Tóm tắt tông huấn Christus
Vivit – Đức Kitô sống.
Tông Huấn Christus Vivit |
“Đức Kitô sống. Ngài là niềm hy vọng của chúng ta và là sự
trẻ trung đẹp nhất của thế giới này. Tất những gì Ngài chạm đến đều trở nên trẻ,
mới và đầy sức sống”. Đây là những lời mở đầu tông huấn “Christus vivit – Đức
Kitô sống” hậu Thượng hội đồng về người trẻ, được ký ngày 25/3/2019 tại Loreto,
gởi đến “người trẻ và toàn dân Chúa”. Tông huấn gồm 9 chương, chia ra làm 299
đoạn.
Văn Yên, SJ
Tóm tắt nội dung tông huấn:
Chương 1: “Lời Chúa nói gì về người trẻ?”
Đức Thánh Cha nhắc rằng “trong thời đại mà người trẻ
chỉ đóng vai trò thứ yếu, thì một số bản văn cho thấy Thiên Chúa nhìn với cặp mặt
khác” (6) và được thể hiện trong hình ảnh của một số người trẻ trong Cựu
Ước: Giuse, Ghít-ôn (7), Samuen (8), vua Đavít (9), Salomon và Giêrêmia (10),
cô bé giúp việc nhà ông Naaman và cô Rút (11). Trong Tân Ước, “Chúa
Giêsu không thích thấy việc người lớn nhìn những người trẻ với cặp mắt coi thường
hay bắt họ phục vụ theo lối độc đoán. Ngược lại, Ngài đòi: “Giữa anh em, ai muốn
làm lớn phải trở nên nhỏ hơn” (Lc 22,26). Đối với Ngài, tuổi tác không tạo nên
đặc quyền, và ai ít tuổi không có nghĩa là ít giá trị hơn”. Đức Thánh
Cha khuyến khích: “Đừng hối tiếc tiêu xài tuổi trẻ để trở thành người tốt, mở
con tim cho Chúa, và sống một cách khác” (17).
Chương 2: “Đức Giêsu Kitô luôn trẻ”
Không thể tưởng tượng ra một “Giêsu niên thiếu đơn độc
hay một Giêsu trẻ chỉ nghĩ cho riêng mình. Tương quan của Ngài với dân chúng thực
sự là tương quan của một người trẻ chia sẻ cuộc sống gia đình trong sự hoà hợp
nơi xóm làng” (28). Đức Giêsu niên thiếu, “nhờ sự tin
tưởng của cha mẹ… Ngài lớn lên trong tự do và học cách bước đi với tất cả những
người khác” (29).Những yếu tố này trong đời sống của Đức Giêsu không nên bị
bỏ qua trong mục vụ người trẻ, “để không tạo ra những dự án tách rời người trẻ
khỏi gia đình và thế giới, hay biến họ thành một thiểu số được tuyển chọn và được
bảo quản khỏi mọi lây nhiễm.” Nhưng ngược lại, “những dự án giúp
người trẻ cứng cáp, đồng hành với họ và hướng họ đến việc gặp gỡ người khác, phục
vụ quảng đại và vì sứ mạng” (30).
Chúa Giêsu “không soi sáng chúng con, những người trẻ, từ
xa hay từ ngoài, nhưng khởi đi từ chính tuổi trẻ của Ngài, Ngài chia sẻ với
chúng con” (31).
Giáo hội có thể bị cám dỗ mất đi lòng nhiệt huyết và tìm kiếm “những
an toàn giả tạo của thế gian. Chính người trẻ có thể giúp Giáo hội giữ được sự
trẻ trung” (37).
Chương 3: “Các con là hiện tại của Thiên Chúa”
Đức Thánh Cha khẳng định chúng ta không thể tự giới hạn mà
nói rằng: “người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại, họ hiện
đang làm phong phú thế giới bằng những đóng góp của họ” (64). “Ngày
nay, người lớn chúng ta có nguy cơ liệt kê ra một danh sách những hư hỏng, lầm
lỗi của tuổi trẻ trong thời đại chúng ta… Đâu là kết quả của thái độ này? Một
khoảng cách ngày càng lớn hơn” (66). Ai được kêu gọi để trở thành cha,
mục tử, người hướng dẫn giới trẻ phải có khả năng “nhận ra được những con đường
ở nơi mà người khác xem chỉ là bức tường, và biết được cơ hội nơi người khác chỉ
thấy nguy hiểm. Đây là cách nhìn của Thiên Chúa Cha, khả năng nhận ra giá trị
và làm nảy mầm những hạt giống trong trái tim tuổi trẻ. Bởi thế, trái tim của mỗi
người trẻ phải được xem là ‘nơi thánh’” (67).
Về những người trẻ sống trong vùng chiến tranh, nhiều
người trẻ bị nhồi nhét ý thức hệ, trở nên dụng cụ và bị sử dụng như bia đỡ đạn
hoặc như một lực lượng để tiêu diệt, đe dọa hoặc chế giễu người khác (73).
Một số lớn hơn chịu đau khổ ở những hình thức bị loại trừ và gạt sang bên lề xã
hội vì những lý do tôn giáo, chủng tộc hoặc kinh tế. Đức Thánh Cha nói đến những
trẻ vị thành niên và những người trẻ “có thai và nỗi nhức nhối về nạn
phá thai, sự phát tán HIV, những hình thức nghiện ngập (thuốc phiện, cờ bạn,
phim ảnh xấu,…) và những hoàn cảnh trẻ em và người trẻ đứng đường (74);
tình huống trở nên đau đớn và khó khăn gấp đôi đối với nữ giới. “Chúng
ta không thể là một Giáo hội không biết khóc trước những thảm kịch của những
con cái trẻ của mình” (75).
“Trong một thế giới tuyệt đối nhấn mạnh đến tình dục, thì
thật khó để giữ một tương quan tốt với chính thân xác của mình và sống bình thản
với những tương quan tình cảm”. Cũng vì thế, luân lý tính dục thường
trở thành nguyên nhân “hiểu lầm và xa tránh Giáo hội” như thể
Giáo hội là “nơi xét xử và kết án” (81). Đức Thánh Cha, đứng
trước những phát triển của khoa học về kỹ thuật y sinh và khoa học thần kinh,
nhắc rằng “chúng có thể làm cho chúng ta quên rằng sự sống là một món
quà, rằng chúng ta được tạo dựng và giới hạn, rằng chúng ta dễ bị công cụ hoá bởi
những người nắm giữ quyền lực công nghệ” (82). “Môi trường số” đã
tạo nên “một cánh thức mới về truyền thông” và “có thể
dễ dàng tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin độc lập”. Tại nhiều nước,
website và mạng xã hội trở thành “nơi không thể thiếu để tiếp cận và
hoà đồng với người trẻ” (87). Nhưng “đây cũng là lãnh địa của
sự cô đơn, lèo lái, khai thác và bạo lực đến trường hợp cực đoan của web đen.
Phương tiện số có thể cho thấy nguy cơ phụ thuộc, tách mình và dần mất đi tương
quan với thực tế cụ thể” (88).
Tông huấn cũng đề cập đến “di dân như là một mô hình
của thời đại chúng ta” vì các lý do “chiến tranh, bạo lực,
bách hại chính trị hay tôn giáo, hoặc để tránh những thảm hoạ tự nhiên do biến
đổi môi trường và sự nghèo đói cùng cực” (91), họ cũng có thể đi tìm một
cơ hội và mơ ước một tương lai tốt hơn.
Đức Thánh Cha cũng nói đến việc lạm dụng tính dục trẻ vị
thành niên, ngài diễn tả lòng biết ơn “đối với những người can đảm tố cáo sự
dữ ngay lập tức (99), và “cảm ơn Chúa”, những linh
mục phạm phải “tội ác kinh khủng này không phải là đa số, nhưng ngược lại
nhiều linh mục thi hành sứ mạng trung thành và quảng đại”. Đức Thánh
Cha kêu gọi những người trẻ khi thấy một linh mục có nguy cơ lạc đường, hãy can
đảm nhắc vị ấy về sự dấn thân cho Chúa và cho dân của Ngài (100).
Nhưng dù thế nào, thì vẫn luôn có một “con đường để
bước ra” khỏi những tình huống u tối và đau buồn. Hãy nhớ là tin vui
được ban vào sáng Phục Sinh (105).
Chương 4: “Lời loan báo vĩ đại cho tất cả người trẻ”
Đức Thánh Cha loan báo với tất cả người trẻ ba sự thật lớn:
Thứ nhất: “Thiên Chúa là tình yêu” và “Thiên
Chúa yêu con, đừng bao giờ nghi ngờ về điều đó”(112). Trí nhớ của Chúa
Cha “không giống như một ổ cứng ghi nhớ và lưu trữ mọi dữ kiện, trí nhớ
của Ngài là một trái tim đầy nhân hậu, ngài vui lòng xoá sạch mọi vết nhơ của
chúng ta… Bởi vì Ngài yêu con. Hãy tìm cách ở lại trong những giây phút thinh lặng,
cảm nhận mình được Ngài yêu (115).
Thứ hai: “Đức Kitô cứu con”. “Đừng bao giờ
quên là Ngài tha thứ bảy mươi lần bảy. Ngài trở lại để vác chúng ta trên vai hết
lần này đến lần khác” (119). “Tình yêu của Chúa lớn hơn tất cả những
phản nghịch, yếu đuối và lỗi lầm của chúng ta” (120).
Thứ ba: “Ngài đang sống”. “Chúng ta nhớ
đến Ngài… nhưng với nguy cơ là nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô chỉ như một gương sáng
quá khứ, một tưởng niệm, như một người đã cứu chúng ta 2000 năm trước (124).
“Ngài đang sống, đây là một bảo đảm rằng điều thiện có thể đi vào đời sống
chúng ta. Do đó, chúng ta không càm ràm nhưng luôn hướng nhìn về phía trước (127).
Chương 5: “Hành trình của người trẻ”
“Tình yêu Thiên Chúa và tương quan của chúng ta với Đức
Kitô hằng sống không cản trở chúng ta ước mơ, không hạn chế tầm nhìn của chúng
ta. Ngược lại, tình yêu này thúc đẩy chúng ta, khuyến khích chúng ta và hướng
chúng ta đến một cuộc sống tốt hơn và đẹp hơn (138). Nghĩ về người trẻ,
Đức Thánh Cha nhìn thấy một người đặt sẵn bước chân phía trước, sẵn sàng lên đường,
sẵn sàng lao mình về phía trước (139). Tuổi trẻ không thể ở trạng thái “thời
gian treo”, bởi vì “đây là tuổi của những chọn lựa” về nghề
nghiệp, xã hội, chính trị, và cả chọn người yêu hay chọn có những đứa
con. “Ước mơ lớn nhất đạt được với hy vọng, kiên nhẫn và dấn thân… Đừng
sợ nguy hiểm và phạm những sai lầm” (142).
Đức Thánh Cha mời người trẻ đừng đứng nhìn cuộc sống từ ban
công, đừng để cuộc sống lướt qua trước màn hình, đừng nhìn thế giới như một
khách du lịch, nhưng “các con hãy cảm nhận! Loại bỏ đi sợ hãi
làm tê liệt các con… Các con hãy sống đi (143). “Sống giây phút hiện
tại”, tận hưởng mọi món quà nhỏ của cuộc sống với lòng biết ơn (146).
“Con sẽ không biết sự tròn đầy thật sự của tuổi trẻ, nếu…
con không sống tình bạn với Giêsu” (150). Như một người bạn, “chúng
ta nói chuyện, chia sẻ, ngay cả những điều thầm kín nhất với Giêsu”. “Đừng
để thiếu đi tình bạn này trong tuổi trẻ của con”, “con sẽ sống kinh nghiệm đẹp
khi biết mình luôn được đồng hành” như các môn đệ trên đường Emmaus
(156).
Đức Thánh Cha nói đến việc “lớn lên và trưởng thành” trong
đó có một chiều kích quan trọng là “sự lớn mạnh thiêng liêng”, “tìm
kiếm Chúa và giữ Lời Ngài”, “luôn kết nối với Giêsu… bởi vì con sẽ không lớn
lên trong hạnh phúc và thánh thiện chỉ với nổ lực và ý chí của mình” (158).
Ngay cả những người lớn cũng đừng để mất giá trị tuổi trẻ: “Mỗi giây
phút của cuộc sống, chúng ta cũng có thể làm mới lại và phát huy sự trẻ trung của
chúng ta. Khi tôi bắt đầu sứ vụ Giáo hoàng, Chúa đã mở rộng tầm nhìn của tôi và
cho tôi một sự trẻ trung được đổi mới. Điều này cũng xảy ra với các cặp cưới
nhau nhiều năm, hay với một đan sĩ trong đan viện” (160). “Nên
nhớ rằng, con sẽ không là ông thánh hay là bản sao của một người khác”, “con
phải khám phá ra mình là ai và phát triển trong cách thức riêng của mình để nên
thánh” (162).
Đức Thánh Cha đề nghị những “hành trình huynh đệ” để
sống đức tin. “Chúa Thánh Thần muốn thúc đẩy chúng ta ra khỏi mình để đi
cùng với người khác… Do đó, sống đức tin và diễn tả tình yêu chúng ta trong một
cuộc sống cộng đoàn sẽ luôn tốt hơn (164). Thiên Chúa “yêu
thích niềm vui của người trẻ” (167).
Tuy nhiên, “những người trẻ dấn thân” cũng
nên tránh “nguy cơ đóng lại trong những nhóm nhỏ… Họ cảm nhận sống tình
yêu huynh đệ, nhưng có thể nhóm của họ trở thành đơn thuần là một cái tôi mở rộng
trong nhóm. Điều này trở nên xấu đi nếu ơn gọi giáo dân được hiểu chỉ như là một
việc phục vụ trong Giáo hội…, mà quên rằng ơn gọi giáo dân trước hết là bác ái
trong gia đình và bác ái xã hội hay chính trị” (168). Vì thế, Đức
Thánh Cha đề nghị “người trẻ đi xa hơn khỏi nhóm bạn và xây dựng tình bạn
xã hội và tìm kiếm lợi ích chung” (169). “Dấn thân xã hội và liên hệ
trực tiếp với người nghèo là một cơ hội nền tảng để khám phá hay đào sâu đức
tin và phân định chính ơn gọi của mình (170). Đức Thánh Cha đưa ra những
ví dụ tích cực của những người trẻ của các giáo xứ, các nhóm và phong
trào, “họ có thoái quen đến làm bạn với những người già, người bệnh,
hay thăm viếng những nơi nghèo” (171).
Những người trẻ được kêu gọi để trở thành “những nhà
truyền giáo can đảm”, làm chứng cho Tin Mừng ở khắp nơi bằng chính cuộc đời
của mình, điều này không có nghĩa “nói về sự thật, nhưng sống sự thật” (175).
Chương 6: “Người trẻ với nguồn cội”
Đức Thánh Cha nói: thật nguy hiểm khi “thấy rằng một
số người đề nghị giới trẻ xây dựng tương lai không có nguồn cội, như thể thế giới
bắt đầu ngày hôm nay” (179).
Ngày nay người ta cổ võ một “linh đạo không có Thiên
Chúa, một tình cảm không cộng đoàn và không dấn thân cho những người đau khổ, một
sự sợ hãi về người nghèo như thể những đối tượng nguy hiểm, và một chuỗi những
mời mọc làm cho người ta tin vào một tương lai thiên đường sẽ luôn nằm ở đâu
đó.”
Nền tảng là “sự liên hệ với những người già”, giúp cho
người trẻ khám phá ra được kho tàng sống động của quá khứ, làm sống lại ký ức. “Lời
Chúa khuyên đừng để mất liên lạc với người già, để có thể thu lượm được kinh
nghiệm của họ” (188).
Về “ước mơ và viễn tượng”, Đức Thánh Cha
nói: “Nếu người trẻ và người già mở ra với Thánh Thần, thì họ cùng nhau tạo
ra một sự kết hợp tuyệt vời. Người già mơ ước và người trẻ có viễn tượng” (192).
Nếu “người trẻ bén rễ trong ước mơ của người già thì có thể nhìn thấy tương
lai” (193).
Chương 7: “Mục vụ giới trẻ”
Mục vụ giới trẻ đứng trước những thay đổi về xã hội và văn
hoá, và “những người trẻ, trong những cơ cấu thông thường, không tìm được giải
đáp thoả đáng cho những lo lắng, nhu cầu, vấn đề và thương tích của họ” (202).
Chính những người trẻ “là tác giả của mục vụ giới trẻ, được đồng hành và hướng
dẫn, nhưng tự do tìm ra con đường luôn mới với sự sáng tạo và táo bạo”. Cần
“nhận thấy sự nhanh nhẹn, thông minh và hiểu biết mà chính người trẻ có về sự
nhạy bén, về ngôn ngữ và về những vấn đề của các người trẻ khác” (203).
Mục vụ giới trẻ cần uyển chuyển, và cần “mời người trẻ
vào các chương trình mà mỗi khi tham dự, họ không chỉ nhận một sự huấn luyện,
mà còn cho phép họ chia sẻ cuộc sống, tổ chức lễ hội, ca hát, lắng nghe những
chứng tá cụ thể và trải nghiệm cuộc gặp mang tính cộng đoàn với Thiên Chúa hằng
sống” (204).
Mục vụ giới trẻ là một “hành trình cùng nhau” và mang hai hướng
hành động lớn: thứ nhất là tìm kiếm, thứ hai
là lớn lên. “Mỗi người trẻ đều có sự can đảm để gieo lời
loan báo đầu tiên trong thửa đất màu mở là trái tim của một người trẻ khác” (210). “Ngôn ngữ
của sự gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu vị tha, tương hỗ, hiện sinh đụng chạm đến
con tim”, gần gũi với những người trẻ “bằng lối nẻo của tình yêu,
không bằng lôi kéo” (211). Do đó, “mục vụ giới trẻ phải luôn
bao gồm những khoảnh khắc giúp làm mới lại và đào sâu kinh nghiệm cá nhân về
tình yêu Thiên Chúa và Chúa Giêsu hằng sống” (214).
Như thế, những cơ cấu của Giáo hội phải trở nên “môi trường
phù hợp”, để phát triển “khả năng đón tiếp”: “trong các cơ sở
của chúng ta phải cho người trẻ những nơi thích hợp, để họ có thể thực hiện những
điều họ quan tâm và nơi có thể ra vào tự do, những nơi đón tiếp họ và nơi có thể
đến một cách tự phát và với sự tin tưởng gặp gỡ những người trẻ khác, cả trong
những lúc đau khổ hay buồn chán lẫn khi họ muốn lễ hội vui mừng” (218).
Giữa nhiều những phát triển mục vụ, Đức Thánh Cha nói đến những “ấn tượng mỹ
thuật” (226), “thể thao” (227) và dấn thân bảo vệ tạo vật
(228). Giáo hội là nơi cánh cửa luôn luôn mở, và “không nhất thiết một
người phải chấp nhận toàn bộ giáo huấn của Giáo hội mới có thể tham gia vào một
số lãnh vực dành cho giới trẻ của chúng ta.” (234).
Mục vụ giới trẻ “phải luôn luôn là mục vụ truyền
giáo” (240). Người trẻ cần được tôn trọng tự do, “nhưng họ cũng cần
được đồng hành” bởi những người lớn, bắt đầu từ gia đình (242), rồi đến
cộng đoàn.
Chương 8: “Ơn gọi”
“Điều căn bản là phân định và khám phá ra được điều trước
hết Chúa Giêsu muốn nơi mỗi người trẻ là tình bạn” (250). Ơn gọi là một
lời kêu gọi phục vụ người khác, “bởi vì cuộc sống của chúng ta trên trái đất
đạt đến sự tròn đầy khi biến thành một món quà để trao tặng” (254). “Để
nhận ra ơn gọi của chính mình thì nhất thiết cần phát triển, ươm mầm và vun xới
tất cả những gì là mình. Không phải là phát minh ra, hay tạo ra điều gì đó từ số
không, nhưng là khám phá ra dưới ánh sáng của Chúa và làm cho điều là mình được
nở hoa” (257).
Về “tình yêu và gia đình”, Đức Thánh Cha viết: “người
trẻ cảm thấy mạnh mẽ lời mời gọi yêu thương và ước mơ gặp được người thích hợp
để tạo nên một gia đình” (259), và bí tích hôn phối “thắt chặt
tình yêu này bằng ân sủng của Thiên Chúa, bén rễ nơi chính Thiên Chúa” (260).
Về “công việc”, Đức Thánh Cha “mời những người
trẻ đừng để mình sống không việc làm, phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.
Điều này không tốt, bởi vì công việc là một điều thiết yếu, là một phần tạo nên
ý nghĩa cuộc sống trên trái đất này, qua sự trưởng thành, phát triển nhân bản
và hoàn thiện bản thân” (269).
Đức Thánh Cha kết thúc chương này khi nói về “ơn gọi
dâng hiến”. “Trong phân định ơn gọi, không loại trừ khả thể dâng hiến mình cho
Thiên Chúa… Tại sao phải loại trừ nó? Có một chắc chắn rằng, nếu con nhận ra lời
mời gọi của Thiên Chúa và theo Ngài, thì đó là điều cho con sự tròn đầy trong
cuộc sống của con” (276).
Chương 9: “Phân định”
Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng “không có sự khôn ngoan của
phân định chúng ta dễ dàng biến mình thành những con rối trước lòng thương hại
của xu hướng hiện tại” (279).
Đối với những ai giúp người trẻ phân định, họ cần có ba nhạy
bén. Thứ nhất là chú ý đến con người: “lắng nghe người đang nói vì họ
đang trao chính họ qua lời nói” (292). Thứ hai là vững chắc trong việc
phân định, nghĩa là “nhặt ra được những điểm thích hợp để phân biệt ân sủng
và cám dỗ” (293). Thứ ba là kiên trì ‘lắng nghe những thôi
thúc họ hướng tới. Lắng nghe kỹ càng về ‘nơi thực sự họ muốn đến’” (294).
Tông huấn kết thúc với “ước mơ” của Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Giáo hội cần sự hăm hở dấn thân của các con, cần trực giác và đức tin của
các con… Và khi các con sẽ đến nơi mà chúng tôi đây chưa đạt tới, các con kiên
nhẫn chờ đợi chúng tôi” (299).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét