Có viễn tượng ly giáo tại Đức hay
không?
ĐHY Reinhard Marx và Đức Thánh Cha |
Trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, ĐHY Reinhard Marx,
Chủ tịch HĐGM Đức, kể lại rằng trong Thượng HĐGM về miền Amazzonia, một số nghị
phụ đã hỏi ngài: liệu có ly giáo tại Đức hay không? Bao giờ thì xảy ra? ĐHY cho
biết như trên trong một cuộc phỏng vấn và cho rằng có nhiều hiểu lầm do sự
thông tin không đúng của các cơ quan truyền thông quốc tế.
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
Quả thực, từ hơn 6 tháng nay, dư luận Công Giáo ở nhiều nơi
đã bày tỏ lo ngại về sự kiện Giáo hội Công Giáo tại Đức đang tìm một con đường
riêng mà không đi chung với Giáo Hội hoàn vũ nữa. Cụ thể là trong Đại hội mùa
xuân hồi tháng 3 năm nay, dưới sức ép của những vụ xì căng đan giáo sĩ lạm dụng
tính dục trẻ vị thành niên, các GM Đức cùng với Ủy ban trung ương giáo dân Công
Giáo Đức, gọi tắt là ZDK, muốn khởi sự một “con đường Công nghị” để bắt đầu
canh tân Giáo Hội.
Dự thảo qui chế ban đầu gây nhiều phản ứng
Theo dự tính ban đầu, những nghị quyết của Công nghị này có
tính chất bó buộc và trong tiến trình công nghị, các GM và giáo dân đều có quyền
bỏ phiếu quyết định như nhau, theo thể thức dân chủ. Những đề tài được đề ra nhắm
thay đổi luân lý tính dục của Giáo Hội, đời sống Linh mục, giải tỏa luật độc
thân, sự phân quyền và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, cho phụ nữ chịu chức,
v.v. Trước tình thế này, hồi tháng 6 năm nay, ĐTC Phanxicô đã viết lá thư dài
19 trang gửi Cộng đồng dân Chúa tại Đức nhắc nhở hãy tìm cách canh tân tinh thần,
tăng cường đời sống đức tin thay vị chỉ lo thay đổi cơ cấu, và nhất là hãy đồng
hành với Giáo Hội hoàn vũ. Lời nhắn nhủ của ĐTC dường như không được dân Đức
quan tâm lắm. Tiếp đến, Bộ GM viết thư can thiệp, kèm theo 4 trang ý kiến
chuyên môn của Hội đồng Tòa Thánh về giáo luật: cảnh giác rằng công nghị vô giá
trị pháp lý vì trái với giáo luật về nhiều điểm.
ĐHY Marx về Roma gặp ĐTC và các cơ quan liên hệ của Tòa
Thánh để “thanh minh” và quả quyết Giáo Hội Công Giáo Đức không muốn đi con đường
riêng. Và trong chiều hướng này, hôm 29-10-2019, qui chế chung kết của công nghị
Giáo Hội Công Giáo tại Đức được HĐGM công bố, trong đó có xác quyết rằng các
nghị quyết của công nghị không có tính chất pháp lý, và chỉ có giá trị nếu được
Đức GM giáo phận áp dụng cho giáo phận thuộc quyền.
Nội dung Qui chế chung kết
Qui chế sẽ này được dùng làm khuôn khổ cho các cuộc thảo luận,
nhóm lần đầu tiên tại thành phố Frankfurt từ 30-1 đến 1-2-2020 và sẽ được tiếp
tục sau đó.
Theo Qui chế, tham dự công nghị sẽ có tối đa là 230 người, gồm
69 GM cùng với 69 thành viên Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, và 82
tham dự viên còn lại gồm các tu sĩ, các tín hữu Công Giáo trẻ, trong số này có
15 người dưới 30 tuổi, ít nhất 10 phụ nữ, ngoài ra có các đại diện của các Cộng
đoàn Công Giáo mới không có đại diện trong Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo
Đức.
Chủ tịch đoàn gồm có ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch
HĐGM, và Ông Thomas Sternberg, Chủ tịch Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức,
Đức Cha Franz-Josef Bode, GM giáo phận Osnarbrueck, Phó Chủ tịch HĐGM và 1
trong 4 Phó chủ tịch của Ủy ban trung ương giáo dân, sẽ giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch
Công nghị.
Trong lời tựa, Qui chế khẳng định rằng “Nơi trọng tâm, chúng
tôi đặt vấn đề về Thiên Chúa và con đường mà Ngài muốn đi với con người ngày
nay”.
4 lãnh vực thảo luận và đề nghị
Công việc cụ thể của Công nghị diễn ra trong 4 Diễn đàn bàn
về 4 lãnh vực: Thứ 1. “Quyền bính và phân quyền trong Giáo Hội - cùng nhau tham
gia và dự phần vào sứ mạng”, Thứ 2. “Cuộc sống linh mục ngày nay”, Thứ 3. “Phụ
nữ trong các dịch vụ và thừa tác vụ của Giáo Hội”, thứ 4. “Đời sống trong các
quan hệ thành công - sống tình yêu trong tính dục và quan hệ đối tác”. Phần này
nguyên thủy có tựa đề là “Luân lý tính dục”.
Để được thông qua trong các phiên khoáng đại của Công nghị,
các nghị quyết phải được hai lần 2 phần 3 số phiếu của tất cả những thành viên
hiện diện cũng như các thành phần của HĐGM.
Qui chế khẳng định rằng Công nghị Giáo Hội Công Giáo Đức
không muốn đi một con đường riêng, không tách rời khỏi Giáo Hội hoàn vũ. Vì thế,
những nghị quyết được thông qua về những vấn đề có liên hệ tới Giáo Hội hoàn
vũ, sẽ được gửi về Tòa Thánh để cứu xét như một nguyện vọng của Giáo Hội Công
Giáo tại Đức mà thôi.
Phản ứng của ĐHY Woelki
Tuy có qui chế mới này, nhưng ĐHY Rainer Maria Woelki, TGM
giáo phận Koeln, là giáo phận lớn nhất trong số 27 giáo phận ở Đức, tiếp tục
phê bình “Con đường Công nghị”. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí “Cicero” ở
Đức, số đề tháng 11-2019 này, ĐHY Woelki tái phê bình Con đường Công nghị và
qui chế mới, vì nguy cơ trên con đường này người ta sẽ thiết lập một thứ nghị
viện Giáo Hội theo kiểu Tin Lành, trong đó mọi thành phần đều có quyền bỏ phiếu
như nhau. ĐHY nói: “Dĩ nhiên các GM phải gần gũi dân chúng, phải lắng nghe Dân
Chúa và tham khảo ý kiến. Nhưng thẩm quyền quyết định là của các GM. Với con đường
công nghị, có nguy cơ Huấn quyền và các GM sẽ bị gạt ra ngoài lề”.
ĐHY Woelki bác bỏ quan niệm cổ võ truyền chức cho phụ nữ, dựa
trên lý luận: nếu không truyền chức LM cho phụ nữ, có nghĩa là Giáo Hội phủ nhận
sự bình quyền nam nữ. ĐHY nói: “Giống như các Giáo Hội Chính Thống và các Giáo
Hội Đông phương khác, Giáo Hội Công Giáo cảm thấy gắn bó với ý muốn của Chúa
Giêsu trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã thiết lập Thánh Thể và chức linh mục và ủy
thác cho các Tông đồ là những người nam”. ĐHY xác quyết rằng việc truyền chức
LM là điều không thể được. Do giáo huấn chính thức hồi năm 1984, ĐGH Gioan
Phaolô 2 đã tuyên tín Giáo Hội không có năng quyền truyền chức LM cho phụ nữ và
năm 1995 giáo huấn này được Bộ giáo lý đức tin đưa ra một giải thích có tính chất
bó buộc, chung kết, “vì thế tất cả những giải thích khác đều là những thủ thuật
nuôi dưỡng hy vọng lừa đảo.”
Về sự độc thân, ĐHY TGM giáo phận Koeln khẳng định rằng sự độc
thân linh mục là một lối sống quan trọng và có tính chất biểu tượng trong một
xã hội bị giới tính hóa như xã hội chúng ta ngày nay (KNA 30-10-2019)
Trả lời câu hỏi: có ly giáo tại Đức hay không? Câu trả lời
có thể là: tuy không có ly giáo chính thức, nhưng có thể có trong thực tế: mỗi
giáo phận ở Đức sẽ hành động một cách, như việc những người ly dị tái hội được
rước lễ, tại giáo phận này thì được, tại giáo phận khác thì không; đồng tính
luyến ái và các cặp đồng phái, tại địa phương này thì được, tại địa phận khác
thì không... Phải đợi thời gian mới có câu trả lời chắc chắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét