Sơ lược một số nền Thần học khác
nhau
Trần Việt Kim Đài
17/Sep/2017
1. Thần Học Tín Điều (Dogmatic Theology)
Thần Học Tín Điều là nền thần học dựa trên tín lý được thẩm quyền Giáo Hội chính thức chuẩn nhận theo định nghĩa của chữ "dogma" (Hy Lạp và La Tinh). Trên căn bản, Thần Học Tín Điều được nhắc tới trong văn bản tin lý của các giáo hội có cơ cấu tổ chức như Giáo Hội Công Giáo Rôma chẳng hạn.
Danh xưng này lần đầu được biết đến vào năm 1659, theo như tựa đề một quyển sách của L. Reinhardt, và sau đó được sử dụng rộng rãi suốt thời Phục Hưng, và sau này khi nói đến những văn kiện tín lý do Giáo Hội hình thành. Thần Học Tín Điều được dùng qua các công đồng chung để giải quyết những vấn đề liên quan đến tín lý chống lại các tà thuyết. Những tuyên tín là những tín điều được Giáo Hội công khai chuẩn thuận và buộc mọi tín hữu phải chấp nhận. Một trong những mục đích của Thần Học Tín Điều là giúp Giáo Hội hình thành và thông chia những tín điều được coi là căn bản thiết yếu của căn tính Ki Tô, mà nếu ai chối bỏ chúng, sẽ thành người lạc giáo.
Đôi khi có những lẫn lộn giữa Thần Học Tín Điều và Thần Học Hệ Thống vì chúng xem như phảng phất giống nhau, nhưng thực chất rất khác nhau. Sự khác biệt căn bản là Thần Học Tín Điều liên quan đến tín lý, cho nên dù thường dùng cùng cách thức như Thần Học Hệ Thống, nhưng phải được sự phê chuẩn của huấn quyền Giáo Hội, và can hệ trực tiếp đến mọi thành viên cúa Giáo Hội, trong khi Thần Học Hệ Thống không cần đến sự phê chuẩn này.
2. Thần Học Hệ Thống (Systematic Theology)
Thần Học Hệ Thống là sự phân định Thần Học ra nhiều mảng cho nhiều lãnh vực khác nhau. Tỉ như, nhiều quyển trong Kinh Thánh viết về thiên thần nhưng không quyển nào viết đầy đủ về thiên thần, nên Thần Học Hệ Thống thu gom các tài liệu về thiên thần trong toàn bộ Kinh Thánh lại, và hệ thống hóa thành môn "Thiên Thần Học" (Angelology), nghĩa là các giảng dạy về thiên thần trong Kinh Thánh được hệ thống hoá.
Cũng thế, Thần Học Hệ Thống được phân định thành những chuyên ngành như những môn "Thiên Phụ Học" (Paterology) về Thiên Chúa Ngôi Cha, "Ki Tô Học" (Christology) về Thiên Chúa Ngôi Hai, "Thần Khí Học " (Pneumatology) về Thiên Chúa Ngôi Ba, hoặc "Kinh Thánh Học" (Bibliology), " Cứu Thế Học"(Sotenriology), "Giáo Hội Học"(Ecclesiology), "Cánh Chung Học" (Eschatology) hay "Quỉ Thần Học Ki Tô" (Christian Demonology) là học về quỉ thần dưới nhãn quan Ki Tô Giáo, hay "Tội Lỗi Học"(Hamartiology) là học về những gì liên quan đến tội.
Thần Học Hệ Thống là phương tiện cần thiết giúp chúng ta hiểu rõ, và giảng giải Kinh Thánh theo từng chủ điểm thần học một cách thứ tự lớp lang hơn,
3. Thần Học Thực Dụng (Practical Theology)
Thần Học Thực Dụng nhắm tới việc áp dụng ngành thần học cách hữu dụng và thích đáng vào những mối quan tâm thường ngày. Thần Học Thực Dụng là phát triển khả năng ứng dụng Kinh Thánh của những người mang viễn ảnh tạo được sự trưởng thành nơi tín hữu, trong khi họ vẫn là những nhà lãnh đạo thừa tác mục vụ. Chương trình trong chủng viện hay tu viện dạy việc áp dụng thực hành qua việc thao luyện thần học mục vụ, môn thuyết giảng, và nhất là sửa soạn chủng sinh hay tu sinh để họ đưa sự hiểu biết của mình cách hiệu quả vào việc mục vụ. Chính việc họ áp dụng tín lý thần học, sau khi đã suy niệm sâu xa, vào đời sống hằng ngày của các Ki Tô hữu, tức là họ tiếp tục biến cải thế giới theo ý muốn Thiên Chúa. Chuyện này không chỉ liên quan đến cá nhân và gia đình tu sinh, mà còn liên quan đến cả ngành quản trị lẫn ngành giáo huấn của Giáo Hội nữa.
Thần Học Thực Dụng trong thế giới hôm nay rất cần thiết cho những nhà lãnh đạo Ki Tô vì họ không chỉ cần phải thông suốt thần học, mà còn phải có được kỹ năng nhà nghề cần thiết, như giảng dạy, huấn luyện, tham vấn hoặc y tế...
4. Thần Học Triết Lý (Philosophical Theology)
Đây là ngành thần học sử dụng phương pháp triết học để tìm hiểu rõ hơn những sự thật siêu hình thần thánh.. Trong nhiều thế kỷ, khá nhiều tranh cãi giữa lập luận cho rằng thần học và triết học là hai phạm trù biệt lập không thể có bất cứ một liên quan nào, ngược với lý luận cho rằng triết học và suy luận là cần thiết cho việc hiểu đúng đắn mặc khải từ trời. Số trung dung còn lại cho rằng: triết học là một phương tiện hữu dụng nhưng bất toàn cho thần học dựa vào.
Thần Học Triết Lý phát sinh trong thế kỷ 17 và 18 khi những nhà tư tưởng thuộc phong trào Khai Minh (Enlightenment Thinkers) và nhóm Thời Đại (Modernists) tấn công Giáo Hội. Hai nhóm này chủ trương dùng lý tính con người để chế ngự toàn thể văn hóa hay tư tưởng nhân loại. Để tìm cách chống lại mà bảo vệ đức tin và bảo vệ các mạc khải từ trời, các nhà thần học đã sử dụng Thần Học Triết Lý. Đây là ý tưởng đã được thánh Thomas Aquinas viện dẫn triết thuyết của Socrates và Aristotle trong nỗ lực tìm hiểu những ý niệm được đề cập tới trong Kinh Thánh.
Những nhà hộ giáo ngày nay cũng dùng phương tiện này, chẳng hạn như "Mục Đích Luận"(Teleology Arguments: nếu cái gì trên thế giới cũng có mục đích, thì Mục Đích Tối Hậu phải là Thượng Đế) khi nói về sự hiện hữu của Thượng Đế; hay như "Tồn Hữu Luận" (Ontological Arguments: vì Thượng Đế là Hoàn Toàn, tất nhiên Thượng Đế phải tồn hữu) khi nói về sự vĩnh hằng của Thượng Đế.
Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận, vì có nhiều cạm bẫy tinh thần khi theo đuổi triết học, như thánh Phaolô căn dặn Timôthê : "anh Ti-mô-thê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng và những vấn đề của tri thức giả hiệu. Có những kẻ vì chủ trương cái tri thức đó, nên đã lạc mất đức tin"(Tim . 6;20-21)
Những lý thuyết do suy đoán của con người không thêm gì vào cho Lời của Chúa. Ông Job và bạn bè ông đã từng cố gắng tìm hiểu đường lối của Thiên Chúa nhưng thất bại, vì suy luận trần thế sẽ che khuất mặc khải từ trời, nên cuối cùng, Thiên Chúa mắng trách họ rằng: "Ai đã dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết để làm cho kế hoạch của Ta ra tối tăm khó hiểu?" (Job 38:2)
Thần Học Triết Lý được sử dụng đúng hay sai tùy vào động lực và ưu tiên của mỗi con người. Nếu vì tham vọng tìm hiểu Thiên Chúa bằng những ngụy tạo của trí khôn, thì sẽ thất vọng như những kẻ muốn lên trời gặp Thượng Đế khi xây tháp Babel vậy. Nhưng nếu vì tình yêu và lòng khao khát tìm biết Thiên Chúa thêm hơn mỗi ngày, thì sự tìm kiếm sẽ được Ngài tưởng thưởng. Triết học không phải là sự thật, nhưng là phục vụ sự thật vì giúp nắm giữ sự thật vững vàng hơn. Kinh Thánh là quan án của triết học chứ không phải ngược lại: "Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người" (Dt.. 4:12)
5. Thần Học Hoàn Cảnh (Contextual Theology)
Thần Học Hoàn Cảnh cũng gọi là Thần Học Lệ Thuộc Văn Hoá (Enculturation) tức là Giáo Hội uyển chuyển việc áp dụng thần học theo trào lưu văn hóa của từng thời ở mỗi nơi khác nhau. Ngay từ thủa sơ khai, Giáo Hội đã theo văn hóa Do Thái và Rô Ma thời ấy, nên "Phàm người nam nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà che đầu, thì hạ nhục Đấng làm đầu mình. Phàm người nữ nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà lại để đầu trần, thì làm nhục kẻ làm đầu mình, vì người ấy như thể trọc đầu vậy" (1 Cor. 11:4-5)
Đàn bà phải che đầu khi cầu nguyện kẻo gây nên sự xúc phạm, vì không che đầu được coi là trọc đầu theo văn hoá Do Thái, và theo văn hóa La Hy bấy giờ, thì những cô muốn làm "gái điếm tại đền" (shrine prostitutes) buộc phải dâng mình làm hi lễ tại các ngôi đền dâng kính nữ thần tình yêu Aphrodite trong khắp thành Côrinhtô bằng cách cạo trọc đầu. Ngày nay, trọc đầu là do bệnh tật hay do ý muốn tự do, nên đàn bà che đầu hay không che đầu, không còn mang ý nghĩa xúc phạm nào nữa.
Nói chung, Thần Học Hoàn Cảnh phải được áp dụng rất cẩn thận, sao cho phù hợp với giáo huấn của Đức Ki Tô, đồng thời cũng được nền văn hóa địa phương chấp nhận. Ngay như việc thờ ngẫu tượng ở Á Châu và Trung Đông cho đến ngày nay vẫn thịnh hành, nên tại những nơi đó, Thiên Chúa của Ki Tô Giáo cũng chỉ là một "thêm vào " ( an addition) cho sự dư thừa ngẫu thần mà dân địa phương đang sùng bái.
6. Thần Học Giải Phóng (Liberation Theology )
Thần Học Giải Phóng là một phong trảo cố gắng giải thích Kinh Thánh dưới nhãn quan của người nghèo. Theo họ, những người theo Đức Ki Tô đích thực phải hoạt động để kiến tạo một xã hội công bằng, bằng cách thay đổi thể chế chính trị và nếp sống xã hội, và phải tự đặt mình bằng tầm với giới lao động. Với họ, bảo vệ quyền lợi của người nghèo là trọng điểm của Tin Mừng như Chúa Giêsu đã từng chú tâm đến người nghèo hèn khốn khổ. Vì thế mọi giáo điều của Giáo Hội phải được khai triển dưới nhãn quan của người nghèo.
Thần Học Giải Phóng khởi thủy phát sinh từ Công Giáo Rôma tại Nam Mỹ La Tinh như một đáp trả lại sự bành trướng của nghèo hèn và sự chèn ép bất công trong xã hội, mà quyển sách nhan đề "Thần Học Giải Phóng" của linh mục Gustavo Gutierrez năm 1971 là chỉ nam cổ võ phong trào này.
Thần Học Giải Phóng giải thích lời Kinh Chúc Tụng (Magnificat) của Đức Maria trong Luca 1: 52-53 là: Đức Maria tỏ ra hứng khởi vui mừng vì Thiên Chúa đã giải phóng người nghèo vật chất, nuôi ăn người đói khát xác thân và hạ bệ những kẻ lắm bạc nhiều tiền.
Họ viện dẫn các tiên tri Cựu Ước như Malachi 3:5, Isaia 58:6-7, như chứng liệu để họ thúc đẩy phong trào tiến lên. Họ cũng dùng lời Chúa Giê Su để chứng tỏ rằng Ngài tỏ lòng thương cảm đối với người nghèo khi nói: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức" (Luc. 4:18)
Theo Thần Học Giải Phóng thì Chúa Giê Su không thúc đẩy để kiến tạo một xã hội an bình kiên vững, nhưng là một xã hội xáo trộn bất an khi Ngài nói: "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo"(Mat. 10:34)
Những nhà phê bình cho rằng Thần Học Giải Phóng kết giao với chủ nghĩa Mác Xít và xem như một dạng thức tôn giáo của những chính sách xã hội hoàn toàn thất bại. Vì thế đã có những viên chức tòa thánh Vatican và nhiều vị Giáo Hoảng đã lên tiếng chống lại Thần Học Giải Phóng. Nhiều lý do để Công Giáo chống lại Thần Học Giải Phóng, vì Thần Học Giải Phóng nhấn mạnh đến phần thực hành hơn phần tín lý, và họ chối bỏ quyền bính của phẩm trật trong cơ sở giáo triều - họ cổ võ những cộng đồng bản địa ngoài sự kiểm soát của Giáo Hội, nghĩa là họ qua mặt hàng giáo sĩ Công Giáo.
Thần Học Giải Phóng vượt biên giới Nam Mỹ đến Haiti và cả Nam Phi. Riêng tại Hoa Kỳ, mục sư Jeremiah Wright giảng dậy nền Thần Học Giải Phóng Da Đen (Black Liberation Theology) tại Trinity United Church Of Christ, nơi TT Obama là thành viên từng nghe giảng 20 năm trời. Thần Học Giải Phóng có mối tương quan mật thiết với phong trào giải phóng phụ nữ, vì họ cùng cho rẳng phụ nữ là nhóm người bị chèn ép cần phải được giải phóng.
Kinh Thánh dậy người theo Đức Ki Tô phải chăm sóc người nghèo (Galat 2:10; Gia 2:15) và chống lại sự lươn lẹo của nhà giầu (Mat 4:19). Tuy nhiên, Thần Học Giải Phóng đã sai lầm nhiều chỗ, mà sai lầm lớn lao dễ nhận nhất là đặt hoạt động xã hội ngang bằng sứ điệp Tin Mừng. Nuôi người đói ăn không thể thay thế Tin Mừng Ki Tô. Kinh Thánh viết: "Bấy giờ ông Phêrô nói: vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi" ( Cv. 3:6), bởi vì nhu cầu chính yếu của nhân loại là tinh thần, không phải xã hội.
Ngoài ra, Tin Mừng được dành cho mọi người, mọi thời và mọi nơi, bất kể nghèo khó hay giầu sang. Cả đám mục đồng lẫn ba vị đại gia khi đến chúc mừng Thiên Chúa giáng sinh đều được tiếp đón như nhau.
Nếu như coi trọng nhóm người này hơn nhóm người kia, đó chính là kỳ thị, trong khi "Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được người chấp nhận"(Cv. 10:34-35).
Hãy luôn nhớ rằng Đức Ki Tô mang lại sự Hiệp Nhất cho Giáo Hội của Ngài chứ không phải sự chia rẽ cách ngăn theo lằn ranh xã hội, kinh tế, chủng tộc hay phải tính, đúng như Kinh Thánh viết:"Nhưng (chúng ta) sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện vươn tới Đức Ki-tô, vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạnh nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế, Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái" (Eph. 4:15-16)
Phỏng dịch dựa theo gotquestion.org. Những câu Kinh Thánh đều được trích dẫn từ quyển Kinh Thánh Trọn Bộ do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ấn hành năm 1998.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét