội,
như Sách CVTĐ tường trình: “Ông Saul vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ
Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damascus,
để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải
về Jerusalem.”
(2) Ý của Thiên Chúa:
Ngài không ghét Saul đến nỗi phải tiêu diệt ông như thói quen của con người thường
làm; nhưng Ngài muốn dùng lòng nhiệt thành của ông để rao giảng Tin Mừng của
Ngài cho Dân Ngoại. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Damascus, thì bỗng
nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống
đất và nghe có tiếng nói với ông: "Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ
Ta?" Ông nói: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người đáp: "Ta là
Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ
nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì."
“Những người cùng đi với
ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. Ông
Saul từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm
tay dắt ông vào Damascus. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng
uống.” Biến cố này được lặp lại 3 lần trong Sách CVTĐ vì là một biến cố quan trọng
không những cho bản thân Saul, mà còn cho tất cả mọi người.
1.2/ Không ai có thể cưỡng
lại ý muốn của Thiên Chúa.
(1) Làm sao một người
bắt đạo như thế có thể ăn năn trở lại: “Bấy giờ ở Damascus có một môn đệ tên là
Hananiah. Trong một thị kiến, Chúa phán với ông: "Hananiah!" Ông thưa:
"Dạ, lạy Chúa, con đây." Chúa bảo ông: "Đứng lên, đi tới phố gọi
là Phố Thẳng, đến nhà Judah tìm một người tên là Saul quê ở Tarsus: người ấy
đang cầu nguyện.” Ông Hananiah thưa: "Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về
người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại
Jerusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những
ai kêu cầu danh Chúa."
(2) Kế họach của Thiên
Chúa cho Saul: Nhưng Chúa phán với ông: "Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta
chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái
Israel. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy
phải chịu vì danh Ta."
Ông Hananiah liền đi;
ông vào nhà, đặt tay trên ông Saul và nói: "Anh Saul, Chúa đã sai tôi đến
đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người
sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần."
Lập tức có những cái
gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saul, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu
Phép Rửa. Rồi ông ăn và khoẻ lại. Lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giêsu trong
các hội đường rằng Người là Con Thiên Chúa.
Saul đi Damascus với mục
đích để bắt các tín hữu; khi ông trở lại Jerusalem là để rao giảng Tin Mừng và
làm chứng cho Đấng ông đã không nương tay bắt bớ. Điều này chứng minh: Chẳng có
chuyện gì là không thể đối với Thiên Chúa!
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu có thể nuôi dưỡng con người bằng Mình Ngài.
2.1/ Chuyện không thể đối
với con người: Người Do-thái có thể hiểu
“bánh từ trời xuống,” vì cha ông họ đã từng ăn Manna trong sa mạc; nhưng khi
Chúa Giêsu đồng hóa “bánh từ trời xuống” với thịt của Ngài (sárk), họ liền
tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta
ăn thịt ông ta được?"
Chúa Giêsu cắt nghĩa
chi tiết hơn: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống
máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi,
thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt
tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Không những chỉ dùng hai danh
từ thịt (sárk) và máu (aima), Ngài dùng hai động từ nhai (trogein)
và uống (piein), như khi con người ăn và uống lương thực phần xác. Điều
này chứng tỏ Chúa Giêsu muốn nói tới nghĩa đen, chứ không còn là nghĩa biểu tượng
nữa. Con người qua mọi thời vẫn chối bỏ sự hiện diện sống động và đích thực của
Chúa Giêsu qua Bí-tích Thánh Thể: có người cho Bánh đây là Lời Chúa, có người
cho sự hiện diện chỉ có tính cách thiêng liêng; đơn giản vì họ cho việc nuôi dưỡng
bằng thịt và máu Chúa là điều không thể!
2.2/ Phải ăn Mình Chúa mới
có thể sống muôn đời: Chúa Giêsu tiếp tục nhấn
mạnh tới sự cần thiết của Bí-tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở
lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã
sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được
sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã
ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." Sự sống Chúa
Giêsu muốn đề cập tới ở đây không chỉ là sự sống thể lý (psyche), nhưng
là sự sống thần linh và muôn đời (zoe). Điều khác biệt giữa hai lương thực:
lương thực phần xác chỉ có thể đem lại sự sống thể lý; nhưng Mình và Máu Chúa sẽ
mang lại cho con người sự sống thần linh, và họ sẽ được sống muôn đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng bao giờ
giới hạn Thiên Chúa vào sự hạn hẹp của con người. Khi nào chưa hiểu những điều
Thiên Chúa làm, hãy lấy đức tin bù lại.
- Chúng ta phải luôn
tin tưởng Thiên Chúa có thể làm mọi sự. Hãy mau mắn thi hành những gì Ngài truyền;
nhất là năng lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể.
- Những ai chống lại
Thiên Chúa thì cũng giống như người đưa chân đạp mũi nhọn: chân sẽ rách nát chảy
máu mà mũi nhọn chẳng hề hấn gì!
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Ga 6,52-59
LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì sẽ được
sống muôn đời.” (Ga 6,54)
Suy niệm: Chàng Rô-bin-sơn
trong câu chuyện “Trên Hoang Đảo” của Daniel Defoe đã lấy làm kinh tởm khi thấy
người thổ dân moi tim kẻ thù để ăn. Nhưng đối với chàng thổ dân này thì “ăn gì
bổ nấy”: ăn cá thì giỏi bơi lội, ăn tim người thì thêm dũng cảm. Chả trách gì
mà người Do Thái bị “xốc” khi Chúa Giê-su tuyên bố thịt máu Chúa là của ăn nuôi
sống con người. Đúng là có lãnh nhận chính Đấng là nguồn mạch sự sống thì mới
có thể có sự sống đời đời nơi mình. Nhưng để có thể chấp nhận “ăn Thịt và uống
Máu Chúa” dù là dưới dấu hiệu Bánh và Rượu của bí tích, thì phải được ơn ban
đức tin. Vì thế, cần có lòng tin mạnh mẽ, mới có thể nhận ra sự hiện diện thật
sự của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Và hơn nữa cần có lòng mến để có thể tiếp
rước Ngài làm của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn.
Mời
Bạn: Mỗi lần rước Mình Thánh Chúa, bạn có nhận
ra Ngài đang ở trong linh hồn bạn hay không? Bạn có tin rằng bạn được Ngài yêu
mến, bạn được ở trong Ngài hay không? Một sự thật không thể chối cãi, đó là nhờ
kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, mà Ngài ở trong bạn
như người bạn rất thân tình và đầy yêu mến.
Sống
Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn trong sạch để có đủ điều
kiện rước lễ mỗi khi đi tham dự Thánh lễ. Cầu nguyện với Chúa Giê-su cách thân
tình, mỗi khi tiếp rước Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh
Thể, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương lấy Mình Máu Chúa làm của ăn nuôi sống
chúng con. Xin cho mọi người chúng con khi tiếp nhận sự sống thần linh của Chúa
cũng biết hiệp nhất yêu thương để hy sinh và phục vụ lẫn nhau.
(5 phút Lời Chúa)
Nhờ tôi mà được sống (5.5.2017 – Thứ sáu Tuần 3 Phục sinh)
Bí tích Thánh Thể không phải là một thứ bùa chú hay đũa thần. Ai càng mở lòng mình ra để trao đi, càng thoát ra khỏi thái độ chiếm đoạt, thì càng thấy mình được biến đổi và được giàu có muôn ơn.
Suy niệm:
Tin Mừng theo thánh Gioan
không viết về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể,
nhưng lại giải thích cách
sâu xa cho chúng ta về ý nghĩa của bí tích ấy
đặc biệt trong bài Tin
Mừng hôm nay.
Câu 51 là một bước chuyển
quan trọng
trong bài giảng của Đức
Giêsu về Bánh hằng sống ở chương 6:
“Tôi là bánh hằng sống từ
trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được
sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng
chính là thịt tôi
đây, để cho thế gian được sống.”
Lần đầu tiên thịt được
nhắc đến trong bài giảng này.
Thịt của Đức Giêsu chính
là bánh từ trời được ban cho thế gian.
Ngôi Lời đã vào đời làm
người, đã thành thịt (Ga 1, 14).
Bây giờ chính thịt ấy lại
được trao ban cho con người như bánh hằng sống.
Đức Giêsu không bằng lòng
với chuyện nuôi một số người bằng bánh và cá.
Điều đó chỉ làm giảm cơn
đói thân xác trong một thời gian.
Ngài muốn nuôi cả thế
giới bằng chính sự sống thần linh ở nơi Ngài,
nuôi bằng trọn cả con
người Ngài, nuôi bằng chính thịt và máu Ngài.
“Ai ăn thịt tôi và uống
máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu.
Và tôi sẽ cho người ấy
sống lại vào ngày sau hết” (c. 54).
Ăn thịt và uống máu một
người là điều làm người Do thái ghê sợ.
Chúng ta chỉ hiểu được
những lời trên đây trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly,
khi Đức Giêsu mời các môn
đệ ăn bánh và uống rượu Ngài trao
mà Ngài lại nói: Đây là
mình Thầy, đây là máu Thầy.
Đức Giêsu muốn trao cho
nhân loại sự sống của Ngài
qua thức ăn, thức uống
bình thường của con người là bánh và rượu.
Sự sống vĩnh cửu đã hé nở
ngay từ đời này và sẽ viên mãn ở đời sau.
Hãy đến ăn và uống lương
thực thần linh Ngài dọn cho ta.
Hãy đến với lòng tin và
sự trân trọng trước món quà quý giá.
Nhưng dự tiệc Thánh Thể
không phải chỉ là đến với thịt và máu Chúa,
mà còn là gặp gỡ tiếp xúc
với một ngôi vị là chính Đức Giêsu.
“Ai ăn thịt tôi và uống
máu tôi
thì ở lại trong tôi và
tôi ở lại trong người ấy” (c. 56).
Một sự ở lại hai chiều,
một sự hiệp thông sâu thẳm giữa hai ngôi vị.
“Tôi sống nhờ Chúa Cha
thế nào,
thì kẻ ăn tôi cũng sẽ
sống nhờ tôi như vậy” (c. 57).
Rốt cuộc, qua việc ăn
uống mình máu Chúa,
chúng ta được tham dự vào
mối tương quan thân tình giữa Cha và Con.
Chúng ta được sống bằng
cùng một dòng sự sống xuất phát từ Cha.
Chúng ta được diễm phúc
chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.
Bí tích Thánh Thể không
phải là một thứ bùa chú hay đũa thần.
Ai càng mở lòng mình ra
để trao đi, càng thoát ra khỏi thái độ chiếm đoạt,
thì càng thấy mình được
biến đổi và được giàu có muôn ơn.
Trong mỗi thánh lễ, chúng
ta được mời gọi đón lấy Bánh hằng sống,
Tấm Bánh Lời Chúa và Tấm
Bánh Mình Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Chúa là thức ăn, thức
uống của con.
Càng ăn, con càng đói;
càng uống, con càng khát;
càng sở hữu, con lại càng ước ao.
Chúa ngọt ngào trong cổ họng con
hơn cả tầng mật ong,
vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.
Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,
vì con không sao múc cạn được Chúa.
Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?
Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,
con cảm thấy cả hai.
Chúa đòi con nên một với Ngài,
đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,
vì con không muốn từ bỏ
những thói quen của con
để ngủ yên trong tay Chúa.
Con chỉ biết tạ ơn Chúa,
ca ngợi và tôn vinh Chúa,
bởi đó là sự sống đời đời cho con.
(Ruy Broeck)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG NĂM
Những Cành Nho Vươn
Tới Mọi Thế Hệ
Để hiểu thực tại Giáo
Hội là Dân Thiên Chúa, chúng ta cần đọc lại biểu tượng cây nho và các cành nho
một cách kỹ lưỡng – và cần nghiền ngẫm ý nghĩa của biểu tượng ấy trong đáy lòng
mình. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong
người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái – vì không có Thầy, anh em sẽ chẳng
làm gì được.” (Ga 15, 5).
Những cành nho nói
trên không chỉ tượng trưng cho các cá nhân, mà còn tượng trưng cho các dân tộc
thuộc mọi thời đại và mọi thế hệ. Những cành nho ấy siêu vượt trên thời gian và
trên cả sự chết, vì Dân Thiên Chúa đã được qui tụ trong Đức Kitô. Dân tộc vĩ đại
này của Thiên Chúa tạo thành một thân thể nhờ Đức Kitô. Nhờ Người, với Người và
trong Người, mọi dân tộc trở nên một – như những cành của một thân nho. Và cây
nho này là một cấu trúc hữu cơ sống động cung cấp cho tất cả chúng ta một sự sống
duy nhất trong Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05 – 5
Cv 9, 1-20; Ga 6,
52-59.
LỜI SUY NIỆM: “Ai ăn thịt tôi
và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào
ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt
và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.”
Đối với mỗi người Ktô
hữu. Chúa Giêsu đang đưa ra lời hứa của Người đối với những ai tin vào Người,
và rước lấy Mình Thánh Chúa vào trong mình với lòng ngay thẳng, thì chính Chúa
sẽ ở trong người ấy và người ấy sẽ được ở trong Người. Để hưởng được lời hứa
này của Chúa, mỗi người cần phải biết giữ mình trong sạch và ngay lành. Và ý thức
trong thân thể và linh hồn của mình đang có Chúa, nên mọi cử chỉ, hành động,
giao tiếp và việc làm, ngôn từ và tư tưởng cần phải thận trọng, để không làm
xúc phạm đến tha nhân, thiên nhiên và các tạo vật khác mà Thiên Chúa đã tạo dựng
mà Ngài cho là tốt đẹp.
Lạy Chúa Giêsu. “Xin
cho chúng con chịu Mình Thánh Chúa cho nên” Đây là lời kinh trong kinh cầu mà
Giáo Hội đã dạy chúng con. Xin cho chúng con luôn ghi khắc vào trong ký ức của
chúng con, để chúng con luôn biết giữ mình.
Mạnh Phương
05 Tháng Năm
Nhà Thờ Cho Người Da Màu
Trong quyển tự thuật,
Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải
phóng Ấn Ðộ khỏi ách thống trị của người Anh, đã kể lại rằng: Trong những ngày
còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc kinh
thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối
Phúc Thực đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.
Mahatta Gandhi xác tín
rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét
xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế
nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông
đã thất vọng: Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng chận ông lại
và nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ
dành riêng cho người da màu.
Mahatma Gandhi đã ra
khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.
Câu chuyện trên đây của
Mahatma Gandhi đáng cho chúng ta suy nghĩ: vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta
cũng có thể là một chướng ngại vật ngăn cản nhiều người muốn tìm đến với Giáo Hội.
Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược lại với tinh thần của Tin
Mừng, đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi nhà thờ.
Không ai là một hòn đảo.
Chân lý này đúng cho những tương quan giữa người với người mà còn có giá trị
hơn nữa trong tương quan của niềm tin. Không có một hành động nào của người Kitô
hữu mà không ảnh hưởng đến người khác. Trong mầu nhiệm của sự thông hiệp, chúng
ta biết rằng tất cả mọi chi thể của Ðức Kitô đều liên kết khăng khít với nhau đến
độ sức mạnh của người này là nơi nương tựa cho người khác, sự yếu đuối và tội lỗi
của người này có thể làm tổn thương đến người khác... Trong Thân Thể Mầu Nhiệm
của Ðức Kitô, tất cả mọi chi thể đều liên đới với nhau, tất cả mọi người đều có
trách nhiệm đối với nhau...
Không ai là một hòn đảo.
Chân lý này cũng đúng cho tương quan của người tín hữu đối với người ngoài Giáo
Hội. Mỗi người tín hữu đều phải là trung gian nhờ đó con người tìm đến với giáo
Hội. Nói cho cùng, người tín hữu không sống cho mình mà sống cho tha nhân. Thật
thế, có lẽ không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng nếu chúng ta chưa giúp
cho một người nào đó cũng vào Thiên Ðàng với chúng ta. Ðó chính là luận lý của
Tin Mừng: Khi mất đi bản thân vì tha nhân, chúng ta mới tìm gặp lại chính mình.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét