Trang

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

17-09-2020 : THỨ NĂM - TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

 

17/09/2020

 Thứ Năm tuần 24 thường niên


 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 1-11

"Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không, anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non.

Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các đấng: song không phải tôi, mà là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 28

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm (c. 1a).

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.

2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. - Ðáp.

3) Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. - Ðáp.

  

Alleluia: Tv 118, 135

Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 7, 36-50

"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!" Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".

"Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng".

Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".

Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".

Ðó là lời Chúa.

 


Suy Niệm: Lòng Sám Hối

Tin Mừng hôm nay ghi lại một phiên tòa; phiên tòa này không có luật sư biện hộ, không có bản án được đọc lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn.

Có được bình an trong tâm hồn là điều quí giá nhất Chúa Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên của Ngài khi bắt đầu sứ vụ công khai là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Ngài đến là để khơi dậy lòng sám hối của con người; Ngài đến là để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa. Cái chết của Ngài trên Thập giá không phải là cái chết của nhà cách mạng hay chính trị gia, mà thiết yếu là để đền bù tội lỗi con người.

Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bà đã thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình. Chúa Giêsu đã nói lên ý nghĩa hành động của người phụ nữ này như sau: "Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều". Càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.

Lịch sử Giáo Hội được tô điểm bằng lòng sám hối thể hiện qua tình mến. Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào cũng đều bắt đầu bằng lòng sám hối, nghĩa là ý thức sâu xa về tội lỗi của mình. Nhưng sám hối không chỉ là ý thức về tội lỗi của mình. Có lẽ không ai ý thức được hành động phản bội của mình cho bằng Yuđa, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám hối. Phêrô cũng đã chối Thầy, nhưng nơi ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở ý thức tội lỗi, nhưng đã biến thành tình yêu thương; Phêrô đã nói lên lòng sám hối bằng ba lần thưa với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa".

Người ta thường nói đến cuộc khủng hoảng về đức tin. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Thái độ khoan nhượng của con người chỉ xuất phát từ ý thức về nỗi bất toàn và sự tha thứ mà mình cảm nhận được. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu thương.

Nguyện xin Chúa nung nấu tâm tình sám hối đích thực nơi chúng ta và ban cho chúng ta niềm an bình nội tâm, để chúng ta cũng biết chia sẻ niềm an bình ấy với mọi người bằng cảm thông, tha thứ, và những thể hiện của bác ái.

Veritas Asia

 


LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Thứ Năm Tuần 24 TN2

Bài đọc: I Cor 15:1-11; Lk 7:36-50.

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết điều chính yếu và điều phụ thuộc.

 

Con người dễ lẫn lộn giữa những cái chính yếu và cái phụ thuộc. Bổn phận của người rao giảng là phải nhận ra đâu là điều chính và đâu là điều phụ trước khi loan truyền cho người nghe. Trong Bài đọc I, thánh Phaolô chỉ cho các tín hữu của ngài về sự quan trọng và những điều chính yếu của Tin Mừng. Bài Phúc Âm tường thuật hai cách đón tiếp Chúa Giêsu của Simon, người Pharisee, và của người đàn bà tội lỗi.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Thánh Phaolô muốn tổng kết tất cả những gì ngài muốn viết cho các tín hữu Côrintô sau khi đã giảng dạy chi tiết từng vấn đề. Trọng tâm của những gì ngài rao giảng là Tin Mừng đã được truyền lại cho ngài từ chính Chúa và ngài truyền lại cho họ.

 

1.1/ Sự quan trọng và cần thiết của Tin Mừng:

(1) Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận: Không ai tự phát minh ra Tin Mừng, nhưng tất cả đều lãnh nhận Tin Mừng. Và cũng không ai được tự động loan báo nếu không được ủy thác để rao giảng Tin Mừng.

(2) Trong Tin Mừng đó anh em đang đứng vững: Điều lợi ích đầu tiên của Tin Mừng là giúp người nghe được đứng vững trên hai chân. Sống trong thế gian với bao nhiêu những học thuyết khác nhau làm con người hoang mang không biết đâu là đạo lý thật, Tin Mừng giúp các tín hữu nhận ra đâu là Sự Thật phải theo.

(3) Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát: Đức tin phải đi đôi với hành động. Thánh Phaolô nhấn mạnh tới việc thực hành đức tin để được ơn cứu độ: “Nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.”

 

1.2/ Trọng tâm của Tin Mừng: Thánh Phaolô liệt kê 3 điều chính yếu của Tin Mừng đòi hỏi các tín hữu phải tin:

(1) Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh.

(2) Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.

(3) Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.

 

1.3/ Vai trò của người rao giảng: Dẫu mỗi người giữ một vai trò khác nhau nhưng tất cả đều rao giảng cùng một Tin Mừng.

- Vai trò của Phaolô: Ngài thú nhận rõ ràng trên đây ngài không phải là một trong Nhóm Mười Hai, nhưng cũng là Tông Đồ Dân Ngọai vì được sai đi bởi chính Chúa. Ngài cũng thú nhận luôn quá khứ không tốt đẹp của Ngài và làm nổi bật ơn Chúa tác động trên ngài: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.”

- Vai trò của các vị khác: Phaolô tôn trọng vai trò của Phêrô trong việc điều khiển Giáo Hội và cùng với các Tông Đồ khác rao giảng Tin Mừng cho người Do-Thái. Mỗi người một công việc khác nhau nhưng cùng góp phần trong việc rao giảng một Tin Mừng. Ngài kết luận: “Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.”

 

2/ Phúc Âm: Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều, ai được tha ít thì yêu mến ít.

 

Chúng ta thử nhìn sơ qua thái độ của 3 nhân vật chính trong Phúc Âm hôm nay. Trước tiên là của ông Simon. Việc ông mời Chúa đến nhà dùng bữa là hiếm có vì ông là người Pharisee, những người mà thường hay chỉ trích Chúa về cách cư xử của Ngài. Phúc Âm không cho biết lý do tại sao ông mời Chúa đến nhà; nhưng chắc ông ngạc nhiên về sự hiện diện của người phụ nữ nơi bàn tiệc. Thứ đến, là người phụ nữ can đảm. Bà biết cuộc đời tội lỗi của Bà, Bà cũng biết những người trong thành biết Bà là ai, Bà phải biết Chúa Giêsu là ai để có thể can đảm bày tỏ lòng ăn năn thống hối của mình mà không sợ bị từ chối đuổi đi. Sau cùng là của Chúa Giêsu. Ngài để cho người phụ nữ làm tất cả những điều đó dưới cái nhìn soi mói của tất cả khách dự tiệc và thẳng thắn bênh vực người phụ nữ.

 

Dưới cái nhìn của chủ nhà, Chúa Giêsu đã trở nên ô uế vì đã để cho người phụ nữ tội lỗi chạm vào. Ông cũng tự hỏi về uy quyền của Chúa: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!" Chúa thấu suốt tâm hồn ông và Ngài hết sức tế nhị đưa ra một ví dụ về hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Người đọc dễ dàng nhận ra Chúa đang nhắc khéo cả ông Simon và người phụ nữ đều là những tội nhân trước mặt Chúa, và cả hai đều cần đến tình thương tha thứ của Chúa. Tội của người phụ nữ đã rõ ràng, tội của ông Simon là tội kiêu ngạo, tự cho mình là công chính và có quyền xét đóan người khác. Câu hỏi của Chúa cho ông Simon cho thấy Ngài muốn nhấn mạnh đến tình yêu chứ không đến tội lỗi của người được tha: Ai được tha nhiều thì sẽ yêu mến nhiều hơn.

 

Chúa Giêsu so sánh cách đón tiếp của ông Simon và của người phụ nữ: Chúa là thượng khách của ông Simon, thế mà cách đón tiếp của ông đã chứng minh ông đã không đón tiếp Chúa như một thượng khách. Trong khi người phụ nữ chỉ là người qua đường mà đã dành cho Chúa một cách đón tiếp chưa từng thấy trong lịch sử con người: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít." Và để thưởng công cho hành động can đảm đầy yêu thương của người phụ nữ, Đức Giêsu trấn an chị: "Tội của chị đã được tha rồi. Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

- Nếu chúng ta không nắm vững những điều chính yếu, chúng ta sẽ dễ dàng bị hoang mang trước bao nhiêu học thuyết của người đời. Để có thể thắng vượt những hoang mang, hiểu biết Tin Mừng là điều không thể thiếu để chúng ta có thể đứng vững trên hai chân. Người rao giảng có thể có những cách giảng khác nhau, nhưng phải rao giảng cùng một Tin Mừng.

- Khi mời Chúa vào nhà, chúng ta phải chuẩn bị để đón tiếp Chúa cách xứng đáng. Một trong những chuẩn bị đầu tiên là thái độ khiêm nhường nhận ra mình hèn hạ trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Cách bất xứng để đón Chúa là thái độ kiêu hãnh và xét đóan người khác như ông Simon hôm nay.

Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

 

17/09/20 THỨ NĂM TUẦN 25 TN
Th. Rô-be-tô Ben-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT                
Lc 7,36-50

 


NHỮNG ĐIỀU NHÌN MÀ KHÔNG THẤY

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Chúa Giê-su nói với ông Si-mon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?… (Lc 7,44)

 

Suy niệm: Có lắm khi giữa một đám đông, bạn có ý tìm một người, người đó đứng ngay trước mắt bạn, thế mà lạ thay bạn lại không nhìn thấy. Phần ông Si-mon, ông thấy rõ người phụ nữ đứng đàng sau Chúa Giê-su lắm chứ. Và chắc chắn ông cũng thấy rõ bà ấy lấy tóc mà lau đôi chân Ngài ướt đẫm nước mắt của bà, rồi ông thấy bà đã lấy dầu thơm xức chân Chúa như thế nào. Và hơn nữa, ông còn biết rõ lý lịch không tốt đẹp gì của bà ta: “một người tội lỗi”. Thế nhưng, ông nhìn mà không thấy được tấm lòng của người phụ nữ ấy, “một tấm lòng tan nát khiêm cung” vì sám hối, một tấm lòng yêu mến thiết tha vì đã “được tha thứ nhiều.”

Mời Bạn: May thay cho chúng ta là Chúa không phân loại xếp hạng ta theo lý lịch, quá trình bản thân hay bảng liệt kê thành tích của ta. Ngài cũng không đóng khung ta trong cái quá khứ tội lỗi của ta. Ngài nhìn thấu suốt tận đáy lòng và Ngài phán xét dựa trên thái độ hiện tại của ta. Vì thế, điều Ngài mong thấy được nơi ta là một tâm hồn biết ăn năn sám hối và yêu mến Chúa nồng nàn.

Chia sẻ: Được Chúa nhìn với cặp mắt cảm thông như thế, chúng ta cũng phải nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa.

Sống Lời Chúa: Tập nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa để có thể cảm nhận được những nỗi niềm của anh em để mà cảm thông chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cất khỏi con những cái nhìn đầy thành kiến về anh em con. Những xin cho con biết nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa, để con nhận ra Chúa và yêu Chúa đang hiện diện trong họ. Amen.

(5 phút Lời Chúa)

 

SUY NIỆM : Chị hãy đi bình an



Suy niệm :

Chỉ Luca mới nói đến chuyện các người Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa.

Họ mời Đức Giêsu dự tiệc ba lần (7, 36; 11, 37; 14, 1).

Họ còn báo cho ngài biết về việc Hêrôđê toan ám hại ngài (13, 31).

Xem ra không phải mọi người Pharisêu đều có ác cảm với Đức Giêsu.

Hôm nay Đức Giêsu là khách mời của ông Simon.

Ngài chẳng ngại đáp lại lời mời của một người thuộc phái Pharisêu,

cũng như ngài đã chẳng sợ làm bạn với người thu thuế và tội lỗi (Lc 7, 34).

Khi ăn tiệc lớn ở xứ Palestine thời đó,

các vị khách thường ngả người nằm trên những chiếc ghế dài, có gối,

chân đưa ra ngoài, tay trái dùng để tựa, còn tay phải để lấy thức ăn.

Khi nhà có đại tiệc, người ngoài được tự do ra vào.

Bất ngờ có một phụ nữ mạnh dạn bước vào phòng tiệc.

Người ta nhận ra chị là một người tội lỗi sống trong thành phố,

nhưng không chắc chị có phải là một cô gái điếm không.

Chị cố ý đến đây vì biết Đức Giêsu đang có mặt trong bữa tiệc.

Đây là người mà chị đã từng gặp và đã nhận được ơn tha thứ.

Chị đã chuẩn bị khá kỹ và biết rất rõ việc mình sắp làm cho Ngài.

Chị đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm (c. 37).

Đứng ở gần chân Đức Giêsu, chị bật khóc nức nở.

Nước mắt chị làm ướt chân Ngài.

Những giọt nước mắt ăn năn vì tội lỗi quá khứ,

hay vui sướng vì biết mình đã đựoc thứ tha ?

Sau đó chị cởi khăn choàng đầu và xõa tóc để lau khô chân Đức Giêsu.

Cuối cùng, chị còn hôn lên chân và xức dầu thơm nữa.

Nói chung, những cử chỉ táo bạo của chị thật hết sức chướng mắt

đối với những người dự tiệc trong xã hội thời đó (và bây giờ cũng vậy !).

Xõa tóc trước công chúng là điều phụ nữ Do Thái không được phép làm,

vuốt ve và hôn chân một người đàn ông hẳn là những cử chỉ khêu gợi.

Hơn nữa, chị lại là một người tội lỗi có tiếng trong thành.

Một con người nhơ uế như chị khi đụng chạm sẽ làm người khác nhơ uế.

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông Simon nghĩ thầm:

“Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn ông phải biết

người phụ nữ đang đụng vào mình là ai, vì chị ta là một người tội lỗi.”

Đức Giêsu có biết không? Nếu không, thì Ngài không phải là ngôn sứ.

Nhưng nếu Ngài biết, mà ngài lại cứ để chị làm như vậy,

thì còn gì là danh dự của ông Simon và của chính Ngài nữa!

Đức Giêsu biết chị là ai, biết cả điều Simon thầm nghĩ (x. 5, 21-22; 6, 7-8).

Ngài không phản ứng gì vì ngài hiểu ý nghĩa điều chị làm.

Đó không phải là cử chỉ khêu gợi của một cô gái làng chơi,

nhưng là những hành vi diễn tả lòng biết ơn của người được tha thứ.

Đức Giêsu hiểu những giọt nước mắt của chị, vừa hối hận, vừa hạnh phúc.    

Ngài hiểu cả những cử chỉ có vẻ quyến rũ của chị trên đôi chân mình:

rửa chân bằng nước mắt, lau chân bằng tóc, hôn chân và xức dầu thơm.

Ngài đọc thấy trong đó lòng trân trọng và biết ơn.

Đó là sự trào dâng không thể cưỡng lại được của tâm tình yêu mến.

Tuyệt đối không có chút nhơ uế nào nơi những cử chỉ ấy.

Và Đức Giêsu đã đón nhận tất cả với trái tim thanh khiết của mình.

Để soi sáng cho ông Simon hiểu về hành động của người phụ nữ,

Đức Giêsu kể cho ông nghe một dụ ngôn kèm theo một câu hỏi (cc. 41-42)

Hai người cùng mắc nợ, một người 500 quan tiền, một người 50.

cả hai cùng được chủ nợ tha vì họ không có gì để trả.

“Vậy trong hai người đó, ai sẽ yêu mến chủ nợ hơn ?”

Câu hỏi chẳng có gì khó đối với Simon và ông đã trả lời đúng.

Ta nên lưu ý: yêu mến ở đây có nghĩa là biết ơn.

Tự nhiên người được tha nhiều thì sẽ biết ơn nhiều, kẻ được tha ít sẽ biết ơn ít.

Dụ ngôn đơn giản của Đức Giêsu được áp dụng vào thực tế.

Rõ ràng là chị phụ nữ đã yêu mến Đức Giêsu hơn ông Simon.

Đức Giêsu làm một so sánh giữa cách tiếp đón của hai người (cc.44-46).

Simon đã chẳng cho Ngài nước để rửa chân, chẳng hôn, chẳng xức dầu trên đầu.

Dĩ nhiên đó chẳng phải là những đòi hỏi bắt buộc khi tiếp khách,

nhưng dù sao cách tiếp khách của Simon cũng nhạt nhẽo hơn so với chị kia.

Câu 47 là một câu quan trọng để hiểu đúng ý của đoạn Tin Mừng này.

Câu này trước đây thường được dịch như sau:

“Tội của chị ấy tuy nhiều, nhưng đã được tha, vì (hoti) chị đã yêu mến nhiều.

Còn ai được tha ít thì yêu mến ít,”

Dịch như thế dễ gây hiểu lầm rằng vì yêu nhiều nên chị được tha nhiều.

Thật ra phải hiểu ngược lại mới đúng.

Chính vì chị được tha nhiều nên chị mới yêu mến biết ơn nhiều.

Lòng yêu mến là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân của sự tha thứ.

Lòng biết ơn đến sau khi nhận ơn.

Hiểu như thế sẽ hợp với ý nghĩa của dụ ngôn (cc. 41-42),

và hợp với vế sau của câu 47: còn ai được tha ít thì yêu mến ít.

Chẳng rõ ông Simon có nhận ra mình là ai chưa.

Ông đúng là người yêu ít hơn chị phụ nữ tội lỗi kia,

vì ông được tha ít hơn, vì ông có ít tội hơn !!!

Nhưng có thật ông ít tội hơn người phụ nữ tội lỗi này không?

Hay vì tự hào mà ông không thấy cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa?

Tự hào về đạo đức vẫn là một vật cản khiến người ta khép lại và vô ơn.

Người phụ nữ tội lỗi là người yêu hơn (c. 42) và yêu nhiều (c. 47).

Tội quá khứ, khi được tha, lại tạo nên một hứng khởi mới để người ta yêu hơn.

Những vấp ngã khi được chữa lành lại trở nên một khởi đầu cho cuộc sống mới,

can đảm hơn, quảng đại hơn và nồng cháy hơn.

Cuối cùng, Đức Giêsu đã quay lại nói chuyện với người phụ nữ.

Ngài khẳng định lại ơn mà chị đã lãnh nhận trước khi chị bước vào phòng tiệc:

“Tội của chị đã được tha rồi”, Ngài nhắc cho mọi người biết chuyện đó.

Như thế Đức Giêsu không phải chỉ là một ngôn sứ như Simon nghĩ.

Ngài còn lớn hơn một ngôn sứ nữa khi dám tha tội cho chị.

Cuối cùng, Đức Giêsu lại ca ngợi lòng tin của chị.

Lòng tin thắm đượm tình yêu, hay tình yêu thắm đượm lòng tin.

Cả hai quyện vào nhau giúp chị đón lấy ơn cứu độ, ơn bình an:

“Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (c. 50).

Chúng ta có thể học được nhiều điều nơi người phụ nữ:

lòng tin mãnh liệt vào sự tha thứ, lòng mến táo bạo của sự biết ơn,

Chúng ta cũng cảm nghiệm được sức mạnh của ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Sức mạnh ấy có thể làm mới lại cuộc đời một phụ nữ hư hỏng,

và dạy chị biết yêu như yêu lần đầu.

Chẳng rõ ông Simon có học được điều gì từ biến cố này không?

 

Cầu nguyện :

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện :

Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi

mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên

để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang

để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường

để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,

hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai

để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề

để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. (R. Tagore)

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9

17 THÁNG CHÍN

Thánh Thần, Đấng Dẫn Dắt Chúng Ta

Hội Thánh, được sinh ra từ Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, vẫn không ngừng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. “Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho anh em mọi sự và làm cho anh em nhớ lại tất cả mọi điều [Thầy] đã nói với anh em” (Ga 14,26).

Hội Thánh trên trần gian vẫn không ngừng được dẫn dắt bởi Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh để đào sâu chính chân lý mà Hội Thánh đã nhận lãnh trực tiếp từ môi miệng của Thầy. Trải qua bao thế kỷ, Hội Thánh đã thấu hiểu hơn chân lý ấy nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó là con đừơng giúp Hội Thánh ngày càng nhận hiểu Đức Kitô nhiều hơn. Sự hiểu biết có sức cứu độ này đã thật sự được sở đắc bởi Hội Thánh khải hoàn, là “Giêrusalem trên trời” (Gl 4,26). Chúa Thánh Thần khích lệ Hội Thánh tại thế bằng viễn cảnh huy hoàng của Hội Thánh vinh quang.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

 

 

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 18-9

1Cr 15, 1-11; Lc 7, 36-50.



LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Chúa Giêsu đang dùng bữa tiệc tại nhà ông Simon, có một người phụ nữ mang tiếng là tội lỗi trong thành đến lấy dầu thơm mà rửa chân cho Chúa Giêsu mà còn xõa tóc mình mà lau chân cho Chúa. Cả câu chuyện cho chúng ta thấy sự trái ngược giữ hai thái độ và hai lòng trí: Đối với ông Simon, ông đang là người thuộc nhóm biệt phái, ông ta tự cho mình là người công chính và tin tưởng mình là người tốt trước mặt Thiên Chúa và người đời. Nên đã không nhận được ơn tha thứ. Còn người phụ nữ nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Thiên Chúa cùng với đồng loại, người phụ nữ này cần đến tình yêu thương và sự tha thứ, khi nhận biết Chúa Giêsu là Đấng yêu thương, có quyền tha thứ tội lỗi và chữa lành cho con người. Nàng đã đến với Ngài, bất chấp những cặp mắt xoi bói và kết án; Nàng đã nhận được ơn tha thứ và chữa lành trong tình thương của Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và Ngài trông chờ con người tìm đến tình yêu.

Mạnh Phương

 

Gương Thánh Nhân

NGÀY 17-09 THÁNH RÔBERTÔ BELLARMINÔ (1452 - 1621)



Thánh Rôbertô Bellarminô sinh ngày 4 tháng 10 năm 1452 tại Montepulcianô. Cha Ngài là Vinconzo Bellarminô. Mẹ Ngài là Cynthia Cervini. Em Đức giáo hoàng Marcellô II. Ngay khi còn là một học sinh tại trường các cha dòng Tên. Ngài đã tỏ ra thông minh đặc biệt. Cha Ngài đã định cho Ngài theo học y khoa. Dầu vậy năm 1560, Ngài xin gia nhập dòng Tên và đã được cha mẹ ưng thuận.

Theo học triết tại Roma, Ngài đã tỏ ra là một học sinh nổi bật. Từ Roma Ngài đã được gởi đi dạy học trong các trường của dòng Tên trong 4 năm tại Florence và Modevi. Lúc này Ngài đã thông thạo tiếng Hy lạp và được chỉ định dạy cho các bạn cùng lớp. Dầu chưa làm linh mục, Ngài thường được mời đi giảng và được coi như là nhà giảng thuyết từ bẩm sinh. Ngài học thần học trước hết ở Padua, rồi sau ở Louvain và thụ phong linh mục tại đây năm 1570. Các bài giảng của Ngài tại Louvain mang lại thành công đăc biệt. Anh em Tin Lành tại Anh cũng tìm đến nghe Ngài và nhiều người đã trở lại. Với dáng nhỏ bé, Ngài thường đứng trên ghế đẩu từ bục giảng.

Là giáo sư thần học tại Louvain, Ngài rất mộ mến các tác phẩn của thánh Tôma. Trong các bài diễn thuyết, Ngài đã chống lại một cách hữu hiệu nhưng đầy tình thương với các giáo thuyết khơi nguồn cho thuyết Giansenisme sau này. Thánh Robertô cũng thúc đẩy các sinh viên học tiếng Do thái và đã soạn cho họ một cuốn văn phạm ngắn gọn. Ngài đọc nhiều về các giáo phụ và các văn sĩ khác trong Giáo hội, một nỗ lực còn ghi lại trong tác phẩm "về các văn sĩ trong Giáo hội" (xb năm 1623).

Sau thời kỳ ở Louvain, Ngài được trao phó thi hành một công việc khó khăn là làm giáo sư phụ trách các cuộc tranh luận tại Roma. Các cha dòng Tên đã tổ chức việc diễn giảng này nhằm trả lời bằng ngôn ngữ thời đại đối với các cuộc tấn công của anh em tin lành. Suốt 11 năm, thánh Robertô đã nỗ lực cho công cuộc này với sự thành công rực rỡ. Nhiều sinh viên của Ngài đã trở thành thừa sai tại Anh và tại Đức. Một số người đã đổ máu vì đức tin tại Anh.

Các bài diễn thuyết của Ngài được xuất bản lần đầu tại Ingolstudt, từ năm 1586 - 1593 dưới tựa đề "các cuộc tranh luận về đức tin công giáo chống lại các người theo lạc giáo thời nay". Có 20 ấn bản khi Ngài còn sống và nhiều ấn bản sau này nữa. Đây là một công trình bảo vệ đức tin đầy đủ nhất của Giáo hội có được và suốt ba thế kỷ liền nó là áo giáp cho các nhà giảng thuyết và các văn sĩ.

Những trách vụ khác thánh Robertô đảm nhận thời kỳ này là tu chính tác phẩm chú giải của Salmeron, một bạn dòng, làm việc trong ủy ban tu chính nghi thức phụng vụ Roma và bản kinh thánh phổ thông. Ngài cũng góp phần lớn cho Đức Sixtô V trong việc ấn hành các tác phẩm của thánh Ambrosiô.

Với vai trò thần học gia của Đức Hồng y Goetni. Vị đặc sứ của Đức giáo hoàng tại Pháp năm 1589, thánh Robertô chứng tỏ rằng: Ngài là một nhà ngoại giao lẫn một học giả có khả năng. Việc đại diện tại Paris thật nặng nhọc. Nhưng thử thách lớn lao nhất lại đến từ một phía khác. Đức giáo hoàng Sixtô V quyết định đặt cuốn I trong bộ những cuộc tranh luận vào sổ sách bị cấm. Đức giáo hoàng không bằng lòng với chủ trương của thánh Robertô, cho rằng uy quyền của giáo hoàng trực tiếp trong các vấn đề vật chất, và nếu có thì chỉ qua uy tín tinh thần mà thôi. Chủ trương này đã trở nên thông thường trong Giáo hội ngày nay. Nhưng Đức Sixtô đã qua đời và Đấng kế vị Ngài đã rút lại quyết định. Dầu bị thử thách nhưng thánh Robertô đã góp phần vào ấn bản Kinh thánh thời Đức Sixtô và đã viết tựa cho ấn bản cũ được vạch ra với một tinh thần bác ái.

Thánh Robertô liên tiếp làm cha tinh thần và viện trưởng của học viện Roma, rồi làm bề trên tỉnh dòng Naples. Tại Roma Ngài hướng dẫn một thánh trẻ dòng Tên là Luy Gonzaga. Tại Naples, chính Ngài được một cha dòng Tên khác là thánh Bernadiô Realinô sau này gọi là thánh.

Bị ép buộc nhận chức Hồng y năm 1599, từ đó Ngài lo các việc cho toàn thể Hội Thánh, chẳng hạn như vụ án Galilêô và cuộc tranh luận về ơn thánh giữa các cha dòng Daminh và dòng Tên.

Ngài làm Tổng giám mục Capua trong ba năm, rồi chấm dứt những ngày hạnh phúc ấy vào năm 1605 khi Ngài được triệu về Roma và cầm viết bênh vực Giáo hội. Liên tiếp Ngài dàn xếp với Fra Sarpi miền Venice, với vua Giacôbê I nước Anh và với văn sĩ Pháp Guillaume Barchony.

Thánh Robertô qua đời ngày 17 tháng 9 năm 1621, được tuyên thánh năm 1928 và được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1931.

 (daminhvn.net)

 

 

17 Tháng Chín

Lời Nói Không Mất Tiền Mua

Mahatma Gandhi, người đề xướng chủ trương tranh đấu bất bạo động, đến Phi Châu. Ông vào dùng bữa trong một quán ăn bình dân. Sau khi dùng bữa, ông trả tiền và nói với người giúp bàn: "Xin cám ơn vì sự tử tế của anh". Người giúp bàn trả lời: "Thưa ngài, tôi sẽ không bao giờ quên ngài. Từ 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe được một tiếng cám ơn".

"Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Một tiếng cám ơn, một lời chào hỏi, nếu được thực thi với tất cả chân tình là một biểu lộ của một lòng tin sâu sắc. Nói một tiếng cám ơn, biểu lộ một cử chỉ thân thiện với người khác là muốn nói lên rằng tình liên đới giữa con người là một điều thiết yếu và ta cần có người chung quanh để sống với. Nói một tiếng cám ơn với người nào đó là khẳng định giá trị và nhân phẩm của người đó. Nhưng ở đời, có ai mà không cho ta một món quà hay không dạy ta bất cứ bài học nào đó.

(Lẽ Sống)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét