Phần hai bài phòng vấn ĐTC Phanxicô
trên máy bay từ Colombia về Roma
Ngày 11 tháng 9 vừa qua trên chuyến bay từ Cartagena bên
Colombia về Roma ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn
dài về nhiều vấn đề của Colombia cũng như các vấn đề quốc tế. Sau đây chúng tôi
xin gửi tới quý vị nội dung phần hai bài phỏng vấn này.
Sau các câu hỏi của các nhà báo Cesar Moreno, José Mujica,
Hernan Reyes, và Elena Pinardi, tới phiên anh Enzo Romeo.
Hỏi: Con xin chào ĐTC, con tiếp câu hỏi của chị Elena. Tại
sao trong các bài diễn văn tại Colombia ĐTC đã lại nhiều lần nói đến việc cần
phải làm hoà với Thụ tạo, tôn trọng môi sinh như điều kiện cần thiết để có thể
tạo ra một nền hoà bình xã hội ổn định. Và chúng ta trông thấy các hậu quả cuả
sự kiện khí hậu thay đổi cả tại Italia nữa. Con không biết ĐTC có biết tin không
đã có nhiều người chết tại tỉnh Livorno vì nước lũ và bùn.
Đáp: Có… sau ba tháng rưỡi không có mưa…
Hỏi: Vâng đúng thế. Tại Roma thì có biết bao nhiêu là thiệt
hại… vì thế chúng ta tất cả đều bị liên lụy trong tình trạng này. Nhưng mà tại
sao lại có sự chậm trễ trong việc ý thức như vậy, nhất là từ phía các chính quyền,
mà xem ra họ lại nhanh chóng đến thế trong các lãnh vực khác – luôn luôn liên
quan tói vấn đề vũ trang: chúng ta đang trông thấy thí dụ như cuộc khủng hoảng
của Đại Hàn, cả liên quan tới vấn đề này con cũng thích có được ý kiến của ĐTC…
Dáp: Tại sao? Tôi nhớ tới một câu trong Thánh Kinh Cựu Ước,
tôi tin là của Thánh Vịnh: “Con người là một đứa ngu dại, là một tên cứng đầu
không trông thấy”. Con con vật duy nhất của Thụ Tạo đặt chân vào cùng một cái lỗ
là con người. Con ngựa và các con vật khác thì không làm điều đó. Có sự kiêu
căng, sự tự đủ… “Không, nó không biết như vậy…” và rồi có ông thần Túi. Không
phải chỉ liên quan tới Thụ Tạo mà thôi đâu, nhưng đối với biết bao nhiêu điều,
biết bao nhiêu quyết định, biết bao nhiêu mâu thuẫn và vài mâu thuẫn này tuỳ
thuộc tiền bạc. Hôm nay tại Cartagena tôi đã bắt đầu một đàng gọi nó là phần
Cartagena nghèo nàn đáng thương. Nghèo nàn đáng thương. Đàng khác là phần du lịch,
sang trọng và sang trọng vô chừng mực luân lý, chúng ta hãy nói thế. Mà những
người đi tới đó họ không nhận ra điều này sao? Hay các chuyên viên phân tích,
các nhà xã hội chính trị không nhận ra sao? “Con người là một kẻ ngu si” Thánh
Kinh đã nói thế. Và như vậy khi người ta không muốn trông thấy, thì họ không
trông thấy. Người ta chỉ nhìn từ một phía thôi. Tôi không biết, và liên quan tới
Bắc Hàn tôi xin nói thật, tôi không hiểu, tôi thật sự không hiểu. Nhưng tôi tin
là đối với điều tôi thấy thì có sự tranh giành lợi lộc vượt thoát khỏi tôi, tôi
thực sự không giải thích được. Nhưng có điều khác quan trọng mà người ta không
ý thức được. Tôi nghĩ tới Cartagena hôm nay. Nhưng đây là điều bất công và người
ta có thể ý thức không? Đó là điều đến trong trí tôi. Xin cám ơn anh.
** Ông Burke nói: bây giờ tới phiên chị Valentina Alazraki.
ĐTC nói: A, chị trưởng nhóm…
Chị Valentina hỏi ĐTC ra sao, có đau không?
Đáp: Không, không đau, nó chỉ làm tôi bầm mắt thôi.
Hỏi: Nhưng chúng con lấy làm tiếc cả khi nó không làm ĐTC
đau. Thưa ĐTC mỗi lần gặp giới trẻ tại bất cứ phần đất nào trên trái đất này
ĐTC luôn luôn nói với họ: “Các bạn đừng để cho niềm hy vọng bị ăn trộm, đừng để
mình bị lấy trộm đi niềm vui và tương lai”. Rất tiếc bên Hoa Kỳ luật của “những
người mơ mộng” đã bị huỷ bỏ: chúng ta đang nói tới 800.000 người trẻ Mêhicô,
Colombia, và của biết bao nhiều quốc gia khác. ĐTC không tin rằng với luật này,
với việc huỷ bỏ này các bạn trẻ này mất đi niềm vui, niềm hy vọng và tương lại
hay sao? Thề rồi lợi dụng lòng tử tế của ĐTC và của các đồng nghiệp, con không
biết ĐTC có thể đọc một lời cầu nguyện nhỏ, có một tư tưởng nhỏ cho tất cả các
nạn nhân động đất tại Mêhicô và của cuồng phong Irma không? Con xin cám ơn ĐTC.
Đáp: Thật không…. vâng tôi hỏi không biết chị nói về
luật nào thế. Tôi đã nghe nói tới luật này, nhưng tôi đã không thể đọc các bài
viết và người ta đã quyết định như thế nào. Tôi không biết rõ luật này, nhưng
mà trước hết tách rời người trẻ khỏi gia đình không phải là một điều cho kết quả
tốt: không tốt cho người trẻ, cũng không tốt cho gia đình, Tôi nghĩ rằng
luật này không đến từ Quốc hội nhưng từ Ban hành pháp và nếu là như thế - nhưng
mà tôi không chắc – thì có hy vọng là người ta nghĩ lại một chút. Bởi vì tôi đã
nghe tông thống Mỹ nói chuyện: ông ta trình diện như một người bênh vực sự sống,
và nếu ông là một người phò sự sống giỏi, thì ông hiểu rằng gia đình là chiếc
nôi của sự sống, và phải bênh vực sự hiệp nhất của nó. Vì thế tôi muốn nghiên cứu
kỹ lưỡng luật này. Nhưng đúng thật là khi người trẻ cảm thấy – nói chung trong
trường hợp này hay trong các trường hợp khác – khi người trẻ cảm thấy họ bị
khai thác, như trong biết bao nhiêu trường hợp, thì sau cùng họ cảm thấy không
có hy vọng. Và ai ăn cắp niềm hy vọng ? Đó là ma tuý, các tuỳ thuộc khác, tự tử…
Người trẻ tự tử là sự kiện rất mạnh, và nó xảy ra, khi họ bị giật khỏi các gốc
rễ. Thật rất quan trọng tương quan của một người trẻ với các gốc rễ của họ.
Ngày nay các người trẻ bị bứng gốc kêu cứu: họ muốn tìm trở lại gốc rễ của họ.
Chính vì thế tôi nhấn mạnh rất nhiều trên cuộc đối thoại giữa các người trẻ và
người già… bởi vì ở đó có các gốc rễ, và chúng ở xa hơn một chút, để tránh các
xung khắc có thể có với các gốc rễ gần hơn như gốc rễ của cha mẹ. Nhưng giới trẻ
ngày nay cần tìm lại được các gốc rễ. Bất cứ điều gì đi ngược lại các gốc rễ,
thì ăn cắp niềm hy vọng. Tôi không biết tôi đã trả lời ít nhiều cho câu hỏi của
chị chưa.
Hỏi: Họ có thể bị đầy khỏi Hoa Kỳ thưa ĐTC…
Đáp: Vâng, vâng: họ mất đi một gốc rễ… Đây là một vấn đề.
Nhưng thật thế tôi không muốn có ý kiến liên quan tới luật này, bởi vì tôi đã
không đọc nó và tôi không thích nói về điều mà tôi đã không nghiên cứu trước.
Thế rồi chị Valentina là người Mêhicô và đất nước Mêhicô đã đau khổ biết bao
nhiêu, và với chuyện cuối cùng này tôi xin tất cả mọi người vì tình liên
đới với chị trưởng nhóm – và có một anh trưởng nhóm khác nữa ở đầu kia – tôn
xin một lời cầu nguyện cho quê hương của chị. Xin cám ơn.
** Ông Burke nói : Xin cám ơn ĐTC. Bây giờ tới phiên
anh Fausto Gasparroni của hãng thông tấn ANSA
Hỏi : Thưa ĐTC, nhân danh nhóm các nhà báo nói tiếng
Ý con muốn hỏi một câu liên quan tới vấn đề của người di cư, cách riêng sự kiện
mà Giáo Hội Italia mới đây đã nói lên – chúng ta hãy nói như thế - một loại cảm
thông đối với chính sách mới của chính quyền là thắt chặt vấn đề các cuộc khởi
hành từ Libia và như vậy thắt chặt các vụ đổ bổ vào Italia. Người ta cũng viết
rằng đã có một cuộc gặp gỡ của ĐTC với ngoại trưởng Gentiloni. Chúng con muốn biết
đề tài này đã có thực sự được đề cập tới trong cuộc gặp gỡ này hay không, đã có
cuộc gặp gỡ hay không và đề tài có được nói tới hay không, và nhất là ĐTC nghĩ
gì về đường lối chính trị đóng các cuộc khởi hành này, cũng để ý đến sự kiện
các người di cư ở trên đất Libia – như đã được các cuộc điều tra chứng minh – họ
phải sống trong các điều kiện vô nhân, trong các điều kiện vô cùng bấp bênh.
Con xin cám ơn ĐTC.
Đáp : Trước hết cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Gentiloni
đã là một cuộc gặp gỡ cá nhân và không liên quan tới đề tài này. Cuộc gặp gỡ đã
xảy ra trước vấn đề. Vấn đề đã nảy sinh sau vài tuần, hầu như một tháng sau.
Nghĩa là truớc khi có vấn đề.
Thứ hai, tôi cảm thấy có bổn phận biết ơn hai nước Italia và
Hy Lạp, vì họ đã mở rộng con tim cho người di cư. Nhưng mở rộng con tim thôi
không đủ. Vấn đề của người di cư là trước hết rộng mở con tim, luôn luôn rộng mở
con tim. Vì đó cũng là một điều răn của Chúa dậy tiếp đón họ, « vì ngươi
đã là nô lệ, di cư bên Ai Cập », Thánh Kinh nói thế. Nhưng một chính quyền
phải diều hành vấn đề này với nhân đức riêng của người cai trị, nghĩa là với sự
thận trọng. Nó có nghĩa là gì ? Trước hết : tôi có bao nhiêu chỗ ?
Thứ hai : không chỉ tiếp nhận họ, nhưng phải sát nhập họ vào cuộc sống.
Sát nhập họ. Tôi đã trông thấy biết bao nhiêu thí dụ - ở Italia này – các thí dụ
hội nhập rất tốt đẹp ; Khi tôi đến thăm đại học Roma III, đã có 4 sinh
viên hỏi tôi ; chị sinh viên cuối cùng đưa ra câu hỏi. Tôi nhìn chị, và
gương mặt này tôi biết mà. Và chị là bạn trẻ gần một năm trước đến từ đảo Lesbo
với tôi trong cùng chuyến bay. Chị đã học tiếng, và vì chị đã học môn sinh học
tại nước của chị, nên chị đã xin được công nhận ngang hàng với chương trình tại
Italia và đã tiếp tục học. Chị đã học tiếng Ý… điều này gọi là hội nhập. Trong
một chuyến bay khác khi tôi từ Thụy Điển trở về, tôi tin thế, tôi đã nói
về chính sách hội nhập của Thụy Điển như một mô thức, và cả chính quyền Thụy Điển
cũng đã nói : « Con số là thế này. Nhiều hơn thì tôi không thể nhận »,
bởi vì có nguy cơ không hội nhập. Thứ ba, có một vấn đề nhân đạo, là vấn đề mà
anh đề cập tới. Nhân loại ý thức được các trại tập trung này, về các điều kiện
mà anh nói tới trong sa mạc. Tôi đã trông thấy các hình chụp… Trước hết là các
người khai thác bóc lột… Tôi tin rằng anh đã nói tới chính quyền Italia, chính
quyền cho tôi cảm tưởng là đang làm tất cả cho các công tác nhân đạo là cũng giải
quyết vấn đề mà họ không thể đảm trách. Nhưng con tim luôn rộng mở, thận trọng,
hội nhập và gần gũi nhân đạo. Và có một điều cuối cùng, đây là điều tôi muốn
nói và điều này có giá trị nhất là đối với Phi châu. Có trong tiềm thức tập thể
của chúng ta một khẩu hiệu, một nguyên tắc : « Phải khai thác bóc lột
Phi châu ». Hôm nay tại Cartegena chúng ta đã trông thấy một thí dụ
của việc khai thác bóc lột con người. Và một thủ tướng chính phủ đã làm và đã
nói lên một sự thật rất đẹp : « Những người chạy trốn chiến tranh là
một vấn đề. Nhưng có biết bao nhiêu người chạy trốn đói khát : chúng ta
hãy đầu tư tại đó để cho họ lớn lên ». Nhưng trong tiềm thức tập thể có sự
kiện là biết bao quốc gia phát triển sang Phi châu là để khai thác bóc lột. Và
chúng ta phải lật ngược tình thế : Phi châu là bạn và cần được trợ giúp để
lớn lên. Thế rồi có các vấn đề khác của chiến tranh đi theo các phe khác. Không
biết với điều này tôi đã minh giải vấn đề chưa…
** Ông Burke nói còn một câu hỏi cuối cùng nữa của anh
Xavier Le Normand.
Hỏi : Thưa ĐTC, hôm nay sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã
nhắc tới Venezuela. ĐTC đã nói rằng phải đẩy lui mọi loại bạo lực trong cuộc sống
chính trị. Ngày thứ năm sau Thánh Lễ tại Bogota ĐTC đã chào 5 Giám Mục
Venezuela. Chúng ta đều biết Toà Thánh đã và còn dấn thân rất nhiều cho một cuộc
đối thoại tại nước này. Từ nhiều tháng qua ĐTC đã kêu gọi chấm dứt mọi bạo lực.
Nhưng tổng thống Maduro một đàng đã có những lời lẽ rất bạo lực chống lại các
Giám Mục, đàng khác ông cũng nói rằng ông đứng về phía ĐGH Phanxicô. Có thể có
các lời lẽ mạnh mẽ hơn nữa và có lẽ rõ ràng hơn nũa không thưa ĐTC. Con xin cám
ơn.
Đáp : Tôi tin rằng Toà Thánh đã nói rất mạnh và một cách
rõ ràng. Điều mà tổng thống Maduro nói thì chính ông phải giải thích : tôi
không biết tổng thống có gì trong trí ông. Nhưng Toà Thánh đã làm biết bao, đã
gửi tới đó, trong nhóm làm việc của bốn nguyên tổng thống, đã gửi một Sứ Thần
hàng đầu, rồi đã nói, đã nói với nhiều người, đã nói một cách công khai. Biết
bao nhiêu lần trong Kinh Truyền Tin tôi đã nói về tình hình bằng cách luôn luôn
tìm một lối thoát cho Venzuela và trợ giúp, bằng cách cống hiến trợ giúp để ra
khỏi tình trạng này. Tôi không biết… nhưng xem ra rất khó, và điều đau lòng nhất
là vấn đề nhân đạo : biết bao nhiêu người trốn chạy và khổ đau ; cũng
có một vấn đề nhân đạo mà dầu sao đi nữa chúng ta cũng phải giúp giải quyết.
Tôi tin rằng Liên Hiệp Quốc cũng phải lên tiếng để trợ giúp.
** Ông Burke nói : Thưa ĐTC con tin là chúng ta phải kết
thúc. ĐTC hỏi : vì các dằn sóc của máy bay phải không ? Ông
thưa : vâng.
ĐTC nói :
Người ta nói là có vài dằn sóc và chúng ta phải đi về
chỗ ngồi. Tôi cám ơn anh chị em, tôi cám ơn anh chị em rất nhiều vì công việc của
anh chị em. Và một lần nữa tôi muốn cảm ơn gương sáng của nhân dân Colombia. Và
tôi muốn kết thúc với một hình ảnh, hình ảnh đã đánh động tôi nhất nơi người
Colombia, trong bốn thành phố tôi thăm viếng đã có đông dân chúng đứng hai bên
đường chào đón. Điều đã đánh động tôi nhất là thấy các người cha, các bà mẹ giơ
con lên cao cho chúng trông thấy Giáo Hoàng và để Giáo Hoàng chúc lành cho
chúng. Như thể nói : « Đây là kho tàng của con, đây là niềm hy vọng của
con, đây là tương lai của con. Con tin vào đó ». Điều đó đã đánh động tôi.
Sự hiền dịu. Các đôi mắt của các người cha, các đôi mắt của các bà mẹ. Rất
đẹp. Rất đẹp ! Đây là một biểu tượng, biểu tượng của niềm hy vọng của
tương lai. Một dân tộc có khả năng sinh con cái, rồi cho thấy chúng, làm cho
chúng trông thấy như vậy, như thể để nói rằng : « Đây là kho tàng của
tôi ». Đó là một dân tộc có niềm hy vọng và có tương lai. Xin cám ơn anh
chị em rất nhiều.
** Ông Burke đại diện các nhà báo cám ơn ĐTC và chúc ngài
nghỉ ngơi tốt.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét