Trang

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Đức Tổng Giám Mục Sydney: Diễn trình đồng nghị không có nghĩa ‘cái gì cũng có thể nắm giật được’


Đức Tổng Giám Mục Sydney: Diễn trình đồng nghị không có nghĩa ‘cái gì cũng có thể nắm giật được’
Vũ Văn An
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher

Nhân nói đến “Con đường Đồng nghị” (synodal path) đang diễn ra tại Đức, chúng tôi có e ngại tính mập mờ của những người đứng ra tổ chức diễn trình này. Một đàng, họ nhấn mạnh đến tính “trói buộc” của nó, đàng khác họ lại cho rằng tùy ở các Giám Mục địa phương và Giáo Hội hoàn vũ áp dụng các khuyến cáo của nó.

Cái tính mơ hồ ấy, theo Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney chỉ gây thêm hoang mang, ngã lòng. Thực vậy, nhân dịp qua Rôma tham dự đại hội toàn thể cứ hai năm một lần của Bộ Giáo Lý Đức Tin mà ngài vốn là thành viên, Đức Cha Fisher đã dành cho tạp chí Crux một cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, ngài đề cập đến rất nhiều điều, từ vụ cháy rừng tàn phá phần lớn quê hương ngài, công đồng toàn thể của Giáo Hội Úc, đến việc phong chức cho nữ giới. Và vì cũng là thành viên của Hội Đồng tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ tới, một Hội đồng sẽ mở phiên họp cùng vào dịp này, nên Đức Tổng Giám Mục Fisher cũng đã đề cập đôi điều đến điều ngài không gọi là Con đường Đồng nghị mà là Diễn trình Đồng nghị (synodal process).

Con đường đồng nghị

Ngài cho biết hiện chưa có chủ đề cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới. Nhưng theo ngài, “đối với những nền văn hóa như nền văn hóa của riêng tôi, thì có vấn đề lớn là chúng ta định vị mình ra sao, tự đề xuất cho mình thế nào trong một thế giới hậu Kitô giáo, tức duy tục, với rất nhiều thù nghịch chống Giáo Hội, thất vọng ngã lòng với Giáo Hội và thậm chí cả buồn nản về Giáo Hội”.

Nhưng theo Đức Cha, rất có thể đó không hẳn là điều được lưu ý ở những phần khác của thế giới. Tuy nhiên, bất cứ chủ đề nào có lẽ cũng có liên quan đến một nền văn hóa nào đó hơn là đối với một nền văn hóa khác. Ngay các lục địa nhiều tinh thần tôn giáo như Châu Phi, Châu Á và Nam Châu Mỹ, chủ nghĩa duy tục cũng đang rất phát triển hay đang trên đường phát triển. Nên ngài nghĩ đây có thể là một chủ đề cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới.

Ngài có nghe nói tới đề nghị lấy tính đồng nghị (synodality) làm chủ đề. Mặc dù, theo ngài một Thượng Hội Đồng Giám Mục nói về tính thượng hội đồng hay tính đồng nghị, xem ra như nói về mình, tự qui chiếu về chính mình, “giống như một số thượng hội đồng quốc gia đang diễn ra, có nguy cơ lớn trở nên chỉ biết nhìn vào bên trong, về chúng tôi, về các cơ cấu của chúng tôi, bằng một ngôn từ chẳng ai khác hiểu nổi”.

Xu hướng trên đi ngược lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là hãy ra khỏi phòng áo lễ vì có cả một thế giới ở ngoài kia. “Tôi sợ rằng nó quả là vấn đề nội bộ. Tính đồng nghị là một quan tâm hết sức nội bộ”.

Tuy nhiên, theo ngài, có một số điều hữu ích để nói về nó. Ngài cho rằng chúng ta đã bàn bạc đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống Giáo Hội, như Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội chẳng hạn. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải nhìn ra ngoài, không phải việc phiên dịch các bản văn hay các vấn đề nội bộ khác, mà là vấn đề chúng ta mang lại điều gì cho thế giới.

Nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục Fisher nhắc đến “Con đường Đồng nghị” ở Đức: “Tôi nghĩ các cuộc hội nghị của Giáo Hội cần lưu ý tới nguy cơ tạo nên những hoài mong không có thực. Đây là một vấn đề đối với con đường đồng nghị ở Đức và cũng là một vấn đề đối với công đồng toàn thể của Úc. Nếu cô nói với thế giới, mọi điều có đó để mình nắm lấy, cô được nói bất cứ điều gì cô muốn nói, bất cứ điều gì cũng có thể diễn ra; điều đó không đúng. Chúng ta là những người tiếp nhận một truyền thống quí giá, chúng ta có mặc khải của Thiên Chúa, không phải điều gì cũng có đó để nắm giật”.

Ngài nói thêm: “nếu cô cho người ta cảm tưởng một số đề nghị hay thay đổi sắp diễn ra hay có thể diễn ra, nhưng thực tế không thể và không diễn ra, điều đó chỉ gây thêm vỡ mộng ở cuối diễn trình đó, Tôi muốn đi theo con đường có tính xây dựng nhiều hơn".

Phong chức nữ giới

Ngài đặt câu hỏi: “cô có lo là con đường đồng nghị ở Đức hoặc công đồng toàn thể ở Úc sẽ ra quyết lệnh ‘chúng tôi cần việc phong chức cho nữ giới’ không?” Một số người Đức đang công khai nói rằng Giáo Hội sắp sửa chúc lành co các cặp đồng tính hay phong chức cho phụ nữ, trong khi đó đây không phải là điều họ có thể ấn định...”

Ngài cho hay việc phong chức cho phụ nữ là một luận điểm thần học khá phức tạp. “Vì vấn đề không phải là quan điểm của chúng ta về nam nữ, mà đâu là quan điểm của chúng ta về thẩm quyền của truyền thống và đâu là quan điểm của chúng ta về chức linh mục, chức linh mục chứa đựng những gì, và điều gì có thể được chia sẻ hoặc được làm tốt hơn bởi người khác? Chúng ta chưa xem xét sâu xa những khía cạnh này”

Ngài cho rằng, trong khía cạnh này, chúng ta mới chỉ quan tâm, như thế giới duy tục, đến một khía cạnh duy nhất là “anh hay chị có coi người đàn bà bình đẳng với người đàn ông về phẩm giá và giá trị tinh thần hay không?”

Trả lời có hay không cho câu hỏi đó, theo Đức Cha Fisher, chưa giải quyết được vấn đề phong chức cho phụ nữ. Theo ngài, vấn đề này phức tạp đến nỗi “tôi nghĩ chúng ta không ở một vị trí trong lịch sử ngay lúc này để có thể bàn vấn đề này một cách hợp tình hợp lý, công bằng xử lý vấn đề này và do đó công bằng với phụ nữ cũng như nam giới trong Giáo Hội”.

Ngài đề nghị một phương thức có cái nhìn tổng hợp hơn: “Tôi nghĩ nếu cô muốn nói về phụ nữ trong quyền lãnh đạo Giáo Hội, chúng ta cần xem xét mọi phương cách trong đó họ đã lãnh đạo và phục vụ rồi. Tôi muốn nói, tại xứ sở tôi, Giáo Hội của chúng tôi phần lớn đã được các phụ nữ lãnh đạo. Chỉ cần xem liệu chúng tôi đã đánh giá, đã nhìn nhận quyền lãnh đạo ấy đầy đủ chưa”.

Về phương diện ấy, ngài đặt câu hỏi “Người ta gặp Giáo Hội ở đâu? Tại xứ sở tôi, phần lớn ở hai nơi: trong các giáo xứ, nếu họ đi nhà thờ, một điều phần lớn không làm; hoặc họ gặp Giáo Hội ở các trường học, nơi phần lớn người ta gửi con cái của họ đến trường dù họ không đi nhà thờ. Nói chung, các giáo xứ của chúng tôi được nam giới lãnh đạo còn các nhà trường của chúng tôi được lãnh đạo bởi nữ giới. Thành thử nói về việc lãnh đạo các định chế của chúng tôi, thì trong căn bản là 50-50. Nếu cô nhìn vào những nơi khác trong đó người ta có thể gặp Giáo Hội Công Giáo, như các dịch vụ xã hội hay các bệnh viện và các viện y tế, phần lớn được các nữ tu xây dựng và nhiều cơ sở hiện nay do nữ giới lãnh đạo”.

Còn các bộ phận khác trong Giáo Hội như hội đồng tài chánh, hội đồng mục vụ... tại tổng giáo phận Sydney, một phụ nữ hiện đứng đầu ngành truyền thông, một người khác đứng đầu ngành luật pháp, một người khác đứng đầu ngành bảo vệ các tiêu chuẩn chuyên nghiệp, một người làm cố vấn giao tiếp công cộng, một người đứng đầu ngành đại kết và đối thoại liên tôn, một người đứng đầu ngành đời sống tu trì. Có thể nói ít nhất một nửa các ban ngành.

Ngài kết luận “trọng điểm của tôi là tôi nghĩ phụ nữ đã đang lãnh đạo và phục vụ nhiều cách khác nhau, nhưng điều đó chưa được đánh giá, nhìn nhận đầy đủ, tưởng thưởng đầy đủ. Qua nhiều cách khác nhau, người ta vẫn cảm thấy như họ là bậc nhì và bị đối xừ khác nhau”.

Vấn đề ở đây là phong chức, phải chăng họ vẫn cảm thấy là bậc nhì vì các linh mục được tôn giá quá đáng như các nhà lãnh đạo?

Trả lời câu hỏi đó, Đức Cha Fisher cho hay tại Úc, việc tôn giá như thế nay đã giảm. Nhưng vấn đề này cũng giống vấn đề hôn nhân đồng tính. Một phần của vấn đề là cách duy nhất để chúng ta công khai thừa nhận, trân qúi và củng cố một mối liên hệ là cho người ta cưới nhau. Thành thử người ta nghĩ chúng ta phải kết hôn, nếu không, chúng ta không được trân quí, yêu thương và đánh giá cao.

Một điều tương tự cũng đang xẩy ra với việc phong chức cho nữ giới. “Không có cách nào khác, hiển nhiên để đặt danh hiệu ‘cha, đấng đáng kính [reverend]’ hay đặt các y phục đặc biệt hay có các vai trò phụng vụ được ấn định rõ ràng để đánh giá cao và thừa nhận vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội. Thế là họ cảm thấy như không được trân qúi. Nhưng có lẽ không phải họ không thực sự được trân qúi, mà chỉ vì họ không thấycung cách thứa nhận và công bố việc này”.

Dĩ nhiên, có chuyện một số nữ tu bị các linh mục khai thác một cách tàn hại, vẫn có thái độ bài phụ nữ và kỳ thị phụ nữ. Nhưng đâu mới thực sự là vấn đề lớn của phụ nữ ngày nay. Theo Đức Cha Fisher “Người đàn bà Công Giáo trung bình lo âu về việc phải sắp đặt (juggle) ra sao việc làm toàn thời gian của mình, các trách nhiệm chăm lo gia đình toàn thời gian, săn sóc con cái và cả cha mẹ già, trong khi vẫn duy trì được ít liên hệ bằng hữu và dành chút thì giờ để nhàn du. Và họ nghĩ, liệu Giáo Hội có giúp gì được tôi trong việc sắp đặt này? Khiến nó dễ xoay sở hơn? Tôi nghĩ đối với phần đông phụ nữ, đây là quan tâm lớn hơn là liệu họ có được phong chức hay không?”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét