Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài
19)
Vũ Văn An7/14/2017
Còn về việc cầu nguyện ở bên ngoài Thánh Lễ?
Nếu có bao
giờ bạn ngồi bên cạnh một linh mục Công Giáo trên máy bay hay trong một toa xe
lửa, hẳn bạn thấy ngài mang theo mình một cuốn sách nhỏ bìa da khá dầy với những
tua vải đủ mầu thò ra ngoài cuốn sách để đánh dấu các trang. Cuốn sách đó gọi
là sách nguyện, và nó chứa các lời nguyện, thánh thi, và bài đọc Sách Thánh được
dùng trong kinh nguyện chính thức hàng ngày của Giáo Hội Công Giáo bên ngoài
Thánh Lễ, thường gọi là “phụng vụ các giờ kinh” hay “Kinh Thần Vụ” (Divine
Office). Việc đọc các kinh này là điều bó buộc đối với hàng giáo sĩ (dù đôi khi
đây là một nghĩa vụ bị vi phạm nhiều hơn là tuân giữ), và kinh thần vụ cũng tạo
nền tảng cho cuộc sống thiêng liêng trong các đan viện và tu viện khắp thế giới.
Một cách cá nhân hay trong từng nhóm, nhiều người Công Giáo cũng đọc một hình
thức kinh thần vụ nào đó. Kinh thần vụ được chia thành các phần sau đây:
• Kinh đêm (matins): thường được đọc lúc nửa
đêm;
• Kinh rạng sáng (lauds): thường được đọc
vào khoảng 3 giờ sáng;
• Kinh sáng (prime, giờ một): thường được
đọc vào khoảng 6 giờ sáng;
• Kinh ban ngày: Có thể là một trong ba
hình thức cũ: giờ ba (terce) đọc giữa buổi sáng (9 giờ); giờ sáu (sext) đọc lúc
trưa (12 giờ); và giờ chín (none) đọc lúc giữa chiều (3 giờ);
• Kinh chiều (vespers): được đọc lúc chiều
tối (6 giờ);
• Kinh tối (compline): được đọc ban đêm (9
giờ).
Trong các
đan viện và tu viện “chiêm niệm”, nghĩa là chủ yếu chuyên chăm việc cầu nguyện
và thờ phượng, cả 8 hình thức trên đều được đọc hàng ngày. Còn trong các khung
cảnh khác, người ta thường chỉ tụ họp để đọc kinh sáng và kinh chiều mà thôi. Bất
cứ được dùng thế nào, các giờ kinh phụng vụ thường gồm lời nguyện mở đầu, một
vài thánh vịnh và thánh thi, một đoạn Sách Thánh, một bài đọc về đời một vị
thánh, một thánh thi nữa, và lời nguyện kết thúc. Kinh thần vụ thoạt đầu được
thiết kế để dùng trong các đan viện, nên nó thích hợp hơn hết với việc cả nhóm
cùng hát thánh thi và đọc các thánh vịnh. Khi các cá nhân đọc kinh thần vụ, thường
họ đọc các yếu tố khác nhau rồi im lặng cầu nguyện và suy niệm về chúng.
Tại sao người Công Giáo thích những lời cầu
nguyện soạn sẵn?
Trước đây,
người Thệ Phản đôi khi tố cáo người Công Giáo thực sự không biết cách cầu nguyện,
vì họ dùng các công thức và bản văn chính thức hơn là đơn sơ mở lòng mình ra để
chuyện vãn với Thiên Chúa. Thực ra, người Công Giáo vốn được khuyến khích khai
triển mối tương quan thân mật với Thiên Chúa Cha, với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các
thánh qua việc cầu nguyện của họ, và điều chắc chắn là họ không buộc phải dùng
kinh thần vụ hay các bản văn soạn sẵn để làm việc này. Tuy nhiên, nhiều người
Công Giáo thích dùng các lời cầu nguyện quen thuộc như Kinh Kính Mừng và Kinh Lạy
Cha, và nhiều người khác thấy lợi ích trong việc đọc kinh thần vụ, đọc đi đọc lại,
cho tới khi nó gần như được in sâu trong ký ức họ.
Những người
Công Giáo nào hay sử dụng các kinh cầu nguyện trên thường đưa ra một trong ba
lý do tại sao việc quen thuộc với chúng không nuôi dưỡng sự khinh thường.
• Thứ nhất, người Công Giáo tin tín điều
“các thánh cùng thông công”, nghĩa là tình hiệp thông giữa các tín hữu trải dài
cả không gian lẫn thời gian. Họ thích ý niệm được đọc cùng những lời cầu nguyện
như các thế hệ đi trước và như các đồng tín hữu khắp mọi nơi trên thế giới, coi
nó như một cách thâm hậu hóa mối liên kết của họ với cộng đồng.
• Thứ hai, đôi khi người ta mệt mỏi, sợ sệt,
buồn nản, hay đơn thuần không muốn cầu nguyện, và trong những khoảnh khắc này,
lời nói thường không xuất hiện một cách dễ dàng. Nhờ dựa vào một số ngôn từ có
tính thi ca và sống động nhất từng được soạn tác, hòa lẫn nhiều yếu tố từ Thánh
Kinh, hạnh các thánh, và nhiều thế kỷ thực hành phụng vụ, người Công Giáo thường
thấy nguồn pin thiêng liêng của họ được xạc điện trở lại.
• Thứ ba, việc nhắc đi nhắc lại thường bật
mở nhiều lớp lang suy niệm sâu sắc hơn. Người ta thấy rằng việc đọc các lời
kinh quen thuộc đôi khi là cách tập chú rất lớn, đóng lại nhiều ý nghĩ và âu lo
đang thống trị tâm trí họ, và mở toang lòng trí họ cho tiếng nói thinh lặng và
thì thào của Thiên Chúa.
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét