Trang

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 27)

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 27)
Vũ Văn An8/2/2017



Đâu là ý kiến của giáo dân về ngừa thai?

Có lẽ chưa có việc san định nền đạo đức học tính dục Công Giáo nào lại bị nhiều chỉ trích và tranh luận thần học gây khó chịu suốt 50 năm qua hơn giáo huấn về ngừa thai. Nhà thần học luân lý người Mỹ, linh mục Charles Curran, bị gặp rắc rối lớn ở Đại Học Công Giáo America cuối thập niên 1960 vì đã nghi vấn giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai. Ngài thực sự bị sa thải năm 1967, và chỉ được tái bổ nhiệm sau đó nhờ có cuộc đình công của sinh viên. Tuy nhiên, ngài bị sa thải vĩnh viễn năm 1986 vì đã không chịu rút lại việc bất đồng đối với một số học lý luân lý, nổi nhất là việc ngăn cấm ngừa thai.

Cùng với nhiều nhà thần học khác, Cha Curran, người tiếp tục giảng dạy tại Đại Học Methodist Miền Nam, thách thức tính “duy thể lý” (physicalism) và tính “duy sinh lý” (biologism) trong giáo huấn chính thức của Công Giáo; ngài nói rằng: nó dành quá nhiều quan trọng cho cấu trúc thể lý của hành vi tính dục ngược với các giá trị của trật tự cao hơn như thiện ích của con người hay thiện ích của vợ chồng. Cha Curran lý luận rằng về các vấn đề luân lý khác, Giáo Hội không dành cùng một tầm quan trọng tuyệt đối như thế cho hành vi thể lý. Thí dụ, Giáo Hội phân biệt việc “giết người” với việc “tự vệ” dù hành vi thể lý lấy đi mạng sống con người y như nhau trong hai trường hợp. Cho đến nay, quan điểm này đã trở thành gần như túi khôn hợp qui ước nơi nhiều thần học gia Công Giáo, và được nhiều tín hữu giáo dân chia sẻ một cách rộng rãi.

Ở phía kia của giải liên tục Công Giáo, một số tiếng nói có tính truyền thống sâu xa không những chỉ coi việc ngừa thai nhân tạo, mà cả việc kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên, một điều được chính thức nhìn nhận, gần như là lạc giáo. Trong hình thức nhẹ hơn, lời chỉ trích này thường nhắm vào các thực hành và chính sách mục vụ hiện đại; họ cho rằng các thực hành và chính sách này khuyến khích việc kế hoạch hòa gia đình cách tự nhiên mà không lưu ý điều này: theo giáo huấn chính thức, cặp vợ chồng phải có “lý do chính đáng” mới nên dùng nó, và phải luôn “đại lượng” qua việc sẵn lòng đem con cái vào đời.

Trong hình thức mạnh hơn, phe chỉ trích duy truyền thống cho rằng việc kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên thực sự không khác gì bao cao su hay thuốc ngừa thai, ở điểm nó nguyên tuyền là chuyện kiểm soát sinh đẻ bằng phương thế khác mà thôi. Oái oăm thay, đây là chỗ ý kiến Công Giáo xoay đủ một vòng, vì một số nhà phê bình cấp tiến cũng có cùng một luận điểm như thế về giáo huấn của Giáo Hội. Richard Ibranyi, một tác giả thuộc phe “trống ngôi” (sedevacantist, nghĩa là phe cho rằng sau Đức Piô XII, tòa Phêrô trống ngôi, tất cả các vị giáo hoàng sau ngài đều là ngụy giáo hoàng), phát biểu thế này: “Tất cả những ai dùng phương pháp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên đều phạm tội trọng cả. Trong trái tim mọi người đều có luật tự nhiên, và việc thực hành kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên đã vi phạm luật tự nhiên này. Không có ngoại lệ, cho dù linh mục hay giám mục của bạn nói rằng có thể dùng nó”.

Giáo Hội có quan điểm gì về việc phá thai? 

Giáo huấn Công Giáo về phá thai đặt tiền đề trên xác tín cho rằng sự sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai, khi các tế bào tinh trùng và trứng kết hợp với nhau. Thoạt đầu, chủ trương này bắt nguồn từ sinh học của Aristốt; nền sinh học này cho rằng bản sắc được lên khuôn nhờ việc giao thoa của chất thể và mô thức. Các nhà lãnh đạo Công Giáo ngày nay nhấn mạnh rằng chủ trương này được khoa bào thai học và khoa học di truyền hiện đại nâng đỡ; các khoa này đã chứng minh rằng bào thai mang theo nó khuôn di truyền rõ rệt ngay từ lúc thụ thai trở đi. Do đó, giáo huấn của Giáo Hội chủ trương rằng từ giây phút hiện hữu đầu tiên, hữu thể nhân bản đã có đủ quyền lợi của một ngôi vị, với quyền căn bản nhất là được sống.

Dĩ nhiên, các nhà lãnh đạo Công Giáo thừa nhận rằng bào thai, ở các giai đoạn đầu tiên, không có đủ mọi chức năng nhân bản, như hệ thần kinh hay thân não. Thế nhưng các ngài lý luận rằng các nạn nhân của tai nạn hay những người sinh ra bất thường về di truyền thường cũng không có đủ các chức năng nhân bản, nhưng điều này đâu có gây thiệt hại gì đối với nhân phẩm của họ.

Theo các số thống kê thường được trích dẫn nhiều nhất, hàng năm có tới 44 triệu vụ phá thai được tiến hành khắp thế giới, trong đó, vào khoảng từ 800,000 tới 1 triệu 2 diễn ra tại Hoa Kỳ. Nếu bạn coi mỗi vụ này là một vụ giết người vô tội, thì việc các nhà tranh đấu phò sự sống cảm thấy vấn đề phá thai khẩn trương về luân lý đến thế đâu có gì là khó hiểu.

Dù đôi khi người ta cho rằng việc Công Giáo chống đối phá thai chỉ có từ khi có phán quyết Roe v. Wade năm 1973 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, thực ra, việc chống đối này đã có từ buổi khởi đầu của Đạo. Phá thai và sát nhi rất thường xẩy ra trong Đế Quốc Rôma cổ thời, và việc chống lại các thực hành này là đặc điểm thuộc bản sắc của Kitô Giáo tiên khởi. Một trong các bản văn Kitô Giáo cổ xưa nhất, ngoài Thánh Kinh ra, tên là Didache, được coi như chứa đựng giáo huấn trực tiếp truyền từ các tông đồ, có lời cấm này “Ngươi không được giết bào thai bằng cách phá thai và không được gây cho trẻ sơ sinh phải chết”.

Trong Bộ Giáo Luật, “cộng tác theo mô thức” vào việc phá thai bị coi như một vi phạm đặc biệt trầm trọng đến nỗi bị phạt tuyệt thông. Theo thần học luân lý Công Giáo, cộng tác theo “mô thức” (formal) có nghĩa có ý phạm một hành vi xấu. Cộng tác theo “chất thể” (material) xẩy ra khi không nhằm đối tượng vô luân trong hành vi của người khác, tuy nhiên can dự vào như một nguyên nhân gây hậu quả (causal way). Thí dụ, một bệnh viện cho một bác sĩ thuê chỗ để thực hiện một vụ phá thai, tuy không ủng hộ việc này, bị coi là cộng tác “theo chất thể” vào hành vi. Giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng mạng sống người vô tội cũng phải được luật dân sự bảo vệ và việc bảo vệ quyền sống là thước đo căn bản nhất đối với sợi chỉ xuyên suốt của bất cứ xã hội nào. Thành thử, các nhà lãnh đạo Giáo Hội không chỉ khuyến khích người Công Giáo đừng phá thai; mục tiêu tối hậu của các ngài là được thấy nhà nước đặt thực hành này ra ngoài vòng pháp luật.

Có sự đa dạng ý kiến nào về phá thai không? 

Khó mà kiếm được nhà tư tưởng hay nhà tranh đấu Công Giáo nghiêm túc nào dám ca ngợi phá thai là một sự thiện luân lý, hay nghĩ rằng một xã hội công chính phải là một xã hội thực hiện nhiều vụ phá thai hơn. Hầu như mọi nhà thần học luân lý Công Giáo, và tuyệt đại đa số người giáo dân Công Giáo đều ít nhất coi phá thai là điều đáng tiếc và đáng lo ngại, và coi việc hạn chế con số các vụ phá thai là một tiến bộ luân lý đáng kể. Bởi thế, cuộc tranh luận trong các giới Công Giáo thực sự không phải là để nói “có” hay “không” đối với việc phá thai. Mà đúng hơn, là xoay quanh 3 câu hỏi gây tranh cãi nhiều nhất sau đây:

• Giáo huấn chính thức có quá cứng rắn không khi từ chối nhìn nhận rằng trong một số trường hợp, như đe dọa tới mạng sống hay sức khỏe người mẹ, phá thai có thể ít xấu hơn trong hai cái xấu?

• Chiến dịch biến việc phá thai thành bất hợp pháp có dẫm chân lên biên giới giữa Giáo Hội và nhà nước không, nhất là trong một nền văn hóa đa nguyên trong đó, không hề có sự đồng thuận đối với vấn đề này?

• Phá thai có được quá nhấn mạnh không, đến độ gây thiệt hại cho các vấn đề khác? Lời phàn nàn thường được nghe từ giới hoạt động công bằng xã hội là: Giáo Hội nên dành cùng một lượng năng lực để bảo vệ một đứa trẻ đang chết vì đói như lúc bảo vệ một đứa trẻ chưa sinh, còn ở trong bụng mẹ.

Với mỗi người Công Giáo cho rằng hàng giáo phẩm quá cứng rắn đối với việc phá thai, thường lại có một người Công Giáo khác nghĩ rằng các ngài quá buông lỏng. Thí dụ, các người phò sự sống đầy xác tín thường phàn nàn rằng các vị giám mục không xông xáo trong việc thẳng tay đối phó với các chính trị gia Công Giáo không chịu có cùng đường hướng với các ngài về vấn đề phá thai. Đầu năm 2010, chẳng hạn, một phái đoàn Công Giáo phò sự sống, dẫn đầu bởi nhà tranh đấu Randall Terry, đã tổ chức một cuộc biểu tình tại Vatican, đòi chế tài Đức Hồng Y Donald Wuerl của Washington D.C., vì ngài đã không công khai bác bỏ quyền rước lễ của chủ tịch quốc hội Nancy Pelosi trong tổng giáo phận của ngài. (Năm 2004, một nhóm nhỏ các giám mục Hoa Kỳ tuyên bố rằng các ngài sẽ không cho ứng cử viên tổng thống John Kerry rước lễ vì chủ trương phò phá thai của ông này, làm nổ ra cuộc tranh luận về việc ai được ai không được rước lễ, một cuộc tranh luận được nhiều người nhạo gọi là “cuộc chiến bánh lễ”). Đầu thế kỷ 21, không quyết định nào của các giám mục Công Giáo ở Hoa Kỳ gây nhiều tranh cãi bằng việc cho phép một chính trị gia Công Giáo có thành tích bỏ phiếu phò phá thai được nói chuyện tại một cơ sở Công Giáo, nhận bất cứ vinh dự nào của Giáo Hội, hay rước lễ tại giáo xứ địa phương của họ.

Tại sao Giáo Hội có đường lối tiêu cực đối với việc đồng tính luyến ái? 

Tại tòa án công luận ở đầu thế kỷ 21, có lẽ không có lời tố cáo nào chống lại Giáo Hội Công Giáo bị công kích bằng lời tố cáo cho rằng Giáo Hội này “bài đồng tính luyến ái”. Tri cảm này đặc biệt khiến các nhà lãnh đạo Công Giáo tức giận vì các ngài nhấn mạnh rằng các ngài không chống đối việc đồng tính luyến ái cho bằng nhiệt tâm trình bày một viễn kiến tích cực về tình yêu, về tính dục nhân bản, và về gia đình. Hơn nữa, theo các ngài, giáo huấn Công Giáo phân biệt rõ ràng giữa việc chỉ trích tác phong đồng tính về phương diện luân lý và bổn phận luân lý phải biểu lộ yêu thương đối với những người đồng tính, giống như đối với bất cứ ai khác.

Giáo huấn Công Giáo chủ trương rằng các hành động đồng tính là vô luân cách nặng, một phần dựa vào Thánh Kinh. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo trưng dẫn chương thứ nhất thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma; chương này dạy rằng sự lệch lạc về tính dục là hậu quả của bất trung và thờ ngẫu thần: “Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông”. Ngoài ra, giáo huấn chính thức cũng coi các hành vi đồng tính trái ngược với luật tự nhiên. Nếu mọi hành vi tính dục phải mở cửa chào đón việc truyền sinh, thì các liên hệ đồng tính dĩ nhiên nằm ngoài phạm vi các tác phong được chấp nhận về luân lý. Điểm mấu chốt ở đây là: người Công Giáo đồng tính nào muốn trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, thì cần phải sống độc thân suốt đời.

Giáo huấn Công Giáo cũng coi gia đình tự nhiên của con người, đặt căn bản trên việc kết hợp suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà và sẵn sàng chào đón con cái, là viên đá căn bản để xây dựng xã hội, đồng thời là lò luyện trong đó diễn ra việc đào tạo nền tảng về luân lý nhân bản và đức tin tôn giáo. Lòng kính trọng của Công Giáo đối với gia đình đã được chứng tỏ qua thuật ngữ “Giáo Hội tại gia” dùng để chỉ về nó. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo Công Giáo chống lại bất cứ chính sách công nào nhằm tái định nghĩa bản chất của hôn nhân, hay coi các sắp xếp khác có giá trị như nó; điều này khiến các ngài mạnh mẽ chống lại bất cứ sự nhìn nhận pháp lý nào đối với hôn nhân đồng tính hay các cuộc kết hợp dân sự.

Xin nói rõ: việc kết án có tính luân lý của Công Giáo chỉ nhắm tác phong đồng tính, chứ không nhắm người đồng tính. Khi nói tới đồng tính luyến ái, nhiều người Công Giáo trích dẫn câu châm ngôn xưa, vốn được gán cho Thánh Augustinô: “Yêu người tội lỗi, ghét điều tội lỗi”. Sách Giáo Lý thì dạy thế này: người đồng tính “không chọn tình cảnh của họ” và “đối với phần đông họ, đây là một cơn thử thách”. Sách cũng cho hay: người đồng tính “phải được chấp nhận một cách tôn trọng, cảm thương, và nhậy cảm” và “phải tránh mọi dấu hiệu kỳ thị bất công đối với họ”. (Chữ chủ yếu ở đây là “bất công”. Tháng 7 năm 1992, Vatican cho rằng có những phạm vi trong đó không phải là kỳ thị bất công khi dựa vào xu hướng tính dục, thí dụ việc trao trẻ em làm con nuôi hay được dưỡng nuôi, tuyển dụng thầy giáo hay huấn luyện viên, và trong việc tuyển quân).

Dù giáo huấn Công Giáo không coi xu hướng đồng tính là tội lỗi, vì nó không nhất thiết được chọn lựa, điều này không có nghĩa Giáo Hội coi xu hướng này trung lập về luân lý. Trong một văn kiện được Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau đó là Đức Bênêđíctô XVI, ký năm 1996, Tòa Thánh tuyên bố rằng : “Mặc dù xu hướng đặc thù của người đồng tính không phải là một tội, nó ít nhiều vẫn là một khuynh hướng mạnh mẽ hưóng người ta về một sự xấu luân lý nội tại; và do đó, phải coi khuynh hướng này như một rối loạn khách quan”.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét