07/08/2017
Thứ hai tuần 18 thường niên
BÀI ĐỌC I: Ds 11,
4b-15
"Một mình tôi không mang nổi dân này".
Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy,
con cái Israel nói rằng: "Ai sẽ cho chúng tôi thịt ăn? Chúng tôi nhớ lại hồi
còn ở Ai-cập, cá thì được ăn không, rồi có dưa chuột, dưa gang, rau cải, hành tỏi.
Giờ thì chúng tôi suy nhược, thiếu hết mọi thứ: quay đi ngó lại chỉ thấy
manna".
Manna hình giống hạt
ngò, sắc giống hạt châu. Dân chúng đi rảo quanh mà hốt, rồi cho vào cối mà xay
hoặc lấy chày mà giã; sau cùng, bỏ vào nồi nấu thành bánh. Mùi vị nó như bánh
chiên dầu. Cứ thường đêm, khi sương sa xuống trại thì manna cũng rơi xuống.
Môsê nghe dân chúng
than khóc, nhà nào cũng đứng ở cửa lều. Chúa bừng bừng nổi giận. Môsê rất đỗi bực
mình. Ông thưa cùng Chúa rằng: "Sao Chúa làm khổ tôi tớ Chúa? Sao con
không được nghĩa với Chúa? Sao Chúa bắt con phải mang cả dân này? Con đâu có
cưu mang cả đám dân này, con đâu có sinh ra nó, mà Chúa bảo con: 'Hãy ẵm nó vào
lòng, như vú nuôi ẵm trẻ thơ, hãy mang nó vào đất Ta đã thề hứa ban cho tổ tiên
nó?' Con biết tìm đâu ra thịt để cho cả đám dân này? Họ kêu khóc với con rằng:
"Hãy cho chúng tôi ăn thịt". Một mình con không mang nổi dân này vì
là gánh nặng nề đối với con. Nếu Chúa muốn xử với con như thế, thì xin giết con
đi, và cho con được nghĩa với Chúa, kẻo con phải khốn cực dường
này". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 80,
12-13. 14-15. 16-17
Đáp: Hãy reo mừng
Thiên Chúa là Đấng phù trợ chúng ta (c. 2a).
1) Dân tộc của Ta chẳng
có nghe Ta; Israel đã không vâng lời Ta răn bảo. Bởi thế nên Ta để mặc cho
chúng cứng lòng, để chúng sinh hoạt tuỳ theo sở thích. - Đáp.
2) Phải chi dân tộc của
Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối của Ta mà ăn ở, thì lập tức Ta
sẽ triệt hạ kẻ thù của chúng, và để đập tan quân địch của chúng, Ta sẽ trở tay.
- Đáp.
3) Quân thù của chúng
sẽ phải xưng tụng chúng, và vận mạng của chúng sẽ bền vững muôn đời. Ta sẽ lấy
tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đá chảy ra.
- Đáp.
ALLELUIA: Mt 4,
4b
Alleluia, alleluia! -
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán
ra. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 14, 13-21
"Mọi người đều ăn no".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi
hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người.
Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những
người bệnh tật trong họ.
Chiều tới, các môn đệ
đến gần thưa Người rằng: "Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin
Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn".
Nhưng Chúa Giêsu nói với
các ông rằng: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn". Các ông
thưa lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá".
Người bảo các ông rằng: "Hãy đem lại cho Thầy".
Khi Người đã truyền
cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt
lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân
phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai
thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể
đàn bà và con trẻ. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Bánh Hóa Nhiều
Truyện kể một người
đàn bà nghèo về vật chất, nhưng lại giầu về lòng tin. Người chủ căn phòng, nơi
bà thuê là một người đàn ông giàu có, nhưng keo kiệt và vô đạo; ông thường đem
lòng tin của người đàn bà ra làm trò cười.
Một hôm, người đàn
bà cầu nguyện lớn tiếng với Chúa rằng hiện trong nhà không còn lấy một hột gạo.
Ðể cho người đàn bà một bài học về sự mê tín dị đoan, kẻ vô đạo liền lấy một ổ
bánh mì, rón rén đặt trước cửa phòng người đàn bà, bấm chuông rồi chạy vội về
phòng mình.
Người đàn bà mở cửa
phòng lấy ổ bánh mì, trở lại phòng và cầu nguyện: "Lạy Chúa, con cám ơn
Chúa vì con biết rằng lúc nào Chúa cũng nhậm lời con".
Người đàn ông rất
tâm đắc khi nghe một lời cầu nguyện như thế. Ông đến gõ cửa phòng người đàn bà
và nói vọng vào: "Hỡi người đàn bà ngu xuẩn, bà tưởng rằng Chúa đã nhậm lời
cầu xin của bà ư? Chính tôi là người đã mang ổ bánh đặt trước cửa phòng bà
đó".
Làm như thể không để
ý đến lời nói của người đàn ông, người đàn bà nghèo lại tiếp tục cầu nguyện:
"Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì Chúa luôn trợ giúp con trong lúc túng ngặt:
Chúa dùng ngay cả một tên quỷ để đáp lại lời cầu xin của con".
Trong Tin Mừng hôm
nay, khi các môn đệ xin Chúa giải tán dân chúng về các làng mạc để họ tự mua thức
ăn, Ngài đã truyền lệnh cho họ: "Các con hãy liệu cho họ ăn". Rồi với
năm chiếc bánh và hai con cá do các môn đệ mang đến, Ngài đã nuôi trên 5,000
người được ăn no nê mà còn dư 12 thúng bánh vụn.
Ngày nay, các đám đông
đói ăn ấy được nhân lên đến cả triệu lần, họ không chỉ đói, mà còn chết đói là
khác. Ðã và đang có biết bao người làm những việc hy sinh để nuôi sống đám đông
ấy, nhưng vấn đề quá lớn lao đối với những giới hạn của con người. Dĩ nhiên,
con người phải làm hết sức có thể để giúp đỡ đồng loại, nhưng với sức riêng,
con người không thể giải quyết được vấn đề quá lớn lao ấy, họ cần có sự trợ lực
từ bên trên. Thật thế, chúng ta cần phải có những việc làm cụ thể, vì "đức
tin không có việc làm là đức tin chết". Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể
mang lại cơm bánh cho người đói khát, khi chúng ta cũng trao ban cho họ lời cầu
nguyện của chúng ta. Tự sức mình, với năm chiếc bánh và hai con cá, các môn đệ
không thể nuôi sống trên 5,000 người; thế nhưng, xem chừng Chúa Giêsu không thể
làm phép lạ, nếu không có năm chiếc bánh và hai con cá ấy.
Người Kitô hữu chúng
ta không chỉ làm công tác xã hội. Năm chiếc bánh và hai con cá do đóng góp và
san sẻ của chúng ta cần phải đi đôi với niềm tin và lời cầu nguyện. Với niềm
tin và lời cầu nguyện, chúng ta hãy xác tín rằng cách nào đó, Chúa hằng nhậm lời
chúng ta và chắc chắn phép lạ luôn diễn ra. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện:
"Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày".
Ước gì những cố gắng
chia sẻ và trao ban của chúng ta luôn được thực thi bằng tất cả niềm tin và lời
cầu nguyện. Ước gì niềm tin và lời cầu nguyện của chúng ta cũng được thể hiện bằng
những nghĩa cử cụ thể của chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 18 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Num
11:4-15; Mt 14:13-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giải pháp dễ dàng không phải là giải pháp tốt đẹp nhất.
Con người có khuynh hướng
giải quyết mọi sự cách dễ dàng: điều gì dễ làm và thích thì giữ lại, điều gì
khó khăn và không thích thì loại bỏ. Tuy nhiên, cuộc sống con người không đơn
giản như thế: có những lúc con người phải chọn giải pháp khó khăn hơn, đòi nhiều
hy sinh gian khổ hơn, mới có thể đạt được những gì con người mong muốn; chẳng hạn:
việc học hành, luyện tập thân thể, làm thương mại, giáo dục con cái, và luyện tập
các nhân đức.
Các Bài Đọc hôm nay muốn
làm sáng tỏ sự lựa chọn các giải pháp dễ dàng của con người. Trong Bài Đọc I,
dân chúng muốn quay về Ai-cập để hưởng lại những thức ăn mà họ ưa thích thay vì
phải ăn thứ manna "nhàm chán trong sa mạc." Nhà lãnh đạo Moses cũng
đã cảm thấy mệt mỏi và muốn Thiên Chúa trút bỏ gánh nặng "con cái
Israel" cho ông. Trong Phúc Âm, khi thấy ngày đã xế chiều, các môn đệ lại
gần thưa với Chúa Giêsu: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy
cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." Nhưng Đức Giêsu
bảo các môn đệ: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ
ăn."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng
quá sức con.
1.1/ Dân chúng muốn trở về
cuộc sống nô lệ bên Ai-cập: Dân Israel bắt đầu
thèm ăn, họ khóc lóc mà nói: "Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở
nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ,
nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy
manna thôi."
Trong cuộc hành trình
40 năm trong sa mạc, những đòi hỏi của con cái Israel thì vô tận và luôn luôn
thay đổi. Nếu không được thỏa mãn, họ luôn tìm giải pháp dễ dàng là đòi trở về
Ai-cập để tiếp tục sống kiếp nô lệ. Một số những đòi hỏi của con cái Israel được
ghi nhận như sau:
+ Thuở còn sống bên
Ai-cập, con cái Israel muốn có tự do. Họ kêu xin Thiên Chúa giải thoát họ khỏi
cuộc sống nô lệ cực khổ.
+ Khi đã có tự do, họ
đòi bánh ăn, nước uống.
+ Khi đã có bánh ăn,
nước uống, họ đòi thịt.
+ Khi đã có thịt, họ
đòi cá, rồi đòi dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi.
+ Khi đã được thỏa
mãn, họ lại rửng mỡ đúc bê vàng để thờ.
Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn
yêu thương, thử thách, và dạy dỗ cho đến khi mang họ vào Đất Hứa, như lời Ngài
đã hứa với các tổ-phụ và các nhà lãnh đạo của họ.
1.2/ Ông Moses xin Thiên
Chúa cất gánh nặng: Ông Moses nghe thấy dân
tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà kêu khóc tại cửa lều của mình. Còn Đức Chúa thì
bừng bừng nổi giận. Ông lấy làm khổ tâm vì "trên đe dưới búa," ông
thưa với Đức Chúa: "Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không
đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? Có phải con đã
cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo
con: "Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất
Ta đã thề hứa với cha ông chúng? Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn, khi
chúng khóc lóc đòi con: "Cho chúng tôi thịt để chúng tôi ăn? Một mình con
không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con
như vậy, thì thà giết con đi còn hơn - ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con
thấy mình phải khổ nữa!"
Phản ứng của ông Moses
có thể hiểu được, vì dẫu sao chăng nữa ông vẫn còn mang thân xác con người. Có
lẽ vì ông đã cố gắng hết sức mà vẫn bị dân chúng vô ơn, bạc nghĩa, than phiền,
nên ông mới thốt ra những lời như thế. Sau này, khi Thiên Chúa muốn tru diệt
con cái Israel, ông Moses đã đứng ra bênh vực và xin Thiên Chúa tha thứ cho dân
chúng.
Khi con người thương
yêu Chúa, họ cũng phải vì Chúa mà thương yêu các anh/chị/em của mình. Lý do vì
Thiên Chúa không muốn bất cứ đứa con nào của Ngài phải hư mất. Vì thế, để trở
thành nhà lãnh đạo của Thiên Chúa, ông Moses cũng phải kiên nhẫn để dạy dỗ và
yêu thương con cái Israel như Thiên Chúa yêu thương họ.
2/ Phúc Âm: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ
ăn."
2.1/ Phản ứng ích kỷ của
các môn đệ: Phép lạ "Bánh hóa nhiều để
nuôi 5,000" là một trong những phép lạ được tường thuật bởi cả 4 thánh-ký.
Chúng ta có thể liệt kê một số lý do tại sao các môn đệ xin Chúa Giêsu giải tán
dân chúng để họ đi kiếm của ăn trong các làng mạc:
- Sợ tốn tiền: Philip
thưa với Chúa: "Hai trăm bạc cũng không đủ cho mỗi mỗi người một mẩu bánh
nhỏ!" (Jn 6:7).
- Sợ phải san sẻ những
gì mình có: Ông Andrew thưa với Chúa: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm
cái bánh và hai con cá. Làm sao đủ để chia cho mọi người!" (Jn 6:9).
- Sợ phải vất vả đi kiếm
của ăn cho dân chúng. Các môn đệ có thể nghĩ Chúa Giêsu và các ông chỉ có trách
nhiệm phần hồn: dạy dỗ và chữa lành; phần xác dân chúng có bổn phận phải lo lấy.
Làm sao Chúa Giêsu và các ông có thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của dân chúng?
2.2/ Phản ứng thương xót
của Đức Kitô: Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu
trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh
nhân của họ. Khi nghe lời yêu cầu của các môn đệ giải tán dân chúng để họ tản
mác vào các làng để mua lương thực, Đức Giêsu bảo các môn đệ: "Họ không cần
phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn."
Như người Mục Tử Tốt
Lành, Chúa Giêsu đã làm gương cho các mục tử những điều sau:
- Người thương dân
chúng cả phần hồn lẫn phần xác.
- Người dạy dỗ, chữa
lành, và nuôi dưỡng dân chúng.
- Người không những lo
lắng hiện tại, mà còn chuẩn bị để có người lo tương lai, bằng cách:
+ Huấn luyện các môn đệ
để tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng và loan truyền tình thương.
+ Lập Bí-tích Thánh Thể
để ở lại an ủi và nuôi dưỡng dân chúng: Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ.
Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng,
và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được
no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tình yêu đòi sự kiên
nhẫn để giáo dục, và đòi hy sinh để mang lại sự sống; nếu Thiên Chúa cũng dùng
những giải pháp dễ dàng và nhanh chóng, loài người chúng ta làm sao có cơ hội để
làm lại cuộc đời.
- Nếu cha mẹ cũng chọn
giải pháp dễ dàng, nhanh chóng, và tiện lợi; làm sao chúng ta có mặt trong cuộc
đời và có được cuộc sống như bây giờ. Đừng ích kỷ để một tay vơ vào những điều
tốt cho mình và tay kia thẳng tay quăng đi những điều phiền phức không thích. Nếu
chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, chúng ta cũng phải cho đi cách nhưng không.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
07/08/2017
THỨ
HAI TUẦN 18 TN
Mt 14,13-21
TẤM BÁNH
CHO MUÔN NGƯỜI
Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương. (Mt 14,14)
Suy
niệm: Khi về nhận xứ Ars, Cha Thánh Vianney đã ưu
tư vì
thấy giáo
hữu, đàn
chiên
của Chúa,
không
được chăm
sóc chu đáo; hơn thế nữa, sự sa sút
về đạo
đức còn
là nỗi
lo âu
hơn cả đói cơm,
thiếu áo.
Thánh
Vianney đã
có cùng một tâm trạng
như Chúa
Giê-su.
Ngài
không thể không
“chạnh
lòng” mỗi khi nhìn thấy
dân chúng lầm than trong cảnh cùng
cực thể xác cũng như tinh thần. Trước những người đang đói khát
Lời hằng sống mà
quên
cả cơn đói thể
xác, Chúa đã
hoá
bánh ra nhiều
để tiên
báo chính Ngài
sẽ trở nên tấm
bánh bẻ ra để nuôi
sống muôn
người.
Mời Bạn: Theo Tổ Chức Lương Thực và
Nông Nghiệp
của Liên
Hiệp Quốc (FAO) hiện nay có hơn một tỉ người đói
ăn trên thế giới. Bạn có cảm
thấy mình
động lòng
trắc ẩn trước những con người mà
hôm nay chưa
đủ ăn?
Bạn có
thấy mình
có trách nhiệm gì
trước cảnh “kẻ ăn không hết, người mần không ra”? Bạn có khám phá
xem chung quanh bạn ai là kẻ đang cần
bạn giúp
một tay cải
thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần để
sống một cuộc sống xứng với nhân phẩm
không?
Lòng trắc
ẩn đích
thực đòi
bạn phải biết xả thân vì người khác giống
như tấm
bánh
bẻ ra trở nên
của ăn
cho muôn
người được
sống.
Sống
Lời
Chúa: Hãy chung tay làm một việc cụ thể để cải thiện hoàn
cảnh sống của một người nào
đó. Nhiều
bàn tay góp lại, việc nhỏ cũng thành lớn lao.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa
Giê-su,
xin cho con đồng
cảm với
Chúa
khi đối
diện với
những nỗi
đau
khổ của
người anh chị
em mà
con gặp hằng
ngày;
và
xin cho con biết
biến mối
đồng
cảm đó thành hành động chia sẻ
trong yêu
thương.
(5 phút Lời Chúa)
Bẻ ra và trao đi (7.8.2017 – Thứ hai Tuần 18 Thường niên)
Nếu bạn dám trao hết cho Ngài mọi sự bạn có, thì thế giới sẽ được no đủ. Phép lạ bánh hóa nhiều mãi mãi xảy ra khi ta chia sẻ qua tay Giêsu.
Suy niệm:
Tin về cái chết của Gioan
Tẩy giả là một nhắc nhở cho Đức Giêsu
về số phận tương tự của
một ngôn sứ đang chờ đợi Ngài.
Đức Giêsu cùng với môn đệ
rút lui khỏi đó, đi thuyền đến một chỗ vắng.
Ngài không muốn đối đầu
với kẻ thù khi giờ của Ngài chưa đến.
Nhưng lạ thay chỗ vắng
này lại bất ngờ biến thành chỗ đông người,
khi người ta kéo nhau đi
bộ mà đến trước nơi Ngài sắp đến.
Ra khỏi thuyền, Ngài đã
thấy họ ở đó rồi.
Chắc họ vui vì họ đi bộ
mà nhanh hơn người chèo thuyền!
Còn Đức Giêsu thấy họ thì
chạnh lòng thương,
dù kế hoạch đi lánh mặt ở
chỗ vắng của Ngài bị vỡ (c. 14).
Khi môn đệ xin Thầy giải
tán đám đông, để họ đi mua thức ăn cho đỡ đói,
Ngài bảo: “Họ không cần
phải đi đâu cả.
Chính anh em hãy cho họ
ăn.”(c. 16).
Như thế môn đệ được mời
gọi trở thành người cung cấp thức ăn miễn phí.
Hẳn là họ đã hết sức bối
rối trước mệnh lệnh khó hiểu này.
Làm sao chuyện đó xảy ra
được?
Làm sao nuôi được đám
đông ngần này người ở nơi hoang vắng?
Tất cả những gì họ có
trong tay chỉ là năm cái bánh và hai con cá (c. 17).
Nhưng những điều đó thì
thấm vào đâu!
Họ thất vọng, chán nản,
khi thấy sứ mạng thì lớn, mà khả năng lại bé nhỏ.
“Đem lại đây cho
Thầy!” (c. 18).
Thầy Giê su bảo môn đệ
đem đến cho mình tất cả bánh và cá họ có.
Vấn đề không phải là ít
hay nhiều, nhưng là tất cả.
Ngài cần đóng góp nhỏ bé
của chúng ta để làm những điều lớn lao.
Hãy đem lại cho Ngài tất
cả bánh và cá của đời ta:
một chút thời giờ, một
chút khả năng, một chút thiện chí.
Rồi để mặc Ngài định
liệu.
Cảnh tượng thật đẹp trong
mùa xuân có bãi cỏ xanh mướt.
Dân chúng ngồi trên cỏ
thành từng nhóm nhỏ.
Bánh và cá được trao từ
tay các môn đệ đến tay Đức Giêsu.
Từ tay Đức Giêsu dâng lên
Cha Ngài trên trời với lời tạ ơn chúc tụng.
Rồi từ tay Đức Giêsu trở
lại tay các môn đệ,
từ tay các môn đệ đến tay
đám đông dân chúng (c. 19),
và dân chúng hẳn đã bẻ ra
chia sẻ cho nhau.
Phép lạ bánh hóa nhiều
diễn ra thật mầu nhiệm.
Đức Giêsu đã không làm
nên một núi bánh để các môn đệ đến lấy mà phát.
Dường như bánh đã hóa
nhiều khi được bẻ ra và trao đi từ tay nọ đến tay kia.
Đức Giêsu đã phải bẻ năm
cái bánh cho mười hai môn đệ.
Các môn đệ cũng phải bẻ
ra để trao cho đám đông.
Nếu họ cứ giữ cho mình
thì năm cái bánh sẽ mãi chỉ là năm cái bánh.
Bẻ ra và trao đi không
làm người ta trở nên nghèo, nhưng trở nên dư dật.
Nếu bạn dám trao hết cho
Ngài mọi sự bạn có, thì thế giới sẽ được no đủ.
Phép lạ bánh hóa nhiều
mãi mãi xảy ra khi ta chia sẻ qua tay Giêsu.
Hôm nay Thầy Giêsu vẫn
mời chúng ta: Các con hãy cho họ ăn.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa :
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả
nhân loại.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG TÁM
Không Gì Có Thể
Tách Chúng Ta
Ra Khỏi Tình Yêu
Thiên Chúa
Thánh Tông Đồ
Gia-cô-bê cũng diễn tả tương tự khi ngài dạy các Kitôhữu thái độ đương đầu các
thử thách với niềm vui và kiên nhẫn: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa
niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua
thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó
ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không thiếu sót điều gì”
(Gc 1,2-4).
Cuối cùng, trong Thư gửi
các tín hữu Rôma, Thánh Phaolô so sánh những đau khổ của con người và của vũ trụ
với ‘cơn đau sinh nở’ của mọi tạo vật. Ngài nhấn mạnh rằng đây là ’những tiếng
rên siết’ của những ai lãnh nhận Thần Khí như ‘ơn huệ mở đầu’ nhưng còn trông đợi
Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là ‘cứu chuộc thân xác chúng ta nữa’(Rm
8,22-23).
Rồi, Thánh Phaolô ghi nhận
về đau khổ: “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi cho những
ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định…”
(Rm 8,28). Cũng trong văn mạch này, ngài tuyên bố: “Ai có thể tách chúng ta ra
khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm
nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35).
Với cảm nhận sâu xa ấy
về tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Thánh Phaolô kết luận:
“Tôi tin chắc rằng: dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay ma vương quỉ lực,
hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất
cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của
Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Ở đây Thiên Chúa, Cha
chúng ta đang yêu thương chúng ta đời đời trong Đức Kitô. Ngài là người Cha dạy
bảo chúng ta trong sự quan phòng yêu thương của Ngài: “Con hãy kiên trì để cho
Ta sửa dạy; Ta đối xử với con như con cái. Thật vậy, có đứa con nào mà người
Cha không sửa dạy?… Ta sửa dạy con vì lợi ích của con, để con được thông phần
vào sự thánh thiện của Ta” (Dt 12,7.10).
Gương Thánh Nhân
7 Tháng
Tám
Thánh Cajetan
(1480-1547)
Vào năm
1523, Giáo Hội trong tình trạng tiêu điều. Ðời sống tâm linh cần thiết của giáo dân không được chăm sóc bởi rất đông các mục tử thiếu học thức và thiếu đạo đức, họ chỉ biết đồng tiền mà không hoạt động gì cả. Khi các linh mục tốt lành và giáo dân chạy đến các đấng có quyền để xin giúp đỡ, họ cũng chỉ gặp sự thờ ơ lãnh đạm của các vị chủ chiên.
Một người Công Giáo tốt lành phải phản ứng thế nào trước hoàn cảnh này? Tất cả chúng ta đều biết Luther và một số người khác đã phản ứng bằng cách tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo khi thỉnh cầu của họ không được lắng nghe.
Thánh
Cajetan lại theo một phương cách khác. Cũng như Luther,
khi lưu tâm đến những gì họ được thấy trong đời sống Giáo Hội, ngài đến Rôma năm 1523 -- không phải để trình lên đức giáo hoàng hay đấng có quyền nhưng để gia nhập Hội A¨i Hữu Tình Yêu Thiên Chúa, là một tổ chức nhỏ bé, bán chính thức, tận tụy trong công việc bác ái. Họ chăm sóc người nghèo, người đau yếu, trẻ mồ côi và các tù nhân. Dần dà họ gây được ảnh hưởng khắp nước Y¨.
Sau khi chịu chức linh mục, năm 1518 Cajetan trở về quê nhà ở Vicenza khi mẹ ngài sắp từ trần. Ở đây, ngài gia nhập Hội Dòng Thánh Giêrôme. Sau khi mẹ chết, ngài dùng tất cả tài sản để cứu giúp người đau yếu, đồng thời sáng lập một hội dòng tương tự ở Venice, là nơi ngài cổ võ đời sống tâm linh và chăm sóc người nghèo, người đau yếu không chỉ bằng lời nói mà còn bằng gương mẫu anh hùng.
Năm 1523,
ngài trở về Rôma, với sự tiếp tay của các bạn thân trong hàng giáo phẩm, ngài quyết định thành lập một tu hội dựa trên đời sống của các tông đồ, với hy vọng rằng đời sống của các thánh sẽ khích lệ họ và người khác cố gắng sống một cuộc đời thánh thiện vì Ðức Giêsu Kitô. Ðể hoàn thành mục đích này, họ nhắm đến đời sống luân lý, học hỏi Kinh Thánh, rao giảng và chăm sóc mục vụ, giúp đỡ người bệnh tật, và các nền tảng vững chắc của đời sống mục vụ. Tu hội mới này được gọi là Tu Sĩ
Dòng Theatine.
Dĩ nhiên,
các linh mục phóng túng và tham lam chẳng bao giờ đặt chân đến tu hội, nhưng Cajetan vẫn kiên trì chịu đựng sự chống đối từ các giáo sĩ và giáo dân không muốn cải tổ. Chính gương mẫu đời sống thánh thiện cũng như lời rao giảng của ngài mà nhiều người đã hoán cải.
Kiệt quệ vì các khó khăn trong Giáo Hội và ở quê nhà, Cajetan lâm trọng bệnh. Khi các y sĩ tìm cách khiêng ngài từ chiếc giường gỗ thô thiển lên chiếc giường nệm êm ấm, Cajetan thều thào,
"Chúa Cứu Thế chết trên thập giá. Hãy để tôi được chết trên tấm gỗ này." Ngài từ trần ngày 7 tháng Tám 1547.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê phong thánh năm 1671.
Lời Trích
Có lần Thánh Cajetan
nói với các anh em trong dòng, "Chúng ta cố gắng phục vụ Thiên Chúa qua sự thờ phượng trong hội dòng này; nhưng trong bệnh viện, chúng ta mới có thể nói là thực sự tìm thấy Ngài."
Trích từ NguoiTinHuu.com
7 Tháng
Tám
Con Bọ Cạp Giữa Dòng Sông
Một tín đồ Ấn giáo nọ xuống dòng sông Gange để thanh tẩy và cầu nguyện...
Ông đang
trầm mình giữa dòng sông thì bỗng đâu rác rưởi tấp lại dày đặc xung quanh ông. Trong đống rác, một con bọ cạp đang chao đảo chới với giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan
dung đối với thú vật, người tín đồ Ấn giáo mới chìa cánh tay ra để cứu vớt con vật. Nhưng cánh tay ông
vừa đưa ra đã bị con vật dùng chiếc vòi độc của nó đốt lấy. Người đàn ông không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hãn, ông càng chịu đựng để nó dùng nọc độc chích liên hồi, miễn là cứu sống nó thoát khỏi dòng nước đang cuốn trôi.
Có người theo dõi cảnh tượng, mới trách người tín đồ như sau: "Ông mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích mà thôi".
Người tín đồ Ấn giáo mới điềm nhiên trả lời: "Bản chất của con bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt".
Chúng ta dễ có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người: xấu và tốt, bạn và thù... Kẻ xấu là người đáng xa lánh, người thù thì phải oán căm sâu sắc... Chúa Giêsu đã đánh đổ mọi thứ óc "biệt phái".
Những kẻ bị xã hội loại ra bên lề đã được Ngài biến thành bạn hữu, những kẻ đồng bàn. Ngài đã không nhìn người bằng những nhãn hiệu có sẵn, mà chỉ bằng hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Trong cái nhìn ấy, hàng rào giữa bạn và thù, giữa tốt và xấu sẽ được tháo gỡ giữa mọi người. Trong cái nhìn ấy, tất cả mọi người đều có chung một danh xưng; đó là anh em của nhau...
Trích sách
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét