Trang

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

03-04-2019 : THỨ TƯ - TUẦN IV MÙA CHAY


03/04/2019
Thứ tư tuần 4 Mùa Chay


BÀI ĐỌC I: Is 49, 8-15
“Ta đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Đây Chúa phán: “Trong thời thuận tiện, Ta đã nghe lời ngươi; trong ngày cứu độ, Ta đã cứu giúp ngươi; Ta đã gìn giữ ngươi và đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở, và thu hồi các tài sản bị phân tán, để ngươi nói với tù nhân rằng: ‘Các ngươi hãy ra’, và nói với những kẻ ở trong tối tăm rằng: ‘Các ngươi hãy ra ngoài sáng’. Họ được nuôi dưỡng trên các nẻo đường, và các đồi trọc sẽ trở thành đồng cỏ. Họ sẽ không còn đói khát nữa, gió nóng và mặt trời không làm khổ họ, vì Đấng thương xót họ sẽ là người hướng dẫn họ và đưa họ đến uống ở suối nước. Ta sẽ biến đổi tất cả các núi của Ta thành đường đi, và các lối đi của Ta sẽ được bồi đắp cho cao. Này đoàn người từ xa đến. Kìa những kẻ từ hướng bắc và hướng tây lại, và những người từ miền nam lên.
Trời hãy ca ngợi, đất hãy nhảy mừng, núi đồi hãy hân hoan chúc tụng! Vì Chúa đã an ủi dân Người và sẽ xót thương những người cùng khổ.
Sion nói: ‘Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi’. Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 8-9. 13cd-14. 17-18
Đáp: Chúa là Đấng nhân ái và từ bi (c. 8a).
Xướng:
1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giầu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. – Đáp.
2) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. – Đáp.
3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2
Đây là lúc thuận tiện. Đây là ngày cứu độ. 

PHÚC ÂM: Ga 5, 17-30
“Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tuỳ ý Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:
Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Điều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục. Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Đấng đã sai Ta”. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Không ngừng yêu thương
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã trả lời cho những người biệt phái cách Ngài chữa lành cho người đang làm việc gần bên giếng nước rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Thiên Chúa Cha nhân từ luôn luôn trao ban điều tốt cho con người mà Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Giờ đây đến phiên mình xuống trần để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng muốn liên lỉ làm việc, làm điều tốt cho con người, bất luận đó là ngày Sabát hay không. Ngày Sabát là cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabát.
Cũng trong dịp này Chúa Giêsu mạc khải cho những kẻ chống đối Ngài mối tương quan giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con, tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động nhân từ mà Chúa Con thực hiện cho con người, cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã mạc khải chân tính tình yêu đời đời đó và mời gọi con người hãy đáp trả, hãy cộng tác với chương trình yêu thương này để được sống đời đời: "Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta thì được sống đời đời, khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống".
Hãy nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa, ta sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác: "Cha Ta làm việc liên lỉ và Ta cũng làm việc như vậy". Chúa Giêsu đã không bao giờ ngừng yêu thương con người, cả khi con người chống đối Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con luôn hướng mắt nhìn lên Chúa, đặt đời con vào trong viễn tượng cuộc sống đời đời để con được luôn can đảm, kiên trì chu toàn thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần IV MC
Bài đọcIsa 49:8-15; Jn 5:17-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thương chăm sóc dân Người.
Tình yêu Thiên Chúa được các tác giả Sách Kinh Thánh so sánh với nhiều lọai tình yêu, nhưng không có hình ảnh nào diễn tả trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa. Ví dụ: Thân mật như tình yêu vợ chồng trong Hosea; nhưng trong tình yêu vợ chồng vẫn có sự phản bội. Bao la như tình mẫu tử trong Isaiah; nhưng vẫn có những bà mẹ bỏ và đang tâm giết hại con mình. Gần gũi và nói lên được sự quan trọng như cây nho và cành, nhưng không diễn tả được các khía cạnh khác như dạy dỗ và yêu thương.
Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm nơi tình yêu Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah muốn nói với dân đang sống cực khổ nơi lưu đày: Thiên Chúa vẫn hằng quan tâm săn sóc họ. Ngài đã có sẵn một kế họach giải phóng dân khỏi nơi lưu đày và đưa họ về quê hương để xây dựng lại tất cả. Thiên Chúa sẽ là Người Mục Tử để chăn dắt dân và lo cho họ có đủ mọi của ăn uống. Trong Phúc Âm, vì yêu thương nhân lọai, Thiên Chúa đã gởi cho nhân lọai Người Con Một của Ngài để yêu thương, chăm sóc, và chữa lành con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa hằng quan tâm đến đời sống của dân Người.
1.1/ Viễn tượng về ngày Thiên Chúa giải phóng dân Người: Trình thuật hôm nay nằm trong Sách Thứ Hai của Isaiah; Sách này được viết trong Thời Lưu Đày. Dù rằng dân chúng đang phải đền tội cực khổ trong nơi lưu đày, Thiên Chúa đã có kế họach để giải phóng và đưa dân trở về quê hương, như lời tiên tri loan báo: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Ta đã gìn giữ ngươi, đặt ngươi làm giao ước giữa Ta với dân, để phục hồi xứ sở, để chia lại những gia sản đã bị tàn phá, để nói với người tù: “Hãy đi ra,” với những kẻ ngồi trong bóng tối: “Hãy ra ngoài.””
Thiên Chúa là Mục Tử, chính Ngài sẽ chăn dắt và lo lắng cho dân: “Như bầy chiên, chúng sẽ được nuôi ăn trên các nẻo đường, sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi hoang. Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào.” Đây là hình ảnh báo trước Đấng Thiên Sai, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành, Ngài đến để đòan chiên được sống và sống dồi dào (Jn 10:10-11).
1.2/ Thiên Chúa không bao giờ lãng quên dân Người.
(1) Thiên Chúa vẫn nhìn xem dân Người trong Thời Lưu Đày: Khi phải sống trong cảnh cực khổ của nơi lưu đày, dân chúng có cảm tưởng như đã bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhiều người đã từng thốt lên: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!”
Thực ra, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy và quan tâm đến đời sống của dân. Một điều chứng minh tình thương Thiên Chúa là Ngài vẫn không ngừng gởi các ngôn sứ tới để an ủi, khuyến khích, và cho dân một niềm hy vọng là Thời Lưu Đày chỉ tạm thời. Nếu dân biết nhận ra tội lỗi mình và ăn năn hối cải, Thiên Chúa sẽ cứu dân khỏi chốn lưu đày. Dân mong muốn ngày đó, và Thiên Chúa còn mong ngày đó hơn dân. Ngày đó sẽ là ngày mừng vui, ngày mà “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người.”
(2) Tình của Thiên Chúa thâm sâu hơn tình mẫu tử: Không có một tình yêu nào bao la hơn tình mẫu tử; nhưng ngày nay vẫn có những người mẹ nhẫn tâm giết con mình ngay khi còn là bào thai trong lòng. Thiên Chúa bảo đảm tình yêu của Ngài cho con người, khi Ngài nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban Người Con Một của Ngài cho con người.
2.1/ Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc: Người Do-thái tố cáo Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath khi truyền cho người bại liệt 38 năm vác chõng mà về trong ngày Sabbath. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.”
Thiên Chúa đã không nghỉ trong ngày Sabbath; bất cứ nhà học giả Do-thái nào cũng hiểu điều này. Philo đã nói: “Thiên Chúa không bao giờ ngưng làm việc, nhưng như đặc tính của lửa là cháy và đặc tính của tuyết là đông lạnh, đặc tính của Thiên Chúa là làm.” Một người khác viết: “Mặt trời chiếu sáng, những giòng sông chảy; các tiến trình của sinh sản và chết chóc vẫn xảy ra trong ngày Sabbath cũng như các ngày khác; và đó là công việc của Thiên Chúa.” Sự thật Thiên Chúa ngưng tạo dựng trong ngày Sabbath; nhưng những việc khác như phân xử, thương xót, yêu thương, và quan phòng vũ trụ vẫn tiếp tục không ngừng. Điều Chúa Giêsu muốn nói với họ: Ngay cả trong ngày Sabbath, Thiên Chúa vẫn yêu thương và chữa lành, Ta cũng vậy, vì Ta được sai đến để yêu thương và chữa lành. Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật Sabbath, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
2.2/ Thiên Chúa ban cho Chúa Giêsu quyền ban sự sống và phán xét.
(1) Quyền ban sự sống: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.” Điều này được thể hiện qua những phép lạ Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại. Trong Tin Mừng Gioan, chương 11, phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarus sống lại sau 3 ngày chứng minh quyền ban sự sống của Ngài.
Sự sống mà Chúa Giêsu mang trong mình không chỉ là sự sống thể lý, nhưng là sự sống thần linh mà Ngài nhận được từ Chúa Cha: “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy.” Con người có thể lấy đi sự sống thể lý; nhưng không bao giờ có thể lấy đi sự sống thần linh của Ngài. Chính vì sự sống thần linh mà Ngài có thể ban cho kẻ chết sống lại, và tự mình sống lại sau ba ngày trong mộ.
(2) Quyền phán xét: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.”
Chúa Cha và Chúa Giêsu không phán xét con người, nhưng con người phán xét chính mình khi phải đối diện với Chúa Giêsu (Jn 3:18). Nếu họ không tin nơi Người Con mà Chúa Cha gởi tới, họ đã phán xét chính họ rồi. Nhưng nếu họ tin vào Ngài, như Chúa Giêsu xác quyết: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải xác tín một sự thật: Không ai yêu thương chúng ta bằng Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trước tiên qua việc trao ban cho chúng ta Người Con Một, để Ngài diễn tả tình yêu Thiên Chúa bằng hành động: dạy dỗ, chữa lành, và chết cho chúng ta.
– Thiên Chúa không chỉ yêu thương mà còn có uy quyền làm mọi sự. Ngài muốn và có thể làm mọi sự tốt lành cho con người. Được một Thiên Chúa Tốt Lành như thế yêu thương, chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà chưa trao trọn vẹn tình yêu của chúng ta cho Ngài?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


03/04/2019 – THỨ TƯ TUẦN 4 MC
Ga 5,17-30

TƯƠNG QUAN CHA VỚI CON
“Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.” (Ga 5,19)
Suy niệm: Hẳn không ít lần chúng ta vô cùng cảm động khi chứng kiến một gia đình yêu thương nhau, nâng đỡ nhau và luôn đồng hành với nhau trong tiếng cười. Tin Mừng hôm nay cho biết Chúa  Giê-su say sưa “tiết lộ” mối tương quan hết sức thân thiết giữa Ngài với Chúa Cha. Cha làm việc, Con cũng làm việc. Cha làm sao, Con làm y như vậy. Ý Cha muốn gì, con cũng muốn thế. Phải chăng Ngài đã chẳng nói trong giây phút kịch tính nhất nơi Vườn Cây Dầu: “Xin đừng làm theo ý Con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42)? Và nhất là Ngài đã khẳng định: ai nghe lời của Con mà tin vào Cha thì sẽ được sự sống đời đời (c. 24).
Mời Bạn: Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở thành con cái Chúa và được gọi Chúa là Cha. Bạn có tương quan với Chúa thế nào trong cuộc sống hàng ngày của bạn? Có phải là tình con hiếu thảo với Chúa là Cha mình không? Và với người khác, có phải là anh em con một Cha trên trời không? Và còn nữa: Bạn chọn Chúa hay việc của Chúa? Bạn chọn nói chuyện với Chúa hay “sống ảo” với Ngài qua các phương tiện truyền thông?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi xác định lại mối tương quan giữa Chúa và tôi để tôi xác tín hơn mình đang ở trong mối tương quan như thế nào với Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, mối tương quan giữa Chúa và Chúa Cha thắm thiết và nên một. Đó là nguồn suối Tình Yêu khơi nguồn cho những tương quan của chúng con bền vững và thắt chặt mối thâm tình. Xin cho chúng con luôn ước muốn kết hợp với Chúa và với anh chị em trong tình thương theo gương mẫu Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Không thể làm gì tự mình (3.4.2019 – Thứ Tư Tuần 4 Mùa Chay)
Suy nim:

Văn Cao chẳng những là một nhạc sĩ tài hoa,
mà còn là một họa sĩ, một văn sĩ, một thi sĩ.
Có một bài thơ rất ngắn ông làm năm 1967, mang tựa đề là Không Đề.
Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?
Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua mình, dám vượt qua cái tôi của mình,
người ấy mới có gì để lại cho hậu thế.
Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm vượt qua suốt đời.
Ngài không sống cho mình, nhưng cho Thiên Chúa Cha.
Giới lãnh đạo Do Thái giáo coi Đức Giêsu là kẻ phạm thượng
vì Ngài đã dám nói: “Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (c. 17).
Thật ra Đức Giêsu chẳng bao giờ phạm thượng đến Cha.
Ngài không hề tự coi mình là Thiên Chúa (c. 18).
Đơn giản Ngài là Con, vâng phục Cha.
Đơn giản Ngài là người được Cha sai, chẳng hề làm theo ý riêng.
Sống tùy thuộc trọn vẹn vào Thiên Chúa Cha,
đó là nét nổi bật nơi con người của Đức Giêsu.
Con không thể làm hay nói bất cứ điều gì tự mình.
Con chỉ làm điều mình thấy Cha làm (c. 19).
Con chỉ nói điều mình nghe Cha nói (Ga 8, 26).
Người ta tưởng Con bị vong thân,
nhưng chính khi lệ thuộc vào Cha mà Con được tự do trọn vẹn.
Con thật là mình khi sống đúng bản chất của Con là quy hướng về Cha.
Mà bản chất của Cha là trao cho Con tất cả những gì Cha có.
Cha chẳng giữ cho riêng mình những gì có thể trao được.
Đơn giản vì Cha yêu Con (c. 20).
Cha cho Con được quyền tùy ý ban sự sống như Cha (c. 21).
Cha cho Con được như Cha, nghĩa là có sự sống nơi chính mình (c. 26).
Cha cho Con có toàn quyền xét xử (cc. 22. 27),
và có quyền gọi kẻ chết ra khỏi mồ để chịu phán xét (c. 28).
Cha muốn mọi người phải tôn kính Con như tôn kính Cha (c. 23).
Con được quyền năng như Cha là vì Con đã nhận tất cả từ Cha.
Tuy được chia sẻ mọi giàu sang của Cha,
nhưng Con chẳng quên Cha là nguồn cội, là cùng đích.
Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai.
Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu.
Tôi không đi qua tôi, để lại gì?
Ta sẽ để lại được nhiều điều cho đời, nhờ biết vượt qua mình như Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG TƯ
Qua Cái Chết – Đến Với Sự Sống
Giáo Hội, được qui tụ lại bởi ngôi mộ Đức Giêsu, nhìn tội lỗi dưới một ánh sáng mới khi Giáo Hội dám ca lên rằng : “Ôi tội hồng phúc! Tội đã đem lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc quá đỗi cao cả!” Chúng ta có thể thực sự nói về những gì diễn ra đêm nay rằng “Đây là điều Chúa đã làm ra; thật kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118,23).
Chúng ta được Giáo Hội đặc biệt mời gọi đón nhận mạc khải này về quyền năng Thiên Chúa, về quyền năng sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su Kitô luôn luôn hiện diện trong bí tích của Giáo Hội. Quyền năng của cái chết và cuộc Phục Sinh của Người vẫn không ngừng tác động trong linh hồn người ta.
Nhờ tác động của chính quyền năng Thiên Chúa – quyền năng sáng tạo và cứu độ – Giáo Hội được sinh lại nơi cuộc Phục Sinh của Đức Chúa chịu đóng đanh của mình: “Tảng đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường” (c.22).
Tất cả chúng ta đã được sinh ra từ tảng đá ấy: Tất cả chúng ta đều là những viên đá sống trong tư cách là thành viên của Giáo Hội. Tất cả chúng ta đều được sống nhờ hơi thở trao ban sự sống của Đức Kitô Phục Sinh. “Chúng ta phải coi như mình đã chết đi đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Kitô” (Rm 6,11).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 03/4
Is 49, 8-15; Ga 5, 17-30.

LỜI SUY NIỆM:  “Đức Giêsu lên tiếng nói với họ rằng: Thật, tôi bảo thật các ông; người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì Người Con cũng làm như vậy.”
          Chúa Giêsu cho mỗi người trong chúng ta thấy được sự đồng nhất của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong mọi việc làm, giúp cho con người được hạnh phúc và thoát khỏi sự nô lệ của ma quỷ; sự đồng nhất này dựa trên sự vâng lời một cách trọn vẹn với Chúa Cha. Chúa Giêsu không bao giờ tự ý làm bất cứ điều gì ngoài ý muốn của Chúa Cha. Nhưng với người Do-thái họ không nhận ra sự đồng nhất này, mà lại tìm cách giết chết Người.
          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã vâng lời và làm theo thánh ý của Chúa Cha cách trọn vẹn. Xin cho chúng con cũng biết luôn vâng phục thánh ý Chúa trong mọi sự để Chúa ở trong con và con được ở trong Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 03-04
Thánh CASIMIRÔ
(1458 – 1483)

Thánh Casimirô sinh tại Krakow ngày 5 tháng 12 năm 1458. Ngài là con út trong số 13 anh em của vua Balan và hoàng hậu Elisabeth nước Áo, con người nổi tiếng nhân đức. Gioan Dugloss thời danh, tổng giám mục Lemberg. Sau này, là thầy dạy của Ngài.
Casimirô nhiệt thành học hỏi và chỉ nghĩ tới việc làm đẹp ý Chúa. Tâm hồn trong trắng của Ngài ảnh hường tới mọi người chung quanh. Các gia nhân Ngài quen với với phong thái tốt đẹp này đến nỗi tại các triều đình ngoại quốc, người ta nhận ra họ bằng sự cao thượng hơn là bằng sắc phục họ mặc.
Casimirô cảm thấy nỗi đau khổ của người nghèo như là của mình và giúp đỡ họ tận tình đến nỗi dân nghèo coi Ngài như một người cha. Người ta trách Ngài đã quá hạ mình đau khổ săn sóc cho những người cùng khổ, Ngài đã đáp rằng : – Có vinh dự nào lớn lao hơn là được phục vụ Chúa Kitô trong các chi thể người ?
Vị hoàng tử trẻ tự khắc phục bằng việc sám hối liên tục. Dưới sắc phục sang trọng, Ngài mặc áo nhặm và ngủ trên đất, dưới chân giường. Ngài chỉ muốn ăn bánh và sống trong nghèo khó giữa những vinh dự đến nỗi người ta có thể nói về Ngài như nói về Đức Giám mục Milanô. Thánh Carolô Borrômêô rằng, Ngài chỉ là con chó tội nghiệp trong nhà chủ mình.
Thời gian tại nhà thờ là phút giây êm ái quí báu nhất của Ngài, Ngài tới nhà thờ mỗi tối khi cửa còn đóng, và gục mặt xuống đất cầu nguyện. Trong thánh lễ, người ta thấy Ngài xuất thần như lúc truyền phép, dường như Ngài thấy Chúa Kitô trong tay linh mục, Ngài đặc biệt tôn sùng Đức Trinh Nữ mà Ngài gọi là “Mẹ nhân ái” và hàng ngày đọc thánh thi Ommi die để kính Mẹ. Hai mươi năm sau khi qua đời, người ta còn tìm thấy bản chép thánh thi trong mộ Ngài. Ngài có óc phán đoán thật thông minh đến nỗi cha Ngài thường hỏi ý kiến Ngài:
Lúc Casimiro được 13 tuổi, dân Hungarie bất mãn với vua Mathias đã gửi đại diện tới Balan để dâng ngai báu cho Ngài. Vị hoàng tử trẻ không ao ước gì điều này, nhưng vì kính trọng cha, nên đã hướng dẫn binh đội đi nâng đỡ ước nguyện này. Khi tới biên thùy Hungaria, Ngài biết rằng Mathias đã tới chiếm được lòng dân và sẵn sàng chiến đấu cho chính nghĩa. Đức Giáo hoàng cũng ủng hộ vị vua bị truất ngôi. Casimiro vui mừng vì bản tin này và gửi đại diện về cho cha xin bãi bỏ sự việc.
(daminhvn.net)


03 Tháng Tư
Giỗ Tổ Hùng Vương
Ngày mùng 10 tháng 3 Âm Lịch là ngày giỗ tổ Hùng Vương…
Theo tục truyền, vua Ðế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Linh (nay thuộc tỉnh Hà Nam) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra một người con gọi là Lộc Tục. Sau, Ðế Minh truyền ngôi cho con trưởng làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.
Ranh giới nước Xích Quỷ lúc bấy giờ phía Bắc giáp Ðộng Ðình Hồ (tức Hồ Nam), phía Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục, phía Ðông giáp bể Nam Hải.
Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm Tuất (Tức là năm 2879 trước Tây Lịch) và lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, gọi là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy con gái vua Ðế Lai tên là Âu Cơ đẻ ra một lần 100 con trai. Sau này, Lạc Long Quân chia cho nàng 50 con để dắt lên núi, còn 50 con, ông đưa về hướng biển Nam Hải.
Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng sang làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, sáng lập ra nước Việt Nam sau này…
“Vật đổi sao rời, phúc tổ vẫn lưu nền cổ tích
Nước nguồn cây cối, đạo người nên nhớ đạo Hùng Vương”.
Hai câu thơ khuyết danh này như muốn nhắc nhở chúng ta về công đức của tổ tiên. Ngày 10 tháng 3 Âm Lịch, chúng ta không biết là ngày húy nhật của vua Hùng Vương nào, chỉ biết rằng người xưa đã biết chọn một ngày để con cháu về sau muôn đời có dịp tụ họp nhau lại mà nhớ đến tổ tiên, nhớ đến công đức của người đã sáng lập ra dòng họ, nhất là sáng lập ra quốc gia.
Cách đây vài năm, tổng thống Rigan của Hoa Kỳ đã về thăm Ái Nhĩ Lan. Ông muốn nói lên mối dây liên kết giữa ông, những người da trắng đang sinh sống tại Bắc Mỹ và tổ tiên của họ… Là người, ai cũng thấy cần có một tổ quốc, một quê hương trong đó cả một dòng giống được phát sinh và liên kết với nhau.
Cũng như tất cả những người tha hương, những người Việt Nam đang sống ở hải ngoại lúc nào cũng hướng về quê hương của họ. Quê hương là một cái gì vô cùng cao quý và thiêng liêng mà chỉ khi nào mất đi người ta mới cảm thấy luyến nhớ. Nhưng nói đến quê hương không có nghĩa là gợi lại một mảnh đất, một phong cảnh, một dòng sông… Nói đến quê hương là nói đến những người cùng bởi một ông tổ mà ra, những người cùng nói chung một thứ tiếng, những người có cùng một màu da, hay nói như người Việt Nam chúng ta, những người đồng bào, nghĩa là những người cùng chung một cái bọc mà sinh ra… Ðó là ý nghĩa của huyền thoại 100 cái trứng, trong câu chuyện lập quốc của chúng ta.
Nhưng những người công giáo không chỉ ý thức về tình máu mủ ruột thịt của những người cùng một dân tộc, họ còn có một gia đình rộng rãi hơn: đó là gia đình nhân loại.
Nhà vô thần Voltaire đã nói: nếu Thiên Chúa không có thì chúng ta phải tạo ra Ngài… Vì sao thế? Thưa, để cuộc đời chúng ta có một ý nghĩa, để chúng ta biết chúng ta có chung một người Cha, và tất cả mọi người, dù không đồng một ngôn ngữ, dù không đồng một màu da, tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Và kết luận tất yếu của chân lý đó là: chúng ta phải thương yêu nhau.
Người trong cùng một nước, có cùng một ông tổ phải thương yêu nhau vượt lên trên tất cả mọi khác biệt về địa lý, về tôn giáo, về quan điểm chính trị.
Ðó là tất cả ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương mà chúng ta cử hành hằng năm. Ngày giỗ tổ ấy cũng còn mời gọi chúng ta đi xa hơn nữa để nhìn nhận mọi người đều là con cái Chúa và đều là anh em với nhau.
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Gioan 5:17-30
Thứ Tư 3 Tháng Tư, 2019
Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay                               


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa và là Cha của chúng con,
Chúa đã tiếp tục tìm kiếm chúng con
Với tình yêu thương thiết tha như tình mẹ,
Ngay cả khi chúng con đã bỏ rơi Chúa.
Xin ban cho chúng con hy vọng và lòng can đảm,
Đặc biệt là khi chúng con cảm thấy bất an.
Xin Chúa đoan chắc với chúng con rằng Chúa muốn chúng con sống
Trong sự an bình của tình yêu Chúa
Và rằng Chúa luôn ở cùng với chúng con
Nhờ Con Chúa là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

2.  Phúc Âm – Gioan 5:17-30
Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do Thái rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, người Do Thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbát, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm điều gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Điều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục.
Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tùy ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài.
Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống.
Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình như thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người.
Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Đấng đã sai Ta”.

3.  Suy Niệm
 Sách Tin Mừng của Gioan thì khác với ba sách kia. Nó mặc khải một khía cạnh sâu xa hơn mà chỉ có đức tin mới có thể cảm nhận được trong lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu. Các Giáo Phụ của Giáo Hội sẽ nói rằng Tin Mừng theo Gioan thì thuộc về “thần khí”, nó mặc khải những gì Thần Khí Chúa làm cho người ta khám phá ra trong lời của Chúa Giêsu (xem Ga 16:12-13). Một ví dụ đẹp đẽ về khía cạnh thần khí của sách Tin Mừng Gioan là đoạn mà chúng ta sẽ suy niệm hôm nay.
 Ga 5:17-18: Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa sâu sắc của việc chữa lành người bất toại. Bị người Do Thái chỉ trích vì đã chữa bệnh trong ngày Sabbát, Chúa Giêsu trả lời: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy!” Người Do Thái được dạy rằng không được làm bất cứ việc gì vào ngày Thứ Bảy, bởi vì ngay cả Thiên Chúa cũng đã nghỉ ngơi và không làm việc vào ngày thứ bảy khi tạo dựng trời đất (xem Xh 20:8-11). Chúa Giêsu khẳng định ngược lại. Người nói rằng Chúa Cha làm việc không ngơi nghỉ thậm chí cho đến bây giờ. Và vì lý do này, Chúa Giêsu cũng làm việc như vậy, và dù rằng vào ngày Thứ Bảy. Chúa bắt chước Chúa Cha của mình! Đối với Chúa Giêsu công việc sáng tạo chưa hoàn tất. Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc, liên lỉ ngày đêm, chống giữ Vũ Trụ và tất cả chúng ta. Chúa Giêsu cộng tác với Chúa Cha tiếp tục công trình sáng tạo theo một cách mà có một ngày tất cả mọi người có thể tiến vào nơi an nghỉ đời đời đã được hứa hẹn. Phản ứng của người Do Thái thì kịch liệt. Họ muốn giết Chúa vì hai lý do: vì Người đã phạm luật ngày Sabbát và vì nói rằng Người ngang hàng với Thiên Chúa.
 Ga 5:19-21: Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm.Những câu này cho thấy điều gì đó về mối quan hệ giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Đức Giêsu, Chúa Con, sống vĩnh viễn chu đáo trước mặt Chúa Cha. Điều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Chúa Giêsu là sự phản ánh của Chúa Cha. Người là khuôn mặt của Chúa Cha! Việc sống hoàn toàn chu đáo này của Chúa Con đối với Chúa Cha khiến cho tình yêu của Chúa Cha có thể ngự vào trong Chúa Con hoàn toàn và qua Chúa Con, thực hiện công việc của Ngài trong thế gian. Mối quan tâm chính của Chúa Cha là chiến thắng sự chết và ban cho sự sống. Đó là cách tiếp tục công trình sáng tạo của Chúa Cha.
 Ga 5:22-23: Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử. Điều quyết định trong đời sống là cách thức mà chúng ta đặt mình trước Đấng Tạo Hóa, bởi vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào nơi Ngài. Giờ đây Đấng Tạo Hóa hiện diện cho chúng ta trong Đức Giêsu. Sự phong phú của thần tính hiện diện nơi Đức Giêsu (xem Cl 1:19). Và vì thế, theo cách thức mà chúng ta có trước mặt Đức Giêsu, tức là chúng ta tỏ bày thái độ của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Điều mà Chúa Cha muốn là chúng ta nhận biết Ngài và tôn trọng Ngài trong sự mặc khải mà Ngài đã hiện hữu trong Đức Giêsu.
 Ga 5:24: Sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta qua Chúa Giêsu. Thiên Chúa là sự sống, Ngài tạo ra sự sinh động. Bất cứ nơi nào Ngài hiện diện, thì ở đó có sự sống. Ngài hiện diện trong Lời của Chúa Giêsu. Ai nghe Lời của Chúa Giêsu như lời của Thiên Chúa đã sống lại. Người đã nhận được sự tiếp xúc sống động dẫn đưa Người vượt khỏi cái chết. Chúa Giêsu đã vượt khỏi từ cõi chết mà qua cõi sống. Bằng chứng của việc này là trong việc chữa lành người bất toại.
 Ga 5:25-29: Sự sống lại đã được xảy ra. Tất cả chúng ta là những người chết mà vẫn chưa mở lòng mình ra để nghe tiếng Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha. Nhưng “giờ sẽ đến” và đó là bây giờ, trong đó “những kẻ chết sẽ nghe thấy tiếng của Con Thiên Chúa và ai đã nghe thì sẽ được sống”. Vời Lời của Chúa Giêsu phát xuất từ Chúa Cha, việc tạo dựng mới bắt đầu; nó đang trên đường đến. Lời sáng tạo của Chúa Giêsu sẽ đến với tất cả mọi người, ngay cả những người đã chết. Họ sẽ nghe và sẽ được sống.
 Ga 5:30: Chúa Giêsu là phản ánh của Chúa Cha. “Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Đấng đã sai Ta”. Câu cuối cùng này là lời tóm tắt tất cả những gì đã được nói từ trước. Đây là ý tưởng mà cộng đoàn vào thời thánh Gioan đã có và phổ biến về Chúa Giêsu.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
 Bạn hình dung mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha như thế nào?
– Bạn sống với đức tin vào sự sống lại ra sao?

5.  Lời nguyện kết
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
CHÚA nhân ái đối với mọi người,
Tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên
(Tv 145:8-9)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét