25/02/2018
Chúa Nhật tuần 2 Mùa Chay năm B.
(phần I)
Bài Ðọc I: St 22, 1-2.
9a. 10-13. 15-18
"Của hiến tế của
Abraham Tổ phụ chúng ta".
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy,
Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: "Abraham, Abraham!" Ông đáp lại:
"Dạ, con đây". Chúa nói: "Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu
của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu
trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi".
Khi hai người đến nơi
Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt
lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ
thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: "Abraham, Abraham!" Ông thưa lại:
"Dạ, con đây". Người nói: "Ðừng giết con trẻ và đừng động đến
nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con
duy nhất cho Ta". Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực
đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình.
Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: "Chúa phán: Ta thề rằng:
vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi
cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như
sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch,
và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã
vâng lời Ta".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 115, 10 và
15. 16-17. 18-19
Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất
của nhân sinh (Tv 114, 9).
Xướng: 1) Tôi đã tin cậy
ngay cả trong lúc tôi nói: "Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!" Trước mặt
Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. - Ðáp.
2) Ôi lạy Chúa, con là
tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng
xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu
danh Chúa. - Ðáp.
3) Tôi sẽ giữ trọn lời
khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở
giữa lòng ngươi, Giê-rusalem hỡi! - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-34
"Thiên Chúa
không dung tha chính Con mình".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, nếu
Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung
tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng
ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa
chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng
lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu
Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta?
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc
Âm: Mt 17, 5
Từ trong đám mây sáng
chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy
nghe lời Người".
Phúc Âm: Mc 9, 1-9
"Ðây là Con Ta
rất yêu dấu".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa
Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước
mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt
nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo
với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy,
chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một
cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng
sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng:
"Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn
chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với
các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng
thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống
lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết
sống lại nghĩa là gì?"
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Cái Chết, Con
Ðường Ðưa Tới Sự Sống
"Tôi biết tôi tin vào ai".
Lời khẳng định thâm
tín đó của thánh Phaolô có thể coi như diễn tả đúng niềm tin của Abraham trong
cuộc hành trình về quê hương mới: quê hương sự sống qua ngõ sự chết. Trong sứ mệnh
nhập thế cứu đời, Ðức Kitô cũng không đi con đường nào khác ngoài con đường chết-để-sống:
nếu Người đã biến hình sáng chói để loan báo trước cảnh vinh quang ngày Người lại
đến, thì chính Người cũng đã cho môn đệ biết trước đêm tối của giờ Thương khó
Người sẽ phải đi qua (Mc 14,34-36).
Chấp nhận mất tất cả để
được nhận lại tất cả, chết với Chúa để sống lại vinh quang với Người, đó là định
luật căn bản của Kitô giáo. Ðịnh luật đó, hôm nay Giáo hội nhắc lại cho chúng
ta qua niềm tin của Abraham trong cơn thử thách cũng như qua ánh sáng cuộc biến
hình của Ðức Kitô trên núi Tabo.
1. "Ðem Con Một...
Lên Ðường... Hiến Tế"
Lệnh Chúa truyền như
phản ngược lại với Lời Chúa hứa. Abraham vẫn nhớ rõ lời Thiên Chúa vừa mới giao
ước. Isaac từ nay sẽ là người nối dõi tông đường cho dòng họ Abraham (Kn
21,12). Ông cũng không quên Isaac là người con duy nhất của mình. Mẹ con Hagar
đã bị đuổi đi, mà Sara thì lại quá già nua cằn cỗi. Bây giờ lệnh truyền phải
đem con đi tế hiến! Phải chăng lưỡi dao oan nghiệt giáng xuống trên Isaac sẽ chấm
dứt dòng dõi của ông và do đó giao ước sẽ bị phá hủy? Chắc hẳn trong thân phận
làm người của mình, Abraham đã không thể nào nghĩ khác được. Nhưng ông đã lên
đường, không chần chờ, không do dự. Và rồi đã tới đỉnh cao, nơi cử hành hy lễ,
ông giơ tay, cầm dao, sẵn sàng giết con, người con duy nhất mà hơn ai hết, ông
biết rõ nếu chết đi là ông mất tất cả.
Thái độ dứt khoát và
hành động quyết liệt của Abraham, tự nó, nói lên trọn vẹn niềm tin của ông: nó
cho ta thấy ông biết rõ ông tin vào ai và phải tin thế nào.
Abraham biết mình tin
vào Ðấng không muốn sự chết nhưng muốn sự sống. Chính nhờ đó mà ông nhìn thấy
được sự sống phong phú qua cái chết tế hiến của con mình. Việc Chúa đòi ông hy
sinh con một mình chứng tỏ Chúa hoàn toàn làm chủ sự sống. Bởi vì Người là nguồn
gốc sự sống nên chỉ mình Người mới ban sự sống và có quyền đòi lại sự sống đã
ban. Thiên Chúa đã trao Isaac cho Abraham, bây giờ Người đòi lại sự sống đó, dù
rằng Người đã cam kết: Isaac sẽ khởi đầu của một miêu duệ đông đảo. Sự đòi hỏi
bất thường đó chỉ nhằm nói lên khả năng của Thiên Chúa làm được những việc đối
với ta xem ra nghịch lý: khơi dậy sự sống từ cái chết, gọi được cái có từ cái
không (Rm 4,17).
Nhờ biết rõ mình tin
vào ai, nên Abraham đã tin một cách dứt khoát, trọn vẹn, triệt để: Chúa bảo ông
đem Isaac đi, ông dẫn đi. Chúa bảo ông lên đường, ông lên đường. Chúa bảo ông tế
hiến con một của ông, ông thi hành. Nhưng không phải vì thế mà niềm tin của ông
mất hết vẻ nhân bản thông thường. Ông biết rõ dù là con do lời hứa, Isaac thực
sự cũng là con của ông. Vâng lệnh Chúa tế hiến con mình, Abraham không thể
không cảm thấy lòng mình bị xâu xé vì mối tình phụ tử. Nhưng ông đã tuân theo
thiên ý với niềm tin vững chắc: Chúa sẽ trù liệu mọi sự để thực hiện lời hứa và
chương trình cứu độ của Người. Chính niềm tin phó thác đó đã giúp ông mau mắn
làm điều ông có thể và để cho Chúa làm điều vượt quá sức ông. Kết quả là sức mạnh
của đức tin đã biến đổi đời ông. Ðể ông khỏi ray rứt suốt đời vì mặc cảm giết
con, thì đây Thiên Chúa gửi đến cho ông một tế vật, khiến ông có thể tôn thờ
Người với lòng tín phục hân hoan. Thay vì phải chấm dứt tuổi già trong nỗi cô
đơn của một gia tộc tuyệt tự, thì ông thanh thản sống nốt những ngày còn lại
trong niềm hãnh diện; con mình đã được thánh hiến và dòng dõi phát sinh từ đó
là một dân tộc thánh.
2. Chết Ðể Sống Lại
Chính vì biết mình tin
vào ai, nên Abraham đã dứt khoát lên đường, chấp nhận với tâm hồn phó thác, leo
trọn con đường tế hiến lên đỉnh Mô-ri-gia, để rồi từ điểm cao của núi đồi và
tuyệt đỉnh của hy tế, ông đã hưởng trọn niềm vui ngắm khung trời đầy sao, nhìn
bãi biển trắng cát, liên tưởng đến miêu duệ đông đảo của mình. Mất đi để nhận lại,
chết rồi để được sống, người cha của mọi kẻ có lòng tin đã lấy chính cuộc đời
mình để làm sáng tỏ định luật đó của lịch sử cứu độ. Tin Mừng của Marcô hôm nay
(9,2-10) thuật lại cuộc biến hình trên núi Tabo cũng nhằm chứng minh quá trình
tất hữu đó của cuộc đời Chúa Kitô cũng như của chúng ta trên đường về cõi sống.
Quả vậy, định hướng của
Tin Mừng là nhằm làm nổi bật mầu nhiệm chết-để-sống lại của Chúa Cứu thế. Chính
trong viễn tượng đó mà sau khi đã cho các tông đồ thoáng thấy bóng tối của con
đường Thương khó Người sắp đi qua, Người đã biến hình sáng chói, báo trước cuộc
Phục sinh và ngày trở lại vinh quang của Người, để nhắn bảo các ông phải biết
tìm ra sức sống phong phú bên kia cái chết. Vẻ huy hoàng của Tabo hôm nay không
làm ta quên dòng sông Yorđan ngày trước. Nếu hạt thóc không mục nát đi trong
lòng đất, thì không bao giờ nẩy sinh được cây lúa xanh tươi. Ta cũng phải chết
đi với Chúa Kitô để được sống lại với Người. Và trong Người, chúng ta được trở
thành con cái Thiên Chúa.
Nhưng, cũng như
Abraham, ta phải dứt khoát tin ở Ðức Kitô và chấp nhận đi vào con đường cứu rỗi
của Người, đồng thời sống trọn vẹn mầu nhiệm biến hình trong đời sống hằng ngày
của chúng ta, nghĩa là sẵn sàng để cho Thần Khí Ðức Kitô đổi mới con người
chúng ta và can đảm góp phần làm cho thế giới này biến dạng. Muốn thế, ta phải
trung thành lắng nghe Lời Con Thiên Chúa (Mc 9,7) trong Sách Thánh và qua mọi
biến cố của cuộc đời ta.
Giảng Lễ
Chúa Yêsu đưa ba môn đệ
lên núi cao để họ được chiêm ngưỡng vinh quang của Con Thiên Chúa. Phụng vụ
Giáo hội cũng đưa ta đến đây, để chứng kiến và tham dự vào mầu nhiệm cao cả.
Trước hết ta hãy nhìn
xem câu truyện Chúa thử thách Abraham. Phụng vụ mùa Chay đọc cho ta nghe câu
chuyện kinh hoàng này, vì như ta đã thấy trong Chúa nhật tuần trước, mùa Chay
là mùa thử thách, thử thách đức tin của những người con Chúa. Abraham hồi đó chỉ
có một đứa con, đứa con duy nhất của tuổi già, đứa con của Lời Hứa từ bao năm.
Thế mà hôm nay Chúa gọi: Abraham! - Dạ. - Hãy đem người con yêu quý của ngươi
đi hiến tế cho ta! Chúng ta hãy tưởng tượng xem diện mạo và tâm can của người
cha già lúc đó như thế nào. Lời Chúa thật mạnh hơn tiếng sét lớn. Nhưng Abraham
không ngã, không mất tinh thần. Sách Thánh viết: ông dậy sớm, bổ củi, thắng lừa
rồi dắt Isaac đi, đi ba ngày trời ròng rã, ba ngày đau như cắt mỗi khi nghĩ tới
giờ phút kinh hoàng sẽ phải hạ sát đứa con vô tội. Chắc chắn không ai có được
thái độ đó. Chắc chắn không người cha nào đủ sức đi như vậy. Nhưng Abraham
không phải là con người thường. Ông là con người có đức tin. Lòng ông tin Chúa
thật tuyệt đối và vô điều kiện. Ông không lấy suy luận loài người chất vấn mệnh
lệnh Chúa. Lời Chúa ông đã nghe rõ nên ông chỉ còn biết thi hành. Ông phó mặc hậu
quả cho Thiên Chúa định liệu. Ðức tin của ông thật là gương mẫu. Phải nói mạnh
hơn, lòng tin đó quả thật vô địch. Thế nên ông được xưng tụng là cha của các thế
hệ tín hữu, là tổ phụ của dòng dõi tin tưởng. Ông là tổ phụ của ta, chứ không
riêng của con cái Israel. Và câu truyện về ông mà hôm nay phụng vụ nhắc lại cho
ta, thúc giục chúng ta tin mạnh mẽ hơn vào Chúa, dứt khoát chấp nhận Lời Chúa
mà không so đo hơn thiệt. Có như vậy chúng ta mới được chấp nhận vào giao ước
mà Chúa đã thề hứa với Abraham và miêu duệ ông đến muôn đời.
Ta hãy để ý đến tư tưởng
Giao ước mà đoạn cuối bài đọc thứ I đã gợi lên. Và nếu ta còn nhớ, thì bài Cựu
Ước Chúa nhật trước cũng nói đến Giao ước. Chúa đã giao ước với Noe. Ngài hứa
không còn phạt loài người như trong vụ đại hồng thủy nữa. Trong bài đọc hôm
nay, Ngài hứa ban phúc lộc chan hòa cho Abraham; dòng dõi ông sẽ nhiều như sao
trên trời và như cát ngoài biển; mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ con cháu ông
mà được hạnh phúc. Như vậy từ giao ước Noe tới giao ước mà Chúa đã thề hứa với
Abraham đã có một tiến bộ rõ rệt. Chẳng những Chúa không muốn sát phạt loài người
nữa, mà còn muốn cho họ được phát triển và hạnh phúc. Rồi đây, trong các Chúa
nhật sau ta sẽ thấy Chúa còn hành động cụ thể hơn nữa để dần dần thực thi mọi Lời
Hứa. Và như vậy, rõ ràng bao giờ Chúa cũng chỉ muốn ban thêm ơn cho ta, cho những
người tin Chúa, tin đến nỗi sẵn sàng hy sinh tất cả để chấp nhận Lời Ngài. Hôm
nay, chúng ta hãy tin vào Chúa mạnh mẽ hơn nữa, chắc chắn bàn tay của Ngài đang
hướng dẫn đời sống của ta đi đến chỗ tốt đẹp, nên ta sẽ cố gắng bắt chước
Abraham, không sờn lòng khi gặp thử thách, mà - có thể nói - cứ nhắm mắt thi
hành mọi lời Phúc Âm ta nghe được. Làm như vậy có liều lĩnh không? Chắc chắn là
không và chỉ có thể làm cho ta trở nên giống Ðức Kitô hơn và sẽ đạt tới vinh
quang như Người. Ðiều đó thật rõ rệt, như Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy.
Ðức Kitô biến hình ở
trên núi cao. Người được hưởng vinh quang đang dành cho Người sau ngày Phục
sinh. Chúa Cha muốn Người nếm trước vinh quang đó, không phải để khích lệ Người
đi vào con đường tử nạn. Ngay từ đầu Người đã quảng đại chấp nhận đi vào con đường
này rồi. Có thể nói không lúc nào Người quên nghĩ tới giờ của mình, giờ ra đi
chịu chết để đưa nhân loại về cùng Thiên Chúa Cha. Sở dĩ hôm nay có cuộc biến
hình này là vì các môn đệ và chúng ta. Người muốn củng cố đức tin của mọi người,
để đừng ai nao núng khi nhìn thấy bộ mặt đau thương của Người trên thập giá.
Vinh quang Chúa Cha dọi vào Người trên núi thánh, để chúng ta có ấn tượng đích
thực về Người hầu bao giờ chúng ta cũng nghe theo tiếng Người kêu gọi. Nhưng đồng
thời vinh quang ấy cũng đã bao bọc các môn đệ. Và qua sự kiện biến hình này,
Chúa Cha muốn cho chúng ta tin chắc vào vinh quang mà chính chúng ta sẽ được
trong vinh quang của Chúa Con. Có lần nhìn vào cộng đoàn các tín hữu, thánh
Phaolô phải thú nhận rằng: xét về phương diện trần gian quả thật chúng ta chẳng
đáng tự phụ gì, vì chúng ta thua kém người ta về mọi mặt. Nhưng sau này sẽ thế
nào? Thánh Kinh là Lời Chúa đoan chắc với chúng ta: Ðức Kitô ở đâu, ta cũng sẽ ở
đó. Ngài ở trong vinh quang, chúng ta cũng sẽ trở nên sáng láng; Ngài biến hình
ở trên núi cao trước mắt môn đệ, để họ thấy vinh quang đang chờ Ngài và đồng thời
cũng để họ biết mình sẽ được ở trong vinh quang ấy.
Thế thì niềm tin của
chúng ta quả thật quá phấn khởi! Và chúng ta phải gia tăng niềm tin. Abraham
chưa thấy gì mà đã tin mạnh mẽ. Ông chỉ tin rằng Chúa sẽ trù liệu tất cả. Còn
ta, chúng ta có bảo chứng về niềm tin của mình. Hơn cả ba môn đệ, chúng ta biết
chắc Ðức Kitô đã phục sinh, Người đang ở trong vinh quang, và Người đang sửa soạn
chỗ vinh quang cho những ai tin Người. Những người nghi ngờ về tương lai tốt đẹp
của mình, hãy nghe lời thánh Phaolô trong bài đọc II, Chúa Cha đã không khước từ
ban Con Một Mình chịu chết để cứu chuộc ta, thì hỏi có gì và có ai khiến ta phải
sợ hãi nữa? Ðể ta được hạnh phúc, Người đã hy sinh đến cả người Con yêu dấu của
mình, thì hỏi ai còn có thể nghi ngờ về lòng Người thương ta? Và thương ta đến
như vậy mà Người không muốn ta được hạnh phúc sao? Abraham chưa phải hy sinh đứa
con mà đã được hạnh phúc chan hòa. Huống nữa là Chúa Cha đã hy sinh Con mình thật
sự! Không lẽ tình thương của Người đối với ta không được thỏa mãn sao? Nghĩa là
không lẽ chúng ta sẽ không hạnh phúc như lòng Cha nhân từ mong muốn sao? Không,
dù hiện nay bề ngoài đời sống của ta còn phần nào chưa vinh hiển, ta vẫn phải
đinh ninh rằng: chẳng qua mình đang ở trần gian, Ðức Kitô cần mặc lấy thân xác
để đi con đường thánh giá, nhưng Người đã đạt tới vinh quang và chắc chắn sẽ
đưa chúng ta vào nơi vinh hiển.
Và để bảo đảm điều đó,
Người muốn dùng chính Thánh Thể mà chúng ta cử hành bây giờ , để đi vào trong
ta, sống trong ta, đi qua trần gian với ta, để đưa ta đến nơi sáng láng.
Chúng ta hãy tin vào
Thánh Thể; hãy rước lấy Chúa vào lòng, hãy để tinh thần của Chúa hướng dẫn đường
đi nước bước của ta để dù có gặp thử thách lớn lao như Abraham, lòng tin của ta
vào đạo Chúa vẫn không hề nao núng, khiến mọi Lời hứa trong giao ước sẽ thực hiện
ở nơi ta, và nhiều người nhờ đấy cũng được phúc.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật II Mùa Chay,
Năm B
Bài đọc: Gen
22:1-2, 9, 10-13, 15-18; Rom 8:31-34; Mk 9:2-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa hy sinh Người Con Một cho con người.
Tình yêu là quan niệm trừu tượng: con người không thể định nghĩa tình yêu,
nhưng có thể cảm nghiệm thế nào là tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa còn khó hiểu
hơn nữa, vì chúng ta chưa từng thấy Ngài; nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm sâu
xa tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người mỗi khi ngước nhìn Cây Thập Giá.
Các Bài Đọc hôm nay được sắp xếp rất tài tình để giúp chúng ta cảm nghiệm tình
yêu Thiên Chúa qua hai biến cố xảy ra trên Núi Moriah và trên Đồi Golgotha.
Trong Bài Đọc I, Sách Sáng Thế Ký tường thuật sự kiện Thiên Chúa muốn thử thách
đức tin của ông bằng cách ra lệnh cho ông phải giết Isaac, người con một duy nhất
chính Thiên Chúa đã ban cho ông trong lúc tuổi già. Với một niềm tin sắt đá vào
Thiên Chúa, ông đã giơ dao sẵn sàng giết con theo lệnh truyền của Thiên Chúa.
Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô đã so sánh biến cố này với biến cố Tử Nạn của
Chúa Giêsu trên Đồi Golgotha, trước khi rút ra kết luận: Nếu Thiên Chúa đã yêu
con người đến độ đã hy sinh Người Con Một cho con người, còn gì có thể mà Thiên
Chúa không làm cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mang 3 môn đệ thân tín
lên núi Thabor, cho các ông xem thấy vinh quang của Ngài, để chuẩn bị cho các
ông đối diện với Cuộc Thương Khó sắp tới.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tổ-phụ Abraham sẵn sàng hy sinh người con một cho Thiên
Chúa.
1.1/ Đức tin của Tổ-phụ
Abraham: Đức tin phải chịu thử thách. Trình
thuật Sáng Thế Ký hôm nay nói rõ: “Thiên Chúa muốn thử lòng ông Abraham.” Nhưng
là một thử thách quá to lớn, vượt quá sức chịu đựng của con người khi Thiên
Chúa đòi hỏi: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac,
hãy đi đến xứ Moriah mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ
chỉ cho.”
(1) Nếu chúng ta là Abraham, chúng ta sẽ phản ứng làm sao trước đòi hỏi của
Thiên Chúa:
* Đủ rồi Chúa ơi! Hết cách để thử rồi sao Chúa? Đây là người con một, người con
Chúa ban cho trong lúc tuổi già. Nếu Thiên Chúa muốn Isaac như thế, chẳng thà đừng
ban!
* Làm sao một người cha có can đảm cầm dao giết đứa con vô cùng yêu quí của
mình? Lại là đứa con nối dõi tông đường!
(2) Phản ứng của Abraham: Nếu cứ quanh quẩn với lý luận con người, Abraham sẽ
không thể hiểu nổi và chấp nhận đòi hỏi của Thiên Chúa, vì nó quá vô lý; nhưng
ông chọn, như bao nhiêu lần đã chọn, để sống theo niềm tin. Thiên Chúa ban cho
rồi Thiên Chúa cất đi, xin cho ý Ngài thể hiện. Thiên Chúa cất đi rồi Thiên
Chúa lại ban, chẳng có gì không thể đối với Ngài. Vì thế, khi tới nơi Thiên
Chúa đã chỉ, ông Abraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Isaac con ông lại,
và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Abraham đưa tay ra cầm lấy dao để
sát tế con mình.
1.2/ Vở bi kịch chấm dứt
các đột ngột: Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ
trời gọi ông: "Abraham! Abraham!" Ông thưa: "Dạ, con đây!"
Người nói: "Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết
ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi,
ngươi cũng chẳng tiếc!"
- Thiên Chúa nhìn thấu suốt tâm hồn Abraham: Ông thực sự đặt niềm tin trọn vẹn
nơi Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn thử ông, nên khi thấy ông đã chứng tỏ niềm tin,
Thiên Chúa không cần phải nhìn thêm điều gì nữa.
- Tổ-phụ Abraham dâng của lễ thay cho con mình là Isaac: “Ngước mắt lên nhìn,
thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Abraham liền đi
bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.”
1.3/ Phần thưởng Đức Chúa
hứa ban cho Tổ-phụ Abraham: Sứ thần của Đức
Chúa từ trời gọi ông Abraham một lần nữa và nói: "Đây là sấm ngôn của Đức
Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc
con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi:
(1) Giòng dõi đông đúc: Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như
sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển.
(2) Đất Hứa: Giòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch.
(3) Và một dân tộc được tuyển chọn: Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho
nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã hy sinh Người Con Một cho con người.
2.1/ So sánh tình yêu của
Thiên Chúa với tình yêu của Tổ-phụ Abraham: Biến
cố xảy ra trên Núi Moriah chỉ là hình bóng và sự chuẩn bị để con người hiểu được
biến cố xảy ra trên Đồi Golgotha. Có nhiều điểm giống nhau và khác nhau giữa
hai biến cố này:
(1) Cả hai người cha đều sẵn sàng hy sinh Người Con Một, người con yêu quí nhất.
Nếu chúng ta hiểu được tình cha con giữa Abraham và Isaac, chúng ta cảm nghiệm
được phần nào tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trong sự quan phòng của Thiên
Chúa, biến cố Abraham-Isaac là để chuẩn bị tâm hồn chúng ta cho biến cố Chúa
Giêsu, để chúng ta cảm nhận được phần nào tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
(2) Một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa hai biến cố: Trong biến cố Cựu Ước,
Isaac không chết, con cừu đực được giết làm của lễ tòan thiêu chết thay cho con
trẻ. Trong biến cố Tân Ước, Chúa Giêsu đã chết thực sự thay cho con người bằng
cái chết tủi nhục và đau đớn hơn nhiều. Nếu chúng ta đã từng bất bình khi Thiên
Chúa đòi Abraham sát tế con mình, chúng ta có thể hiểu nổi tình thương Thiên
Chúa dành cho con người không? Thiên Chúa, chúng ta chưa từng xem thấy; nhưng
khi nhìn thấy Chúa Giêsu chết treo trên Thập Giá, chúng ta cảm nhận được tình
yêu quá lớn lao Ngài dành cho con người.
2.2/ Thiên Chúa không kết
án con người: Thánh Phaolô giúp chúng ta rút
ra một số kết luận từ biến cố này: “Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa
bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên
Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người
Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”
Thiên Chúa không muốn kết án con người, con người kết án chính mình bằng cách dửng
dưng hay quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa: “Ai sẽ buộc tội những người
Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết
án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự
bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?”
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu biến hình để chuẩn bị tâm hồn cho các Tông-đồ.
3.1/ Mục đích của việc Biến
Hình: Chúa Giêsu cho các Tông-đồ nhìn thấy
vinh quang Thiên Chúa là để dạy cho các ông bài học: phải qua đau khổ mới đạt tới
vinh quang. Ngài chuẩn bị cho các Tông-đồ trước Cuộc Thương Khó sắp tới; để khi
các ông phải đương đầu với Cuộc Thương Khó, các ông có sức mạnh để chịu đựng và
vượt qua.
3.2/ Chúa Giêsu mặc khải
cho các Tông-đồ nhiều điều: Có nhiều điều
Chúa Giêsu muốn mặc khải cho các Tông-đồ qua việc Biến Hình này, nhưng không được
trình bày cách rõ ràng:
(1) Ngài chính là Con Thiên Chúa: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”
Đây là lần thứ hai
Thiên Chúa Cha nói những lời này; lần thứ nhất trong biến cố Chúa chịu Phép Rửa
tại sông Jordan trước khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng. Lần này trước khi
Chúa Giêsu bắt đầu Cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Mục đích là để các Tông-đồ xác
tín mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con.
(2) Ngài chính là Đấng Thiên Sai mà Luật và các tiên-tri loan báo: Sự có mặt của
hai chứng nhân: ông Elijah đại diện cho các tiên tri, cùng ông Moses đại diện
cho Luật, hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu, chứng tỏ điều này.
(3) Đấng Thiên Sai tự nguyện chọn con đường Thập Giá: Câu hỏi của các môn đệ ở
cuối trình thuật: "từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?” chứng tỏ các ông biết
họ đàm đạo về Cuộc Thương Khó sắp xảy ra cho Chúa Giêsu tại Jerusalem. Trình
thuật Biến Hình của Luca nói rõ điều này.
(4) Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: Đây là điểm cao của việc Biến
Hình, mặc dù trình thuật không đề cập tới. Khi cho Con của Ngài đi qua Cuộc
Thương Khó để cứu chuộc con người, Thiên Chúa muốn các ông hiểu tình yêu của
Ngài dành cho con người.
(5) Chúa Giêsu tự nguyện đi qua Cuộc Thương Khó: Các ông đã nghe chính Ngài bàn
với các chứng nhân Cựu Ước về những gì sắp xảy ra; để khi nó thực sự xảy ra,
các ông biết đó không phải là chuyện tình cờ. Ngài tình nguyện chấp nhận chịu
đau khổ, chứ không phải Ngài thua cuộc trước bạo lực của con người.
3.3/ Tại sao Chúa Giêsu
ngăn cấm các ông kể lại việc Biến Hình:
- Bí mật của Đấng Thiên Sai: Có những việc chỉ cần cho một số người biết, nếu
không sẽ gây hoang mang. Có những việc chỉ được tiết lộ khi thời gian đã chín
mùi. Chúa chỉ tỏ việc Biến Hình cho ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê, và
Gioan. Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai
nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa cho Người Con Một là cho chính Ngài. Ngài
cũng mong chúng ta phải cho chính người con một của chúng ta, tức là cho chính
chúng ta, như Abraham vậy. Tình yêu trọn vẹn là như thế. Thiên Chúa chứng tỏ
tình yêu của Ngài qua hai biến cố: chuẩn bị tâm hồn con người qua biến cố
Abraham-Isaac, và cảm nghiệm rõ ràng qua Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
- Chúng ta không thể hiểu sự thử thách của Thiên Chúa dành cho Abraham, và càng
không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại hy sinh Người Con Một của Ngài. Điều
này giúp chúng ta những lúc không thể hiểu tại sao Thiên Chúa để đau khổ xảy
ra, chúng ta biết tin tưởng vào Ngài như Abraham.
- Đức tin phải được tôi luyện trong thử thách và đau khổ. Đàng sau Cuộc Thương
Khó và Thập Giá là vinh quang Phục Sinh. Nếu chúng ta từ chối đau khổ và Thập
Giá, chúng ta cũng từ chối con đường dẫn tới vinh quang Phục Sinh.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
25/02/2018
CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – B
Mc 9,2-10
Mc 9,2-10
HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI
Từ đám mây, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu
dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc
9,7)
Suy niệm: Thông thường ta giới thiệu nhau khi mới gặp lần đầu hoặc quen biết
nhau rồi, nhưng khuôn mặt bị phai mờ theo thời gian hay bị biến dạng cách nào
đó, lúc ấy cần phải giới thiệu lại để người ta có thể nhận biết nhau cách chính
xác. Cũng vậy, trong bối cảnh Chúa Giê-su chuẩn bị bước vào cuộc Khổ nạn, khi
thân xác Ngài sẽ bị biến dạng bởi những cực hình do con người gây ra, Chúa Cha
đã xuất hiện để giới thiệu: “Đây là Con Ta yêu dấu.” Lời khẳng định
ấy thì cần thiết, bởi người ta quen nghĩ rằng những gì thuộc Thiên Chúa phải
nguy nga, phải lộng lẫy, hoành tráng. Trong khi ấy Thiên Chúa lại hành động qua
những gì thế gian cho hèn mạt, không đáng kể... (1Cr 1,27-29). Chính vì thế, cần
phải có lời dặn dò của Chúa Cha “Hãy vâng nghe lời Người” để các
môn đệ có thể đứng vững trong cuộc Khổ nạn của Thầy mình.
Mời Bạn: “Chúa Ki-tô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” (Dt 13,8). Ngài vẫn là Con yêu dấu của Cha, nhưng đồng
thời, Ngài hiện diện giữa nhân loại qua những cách thế rất bình thường, nếu
không muốn nói là tầm thường. Vì thế, nguy cơ vấp phạm về Ngài là rất cao. Liệu
rằng chúng ta có dễ dàng “vâng nghe” tiếng của Ngài đang nói qua Bí tích Thánh
Thể, qua Lời Chúa, qua Giáo hội và qua những người bé mọn, nghèo hèn không?
Sống Lời Chúa: Tập cho mình thói quen đừng bao giờ thắc mắc “tại sao?” trước những
hành động của Thiên Chúa. Nhưng nếu không hiểu thì hãy hỏi “việc ấy xảy ra thế
nào?” để rồi đáp lời “xin vâng” như Đức Ma-ri-a.
Cầu nguyện: Hát bài “Xin vâng.”
(5 phút Lời Chúa)
ĐƯỢC BIẾN HÌNH ĐỔI DẠNG (25.2.2018 – Chúa nhật 2 Mùa Chay, Năm B)
Người Kitô hữu lên núi gặp Chúa để rồi được sai xuống núi hành đạo. Nhưng xuống núi rồi, lại có khi thấy cần lên núi.
Suy niệm:
Ðức Giêsu mê những ngọn
núi vắng vẻ,
đó là nơi Ngài gặp gỡ
Cha, chìm đắm trong cầu nguyện.
Có nhiều ngọn núi trong
cuộc đời Ðức Giêsu:
núi của Bài Giảng về các
mối phúc,
núi Tabo nơi Ngài biến
hình,
núi Sọ và núi Ôliu nơi
Chúa thăng thiên.
Những ngọn núi trở thành
cột mốc đánh dấu.
Những ngọn núi đan vào
nhau làm nên cuộc hành trình.
Ba môn đệ thân tín được
Ngài đưa lên núi Tabo,
để củng cố niềm tin của
họ,
trước khi họ thấy Ngài
như người bị Cha bỏ rơi
và bị mọi người khai trừ
ruồng rẫy trên núi Sọ.
Nhưng vinh quang của núi
Tabo
chỉ là một loé sáng bất
ngờ và tạm thời,
báo trước vinh quang viên
mãn khi Ngài về Thiên Quốc.
Biến hình là một hành
động của Thiên Chúa Cha.
Sau khi gặp Cha, Ðức
Giêsu được Cha biến hình.
Sự biến đổi này ảnh hưởng
đến thân xác và khuôn mặt,
và đến cả y phục của
Ngài.
Vinh quang của Con Thiên
Chúa làm người vốn bị che khuất,
nay được Cha hé mở cho
các môn đệ.
Ông Môsê ngày xưa, sau
khi lên núi gặp Ðức Chúa
cũng đã phải che lại
khuôn mặt chói lọi của mình.
Chẳng ai gặp Thiên Chúa
thực sự mà lại không biến hình.
Ðời sống kết hiệp thực sự
với Thiên Chúa
làm cho người Kitô hữu
tỏa sáng rực rỡ.
Biến hình không phải là
trở thành cái gì khác mình,
như Tôn Ngộ Không với các
trò biến hoá.
Biến hình là trở lại với
cái tôi sâu thẳm của mình:
tôi là con yêu dấu của
Thiên Chúa.
Từ khi chịu phép Thánh
Tẩy,
chúng ta đã bước vào một
cuộc biến hình,
từ từ và liên tục.
Nếu chúng ta chấp nhận đi
vào đường hẹp của Thầy Giêsu
chúng ta sẽ được biến
hình đổi dạng
và phản ánh ngời sáng hơn
vinh quang Chúa (x. 2Cr 3,18).
Chúng ta phải trở thành
điều chúng ta đang là.
Ðời sống Kitô hữu là một
cuộc lên núi
và xuống núi với Chúa
Kitô mỗi ngày.
Cần cảm nếm được sự dịu
ngọt và hạnh phúc
khi được chiêm ngắm Chúa
Giêsu trên núi cao.
Nhưng cũng phải xuống núi
với Chúa
để đi đến nơi hiến mình,
nơi phục vụ,
đi cùng và đi sau Chúa
Giêsu
đến với Vườn Dầu và Núi
Sọ.
Ước gì chúng ta dám đón
nhận những gai góc đời thường
và nhìn mọi khổ đau bằng
cái nhìn mới mẻ.
Người Kitô hữu lên núi
gặp Chúa
để rồi được sai xuống núi
hành đạo.
Nhưng xuống núi rồi, lại
có khi thấy cần lên núi.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng
những lúc
được an nghỉ trước nhan
Chúa.
Khi bị xao động bởi những
bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh
thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê
dục vọng,
xin cho con thoát được
lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ
của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG HAI
Tin Tưởng Vào Thiên
Chúa,
Đấng Cứu Thoát
Người It-ra-en thường
ôn lại đêm tối của cuộc Xuất Hành, và hoài niệm ấy giúp khích lệ họ tin tưởng
vào Thiên Chúa – Đấng cứu thoát họ.
Giáo Hội – cùng với
Tông Đồ Phao-lô – nhìn về đêm Phục Sinh. Ở đó, Giáo Hội tìm thấy niềm khích lệ
giữ vững đức tin của mình – một đức tin vốn xuất phát từ mầu nhiệm Phục Sinh của
Đức Kitô: “Vì nếu anh em tuyên xưng …rằng Đức Giêsu là Chúa và chân thành tin rằng
Thiên Chúa đã phục sinh Người từ cõi chết, thì anh em sẽ được cứu độ” (Rm 10,
9).
Với những lời ấy,
Thánh Phao-lô muốn dạy chúng ta ý thức hơn về nhu cầu cần được cứu độ của mình.
Chúng ta cần phải kêu cầu sự giải cứu ấy, sự giải cứu đến từ mầu nhiệm cái chết
và sự phục sinh của Đức Kitô: “Bất cứ ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu độ” (Rm
10, 13).
Hạnh Các Thánh
25 Tháng Hai
Chân Phước Sebastian ở Aparicio
(1502 - 1600)
Những
con đường và nhịp cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ
thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm
giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.
Cha
mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ
Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng. Sau đó ngài xây đắp những con đường để
thuận tiện cho việc trao đổi nông nghiệp và thương mãi. Con đường ngài xây từ
Mexico City cho đến Zacatecas dài 466 dặm và phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa
phải khéo léo thương thuyết với những người thổ dân.
Sau
cùng, Sebastian là một điền chủ giàu có. Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một
trinh nữ. Ðộng lực chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài
kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi
môn ấy một cuộc đời xứng đáng. Khi người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một
trinh nữ thứ hai cũng vì lý do như trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.
Vào
năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng
Phanxicô với tư cách của một thầy trợ sĩ. Ðược giao cho công việc ẩm thực của
tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của
Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm.
Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta
đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."
Thầy
Sebastian được phong chân phước năm 1787 và là quan thầy của những người lữ
hành.
Lời Bàn
Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi
khi công việc của họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người
cùi là những người không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được
phép đi xin, và luôn nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương
tốt để khuyến dụ dân chúng. Cuộc đời của Chân Phước Sebastian, dù tuổi già
nhưng vẫn hăng say, chắc chắn đã đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa hơn.
Lời Trích
Có
lần Thánh Phanxicô nói với các môn sinh:"Giữa thế gian và tu sĩ có một
giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải
cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm
gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2
Celano, #70).
Trích từ NguoiTinHuu.com
25 Tháng Hai
Dân Thành Athènes
Ngày kia, triết gia Esopos người Hy Lạp
ngồi bên vệ đường trước cổng thành Ethènes. Một người khách lạ tình cờ đi qua dừng
lại hỏi ông như sau: "Dân thành Athènes như thế nào?".
Triết gia bèn trả lời: "Xin ông
cho tôi biết ông đến từ đâu và dân tình ở đó như thế nào?". Người khách lạ
nhíu mày cằn nhằn: "Tôi đến từ Argos và dân Argos toàn là một lũ người láo
khoét, trộm cắp, cãi cọ suốt ngày".
Một cách bình thản, triết gia Esopos mỉm
cười đáp: "Tôi rất lấy làm buồn để báo cho ông biết rằng rồi ra ông sẽ thấy
dân thành Athènes còn tệ hơn thế nữa".
Ngày hôm sau, một người khách lạ khác
đi qua và cũng dừng lại đặt một câu hỏi: "Dân thành Athènes như thế
nào?". Người khách lạ ấy cũng cho biết mình đến từ Argos là nơi mà ông cho
là quê hương yêu dấu mà ông buộc lòng phải rời xa, bởi vì dân chúng Argos là những
người rất dễ thương, dễ mến...
Lần này, triết gia Esopos cũng biểu đồng
tình với người khách lạ như sau: "Này ông bạn đáng mến, tôi rất vui mừng
cho ông biết rằng ông sẽ nhận thấy dân thành Athènes cũng dễ thương dễ mến như
thế".
Câu
chuyện mang tính cách ngụ ngôn trên đây muốn nói với chúng ta rằng cách thẩm định
người khác tùy thuộc ở tình cảm của mỗi người. Cùng một con người ấy, cùng một
khung cảnh ấy, nhưng có người ưa, có kẻ chê. Sự khác biệt trong cách thẩm định ấy
thường không nằm trong người khác hoặc cảnh vật khác, mà chính là ở tâm trạng của
mỗi người. Thi sĩ Nguyễn Du đã có lý khi bảo rằng: "Người buồn cảnh có vui
đâu bao giờ".
Người
Kitô chúng ta luôn được mời gọi để có cái nhìn lạc quan về các biến cố và con
người, nghĩa là chúng ta được mời gọi để luôn có cái nhìn tích cực về người
khác và các biến cố. Một thất bại rủi ro xảy đến ư? Người Kitô hãy cố gắng khám
phá ra những đường nét dễ thương dễ mến trong khuôn mặt, trong cách cư xử của
người đó. Chúng ta hãy làm như loài ong: từ giữa bao nhiêu vị đắng cay của cánh
hoa, loài ong chỉ rút ra toàn mật ngọt...
Ðức
cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã ghi trong nhật ký của Ngài như sau: "Do bản chất,
tôi vui vẻ và sẵn sàng chỉ thấy những khía cạnh tốt đẹp của sự vật và con người
hơn là phê bình chỉ trích và đưa ra những phán đoán độc hại... Mỗi một cử chỉ
khiếm nhã đối với bất cứ ai, nhất là những người nghèo hèn, thấp kém, hoặc bất
cứ một chỉ trích phá hoại nào, đều làm cho tôi đau lòng".
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét