Trang

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 29)

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 29)
Vũ Văn An8/6/2017



Chương chín: Đạo Công Giáo và tiền bạc

Trong tất cả các lời chỉ trích mà đôi khi người ta dùng nói tới Đạo Công Giáo Rôma, không lời chỉ trích nào dễ đưa ra bằng lời nói tới sự tương phản rõ nét giữa sự giầu có của Giáo Hội ngày nay và cảnh nghèo khó của vị sáng lập. Các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa toàn năng, nhưng Người đã chọn mang lấy xác phàm, làm con bác thợ mộc nghèo nàn, sống giữa những người nghèo, làm thành phần của một xã hội vốn bị thực dân hóa và áp bức. Những người Rôma hiện nay, những người hàng ngày được nhìn thấy các dấu chỉ giầu có của Vatican, vẫn thường cười nhạo sự giả hình biểu kiến này. Các bảng số của những chiếc xe sang trọng (limousine) đen bóng phát xuất từ Vatican thường mang các chữ SCV, tức các chữ đầu tiếng Ý của hàng chữ: Thị Quốc Vatican. Tuy nhiên, người Rôma đọc trại đi là Se Cristo Vedesse, nghĩa là “Nếu Chúa Kitô mà nhìn thấy!”

Bất cứ ai từng dạy một lớp giáo lý hẳn biết rằng ngay các học sinh lớp một cũng cảm thấy có sự thiếu ăn khớp giữa điều Giáo Hội dạy về việc không dính bén “các sự thuộc đời này” và điều chúng thấy tận mắt cách sống thực sự của các nhà cầm quyền trong Giáo Hội. Chúng thường hỏi các câu đại khái như sau: “Nếu Đức Giáo Hoàng thực sự quan tâm tới người nghèo, tại sao ngài không bán một trong các chiếc nón cầu kỳ của ngài đi lấy tiền tặng cho họ?” (Thực ra, năm 1963, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã bán chiếc nón cầu kỳ của ngài, có tên là “nón ba tầng” (tiara) và lấy tiền trợ giúp người nghèo. Tuy nhiên, cử chỉ này không giúp gì bao nhiêu trong việc đánh tan loại chỉ trích này).

Các tâm tư tình cảm trên không chỉ phát xuất từ những người có học ghét bỏ tôn giáo mà thôi, mà phát xuất ngay từ trong Giáo Hội. Trong lịch sử, nhiều thời cải cách và canh tân trong Đạo Công Giáo có liên hệ tới việc kêu gọi Giáo Hội phải từ bỏ sự giầu sang và quyền thế kiểu thế gian. Khi Thánh Phanxicô Assisi kêu gọi một nhóm “anh em hèn mọn” theo chân ngài ở thế kỷ 13, thì một phần của lời kêu gọi này là việc ngài bác bỏ sự giầu sang của các đan viện thời trung cổ; các định chế này thực sự đã trở thành các đại công ty đa quốc thời ấy. Cho tới nay, các nhân vật Công Giáo gây nơi hàng giáo dân một lòng tôn kính đặc biệt chính là các vị sống một lối sống nghèo nàn, từ Mẹ Têrêxa tới Cha Piô.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội có óc thực tiễn vị nào cũng biết điều trên. Các ngài biết rằng Chúa Giêsu đã sống và chết như một người nghèo, Giáo Hội được kêu gọi ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, và tính khả tín của sứ điệp Tin Mừng có liên hệ mật thiết với các tri cảm về việc liệu những người mang sứ điệp này thực ra có phải ở trong đó vì tiền bạc hay không. Dù thế, các ngài vẫn nhấn mạnh rằng Giáo Hội không thể thực hiện được các việc người ta mong Giáo Hội thực hiện: điều hành các giáo xứ, hỗ trợ các trường học và bệnh viện, cung cấp trợ giúp bác ái, v.v… nếu không có các tài nguyên. Nguyên Tổng Giám Mục Paul Marcinkus, một người Hoa Kỳ từng lo tài chánh cho Giáo Hội trong thập niên 1970, nổi tiếng đã đưa ra câu ví von sau đây “bạn không thể điều hành Giáo Hội bằng các Kinh Kính Mừng”. (Nói cho đúng, Đức Tổng Giám Mục Marcinkus cho rằng ngài bị người ta trích dẫn sai. Ngài cho rằng thực sự ngài nói thế này: khi nhân viên của Vatican đến văn phòng của ngài để lãnh tiền hưu trí, ngài không thể nói với họ “tôi sẽ trả qúy cha 400 kinh Kính Mừng”. Dù sao, nói thế này hay nói thế kia thì cũng như nhau thôi).

Chương này phác thảo một số nét về tài chánh của Giáo Hội Công Giáo ở bình diện địa phương và giáo phận, cũng như ở Vatican, trong một cố gắng nhận diện xem thực sự Giáo Hội có bao nhiêu tiền và Giáo Hội làm gì với số tiền này.

Giáo Hội Công Giáo có giầu không?

Không sai, trong Giáo Hội Công Giáo, quả có tiền bạc thật. Chỉ cần dưa ra một số thí dụ sau đây:

• Đại Học Notre Dame, một đại học Công Giáo hàng đầu của Hoa Kỳ, có ngân sách hàng năm 1 tỷ 200 triệu dollars và một tài sản ước chừng 7 tỷ rưỡi dollars.

• Tổng giáo phận Chicago, được coi là tổng giáo phận Công Giáo giầu nhất thế giới, năm 2010, phúc trình số tiền mặt, các khoản đầu tư và nhà cửa trị giá 2 tỷ 472 triệu dollars.

• Ở Rôma, Viện Các Công Trình Tôn Giáo, được người bình dân biết (tuy không chính xác) dưới tên Ngân Hàng Vatican, quản trị một tài sản hơn 6 tỷ dollars.

• Người Công Giáo Hoa Kỳ bỏ vào đĩa quyên tiền Chúa Nhật mỗi năm 8 tỷ dollars, tức hơn 150 triệu đollars mỗi tuần.

• Ở Đức, có hệ thống “thuế nhà thờ”, trong đó, một phần thuế thu nhập của mọi người Công Giáo đã rửa tội được nhập vào qũy của Giáo Hội; năm 2010, Giáo Hội Công Giáo ở Đức thu được 8 tỷ 8 trăm triệu từ sắc thuế này. Số tiền này giúp Giáo Hội điều hành một hạ tầng cơ sở rộng lớn. Nó được coi là chủ nhân tư lớn thứ nhì trong nước, sau Volkswagen.

Dù các thí dụ trên phát xuất từ các quốc gia giầu có, nhưng nguyên tắc này cũng thường y hệt tại các quốc gia đang phát triển. Thí dụ, tại nhiều vùng nông thôn của Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi, vị linh mục Công Giáo ở địa phương là người duy nhất tại khu vực có lực học trên cấp tiểu học, chưa kể ngài còn sử dụng một chiếc xe hơi, một điện thoại tự động và truy cập cả liên mạng nữa. Ở tại các miền này, cũng như ở Âu Châu và Bắc Mỹ buổi đầu của lịch sử, một phần sự lôi cuốn của chức linh mục Công Giáo là cuộc sống giáo sĩ được coi như một cách thoát nghèo. Điều này có thể không phải là căn bản cao thượng nhất về phương diện thiêng liêng cho ơn gọi làm linh mục, nhưng đôi lúc thực tế là như vậy.

Ty nhiên, cùng một lúc, dung mạo tài chánh của Giáo Hội Công Giáo và của các đơn vị phụ của nó đã bị nói quá một cách trầm trọng. Thí dụ, Vatican có tổng ngân sách hàng năm dưới 300 triệu dollars. Đại Học Harvard, hẳn là Vatican của giới ưu tú tạo dư luận thế tục, có ngân sách hàng năm lớn hơn 10 lần; năm 2010, ngân sách này là 3 tỷ 7 trăm triệu dollars. Hoặc hãy xem thu nhập của các giáo xứ ở Hoa Kỳ: năm 2010, thu nhập này là 11 tỷ 9 trăm triệu dollars. Cùng năm đó, Wal-Mart tường trình một tổng thu nhập lên đến 408 tỷ dollars; điều này có nghĩa: nguyên một đại công ty tư của Hoa Kỳ mà thôi đã mang về một thu nhập 35 lần lớn hơn 17,139 giáo xứ của cả nước cộng lại.

Điều gì làm cho nền tài chánh Công Giáo khác với Wal-Mart? 

Bỏ ra ngoài sự cách biệt hiển nhiên về lượng dollars vừa nói, 3 điểm sau đây khiến nền tài chánh Công Giáo trở thành độc đáo:

Thứ nhất, đại đa số tiền bạc nhập vào Giáo Hội Công Giáo đều nằm lại ở bình diện địa phương. Tại Hoa Kỳ, hơn 90 phần trăm thu nhập do các giáo xứ nhận được đều nằm lại ở các giáo xứ. Các ngân khoản này không bao giờ được thu về trung ương, thậm chí khỏi phải tính sổ với trung ương, bởi cả các hội đồng giám mục quốc gia lẫn bởi Rôma. Không ai ở Vatican có thể nói cho bạn hay một giáo xứ nào đó như tại Dubuque chẳng hạn chi bao nhiêu tiền vào cà phê và bánh kẹo sau Thánh Lễ. Điều này thật khác xa biết bao so với thể thức của Wal-Mart, nơi việc tính sổ và kiểm soát trung ương tập quyền là điều tối hệ trọng. (Thậm chí cả các bộ ổn nhiệt [thermostats] ở các trung tâm Wal-Mart cũng được một máy vi tính ở Bentonville, Arkansas, điều hợp).

Thứ hai, phần lớn tiền bạc trong Giáo Hội qua mặt hàng giáo phẩm, ít nhất theo nghĩa các giám mục ít có bất cứ kiểm soát trực tiếp nào đối với nó. Thí dụ, các bệnh viện Công Giáo, chẳng hạn, thường đem lại hàng trăm triệu dollars thu nhập hàng năm, hơn hẳn các giáo xứ giầu có nhất trên thế giới có thể thấy nơi các đĩa quyên tiền của họ. Nhưng thường các bệnh viện này được “bảo trợ” bởi một dòng tu Công Giáo hay một thực thể khác theo giáo luật, nhưng được quản trị bởi một hội đồng giám đốc và được đăng ký dưới dân luật chứ không dưới giáo luật. Họ có thể muốn có mối liên hệ tốt với các giới chức của Giáo Hội, và phần lớn có được điều này, nhưng về phươn diện luật pháp và tài chánh, họ được độc lập trong căn bản. Điều này cũng áp dụng vào phần lớn các cao đẳng và đại học Công Giáo. Thành thử, tài sản của các định chế này không thuộc về các giám mục; các vị này thường phải thèm thuồng trước các tài nguyên của họ.

Thứ ba, tình huống tài chánh của Giáo Hội Công Giáo rất khác nhau tại các nơi trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, các hoạt động thuộc dịch vụ xã hội của Giáo Hội nhận được tài trợ công, nhưng các hoạt động nội bộ của nó thì gần như hoàn toàn dựa vào các đóng góp tự nguyện. Tại nhiều nơi ở Âu Châu, Giáo Hội phải lệ thuộc nhiều hơn vào nhà nước. Không kể hệ thống thuế nhà thờ ở Đức và một hệ thống tương tự ở Ý, nhiều nước Âu Châu coi các dinh thự của Giáo Hội như những công trình lịch sử, nên đã cung cấp ngân khoản để bảo trì và trùng tu, và trong nhiều trường hợp khác, họ cung cấp một phần hay toàn bộ lương bổng cho hàng giáo sĩ nữa. Tại các nước đang phát triển, mà truyền thống quen gọi là “các xứ truyền giáo”, các Giáo Hội địa phương thường phải lệ thuộc sự giúp đỡ ở bên ngoài từ các qũy Công Giáo lớn ở ngoại quốc như Misereor, Adveniat, và Trợ Giúp Các Giáo Hội Túng Thiếu. Các dữ kiện trong chương này phần lớn rút ra từ kinh nghiệm của Giáo Hội tại Hoa Kỳ, nên đừng coi chúng như là qui phạm hoàn cầu.

Tình hình tài chính của một giáo xứ tiêu biểu ra sao?

Giáo xứ là điểm tiếp xúc hàng đầu về thiêng liêng đối với hầu hết người Công Giáo thế nào, thì nó cũng là đơn vị căn bản của hoạt động tài chánh như vậy. Ở Hoa Kỳ, giáo xứ là trung tâm quan trọng nhất của việc quyên góp thu nhập cho Giáo Hội. Ở các nước, nơi chính phủ trực tiếp phụ cấp cho Giáo Hội, các cá nhân Công Giáo ít có thói quen bỏ tiền vào ống quyên tiền ở nhà thờ, hay thực hiện các vụ quyên góp hàng tuần, hàng tháng hay hàng năm, vì cho rằng thuế họ đóng đủ thay thế cho những đóng góp này. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, người Công Giáo quen thuộc với việc trợ giúp Giáo Hội một cách trực tiếp bằng túi tiền của họ.

Dựa vào các dữ kiện của Trung Tâm Áp Dụng Nghiên Cứu Vào Việc Tông Đồ của Đại Học Georgetown, thu nhập trung bình hàng năm của một giáo xứ ở Hoa Kỳ là 695,291 dollars. Joseph Harris, một trong các phân tích gia tài chánh hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, đã đưa ra một số bài toán. Nhân số ước lượng kia với 17,139 giáo xứ của cả nước, ta sẽ có được tổng số thu nhập của các giáo xứ là 11 tỷ 9 trăm triệu dollars, với 2 phần 3 (8 tỷ 2 trăm triệu) nhờ tiền quyên ở nhà thờ. Phần còn lại cho các chiến dịch gây vốn, tặng dữ một lần, các khoản thừa kế, và các nguồn tương đối nhỏ khác.

Vì các khoản chi trung bình của một giáo xứ là 626,000 dollars, nên, về căn bản, phần lớn các nơi có chi thu cân bằng. (Tổng số chi tiêu của các giáo xứ là 10 tỷ 700 triệu dollars). Lương bổng là khoản chi lớn nhất trong hầu hết các ngân sách giáo xứ, đại diện cho hơn 40 phần trăm các khoản chi, với mỗi giáo xứ trung bình chi 150,000 dollars cho lương bổng. Một phần, vì những ngày cũ đã không còn nữa, lúc phần lớn các giáo xứ có 2 hay 3 linh mục hay nữ tu sống nhờ các phương tiện tài chánh khác. Ngày nay, một giáo xứ tiêu biểu phải trả lương cho một thư ký, một giám đốc giáo dục đức tin, một thừa tác viên âm nhạc, một thừa tác viên tuổi trẻ, v.v… Phần lớn những người này là các tín hữu giáo dân, cần phải nuôi sống gia đình họ bằng tiền lương.

Các khoản chi lớn khác bao gồm việc bảo trì các cơ sở vật lý, các hoạt động của giáo xứ như điều hành chương trình nấu cháo cho dân nghèo hay chương trình giáo lý, và, trong một số trường hợp, còn phải trợ cấp cho trường tiểu học có liên hệ với giáo xứ nữa. Các giáo xứ cũng có nghĩa vụ phải gửi tiền về để tài trợ các hoạt động của giáo phận như bảo hiểm, tuyển dụng và huấn luyện các linh mục, việc điều hành tại bản doanh của giáo phận v.v… Khoản đóng góp hàng năm này cho giáo phận được gọi là cathedraticum (thuế chính tòa).

Phần lớn các giáo xứ cũng thỉnh thoảng đảm nhiệm những lần quyên góp đặc biệt cho các mục tiêu nằm ngoài việc tài trợ cho ngân sách riêng của mình. Thí dụ, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ yêu cầu các giáo xứ thực hiện 13 vụ quyên góp mỗi năm cho các mục đích khác nhau như trợ giúp các nữ tu, tu huynh và linh mục cao niên. Ngoài ra, còn có lần quyên góp hàng năm gọi là “đồng xu Thánh Phêrô” (Peter’s Pence) để hỗ trợ các công trình bác ái của Đức Giáo Hoàng. (Năm 2010, chương trình này thu được 67 triệu dollars khắp thế giới. Người Công Giáo Hoa Kỳ gần như luôn luôn là những người cho nhiều nhất: khoảng 30 phần trăm số này). Ngoài ra, nhiều giáo xứ còn cho phép các linh mục khách từ các dòng truyền giáo hay các nước đang mở mang tới giảng mỗi năm một lần và lãnh nhận tiền quyên đặc biệt để hỗ trợ Giáo Hội của họ.

Tiền bạc của giáo xứ được theo dõi ra sao?

Giáo Hội Công Giáo thực sự không có bất cứ hệ thống kế toán hay theo dõi tập trung nào đối với các chi thu của giáo xứ. Bộ Giáo Luật đòi mỗi giáo xứ và giáo phận có hội đồng tài chánh, và một cách tiêu biểu, các hội đồng này có thi hành một hình thức giám sát nào đó, nhưng thường là khá lỏng lẻo. Năm 2007, một cuộc thăm dò các giáo phận ở Hoa Kỳ cho thấy chỉ có 3 phần trăm tiến hành cuộc thanh lý nội bộ hàng năm đối với các giáo xứ của họ; trong hầu hết các trường hợp, cuộc thanh lý chỉ được thực hiện khi có việc thay đổi nhân sự, như lúc bổ nhiệm một mục tử mới. Nói cho cùng, trách nhiệm đối với việc tài chánh của giáo xứ là của cha xứ, nhưng phần lớn các vị này không có kinh nghiệm làm ăn buôn bán và cũng không có một chút huấn luyện nào về kế toán hay quản rị tài chánh lúc còn ở trong chủng viện. Trong nhiều trường hợp, nhân viên giáo xứ có nhiệm vụ đếm tiền quyên góp hàng tuần, ký thác tiền vào ngân hàng, ký phiếu tiền (cheque), hoàn trả các khoản tiền nhỏ, đều là các nhân viên bán thời gian hay thiện nguyện viên, cũng không được huấn luyện chi.

Vì tất cả những điều trên, không ngạc nhiên gì khi một số giáo xứ lao đao với việc tính sổ tiền bạc của họ. Một cuộc nghiên cứu năm 2006 của Đại Học Villanova cho thấy 85 phần trăm các giáo phận ở Hoa Kỳ bị nạn biển thủ trong vòng 5 năm về trước, phần lớn ở cấp giáo xứ. Một vài tường trình có tính giai thoại cũng đã xác nhận việc này. Năm ấy, tức năm 2006, một vị mục tử ở giáo phận Bridgeport, Connecticut, bị tố cáo đã tiêu phí 1 triệu 400 ngàn dollars tiền dâng cúng của giáo xứ, trong khi 4 đại diện chi tiêu của tổng giáo phận New York bị tố hình sự đã tống tiền hơn 2 triệu dollars do các người cung cấp thực phẩm đút lót cho, khiến tổng giáo phận phải trả hơn số tiền phải trả tới 1 triệu dollars. Năm 2009, một bồi thẩm đoàn ở West Palm Beach, Florida, đã kết án 2 linh mục về tội quịt các ngân khoản của giáo xứ cho các kỳ nghỉ đắt tiền, thậm chí cả bạn gái nữa.

Một thanh tra bưu điện Hoa Kỳ đã về hưu và là một người Công Giáo lâu đời tên Michael W. Ryan đã biến việc quản lý tiền bạc trong Giáo Hội thành một cuộc viễn chinh của bản thân. Ông này ước lượng rằng các giáo xứ ở Hoa Kỳ mất đến 90 triệu dollars hàng năm do việc thiếu kiểm soát thích đáng các món tiền quyên ở nhà thờ. Các chuyên viên khác thì thấy ước lượng này khó chứng minh bằng dữ kiện được, nhưng không ai không hồ nghi việc quản lý tiền bạc có vấn đề, nhất là ở cấp giáo xứ, nơi phần lớn các ngân khoản được thu nhập và chi tiêu.

Đấy không phải chỉ là vấn đề của Hoa Kỳ. Đức Hồng Y Michele Giordano của Naples, Ý, đã chính thức bị buộc tội gian lận và bị đem ra tòa hình sự cuối thập niên 1990 trong một vụ mưu đồ bất lương về buôn bán đất đai do em trai của ngài đạo diễn, sử dụng 800,000 dollars tiền của giáo phận. Dù năm 2000, Đức Hồng Y Giordano được trắng án, nhưng tác động của vụ này không hẳn có lợi cho Đức Hồng Y: Tòa chấp nhận luận điểm bênh vực ngài, cho rằng ngài ngây thơ và quản lý tùy tiện, chứ không hẳn vi phạm hình sự. Năm 2002, ngài lại bị ra tòa hình sự một lần nữa cũng vì lem nhem về buôn bán đất đai và cũng sử dụng bậy tài sản người ta dâng cúng cho giáo phận. Lần này, ngài bị lên án thực sự và bị kêu án 4 tháng tù nhưng sau đó án được đình chỉ và cuối cùng được hủy bỏ nhờ chống án. Ngài qua đời năm 2010.

Chỉ trong vòng 13 tháng giữa tháng Năm năm 2011 và tháng Sáu năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI bãi nhiệm 4 giám mục: Đức Cha Jean-Claude Makaya Loembe của Pointe-Noire ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo, hồi tháng Ba năm 2011; Đức Cha William Morris của Toowoomba, Úc, hồi tháng Năm năm 2011; Đức Cha Francesco Micciché của Trapani, Ý, hồi tháng Năm 2012; và Đức Tổng Giám Mục Róbert Bezák của Trnava, Slovakia, hồi tháng Sáu năm 2012. Trong khi Đức Cha Morris bỉ sa thải vì các sai lạc về tín lý, vì đã ủng hộ việc phong linh mục cho phụ nữ, 3 trường hợp kia liên quan tới các nghi ngờ về quản lý tài chánh và tham nhũng. Việc sa thải Đức Cha Micciché, chẳng hạn, đã diễn ra sau khi có tường trình cho rằng gần 1 triệu 300 ngàn dollars biến mất khỏi các qũy bác ái do giáo phận Trapani quản lý; giáo phận này nằm ở đảo Sicily, một vùng nổi tiếng trong lịch sử như là căn cứ địa của Mafia. Các lời tố cáo khác về các bất thường sau đó đã xuất hiện, trong đó, có việc bán cho bạn hữu 50 tài sản do giáo phận sở hữu chỉ lấy một phần mười giá trị thực của nó.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét