27/01/2020
Thứ Hai tuần 3 thường
niên
MỒNG BA TẾT CANH TÝ 2020.
THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM.
Mùng 03 Tết – Thánh
Hóa Công Việc Làm Ăn
Bài Đọc I: St 2,
4b-9.15
Lời Chúa
trong sách Sáng Thế Ký
khi được sáng tạo.
Ngày Ðức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào
trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Ðức Chúa là Thiên Chúa
chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một
dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất. Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy
bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một
sinh vật. Rồi Ðức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía
đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.
Ðức Chúa là Thiên Chúa
khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường
sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. Ðức Chúa là Thiên
Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp ca: Tv 103, 1-2a,
14-15, 24, 27-28
Ðáp: Lạy Chúa, địa cầu
đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài
Xướng: Linh hồn tôi
ơi, hãy chúc tụng Chúa, lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài
mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác.
Xướng: Ngài khiến cỏ
xanh mọc ra cho súc vật, và cây cối để con người xử dụng, để từ trong đất con
người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỉ lòng người; khiến cho mặt người lấp
lánh dầu thơm, và bánh cơm tâm can người được bỗ dưỡng.
Xướng: Lạy Chúa, thực
nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu
đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài.
Xướng: Hết thảy mọi vật
đều mong chờ ở Chúa, để Ngài ban lương thực cho chúng đúng thời giờ. Khi Ngài
ban cho thì chúng lãnh, Ngài mở tay ra thì chúng no đầy thiện hảo.
Bài Đọc II : Cv 20,
32-35
Lời Chúa
trong Sách Công Vụ Tông Đồ
"Giờ đây, tôi xin
phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây
dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã
được thánh hiến.
"Vàng bạc hay quần
áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết
cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Bằng
mọi cách tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng
cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có
phúc hơn là nhận".
Ðó là lời Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia và Câu Xướng
Trước Phúc Âm: Tv 67, 20
Alleluia, alleluia! -
Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia; Thiên Chúa là Ðấng cứu độ, Người vác đỡ
gánh nặng chúng tôi. - Alleluia.
Bài Tin Mừng: Mt 25,
14-30
Tin Mừng
Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
"Quả thế, cũng
như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của
cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác
nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người
đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến
khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn
người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn dấu số bạc của chủ. Sau một thời
gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến thanh toán sổ sách với họ. Người
đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông
đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây". Ông
chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành!
Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy
vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại
gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được
hai yến khác đây". Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi người
đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ
đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" Rồi
người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, tôi biết
ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế,
tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!" Ông
chủ đáp: "Hỡi tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Ngươi đã biết ta gặt chỗ
không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý ngươi phải gởi số bạc của ta
cho các chủ ngân hàng, để khi ta đến, ta thu hồi của thuộc về ta cùng với số lời
chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười
yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không
có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia,
hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Trong Kinh Thánh,
Thiên Chúa lao động sáu ngày trong sáng tạo vũ trụ vạn vật, khi Thiên Chúa dựng
nên con người giống hình ảnh Người, Thiên Chúa đã muốn tháp nhập lao động
vào trong chương trình của Ngài sau khi thiết định vũ trụ: “Thiên Chúa đã đặt họ
trong vườn Êđen để họ canh tác và giữ vườn” (St 2,15). Con người làm việc hòa hợp
với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời phản ánh hành động của Tạo Hoá: Đặt lao động
vào tay con người với quyền chiếm hữu và cai trị trái đất (x. St 1,28). Thiên
Chúa nói với con người “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn” (St 3,19). Kinh
thánh nghiêm khắc với người ở không nhàn rỗi, nguyên nhân chỉ vì người lười biếng
không có gì ăn (x. Cn 13,4) và có nguy cơ chết đói (x. Cn 21,25), Kinh Thánh chế
nhạo kẻ lười biếng: “Kẻ lười biếng lăn trở trên giường khác nào cánh cửa xoay
trên bản lề” (Cn 26,14). Thánh Phaolô nói trực diện sự sai lầm của những
người lười biếng lao động: “Ai không làm việc thì đừng ăn” (2Tx 3,10).
Lao động là công việc
thánh thiêng, qua lao động con người được kêu gọi cộng tác vào công trình sáng
tạo của Thiên Chúa (x. St 1,26). Nhờ lao động chúng ta góp phần cứu rỗi chính
mình và thế giới (x. Lc 19,13). Ngôi Lời nhập thể không loại trừ lao động ra khỏi
cuộc sống “nhập thể” của Ngài, Ngài lao công trong gia đình thợ mộc tại
Nadarét. Đồng hương của Người đã không lầm lẫn khi gọi Người là “con bác thợ”
(Mt 13,55), “ông thợ mộc” (Mc 6,3). Người đã sống cái “nghiệp” ấy trong 30 năm
trời tại Nadarét. Lao động là cách hằng ngày diễn tả tình yêu trong cuộc sống của
gia đình Nadarét. Nghề thợ mộc của Chúa Giêsu học từ cha nuôi Giuse trong những
năm tháng ở nhà Nadarét. Tin Mừng nói rõ loại công việc mà thánh Giuse làm để
nuôi sống gia đình mình: Người là một thợ mộc.
Sau này khi rao giảng
Tin Mừng, Đức Giêsu dạy cho con người chăm chỉ làm việc, Ngài noi gương Chúa
Cha: “Cha Ta làm việc liên lỉ Ta cũng vậy” (Ga 5,17). Trong các dụ ngôn về nước
Trời, Đức Giêsu luôn nói về lao động: Dụ ngôn người mục tử (x. Ga 10,1-16); người
nông dân (x. Mc 12,1-12), người gieo giống (x. Mc 4,1-9)… Thánh Phaolô làm nghề
may lều và ngài tự hào về nghề này, vừa có thể làm tông đồ, vừa có thể phục vụ
cho vấn đề mưu sinh: “Ngày đêm chúng tôi làm việc vất vả lam lũ, để không phải
phiền toái đến ai trong anh em” (2Tx 3,8).
Chúng ta là những người
lao động, vất vả với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Lao động thì được Chúa chúc
lành và ban ơn nếu con người biết hướng lao động theo ý Chúa như lời Thánh Vịnh:
“Bốn mùa Chúa đổ hồng
ân.
Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi”
(Tv 65,12).
Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi”
(Tv 65,12).
Trong tâm tình của
mùng ba Tết, ngày thánh hóa công ăn việc làm, cùng với dân tộc Việt Nam, chúng
ta hãy dâng lên Chúa tất cả công việc sẽ làm trong năm mới này, cùng với những
lao nhọc cực khổ mà chúng ta đang mang trách nhiệm gánh vác.
(theo Tgp.Saigon)
Tôi tớ tốt lành và
trung tín (27.01.2020 – Thứ Hai MỒNG BA TẾT: Thánh hóa công ăn việc làm)
Suy niệm:
Lao động đúng là vinh quang của con người,
Thiên Chúa vẫn cần con người cộng tác cho công cuộc sáng tạo còn dang dở…
Ngài vẫn muốn nhờ con người mà làm cho thế giới này đẹp hơn, dễ sống
hơn,
làm cho trái đất này trở thành một ngôi làng ấm áp, xinh xắn, gần gũi
cho hơn bảy tỉ người sống như anh chị em.
Từng ngày bao người vẫn cộng tác với Thánh Thần để biến đổi bộ mặt trái
đất.
Có một lời nguyện rất hay của Phụng vụ Giờ Kinh tóm kết về giá trị của
lao động:
“Ước gì những công việc chúng con phải làm, vừa nuôi dưỡng chúng con,
vừa mưu ích cho những người chúng con chịu trách nhiệm,
lại vừa làm cho triều đại Chúa mau đến.”
Như thế lao động là một bổn phận của người Kitô hữu.
Lao động không phải là một hình phạt của tội nguyên tổ.
Thống trị mặt đất và làm bá chủ mọi loài (St 1, 28).
là sứ mạng Thiên Chúa trao cho con người ngay sau khi nó được tạo dựng.
Trước khi phạm tội, con người đã được Đức Chúa “đặt vào vườn Êđen,
để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2, 15).
Làm việc với đất, với vườn, với đủ thứ cây trái là một vinh hạnh lớn.
Thánh Phaolô cũng thấy cái thú trong việc “làm lụng vất vả”
để nuôi thân và để “giúp đỡ những người đau yếu” (Cv 20, 35).
Có pha một chút tự hào, vị tông đồ lừng danh này khoe:
“Những gì cần thiết cho tôi, và cho những người sống với tôi,
đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20, 34).
Chẳng biết từ đâu Phaolô nghe được câu này mà ông bảo là của chính Chúa
Giêsu:
“Cho thì có phúc hơn là nhận”
Làm việc chính là “cho”, và “cho” thật là một hồng phúc.
Đầu tư là vấn đề nóng bỏng của mọi nền kinh tế.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dám ví đời sống Kitô hữu với chuyện làm
ăn.
Ông chủ Giêsu đi vắng thời gian lâu (c.19), giao của cải cho tôi tớ đầu
tư sinh lợi.
Chẳng phải ai cũng được số nén bạc như nhau,
nhưng mỗi người phải cố gắng tối đa với những gì mình đã lãnh nhận.
Hai người đầu tiên đã đi làm ăn và sinh lợi tương xứng,
được ông chủ coi là “tôi tớ tốt lành và trung tín.” (cc. 21.23).
Người thứ ba lại đào lỗ đưới đất và chôn dấu nén bạc duy nhất của mình.
Nén bạc của anh thứ ba còn nguyên, không sinh lợi,
vì thế anh bị coi là “tôi tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng” (cc. 26.30).
Trong khi chờ Chúa trở lại, chúng ta nỗ lực sử dụng tài năng Chúa ban.
Làm sao sinh lợi được nhiều nhất và hiệu quả nhất từ số vốn mình nhận?
Làm sao để Thiên Chúa được vinh danh hơn trên mặt đất này?
Đầu tư đòi sáng tạo của
khối óc và đam mê của trái tim.
Đầu tư đòi chấp nhận
liều lĩnh, nỗ lực và căng thẳng.
Nhưng chúng ta dám chấp
nhận sự dấn thân này chỉ vì yêu Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa
quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Thứ Hai Tuần III Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 2 Sm 5, 1-7.
10
“Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel
dân Ta”.
Trích sách Samuel
quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy,
toàn thể chi tộc Israel đến cùng Đavít tại Hebron mà nói rằng: “Đây chúng tôi
là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi,
thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: “Chính ngươi sẽ
chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel”. Vậy tất cả các vị kỳ
lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Đavít ký kết với họ một
giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Đavít làm vua Israel. Khi Đavít
lên làm vua, ngài được ba mươi tuổi, và cai trị được bốn mươi năm. Tại Hebron,
ngài cai trị Giuđa được bảy năm rưỡi. Còn tại Giêrusalem, ngài cai trị toàn cõi
Israel và Giuđa được ba mươi ba năm.
Nhà vua và tất cả quân
sĩ theo ngài kéo đến Giêrusalem, đánh đuổi dân cư Giêbusê. Người ta nói với
Đavít rằng: “Ông đừng vào đây, bằng không những người mù què sẽ đánh đuổi ông”.
Như thế có nghĩa là: “Đavít sẽ không vào được nơi này”. Nhưng Đavít đã chiếm
đóng đồn Sion làm kinh thành của Đavít.
Và Đavít vào thành,
càng ngày càng trở nên cường thịnh, và Chúa là Thiên Chúa các đạo binh phù hộ
nhà vua. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 20.
21-22. 25-26
Đáp: Thành
tín và ân sủng của Ta hằng ở với người (c. 25a).
Xướng: 1) Xưa trong cuộc
thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa: “Ta đội mão triều thiên cho vị anh
hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự trong dân. – Đáp.
2) Ta đã gặp Đavít là
tôi tớ của Ta, Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người
luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. – Đáp.
3) Thành tín và ân sủng
của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Ta đặt
tay người trên mặt biển, và tay hữu người, Ta đặt lên sông ngòi. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia!
– Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 3, 22-30
“Satan phải diệt vong”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những luật sĩ
từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng:
“Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng
dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ
nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với
chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong.
Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được
y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi
và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói
phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”.
Đó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Tội
ngoan cố
Hoạt động của Chúa
Giêsu ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Yêrusalem, là
trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ
giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Yêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ
phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới
cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua
trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe cho con người.
Chúa Giêsu đã rao giảng
một cách có uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Capharnaum, cùng với những dấu
chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng
minh quyền năng thần linh của Ngài. Các luật sĩ từ Yêrusalem đến, lẽ ra hơn ai
hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người tôn
giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan
cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã
thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa
người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ
ra khỏi nhiều người và chúng đã vâng phục.
Trước những hành động
kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị
quỷ Beelzebul ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ. Thật không có sự
ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa mà lại bị các nhà thông luật gán
cho tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, vì
là tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi
nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước
ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta
xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu thương của Ngài được thực hiện qua Chúa
Giêsu Kitô, để chúng ta đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai, Tuần III TN2
Bài đọc: Heb 9:15, 24-28; 2 Sam 5:1-7, 10; Mk 3:22-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu đến
để tiêu diệt tội lỗi và các việc làm của ma quỉ.
Trong hành trình đi
tìm sự thật, con người phải để tâm hồn rộng mở, suy xét cẩn thận, và theo sự hướng
dẫn của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của mọi sự thật. Điều nguy hiểm nhất là
đương sự cố tình ngoan cố trong sự sai trái của mình vì kiêu ngạo, lợi nhuận,
lười biếng… Những nguyên do này dễ dẫn đưa con người tới việc nói xấu, nói
hành, hay tố cáo người công chính.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong những gì Chúa Giêsu làm để tiêu diệt tội lỗi và chuẩn bị cho con
người được xứng đáng lãnh nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác
giả Thư Do-Thái so sánh hiệu quả của Giao Ước cũ và mới. Giao Ước cũ không thể
cất đi các tội của con người vì máu chiên bò không đủ mạnh để làm chuyện đó.
Giao Ước mới có thể tẩy sạch tội của con người vì máu Chúa Giêsu, dù chỉ đổ một
lần; và làm cho con người được giao hòa với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm chẵn,
David thay thế Saul làm vua để bắt đầu một triều đại mới. Triều đại của David
là một triều đại huy hoàng nhất của Israel, vì nhà vua thống nhất tất cả 12 chi
tộc của con cái Israel, và mở mang bờ cõi đất nước. Trong Phúc Âm, các kinh-sư
tố cáo Chúa Giêsu “bị quỷ vương Beezebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ
quỷ.” Chúa Giêsu vạch ra sự sai trá của lời tố cáo này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Người tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
1.1/ Sự khác biệt giữa
hai Giao Ước: Tác giả đã nói lý do tại sao
Giao Ước mới hoàn hảo hơn Giao Ước cũ; giờ đây ông chỉ lặp lại những gì đã nói:
(1) Chúa Giêsu là trung gian của một Giao Ước Mới; (2) Ngài lấy cái chết của
mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ; và đem lại cho
những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa
đã hứa; (3) Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì
cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính
cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.
1.2/ Chúa Giêsu chỉ hiến
tế một lần là đủ: Theo Giao Ước cũ, vị thượng
tế mỗi năm phải đem theo máu của loài vật mà vào cung thánh để đền tội cho mình
và cho dân. Theo Giao Ước mới, Thượng Tế Giêsu không phải dâng chính mình làm của
lễ nhiều lần. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới
được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một
lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
Phận con người là phải
chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một
lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần
này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Vua David ngày càng mạnh thế, và Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo
binh, ở với vua.
2.1/ David được mọi chi tộc
Israel tôn làm vua tại Hebron: Một trong những
lý do đe dọa sự hiệp nhất quốc gia là tính kiêu hãnh cá nhân, làng mạc, hay xứ
sở. Trong lịch sử Do-thái, nhiều lần sự hiệp nhất bị đe dọa vì lý do này. Ví dụ,
ngay sau khi vua Saul băng hà, cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc đã xảy ra. Sau
thời vua Solomon, lãnh thổ bị phân chia làm hai: miền Bắc là vương quốc Israel,
đặt thủ đô tại Samaria; và miền Nam là vương quốc Judah, đặt thủ đô tại
Jerusalem.
David thuộc chi tộc của
miền Nam và thường bị coi nhẹ bởi các chi tộc của miền Bắc. Sự kiện Thiên Chúa
chọn David, một chi tộc nhỏ bé của miền Nam, làm vua cai trị Israel, chắc chắn
sẽ gây ra ghen tị cho các chi tộc miền Bắc. Nhưng trong trình thuật hôm nay,
toàn thể các chi tộc Israel đến gặp vua David tại Hebron và thưa: “Chúng tôi
đây là cốt nhục của ngài. Ngay cả trước kia, khi ông Saul làm vua cai trị chúng
tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Israel. Đức Chúa đã phán với
ngài: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo
Israel.””
Khi con người loại bỏ
được tất cả lý do đe dọa sự hiệp nhất như: kiêu hãnh, ghen tị, lười biếng, như
các kỳ mục của Israel hôm nay; họ nhận ra tất cả đều là đồng bào trong một nước,
cùng chung một “cốt nhục.” Điều này dẫn tới sự hiệp nhất để cùng nhau chung sức
phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước. Toàn thể kỳ mục Israel và vua David đã
lập giao ước với nhau tại Hebron, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức dầu tấn phong
David làm vua Israel. “Vua David được ba mươi tuổi khi lên làm vua, và trị vì bốn
mươi năm. Tại Hebron, vua trị vì Judah bảy năm sáu tháng. Tại Jerusalem, vua trị
vì toàn thể Israel và Judah ba mươi ba năm.”
2.2/ Vua David chiếm
thành Jerusalem và lập kinh đô tại đó: Jerusalem
là trung tâm quan trọng, không những về phương diện chính trị mà cả về phương
diện tôn giáo. Đền Thờ tương lai sẽ được thiết lập tại đây, và Jerusalem sẽ trở
thành nơi qui tụ các dân tộc trên mặt đất.
Jerusalem là một thành
nằm trên núi Sion, rất khó để đánh chiếm vì phải leo lên đỉnh núi. Đó là lý do
khi nghe tin vua David và người của vua tiến về Jerusalem đánh người Jebusites
là dân bản xứ, chúng nói với vua David: “Ông sẽ không vào đây được, vì người mù
người què sẽ đẩy lui ông.” Nhưng vua David đã chiếm được đồn luỹ Sion, và thành
lập kinh đô tại đó. Jerusalem được mệnh danh là “Thành vua David.” Kể từ đó, thế
lực của David càng ngày càng bành trướng; vì Thiên Chúa ở với nhà vua.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu phải có quyền năng mạnh hơn Satan.
Trình thuật hôm nay của
Marcô tiếp tục trình thuật “Chúa Giêsu bị thân nhân bắt đem về nhà,” vì họ nghĩ
Ngài đã hóa điên. Chúng ta đã nói tới lý do vì Chúa Giêsu đã quá yêu thương con
người, nên Ngài dành hết mọi thời gian để dạy dỗ và chữa lành dân chúng; đến nỗi
Ngài không còn thời giờ ăn uống. Các kinh-sư trong trình thuật hôm nay đến từ
kinh-đô Jerusalem, có lẽ đã được nghe báo cáo từ các kinh-sư địa phương, họ buộc
tội Ngài: “Người bị quỷ vương Beelzebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
3.1/ Chúa Giêsu trả lời 2
tố cáo của họ:
(1) Bị quỷ vương
Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch của chữ Do-thái Baalzebub. Trong
Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng quỉ, Satan. Từ này được dùng ở
đây và trong Mt 10:25, nhưng không thông dụng bằng từ Satan.
Chúa Giêsu dùng lý luận
triệt tam: “một vật không thể vừa có vừa không một lúc;” điều này ám chỉ Satan
không thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với
họ: “Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền;
nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự
chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.” Chúa Giêsu không thể bị đồng
hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi chúng. Ngài đến để tiêu diệt chúng và
giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.
(2) Dựa thế quỷ vương
mà trừ quỷ: Trong một nước, người có quyền hành nhất là vua, người cai trị dân
chúng. Nếu một người nước khác tới bắt nạt dân chúng, người đó phải đương đầu với
quyền lực của nhà vua. Chúa Giêsu cũng đưa một ví dụ tương tự: “Không ai vào
nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước
đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” Tương tự, quỉ vương hay Satan, là người lãnh đạo
các quỉ. Nếu Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động đến chính Satan. Chúa
Giêsu có quyền lực mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ ngay cả chính Satan,
huống hồ gì là các tay sai của nó. Vì thế, các tố cáo của các kinh-sư không có
lý do vững chắc.
3.2/ Tội phạm đến Chúa
Thánh Thần: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của
con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy
đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời
nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.”
(1) Tội nào là tội phạm
đến Chúa Thánh Thần? Trước tiên, Chúa Thánh Thần là sự thật; vai trò của Ngài
là giúp cho con người nhận ra sự thật từ sự giả trá. Nếu sau khi đã được Chúa
Thánh Thần dạy bảo nhiều lần, một người vẫn ngoan cố không nhận ra sự thật, hay
tệ hơn, cho sự gian trá là sự thật; người đó đã phạm đến Chúa Thánh Thần. Ví dụ:
trong cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với các kinh-sư, Chúa Giêsu đã lấy quyền
năng của Thiên Chúa khai trừ thần ô uế ra khỏi con người. Sau khi đã được Chúa
Giêsu cắt nghĩa cẩn thận và Chúa Thánh Thần soi sáng bên trong, mà các kinh-sư
vẫn chối từ sự thật và ngoan cố cho Chúa Giêsu là “bị các thần ô uế ám;” họ đã
phạm đến Chúa Thánh Thần.
(2) Tại sao tội phạm đến
Chúa Thánh Thần không được tha? Điều kiện để được tha tội là con người phải nhận
ra những tội của mình, ăn năn sám hối, và thú nhận tội lỗi của mình. Vì người
phạm đến Chúa Thánh Thần không nhận ra mình có tội, nên cũng chẳng cần ăn năn
sám hối và thú tội. Với một thái độ như thế, làm sao tội có thể được tha?
Vấn đề của nhiều người
thời nay là thái độ tự cho mình là công chính; họ mất hết ý thức về tội lỗi, và
không còn cho điều gì là tội nữa. Nếu những người này cứ giữ thái độ ngoan cố
như thế cho tới chết, họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúa Giêsu là Thượng
Tế đã dâng hy lễ là chính thân thể Ngài để tiêu diệt tội lỗi và gánh tội cho
con người; nhờ đó, con người đã được hòa giải với Thiên Chúa và hòa giải với
nhau.
– Chúng ta phải suy
xét cẩn thận trước khi phán xét kẻ khác, để tránh những mâu thuẫn và phán xét
không có cơ sở. Phải tránh xa những phán xét vì ghen tị và sợ người khác hơn
mình.
– Để xây dựng và bảo vệ
hiệp nhất, chúng ta cần loại bỏ các chủ nghĩa cá nhân, kiêu hãnh, tự mãn, lợi
nhuận, để cùng chung sức xây dựng lợi ích chung cho gia đình, cộng đoàn, và xã
hội.
– Chúng ta phải luôn mở
rộng tâm hồn để đón nhận sự thật; và nhất là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh
Thần bên trong. Đừng bao giờ cố tình tố cáo những người công chính.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
27/01/2020 – THỨ HAI TUẦN 3 TN
Mồng Ba Tết – Thánh hóa công ăn việc làm
Mt 25,14-30
NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA CHÚA
“Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành.” (Mt 25,20-21)
Suy niệm: Đem những yến bạc đi làm
ăn sinh lợi tất nhiên là vất vả và rủi ro hơn nhiều so với giải pháp “an toàn”
là chôn giấu nó đi. Làm cho của cải sinh lời dĩ nhiên là khó hơn để chúng ngủ
yên trong két sắt. Những người tôi tớ đã làm ăn sinh lời chỉ cần nói một cách
giản đơn: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến
khác đây.” Vì vậy, không lạ gì ông chủ khen họ là những “tôi tớ tài giỏi và
trung thành.” Còn người đầy tớ với kết quả kinh doanh của mình chỉ là một con số
không, thì lấp liếm sự bất tài và lười biếng của mình bằng đủ thứ lời biện bác.
Những người tôi trung của Chúa nhất định không phải là những người ỷ lại, thụ động,
ngồi há miệng chờ sung. Trái lại người tôi tớ “tài giỏi và trung thành” là người
dám bạo dạn xả thân, hoạt động tích cực để sinh lợi cho Nước Trời. Hình mẫu
“người Tôi Trung của Chúa” được hiện thực nơi Đức Giê-su Ki-tô, Người đã “người
đã tự ý trở nên ghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên
giàu có” (2Cr 8,9).
Mời Bạn: Bạn là người quản lý của
Thiên Chúa và tất cả những gì bạn có – tài năng, tiền của, sức khoẻ, thời
gian,… và cả sự hiện hữu của bạn – đều là những yến bạc Chúa ban. Bước vào năm
mới Canh Tý này, trong các dự định cho công ăn việc làm, bạn nhớ đặt chỉ tiêu
làm ăn để “sinh lợi cho Nước Trời”.
Sống Lời Chúa: Tập thói quen dừng lại một
giây để dâng công việc bạn sắp làm với mục đích làm vinh danh Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin lấy Chúa làm niềm vui của con
trong năm nay; vì chỉ với niềm vui ấy, con mới có thể sống và làm việc cho Danh
Chúa cả sáng. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Vào nhà một
người mạnh
Suy niệm:
Thân nhân của Đức Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21),
nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám,
dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám.
Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều.
Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám,
không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bêendêbun.
Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22).
Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng,
vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.
Đức Giêsu đã trả lời tố cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà.
Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện
và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này.
Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương,
đó là Xatan hay Bêendêbun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22).
Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người.
Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.
Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước:
từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo,
rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).
Như thế Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người.
Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới.
Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan,
phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20).
Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế.
Thế giới hôm qua cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà.
Tiếc thay ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt.
Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).
Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1, 7).
Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm.
Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ,
và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan.
Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa,
và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.
Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12, 28),
nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bêendêbun,
thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).
Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế.
Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm.
Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.
Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha (c. 28),
trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra
để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội ?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG GIÊNG
Bảo Vệ Quyền Lợi
Người Lao Động Trong Thời Đại Tự Động Hóa
Hiểu được giá trị trỗi
vượt của con người trong môi trường lao động, chúng ta thấy rõ rằng con người
không thể bị hy sinh để phục vụ cho hiệu năng của tự động hóa. Vâng, các môi
trường lao động hiện đại phải hết sức lưu tâm để bảo vệ quyền làm việc của con
người – bằng cách chỉ triển khai loại thay đổi này (tức tự động hóa) sau khi đã
vạch kế hoạch kỹ lưỡng. Với thiện chí và với sự tiên lượng tốt, chúng ta có thể
giúp cho nhiều người trong số những kẻ mất việc làm do sự thay đổi công nghệ được
đào tạo lại và được tái thu dụng vào lực lượng lao động.
Trong tình hình như vậy,
ý nghĩa đích thực của nhân vị và của phẩm giá con người phải là mối ưu tiên
hàng đầu trong bất cứ trường hợp nào liên can đến sự thu dụng hay chuyển đổi chỗ
làm của người lao động. Những người chủ việc phải cố gắng đứng ở vị trí bảo vệ
quyền làm việc thích đáng cho mọi công nhân của mình. Tôi đặc biệt đề xuất điều
này với các tổ chức công đoàn – là những tổ chức có bổn phận bênh vực quyền lợi
của người công nhân. Các công đoàn không thể giới hạn tầm nhìn của mình nơi chỉ
một loại công nhân nào đó, nhưng cần phải quan tâm đến phẩm giá của mọi người
trong môi trường lao động.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27/1
Thánh Angêla
Mêrici, trinh nữ
(Mồng Ba Tết, Thánh
Hóa Công Ăn Việc Làm)
2Sm 5,1-7.10; Mc 3,
22-30.
Lời Suy Niệm: “Tôi bảo thật
anh em; mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm
thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh
Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.
Lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng ai cố tinh từ chối đón
nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc thống hối, thì người đó cũng khước
từ ơn tha thứ tội lỗi cho mình và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban tặng. Sự cứng
lòng như vậy có thể đưa tới chỗ không thống hối trong giờ sau hếtvà bị án phạt
muôn đời.” (GL số 1864).
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn biết thống hối mọi lỗi phạm trong đời sống
của chúng con và vững tin vào lòng Chúa thương xót, tha thứ, cứu độ để chúng
con được sống.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 27-01: Thánh
ANGÊLA MÊRICI
Đồng trinh
(1474-1540)
Angêla Mêrici sinh
ngày 21-3-1474 ở Dessenzanô bên hồ Garda. Khi lên mười, Ngài đã bị mồ côi cha mẹ.
Những tín hữu đạo đức ước ao cho con cái mình tìm được hạnh phúc trong vinh
quang Chúa và đưa cuộc đời các thánh ra làm gương mẫu. Cậu của Ngài lãnh trách
nhiệm giáo dục Ngài, cũng theo một tinh thần trên. Khi các ông cậu qua đời,
Ngài lại về sống với anh em. Angêla là một cô gái đạo đức và để bảo đảm sự
thánh thiện của mình, Ngài đã gia nhập hội dòng ba thánh Phanxicô, hiến mình
làm việc bác ái, nhất là việc giáo dục trẻ em.
Một ngày kia Angêla được
thị kiến thấy một chiếc thang nối liền đất với trời. Một đoàn trinh nữ leo lên
từng bậc thang ấy và một người trong số đó nó với Ngài: – Chị sẽ làm mẹ đám người
ấy.
Theo lòng đạo đức thời
đó, người thiếu nữ đã đi hành hương nhiều nơi. Rồi với một nhóm người hành
hương, Ngài muốn đi hành hương Giêrusalem. Nhưng Ngài bị một cơn mù lòa nhiệm lạ
tại Candie và chỉ hết bệnh khi Ngài trở lại đây. Ngài đã giải thích sự kiện nầy
như biểu tượng sự từ bỏ, làm nền tảng cho mọi dự định của mình. Angêla đến yết
kiến Đức Thánh cha và lo thực hiện công trình giữa những sự đau khổ của chiến
tranh. Ngài tận tụy nhiều cho người nghèo và dân lao động. Những kỷ niệm cuộc
thị kiến ám ảnh lòng Ngài mãi. Ngài đã tới Brescia là nơi có một ngôi nhà dành
cho Ngài xử dụng.
Một số thiếu nữ đến
qui tụ bên Ngài. Đây là hạt nhân của một hội dòng mà Ngài sẽ thành lập với một
hình thức tu trì mới mẻ đối với thời đại, một cuộc sống nối kết sự chiêm niệm với
việc dạy dỗ trẻ em. Angêla đặt hội dòng dưới sự bảo trợ của thánh nữ Ursula, vị
nữ đồng trinh thành Côlôgna, đã được tôn vinh như là một nữ anh hùng chiến thắng
man rợ về văn hóa.
Phương pháp của thánh
Angêla thật khác với ý niệm tân tiến về một trường dòng Ngài thích sai các nữ
tu đến dạy các thiếu nữ tại ngay gia đình họ. Ngài thường nói: – Xáo trộn trong
xã hội là kết quả sự xáo trộn ngay tự trong gia đình.
Không được học hành
nhiều. Thánh Angêla có những trực giác lạ lùng. Ngài nghĩ rằng: người ta chỉ có
thể canh tân phong hóa tự gia đình, và gia đình được canh tân là do việc giáo dục
phụ nữ.
Thánh Angêla Mêrici được
biết tới như vị sáng lập dòng của các nữ tu Ursula. Thực sự Ngài là vị sáng lập,
dầu không đúng với các ý hướng của Ngài. Bởi vì Ngài xem ra có hơi cấp tiến đối
với thời đại của mình. Dự định của Ngài về các nữ tu là không có y phục riêng,
không có lời khấn trọng, không có lũy rào để dễ đến với tuổi trẻ hứa hẹn của
tương lai, và để có thể phục vụ tha nhân hữu hiệu hơn. Nhưng dự định này đi ngược
với những ý niệm thịnh hành thời Ngài và dưới ảnh hửơng của thánh Carôlô
Berrômêô và của qui luật của đức Thánh cha (Thánh Piô V) là buộc các nữ tu
Ursula phải nhận những bảo đảm theo giáo luật đòi buộc mọi nữ tu.
Những năm cuối đời,
thánh Angêla Mêrici thường hay xuất thần. Ngài qua đời ở Brescia ngày 27 tháng
giêng năm 1540.
(daminhvn.net)
27 Tháng Giêng
Ống Ðiện Thoại Sống
Xã hội càng văn
minh, kỹ thuật càng tân tiến, thì người già càng bị ngược đãi. Tại Roma chẳng hạn,
với khoảng 3 triệu dân cư, người ta ước tính có đến trên sáu trăm ngàn người
già. Chỉ có một số nhỏ được săn sóc đàng hoàng, đa phần phải trải qua một trong
những thử thách lớn nhất của tuổi già là cô đơn và nhiều sự ngược đãi khác.
Từ bao lâu nay, các
tu sĩ thuộc cộng đồng Thánh Egidio đã dấn thân một cách đặc biệt trong việc bảo
vệ quyền lợi của người già. Nay, cộng đồng còn đưa ra một sáng kiến mới gọi là
“Cú điện thoại chống lại bạo động và bênh vực quyền lợi của người già”. Với
sáng kiến này, cộng đồng đã thiết lập một đường dây điện thoại đặc biệt nhằm
giúp cho những người già đang sống một mình hoặc bà con thân thuộc của họ có thể
liên lạc để xin trợ giúp tron bất cứ nhu cầu nào. Túc trực điện thoại trên đường
dây này là 60 nhân viên, tất cả đều đã từng có kinh nghiệm trong nhiều ngành
khác nhau như luật pháp, cán sự xã hội, y tá, nói chung trong mọi lĩnh vực có
liên quan đến các vấn đề của người già.
Qua sáng kiến trợ
giúp trên đây, nhiều người già cả đã ý thức hơn về quyền lợi của họ cũng như
tìm được nhiều an ủi đỡ nâng qua chính những người chỉ túc trực ở điện thoại để
lắng nghe.
Một tác giả đã viết về
sự cô đơn như sau: “Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, muốn nhận mà chẳng
có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ chẳng bao giờ đến. Như hai bờ
sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông. Nên cô đơn là gần nhau
mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi
lòng. Bởi đó, vợ cô đơn bên chồng, con cái cô đơn bên cha mẹ. Càng gần nhau mà
vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng
cô đơn hơn. Tôi cô đơn khi tôi bị vây bọc bởi những con sông thờ ơ, những mây
mù ảm đạm. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến với những người khác…”.
Những dòng trên đây
như muốn nói lên một sự thật: ai trong chúng ta cũng đều có thể rơi vào cô đơn.
Trong bất cứ tuổi tác nào, trong bất cứ địa vị nào trong xã hội, ai cũng có thể
làm mồi cho cô đơn. Liều thuốc để ra khỏi sự cô đơn, chính là ra khỏi chính
mình để làm cho người khác bớt cô đơn. Xã hội sẽ được ấm tình người hơn nếu mỗi
người biết ra khỏi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của mình để đến với người khác, để trở
thành một đường dây điện thoại sống cho người khác.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét