05/09/2017
Thứ ba tuần 22 thường niên.
BÀI ĐỌC I:
1 Tx 5, 1-6. 9-11
"Người đã chết vì chúng
ta, để chúng ta cùng được sống với Người".
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, về thời
nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã
biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối. Khi người ta nói rằng:
"Yên ổn và an toàn", thì chính lúc đó, tai hoạ thình lình giáng xuống
trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi.
Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt
chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày;
chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những
người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.
Vì Thiên Chúa không đặt
để chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng là để chúng ta chiếm lãnh ơn cứu độ
nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để dù thức hay ngủ,
chúng ta được cùng sống với Người. Bởi đấy, anh em hãy an ủi nhau, hãy lo xây dựng
cho nhau, như anh em vẫn thường làm. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 26, 1.
4. 13-14
Đáp: Tôi tin rằng
tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
1) Chúa là sự sáng, là
Đấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? -
Đáp.
2) Có một điều tôi xin
Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi,
hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. - Đáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ
được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy
sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! - Đáp.
ALLELUIA: 1 Ga 2,
5
Alleluia, alleluia!
- Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi
người ấy. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc
4, 31-37
"Tôi biết Ngài là ai rồi,
là Đấng Thánh của Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống
thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat.
Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy
giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: "Hỡi
Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt
chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa".
Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: "Hãy câm đi và ra khỏi người
này". Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm
hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: "Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì
Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất
ra". Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Bộ mặt đích
thực của Giáo Hội
Khi Giáo Hội sống đúng
ơn gọi và sứ mệnh của mình, Giáo Hội là một sức mạnh tinh thần khiến cho các chế
độ chính trị phải trọng nể hay lo sợ. Sức mạnh ấy không tới từ thế giới hay những
phương tiện Giáo Hội có trong tay.
Giáo Hội múc lấy sức mạnh
từ chính uy quyền của Ðấng sáng lập là Chúa Kitô. Thật thế, Chúa Kitô đã hứa
ngay cả cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi Giáo Hội. Chúa Giêsu đã phú bẩm cho
Giáo Hội uy quyền của chính Ngài. Tin Mừng hôm nay ghi lại phản ứng của dân
chúng khi họ lắng nghe lời giảng dạy của Ngài và nhất là khi Ngài trừ quỉ. Họ
thán phục vì Ngài giảng dạy như Ðấng có uy quyền.
Trong cách đánh giá
thông thường, một người xem là có uy tín khi tài năng hay đức độ của người đó
được nhìn nhận, lời nói của một người có uy tín có sức thuyết phục người khác,
việc làm có uy tín của một người có thể tạo được niềm tin nơi người khác. Nói
chung, nơi một người có uy tín, lời nói và việc làm thường đi đôi với nhau, hoặc
việc làm và cuộc sống có giá trị thuyết phục và lôi kéo. Chúa Giêsu giảng dạy
như Ðấng có uy quyền là bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngài đã sống và sống
những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài lại được củng cố bởi cuộc sống và những
việc làm của Ngài. Ðây chính là uy quyền mà Chúa Giêsu đã mặc cho Giáo Hội của
Ngài. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được uy quyền của Chúa Giêsu khi Giáo Hội sống
và rao giảng những gì Ngài đã sống và rao giảng. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện
được bộ mặt đích thực của mình khi sống phục vụ mà thôi. Càng thể hiện được bộ
mặt thật ấy, Giáo Hội càng tỏ ra là một sức mạnh có sức đạp đổ mọi thứ khí giới
và sự dữ và trở thành chỗ dựa cho mọi người.
Là thành phần của Giáo
Hội, mỗi người tín hữu có nghĩa vụ phải bày tỏ bộ mặt đích thực của Giáo Hội. Sức
mạnh và uy quyền của Giáo Hội được thể hiện không phải qua con số các tín hữu hay
qua các biểu dương của số đông mà thiết yếu qua cuộc sống có tính thuyết phục của
các tín hữu. Giữa một xã hội trống rỗng những giá trị đạo đức, các tín hữu Kitô
phải thể hiện một niềm tin có sức mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Giữa một xã hội
băng giá về ích kỷ, các tín hữu Kitô cần phải sống một tình mến có sức sưởi ấm
tâm hồn con người. Giữa một xã hội chao đảo về thiếu định hướng, các tín hữu
Kitô phải bày tỏ một niềm hy vọng có sức soi rọi vào tăm tối của cuộc sống mọi
người.
Nguyện xin Chúa Giêsu,
Ðấng giảng dạy với uy quyền, củng cố niềm tin, gia tăng đức mến và bảo toàn niềm
trông cậy nơi chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 22 TN1
Bài đọc: I
Thes 5:1-6, 9-11; Lc 4:31-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đoạn tuyệt với
tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.
Tội lỗi là một thực tại
giam hãm và hủy diệt con người. Nhiều người ngày nay tuy sống trong tội lỗi,
nhưng không còn nhận ra nguy hiểm nữa vì đã quá quen trong tội. Đức Kitô đến để
nhắc nhở con người biết ý thức về tội lỗi và những nguy hiểm của tội lỗi gây
ra. Ngài đến để hủy diệt tội lỗi và sự chết bằng cách chấp nhận cái chết trên
Thập Giá, để thanh tẩy tội lỗi và mang lại cuộc sống trường sinh cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay nhắc
nhở cho con người luôn biết ý thức về tội lỗi và phải biết luôn chuẩn bị cho
ngày tận thế của mình. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu luôn biết
chuẩn bị cho Ngày Chúa Đến, bằng cách chuẩn bị sẵn sàng và tỉnh thức. Cách chuẩn
bị hay nhất là sống như hôm nay là ngày cuối đời của mình. Trong Phúc Âm, khi
Chúa vào hội đường để giảng dạy, ma quỉ tuyên xưng Chúa là Đấng Thánh của Thiên
Chúa, và ngăn ngừa Ngài đừng tiêu diệt chúng bằng việc dạy dỗ con người. Chúa
thẳng thắn trục xuất chúng và dạy dỗ con người phải biết cẩn thận đề phòng để đừng
làm nô lệ cho ma quỉ và tội lỗi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngày của Chúa chắc chắn sẽ đến.
1.1/ Phải chuẩn bị sẵn
sàng cho ngày Chúa đến: Con người chỉ sống một
thời gian trên trái đất này, và sau đó sẽ từ giã cuộc đời để về với Chúa. Ngày
Tận Thế có thể là Ngày Phán Xét, nhưng đúng hơn, nó là ngày cuối cùng của chính
đương sự.
(1) Chúa đến vào thời
gian con người không ngờ: Không ai biết được ngày cuối cùng của đời mình. Nhiều
người nghĩ phải già, hay có bệnh nguy hiểm rồi mới chết; nhưng thực tế nhiều
khi chứng minh ngược lại, nhiều người đã phải đau đớn thốt lên: "lá vàng
còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, trời ơi hỡi trời!" Thánh Phaolô cũng
viết thư khuyên các tín hữu Thessalonica: "Thưa anh em, về ngày giờ và thời
kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ:
ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói: "Bình an biết
bao, yên ổn biết bao!" thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn
đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được."
(2) Phải luôn sẵn sàng
chuẩn bị: Vì không ai biết trước ngày giờ tận thế, nên các tốt nhất là luôn chuẩn
bị sẵn sàng. Hãy sống như hôm nay là ngày cuối đời của mình. Thánh Phaolô
khuyên: "Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm
bắt chợt anh em.
Vì tất cả anh em là
con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không
thuộc về bóng tối."
1.2/ Hãy luôn tỉnh thức
và sống tiết độ: Làm thế nào để luôn chuẩn bị
sẵn sàng? Các tín hữu Thessalonica chuẩn bị bằng cách không lo lắng làm việc
chi hết, chỉ ngồi chờ ngày Chúa đến mà thôi. Thánh Phaolô đả kích cách chờ đợi
này, ngài khuyên họ: "Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng
hãy tỉnh thức và sống tiết độ. Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu
cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng
đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người."
Trước hết, phải năng
nhắc cho nhau biết chuẩn bị cho ngày đó. Thứ hai, phải biết sống tiết độ: biết
dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban cách khôn ngoan và chừng mực, tránh làm nô
lệ cho bất kỳ một thói quen nào làm chúng ta lạc xa con đường cứu độ. Sau cùng,
hãy luôn biết sống trong Đức Kitô: nghe lời Ngài dạy dỗ và bắt chước gương mẫu
Ngài làm, sống kết hiệp với Ngài bằng cuộc sống cầu nguyện, và bằng ơn thánh
Ngài ban qua các bí-tích, nhất là phép Thánh Thể.
2/ Phúc Âm: Hãy đoạn tuyệt với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.
2.1/ Chúa đến để khai trừ
quyền lực ô uế ra khỏi con người: Trình thuật
kể khi Chúa vào trong hội đường để giảng dạy, có một người bị quỷ thần ô uế nhập,
la to lên rằng: "Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà
ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của
Thiên Chúa!" Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người
này!" Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta,
nhưng không làm hại gì anh. Không lạ gì khi ma quỉ nhận ra Chúa Giêsu và tuyên
xưng Ngài là "Đấng Thánh của Thiên Chúa," vì ánh sáng và bóng tối
luôn khai trừ nhau: chỗ nào có ánh sáng là không có bóng tối và ngược lại. Khi
con người có Thiên Chúa, họ sẽ không có ma quỉ, quyền lực của bóng tối bị quyền
lực của Thiên Chúa khai trừ. Ngược lại, khi một người để ma quỉ bố trí bao vây
hết linh hồn, Lời Chúa khó mà thâm nhập vào linh hồn con người.
Ngày nay, ma quỉ vẫn
làm chủ con người và vẫn tìm cách để nuốt chửng ánh sáng. Khi nghe Lời Chúa và
những lời giảng dạy của linh mục trong thánh đường, ma quỉ vẫn tìm mọi cách để
những lời ấy đừng vào tâm hồn các người nghe. Dụ ngôn "Người gieo giống"
là một điển hình cho điều này. Chúng cám dỗ con người bằng mọi cách: ngủ gật,
chia trí nhìn người khác, để hồn chu du các nơi, ngay cả những vùng cấm địa.
Ngoài ra, chúng còn dùng thủ đoạn để vạch lá tìm sâu nơi người rao giảng và
ngay cả việc phê bình, chỉ trích, bôi lọ, để nhà rao giảng không còn can đảm để
nói sự thật.
2.2/ Chúa đến để dạy dỗ
điều hay lẽ phải và thánh hóa con người: Con
người có thể trở nên tốt lành bằng cách thực hiện hai điều sau:
(1) Lắng nghe lời dạy
dỗ của Đức Kitô: Một trong những điều quan trọng giam hãm con người trong tội lỗi
là sự u mê, không nghĩ mình có bệnh. Khi con người có thái độ này, họ không
nghĩ mình đang mang bệnh và không cần sự chỉ dạy của ai cả. Một người nghiện rượu
không nghĩ mình say, anh chẳng cần phải sửa tính nghiện rượu.
Để có thể chữa trị tội
lỗi, con người cần nhận ra mình có tội. Để nhận ra tội, con người cần có thời
gian học hỏi và suy niệm để Lời của Đức Kitô soi sáng, để con người có thể nhận
ra tình trạng bệnh tật của mình. Ví dụ, khi Ngài nói: "Người giàu có khó
vào Nước Thiên Chúa:" Con người cần tìm hiểu lý do tại sao Chúa nói như thế;
nhất là nhìn vào cuộc đời của mình để xét xem, mình có bệnh tật đó hay không.
Mình có đặt sự giầu có lên trên Thiên Chúa không? Mình có dùng thời giờ của
Chúa ban để học hỏi Lời Chúa hay làm việc kiếm tiền để đếm cho sướng tay? Mình
có dùng của dư giả để giúp người nghèo hay những nơi cần giúp, hay phung phí tiền
của vào những nơi ăn chơi vô bổ?
(2) Lấy sức mạnh và ơn
thánh của Đức Kitô để diệt trừ tội lỗi: Tội lỗi thấm nhập lâu ngày rất khó sửa
trị, con người cần lấy sức mạnh của Lời Chúa và chính ơn thánh của Ngài ban qua
các bí-tích. Ví dụ, khi Chúa nói với người thanh niên, "Hãy bán gia tài
anh có và phân phát cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời." Hãy
tìm hiểu Lời Chúa xem "kho tàng trên trời" bao gồm những điều gì. Niềm
hy vọng vào kho tàng trên trời sẽ giúp con người có sức mạnh để dám hy sinh kho
tàng dưới đất. Ngoài ra, con người cần ơn thánh Chúa ban qua các bí-tích, vì sức
con người không đủ để chống trả lại sức mạnh của ba thù là ma quỉ, thế gian, và
xác thịt. Vì thế, con người cần thường xuyên lãnh nhận bí-tích Thánh Thể và
Giao Hòa, để những ơn thánh từ hai Bí-tích này giúp con người có sức mạnh vượt
qua những cám dỗ của ba thù.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tội lỗi làm con người
trở thành nô lệ cho ma quỉ, và ngăn cản con người đạt tới ơn cứu độ. Chúng ta
hãy tìm mọi cách để khử trừ tội lỗi.
- Hãy học Kinh Thánh để
Lời Chúa soi sáng chúng ta nhận ra tội lỗi, hãy áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống
và năng lãnh nhận bí-tich để có sức mạnh khử trừ tội lỗi.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
05/09/2017 - THỨ BA TUẦN 22 TN
Lc 4,31-37
Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của
Người có uy quyền. (Lc 4,31)
Suy niệm: Nhiều người thán
phục về những lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giê-su. Nhưng quyền uy đó
không đến từ chiêu thức mị dân của các nhà chính trị: tung tiền bạc, cho cơm
bánh để mua chuộc sự ủng hộ. Lời Chúa quả thật có sức mạnh xua đuổi được ma quỷ.
Lời Ngài phán ra bệnh nhân được chữa lành. Ngay cả khi Chúa cho đám đông hàng
nghìn người được ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài cũng đã rao giảng
Lời Ngài cho họ, và Ngài còn cảnh báo họ đừng tìm kiếm Ngài để chỉ có của ăn
mau hư nát mà hãy đến với Ngài để lãnh nhận được Lời ban sự sống đời đời. Quả
thật, Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Lời đã sáng tạo vũ trụ càn khôn,
là Sự Thật và là Sự Sống dẫn đưa nhân loại đến với Chúa Cha là nguồn mạch của sự
sống đời đời.
Mời Bạn: Nhiều người thường tìm
cách lấy lòng, hay tặng quà cho người khác để họ tin đạo và chịu phép rửa trước
khi nói về Lời Chúa. Bạn nghĩ quan niệm ‘có thực mới vực được đạo’ như thế có
phải là cách tốt nhất không? Theo bạn, phải gặp gỡ và chia sẻ với họ thế nào để
Lời càng tỏa lan, và nhiều người tin đạo vì yêu Lời trước khi yêu cái bụng của
mình?
Sống Lời Chúa: Gương thánh Phan-xi-cô
Xa-vi-ê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, nhờ nghe Lời: “Được lời lãi cả thế
gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Mt 16,26) đã bỏ ghế giáo sư triết học tại
đại học Paris để sống khó nghèo, khiết tịnh, và hăng say truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chẳng
đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ được
lành sạch. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Lời có uy quyền (5.9.2017 – Thứ ba Tuần 22 Thường niên)
Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta. Hãy tin vào sức mạnh giải thoát của Lời Ngài.
Suy niệm:
Phép lạ đầu tiên được kể
trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,
diễn ra tại hội đường
Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).
Đức Giêsu dạy dỗ dân
chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,
bởi lẽ lời của Ngài là
lời đầy quyền uy (c. 32).
Quyền uy làm sửng sốt ấy
đến từ con người Ngài,
vì Ngài chính là Ngôi Lời
của Thiên Chúa.
Trong hội đường ngày hôm
đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.
Anh ta tự nhiên la to, vì
thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,
chuyện chúng tôi can gì
đến ông ? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”
Sự hiện diện và lời dạy
quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.
Nhưng nó sợ, muốn tránh
Ngài trong cuộc chiến không cân sức.
Quỷ biết rõ đối thủ có
sức tiêu diệt mình là ai.
Nó biết được điều mà dân
chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.
Ngài không phải chỉ là
ông Giêsu ở Nadarét,
mà còn là Đấng Thánh của
Thiên Chúa (c. 34).
Có một sự đối lập gay gắt
giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.
Đức Giêsu trừ thần ô uế
chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).
“Câm đi, hãy xuất ra khỏi
người này !”
Ngài không cho quỷ nói
lên danh tánh của Ngài,
vì Ngài không muốn sự
thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.
Lời truyền lệnh của Ngài
khiến thần ô uế phải xuất ra.
Nó không còn được ở lại
hay có quyền gì trên người này nữa.
Quỷ vật anh ngã xuống,
xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.
Người trong hội đường
kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,
nhưng vì họ thấy uy quyền
và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).
Lời nói ra như một mệnh
lệnh, và quỷ phải vâng nghe.
Thế giới hôm nay dễ bị
tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.
Thần ô uế có mặt ở khắp nơi,
và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.
Ô uế nơi thân xác, nơi
trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.
Ô uế trở thành một thứ
văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,
chi phối mọi lối nghĩ và
lối hành xử của con người.
Chúng ta phải nhìn nhận
sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.
Rất nhiều bạn trẻ đã phải
thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.
Đức Giêsu cho chúng ta
niềm tin vào sự chiến thắng.
Sự hiện diện của Ngài làm
thần ô uế không thể giấu mặt.
Sự thánh thiện của Ngài
làm nó phải run sợ cúi đầu.
Uy quyền và uy lực nơi
Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.
Hãy để cho Đức Giêsu
thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.
Hãy tin vào sức mạnh giải
thoát của Lời Ngài.
Hãy để Lời Ngài nâng
chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.
Một người ở trong hội
đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.
Chúng ta mong Chúa cho ta
khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng
thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con
thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do
chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được
tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi
của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Sẽ Đáp Lại
Tiếng Gọi Của Thiên Chúa
Trong sâu thẳm trái
tim con người, ơn gọi mặc lấy hình thức một cuộc đối thoại. Đó là cuộc đối thoại
giữa Đức Kitô và cá nhân mỗi người, trong đó một lời mời gọi riêng tư được nói
lên. Đức Kitô gọi đích danh mỗi người, Ngài nói: “Hãy theo Ta”. Lời mời gọi này
– được Đức Kitô nói lên cách nhiệm mầu bên trong nội tâm con người – sẽ được
chúng ta nhận ra rõ ràng nhất trong bầu khí thinh lặng cầu nguyện. Việc đón nhận
tiếng gọi này là một hành vi của đức tin.
Tiếng gọi vừa là dấu
hiệu của tình yêu vừa là lời kêu gọi yêu thương. Trong trình thuật Tin Mừng về
cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người thanh niên giàu có, Mác-cô kể rằng Đức
Giêsu trìu mến nhìn anh ta khi Người thách đố anh ta bán mọi sự và đi theo Người
(cf. Mc 10,21). Tiếng gọi của Chúa luôn đòi hỏi một sự chọn lựa, một quyết định
hoàn toàn tự do về phía chúng ta.
Quyết định thưa “Vâng”
trước lời mời gọi của Đức Kitô sẽ kéo theo với nó rất nhiều hệ quả quan trọng.
Chúng ta phải từ bỏ những mối ưu tiên khác. Chúng ta phải sẵn sàng bỏ những người
thân yêu của mình lại sau lưng. Chúng ta phải bắt đầu tín thác hoàn toàn vào
Thiên Chúa bằng cách sống gần gũi hơn với Đức Kitô.
Lời đáp trả trong tình
yêu này đối với tiếng gọi được diễn tả rất rõ ràng bởi tác giả Thánh Vịnh :
“Con thưa cùng Chúa:
‘Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra đâu là hạnh
phúc? …
Lạy Chúa, Chúa là phần
sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành
cho con;
số mạng con, chính
Ngài nắm giữ …
Chúa sẽ dạy con biết
đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi
vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài hoan lạc chẳng
hề vơi!” Tv 16,2.5.11)
Ân huệ này yêu cầu sự
đáp trả của chúng ta. Chúng ta phải nỗ lực nhận hiểu mầu nhiệm vốn vượt quá mọi
sự hiểu biết song đã được Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi
chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng đáp trả tiếng gọi của Ngài?
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 05-9
Lời suy niệm: “Ông Giêsu
Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi
biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát
mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”
Trong cuộc sống hiện tại,
ma quỷ cũng đang nhập vào những con người, cũng tuyên nhận biết Chúa Giêsu, sống
trong Giáo Hội của Chúa, có khi còn khoát bên ngoài chiếc áo đạo đức; nhưng những
lời nói và hành động hoàn toàn là phản Giáo Hội, nhục mạ anh em và phản Kitô.
Điều này chính Chúa Giêsu cũng đã phẩn nộ và Người đã quát mắng: “Câm đi!”
Lạy Chúa Giêsu. Chúa rất
yêu thương chúng con và dạy chúng con yêu người như Chúa yêu thương chúng con.
Xin cho chúng con luôn là chứng tá tình yêu của Chúa trong thế gian này.
Mạnh Phương
05 Tháng Chín
Bỏ Mọi Sự Ðể Theo Chúa
"Bỏ tất cả mọi
sự để theo Chúa", lời kêu gọi này của Chúa Giêsu có thể thực hiện được
trong xã hội dư dật ngày nay không? Như một dụ ngôn trong Phúc Âm, chúng ta hãy
lắng nghe câu chuyện sau đây của tiến sĩ Marcello Candia, người đã dâng cúng tất
cả tài sản để xây dựng một bệnh viện giữa khu rừng già Amazone bên Ba Tây và
sinh sống tại đó như một người dân nghèo.
"Khi còn ở bậc
trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một
cha dòng Phanxico. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô
Milano... Sự chú ý đến người nghèo đã làm nảy sinh ước muốn truyền giáo nơi
tôi.
Một hôm thầy
Cêciliô, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức ăn cho người nghèo...
Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một tấm hình của cha
Daniele Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi sau một thời
gian phục vụ người thổ dân tại một miền ở Ba Tây... Mỗi lần phát thức ăn cho
người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài. Dần dà, hình ảnh đó
quen thuộc đến nỗi trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra hình ảnh ấy...
Từ đó, ước muốn phục vụ những người cùi đã nảy sinh trong tôi".
Sau khi tốt nghiệp
đại học, Macello đã được cha gửi đi công cán tại nhiều nước nghèo trên thế giới.
Trong dịp ghé thăm một vùng nghèo tại Amazone bên Ba Tây, Macello đã trở về với
quyết định bán hết tất cả tài sản và rút về đây để phục vụ người nghèo. Với tài
sản do gia đình để lại, Macello đã xây cất một bệnh viện với 120 giường và được
trang bị với đầy đủ dụng cụ của một trung tâm y tế đa khoa.
Macello đã giải
thích về việc làm của mình như sau: "Người ta nói với tôi rằng tốt hơn hãy
giúp những người nghèo ở xứ sở của mình trước đã. Tôi xin trả lời rằng điều
quan trọng là mỗi người chúng ta biết làm một chút gì cho những người đang đau
khổ, bất cứ họ đang ở đâu... Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy nhiều người, thụ
động và cam chịu số phận, đã biết cởi mở".
Sự trưởng thành của
Giáo Hội được thể hiện qua ý thức mỗi lúc một sâu sắc của người giáo dân về vai
trò của mình. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng Giáo Hội là chuyện của
các giám mục, linh mục. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng nên thánh là
chuyện của vị giáo hoàng, các giám mục, linh mục và tu sĩ... Không ai chiếm giữ
độc quyền để nên thánh một mình. Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người
đã chịu Phép Rửa... Do đó, tất cả những lời khuyên trong Phúc Âm đều có giá trị
cho tất cả mọi người theo Chúa Kitô. "Hãy về bán hết mọi sự, phân phát cho
người nghèo khó và trở lại với Ta". Mệnh lệnh này không chỉ ngỏ với một số
thành phần ưu tuyển trong dân Chúa, nhưng là lệnh truyền cho tất cả mọi người.
Chúng ta không được sống
trong một xã hộ dư dật. Nghèo đói là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn
cho con người rơi vào. Tuy nhiên, bên cạnh sự nghèo đói cơm bánh, còn có một sự
nghèo đói còn đáng khiếp sợ hơn, đó là: nghèo đói tình thương... Có biết bao
người đang chờ một ít cơm thừa cá cặn từ bàn ăn của chúng ta? Có biết bao nhiêu
người đang mong mỏi một nghĩa cử yêu thương của chúng ta?
Thế giới cần được biến
đổi không chỉ bằng của cải vật chất, nhưng bằng chính tình thương mà con người
biết san sẻ với nhau. Sự san sẻ đó là: dù sống trong xã hội nào, dù trải qua
hoàn cảnh nào, mọi người Kitô chúng ta đều có thể và phải làm được. Và đó cũng
là bí quyết duy nhất để giúp chúng ta nên thánh.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét