Cha Pietro Sigurani, linh mục
được ơn hoán cải từ người nghèo
Bác ái không chỉ vật chất nhưng từ con tim |
Mỗi ngày tại nhà thờ Thánh Eustachio ở trung tâm Rôma, có một
linh mục tự tay dọn bàn cho người túng thiếu; và bây giờ cha đang hoàn thành
Ngôi nhà Lòng thương xót, với các quán bar và vòi hoa sen cho người vô gia cư.
Cha nói: Bác ái phải từ con tim chứ không chỉ hành động.
Ngọc Yến - Vatican
Bữa ăn trưa bác ái
Ở trung tâm lịch sử Rôma, gần đền thờ Pantheon, có một
"vương cung thánh đường bác ái" đang hoạt động. Đó là vương cung
thánh đường Thánh Eustachio, nơi từ sáu năm qua có điều không bình thường xảy
ra: mỗi ngày, một số bàn được đặt ở cuối lối đi và bữa trưa được cung cấp cho
người nghèo trong khu vực. Sáng kiến này được nảy sinh từ cha Pietro Sigurani,
83 tuổi, 59 năm linh mục. Cha Sigurani mất cha năm 8 tuổi trongThế chiến thứ
hai. Cha nhớ lại: "Chúng tôi là những người sống sót sau cuộc chiến. Tôi
đã chăm sóc rất nhiều người nhập cư và người nghèo, vì đã phải chịu đói, là người
tị nạn chúng tôi hiểu hoàn cảnh của những người di dân".
Vậy mà có ai đó đã không đồng ý với việc làm của cha; cách
đây ít lâu, một tấm bảng xuất hiện trên cổng của vương cung thánh đường với
hàng chữ: "Kính thưa cha, nhà thờ là nhà của Chúa, không phải là người
nghèo !!! Cha sẽ phải trả lời trước Chúa vì sự phạm thánh trong nhà thờ này».
Cha Pietro không tháo gỡ nó.
Khi được hỏi về tấm biển đó cha Sigurani nói: «Tôi không kết
tội: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng xét xử thì sẽ không bị phán xét. Bản thân
tôi, một thời gian trước, tôi cũng sẽ cư xử như vậy. Để đi vào tinh thần Tin Mừng
không dễ. Lúc đầu, tôi cũng tham gia với người nghèo như một ân nhân tìm kiếm
lòng biết ơn. Sau đó, họ đã làm tôi thay đổi. Người nghèo đã dạy tôi rằng phục
vụ với một con tim tự do hoặc không phục vụ gì cả. Nếu tôi trao cho người nghèo
một đĩa mì, người nghèo phải cảm nhận từ cách tôi đưa thức ăn cho họ như tôi
đang trao cho chính tôi. Và, nếu người này muốn uống cà phê, tại sao không đi
và cùng uống với họ, trao đổi nói chuyện với nhau?"
Bác ái là sự quan tâm và con tim, không phải là bố thí vật
chất
Cha chia sẻ: «Tôi nghĩ rằng cần phải có một bước nhảy vọt về
chất lượng trong hoạt động bác ái, đưa nó vào trung tâm đời sống con người. Làm
từ thiện có nghĩa là cung cấp một dịch vụ để phục hồi nhân phẩm cho người đó. Nếu
tôi tập trung người nghèo trong những căn phòng lớn mà không có vòi sen hoặc
nhà vệ sinh không đủ, tôi có đối xử với họ theo nhân phẩm không? Mục đích khó
khăn là mọi người nghèo đều nhận ra phẩm giá của chính mình. Chúng ta không phải
tạo ra những khu vườn động vật cho người nghèo, mà phải giúp họ quay trở lại để
tự chăm sóc bản thân và, nếu có thể, để sau này họ trở lại tiếp tục giúp những
người khác".
"Ở Rôma, có rất nhiều cơ sở hỗ trợ, nhưng thường sử dụng
các khoản đóng góp công cộng ... và nếu tôi cho người nghèo thức ăn, nhưng tôi
làm điều đó để cho thấy trong cộng đồng số lượng bữa ăn được phân bổ để được
hoàn trả, tôi đã làm gì? Không có gì cả. Và tôi bị tống tiền: tôi không thể nói
được nữa. Đây là lý do tại sao Giáo hội phải quay trở lại thi hành việc bác ái
với đức ái. Và rồi chúng ta sẽ được tự do, chúng ta sẽ không làm thương mại với
người nghèo".
Ý nghĩa của việc quay trở lại "làm từ thiện với bác
ái"
Cha nói tiếp: "Đức Hồng Y Bagnasco cho biết ở châu Âu
có khoảng 100 triệu tình nguyện viên ... Vậy làm thế nào mà châu Âu lại trở nên
phân biệt chủng tộc? Câu trả lời là bởi vì chúng ta đã quản lý tiền công.
"Làm từ thiện bằng tình yêu" có nghĩa là tôi mở không chỉ ví, mà cả
trái tim".
"Chúng ta bị kiệt sức bởi những công trình vĩ đại. Chúa
Giêsu bảo chúng ta là một hạt cải, một hạt muối, một nhúm men, một ngọn lửa ...
không cần phải làm mọi thứ. Chúng tôi làm những gì có thể với bác ái, và chúng
tôi vẫn tự do. Tự do khích động nhà nước, tự do khuyến khích nhà nước thành lập
trợ giúp xã hội chân chính và nghiêm túc. Nhà nước có thể làm điều đó, và cũng
có thể sẽ tăng việc làm. Nếu điều đó xảy ra, Giáo hội có thể quay trở lại để
chăm sóc những người bị loại bỏ trong số những người bị vứt bỏ, cũng như cha
Guanella, Mẹ Teresa. Và chúng tôi đi đến những người bị loại bỏ trong số những
người bị loại bỏ. Tôi nghĩ rằng đây là suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô".
Ngôi nhà thương xót
Cha Pietro cho biết đây là một nơi dừng chân ấm cúng dành
cho người nghèo với quầy bar, vòi hoa sen, phòng giặt, phòng máy tính và phòng
y tế ...Nhưng không có tivi, vì họ phải nói chuyện với nhau. Những công việc
này là kết quả của lòng bác ái của người dân. Cha đã có 300 nghìn euro, vẫn còn
thiếu 80 nghìn, nhưng cha tin chúng sẽ đến. Ở đây cha không tổ chức bất cứ điều
gì, thậm chí không ăn trưa. Khi được hỏi hôm nay sẽ có tình nguyện viên chứ?
Cha trả lời “Tôi hy vọng! Trong nhiều năm chưa bao giờ vắng bóng họ. Đó là một
cách khác để nhận thức mọi điều, bởi vì chúng ta bị bệnh với tầm nhìn xa và
chúng ta không còn sống trong sự Quan phòng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta bắt đầu
sống trong sự Quan phòng của Thiên Chúa... mọi người sẽ bắt đầu nói: "Chúa
ở đó". Ở đây nhiều người đi qua và nói với chúng tôi: "Tôi không phải
là tín hữu, nhưng nhà thờ này đầy người nghèo được phục vụ và ăn uống một cách
trang nghiêm khiến tôi phải suy nghĩ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét