05/12/2017
Thứ Ba tuần 1 mùa vọng
Bài Ðọc I: Is 11: 1-10
"Chúa lấy đức
công bình mà xét xử người nghèo khó".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Ngày ấy, từ gốc Giê-sê
sẽ đâm ra một bông hoa.
Trên bông hoa ấy, thần
linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn
và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ
Thiên Chúa.
Ngài không xét đoán
theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức
công bình mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ
hiền lành trong xứ sở.
Ngài sẽ dùng lời như gậy
đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác.
Ngài lấy đức công bình
làm dây thắt lưng và lấy sự trung tín làm đai lưng.
Sói sống chung với
chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau;
con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy.
Bò con và gấu sẽ ăn
chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều
ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sửa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi
bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc.
Các thú dữ ấy không
làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta.
Bởi vì thế gian sẽ đầy
dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đại dương.
Ngày ấy gốc Giê-sê đứng
lên như cờ hiệu cho muôn dân.
Các dân sẽ khẩn cầu
Ngài và mộ Ngài sẽ được vinh quang.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 71,2,
7-8,12-13,17
Ðáp: Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở
trong triều đại người.
Xướng 1) Lạy Chúa, xin
ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để
người đoán xét dân Chúa cách công minh và phân xử người nghèo khó cách chính trực.
- Ðáp.
2) Sự công chính và nền
hòa bình viên mãn, sẽ triển nở trong triều đại người, cho tới khi mặt trăng
không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông
cái đến tận cùng trái đất. - Ðáp.
3) Vì người sẽ giải
thoát kẻ nghèo khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ.
Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu sống người cùng khổ.
- Ðáp.
4) Chúc tụng danh người
đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ
đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. - Ðáp.
Alleluia: Tv 84,8
Alleluia, alleluia - Lạy
Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng tôi, và ban ơn cứu rỗi cho chúng tôi. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10: 21-24
"Chúa Giêsu đầy
hoan lạc trong Chúa Thánh Thần"
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đầy
hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con
xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những
điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ.
Vâng lạy Cha, đó là ý
Cha đã muốn thế.
Cha Ta đã trao phó cho
Ta mọi sự.
Không ai biết Chúa Con
là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con,
và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!"
Rồi Chúa Giêsu quay lại
phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều
chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã
muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều
chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Mặc Khải Cho
Kẻ Bé Mọn
Chúng ta đang bước vào
Mùa Vọng là mùa trông đợi Ðấng Cứu Thế mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Chờ đợi
là thời gian dài thăm thẳm, vì theo tâm lý thì thời gian như kéo dài thêm ra.
Trải qua một thời kỳ lịch sử Cựu Ước, kể từ khi con người phạm tội phản nghịch
qua Adam và Evà, biết bao nhiêu tổ phụ, bao nhiêu tiên tri đã được sai đến dọn
đường cho Con Thiên Chúa là Ngôi Hai mặc lấy thân xác con người, gánh lấy tội lỗi
con người và làm cho con người được ơn cứu rỗi.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay
thuật lại cho chúng ta lời cầu nguyện của Chúa Giêsu để mạc khải cho chúng ta
biết bản tính Thiên Chúa của Ngài: "Không ai biết Chúa Con ngoại trừ ra
Cha, cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào ngoài Chúa Con và những người được
Chúa Con muốn tỏ cho biết".
Ðôi mắt con người chỉ
nhìn xem những vật hữu hình, nếu quá nhỏ có thể dùng kính hiển vi, nếu quá xa
có thể dùng kính thiên văn. Trí óc con người có thể suy nghĩ một cách hạn hẹp
trong khả năng giới hạn nào đó mà thôi, ví dụ chúng ta có thể nhìn thấy ngôi
nhà chúng ta đang ở, chúng ta biết nó không phải tự nhiên mà có nhưng phải do
bàn tay thợ nề, thợ mộc, do con người làm nên và tạo ra. Khi nhìn đồng hồ treo
tường hay treo đồng hồ đeo tay, chắc hẳn trong chúng ta không ai nghĩ rằng nó tự
nhiên mà có nhưng phải có người suy tính và tạo ra.
Từ những thí dụ cụ thể
trên, chúng ta có ý nghĩ: Con người chúng ta không phải tình cờ hay ngẫu nhiên
mà được sinh ra. Ða số ai cũng chấp nhận có ông Trời tạo dựng nên và điều khiển
vũ trụ. Tuy nhiên trí óc con người không dừng lại ở đó, trí óc họ không thể hiểu
thêm gì về ông Trời đó, chỉ có thể tưởng tượng ra ông Trời cũng biết thương, biết
giận, biết ghét, biết khen thưởng hay trừng phạt như con người. Và con người
cũng thường nói: "Ông Trời có mắt" để cùng nhau làm lành làm dữ, sống
hòa thuận, bớt làm điều tai ác.
Chúa Giêsu mặc lấy
thân phận con người để tiết lộ cho chúng ta biết về Thiên Chúa qua lời cầu nguyện
của Ngài hôm nay với Thiên Chúa Cha: "Không ai biết Thiên Chúa Cha ngoại
trừ ra Con". Thiên Chúa Con, Ngài từ trời xuống nên Ngài biết rõ những việc
trên trời nơi Ngài đã ở với Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu còn cho
chúng ta biết về Thiên Chúa Cha có Ba Ngôi, và khi Ngài chịu Phép Rửa ở sông
Jordan, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, đồng
thời có tiếng Thiên Chúa Cha phán ra từ đám mây: "Này là Con Ta yêu dấu, rất
đẹp lòng Ta mọi đàng". Và trước khi về Trời, Chúa Giêsu cũng đã truyền lệnh
cho các môn đệ: "Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân và rửa tội cho họ
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Như vậy, con người không thể biết được
về bản tính Thiên Chúa nếu Chúa Giêsu Kitô không mạc khải truyền lệnh cho các
môn đệ: "Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh
Cha và Con và Thánh Thần". Như vậy, con người không thể biết được về bản
tính Thiên Chúa nếu Chúa Giêsu Kitô không mạc khải cho chúng ta biết, và lời
Ngài trên đây cũng cho chúng ta biết thêm dẫn chứng về ngôi vị Thiên Chúa:
"Không phải những kẻ thông thái khôn ngoan biết những điều này nhưng là những
kẻ đơn sơ". Những kẻ đơn sơ bé mọn đó chính là chúng ta.
Chúng ta đang ở trong
Mùa Vọng để chuẩn bị đón mừng một mầu nhiệm rất trọng đại, mầu nhiệm Ngôi Hai
Thiên Chúa giáng trần đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. Chúng ta là những người
thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, thuộc mọi quốc gia, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi
trình độ, mọi ngôn ngữ khác nhau, không phân biệt nhưng cùng chung một niềm
trông đợi Ðấng Cứu Thế đem bình an đến cho mọi tâm hồn.
Chúa Giêsu đã chúc
lành cho chúng ta: "Hạnh phúc cho những người được xem thấy những điều
chúng con xem thấy, vì đã có nhiều tiên tri, vua chúa đã muốn xem những điều
chúng con thấy mà chẳng được xem". Biết bao nhiêu người hiện nay chưa biết,
chưa được nghe đến Tin Mừng của Chúa, vì chưa được ai rao giảng cho họ.
Lạy Chúa, xin cho mỗi
người chúng con tin vững vàng vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai Nhập Thể để
chúng con sống thật với mầu nhiệm yêu thương ấy. Xin Chúa cho mỗi người trong
chúng con sống trọn vẹn tâm tình tha thiết mong đợi Ðấng Cứu Thế đến để cứu rỗi
nhân loại chúng con. Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần I MV2
Bài đọc: Isa
11:1-10; Lk 10:21-29.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa
làm những chuyện không thể đối với con người.
Trong Bài đọc I, tiên
tri Isaiah cho dân một hy vọng: Khi Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy và vương quốc
Judah thất thủ, các vua quan của Judah bị lưu đày qua Babylon. Sau gần 50 năm
lưu đày, họ được Vua Batư, Darius, cho hồi hương để xây dựng lại Đền Thờ và kiến
thiết xứ sở. Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ lãnh đạo dân để tái thiết xứ sở? Người
lãnh đạo này phải thuộc giòng dõi của David; và Zerubbabel hội đủ điều kiện để
lãnh đạo dân (x/c Hag 1:1, Zech 4:9). Từ giòng dõi Zerubbabel sẽ xuất hiện Đấng
Thiên Sai (Mt 1:12). Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải Kế Họach Cứu Độ cho các
môn đệ và chỉ cho các ông cách làm sao để đạt đích điểm của cuộc đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Làm sao kiếm được Vua công chính cai trị dân?
1.1/ Làm sao kiếm được
Vua cai trị Israel sau Thời Lưu Đày? Tiên
tri Isaiah nói về Đấng Thiên Sai như sau: “Từ gốc tổ Jesse, sẽ đâm ra một nhánh
nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ ngự
trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và can đảm, thần
khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.” Ông Jesse là cha của Vua David. Vương quốc
Judah được ví như một cây, bị chặt sát gốc trong thời gian lưu đày, tưởng chừng
như đã chết; nhưng Thiên Chúa đã phục hồi và làm cho sống. Bắt đầu từ một nhánh
nhỏ, sẽ mọc lên một mầm non, mầm non này chính là Đấng Thiên Sai.
Thánh Thần của Thiên
Chúa là hơi thở ban sự sống (ruah) mà Thiên Chúa trao tặng cho con người. Hơi
thở này kèm theo những năng lực vô biên: khôn ngoan, minh mẫn, mưu lược, can đảm,
hiểu biết, và kính sợ Thiên Chúa. Những năng lực vô biên này, Bản Bảy Mươi và
Vulgate thêm vào năng lực “đạo đức” thay cho một “kính sợ Thiên Chúa,” đã trở
thành 7 quà tặng của Chúa Thánh Thần. Người tín hữu lãnh nhận 7 quà tặng này
khi chịu Bí-tích Thêm Sức.
1.2/ Vua công minh,
thương yêu, can đảm: Với Thánh Thần của
Thiên Chúa hướng dẫn, Đấng Thiên Sai có đầy đủ mọi đức tính cần thiết để cai trị
dân:
(1) Ngài sẽ xét xử
công minh: “Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người mãn nguyện, Người sẽ không xét
xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói.”
(2) Ngài sẽ bênh vực kẻ
nghèo hèn: “Ngài xét xử công minh cho những người thấp cổ bé miệng, và phán quyết
vô tư cho kẻ nghèo trong xứ sở.”
(3) Ngài sẽ trừng trị
kẻ ác: “Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ
gian tà.”
Hai đức tính cần thiết
một vị anh quân cần có được tiên tri ví như dây thắt lưng và miếng vải buộc
trong mình: “Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức
tín thành.”
1.3/ Vua đem lại hòa
bình: Sau khi đã trải qua biết bao gian khổ
đau thương do chiến tranh và lưu đày gây ra, điều con người mong ước nhất là có
được nền hòa bình. Mong ước này chỉ có được khi tất cả mọi người trên thế giới
biết dẹp bỏ mọi khác biệt để cùng nhau chung sống và xây dựng hòa bình: “Bấy giờ
sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung
với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của
chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi
bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn
ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ
tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.” Viễn tượng hòa bình này chỉ
có thể đạt được trong triều đại của Đấng Thiên Sai, khi Ngài chiến thắng mọi
quyền lực thế gian và thu thập mọi người về cho Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Làm sao biết được thánh ý Thiên Chúa?
2.1/ Thánh ý Thiên Chúa: Thiên Chúa khôn ngoan và uy quyền, con người yếu đuối và
giới hạn; làm sao con người hiểu được những chương trình và thánh ý của Thiên
Chúa? Trong Cựu Ước, Thiên Chúa dùng các tiên tri để nói với con người; nhưng họ
chỉ mặc khải được phần nào những gì Thiên Chúa muốn bằng ngôn ngữ lòai người.
Khi Chúa Giêsu đến, Ngài mặc khải cho con người tất cả những gì nơi Thiên Chúa.
Những mặc khải của Đức Kitô chính xác và tòan hảo vì Ngài ở với Thiên Chúa ngay
từ ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ. Mặc khải quan trọng nhất của Đức
Kitô cho con người là Mầu Nhiệm Cứu Độ; nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được
Mầu Nhiệm này như Chúa Giêsu nói hôm nay: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất,
con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái
biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha,
vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết
người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người
Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ
và bảo riêng: Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!”
(1) Kẻ nghèo hèn được
mặc khải: Khác với những khôn ngoan của thế gian, Mầu Nhiệm Cứu Độ chỉ được hiểu
bởi những kẻ nghèo hèn, những người không cậy vào sức riêng mình, nhưng hòan
tòan trông cậy nơi Thiên Chúa.
(2) Bậc khôn ngoan
không hiểu: Cũng như tòan bộ Tin Mừng, Mầu Nhiệm Cứu Độ được rao giảng cho tất
cả mọi người. Bậc khôn ngoan không hiểu là vì họ cậy vào sức mình. Nếu họ dùng
lý luận và sự khôn ngoan của con người, Mầu Nhiệm Cứu Độ là chuyện điên rồ
không thể hiểu được. Thánh Phaolô đã trưng dẫn điều này về Thập Giá của Đức
Kitô.
(3) Các vua chúa không
thấy: “Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn
thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang
nghe, mà không được nghe.”
2.2/ Làm sao để đạt đích
của cuộc đời? Chúa Giêsu không chỉ mặc khải
cho con người biết đích điểm của cuộc đời, mà còn cả cách thức đạt tới đích điểm
này:
(1) Mến Chúa, yêu người:
Chúa Giêsu chứng thực câu trả lời của người Kinh-sư: "Ngươi phải yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí
khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình."
(2) Thực hành giới luật
yêu thương: Tuy nhiên, Chúa Giêsu nhắc nhở ông không phải chỉ biết cách mà
thôi, nhưng còn phải ra sức thực hành hai giới răn này: "Ông trả lời đúng
lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Không gì là không thể
đối với Thiên Chúa. Trong Chương Trình Cứu Độ, Ngài đã chuẩn bị mọi sự cho con
người.
- Ngài cho Chúa Giêsu,
Người Con của Ngài xuống để mặc khải Mầu Nhiệm Cứu Độ cho con người. Chính Người
Con này sẽ là Vua cai trị dân trong công minh, yêu thương; và sẽ đem lại bình
an cho con người.
- Điều kiện để hiểu Mầu
Nhiệm Cứu Độ: phải khiêm nhường nhỏ bé mới có thể nhìn thấy Đấng Thiên Sai và
hiểu biết Kế Họach Cứu Độ Ngài mặc khải. Phải thực thi 2 giới răn “Mến Chúa yêu
người” như Chúa dạy.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
05/12/2017 - THỨ BA TUẦN 1 MV
Lc 10,21-24
NGÔN NGỮ CỦA CHÚA
“Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải cho những
người bé mọn.” (Lc 10,21)
Suy niệm: Tháng 6/2000, Francis S. Collins công bố khám phá
quan trọng của ông về hệ gen, giải mã bí mật liên quan đến sự hình thành của
con người. Điều đáng nói là ngay trong những lời phát biểu đầu tiên của mình,
Collins, khoa học gia hàng đầu của thế giới và là người vô thần, khẳng định
mình đã bị Thiên Chúa chinh phục vì vẻ đẹp kỳ diệu của hệ gen mà ông gọi đó là
“ngôn ngữ riêng của Thiên Chúa.” Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su ngợi khen
Chúa Cha về ngôn ngữ độc đáo của Người, vốn được giấu kín trước những “bậc khôn
ngoan thông thái”, mà chỉ mạc khải cho “những người bé mọn”. Hay nói cách khác,
chỉ những ai có cặp mắt trẻ thơ mới có thể đọc hiểu được ngôn ngữ ấy, ngôn ngữ
của tình yêu quan phòng. Đó là cặp mắt biết ngạc nhiên trước kỳ công của
Chúa, và đặt mình trong bàn tay của Chúa. Không chỉ có thế, Chúa Giê-su còn khẳng
định họ sẽ “được thấy” những điều cao cả lớn lao mà bao người hằng mong ước.
Mời Bạn: Chuẩn bị tâm hồn đón mừng
mầu nhiệm Chúa Giáng sinh, bạn được mời gọi “dừng lại tại ‘những nơi’ của sự kinh
ngạc là tha nhân, lịch sử, và Giáo Hội, bằng cách nhìn các thực tại này với đôi
mắt đức tin, và khám phá ra trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa” (Huấn dụ của
ĐTC Phanxicô, 20/12/15).
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Chúa hạ bệ những
ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52).
Cầu nguyện: Maranatha, Chúa
ơi xin hãy đến! Xin đến đổi mới đôi mắt và con tim con, để con nhận ra những kỳ
công của Chúa nơi máng cỏ Bê-lem và trong suốt đời con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Thánh Thần tác động (5.12.2017 – Thứ ba Tuần 1 Mùa Vọng)
Những người bé mọn, đơn sơ mới là những người khôn ngoan thật sự. Họ mềm mại mở ra như trẻ thơ, để đón nhận Tin Mừng về Nước Trời.
Suy niệm:
Ông tổ Jessê là cha của
vua Đavít (Lc 3, 32).
Bài đọc 1 nói về một
nhánh nhỏ đâm ra từ gốc tổ Jessê (Is 11, 1).
Đó là Đấng Mêsia, người
thuộc dòng dõi Jessê, cha của Đavít.
Nét đặc biệt của Đấng này
là có Thần Khí Đức Chúa ngự trên:
“thần khí khôn ngoan và
minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và
kính sợ Đức Chúa” (Is 11, 2).
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, Đức Giêsu được đầy tràn Thánh Thần,
khiến Ngài vui sướng dâng
lên Cha lời cầu nguyện tự phát (c. 21).
Như thế có sự hiện diện
của cả Ba Ngôi Thiên Chúa trong giây phút này.
Trong Thánh Thần, Con
dâng lên Cha lời ngợi khen chúc tụng.
Lời cầu nguyện của Con
bao giờ cũng bắt đầu bằng câu Abba, Lạy Cha.
Abba là người Cha gần gũi
thân thương,
nhưng Abba cũng là Chúa
tể trời đất, đầy quyền năng siêu việt.
Đức Giêsu ngợi khen Cha,
vì Cha giấu kín nhóm này,
nhưng lại mặc khải cho
nhóm kia về Con của Cha.
Thật ra, Cha không ghét
bỏ những người khôn ngoan thông thái.
Nhưng sự giàu có tri thức
đã khiến một số người tự mãn, tự hào,
đi đến chỗ khép lại và từ
chối tin vào Đức Giêsu.
Những người bé mọn, đơn
sơ mới là những người khôn ngoan thật sự.
Họ mềm mại mở ra như trẻ
thơ, để đón nhận Tin Mừng về Nước Trời.
Bảy mươi hai môn đệ mới
đi sứ vụ trở về, là những người bé mọn ấy.
Họ là những người có phúc
vì được thấy, được nghe
những điều mà bao thế hệ
khác ước ao, nhưng không được (cc. 23-24).
Họ là những người được
đưa vào thế giới thân tình giữa Cha và Con.
Thế giới ấy thật là riêng
tư, nơi Cha và Con hiểu biết nhau trọn vẹn.
“Không ai thực sự biết
Con là ai, trừ Cha;
cũng không ai thực sự
biết Cha là ai, trừ Con” (c. 22).
Nhưng thế giới tưởng như
khép kín ấy cũng là thế giới mở ra cho con người.
Cha mặc khải cho những
người bé mọn (c. 21).
Và Con cũng mặc khải cho
người nào Con muốn (c. 22).
Rốt cuộc Cha mặc khải về
Con, và Con mặc khải về Cha.
Chỉ Thiên Chúa mới mặc
khải được cho ta về Thiên Chúa.
Mừng lễ Giáng Sinh là
mừng Quà Tặng của Cha là Đức Giêsu.
Ngài là Đấng duy nhất
biết Cha thâm sâu,
nên cũng là Đấng duy nhất
có thể mặc khải về Cha trọn vẹn.
Ngài là Đấng Trung Gian
duy nhất và là Người Con Một của Cha.
Thiên Chúa Cha đã bắc cho
chúng ta một nhịp cầu.
Cha mời chúng ta qua nhịp
cầu ấy mà đến với thế giới Thiên Chúa,
nơi Cha và Con khăng khít
với nhau trong tình yêu.
Hãy để Cha lôi kéo ta đến
với Con của Ngài (Ga 6, 44).
Hãy để Con là đường đưa
ta đến với Cha (Ga 14, 6).
Hãy là người khôn ngoan
thật sự, biết mở ra để nghe Cha, Con mặc khải.
Biết được Cha và Con là
ai, đó là hạnh phúc của người Kitô hữu.
Đó cũng là ước mơ ngàn
đời của Cha và Con cho nhân loại.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI HAI
Cuối Cùng Của Thời
Cũ - Đầu Tiên Của Thời Mới
Trong tất cả mầu nhiệm
của ngài, Đức Ma-ri-a là thành viên ưu việt của Giáo Hội. Chính Mẹ là người mở
đường cho buổi khai nguyên của Giáo Hội. Mẹ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội trong
lịch sử cứu độ mà Mẹ hiện thân như một sự nhập thể và một hình ảnh sống động của
chính Giáo Hội, Hiền Thê Đức Kitô. Từ đầu cuộc đời của Mẹ, Mẹ có tất cả sự sung
mãn của ân sủng mà Đức Kitô ban cho Giáo Hội Người.
Trong ánh sáng này,
chúng ta nhớ lại chương 8 Hiến Chế Giáo Hội. Chú giải quan điểm của Thánh Luca,
văn kiện này của Công Đồng Vatican II nói với chúng ta: “Sau một giai đoạn lâu
dài chờ đợi, thời gian được viên mãn nơi ngài, Nữ Tử cao quí của Sion, và kế hoạch
cứu độ mới được thực hiện.” Ở mốc điểm quan trọng này của lịch sử, Đức Ma-ri-a
là chỗ kết nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Mẹ đại diện cho sự chấm dứt của cộng
đoàn It-ra-en đợi chờ Đấng Thiên Sai và đại diện cho sự khởi đầu của Giáo Hội Đức
Kitô mới được khai sinh. Mẹ vừa là sự thể hiện cuối cùng và hoàn hảo của con
cái Thiên Chúa sinh bởi Abraham dưới cơ chế Cựu Ước, vừa là sự thể hiện đầu
tiên và tuyệt đỉnh của con cái mới của Thiên Chúa được khai sinh bởi Đức Kitô.
Nơi Đức Ma-ri-a, chúng ta nhận ra các lời hứa, các điều báo trước, các lời ngôn
sứ của Hội Thánh trong Cựu Ước được hoàn thành. Với Mẹ, chúng ta cũng nhìn thấy
Giáo Hội của Tân Ước bắt đầu, không nhăn nheo tì tích, trong sự sung mãn của ân
sủng Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05/ 12
Thánh Sabas,Ẩn tu
Is 11, 1-10; Lc 10,
21-24
LỜI SUY NIỆM: “Cha tôi đã giao
phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha; cũng như
không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải
cho.”
Giáo Hội do Chúa Giêsu
thiết lập và chúng ta đang ở trong Giáo Hội của Người, Trong Sách Giáo Lý của
Giáo Hội ở Mục 2 “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha,
cũng là Chúa chúng tôi” (số 432) cho chúng ta biết: “Danh “Giêsu” nói lên
rằng, chính Danh Thiên Chúa hiện diện nơi bản thân của Con Ngài. Đấng đã làm
người để cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt khoát “Giêsu” là một
Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ, và từ nay mọi người có thể
kêu cầu Danh của Người, bởi vì qua việc Nhập Thể, chính Người đã kết hợp với tất
cả mọi người, đến độ “dưới gầm trời này, không có một danh nào khác được ban
cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4,12)
Lạy Chúa Giêsu. Chúng
con cảm tạ Chúa đã mạc khải Chúa Cha và Ba Ngôi Chí Thánh, và qua Giáo Hội càng
ngày chúng con nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa, và nơi Chúa, Thiên Chúa
tóm kết toàn bộ lịch sử cứu độ của Ngài cho nhân loại. Xin cho chúng con vững
tin vào Danh Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con.
Mạnh Phương
05 Tháng Mười Hai
Thiện Nguyện
Hôm nay là ngày quốc
tế những người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành
lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa
là một tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm
phục vụ không công những người đồng loại của mình, vừa là một lời gọi dấn thân
phục vụ.
Hiện nay, trên khắp
thế giới có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để
phục vụ trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu,
đến các chuyên viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế
giới đệ tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến
các chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý
chí: đó là phục vụ người anh em.
Ngày quốc tế những
người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước
tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì
hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ
lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí
phục vụ
Ngày quốc tế thiện
nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác
trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày
Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v... Ngày hôm nay là khẳng
định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính
là tự nguyện phục vụ.
Ngày quốc tế những
người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những
người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng
ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho
người khác.
Chúa Giêsu là mẫu mực
của thiện nguyện... Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân
phận nghèo hèn của con người. Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn
giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội.
Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới
này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn
thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn. Quả
thực, một thế giới không có những người sống và chết cho tha nhân là một thế giới
không có nhân tính... Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh
Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi, không có những Albert
Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ
Thập Ðỏ... một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới
không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới
không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của
chết chóc...
(Lẽ Sống)
Lectio Divina:
Luca 10:21-24
Thứ Ba, 5 Tháng 12, 2017
Thứ Ba sau CN I Mùa Vọng
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,
Chúa không bao giờ từ bỏ loài người,
Đã không biết bao nhiêu lần
Chúa muốn bắt đầu lại với chúng con.
Chúa đã tỏ cho chúng con thấy trong Đức Giêsu, Con của Chúa,
Mẫu người mà Chúa muốn chúng con được trở nên.
Như khi Chúa Thánh Thần ngự trên Người,
Cũng đổ tràn trên chúng con với cùng một Thần Khí Chúa,
Để cho chúng con có thể nhìn thấy được sứ vụ của mình trong cuộc sống
Với ơn khôn ngoan và hiểu biết của Chúa
Và để cho chúng con có thể có dũng lực
Mà sống như chúng con tin và hy vọng.
Chúng con cầu xin điều này nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2.
Phúc Âm – Luca 10:21-24
Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha,
vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này,
nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy
Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã
trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa
Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Đấng nào, ngoài Chúa
Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!”
Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem những
điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những
điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà
chẳng được nghe.”
3.
Suy Niệm
Bài Tin Mừng hôm nay mặc khải về chiều sâu của Thánh Tâm Chúa Giêsu,
nguyên nhân cho niềm vui của Người. Các
môn đệ đã đi với sứ vụ rao giảng, và khi các ông trở về, các ông chia sẻ với
Chúa Giêsu về niềm vui kinh nghiệm rao giảng của mình (Lc 10:17-21).
- Lý do cho sự vui mừng của Chúa
Giêsu là niềm hớn hở của các bạn hữu.
Trong khi lắng nghe kinh nghiệm của các môn đệ và cảm nhận niềm hớn hở của
họ, Chúa Giêsu cũng cảm thấy một sự vui mừng khôn xiết. Lý do cho sự vui mừng của Chúa Giêsu là vì niềm
hạnh phúc của kẻ khác.
- Đó không phải là một sự vui mừng
hời hợt. Nó đến từ Chúa Thánh Thần. Nguyên do cho sự vui mừng là vì các môn đệ -
nam cũng như nữ - đã kinh nghiệm được một điều gì đó về Chúa Giêsu trong khi
thi hành sứ vụ rao giảng của họ.
- Chúa Giêsu gọi họ là “những kẻ
bé mọn”. “Những kẻ bé mọn” này là
ai? Họ là bảy mươi hai môn đệ (Lc 10:1)
vừa trở về từ chuyến đi rao giảng: là những
người cha hoặc người mẹ trong gia đình, là thanh niên và thanh nữ, là những người
có gia đình hoặc còn độc thân, già và trẻ.
Họ không phải là những nhà thông thái.
Họ là những kẻ đơn sơ, không có kiến thức nhiều về khoa học, không được
học hành nhiều, nhưng họ hiểu được những gì thuộc về Thiên Chúa tỏ tường hơn những
nhà thông thái.
- “Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha muốn
thế!” Một lời nói rất nghiêm túc. Chúa Cha muốn rằng những kẻ thông thái và
khôn ngoan không thông hiểu được những gì thuộc về Nước Trời và, thay vào đó những
kẻ bé mọn lại hiểu chúng. Vì thế, nếu những kẻ cao trọng muốn hiểu những gì thuộc
về Nước Trời thì họ phải trở thành môn sinh của những kẻ bé mọn!
- Chúa Giêsu quay lại phía các
môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho các
con!” Và tại sao họ lại hạnh phúc? Bởi vì họ được thấy những điều mà các tiên
tri muốn xem thấy, mà không thấy. Và họ
đã thấy những gì? Họ sẽ có thể cảm nhận
được hoạt động của Nước Trời trong những việc thông thường của đời sống: chữa lành kẻ bệnh tật, an ủi kẻ khốn khổ, xua
đuổi sự dữ khỏi cuộc sống.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
· Tôi tự đặt mình vào vị trí
của dân chúng: Tôi nhận thấy mình thuộc
về nhóm những kẻ bé mọn hay thuộc về nhóm những kẻ thông thái?
· Tôi tự đặt mình vào vị trí của
Chúa Giêsu: Nguyên do cho sự vui mừng của
tôi là gì? Niềm vui đó hời hợt hay sâu sắc?
5. Lời
nguyện kết
Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha,
Vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều
này,
Nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (trích Lc 10:21)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét