Đồng cảm và giúp đỡ những ai đang khổ đau
Đồng cảm, tiến đến, trở lại: Xin Chúa ban ơn sủng, để chúng
ta có thể đồng cảm trước khổ đau của biết bao người, để chúng ta có thể tiến đến
gần họ, và với đôi tay của mình, chúng ta đưa những anh chị em ấy trở lại với
phẩm giá mà Thiên Chúa muốn ban cho họ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong
thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Lòng trắc ẩn
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu động lòng thương, tiến
lại gần và làm cho con trai duy nhất của bà góa thành Naim được sống lại. Trong
Cựu Ước, những người bé nhỏ nhất là các cô nhi, quả phụ, những khách ngoại kiều,
những người xa lạ. Chúng ta được mời gọi quan tâm chăm sóc những con người ấy,
để giúp họ có thể hòa nhập vào xã hội. Chúa Giêsu là người có khả năng nhìn vào
từng chi tiết của cuộc sống với trái tim từ bi thương xót. Chúa nhìn thấu trái
tim con người.
Chạnh lòng thương, đồng cảm là sự rung cảm của con tim và
không hề có chút gì mang tính loại trừ. Trong sự đồng cảm, trong lòng trắc ẩn,
không có chỗ cho những thứ tựa như sự trừng phạt, cũng không có sự phân biệt kiểu
như: Đúng là đồ tội lỗi nghèo hèn! Sự đồng cảm, lòng trắc ẩn thì bao gồm mọi
người. Động lòng thương có nghĩa là cùng đau khổ, cùng sẻ chia nỗi đau với người
khác.
Trong câu chuyện của bài Tin Mừng, Chúa nhìn đến, Chúa động
lòng trắc ẩn, Chúa hướng tới bà góa ấy đang đau khổ vì mất đứa con duy nhất. Tại
sao có cả một đám đông vây quanh mà Chúa không để tâm để ý? Bởi vì Chúa là Đấng
từ bi thương xót. Bởi vì với Chúa, những con người bé nhỏ thì vô cùng quan trọng.
Những con người bé nhỏ ấy luôn hiện diện trong trái tim Chúa. Bởi vì luôn luôn
có mối dây liên kết giữa trái tim Chúa với những con người ấy.
Không nhìn từ xa
Từ lòng trắc ẩn, từ cái chạnh lòng thương ấy, Chúa tiến đến,
Chúa tiếp cận những con người khổ đau. Bạn có thể thấy nhiều điều, nhưng bạn
không đi tới. Còn Chúa thì khác, Người không nhìn từ xa nhưng Người đi tới và
chạm vào thực tế của cuộc sống, thực tế của kiếp nhân sinh. Khi đến nơi, Chúa
không nói: “Chào tạm biệt nhé, tôi sẽ tiếp tục hành trình của tôi”. Không. Chúa
không nói thế. Chúa an ủi bà góa: Đừng khóc nữa! Chúa làm cho anh thanh niên sống
lại. Chúa trao anh thanh niên cho bà mẹ. Như thế, việc của Chúa là chạnh lòng
thương, là cứu chuộc con người, là đưa con người trở lại phẩm giá cao quý. Chúa
đã tái sinh tất cả chúng ta.
Hãy làm như thế theo gương Chúa Kitô. Hãy đến với những ai
đang cần, đừng giúp họ bằng cách đứng nhìn từ xa vì chê họ dơ bẩn. Đừng quên họ
dơ bẩn vì họ thiếu nước, vì họ không được tắm. Chúng ta thường xem tin tức, đọc
báo, nhưng hãy nhìn coi: các trẻ em ấy không có gì để ăn, các trẻ em phải trở
thành chiến binh, các phụ nữ phải trở thành nô lệ. Chúng ta có thể nói: Ôi, thật
là tệ hại! Ôi thật đáng thương những con người nghèo khổ! Sau đó chúng ta chuyển
sang các trang khác, ví dụ các cuốn tiểu thuyết. Nếu chỉ như thế, thì không phải
là một Kitô hữu.
Xin ơn biết cảm thương
Ngay bây giờ, tôi cần tự hỏi chính mình rằng: Tôi có lòng trắc
ẩn hay không? Tôi có cầu nguyện về điều ấy không? Khi tôi thấy những con người
khổ đau trên các phương tiện truyền thông, tôi có bị đụng chạm hay không, tâm hồn
tôi có động lòng thương hay không? Nếu bạn không hề cảm thấy gì, nếu bạn không
động lòng trắc ẩn, thì hãy xin Chúa tha thứ cho bạn với lời nguyện: “Lạy Chúa,
xin ban cho con ơn biết chạnh lòng thương!”.
Với lời cầu nguyện, với những công việc phục vụ, là các Kitô
hữu, chúng ta phải có khả năng giúp đỡ những ai đang đau khổ, để trả lại cho họ
cuộc sống xã hội, trả lại cho họ cuộc sống gia đình, trả lại cho họ công ăn việc
làm; nói ngắn gọn đó là cuộc sống thường ngày.
Tứ Quyết SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét