Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

21/05/2018 Thứ Hai tuần 7 thường niên Thứ Hai sau lễ Hiện Xuống Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh Lễ nhớ


21/05/2018
 Thứ Hai tuần 7 thường niên
Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích
về việc cử hành lễ kính nhớ
Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh


Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích về việc cử hành lễ kính nhớ Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh.
Roma (WHÐ 25-03-2018) - Ngày 03 tháng 03 năm 2018, Toà thánh đã công bố Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích - ký ngày 11 tháng 2 năm 2018, ngày kính nhớ Ðức Mẹ Lộ Ðức - về việc cử hành trong lịch chung Rôma lễ kính nhớ Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, và cử hành hằng năm vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo lịch chung của Giáo Hội.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn Sắc lệnh, cùng bản văn phụng vụ với các bài đọc, và bài đọc II Giờ Kinh Sách của lễ này; bản dịch tiếng Việt của Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
* * *
Sắc Lệnh
về việc cử hành trong lịch chung Rôma
lễ kính nhớ Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh
Trong Hội Thánh hiện nay, việc hân hoan dâng lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa, dưới ánh sáng của những suy tư về mầu nhiệm Chúa Kitô và về bản tính của chính Hội Thánh, luôn phải nhắc đến hình ảnh của một người nữ (x. Gl 4,4): Ðức Trinh nữ Maria, Ðấng vừa là Mẹ của Chúa Kitô vừa là Mẹ của Hội Thánh.
Ðiều này đã được khơi lên trong suy tư của Hội Thánh từ những gợi ý của thánh Augustinô và thánh Lêô Cả. Theo thánh Augustinô, Ðức Maria là mẹ của các chi thể Chúa Kitô, vì Mẹ đã yêu thương cộng tác vào việc tái sinh các tín hữu trong Hội Thánh; theo thánh Lêô, khi Ðầu được sinh ra thì toàn thân thể cũng được sinh ra, vì thế Ðức Maria vừa là mẹ của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, vừa là mẹ của các chi thể trong nhiệm thể Người chính là Hội Thánh. Ðây là những khẳng định liên quan đến tư cách Thánh Mẫu của Ðức Maria và sự kết hợp mật thiết của Mẹ với công trình của Ðấng Cứu thế, đạt đến cao điểm trong giờ hy tế thập giá.
Bên chân thập giá (x. Ga 19,25), Mẹ đã đón nhận lời trối đầy yêu thương của Chúa Giêsu Con Mẹ, và nơi người môn đệ được Chúa sủng ái, Mẹ đã tiếp nhận mọi người như những người con phải được tái sinh vào đời sống thần linh, và như thế, Mẹ đã trở nên người mẹ từ ái của Hội Thánh đã được tác sinh trên Thánh giá khi Chúa Kitô trao ban Thần Khí. Trong khi đó, cũng nơi người môn đệ yêu dấu, Chúa Kitô muốn tất cả các môn đệ thay mặt Người thể hiện tình yêu thương đối với Ðức Maria, Người trao gửi để họ đón nhận Mẹ trong tâm tình thảo hiếu kính yêu.
Như một người hướng dẫn tận tâm của Hội Thánh vừa được thiết lập, Ðức Maria bắt đầu sứ mạng làm mẹ khi hiện diện với các Tông đồ nơi phòng Tiệc ly, cùng cầu nguyện đợi chờ Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,14). Trong tâm tình đó, suốt bao thế kỷ, nền đạo đức Kitô giáo đã tôn vinh Ðức Maria với những tước hiệu khác nhau, mang ý nghĩa tương tự nhau, chẳng hạn Mẹ các môn đệ, Mẹ các giáo hữu, Mẹ các tín hữu, Mẹ của tất cả những kẻ được tái sinh trong Chúa Kitô, và "Mẹ của Hội Thánh", tước hiệu này đã xuất hiện trong những tác phẩm của các tác giả tu đức cũng như trong các văn kiện Huấn quyền của Ðức Bênêđictô XIV và Lêô XIII.
Vào ngày 21 tháng 9 năm 1964, khi bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II, Ðức chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã dựa vào những yếu tố nói trên như cơ sở nền tảng để công bố Ðức Trinh Nữ Maria là "Mẹ của Hội Thánh, nghĩa là Mẹ của toàn thể các Kitô hữu, giáo dân cũng như mục tử, những người vẫn gọi Mẹ là Mẹ vô cùng nhân ái", và Ðức Giáo hoàng xác lập việc "toàn thể đoàn dân Kitô giáo từ nay phải luôn gia tăng lòng tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa dưới tước hiệu vô cùng dịu ngọt ấy".
Trong Năm Thánh Hòa giải 1975, Tòa Thánh đã biên soạn và đưa vào Sách Lễ Rôma bản văn lễ ngoại lịch kính Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh; tước hiệu này cũng được thêm vào Kinh cầu Ðức Mẹ (1980), một số bản văn khác cũng được phổ biến trong tập sách các lễ kính Ðức Trinh Nữ Maria (1986). Theo ý thỉnh nguyện, lễ này đã được phép ghi vào lịch riêng của một số quốc gia, giáo phận và hội dòng.
Ðức Giáo hoàng Phanxicô, sau khi thận trọng cân nhắc hiệu quả của việc sùng kính này có thể giúp nâng cao cảm thức làm mẹ của Hội Thánh, đồng thời cũng gia tăng lòng tôn kính Ðức Mẹ nơi các mục tử, tu sĩ và các tín hữu, đã quyết định đưa vào lịch chung của Hội Thánh Rôma, lễ nhớ Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, được cử hành hằng năm vào ngày thứ Hai sau lễ Hiện xuống.
Việc cử hành lễ này sẽ giúp chúng ta nhớ rằng, sự tăng trưởng của đời sống Kitô hữu phải luôn gắn kết với mầu nhiệm Thánh Giá, với hy tế của Chúa Kitô nơi bàn tiệc Thánh Thể cũng như với tâm tình hiến dâng của Ðức Trinh Nữ, Mẹ của Ðấng Cứu thế và của những người được cứu chuộc.
Lễ nhớ này phải được ghi trong lịch và sách phụng vụ để cử hành Thánh lễ và Phụng vụ Giờ kinh. Bản văn phụng vụ liên quan được phổ biến cùng với sắc lệnh này, và các bản dịch sẽ được công bố sau khi đã được các Hội Ðồng Giám Mục phê duyệt và Bộ Phụng Tự chuẩn nhận.
Tại những nơi đã được phép đặc biệt để cử hành lễ Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, vào một ngày khác và với bậc lễ cao hơn, vẫn có thể tiếp tục cử hành như thế.
Bất chấp mọi điều trái nghịch.
Ban hành từ trụ sở Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích, ngày 11 tháng 2 năm 2018, ngày kính nhớ Ðức Mẹ Lộ Ðức.

Hồng y Robert Sarah
Tổng trưởng
Tổng Giám mục Arthur Roche
Thư ký

* * *

Thứ Hai sau lễ Hiện Xuống
Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh
Lễ nhớ


Ca nhập lễ x. Cv 1, 14
Các môn đệ đồng tâm kiên trì cầu nguyện
cùng với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là Cha hay thương xót,
khi chịu treo trên thập giá,
Con Một Chúa đã trao ban Ðức Trinh Nữ Maria, thân mẫu Người,
làm Mẹ chúng con,
nhờ có Ðức Mẹ yêu thương trợ giúp,
xin cho Hội Thánh Chúa đang ngày càng thêm đông số,
được mừng vui vì sự thánh thiện của con cái,
và dẫn đưa tất cả muôn dân nhập đoàn cùng Hội Thánh Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con,
Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa,
trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin thương chấp nhận và biến đổi của lễ chúng con dâng
thành bí tích cứu độ,
xin cho lòng chúng con cũng cháy bừng lửa yêu mến
như Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh,
và ước chi sức mạnh của bí tích này
thúc đẩy chúng con cộng tác mật thiết hơn vào công trình cứu chuộc.
Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.

Kinh Tiền tụng: Ðức Maria là khuôn mẫu và là Mẹ của Hội Thánh.
X. Chúa ở cùng anh chị em.
Ð. Và ở cùng cha.
X. Hãy nâng tâm hồn lên.
Ð. Chúng con đang hướng về Chúa.
X. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Ð. Thật là chính đáng.
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc,
thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Mỗi khi kính nhớ Ðức Trinh Nữ Maria,
chúng con dâng lời ngợi khen tung hô Chúa.
Khi đón nhận Lời Chúa với tâm hồn trong trắng,
Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng khiết trinh,
và khi hạ sinh Ðấng thiết lập Hội Thánh,
Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh.
Khi đứng bên thập giá,
Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa,
và đã nhận tất cả mọi người làm con,
những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên
nhờ cái chết của Ðức Kitô.
Khi cùng các Tông đồ trông đợi Ðấng Chúa hứa ban,
Mẹ đã hợp với các ngài tha thiết khẩn cầu,
và nên mẫu gương cho một Hội Thánh không ngừng cầu nguyện.
Khi được đưa lên cõi vinh quang thiên quốc,
Mẹ vẫn lấy lòng từ mẫu dõi theo Hội Thánh đang còn lữ hành,
và ân cần phù trợ Hội Thánh trên đường về quê trời,
cho tới ngày Chúa Kitô ngự đến trong vinh quang.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các Thánh,
chúng con hợp tiếng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:
Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh,...

Ca hiệp lễ x. Ga 2, 1. 11
Có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa, và có mẹ Chúa Giêsu ở đó;
bấy giờ Chúa Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên
và đã tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ đã tin Người.

Hoặc x. Ga 19, 26-27
Lúc bị treo trên thập giá,
Chúa Giêsu nói với môn đệ Người yêu: Này là Mẹ con.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa,
chúng con vừa lãnh nhận bảo chứng ơn cứu chuộc và sự sống,
xin cho Hội Thánh Chúa,
nhờ sự trợ giúp của Thánh mẫu Maria,
luôn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc
và làm cho địa cầu được đầy tràn Chúa Thánh Thần.
Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con.

Bài đọc I St 3,9-15.20
"Mẹ của toàn thể chúng sinh"
Bài trích sách Sáng thế
Sau khi Ađam ăn trái cấm,
9 Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông
và nói cùng ông rằng: "Ngươi ở đâu vậy?"
10 Ông thưa: "Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi,
vì con trần truồng và con ẩn núp".
11 Chúa hỏi ông: "Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng?
Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?"
12 Ađam thưa: "Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con,
chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn".
13 Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng:
"Tại sao ngươi làm điều đó?"
Người phụ nữ thưa: "Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn".
14 Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: "Bởi vì mi đã làm điều đó,
mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang!
Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi.
15 Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ,
giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà,
người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người".
20 Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh.
Ðó là Lời Chúa.

Hoặc: Cv 1,12-14
"Các Tông đồ đồng tâm kiên trì cầu nguyện cùng với Ðức Maria, mẹ của Chúa Giêsu"
Bài trích sách Công vụ Tông đồ
12 Sau khi Chúa Giêsu lên trời,
các Tông đồ rời núi Cây Dầu trở về Giêrusalem,
núi này ở gần Giêrusalem,
chỉ cách một quãng đường được đi trong ngày sabbat.
13 Sau khi trở về thành, các ông lên phòng trên lầu.
Hiện diện tại đây có các ông Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê,
Philipphê, Tôma, Bartôlômêô, Matthêu, Giacôbê con ông Alphê,
Simon nhiệt thành, và Giuđa con ông Giacôbê.
14 Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện,
cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, mẹ của Chúa Giêsu,
và các anh em Người.
Ðó là Lời Chúa.

Thánh vịnh đáp ca Tv 86 (87) 1-2.3 và 5.6-7
Ðáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa,
mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.

1 Nền móng Sion được đặt trên núi thánh,
2 Chúa yêu chuộng cửa thành
hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob.
3 Hỡi thành đô của Thiên Chúa.
Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành. - Ð.

5 Nói đến Sion, thiên hạ bảo:
"Tại đó, người người đã sinh ra,
chính Ðấng Tối Cao củng cố thành". - Ð.

6 Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân:
"Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó",
7 và họ múa nhảy hát ca:
"Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành". - Ð.

Alleluia
Kính chào Ðức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu.
Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Ðấng giữ gìn trong chúng con
Thần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô

Tin Mừng Ga 19, 25-27
Này là Con Bà. Này là Mẹ con.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan
Khi ấy,
25 đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có mẹ Người,
cùng với chị mẹ Người là bà Maria, vợ ông Clêôpas
và Maria Mađalêna.
26 Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu,
Chúa Giêsu nói với mẹ rằng: "Thưa Bà, này là Con Bà".
27 Rồi Người nói với môn đệ: "Này là Mẹ con".
Và từ giờ đó môn đệ đã đón bà về nhà mình.
Ðó là Lời Chúa.


Bài đọc II Giờ Kinh Sách
Trích diễn từ của Ðức Giáo hoàng Phaolô VI
ngày bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II - 21.11.1964
Ðể tôn vinh Ðức Trinh Nữ Maria và để chúng ta được hưởng nhờ ơn cứu giúp, sau khi cẩn thận luận xét các lý chứng liên hệ đến mối tương quan giữa Ðức Maria và Hội Thánh, Chúng tôi tuyên nhận Ðức Maria là Mẹ của Hội Thánh, nghĩa là của toàn thể các Kitô hữu, giáo dân cũng như mục tử, những người vẫn gọi Ðức Maria là Mẹ vô cùng nhân ái; và Chúng tôi xác lập rằng từ nay toàn thể đoàn dân Kitô giáo phải luôn gia tăng lòng tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa và kêu cầu Mẹ dưới tước hiệu vô cùng dịu ngọt ấy.
Thưa chư huynh đáng kính, tước hiệu này không hề xa lạ đối với lòng đạo đức của các Kitô hữu; trái lại các tín hữu và toàn thể Hội Thánh vẫn luôn gọi Ðức Maria là Mẹ. Danh hiệu này quả thật đã gắn liền với ý nghĩa đích thực của lòng sùng kính dành cho Ðức Maria, dựa trên chính phẩm giá Mẹ đã nhận được trong tư cách là Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Thiên chức Thánh Mẫu đã làm cho Mẹ có những mối liên hệ đặc biệt với Chúa Kitô và hiện diện trong công trình cứu rỗi nhân loại do Chúa Giêsu Kitô thực hiện, cũng chính thiên chức đó tạo nên mối tương quan giữa Ðức Maria và Hội Thánh; vì Ðức Maria là Mẹ của Chúa Kitô, Ðấng đã nhận lấy bản tính nhân loại trong cung lòng khiết trinh của Mẹ, Ðấng là Ðầu của Nhiệm thể là Hội Thánh. Vì thế Ðức Maria, Mẹ của Chúa Kitô, cũng là Mẹ của tất cả các tín hữu và mục tử, nghĩa là của Hội Thánh.
Ðó là lý do tại sao chúng ta, dù bất xứng, dù yếu hèn, nhưng vẫn luôn ngước nhìn lên Mẹ với đôi mắt bừng sáng niềm tin tưởng và lòng yêu mến của những người con. Nếu xưa Mẹ đã trao cho chúng ta Ðức Giêsu là nguồn mạch ân sủng bởi trời, thì nay Mẹ không thể không dành tấm lòng hiền mẫu của Mẹ cho Hội Thánh, đặc biệt trong thời điểm này, khi Hiền Thê của Chúa Kitô đang gia tăng nỗ lực để chu toàn sứ mạng thông ban ơn cứu độ.
Ðể tiếp tục nuôi dưỡng và củng cố niềm tin này, Chúng tôi muốn trình bày những tương quan mật thiết giữa người Mẹ trên trời của chúng ta và nhân loại. Dù được Thiên Chúa ban tràn đầy ân huệ cao trọng để xứng đáng là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, Ðức Maria vẫn luôn thân cận với chúng ta. Như chúng ta, Mẹ là con cháu Evà, có chung bản tính nhân loại nên cũng là người Chị của chúng ta; được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ do hưởng trước công phúc cứu chuộc của Chúa Kitô, nhưng Mẹ đã lãnh nhận các ân huệ thần linh với đức tin trọn hảo, đến độ Mẹ đáng nhận được lời ngợi khen trong Tin Mừng: "Phúc cho bà là kẻ đã tin".
Trong cuộc sống trần thế, Mẹ đã thể hiện hình ảnh hoàn hảo của người môn đệ Chúa Kitô, nên mẫu gương của mọi nhân đức,và nếp sống của Mẹ phản ánh trọn vẹn các mối phúc thật được Chúa Giêsu Kitô rao giảng. Bởi đó, trong đời sống đa dạng và sinh hoạt đầy năng động của mình, toàn thể Hội Thánh phải noi theo mẫu gương của Ðức Trinh nữ Mẹ Thiên Chúa, người đã trọn vẹn sống theo gương mẫu Chúa Kitô.

Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích

Thông tri của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích
về lễ Nhớ Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh

Thông tri của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích về lễ Nhớ Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh.
Roma (WHÐ 27-03-2018) - Tiếp theo Sắc lệnh về việc cử hành trong lịch chung Rôma lễ kính nhớ Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, do Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích ký ngày 11 tháng 02 năm 2018, và sau đó được Toà thánh công bố vào ngày 03 tháng 03 năm 2018, Bộ Phụng Tự lại ra một Thông tri hướng dẫn cụ thể việc cử hành lễ này.
Thông tri do Ðức hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Ðức Tổng Giám mục Arthur Roche, Thư ký của Bộ, ký ngày 24 tháng 03 năm 2018.
Sau đây là toàn văn Thông tri; bản dịch tiếng Việt của Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
* * *
Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Các Bí Tích
Văn thư số 138/18

Thông Tri
về lễ Nhớ Ðức Trinh Nữ Maria
Mẹ Hội Thánh

Sau khi đã đưa vào Lịch chung Rôma lễ Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh với bậc lễ Nhớ buộc, được cử hành hằng năm vào thứ Hai sau lễ Hiện xuống, chúng tôi thấy cần phải đưa ra một số hướng dẫn sau đây.
Trong Sách lễ Rôma, sau bản văn lễ Hiện xuống có ghi: "Tại những nơi các tín hữu buộc hoặc có thói quen dâng lễ vào thứ Hai và thứ Ba sau lễ Hiện xuống, có thể lấy bản văn lễ Chúa nhật Hiện xuống hoặc lễ về Chúa Thánh Thần", phần chữ đỏ ấy vẫn còn hiệu lực vì vẫn áp dụng đúng thứ tự ưu tiên giữa các ngày phụng vụ cùng với việc cử hành lễ theo ngày, được quy định thống nhất trong Bảng các ngày phụng vụ (x. Quy chế tổng quát về Năm phụng vụ và Niên lịch, số 59). Tương tự như thế, thứ tự ưu tiên của lễ ngoại lịch được quy định như sau: "Không được cử hành lễ ngoại lịch trong những ngày có lễ nhớ bắt buộc, những ngày mùa Vọng cho đến hết ngày 16 tháng 12, các ngày trong mùa Giáng sinh từ ngày 2 tháng Giêng, trong mùa Phục sinh sau tuần Bát nhật Phục sinh, nhưng nếu vì lợi ích mục vụ, tùy theo thẩm định của linh mục quản thủ thánh đường hay của chính linh mục chủ tế, có thể cử hành lễ ngoại lịch thích hợp trong thánh lễ có dân chúng tham dự (Sách lễ Rôma, ghi chú về lễ ngoại lịch; x. Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 376).
Tuy nhiên, nếu không có lý do đặc biệt hơn, phải chọn lễ nhớ Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh, và các bản văn phụng vụ kèm theo Sắc lệnh và các bài đọc được chỉ định, phải được xem là phần riêng dành cho lễ này, vì cho thấy rõ nét mầu nhiệm về thiên chức Thánh Mẫu. Trong các ấn bản sau này của tập Mục lục các bài đọc, phần chữ đỏ của số 572bis sẽ ghi rõ các bài đọc ấy là phần riêng, và dù đây là lễ Nhớ, nhưng vẫn phải đọc thay vì các bài đọc theo ngày (x. Sách bài đọc, Những điều cần biết trước, số 83).
Trong trường hợp lễ Nhớ này trùng với một lễ Nhớ khác, phải giữ các nguyên tắc tổng quát của quy định chung về Năm phụng vụ và Niên lịch (x. Bảng các ngày phụng vụ, số 60). Tuy nhiên, vì lễ Nhớ Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh được gắn liền với lễ Hiện Xuống, giống như lễ Trái Tim vẹn sạch Ðức Mẹ gắn liền với lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên trong trường hợp lễ này trùng với lễ nhớ một vị thánh hay một chân phước khác, theo truyền thống về thứ bậc giữa các thánh, lễ nhớ Ðức Trinh Nữ Maria phải được kể là ưu tiên.

Từ trụ sở Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, ngày 24 tháng 3 năm 2018.

Hồng y Robert Sarah
Tổng trưởng
Tổng Giám mục Arthur Roche
Thư ký

Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích


Suy Nim Tin Mng L Đc Maria - M Hi Thánh

Hội Thánh Cùng Mẹ Tiến Bước
(St 3,9-15.20; Ga 19, 25-27) 
Với Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích ký ngày 11 tháng 2 năm 2018, ngày kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức truyền dạy chúng ta cử hành lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh. Thứ Hai, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh cử hành với niềm vui khôn tả, khởi đi từ: “Khi đón nhận Lời Chúa với tâm hồn trong trắng,  Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng khiết trinh, và khi hạ sinh Đấng thiết lập Hội Thánh, Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh. Khi đứng bên thập giá, Mẹ đón nhận lời trối đầy yêu thương của Con Chúa, và đã nhận tất cả mọi người làm con, những người được tái sinh vào đời sống siêu nhiên nhờ cái chết của Đức Kitô” (Kinh Tiền tụng: Đức Maria là khuôn mẫu và là Mẹ của Hội Thánh).
Trong ngày này Hội Thánh dâng lời ngợi khen tung hô Chúa, đồng thời tôn vinh Mẹ là Ðấng Tuyệt Ðẹp “Tota Pulchra”, vì Mẹ đã được Thiên Chúa Cha yêu thương và tuyển chọn làm Mẹ Chúa Con. Mẹ được gìn giữ khỏi mắc tội nguyên tổ, là Ðấng đầu tiên đã được Con Mẹ cứu chuộc. Nét đẹp cao cả của Mẹ phản chiếu nét đẹp của Chúa Kitô, là bằng chứng cho tất cả mọi tín hữu về chiến thắng của tình thương Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết, khi đạp nát đầu con rắn đã cám dỗ Adong và Evà phạm tội.
Thiên Chúa là Cha nhân từ
Thiên Chúa khôn ngoan và nhân từ, nên mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp. Ngài đã sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, cho họ sống tình thân với Chúa. Vậy Sự Dữ do đâu mà có ? Đâu là nguyên nhân khiến cho tình thân nghĩa thiết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau bị phá vỡ?
Sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Khi nổi loạn chống lại Thiên Chúa, ma quỉ đã lường gạt và lôi kéo con người theo chúng. Thiên Chúa hỏi Ađam: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?”  Thiên Chúa hỏi Evà: “Tại sao ngươi đã làm điều đó? ”  Evà trả lời: “Con rắn đã cám dỗ tôi” (x. St 3, 11-13).
Là thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể sống tình thân ấy khi tự do tùng phục Thiên Chúa. Ðiều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người ăn trái cây biết lành, biết dữ “vì ngày ngươi ăn nó, ngươi sẽ chết” (St 2, l7). Bị ma quỉ cám dỗ, con người đánh mất lòng tín thác vào Ðấng Sáng Tạo, lạm dụng tự do, bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Ðó là tội đầu tiên của con người (x. Rm 5, l9). Hậu quả là Adong và Evà đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy (x. Rm 3, 23). Sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người (x. St 3, l7-l9). Sự kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng (x. St 3, ll-l3); tình huynh đệ tương tàn (x. St 4, 3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người. Cuối cùng, vì bất tuân: “Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro” (St 3, l9).
Sau khi sa ngã, Thiên Chúa không lỡ bỏ rơi con người. Trái lại, vì tình thương, Thiên Chúa nâng con người lên. Chúa bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi”. (St 3, 9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu thương, nhưng Ngài hứa: “ Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15).
Ðoạn sách Sáng Thế trên được gọi là "Tiền Tin Mừng" vì đó là lời loan báo đầu tiên về Ðấng Cứu Thế, về cuộc chiến đấu giữa con rắn với người nữ và chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này. Tình mẫu tử của Đức Maria đối với nhân loại được biểu lộ “Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3, 20).
Mẹ Hội Thánh
Đức Maria đã được Thiên Chúa tiền định từ muôn thủa trong yêu thương và chọn Mẹ làm Đấng cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và đồng hành cùng Chúa Giêsu Con Mẹ trong công trình cứu chuộc loài người, Mẹ đã cộng tác trong việc khai sinh Hội Thánh. Trong tình thương, Ngài đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Ngài, qua Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1 4-5). Do đó, Đức Maria là Mẹ chúng ta.
Thật hiển nhiên: “Lúc bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu nói với môn đệ Người yêu: Này là Mẹ con” (Ga 19, 26-27). Bên chân thập giá (x. Ga 19,25), Mẹ đã đón nhận lời trối đầy yêu thương của Chúa Giêsu Con Mẹ, và nơi người môn đệ được Chúa sủng ái, Mẹ đã tiếp nhận mọi người như những người con phải được tái sinh vào đời sống thần linh, và như thế, Mẹ đã trở nên người mẹ từ ái của Hội Thánh đã được tác sinh trên Thánh giá khi Chúa Kitô trao ban Thần Khí. Trong khi đó, cũng nơi người môn đệ yêu dấu, Chúa Kitô muốn tất cả các môn đệ thay mặt Người thể hiện tình yêu thương đối với Đức Maria, Người trao gửi để họ đón nhận Mẹ trong tâm tình thảo hiếu kính yêu” (Sắc Lệnh về việc cử hành lễ kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh). Vì thế, Mẹ là Mẹ Hội Thánh.
Hội Thánh cùng với Mẹ tiến bước
Trong diễn từ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI ngày bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II – 21.11.1964 viết: “Thiên chức Thánh Mẫu đã làm cho Mẹ có những mối liên hệ đặc biệt với Chúa Kitô và hiện diện trong công trình cứu rỗi nhân loại do Chúa Giêsu Kitô thực hiện, cũng chính thiên chức đó tạo nên mối tương quan giữa Đức Maria và Hội Thánh; vì Đức Maria là Mẹ của Chúa Kitô, Đấng đã nhận lấy bản tính nhân loại trong cung lòng khiết trinh của Mẹ, Đấng là Đầu của Nhiệm thể là Hội Thánh. Vì thế Đức Maria, Mẹ của Chúa Kitô, cũng là Mẹ của tất cả các tín hữu và mục tử, nghĩa là của Hội Thánh”.
Vì là Mẹ của Hội Thánh, nên suốt cuộc đời Mẹ luôn là máng thông ơn Thiên Chúa    xuống cho Hội Thánh. Để sống tốt hành trình dương thế, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, cầu xin Mẹ, để có thể khám phá ra niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Không ai đã bước vào mầu nhiệm sâu xa của việc nhập thể như Mẹ Maria. Toàn bộ cuộc sống Mẹ được hun đúc theo Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ minh chứng rằng tình yêu của Con Mẹ là vô cùng vô tận và mở rộng cho tất cả mọi người, không một ngoại lệ nào. Chúng ta hãy tiếp bước theo Mẹ.
Lạy Đức Mẹ Hội Thánh, xin cầu cho chúng con. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG NĂM
Di Sản Của Chúng Ta
Đức Kitô nói với các Tông Đồ về Chúa Thánh Thần: “Ngài sẽ dạy cho anh em mọi sự và sẽ nhắc anh em nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em.” Giáo huấn tông truyền của Giáo Hội luôn luôn bắt rễ trong sự hiện diện năng động của Thần Khí sự thật. Chính Thánh Thần bảo đảm cho chân lý của Tin Mừng. Ngài canh giữ để đảm bảo rằng Giáo Hội sẽ chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ khác tất cả những gì Giáo Hội đã nghe được từ Đức Kitô.
Trong vai trò bảo vệ và hướng dẫn sự phát triển của truyền thống, Chúa Thánh Thần chính là nguồn mặc khải vô hình đối với Giáo Hội. Ngài sẽ “nhắc cho anh em nhớ” – như lời Đức Giêsu nói. Truyền thống là di sản của chúng ta. Truyền thống là “sự nhớ lại” tất cả những gì Đức Kitô đã nói với Giáo Hội: đó chính là toàn bộ di sản mặc khải và đức tin.
“Thánh Truyền và Thánh Kinh gắn bó mật thiết với nhau và liên lạc với nhau. Cả hai đều xuất phát từ cùng một nguồn mạch thần linh, vì thế – một cách nào đó – cả hai nối kết với nhau để tạo thành một thực thể và chuyển động về cùng một mục đích” (Hiến Chế MK 9). Trong Truyền Thống và trong Thánh Kinh, chúng ta gặp thấy sự hiện diện của Đức Kitô, vị Mục Tử Tốt Lành – một sự hiện diện xuyên suốt bao thế kỷ.


21 Tháng Năm
Ðôi Cánh Con Tuấn Mã
    
    Hai người bạn thân ngồi bên nhau dưới một bóng cây cổ thụ. Cả hai đều đưa mắt nhìn về cánh đồng trước mặt, nhưng mỗi người một ý nghĩ.

    Người có dáng vẻ đầy nghị lực, cái nhìn cương quyết, thốt lên như sau: "Một cảnh vật phẳng lặng và độc điệu như thế này quả thực là nhàm chán. Tôi sẽ rời bỏ ngôi làng nhỏ bé này để làm một vòng du lịch cho biết đó biết đây".

    Người bạn khác với dáng điệu mảnh khảnh ít nói, mỉm cười nhìn vào phong cảnh xung quanh rồi nói: "Tôi cũng có một con tuấn mã. Từ bao lâu nay, tôi đã đi lại không biết bao nhiêu nơi rồi".

    Hai người chia tay nhau và hẹn cũng gặp lại dưới bóng cây cổ thụ để kể cho nhau nghe những cuộc du lịch của mình.

    Sau một năm, họ lại gặp nhau... người thứ nhất kể chuyện: "Trong một năm qua, hầu như nơi nào tỗimcung đã đặt chân đến. Tôi đã đi xuống biển, lên ngàn, vượt đèo, qua suối. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu người. Tôi đã học được bí quyết kiếm được nhiều tiền... Giờ đây, tôi trở nên giàu có. Tôi sẽ tiếp tục đi du lịch... Còn bạn, bạn đã đi được nơi nào trong suốt năm qua?".

    Người bạn chưa từng rời bỏ ngôi làng của mình đã trả lời: "Tôi đã lên trời, tôi đã bay lượn trên các tầng mây. Tôi đã đến đô thị của mặt trời". Nghe thế, người kia thắc mắc: "Phải chăng con tuấn mã của anh bay được?". Con người có tâm hồn thi sĩ trả lời: "Ðúng thế, con ngựa của tôi có đôi cánh. Nó đưa tôi lên tất cả những nơi nào tôi muốn. Mắt tôi nhìn thấy được muôn kỳ công của vũ trụ. tai tôi nghe được muôn điệu nhạc của thiên nhiên... Ðối với anh, sự giàu có nằm trong của cải vàng bạc. Nhưng đối với tôi, của cải chính là đôi mắt của tâm hồn tôi. Cho dẫu một năm qua, tôi chỉ ngồi dưới bóng cây cổ thụ này, cho dẫu quang cảnh trước mặt tôi chỉ là cánh đồng phẳng lặng này, nhưng tâm hồn tôi nhìn thấy muôn nghìn cảnh đẹp của thiên nhiên, tai tôi có thể nghe được bao nhiêu điệu nhạc của thiên nhiên mà anh không thể nghe được".

    Người có tâm hồn nghệ sĩ có những rung cảm mà người khác không có. họ nhìn thấy, họ lắng nghe được những điều mà người khác không cảm nhận được. Cũng thế, người có đôi mắt Ðức tin cod thể nhìn thấy các giá trị mà người khác không nhìn thấy. Ðôi mắt Ðức tin giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong vũ trụ, trong lịch sử, trong con người. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được giá trị của cuộc sống độc điệu, của những hy sinh âm thầm hằng ngày. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan trong những điều người đời cho là điên dại, sức mạnh trong những cái yếu đuối. Ðức tin ấy giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng trong tăm tối, sự sống trong cái chết, ân sủng trong tội lỗi.


    Trích sách Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét