Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

13-09-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN năm A

 

13/09/2020

 Chúa Nhật 24 Thường Niên năm A.

(phần II)



Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 24 Thường niên năm A

Hc 27,30-28,7 – Rm 14,7-9 – Mt 18,21-35

CHÍNH KHI THỨ THA LÀ KHI ĐƯỢC THA THỨ

“Ngươi không phải thương xót đồng bạn
như chính ta đã thương xót ngươi sao ?”
 (Mt 18,33)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I – Hc 27,30-28,7

Đây là một đoạn của sách Huấn ca, được trích trong phần ‘tuyển tập các châm ngôn’ (Hc 1,1-42,14) với nội dung chính bàn về sự thù hận dưới ánh sáng của Đức Khôn Ngoan. Qua đoạn trích sách này, tác giả muốn làm nổi bật ba ý chính:

Ba nguyên tắc nền tảng: 1/ Oán hờn và giận dữ luôn là điều ghê tởm trước nhan Chúa; 2/ Ai báo thù sẽ phải chuốc lấy báo thù của Thiên Chúa; 3/ Kẻ biết tha thứ lầm lỡ cho người khác sẽ được thứ tha khi cầu khẩn cùng Thiên Chúa.

Ba nghịch lý: 1/ Kẻ trong lòng cứ nuôi cơn giận, lại cả dám xin Chúa chữa lành; 2/ Người không biết thương đồng loại, lại dám xin Chúa tha cho mình; 3/ Đứa luôn để tâm thù hận, ai dám xin tha tội cho nó.

Bốn điều tâm niệm: 1/ Hãy nhớ đến ngày tận số, để biết chấm dứt hận thù; 2/ Hãy nhớ mình phải hao mòn và phải chết, để biết tuân giữ điều răn; 3/ Hãy nhớ các điều răn, để đừng oán hờn kẻ khác; 4/ Hãy nhớ đến giao ước của Thiên Chúa, để không còn chấp nhất lỗi lầm.

2. Bài đọc II – Rm 14,7-9

Đây là đoạn trích trong phần ‘bổn phận đối với những người yếu tin’ của Thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma. Khởi đi từ sự khác biệt trong suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày như: người ăn kẻ lại không ăn, người này đứng vững người khác ngã quỵ, người thì cho ngày này trọng kẻ khác lại ngày khác mới trọng... Các Kitô hữu thành Roma đã bị cám dỗ lấy mình làm chuẩn để đưa ra những nhận định rất chủ quan có nguy cơ làm tổn thương tương quan với anh chị em khác.

Chính vì thế, trong đoạn trích bài đọc II, thánh Phaolô khuyên mọi người hãy lấy Chúa làm chuẩn để lượng định mọi suy nghĩ, lời nói và nhất là hành động của mình: ‘Không ai trong anh em được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình. Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa.’ Rồi ngài đi đến kết luận: ‘Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.’

3. Bài Tin mừng – Mt 18,21-35

Đây là phần cuối cùng của bài giảng về đời sống cộng đoàn, hay bài giảng về Giáo hội. Đoạn Tin mừng khởi đi từ một vấn nạn được đặt ra bởi Phêrô: Phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần khi anh em xúc phạm đến mình ? Chúa Giêsu không hề phủ nhận điều mà Phêrô vừa gợi ý: ‘tha bảy lần’ nhưng Chúa muốn sự tha thứ của Phêrô phải được đẩy tới xa hơn nhiều, khi Ngài quảng diễn cho Phêrô: ‘...không phải là bảy lần mà là bảy mươi lần bảy.’

Qua câu chuyện dụ ngôn liền sau đó, Chúa Giêsu đã muốn chỉ ra thế nào là sự tha thứ mà Phêrô cần có khi bị xúc phạm, qua hình ảnh của một nhân vật nhưng đóng hai vai trái ngược nhau:

Vai con nợ với số nợ lên đến 10.000 yến vàng = 10.000 x 6.000 quan tiền = 60.000.000 quan tiền = 60.000.000 ngày công. Một món nợ mà người này có phải trả tới 200.000 năm vẫn chưa hết số nợ! Nhưng anh van xin lạy lục nên chủ chạnh lòng thương và tha tất cả cho anh ta.

Đến lượt anh, khi đóng vai ông chủ nợ với số nợ chỉ là 100 quan tiền, tương đương 100 ngày công (bằng 1/600.000 so với món anh đang nợ của chủ), nhưng anh ta đã không chịu tha thứ.

Cuối cùng, anh bị chủ kết án vì đã không biết thương xót NHƯ đã được xót thương. Xét về lượng: 100 không bao giờ có thể bằng 60.000.000. Nhưng dưới một khía cạnh khác, anh đã mắc nợ 60.000.000 và đã được tha 60.000.000, nghĩa là anh đã được tha tất cả. rồi đến lượt mình, anh bị mắc nợ 100, và nếu anh tha 100, nghĩa là anh cũng đã tha tất cả.

Điều Chúa Giêsu muốn nói với Phêrô về sự tha thứ, đó là: Nếu Chúa đã tha cho ta tất cả thì Chúa cũng muốn ta phải biết tha tất cả giống như thế.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Khi khuyên nhủ: ‘Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa’, Thánh Phaolô muốn mời gọi mọi tín hữu quy chiếu trọn cuộc đời về Chúa và cho Chúa. Nói cách khác, biết lấy Chúa làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của mình. Cơn cám dỗ không hề nhẹ nhàng và luôn ở bên cạnh mỗi tín hữu, đó là cơn cám dỗ lấy mình làm chuẩn để quyết định mọi sự theo sự khôn ngoan của con người.

2. ‘Ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao ?’ Thái độ tha thứ luôn luôn và tha thứ tất cả trong tương quan với mọi người chính là điều kiện công bằng đòi buộc cho việc trước đó chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ luôn luôn và tất cả. Tuy nhiên, một nghịch lý luôn chi phối mọi tín hữu khi sống trong cộng đoàn, đó là chỉ muốn được tha thứ nhưng lại không dễ dàng thứ tha.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho những ai thật lòng ăn năn, và Người chờ đợi chúng ta cũng hết lòng tha thứ cho nhau. Với quyết tâm sống bao dung nhân từ như Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu nguyện.

1. “Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các mục tử trong Hội Thánh luôn khiêm tốn thể hiện lòng nhân từ và hay tha thứ của Thiên Chúa khi thi hành phận vụ, trở nên chứng tá cho tình yêu cứu độ của Chúa giữa thế giới hôm nay.

2. “Hãy kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới, biết tin nhận và kính sợ một Thiên Chúa nhân từ, luôn chọn sự thật làm chuẩn mực khi giải quyết các bất đồng tranh chấp, và lấy yêu thương làm nguyên tắc định hướng cho mọi hành động.

3. “Dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết gắn bó đời mình với Tin mừng và sứ vụ của Đức Kitô, luôn sẵn sàng dấn thân phục vụ những kẻ bé mọn trong xã hội, cách riêng những ai đang phải đau khổ vì nạn kỳ thị sắc tộc, tôn giáo hay phân biệt giai cấp.

4. “Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, khi cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa, luôn có thái độ bao dung trước những lầm lỗi của nhau, và thắp sáng môi trường sống của mình bằng tấm lòng từ bi nhân hậu.

Chủ tếLạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ước nguyện của chúng con hôm nay, và ban ơn trợ giúp để chúng con thêm hăng hái xây dựng nước trời khi quyết tâm thực thi lời dạy của Đức Giêsu, Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-24-thuong-nien-nam-a-47893

 

 

Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 24 TN Năm A

CHỦ ĐỀ :

HÃY THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA



“Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi bảy lần”

(Mt 18,22)

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I : Không tha thứ cho người khác thì sao đáng xin Chúa tha thứ cho mình !

– Đáp ca : “Người đã tha thứ mọi tội lỗi ngươi”

– Tin Mừng : Dụ ngôn hai con nợ : con nợ thứ nhất không được vua tha thứ chỉ vì hắn không chịu tha thứ cho con nợ thứ hai.

– Bài đọc II : Đừng bận tâm xét đoán người khác, thay vào đó hãy quy chiếu tất cả cuộc sống mình vào Chúa : “Dù chúng ta sống, dù chúng ta chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Chúa Giêsu đã nói : “Khi con đi dâng lễ vật trên bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang bất hòa với con, thì hãy để lễ vật lại, trở về làm hòa với người anh em ấy trước đã, rồi mới trở lại dâng lễ vật sau”. Đó là một cách nói mạnh, nhằm khuyến khích chúng ta tha thứ cho người khác.

Chắc hẳn hiện giờ trong lòng anh chị em, ai cũng có một ít điều gì đó không vui đối với một vài anh chị em của mình. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta thêm lòng quảng đại để có thể tha thứ cho những người ấy. Đây thực là một việc cần thiết phải làm trước khi chúng ta dâng Thánh lễ.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta hẹp lòng hẹp dạ không chịu tha thứ cho người khác.

– Nhiều chuyện buồn rất lâu rồi mà chúng ta cữ giữ mãi trong lòng.

– Chúng ta không tạo cơ hội cho kẻ có lỗi hòa giải với mình.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Hc 27,30—28,7)

Để khuyến khích người ta tha thứ, Ben Sira đưa ra nhiều lý lẽ :

– Có tha thứ cho người khác thì khi ta cầu nguyện ta mới đáng được Chúa thư tha.

– Đang tích lòng giận ghét người ta mà dám xin Chúa cứu chữa mình sao ?

– Chẳng thương xót người đồng loại mà còn cầu xin Chúa thương xót mình sao ?

– Người phàm xác thịt mà tích lòng thịnh nộ thì dám xin Chúa tha thứ sao ?

– Hãy nghĩ đến điều sau hết, tức là cái chết, để chấm dứt hận thù.

– Hãy nghĩ đến giao ước của Chúa, tức là giao ước yêu thương, để bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

2. Đáp ca (Tv 102)

Tv này chúc tụng tấm lòng từ bi bao la của Chúa : Ngài đã tha thứ tội lỗi cho ta, Người không xử với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta…

3. Tin Mừng (Mt 18,21-35)

Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn về hai con nợ :

– Một ông quan mắc nợ nhà vua một món tiền rất lớn (10 ngàn nén vàng), nhưng đã được nhà vua tha hết.

– Khi ông quan này trở ra gặp một người bạn chỉ thiếu mình có 100 nén bạc (chỉ bằng 1 phần triệu số nợ đối với nhà vua) và đã khẩn thiết van xin bằng chính những lời lẽ mà ông quan đã xin với vua, ông quan ấy nhất định không tha.

– Được biết việc ấy, nhà vua bắt giam ông quan cho tới khi trả hết đồng xu cuối cùng.

Dụ ngôn này muốn so sánh cho chúng ta thấy tội của chúng ta đối với Thiên Chúa nặng gấp triệu lần tội người khác phạm tới ta ; đồng thời cũng muốn cho biết rằng nếu ta không tha cho người khác để đưa đến kết quả là Chúa không tha cho ta, thì quả là ta rất ngu dại.

4. Bài đọc II (Rm 14,7-9)

Văn mạch : Chương 14 của thư Phaolô đề cập đến hai trường hợp khiến các kitô hữu rôma hay xét đoán nhau : 1/ có người sợ ăn lầm nhằm đồ cúng nên không dám ăn thịt mà chỉ ăn rau, có người khác nghĩ rằng lương tâm mình vững vàng nên dám ăn mọi thứ, rồi người này chỉ trích người kia ; 2/ Có người tin dị đoan nên cho rằng ngày này tốt ngày kia xấu, người khác không tin cho rằng ngày nào cũng tốt, rồi hai bên lại chỉ trích nhau.

Thánh Phaolô dạy : đừng để ý đến người khác, cũng đừng để ý đến mình, nhưng tất cả hãy quy chiếu vào Chúa, vì “không ai sống cho chính mình, cũng không ai chết cho chính mình… Chúng ta sống hay chết thì đều thuộc về Chúa”.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. “Nợ” và “trả nợ”

Theo nguyên tắc, mắc nợ thì phải trả nợ, cho mượn nợ thì có quyền đòi nợ. Nợ → đòi → trả : đó là cách cư xử công bình.

Nhưng trên thực tế, có rất nhiều thứ nợ không thể trả nổi : chẳng hạn con nợ đã sạt nghiệp trắng tay, con nợ thiếu nhiều quá sức chi trả v.v. Gặp những trường hợp ấy, ngay cả tòa án cũng đành phải bó tay : cùng lắm là tịch thu tài sản bán được bao nhiêu trả bấy nhiêu, rồi bắt người thiếu nợ phải ngồi tù. Các chủ nợ dù muốn hay không cũng đành phải chịu mất hoặc nhiều hoặc ít. Trường hợp thứ hai này là : Nợ à không đòi được à đành bỏ : đây là cách cư xử không theo phép công bình.

Nghĩa là ngay cả trên bình diện cư xử tự nhiên, có nhiều trường hợp không thể xử công bình được. Huống chi trên bình diện đạo đức, siêu nhiên.

Nói cụ thể hơn, thiếu tiền nhau (“nợ” đúng nghĩa) thì còn có thể đòi nhau theo công bình, còn có tội, có lỗi với nhau (“nợ” theo nghĩa rộng hơn) thì khó tính toán công bình với nhau được.

Bài Tin Mừng này đề cập đến thứ “nợ” theo nghĩa rộng, nghĩa là những tội lỗi người ta phạm đối với Chúa và đối với nhau. Đối với loại này, chỉ có cách là tha thứ.

Bài Tin Mừng đưa Thiên Chúa ra làm gương tha thứ trước : Tội lỗi chúng ta phạm đến Chúa là thứ nợ không thể nào trả hết được. Như lời Thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được”. Bởi vậy Thiên Chúa đã tha thứ.

Và bài Tin Mừng khuyến khích ta noi gương Chúa, đồng thời cho biết làm như thế chỉ có lợi cho ta mà thôi.

2. Những dây chuyền phản ứng khác nhau

Con người quen sống theo dây chuyền trả đũa : Mắt đền mắt, răng thế răng, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng, mạng đền mạng… Thứ dây chuyền này sẽ kéo theo hết mắt này đến mắt khác, răng này đến răng khác, mạng này đến mạng khác…

Trong Tin Mừng, có một dây chuyền ngược lại : Xin Cha tha cho chúng con à như chúng con cũng tha cho kẻ mắc nợ chúng con ; Hãy tha à thì sẽ được tha lại ; Hãy cho à thì sẽ được cho lại dư đầy … Thứ dây chuyền này dẫn đến tình nghĩa, tình yêu ngày càng đậm đà, nồng ấm.

Đức Giêsu muốn các môn đệ mình đừng theo dây chuyền thứ nhất, mà hãy theo dây chuyền thứ hai.

3. “Hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù”

Đó là một câu của Ben Sira, người có công sưu tập kho tàng khôn ngoan ngàn đời của nhân loại. Câu này rất chí lý.

Ta hãy ra nghĩa địa mà nhìn : những con người đã một thời ăn thua đủ với nhau nay đều nằm cạnh nhau, bất lực, im lìm… còn làm chi nhau được nữa !

Và nếu ta có thể nhìn lên cao, để thấy lúc những người ấy ra trình diện trước tòa phán xét của Chúa. Người nào người nấy cũng đầy nợ với Chúa nhưng đồng thời vẫn khư khư nắm chặt tờ giấy ghi nợ của người khác đối với mình. Quan toà nói sao ? “Hỡi tên ác độc kia, Ta đã tha hết nợ cho ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi”, rồi quan toà tống giam kẻ ấy vào ngục cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng.

Sau đó ta hãy nhìn lại những nấm mồ ấy, và tự hỏi : Họ đã trả hết đồng xu cuối cùng chưa ?

Bởi thế, Ben Sira khôn ngoan đã khuyên : “Hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù”.

4. Xin lỗi

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến một việc chúng ta cần làm trong mùa Chay, đó là tha thứ. Nhưng tha thứ là một việc song phương, nghĩa là việc không phải của một người mà của cả hai người : người tha và người xin tha. Trong những va chạm thường xuyên của cuộc sống chung, có khi chúng ta là người bị xúc phạm cho nên tư thế của chúng ta là người tha, có khi chính chúng ta là người gây xúc phạm nên tư thế là người phải xin tha.

Tha và xin tha, việc nào khó hơn ? Thiết nghĩ, trong những tập thể khá đạo đức như một giáo xứ chẳng hạn thì tha là việc dễ hơn : mình bị một anh chị em nào đó xúc phạm. Nếu anh chị em đó tới xin lỗi mình thì chắc là mình tha liền. Việc khó hơn chính là việc xin tha. Vậy chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về việc này. Xin bắt đầu bằng một câu chuyện xảy ra ở nước Ba lan :

Trên một chuyến xe lửa chạy về Varsava có 3 thương gia ở chung một toa đang chơi đánh bài. Đến một trạm nọ, thêm một người bước lên nữa. 3 thương gia thấy có thêm người liền rủ người ấy cùng chơi cho đủ 4. Nhưng người khách từ chối khéo. Họ cố mời mãi nhưng người khách vẫn cương quyết từ chối. Thế là họ nổi giận và chửi rủa nặng lời. Người khách cũng làm thinh. Khi tàu đến ga cuối, mọi người đều xuống. 3 thương gia thấy một đám người rất đông cầm hoa đến đón người khách ấy. Họ hỏi một trong những người đó : Ông ta là ai mà được nhiều người hâm mô thế ? Người khách trả lời : Đó là Rabbi Salomon, một Rabbi nổi tiếng khắp nước về lòng nhân từ và đạo đức. Khi ấy 3 thương gia mới hối hận vì những lời chửi rủa của mình. Một người tiến đến Rabbi Salomon ngỏ lời xin lỗi. Nhưng Vị Rabbi quay mặt đi, chẳng chịu tha. Các tín đồ của ông ngạc nhiên quá, hỏi : “Thầy vốn là một người nhân từ và đạo đức. Nhưng sao Thầy không tha cho một kẻ đã biết lỗi và xin lỗi Thầy ?”. Vị Rabbi giải thích : “Kẻ mà anh ta đã chửi không là một hành khách tầm thường. Còn người mà anh ta xin lỗi là Rabbi Salomon. Anh ta đã xin lỗi lầm người rồi”.

Câu chuyện có ý nói rằng : người ta dễ xin lỗi đối với những người có địa vị cao, có quyền lực lớn. Nếu thương gia nọ không biết người mình đã chửi là một nhân vật nổi tiếng thì chắc chắn anh ta không xin lỗi đâu.

Câu chuyện trên cũng dạy chúng ta bài học này là : muốn xin lỗi thì ta phải khiêm tốn, hạ mình :

– Nhiều khi chúng ta không thể mở miệng xin lỗi được đối với những người nhỏ hơn mình. Ta cho rằng chỉ có người nhỏ xin lỗi người lớn chứ không bao giờ ngược lại.

– Nhiều khi chúng ta không mở miệng xin lỗi được vì chúng ta còn tự ái, cho rằng làm như thế là nhục.

– Nhiều khi chúng ta không mở miệng xin lỗi được vì cho rằng như thế là tự nhận rằng mình sai.

Ta tưởng rằng như thế là tự trọng. Nhưng đó là sự tự trọng không đúng chỗ và là biểu hiện của tính xấu kiêu ngạo. Satan chống lại Chúa. Sau đó nó biết lỗi nhưng nó không bao giờ xin lỗi. Giuđa sau khi bán Chúa cũng biết lỗi nhưng cũng không xin lỗi.

Cách đây vài năm, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã ngỏ lời xin lỗi với cả thế giới về những lầm lỗi của Giáo Hội trong quá khứ. Trước khi ĐGH làm việc này, nhiều người trong Giáo Hội đã cản ngăn Ngài vì nghĩ rằng làm như thế là hại đến uy tín của Giáo Hội. Tuy nhiên sau khi ĐGH làm việc đó thì lạ thay, người ta chẳng những không che cười, trái lại còn khen ngợi Ngài ; uy tín của Giáo Hội chẳng những không giảm mà còn tăng thêm.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay bảo chúng ta tha thứ. Nhưng Lời Chúa cũng bảo chúng ta làm một việc khác khó hơn, đó là biết xin lỗi. Muốn thế, chúng ta phải khiêm tốn hạ mình. Chúng ta nên biết rằng hạ mình xin lỗi không phải là nhục nhã, trái lại sẽ sinh nhiều kết quả rất tốt : đối với bản thân, nó làm tăng uy tín của mình, đối với cuộc sống chung, nó hàn gắn những vết thương do những va chạm gây ra và giúp cho cuộc sống chung được ấm êm hạnh phúc hơn.

5. Chuyện minh họa

a/ Tha thứ

Ngày nọ, Đức giám mục John Selwyn thấy một cậu con trai người bản địa cư xử thô bạo với các trẻ khác, ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị giám mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trân. Nhưng vị giám mục không cho họ làm gì. Rồi ngài quay lưng và lặng lẽ bỏ đi.

Nhiều năm sau, một nhà truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được Rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp : “Xin đặt là John Selwyn, vì chính ngài đã dậy cho tôi biết đức Kitô là ai khi tôi đánh ngài.”

b/ Xin tha

Satan phàn nàn với Chúa : “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời.” Chúa nói : “Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa ?”.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Thiên Chúa là Cha nhân từ hay thương xót, lúc nào Ngài cũng sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho những ai thật lòng sám hối ăn năn. Luôn tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.

1- Hội Thánh là một bà mẹ hiền / đầy lòng bao dung đối với lỗi lầm của con cái mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / biết luôn quảng đại tha thứ mọi xúc phạm / mọi đau khổ do kẻ khác gây ra cho mình.

2- Trong cuộc sống thường ngày / người ta vẫn còn có khuynh hướng ăn miếng tả miếng / sẵn sàng chém giết nhau / chỉ vì chưa tha thứ cho nhau như Chúa đã dạy / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho tinh thần tha thứ của Đức Kitô / tác động đến mọi sinh hoạt thường ngày của xã hội.

3- Tha thứ / nhất là tha thứ luôn luôn / trong thực tế là một việc làm con người không thể thực hiện được / nếu không có ơn Chúa trợ giúp / Vậy Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban ơn giúp sức cho hết thảy các kitô hữu / để họ có thể tha thứ được như Chúa đã dạy.

4- Đức Giêsu nói / “Hãy tha thứ để được thứ tha” / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của người khác / hầu xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa.

CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải tha thứ cho nhau, nếu muốn được Chúa tha thứ mọi lỗi lầm. Nhưng lạy Chúa, nói tha thứ thì dễ, còn thực hành tha thứ thì rất khó. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống như Chúa đã dạy. Chúa hằng sống và hiển trị…

VI. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Hôm nay chúng ta hãy hết sức thật lòng khi đọc câu “Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

– Chúc bình an : Qua cử chỉ chúc bình an, chúng ta hãy thật lòng tha thứ cho những kẻ làm mất lòng chúng ta, dù đang có mặt hay vắng mặt trong Nhà thờ này.

VII. GIẢI TÁN

Tuần này, chúng ta hãy cố gắng hòa giải với những người đã bất hòa với mình, và tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình.

https://gpcantho.com/soi-chi-do-chua-nhat-24-tn-nam-a/

 

 

Lectio Divina: Chúa Nhật XXIV Thường Niên (A)

Chủ Nhật 13 Tháng Chín, 2020

Lectio Divina | Lectio Divina Năm A




Mùa Thường Niên

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 18:21:  Câu hỏi của ông Phêrô

Mt 18:22:  Câu trả lời của Chúa Giêsu

Mt 18:23-26:  Phần thứ nhất của bài dụ ngôn

Mt 18:27-30:  Phần thứ hai của bài dụ ngôn

Mt 18:31-35:  Phần thứ ba của bài dụ ngôn  

b)  Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:

Trong Tin Mừng của Chúa Nhật XXIV thường niên, Chúa Giêsu nói với chúng ta về sự cần thiết phải tha thứ cho anh chị em của chúng ta.  Tha thứ không phải là dễ dàng.  Có một số hành vi phạm tội và xúc phạm làm tổn thương chúng ta.  Một số người nói:  “Tôi tha thứ, nhưng tôi không quên.”  Tôi không thể quên!  Lòng oán giận, những xích mích, bất đồng ý kiến, những hành động khiêu khích làm cho khó có thể mà tha thứ và hòa giải.  Tại sao tha thứ lại khó đến thế?  Tôi đã có tạo ra một khoảng cách trong gia đình tôi, cộng đoàn tôi, nơi sở tôi làm và các mối quan hệ của tôi cho sự hòa giải và tha thứ không?  Cách nào?  Chúng ta hãy suy niệm về phần thứ ba của “Bài Giảng Giáo Hội” (Mt 18:21-35), nơi Mátthêu gom góp lại những câu nói và dụ ngôn của Chúa Giêsu về việc tha thứ không giới hạn.  Khi đọc, bạn hãy nghĩ về mình và cố gắng nhìn lại cuộc sống của bạn.

c)  Phúc Âm:  

21 Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng:  “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần?  Có phải đến bảy lần không?”  22 Chúa Giêsu đáp:  “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.  23 Về vấn đề này thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ.  24 Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc.  25 Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ.  26 Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng:  ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả.’  27 Người chủ động lòng thương trả tự do và tha nợ cho y.  28 Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc.  Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng:  ‘Hãy trả nợ cho ta.’  29 Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng:  ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh.’  30 Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục.  Cho đến khi trả nợ xong.  31 Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu chuyện.  32 Bấy giờ, chủ đòi y đến và bảo rằng:  ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; 33 còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?’  34 Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.  35 Vậy Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết long tha thứ cho anh em mình.” 

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào của bài dụ ngôn đánh động bạn nhất?  Tại sao? 

b)  Chúa Giêsu cho chúng ta những lời khuyên nào để giúp chúng ta hòa giải và tha thứ?            

c)  Nhìn vào tấm gương trong dụ ngôn, tôi thấy tôi giống nhân vật nào nhất:  ông vua muốn tính sổ với các đầy tớ hay là người đầy tớ được tha nợ mà không muốn tha nợ cho bạn mình? 

d)  Nhìn vào tình trạng hiện tại của gia đình, của cộng đoàn, của giáo hội, của xã hội và của thế giới chúng ta, trong đó có còn chỗ dành cho sự tha thứ và hòa giải để việc hòa giải triển nở giữa chúng ta không?  Chúng ta cần phải bắt đầu ở đâu để việc hòa giải lan rộng giữa chúng ta?

5.  Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.

a)  Bối cảnh đoạn Phúc Âm của chúng ta trong Tin Mừng Mátthêu:

–  Sự so sánh mà Chúa Giêsu dùng để cho thấy nhiệm vụ tha thứ và hòa giải mang bài dụ ngôn và ngụ ngôn lại với nhau.  Khi Đức Giêsu nói về ông vua muốn tính sổ với các đầy tớ, Người đang nghĩ về Thiên Chúa là Đấng tha thứ tất cả.  Khi Người nói về món nợ của người đầy tớ được ông vua tha cho, Người đang nghĩ về món nợ khổng lồ của chúng ta với Thiên Chúa là Đấng luôn tha nợ chúng ta.  Khi Người nói về thái độ của tên đầy tớ được tha nợ mà không tha nợ cho kẻ khác, Người đang nghĩ về chúng ta, được tha nợ bởi Thiên Chúa, nhưng sẽ không tha thứ cho anh chị em chúng ta.

–  Vào cuối thế kỷ thứ nhất, những người Kitô hữu Do Thái của các cộng đoàn Syria và Palestine đã có những vấn đề nghiêm trọng và sâu xa về việc hòa giải với anh chị em cùng chủng tộc.  Vào lúc thảm họa to lớn là đền thờ Giêrusalem bị phá hủy bởi người La-mã vào thập niên 70, cả Hội Đường Do Thái và Giáo Hội đã cố gắng tổ chức lại nội bộ trong vùng Syria và Palestine.  Đó là lý do tại sao có sự căng thẳng trầm trọng và ngày càng gia tăng giữa họ là cội rễ của nhiều đau khổ trong các gia đình.  Sự căng thẳng này là bối cảnh cho Tin Mừng Mátthêu.

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 

Mt 18:21:  Câu hỏi của Phêrô:  Phải tha thứ bao nhiêu lần?

Nghe Chúa Giêsu nói về việc hòa giải, Phêrô đã hỏi:  “Con phải tha thứ mấy lần?  Có phải là đến bảy lần không?”  Số bảy là con số tượng trưng sự hoàn hảo và, trong trường hợp về lời đề nghị của Phêrô, số bảy đồng nghĩa với luôn luôn.

Mt 18:22:  Câu trả lời của Chúa Giêsu:  Bảy mươi lần bảy!

Chúa Giêsu nhìn xa hơn.   Người loại bỏ bất kỳ những ngăn trở của sự tha thứ:  “Không phải đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy!”  Bởi vì không có so sánh tương ứng giữa sự tha thứ chúng ta nhận lãnh từ Thiên Chúa và sự tha thứ của chúng ta dành cho anh chị em.  Vì vậy, để câu trả lời của Người cho Phêrô được rõ ràng, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn.  Đó là dụ ngôn về sự tha thứ vô hạn!      

Mt 18:23-26:  Phần thứ nhất của bài dụ ngôn:  Tình cảnh của người thiếu nợ

Khi nói về Nhà Vua, Chúa Giêsu đang nghĩ về Thiên Chúa.  Người đầy tớ mắc nợ nhà vua mười ngàn nén bạc.  Đó là 164 tấn vàng.  Người đầy tớ nói rằng anh ta sẽ trả.  Nhưng dù cho chính anh, vợ anh, con cháu anh và toàn thể gia đình anh, có làm cả đời cũng chưa chắc có thể kiếm được 164 tấn vàng để trả lại cho nhà vua.  Nói cách khác, chúng ta sẽ không bao giờ có thể hoàn trả được món nợ của chúng ta với Thiên Chúa.  Không thể nào!  (Xem Tv 49:8-9).

Mt 18:27-30:  Phần thứ hai của bài dụ ngôn:  Sự tương phản lớn lao

Nghe lời nài van của người đầy tớ, nhà vua tha nợ cho y khỏi phải trả 164 tấn vàng.  Một người bạn y nợ y một trăm đồng bạc, tương đương với 30 gram vàng.  Không có sự cân xứng giữa hai món nợ!  Một đàng là hạt cát và một đàng là ngọn núi!  Trước tình yêu của Thiên Chúa đã tha trắng món nợ 164 tấn vàng của chúng ta, vì lẽ công bằng chúng ta nên tha cho kẻ thiếu chúng ta 30 gram vàng.  Nhưng người đầy tớ được tha nợ đã không tha thứ, bất chấp lời van lơn của con nợ.  Y cư xử với người bạn của y theo cách mà đáng lẽ nhà vua đã nên cư xử với y nhưng vua đã không làm:  tống giam người bạn vào ngục cho đến khi trả xong món nợ 30 gram vàng!  Sự tương phản tự nó đã nói lên điều ấy và không cần lời bình luận!

Mt 18:31-35:  Phần thứ ba của bài dụ ngôn:  bài học luận lý của câu chuyện

Thái độ đáng xấu hổ của người đầy tớ được tha nợ mà không tha cho kẻ khác, đánh ngay cả bạn mình.  Các bạn y đi thuật lại với nhà vua và nhà vua hành động đích đáng:  ông đã ra tay hành xử công lý và người đầy tớ độc ác kia bị tống vào trong ngục, nơi y sẽ phải ở đó cho đến khi trả hết nợ!  Có lẽ y còn ở đó cho đến ngày hôm nay.  Bởi vì y sẽ không bao giờ có thể trả hết món nợ 164 tấn vàng!  Bài học luân lý của dụ ngôn:  “Đây là cách Cha Thầy cũng sẽ đối xử với các con như vậy, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh chị em mình! (Mt 18:34; 6:12; Lc 23:24).   

c)  Đào sâu hơn:  Sự tha thứ sau ngày 11 tháng 9, 2001!

Vào ngày 11 tháng 9, 2001, một nhóm những kẻ khủng bố đã lái hai chiếc phi cơ đâm vào tòa tháp đôi Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới của thành phố Nữu Ước và giết chết hơn ba ngàn người trong khi hô to “Thánh Chiến!”  Tiếng đáp trả ngay lập tức đã là:  “Thập Tự Chinh”.  Cả hai phía đều nhân danh Thiên Chúa để hợp thức hóa cách hành động bạo lực.  Không ai nhớ lại câu nói:  “Bảy mươi lần bảy!”  Và một trong hai phía tự nhận mình là Kitô hữu!

Khi cuộc chiến ở Iraq bùng nổ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lên tiếng tại một buổi triều yết công khai:  “Chiến tranh thì thuộc về sự dữ!” và mời gọi tất cả mọi người cùng tranh đấu cho hòa bình.  Tại một cuộc họp đại kết với các đại diện Do Thái và Hồi Giáo tại Giêrusalem vào năm 2000, Đức Giáo Hoàng nói:  “Chúng ta không thể nhân danh Thiên Chúa để hợp thức hóa bạo lực!”     

Câu cuối cùng của Cựu Ước mà qua đó dân Chúa được bước vào Tân Ước và bày tỏ trọng tâm của niềm hy vọng thiên sai về sự hòa giải, là lời tiên tri của ngôn sứ Malakhi:  “Này, Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng.  Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt” (Mal 3:23).  Để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tâm hồn con cháu trở lại với cha ông của chúng, có nghĩa là xây dựng lại mối quan hệ giữa con người với nhau.  Hòa bình sẽ không thể có trong tương lai trừ phi chúng ta thực hiện nỗ lực xây dựng lại mối quan hệ con người trong một nhóm nhỏ, đó là trong gia đình và trong cộng đoàn.  Cộng đoàn là nơi các gia đình gặp gỡ để bảo tồn và tiếp tục các giá trị mà họ gìn giữ.    

Sự lãnh đạm hiện diện trong thế giới với gia đình đầu tiên:  Cain là người giết Abel (St 4:8).  Sự lãnh đạm này đã phát tác với sự trả đũa gấp đôi.  Cain sẽ được báo thù gấp bảy lần, nhưng La-méc thì bảy mươi lần bảy (St 4:24).  Phêrô muốn xóa bỏ lỗi lầm và đề nghị một sự hòa giải bảy lần (Mt 18:21).  Tuy nhiên điều đề nghị của ông vẫn còn kém.   Nó không đi vào tận cội rễ của bạo lực.  Chúa Giêsu muốn tiến thật xa hơn và đòi hỏi bảy mươi lần bảy (Mt 18:22).  Cho đến ngày nay, và đặc biệt là hôm nay, việc hòa giải là nhiệm vụ cấp bách nhất cho chúng ta, những người đi theo Đức Giêsu.  Rất đáng ghi nhớ lời cảnh báo của Chúa Giêsu:  “Vậy Cha Thầy sẽ đối xử với các con đúng như thế, nếu các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình!”  Bảy mươi lần bảy!   

6.  Cầu Nguyện:  Thánh Vịnh 62 

Thiên Chúa là hy vọng duy nhất của chúng ta

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Tới bao giờ các ngươi còn xúm lại
để xông vào quật ngã một người?
Hắn đã như bức tường xiêu đổ,
như hàng rào đến lúc ngả nghiêng.
Con người ấy, chúng chỉ mưu hạ bệ,
chúng thoả lòng vì đã nói dối nói gian.
Miệng thì chúc phúc cầu an,
mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn!
Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,
duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.
Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,
Người là núi đá vững vàng,
ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân.

Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi,
trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu.
Kẻ thường dân âu chỉ là hơi thở,
người quyền quý đều ví tựa ảo huyền,
đứng cả lên cân cũng chẳng tày mây khói.
Đừng tin tưởng ở trò áp bức nữa,
chớ hoài công cậy ngón bóc lột người!
Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở,
lòng chẳng nên gắn bó làm chi.
Lạy Thiên Chúa, một lần Ngài phán dạy,
con nghe được hai điều,
rằng: Ngài nắm quyền uy
và giàu lòng nhân hậu;
rằng: Ngài theo tội phúc mà thưởng phạt mỗi người.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

https://dongcatminh.org/event/lectio-divina-chua-nhat-xxiv-thuong-nien-a/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét