Trang

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Giải đáp phụng vụ: Các phó tế và việc rửa tội trong Thánh lễ


Giải đáp phụng vụ: Các phó tế và việc rửa tội trong Thánh lễ
Nguyễn Trọng Đa


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con rất muốn cha làm sáng tỏ một vấn đề liên quan đến việc rửa tội trong Thánh lễ. Con là phó tế trong một giáo xứ nhỏ. Con chưa rửa tội nhiều người - thường là cháu của con hoặc nếu ai đó xin con rửa tội cho con của họ. Con luôn tin rằng việc rửa tội trong Thánh lễ là thích hợp nhất. Cha xứ hiện tại của con tin rằng một phó tế rửa tội trong Thánh lễ sẽ tạo thành một sự thay đổi vị chủ tế. Con không thể tìm thấy gì để hỗ trợ cho quan điểm này. Xin cha giúp làm sáng tỏ cho con - R. D., Grand Rapids, Michigan, Hoa Kỳ.


Đảp: Trong khi tôi không biết câu trả lời chính thức cho câu hỏi về phép rửa tội, có một câu trả lời riêng từ Tòa Thánh liên quan đến vấn đề các phó tế là chủ sự trong Thánh lễ hôn phối, vốn có thể làm sáng tỏ chủ đề này. Bức thư năm 2007 này, được ban hành bởi Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, thảo luận vấn đề từ cơ sở giáo luật và phụng vụ, và đây là các điều liên quan đến chúng ta bây giờ.

Thánh bộ ở Vatican tuyên bố rằng một sự thay đổi vị chủ sự trong quá trình một buổi cử hành là không được chấp nhận. Do đó, không một phó tế (dù là vĩnh viễn hay chuyển tiếp) hay một linh mục nào khác, ngoài vị chủ tế chính, là không được cử hành một bí tích trong Thánh lễ.

Tài liệu cũng giải thích tại sao các trường hợp ngoại lệ rõ ràng không làm mất đi quy tắc không thay đổi vị chủ tế. Các trường hợp ngoại lệ rõ ràng này - chẳng hạn như một Giám mục không đồng tế, chủ tọa một số thời điểm của Thánh lễ, hoặc vị Giám mục mới được tấn phong trở thành vị chủ tế chính - phát sinh từ bản chất của thừa tác vụ giám mục.

Do đó, bức thư kết luận rằng, trong trường hợp thánh lễ hôn phối, linh mục cử hành thánh lễ cũng phải là vị giảng thuyết, nhận lời thề hôn phối và ban chúc lành hôn phối. Và theo quyết định của linh mục này, phó tế có thể giảng thuýết.

Phải thừa nhận rằng, bức thư này là chính thức nhưng, như là một thư chính thức riêng, không có tính cách luật. Tuy nhiên, nó phản ánh suy tư của thánh bộ, và dựa vào lý luận phụng vụ rõ ràng.

Nguyên tắc không có sự thay đổi vị chủ tế cũng sẽ được áp dụng cho các cử hành phụng vụ khác, trừ khi chữ đỏ đặc biệt cho phép sự tham gia trực tiếp của các linh mục hoặc phó tế khác, mà không, nói cho đúng, ngụ ý một sự thay đổi vị chủ tế.

Điều này được tiên liệu, chẳng hạn, trong một thánh lễ đồng tế, mà trong đó các linh mục khác có thể đọc một mình một phần của Kinh nguyện Thánh Thể. Cũng có thể phân chia một số phần của nghi thức xức dầu bệnh nhân

Ngoài ra, các nghi thức rửa tội đã tiên liệu khả năng rằng, khi số lượng trẻ em được rửa tội là rất đông, linh mục chủ tế có thể được các linh mục và phó tế khác giúp đỡ trong một số nghi thức, như xức dầu và làm phép rửa tội. Tương tự, Giám mục có thể ủy nhiệm cho các linh mục, để giúp ngài ban bí tích Thêm sức khi có số lượng lớn các ứng viên. Không có gì trong các thực hành này tạo ra sự thay đổi vị chủ tế cả.

Cuối cùng, liên quan đến việc cử hành bí tích rửa tội trong Thánh lễ Chúa Nhật, Nghi thức Rửa tội cho trẻ em không ủng hộ nó, như một tập tục bình thường hoặc theo thói quen. Xin mời đọc:

“9. Để làm nổi bật tính cách phục sinh của Bí tích rửa tội, người ta khuyên nên cử hành bí tích này trong Đêm Vọng Phục Sinh, hoặc vào Chúa Nhật, khi Hội Thánh tưởng niệm sự Phục sinh của Chúa. Vào Chúa Nhật, việc rửa tội có thể được cử hành ngay trong Thánh lễ, để toàn thể cộng đoàn tham dự được, và mối liên hệ giữa bí tích rửa tội và bí tích Thánh Thể có thể được thấy rõ, nhưng việc này không nên được thực hiện quá thường xuyên. Các quy định cho việc cử hành lễ rửa tội trong Đêm Vọng Phục Sinh hoặc trong Thánh lễ vào Chúa Nhật sẽ được đặt ra sau.”

Tuy nhiên, nghi thức gợi ý một ưu tiên rõ ràng cho một buổi cử hành chung vào Chúa Nhật:

“32. Nếu có thể, lễ rửa tội nên diễn ra vào Chúa Nhật, ngày mà Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Phục sinh. Lễ này nên được ban trong một buổi chung cho tất cả các trẻ được sinh ra gần đây, và với sự hiện diện của tín hữu, hoặc ít nhất là người thân, bạn bè và hàng xóm của các em, và họ đều tham gia một phần tích cực trong nghi thức.”

Không giống như phép rửa tội trong Thánh lễ, một cử hành rửa tội chung như trên có thể được chủ sự bởi một phó tế, như là vị thừa tác viên bình thường. (Zenit.org 28-1-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/deacons-and-baptisms-at-mass/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét