Trang

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Những câu chuyện đáng nhớ trong cuộc đời truyền giáo của cha Roberto Seregni

Những câu chuyện đáng nhớ trong cuộc đời truyền giáo của cha Roberto Seregni

Trong cuốn sách “Ri-sorgere” (Phục sinh), cha Roberto Seregni, một thừa sai truyền giáo ở Perù, đã kể lại những câu chuyện cảm động mà cha đã chứng kiến tại đây. Cha gọi đó là những câu chuyện phục sinh vì tất cả có điểm chung là với niềm hy vọng mà các nhân vật tìm được qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu có thể mang lại cho cuộc đời họ những điều tích cực, những thay đổi.
Câu chuyện thứ nhất: Rebeca và Luis
Cha Roberto kể: “Tôi nhớ lại ánh mắt rực sáng của Rebeca, người phụ nữ đã đối nghịch lại tất cả, đã quyết định lãnh nhận bí tích rửa tội trong Giáo hội Công giáo. Quyết định trầm tĩnh của bà là một phép lạ, được nở hoa trong sa mạc của sự dửng dưng.”
“Tôi nhớ đến Luis, chồng của Rebeca. Người đàn ông mỗi chiều thứ 7 uống rượu và, sau khi đã nhốt hết các con vào nhà kho, liền bắt đầu đánh vợ. Ông đã đến nhà xứ và khóc lóc sau khi nhận ra vợ và các con ông đã bỏ đi, để ông lại một mình với nợ nần của ông.”
“Tôi nhớ lại rất nhiều bạn đồng hành, những người đã chia sẻ thức ăn và làm vang lên sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống của tôi. Hơn một lần tôi nhận ra rằng nhà truyền giáo không chỉ là một người phải loan báo về Chúa Giêsu, nhưng trên hết, phải là một người học biết nhận ra Ngài.”
Câu chuyện thứ hai: đôi mắt của Rosa
Rosa là một phụ nữ trẻ 29 tuổi xinh đẹp, có hai con, sống trong một căn nhà nhỏ làm bằng gỗ và giấy. Năm ngoái Rosa khám phá ra mình bị ung thư tử cung. Bệnh viện cho cô một cái hẹn để xét nghiệm. Thời gian chờ đợi là 13 tháng. Rosa không có chọn lựa khác hơn là chờ đợi và hy vọng rằng khối u sẽ không cắn xé, nuốt mất cô trước khi được làm sinh thiết.
Cha Roberto đã cùng với Milagros, một trợ tá xã hội của giáo xứ đến thăm Rosa. Cô đang thất vọng. Sau một tiếng nói chuyện với cha Roberto, cô đồng ý đi khám lại ở phòng khám của giáo xứ. Có thể là khối u ác tính, có thể là sẽ bắt đầu làm hóa trị, có thể là phải phẫu thuật. Tất cả là có thể là … Nhưng trong đôi mắt của Rosa đã lóe lên một ánh sáng , một mảnh của phẩm giá được tìm thấy lại, một tia lửa của niềm hy vọng.”
Khi họ chào giã từ nhau, Rosa đã ôm cha và thầm thĩ:” Con cám ơn cha. Bây giờ con biết con không cô đơn một mình…” Bây giờ, cô Rosa biết là người ta có thể tìm thấy người đồng minh thân cận của họ là vị Thầy người Nazareth, để họ có thể lại bắt đầu hy vọng.
Câu chuyện thứ ba: lòng can đảm của Felicita
Bà Felicita đã 82 tuổi và chỉ còn có 3 cái răng. Bà sống  trong một căn nhà mái thấp lè tè, còn các bức tường thì sơn những màu sắc rực rỡ khác nhau, các cánh cửa thì được làm từ những tấm biển quảng cáo tái chế. Mỗi ngày bà ra chợ từ sáng sớm và bán cá để kiếm tiền nuôi nấng 7 đứa con. 17 năm trước, khi trở về nhà sau một ngày dài làm việc, bà thấy một tấm chăn cuộn để trước cửa nhà. Mở tấm chăn, bà nhìn thấy một bé gái mới sinh được vài ngày. Bà bế em bé, tắm cho cháu, rồi chạy đi xin một bà mẹ trẻ đang nuôi con đầu lòng tí sữa cho thiên thần bé nhỏ ở nhà bà.
Sau đó bà Felicita khám phá ra, đứa bé chính là con của một cô gái còn rất trẻ, chung sống với một trong những con trai của bà. Vì bác sĩ cho biết đứa bé có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, nên mẹ của em đã bỏ em lại và trốn sang Argentina. Bé gái có tên là Stefany và bị liệt não. Năm nay, Stefany đã 17 tuổi, cô không nói được nhưng đôi mắt nhỏ đen nháy và nụ cười đã cho thấy nét đẹp tâm hồn của cô.
Bà Felicita kể với cha Roberto rằng bà thành hôn khi chưa được 13 tuổi. Gia đình cha mẹ Felicita rất nghèo và khi các em trai được sinh ra, cha của Felicita buộc phải gả con gái đầu lòng cho một người ở gần nhà, đổi lại họ sẽ có một mảnh đất nhỏ để cày cấy. Khi được cha báo cho bà biết về cuộc hôn nhân, Felicita đã khóc không biết bao nhiêu ngày. Mãi 5 tháng sau ngày cưới, Felicita mới nhìn vào đôi mắt của người chồng và đôi mắt đó nói cho Felicita biết ông không phải là người cai tù của Felicita và rồi từng ngày qua, bà đã học yêu thương chồng của mình. (Aleteia.it 31/03/2017)
Hồng Thủy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét