Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

20-08-2017 : (phần I) CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN năm A

20/08/2017
Chúa Nhật 20 thường niên năm A.
(phần I)


Bài Ðọc I: Is 56, 1. 6-7
"Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Thiên Chúa phán: "Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện.
"Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8
Ðáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (c. 4).
Xướng: 1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu, thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.
2) Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. - Ðáp.
3) Chư dân hãy ca tụng Ngài. Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 11, 13-15. 29-32
"Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Israel, thì Người không hề hối tiếc".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?
Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 15, 21-28
"Này bà, bà có lòng mạnh tin".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm". Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel". Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống". Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Thiên Chúa Không Kỳ Thị Hạng Người Nào
Thái độ và lời nói của Ðức Yêsu Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay có thể khiến chúng ta thoạt đọc và thoạt nghe thấy không ngon cho lắm. Nhưng đó lại chính là cớ thúc giục chúng ta tìm hiểu Lời Chúa cho rõ ràng và sâu xa hơn nữa, để xem những cảm giác đầu tiên có xứng đáng không? Ðể làm công việc này có thể chúng ta cứ theo phương pháp giáo dục và sư phạm thông thường của Kinh Thánh, tức là hiểu rõ bài Cựu Ước, chúng ta sẽ dễ tiếp thu được những chiều kích phong phú của Tân Ước. Bài sách Isaia hôm nay sẽ giúp chúng ta đi vào bài Tin Mừng. Và bài Thánh Thư đến sau đó sẽ như là một hậu quả tự nhiên.

A. Thiên Chúa Không Kỳ Thị Hạng Người Nào
Ðoạn Cựu Ước hôm nay là những lời đầu tiên trong phần thứ III của sách Isaia. Nói đúng hơn đó là những lời trước hết của một cuốn sách khác, sánh với hai phần trên của sách Isaia. Sách này đúng ra là của ba tác giả, ở ba thời khác nhau, bàn về ba vấn đề khác nhau; nên ba phần của sách thật ra là ba sách khác nhau. Ðoạn trích hôm nay thuộc về cuốn thứ ba, viết vào thời sau lưu đày và để soi sáng Dân Chúa trong thời hậu Lưu đày này. Thế mà vấn đề đầu tiên đến với Dân Chúa lúc bấy giờ chính là tương quan giữa đám dân hồi hương và những kẻ xa lạ đã đến ở trong Thánh địa đang khi Lưu đày. Loại người ngoại bang (hay tha bang) này có được thâu nhập vào Dân Chúa không? Bởi vì lịch sử Dân Chúa đâu đã kết thúc. Việc ra khỏi Lưu đày để trở về quê hương tuy đã thực hiện một số Lời Hứa mà các Ngôn sứ đã tuyên sấm. Nhưng phần lớn các Lời Hứa từ Abraham, qua Môsê và qua các Tiên tri vẫn đang còn phải chờ mong. Thời đại Ðấng Cứu thế vẫn chưa đến. Dân Chúa đang sống trong đợi chờ. Hồng ân của thời Cứu độ ấy có được ban cho ngoại bang không? Sau này họ có kết nạp với con cái Israel làm thành một dân không, hay là họ vẫn là kẻ xa lạ với ơn cứu độ chỉ dành cho những kẻ đã cắt bì?
Ðó không phải là những thắc mắc lý thuyết. Trong thực tế tương quan giữa Dothái và ngoại bang cần được giải đáp sáng sủa. Bởi vì ngoại bang không phải chỉ là ngoại kiều. Ngoại kiều có cư trú hẳn hoi ở giữa Dân Chúa. Luật pháp cho họ những quyền lợi và đòi họ những nghĩa vụ. Còn ngoại bang là những dân ngoại không có cư trú và cũng chẳng muốn có cư trú. Họ muốn được hưởng dùng mọi thuận lợi trong Dân Chúa nhưng chẳng muốn bị gò bó vào một nghĩa vụ công dân nào. Thế nên họ bị ghét và có khuynh hướng bị gạt ra khỏi Dân.
Chúa đối với hạng ngoại bang này thế nào? Người có chương trình gì cho họ không? Hôm nay Ngôn sứ của Chúa tuyên bố không úp mở?
Trước hết, Chúa phán dạy Ơn cứu độ của Người đã gần đến nơi và đức nghĩa của Người sắp rạng rỏ. Người ta phải mau mau đón tiếp. Hãy giữ công minh và thi hành đức nghĩa. Ðặc biệt hãy giữ ngày Sabbat (Hưu lễ) vì đó là dấu có lòng tin sợ Chúa. Phúc cho người nào biết thi hành như vậy, vì bất luận họ là ai mà nắm chặt những điều ấy cũng đều nhận được Ơn Chúa cứu độ. Không có luật trừ nào, kể cả đối với người ngoại bang. Nếu họ muốn phụng sự và mộ mến Yavê, nếu họ giữ ngày Hưu lễ và thi hành công chính, thì Thiên Chúa sẽ dẫn họ lên Núi Thánh của Người và Nhà của Người sẽ là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.
Lời Chúa thật rõ ràng và vô cùng mới mẻ đối với người ở thời sách Isaia. Trong tương lai, vào thời Ðấng Cứu thế, sẽ không còn phân biệt cắt bì hay không cắt bì, Dothái hay dân ngoại, con cái Israel hay ngoại bang. Thiên Chúa sẽ lập một Dân Mới cho mọi hạng người và cho mọi dân tộc, miễn là họ giữ công minh và thi hành đức nghĩa, giữ ngày Hưu lễ và không vi phạm Giao ước. Tất cả sẽ được ở trong Nhà Chúa là Nhà chung cho hết mọi dân tộc.
Giáo lý phổ quát này dễ hiểu đối với chúng ta, nhưng thật khó chấp nhận cho loài người ở thời có tầm mắt hạn hẹp. Người ta không quen thấy gì ở ngoài hàng rào các thứ biên giới. Ngay ở thời Chúa Yêsu và ngay sau Chúa Yêsu, giáo lý về phổ quát tính của Ơn cứu độ vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chống đối. Ðó là điều chúng ta có thể nhìn thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy thử xem vấn đề đã được giải quyết như thế nào?

B. Hội Thánh Thâu Nhận Lương Dân
Chúng ta không thể đọc bài Tin Mừng hôm nay mà không để ý đến bối cảnh khi nó được viết ra. Ðành rằng đây là một câu truyện đã xảy ra ở thời Chúa Yêsu, lúc Người còn tại thế. Và phân tích kỹ, chúng ta vẫn có thể thấy nhiều chiều kích phong phú của câu truyện này. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải nhớ, câu truyện được kể lại cho chúng ta dưới hình thức hiện nay không khỏi mang theo nhiều sắc thái của thời đại hình thành ra nó trong sách Tin Mừng theo thánh Matthêô. Ðó là thời sau Chúa Yêsu, thời Hội Thánh bắt đầu lan rộng, thời các Tông đồ đang lúng túng về thái độ phải có đối với lương dân. Soạn giả của bài Tin Mừng hôm nay vừa viết lại một câu truyện trong cuộc đời của Chúa Yêsu, vừa muốn dùng câu truyện này để soi sáng và hướng dẫn Hội Thánh.
Trước hết, chúng ta thấy Chúa Yêsu bấy giờ lui đến miền Tyrô và Siđôn là những nơi dân Dothái giáp giới với dân ngoại. Ðó cũng là sự kiện có thể gợi lên việc Hội Thánh lúc này phải giáp mặt với lương dân. Chúa Yêsu có vẻ như không muốn rời khỏi biên giới đất Dothái để sang truyền giáo cho dân ngoại. Nhưng một người phụ nữ từ bên kia biên giới đã chạy sang kêu cầu Người cứu chữa. Chúng ta hãy chú ý đến lời xin của bà. Ðó là giọng văn hoàn toàn phụng vụ: "Xin thương xót tôi". Và là những lời công nhận ơn cứu độ từ nơi dân Dothái, vì bà ta xưng hô Người là Con vua Ðavít. Như vậy, dù là lương dân nhưng bà đã có đức tin và biết tôn thờ như người Dothái. Lẽ ra Chúa phải ban ơn ngay cho bà. Nhưng Người lại yên lặng, không đáp lại một lời. Ðể cho người ta suy nghĩ; để cho môn đệ bày tỏ cảm nghĩ của mình.
Các ông thưa: "Xin để cho bà ấy về, vì bà cứ kêu gào đàng sau chúng tôi". Các ông muốn rảnh mình chứ không xét đến quyền lợi của người khác. Chúa Yêsu không thể đồng ý như vậy. Người kích thích mọi người phải suy nghĩ sâu xa hơn. Người bảo: "Ta chỉ được sai đến cho những chiên lạc nhà Israel thôi". Các môn đệ hẳn thấy bế tắc, nhưng chắc chắn họ đang mong có một giải pháp kẻo như thế này họ cứ bị làm rầy mãi và không được yên. Còn người phụ nữ kia, với lương dân ở nơi bà, cũng chẳng biết làm gì hơn là nài nẵng thêm: "Lạy Ngài xin cứu giúp tôi". Chính lúc ấy, Chúa Yêsu đem giải pháp đến cho mọi người. Người nói một câu có vẻ khó nghe, nhưng thật sự chứa đầy hy vọng. Ơn Chúa vẫn thường đến trong thử thách. Thiên Chúa ban ơn cứu độ qua mầu nhiệm thập giá. Chúa Yêsu nói để mọi người nghe thấy: "Không nên lấy bánh của lũ con mà quăng cho đàn chó". Nhưng ai lại không thấy trong gia đình trẻ con hay chơi với chó mèo và hay bẹo bánh cho chúng ăn. Lời của Chúa có thể gợi lên hình ảnh rất thân mật. Nhất là Chúa rất tâm lý. Người biết người Dothái vẫn coi lương dân là chó. Nhưng ở đây Người thấy các môn đệ đang có cảm tình với người lương dân này. Người dùng lại từ ngữ "chó" trong hoàn cảnh đặc biệt này để xóa bỏ hiềm thù và kỳ thị cố hữu giữa hai bên.
Dù sao, câu nói của Người đã mở ra một lối thoát. Bà kia vội nắm lấy và thưa ngay: "Vâng! Nhưng đàn chó cũng được ăn những mảnh vụn rơi xuống tự bàn của chủ chúng nó". Chúng ta bảo bà nhanh trí ư? Ở đây tác giả muốn nói lương dân rất ý thức địa vị của mình trong Lịch sử cứu độ. Họ vừa đầy lòng tin, vừa rất khiêm cung. Họ rất xứng đáng được ơn Chúa. Thế nên hết mọi người đều được thỏa mãn khi nghe Chúa Yêsu nói với bà kia: "Này bà, lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!".
Và chúng ta đọc lại câu truyện như thế đã thấy đầy chất sư phạm trong bài tường thuật trên. Người ta muốn được học với Chúa về thái độ phải có đối với lương dân. Hội Thánh bấy giờ đang bị dằn vặt về vấn đề không biết có nên thâu nhận dân ngoại vào sản nghiệp Nước Trời hay không, và nếu có thì phải làm thế nào? Lời giải đáp trong câu truyện hôm nay có vẻ dè dặt nhưng rất cương nghị. Dè dặt vì phải ban bài họ cho những con người còn hẹp hòi - và loài người chúng ta thì vẫn vậy! - Nhưng cương nghị vì cuối cùng ai cũng phải chấp nhận cần phải chia sẻ ơn cứu độ cho lương dân. Những người này chỉ cần phải có đức tin, một đức tin vững vàng, một đức tin đúng với truyền thống mạc khải.
Như vậy bài Tin Mừng hôm nay lại gợi đến bao câu truyện mà chúng ta đã nghe nói về thời các Tông đồ. Ðặc biệt nhất là bầu khí căng thẳng ở thời bấy giờ giữa hai khuynh hướng rộng và ngặt trong vấn đề thâu nhận lương dân vào Hội Thánh. Ở đây giáo lý của tác giả sách Tin Mừng Matthêô, tác phẩm được soạn thảo cho giới Kitô hữu gốc Dothái, đâu có khác gì với giáo lý của thánh Phaolô, vị Tông đồ của dân ngoại? Ở đâu chân lý cũng là một, và ở đâu tình bác ái cũng vẫn thắng. Cho dù loài người có hẹp hòi, tình yêu bao la của Thiên Chúa vẫn mạnh mẽ và làm nổ tung mọi giới hạn mà loài người đặt ra. Ngay từ đầu Người đã muốn cho cả nhân loại được hạnh phúc và muôn dân được cứu độ trong Lời Hứa với Abraham. Ðến thời Isaia, Người lại khẳng định như chúng ta nghe đọc trong bài Cựu Ước hôm nay. Và nhìn thấy cách cư xử sư phạm của Chúa Yêsu Kitô, Hội Thánh thâu nhận mọi dân tộc vào Nước Trời miễn là người ta có đức tin vững vàng đúng với truyền thống mạc khải. Tính cách phổ quát của ơn Cứu Ðộ như thế đã được xác định.
Ðiều kiện được nhận vào Dân Chúa cũng đã rõ ràng. Tuy nhiên thử hỏi ngày nay đã thật hết thái độ hẹp hòi chưa? Hay vẫn còn có những người muốn lấy các tiêu chuẩn của loài người để như phủ nhận một hạng người nào đó được hưởng ơn Cứu độ?

C. Một Thắc Mắc Sâu Xa
Thánh Phaolô hôm nay trong bài thư không có não trạng hẹp hòi như thế. Ngược lại người muốn hết thảy mọi dân tộc được cứu độ. Nhưng chính vì vậy người có một thắc mắc day dứt, một nỗi buồn sâu xa vô tận. Người thấy Cửa Nước Trời đã rộng mở để đón các dân ngoại vào lãnh nhận ơn cứu độ dành cho muôn dân. Còn chính Dân cũ của người và đồng bào huyết nhục của người là Dân Dothái, thì cớ sao lại cứ khép kín đối với ơn cứu độ? Ðành rằng có một số con cái Israel đã tòng giáo; nhưng xét về cơ cấu và tổ chức, Dân cũ vẫn như muốn phủ nhận hoài sự nghiệp của Ðức Yêsu Kitô. Phaolô đầy tinh thần tông đồ, xông pha mọi nơi để rao giảng Tin Mừng cứu độ, chẳng quản gian nan thử thách. Người đã đưa các dân ngoại vào Nước Trời... đang khi ấy đồng bào huyết nhục với người lại khư khư từ chối ơn cứu độ trong Ðức Yêsu Kitô. Phaolô yêu Chúa và yêu đồng bào. Người đau khổ trước sự thật phủ phàng này. Người thắc mắc không hiểu tại đâu lại như vậy. Giá như người có thể cứu rỗi được một ít người trong số đồng bào kia!
Người tưởng khi nhiệt thành phục vụ dân ngoại, làm cho nhiều người được vào Nước Trời, người có thể khiến đồng bào của người phát ghen lên để họ cũng được cứu rỗi. Ghen đây không phải là ghen với dân ngoại, nhưng là khi thấy dân ngoại thừa hưởng được Lời Hứa của Tổ phụ mình, con cái Israel sẽ hồi tâm nhận ra giá trị của kho tàng mình đang nắm giữ. Ðược như vậy cũng quý lắm. Nhưng dường như sự việc không diễn tiến như thế. Mặc cho Phaolô nhiệt tình rao giảng cho dân ngoại, đồng bào của người không ghen mà chỉ tức, đến nỗi luôn mong có ngày làm cho người không hoạt động truyền giáo được nữa.
Như vậy họ sẽ không bao giờ được cứu độ sao? Còn đâu tính cách phổ cập của lòng Chúa xót thương? Chắc chắn việc Israel thay đổi lòng dạ để đón nhận ơn cứu độ sẽ như là một việc cải tử hoàn sinh và giống như việc sống lại từ cõi chết. Nhưng có thể hy vọng một việc như vậy không?
Phaolô tin vào tình yêu lớn lao của Thiên Chúa. Người đưa ra một lý luận để an ủi mình. Người nghĩ: trước đây dân ngoại bất tuân Thiên Chúa thế mà nhân vì Israel phủ nhận Tin Mừng mà Tình yêu của Thiên Chúa đã tràn sang dân ngoại; thì rồi đây Israel cũng sẽ nhận được tình yêu này cho dù bây giờ họ bất tuân, để chứng tỏ rằng cả dân ngoại cả Israel đều được Tình yêu cứu độ nhưng không của Thiên Chúa. Ðó là mầu nhiệm, và là mầu nhiệm chứng tỏ tình yêu bao la của Thiên Chúa, cũng như tỏ hiện kế hoạch khôn ngoan thâm sâu của Người. Như vậy, cho dù không hiểu rõ, Phaolô vẫn đầy lòng tin, tín nhiệm nơi Thiên Chúa tình yêu muốn cứu độ hết mọi dân tộc.
Phụng vụ hôm nay qua các bài Kinh Thánh cũng muốn chúng ta tin yêu vững vàng như thế. Thiên Chúa khẳng định ý muốn của Người muốn cứu độ mọi người và mọi nước. Người đã chia sẻ ơn cứu độ cho cả dân ngoại. Người không muốn chúng ta có thái độ hẹp hòi kỳ thị một ai. Người muốn Nhà của Người là Hội Thánh phải trở thành Nhà cầu nguyện của hết mọi dân tộc.
Chúng ta có nghĩa vụ đón mời hết mọi người vào. Chúng ta không được gây cản trở cho một ai đến với Hội Thánh. Và nếu gặp nơi người nào như có một thái độ cố chấp phủ nhận nào đó, phải chăng chúng ta không nên đọc lại bài thư Phaolô hôm nay để vẫn tin tưởng và tín nhiệm vào cách làm việc mầu nhiệm nhưng kỳ diệu của Thiên Chúa? Chúng ta phải bắt chước Phaolô mà ca tụng: Ôi thâm sâu thay sự giàu có, khôn ngoan, thượng trí của Thiên Chúa! Người muốn cứu độ mọi người và không phủ nhận một ai. Nguyên xem việc Con Một Người xả thân cứu thế trong mầu nhiệm cử hành nơi bàn thờ bây giờ cũng đủ rõ!

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 20 Thường Niên, Năm A
Bài đọcIsa 56:1, 6-7; Rom 11:13-15, 29-32; Mt 15:21-28

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Muôn dân sẽ được hưởng ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
Vì tình yêu thương, Thiên Chúa có kế hoạch Cứu Độ cho muôn dân. Theo kế hoạch này, ơn Cứu Độ sẽ bắt đầu từ số nhỏ rồi lan ra đến hết mọi người. Chúa chọn dân tộc Do-thái từ đầu làm Dân Riêng của Thiên Chúa. Từ dân tộc Do-thái, ơn Cứu Độ được lan ra hết các Dân Ngoại khắp nơi trên thế giới cho đến tận cùng trái đất.
Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta cái nhìn tổng quan về kế hoạch Cứu Độ này. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah nhìn thấy trước ngày những người ngoại bang nào gắn bó cùng Thiên Chúa, yêu mến Thánh Danh của Ngài, tuân thủ giao ước... sẽ được Ngài chấp nhận và kể như dân của Ngài, và lời của họ cầu xin và lễ vật họ dâng sẽ được Ngài hoan hỷ chấp nhận. Trong bài đọc II, thánh Phaolô cắt nghĩa cho mọi người biết kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong giai đoạn đầu, Ngài đã chọn dân tộc Do-thái như dân riêng để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai tới. Khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài bắt đầu giai đoạn thứ hai là mang ơn Cứu Độ cho tất cả mọi người, chứ không còn bị giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái nữa. Lý do một số người Do-thái không chịu tin Đức Kitô là để cho Tin Mừng được lan rộng đến Dân Ngoại; nhưng sau cùng, người Do-thái cũng sẽ trở lại và tin vào Đức Kitô để họ cũng được cứu độ. Trong Phúc Âm, thánh sử Matthew cho chúng ta một ví dụ cụ thể: Một người đàn bà Canaan có đứa con gái bị quỉ ám và đến xin Chúa chữa. Sau thử đức tin của Bà, Ngài đã ban cho Bà theo như ý Bà xin.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.
Trình thuật của Isaiah hôm nay nằm trong phần mà một số học giả gọi là Isaiah đệ tam (chương 56-66), phần này được viết bởi môn đệ hay trường phái của Isaiah sau thời gian lưu đày. Hai điểm nổi bật trong trình thuật hôm nay:
1.1/ Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa gần đến. Tác giả tuyên sấm: “Đức Chúa phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ.”
- Trên phương diện lịch sử, lời tiên tri này được ứng nghiệm khi Vua Cyrus nước Ba-Tư, sau khi được Thiên Chúa ban cho đánh bại đế quốc Babylon, đã ra chiếu chỉ ban phép cho dân Do-thái được hồi hương. Không những thế, ông còn tạo phương tiện để họ có vật liệu cần thiết xây dựng lại Đền Thờ Jêrusalem. Sự kiện này được sách Erza ghi lại như sau: “Cyrus, vua Ba-tư, phán thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người đã trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi nhà ở Jerusalem tại Judah. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân Người, thì xin Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy lên Jerusalem tại Judah và xây Nhà Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel. Chính Người là Thiên Chúa ngự tại Jerusalem. Và mọi người còn lại ở bất cứ nơi nào họ đang trú ngụ, phải được dân địa phương cấp cho bạc vàng, của cải và thú vật, cũng như lễ vật tự nguyện, để dâng cúng cho Nhà Thiên Chúa ở Jerusalem” (Erz 1:2-4).
- Trên phương diện của lịch sử cứu độ, lời tiên tri này được ứng nghiệm khi Đức Kitô, Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa đến để chuộc tội và mang ơn Cứu Độ cho muôn người. Câu này có thể bị cắt nghĩa sai là vì dân chúng sống công chính nên họ xứng đáng được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cắt nghĩa chính xác và rõ ràng hơn: Đức Kitô chính là sự công chính của Thiên Chúa (Rom 3:22). Con người được cứu độ không phải vì họ sống công chính; nhưng vì nhờ họ tin vào Đức Kitô (Rom 3:28).
1.2/ Ơn cứu độ không còn bị giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái, nhưng lan rộng đến mọi người: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày Sabbath mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng,
vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.”
Nhà cầu nguyện của Thiên Chúa không còn giới hạn phải là Đền Thờ tại Jerusalem, vì như Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samaria: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Jerusalem” (Jn 4:21).
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người.
Thánh Phaolô cũng quả quyết “Cả người Do Thái lẫn Dân Ngọai đều có thể được hưởng ơn Cứu Độ trong kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa.” Để hiểu bài đọc, chúng ta có thể chia làm ba giai đoạn chính trong kế hoạch này:
2.1/ Từ ban đầu cho tới khi Chúa Giêsu đến: Dân Ngoại là những người không tin và vâng phục Thiên Chúa. Thánh Phaolô lý luận:
(1) Tuy chưa được nghe về Thiên Chúa, nhưng Dân Ngọai vẫn bị kết tội vì vinh quang của Chúa biểu lộ khắp nơi qua việc sáng tạo và quan phòng vũ trụ. Họ có thể dùng trí khôn ngoan của họ để nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và tin vào Ngài (Rom 1:19-21), nhưng họ đã không làm như thế.
(2) Người Do Thái rất hãnh diện vì có Chúa Tể trời đất là Thiên Chúa của họ và Ngài ban cho họ Lề Luật; nhưng có người Do-thái nào tuân giữ tất cả Lề Luật đâu. Vì thế, họ có thể bị luận phạt nhiều hơn vì có Luật mà không chịu giữ.
2.2/ Từ thời Chúa Giêsu đến cho tới thời Cánh Chung: Vì người Do Thái không tin, nên Tin Mừng Cứu Độ được rao giảng cho Dân Ngoại.
Thánh Phaolô được Chúa dùng đặc biệt để rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Chính người đã thú nhận: “Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc Dân Ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các Dân Ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi, mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi (người Do-Thái) phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó.”
Nhưng khi một số Dân Ngoại đã đón nhận Tin Mừng và tin nơi Thiên Chúa, họ lại kiêu hãnh coi thường hay ghét bỏ người Do-thái. Thánh Phaolô phải giải thích cho họ biết lý do tại sao họ không nên kiêu hãnh và coi thường chỗ đứng của người Do-thái trong kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: “Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?”
2.3/ Giai đoạn sau cùng: Chúa sẽ đưa người Do-thái trở về và cứu họ vì: “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý. Lý do tại sao họ không vâng phục Thiên Chúa là để Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.”
Và thánh Phaolô kết luận: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người.” Con người chúng ta không thể hiểu nổi kế hoạch Cứu Độ nhiệm mầu của Thiên Chúa, chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người, biết cách xử dụng con người để hoàn tất kế hoạch Cứu Độ của Ngài.
3/ Phúc Âm: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy."
Điểm chính trong Bài Phúc Âm không ở chỗ phép lạ, nhưng ở niềm tin của bà mẹ vào Chúa Giêsu. Bà phải vượt qua ba trở ngại trước khi con bà được chữa lành.
(1) Trở ngại thứ nhất: thành kiến. Tyre và Sidon (hai thành phố thương mại phồn thịnh của ANE ngày xưa, Lebanon ngày nay). Chúa và các tông đồ là người Do Thái, bà là người xứ Canaan, Dân Ngoại. Theo sử gia Josephus, người Canaan là kẻ thù của người Do Thái. Vì lòng thương con Bà đã vượt qua hàng rào thành kiến để đến với Chúa vì Bà biết chỉ có Chúa mới chữa được con Bà. Bà van xin: "Lạy Ngài là con vua David, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!"
(2) Trở ngại thứ hai: thinh lặng của Chúa Giêsu và xua đuổi của các môn đệ. Bà đã can đảm vượt thành kiến nhưng vẫn phải chờ thái độ của Chúa và các môn đệ. Chúa không đáp lại một lời và khi các môn đệ thúc bách: “Xin Thầy truyền cho bà ấy đi, vì Bà cứ kêu van đàng sau chúng ta” (câu 23b này có trong bản Hy-lạp, nhưng không có trong bản dịch của Việt Nam). Ngài đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi." Đây là lần duy nhất mà Phúc Âm Nhất Lãm tường thuật Chúa đi ra ngòai lãnh thổ Do-thái gặp người ngọai quốc. Nhưng không nản chí trước những thái độ khước từ, Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!"
(3) Trở ngại thứ ba: thử thách của Chúa Giêsu. Chúa thử đức tin bà trầm trọng khi Ngài nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Thử tưởng tượng phản ứng của chúng ta thế nào khi nghe người khác gọi con chúng ta là chó! Chúng ta có can đảm để đứng lại nài van xin ơn? Nhưng bà vẫn không bỏ cuộc và đáp lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Chúa Giêsu phải nhường bước trước đức tin vững mạnh của Bà và Ngài bảo: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Vì tình yêu thương, Thiên Chúa muốn mọi người được hưởng ơn Cứu Độ. Chúng ta không được kỳ thị bất cứ một chủng tộc nào vì họ đều là con cái Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
- Nhân loại ở mọi nơi và mọi thời đều khao khát được nghe Tin Mừng, sứ vụ truyền giáo phải là sứ vụ của tất cả mọi người. Niềm tin chúng ta có được là do công sức của các nhà truyền giáo ngọai quốc, vì thế khi đến lượt, chúng ta cũng phải loan truyền niềm tin này.
- Năm Thánh Phaolô nhắc chở cho chúng ta biết noi gương Ngài, dám hy sinh tất cả vì lòng yêu mến Chúa Kitô để rao giảng Tin Mừng cho hết mọi người.
- Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội phổ quát, dành cho hết mọi người. Chúng ta đừng ngại đối thoại với những người của các tôn giáo khác và mời gọi họ tham gia phụng vụ của chúng ta; nhưng chúng ta phải tôn trọng chân lý và không thể cho họ thông hiệp những bí-tích mà họ không có cùng niềm tin như chúng ta. 

Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


20/08/17 CHÚA NHT TUN 20 TN – A
Mt 15,21-28

LÀ BỆ PHÓNG CHO NGƯỜI THÂN

Đức Giê-su bảo bà: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”(Mt 15,28)

Suy niệm: Để tôn vinh các bậc cha mẹ đã góp công đào tạo các tài năng trẻ, người ta đã xưng tụng họ là “bệ phóng của các tài năng”. Thật vậy, con cái có thành công, đạt tới đỉnh cao sự nghiệp trong xã hội là nhờ các bậc cha mẹ âm thầm làm ‘bệ phóng’ cho họ mỗi ngày. Người mẹ xứ Ca-na-an này quả thật là ‘bệ phóng’ cho cô con gái nhỏ bé của mình. ‘Bệ phóng’ ấy cứ lẽo đẽo đi theo Đức Giê-su để nài xin dù bị Chúa làm ngơ, dù các môn đệ xua đuổi; sẵn sàng quì dưới chân Chúa khi Ngài vừa ngỏ lời; khiêm tốn hạ mình xuống tận ‘đất đen’, nhận mình chỉ đáng với hạng ‘chó’ thấp hèn, miễn sao thầy Giê-su ra tay cứu giúp con gái mình. Từ ‘bệ phóng’ Ca-na-an này, chúng ta nghiệm ra rằng: hễ khi nào mình là bệ phóng cho anh chị em – quên mình, nhẫn nại, khiêm tốn – thì chắc chắn chúng ta sẽ được nhận lời.

Mời Bạn trở thành ‘bệ phóng’ cho những người chung quanh qua thái độ nâng đỡ, qua cử chỉ khích lệ, qua lời nói yêu thương và nhất là qua lời cầu nguyện cho người thân yêu của bạn. Hãy xác tín rằng Ngài không thể ‘làm ngơ’ trước một niềm tin mạnh mẽ như vậy.

Chia sẻ: Tôi có dám xoá mình đi, hạ mình xuống, để trở thành ‘bệ phóng’ cho người thân của mình không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày thực hiện một cử chỉ, một lời nói bác ái với người thân, để người thân của mình được lớn lên trong bầu khí hạnh phúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa sẵn sàng ra tay cứu giúp trước lòng tin của người đàn bà Ca-na-an. Xin giúp chúng con biết noi gương bà: sống quên mình, kiên nhẫn và khiêm tốn để trở thành ‘bệ phóng’ cho người anh em.
(5 phút lời Chúa)


LÒNG TIN CA BÀ MNH THT (20.8.2017 – Chúa nht 20 Thường niên, Năm A)
Tin không phi là đòi hi. Tin là ch đi tt c t tay Chúa, và đón ly tt c như hng ân nhưng không.


Suy nim:
Một người mẹ có đứa con gái bị quỷ ám.
Bà là dân ngoại, còn Ðức Giêsu là người Do Thái.
Ít khi Ngài đến vùng đất quê hương của bà.
Không rõ nhờ đâu mà bà biết được Ðức Giêsu.
Khi thấy Ngài, bà tin rằng cơ may đã đến,
con bà hoàn toàn có hy vọng khỏi bệnh.
Ðức Giêsu khen bà là người có lòng tin lớn lao.
Khi đọc lại đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy điều đó.
Lòng tin lớn lao biết kiên trì khi Chúa thinh lặng.
Bà xin Ngài nhìn đến nỗi đau của người mẹ,
đau vì nỗi đau của đứa con.
Nhưng Ðức Giêsu không đáp lại một lời.
Phải chăng Ngài lạnh lùng trước nỗi đau,
lãnh đạm trước điều Ngài có thể làm được?
Lắm khi chúng ta cũng gặp sự thinh lặng như thế.
Chúng ta khắc khoải tự hỏi:
Chúa có nghe gì không? Chúa có thấy gì không?
Lòng tin lớn lao biết kiên trì khi bị từ chối.
Bà chẳng ngã lòng trước sự thinh lặng của Ðức Giêsu.
Bà cứ đi sau mà kêu, kêu hoài, kêu mãi.
Rồi bà trực tiếp giáp mặt Ngài,
và nài xin Ngài cứu giúp.
Kết quả là một lời từ chối không khoan nhượng:
“Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con.”
Bà có bị sốc không
khi Ðức Giêsu ví dân ngoại với chó con nuôi trong nhà
không đáng được hưởng phần bánh của con dân Israel?
Chắc chắn bà đã chẳng thất vọng trước lời từ chối này.
Lòng tin lớn lao là lòng tin khiêm tốn.
Bà chấp nhận lối so sánh của Ðức Giêsu.
Bà chấp nhận mình chỉ là chó con,
chỉ dám trông chờ những vụn bánh từ bàn rơi xuống.
Bà không dám mong được phần ăn của các con.
Sức mạnh của lòng tin ở nơi sự khiêm tốn.
Tin không phải là đòi hỏi.
Tin là chờ đợi tất cả từ tay Chúa,
và đón lấy tất cả như hồng ân nhưng không.
Ðức Giêsu từ chối giúp người phụ nữ dân ngoại
vì Ngài thấy rõ sứ vụ Cha giao cho Ngài:
Ngài chỉ được Cha sai đến với người Israel thôi.
Nhưng Ðức Giêsu không cứng nhắc trong nguyên tắc.
Ngài tin Cha vẫn nói với Ngài qua mọi cảnh ngộ,
nên Ngài cứ để cho trái tim Ngài được tự do mở ra,
ngỡ ngàng và ngây ngất trước lòng tin của người phụ nữ.
Ngài để cho mình bị chinh phục
và chấp nhận thay đổi quyết định ban đầu.
Thay đổi không phải là phản bội hay thiếu ý chí.
Thay đổi là trung thành và uyển chuyển
để có thể nắm bắt được ý Cha mới hé lộ cho ta.
Ước gì chúng ta để Cha dẫn đi từng ngày,
và mở chúng ta ra trước những chân trời mới.
Cầu nguyn:

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng tâm Hồn Lên
20 THÁNG TÁM
Hiệp Nhất: Sứ Mạng Cốt Thiết Của Giáo Hội
Công Đồng xác nhận những xác tín của các tín hữu khi tuyên bố rằng Giáo Hội nhìn nhận tất cả những điều thiện hảo có thể được tìm thấy trong trật tự xã hội ngày nay: nhất là, khát vọng hiệp nhất, sự phát triển của công cuộc “xã hội hóa y tế“ giữa các dân tộc, và một sự nhấn mạnh về “sự liên đới kinh tế và dân sự”. Thật vậy, “sự thăng tiến hiệp nhất tương ứng với sứ mạng cốt thiết của Giáo Hội, bởi trong Đức Kitô, Giáo Hội có sứ mạng trở thành một bí tích và một dấu chỉ của sự hiệp nhất với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại… Năng lực mà Giáo Hội đóng góp cho xã hội con người hiện đại là năng lực đức tin và tình yêu được sống cụ thể, chứ không phải năng lực của một thế lực bên ngoài xuyên qua duy chỉ những phương tiện của con người” (MV 42).
Vì những lý do này, một mối gắn kết sâu sắc và thậm chí một sự đồng nhất nào đó được ghi nhận giữa -một đàng – sự phát triển và tiến bộ của con người trong xã hội và – đàng khác – lịch sử cứu độ. Kế hoạch cứu độ có gốc rễ của nó trong những ước vọng thực và trong những mối quan tâm sâu thẳm nhất của con người. Tiếng gọi đón nhận ơn cứu chuộc không ngừng được loan báo cho con người trong thế giới. Vì Giáo Hội luôn luôn đứng trước thế giới khi Giáo Hội đặt mình trước những ước vọng và những ưu tư của con người.
Vâng, lịch sử cứu độ diễn ra giữa lòng lịch sử thế giới, nhận lấy lịch sử thế giới làm lịch sử của chính mình theo một nghĩa nào đó. Nếu nói ngược lại cũng đúng. Những thành tựu vĩ đại của con người và những chiến thắng thật sự của lịch sử cũng chính là nền móng của triều đại Thiên Chúa trên trái đất này. Hiệp nhất chính là mục đích của kế hoạch Thiên Chúa, Đấng vừa vượt trên mọi sự vừa ở trong mọi sự.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 20- 8
Chúa Nhật XX Thường niên
Is 56, 1.6-7; Rm 11 13-15.29-32; Mt 15, 21-28.

Lời suy niệm: Người đáp: Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lủ chó con” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lủ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”
Trong ngày 9 tháng 8 vừa qua, tất cả chúng ta đều đã được nghe và suy niệm đoạn Tin Mừng này. Hôm nay chúng ta lại cùng nhau nghe và suy niệm về một khía cạnh: “Nhưng mà lủ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Qua câu thưa khiêm nhượng và nhận biết của người đàn bà ngoại giáo xứ Canaan, gợi cho chúng ta nhớ lại lời chúc phúc của Thiên Chúa đối với Tổ phụ Ápraham: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” (St 12,2-3)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn dành để mọi ưu tiên cho chúng con là con cái của Chúa. Xin cho chúng con nhận ra, luôn ý thức với tinh thần trách nhiệm là nơi mỗi người chúng con luôn có những ơn lành của Chúa, và qua đó những người sống quanh chúng con cũng được chúc phúc.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 20-08
Thánh BERNADÔ
Tu Viện Trưởng, Tiến Sĩ Hội Thánh (1090 - 1153)

Bernađô sinh năm 1090, tại lâu đài Phontaine gần Dijon. Cha Ngài là hiệp sĩ Tescelin khôn ngoan và đạo đức. Mẹ Ngài là bà Aleth Thánh thiện. Một đêm kia bà mơ thấy Bernađô đang nô đùa bỗng hoá thành con chó sủa vang. Giấc mơ này tiên báo Bernađô sẽ trở thành tông đồ, thành nhà giảng thuyết đại tài. Bernađô luôn luôn khẩn cầu Thiên Chúa cho lòng mình khỏi vướng tội nhơ. Một lần lỡ nhìn người phụ nữ, Ngài đã dìm mình xuống hồ giá lạnh cho tới tận cổ.
Năm 22 tuổi, cả một tương lai sáng mở ra rước mắt, tại triều đình, nơi quân ngũ, trong toà án, mỗi nơi có thể ao ước, Ngài đều có thể thành công. Nhưng một đêm Giáng sinh, Ngài được thị kiến thấy Chúa Giêsu âu yếm ẵm lấy Ngài, kỷ niệm này in dấu sâu đậm suốt đời Ngài. Một ngày khác vào thánh đường, tha thiết cầu xin Chúa cho Ngài biết thánh ý Chúa, cũng như xin Chúa ban ơn can đảm thi hành thánh ý ấy. Chỗi dậy, Ngài quyết định gia nhập dòng Citeax, một dòng tu nổi tiếng khắc khổ. Thế là giã từ danh vọng thế gian và các niềm vui giả tạo.
Một hiệp sĩ trẻ trung sắp chôn vùi đời mình trong tu viện. Sẽ hiến mình cầu nguyện liên lỉ, làm việc cực nhọc và hãm mình hết mực. Điều đặc biệt là Ngài đã chọn một tu viện xa nhà và nghèo khổ thay vì những tu viện Bênêdictô mà tặng vật và ảnh hưởng của gia đình có thể bảo đảm cho Ngài những chức vụ sáng giá.
Bernađô trình bày ý định với cha, Ngài đã bị phản đối, anh em trong gia đình cũng không chấp nhận được ý kiến này. Ngài nói: - Này hãy tin tôi đi, cuộc chinh phục linh hồn không được đáng giá sao ?
Cương quyết và nhiệt tình, Bernađô không những đã làm cho cha mẹ và anh em nhượng bộ, lại còn lôi cuốn họ vào dòng theo chân mình nữa. Lần kia em út Nivard đang ngồi chơi, Guy người anh cả nói: - Giã từ em nhé. Tất cả sản nghiệp thuộc về em, bằng lòng chứ ?
Người em út nói lớn: - Sao ? Trời cho các anh, còn đất cho em, phân chia chẳng đồng đều tý nào.
Rồi người em út cũng theo cha và các anh vào dòng. Ngoài ra ông cậu và các bạn của Bernađô, cả thẩy trên 30 người đã theo chân Ngài vào dòng.
Sự gia nhập đông đảo này đã tiêm một nhiệt huyết mới vào dòng Citeaux. Thái độ của Bernađô và của các bạn còn được một số đông các bạn trẻ noi theo. Đức viện phụ của dòng lúc ấy là thánh Têphanô Harding, một người gốc Anh, thánh hiện, khôn ngoan và uyên bác. Ngài sai từng nhóm nhỏ đi lập các tu viện mới rập theo khuôn mẫu của nhà mẹ. Ba năm sau, tới phiên Bernađô, Ngài dẫn đầu một nhóm tu sĩ 12 người đến một thung lũng gần Langres. Họ dựng chòi một nhà nguyện, nhà ăn, làm những cái hòm giống như quan tài để ngủ. Sự thánh thiện của các tu sĩ cũng như vùng thung lũng trở thành thung lũng ánh sáng hay là Claivaux.
Thánh Bernađô sẽ là đan viện phụ của tu viện này cho đến hết đời. Lúc đầu Ngài tỏ ra đòi hỏi gắt gao. Nhưng rồi về sau, Ngài đã hiểu và nhân hậu hơn. Danh tiếng Ngài lan rộng. Nhiều người từ xa đến xin Ngài giúp đỡ, hay xin Ngài phân xử cho những vụ tranh chấp. Việc này không được mọi người bằng lòng, vì Ngài không biết sợ ai cả. Ngày kia người nhận được một lá thư ngắn ngủi từ Roma, dạy đừng xen mình vào chuyện đời. Không gì làm Ngài vui mừng bằng được ở yên trong tu viện. Nhưng vì cảm thấy mình có liên hệ tới lợi ích của Giáo hội nên đã không ngại viết một lá thư hồi âm rất can đảm nhiệt tình.
Ngài là người ủng hộ nhiệt liệt cho những cải cách Hildebrand, nhưng Ngài nghĩ rằng: sự tập quyền trong Giáo hội đã đi quá xa. Khi nâng đỡ cho những đòi hỏi của toà thánh, Ngài không tin là phải phỉnh nịnh Đức giáo hoàng. Nhưng khi sự phân rẽ đe dọa làm rạn nứt Giáo hội, Ngài được triệu vời đến. Một cách rạng rỡ, Ngài đã đánh bại vị phản giáo hoàng. Lúc này danh tiếng Ngài lan rộng khắp Châu Au. Cả thế giới đều như muốn quay về Ngài để tìm ý kiến giúp đỡ. Không đến với Ngài được người ta viết thư và Ngài đã quyết hồi âm cho tất cả mọi người. Một phần nhỏ trong số thư tín khổng lồ này con sót lại, nhưng cũng là một trong những nguồn tài liệu lịch sử chính yếu về thời đó.
Như nhà dẫn đầu trong cuộc cải tổ dòng Citeaux, Ngài tranh luận với các tu sĩ dòng Bênêdictô thuộc cộng đoàn chung. Rất tôn trọng cách sống của họ, Ngài không thể tha thứ cho những lạm dụng đang thịnh hành trong một vài nhà dòng. Dầu vậy đối với Đan viện phụ Cluny, cha đáng kính Phêrô, Ngài vẫn giữ được một tình bạn nghĩa thiết. Nhưng sự chống đối của thánh Bernađô với Phêrô Abelardô mới thật nổi bật. Không những chống lại các chủ trương của ông, Ngài còn chống lại cả cách thức ông kiêu hãnh tranh luận về các vấn đề thánh nơi chợ búa. Thánh Bernađô luôn nghĩ tới đức tin của những người dân đơn sơ và đứng về phái bảo thủ, nhưng vẫn là bạn của người học thức đỡ đầu cho các học giả như Robertô Pullen và Gioan miền Sabisbury.
Đối với Đức Maria, thánh Bernađô có một lòng sùng kính đặc biệt. Một ngày kia tại nhà thờ chính tòa Sprine, khi nghe hát Kinh Lạy Vữ Vương, Ngài đã nhiệt tình thêm vào:
- Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.
Chính Ngài cũng Ngài viết thánh thư cảm động: Ave Maria Stella. Dường như Ngài cũng là tác giả kinh "Hãy nhớ" nữa.
Suốt thời gian làm đan viện phụ của thánh Bernađô dòng Clairvaux phát triển mạnh và sinh ra 60 nhà khác nữa rải rác khắp Âu Châu. Rất bận rộn công việc, Ngài không sao lãng việc chăm sóc cho các tu sĩ của mình. Suốt đời, Ngài là một tu sĩ và là một nhà thần bí. Ngài trước tác những bài chú giải sách Nhã Ca và nhiều tác phẩm thần học và thần bí khác nữa.
Những năm cuối cùng đời Ngài bị phủ mờ vì sự thất bại của đạo binh thánh giá thứ nhì. Đức giáo hoàng cậy Ngài cổ động cho đạo binh này. Nghe lời Ngài toàn Au Châu cầm khí giới lên đường. Nhưng khi xa khỏi ảnh hưởng của Ngài, các nghĩa binh thánh giá đã quên hẳn lý tưởng cao cả của mình mà làm vỡ cuộc viễn chinh vì đánh phạt nhau và vì các việc làmbất xứng với danh hiệu Kitô hữu.
Dầu không thể quy trách được cho thánh Bernađô, nhưng như các thánh nhân khác và như chính Chúa Kitô, Ngài đã qua đời ngày 20 tháng năm 1153, dưới bóng mây mù vì thất bại đã quá rõ ràng. Ngài nói với con cái Ngài : - Cha không phải giải quyết thế nào. Tình thương yêu con cái đời cha ở lại nhưng tình yêu Thiên Chúa kéo cha lên cao.
Cả Âu Châu thương tiếc Ngài. 21 năm sau, Đức Alexander III phong Ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1830, Ngài được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh. Ngài đã sống trước khi hình thành thuyết kinh viện và bởi vì giáo huấn của Ngài còn nằm trong truyền thống các giáo phụ, người ta thường coi Ngài là thánh giáo phụ cuối cùng.
(daminhvn.net)
20 Tháng Tám
Hai Vì Sao Mỉm Cười

Một vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống.Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.
Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một mình. 
Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với ông.
Ðể mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau: "Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ".
Qua thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.
Nói như mẹ Têrêxa Calcutta: "Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.
Khi tôi cố gắng chào hỏi một người tôi ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi tôi có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực".
Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét