Trang

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

29-10-2014 : THỨ TƯ TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN

29/10/2014
Thứ Tư sau Chúa Nhật 30 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 6, 1-9
"Không phải phụng sự loài người, nhưng là tôi tớ của Ðức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng "để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu".
Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa.
Hỡi những kẻ làm nô lệ, hãy vâng phục các chủ nhân, với lòng tôn sợ, kính nể, và chân thành như vâng phục Ðức Kitô: không phải vâng phục chiếu lệ trước mắt, như để lấy lòng người ta, nhưng như những tôi tớ của Ðức Kitô, tận tâm vâng theo thánh ý Thiên Chúa, hãy chí thú phục vụ, như phục vụ Thiên Chúa, chớ không phải loài người: vì biết rằng hễ ai làm điều gì lành, sẽ được Chúa ban trả sự lành, dầu kẻ ấy là nô lệ hay tự do. Phần anh em là những chủ nhân, anh em hãy cư xử như vậy đối với họ, chớ doạ nạt, vì biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em ngự trên trời: Người không tây vị một ai.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 13cd-14
Ðáp: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán (c. 13c).
Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài, Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.
2) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.
3) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 22-30
"Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu tới". Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: "Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi". Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta".
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hãy Vào Qua Cửa Hẹp

Câu hỏi mà một người vô danh đặt ra cho Chúa Giêsu đang khi Ngài trên đường lên Giêrusalem, đó cũng là câu hỏi thông thường nơi các trường phái của các vị thông luật thời Chúa Giêsu, và là câu hỏi như muốn giới hạn số lượng những người vào Nước Chúa: "Thưa Thầy, phải chăng ít người được cứu thoát?" Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không nhằm đến số lượng nhưng là hướng tới một bình diện khác, tức là phẩm chất của những kẻ muốn vào Nước Chúa: họ phải qua cửa hẹp và cố gắng vào đúng lúc, khi còn thời giờ thuận tiện, đừng cậy dựa vào những liên hệ hời hợt bên ngoài với Chúa. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân Chúa chọn và cả những kẻ ở ngoài, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Chúa.
Ðặc tính phổ quát của ơn cứu rỗi không được hiểu theo phạm trù số lượng, nghĩa là không phải mọi người tự động đều được cứu rỗi. Sự cộng tác từ phía con người là điều cần thiết. "Hãy vào qua cửa hẹp", hẹp, vì nó đòi con người phải từ bỏ nhiều. Hình ảnh cậu bé Charlie trong phim hoạt hình, đứng trước cửa, ôm trên người rất nhiều thứ; cậu muốn bước ra ngoài chơi với bạn bè, nhưng lại không muốn bỏ những thứ đang chồng chất trên người mình; cậu bé bực tức nói lớn: "Làm sao tôi có thể bước qua cửa này được?". Nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng có thể hành xử như vậy: vừa muốn vào Nước Chúa, vừa muốn giữ lấy mọi thứ không phù hợp với Nước Chúa; muốn vào Nước Chúa, nhưng lại không thực hành giáo huấn của Ngài, không canh tân đời sống của mình.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban ơn cứu rỗi cho mọi người. Xin cho chúng ta biết từ bỏ những gì không cần thiết, nhất là những gì mất lòng Chúa, để chúng ta có thể bước qua cửa hẹp trở về Nhà Chúa.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 30 TN2
Bài đọc: Eph 6:1-9; Lk 13:22-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mối liên hệ tốt đòi phải có 2 chiều.
Con người thường hay đòi hỏi tha nhân phải thế này phải thế kia, nếu không được như ý mình thì chê trách tha nhân là không biết điều; nhưng ít khi chịu xét mình xem chính mình đã đối xử đúng đắn với tha nhân chưa? Tất cả các mối liên hệ tốt đẹp đều đòi phải có 2 chiều như cha ông chúng ta khuyên: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.”
- Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô liệt kê những gì con người phải làm để có mối liên hệ tốt giữa cha mẹ và con cái, cũng như giữa chủ nhân và nô lệ.
- Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa: không phải chỉ biết Chúa là đủ, nhưng còn phải biết hy sinh chiến đấu vào qua cửa hẹp để làm chứng cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mối liên hệ tốt đòi phải có 2 chiều.
1.1/ Liên hệ giữa cha mẹ và con cái:
- Bổn phận làm con: Thánh Phaolô liệt kê 2 bổn phận chính của kẻ làm con:
(1) Vâng lời: “Hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.” Đây là giới răn thứ bốn trong Thập Giới. Để cha mẹ có thể chu tòan sứ vụ Chúa giao, con cái phải vâng lời cha mẹ.
(2) Tôn kính: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” Sách Đức Huấn Ca còn dạy: “Ai tôn kính cha thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ sẽ thu được kho tàng.”
- Bổn phận làm cha mẹ: Thánh Phaolô cũng liệt kê 2 điều chính:
(1) Đừng làm cho con cái tức giận: Những điều sau đây có thể làm con cái tức giận: nói không đúng sự thật, bắt con làm điều vô lý hay làm điều mà mình không muốn làm, không làm gương sáng cho con, khinh thường và hay so sánh con mình với con người, không thương yêu và săn sóc con.
(2) Khuyên răn và sửa dạy: là bổn phận chính yếu Thiên Chúa sẽ xét xử cha mẹ như Tiên tri Êzêkiel nói: Nếu vì cha mẹ không khuyên răn và sửa dạy mà con cái hư đi thì Thiên Chúa sẽ đòi nợ máu cha mẹ; nếu cha mẹ khuyên răn sửa dạy hết điều mà con cái vẫn hư, tội là do nơi con cái (Eze 33:7-9).
1.2/ Liên hệ giữa chủ nhân và nô lệ: Phải hiểu lời khuyên này trong bối cảnh lịch sử của thời đó để đừng lên án Thánh Phaolô phò chế độ nô lệ. Trong xã hội thời ấy, nô lệ được đa số con người chấp nhận; và chủ nhân có tòan quyền định đọat số phận những nô lệ của mình. Cho dẫu vậy, Thánh Phaolô vẫn chú trọng đến mối liên hệ 2 chiều.
- Phận nô lệ: Có lẽ Thánh Phaolô chủ trương mọi quyền hành đến từ Thiên Chúa cho lợi ích con người nên Ngài khuyên các nô lệ phải bắt chước Chúa Kitô như Ngài đã vâng lời Chúa Cha (Phil 2:5-11):
(1) Vâng lời: “Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Kitô. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa.”
(2) Vui lòng phục vụ: “Hãy vui lòng phục vụ như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do.”
- Phận làm chủ: Theo phong tục thời ấy, người nô lệ không có quyền đòi bất cứ điều gì nơi chủ, nhưng những chủ nhân theo Đức Kitô phải làm 2 điều sau cho nô lệ của mình:
(1) Đối xử tử tế: Nếu các nô lệ đã hết tình phục vụ chủ thì chủ cũng phải đối xử tử tế với họ: phải đối xử với họ theo tình người, chứ không coi họ là những đồ vật để xử dụng.
(2) Đừng dọa nạt: “Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai.” Trong thân thể của Đức Kitô, mọi người đều bình đẳng (Gal 3:28).
2/ Phúc Âm: Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.
2.1/ Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào: Đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự hủy diệt: Không có kỷ luật, không thể thành công. Điều này không những đúng cho cá nhân mà còn đúng cho cả tập thể.
- Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?"
- Người bảo họ: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!” thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!”” Nguy hiểm của quan niệm dễ dãi: Vì tình thương bao la nên sau cùng Chúa sẽ cứu hết (Universalism).
2.2/ Nước Trời dành cho những ai nghe và giữ những gì Chúa dạy, không phải chỉ biết Ngài mà thôi:
(1) Tiêu chuẩn phán xét: Con người nhấn mạnh đến cái biết, Chúa nhấn mạnh đến việc làm.
26 Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.”
27 Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”
Nguy hiểm: Chỉ cần biết và tin Chúa là đủ (Tin Lành)
(2) Thực tế phũ phàng: Con cháu trong nhà và những kẻ quyền thế bị lọai ra ngòai.
- Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
- Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả các mối liên hệ tốt đều đòi hỏi phải có cả 2 chiều: liên hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa chủ nhân và nô lệ, giữa con người và Thiên Chúa.
- Phải chiến đấu để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.
- Chúng ta phải luôn nhớ: Thiên Chúa không những là Thiên Chúa của tình thương mà còn là Thiên Chúa của công bằng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 30
Lc 13,22-30

A. Hạt giống...
1. c.23 : Câu hỏi mà một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.
            Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp : nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại ; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.
2. c.24 : Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng, diễn tả bằng hình ảnh “đi qua cửa hẹp”.           
- “Đi qua” : Động từ “qua” diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái của hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua” (thay đồi cách sống) thì mới vào nhà được.
            - “Cửa hẹp” diễn ta sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim : xem Mt 19,24, Mc 10,25, Lc 18,25).

B.... nẩy mầm.
1. “Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh. ông đề nghị với họ : nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ (...) Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
2. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ, người thời nay có khuynh hướng làm cho mọi việc thành thoải mái dễ chịu, kể cả việc sống đạo. Thí dụ : trong nhà thờ ghế phải rộng và êm, phải có quạt máy, cha phải giảng ngắn... Những lời nhắc nhở của ĐGH về hôn nhân bất khả li, về luật cấm phá thai, về độc thân Linh mục v.v. bị coi là chói tai nên không được đáp ứng v.v. Cách sống đạo như thế không phải là đi qua cửa hẹp. Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống tín hữu như một cuộc chạy đua : để đạt huy chương, người lực sĩ nào cũng phải dày công khổ luyện.
3. Chúa Giêsu nói với dân chúng : “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào...” (Lc 13,24)
Đậu tốt nghiệp hạng ưu, thằng nhóc nó vui mừng hớn hở về báo tin cho tôi. Tôi đã đọc được niềm vui trong lòng nó, tôi tự nhủ rằng : “Cậu tú nhà tôi đậu được thủ khoa cũng đáng”, bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử” nó còn phải dã từ cả sân cỏ : không đá banh, không patin, cũng không bén mảng đến hồ bơi, nó bỏ hết những cuộc chơi.
Từ đó tôi nghiệm ra rằng thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Con đường tiến về quê trời cũng vậy, đòi hỏi tôi lực chọn đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.
Lạy Chúa ! Mỗi ngày trong cuộc sống của con, xin cho biết chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

29/10/14 THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Lc 13,22-30

Suy niệm: Nước Thiên Chúa đúng là gia sản chúng ta được thừa kế nhờ công nghiệp Đức Giê-su Ki-tô, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đương nhiên được hưởng quyền lợi đó, mà đó còn là kết quả của cả một cuộc đời chiến đấu không ngừng. Mỗi người đều phải góp phần cứu rỗi chính mình bằng những nỗ lực của bản thân mình. Đời sống ki-tô hữu giống như một cuộc leo núi: phải luôn tiến tới và phải luôn hướng lên cao, hướng về một đích điểm chỉ có thể đạt tới ở cõi đời sau. Lối đi vào Nước Thiên Chúa phải qua cánh cửa hẹp, cánh cửa duy nhất, cánh cửa mà chính Đức Giê-su cũng đã đi qua để vào. Thiên Chúa chỉ nhận ra chúng ta khi chúng ta đi qua cánh cửa hẹp ấy. Một khi cánh cửa đó đã khép lại, Thiên Chúa sẽ không nhìn mặt những người theo lối khác mà vào nữa.
Mời Bạn: Thế giới khoa học kỹ thuật vật chất tiến bộ vượt bậc. Những tiện nghi vật chất cũng là những giá trị giúp nâng cao phẩm giá con người. Nhưng chúng lại có nguy cơ phát sinh thói hưởng thụ ích kỷ. Những hy sinh, đau khổ, nhờ kết hợp với mầu nhiệm thập giá của Đức Ki-tô, được xoá đi ý nghĩa tiêu cực để trở thành những giá trị tích cực có khả năng thánh hoá con người.
Sống Lời Chúa: Nhẫn nại trước những đau khổ tự nhiên trong cuộc sống hay những khó chịu, phiền hà do người khác gây ra, thay vì phàn nàn, bất mãn, để kết hợp với Đức Ki-tô góp phần đem lại ơn cứu độ cho thế giới.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết “hoàn tất phần còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa” là vui lòng thập giá hằng ngày của con theo Chúa. Amen.

Cửa hẹp
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục... Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại. Cứu độ là một ơn Chúa ban, nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận. 

Suy nim:
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp.
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình,
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm...
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục.
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm
Được cứu độ hay vào được nước trời nhiều hay ít? Có lẽ là nỗi trăn trở của không ít người thời Chúa Giêsu. Vì thế bài Tin mừng hôm nay cho biết có một người đến đặt vấn đề này với Ngài: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ? ".
Để trả lời cho vấn nạn này, Chúa Giêsu không cho anh ta biết số lượng vào nước trời nhiều hay là ít, nhưng Ngài chỉ đưa ra điều kiện cần thiết để được cứu độ. 
Mặt tích cực: Chúa Giêsu kêu gọi:
- "Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp" (Lc 13,24), vì "cửa hẹp dẫn đến sự sống" (Mt 7,14).
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá. Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại, khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em. Cần có một cái tôi như trẻ thơ mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng. Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ, cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và phình to. Ðể "người lớn" trở nên bé nhỏ như trẻ thơ, cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4). Ðây thật là một cố gắng không ngừng. Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ dàng đi qua cửa hẹp.
Phải thể hiện đời sống như các tổ phụ: Nghĩa là phải noi gương Abraham, Isaac và Giacóp, vững vàng trong đức tin và trung kiên trong đức mến.
Mặt tiêu Cực: Chúa Giêsu cũng cảnh báo những điều nên tránh.
- Đừng ảo tưởng mình là Kitô hữu đương nhiên được cứu. Gioan Tẩy Giả đã chẳng cảnh báo với những người Biệt phái và nhóm Sađucêô: "Đừng ỷ mình là con cháu tổ phụ Abraham…”(Mt 3,7t), cũng như Chúa đã khuyến cáo đừng tưởng rằng đã từng ăn uống trước mặt Ngài, và từng nghe Ngài giảng dạy là được cứu? Nhưng để được cứu độ ta còn phải biết lắng nghe và thực hành Lời của Chúa, như Chúa Giêsu đã xác quyết: "Mẹ và anh em của Ta là những người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành"  (Lc 8,21). 
- Tránh tình trạng nghĩ rằng sống lâu lên lão làng, ỷ vào công trạng giữ đạo lâu năm rồi chễnh mãng trong đời sống đức tin, xem thường đạo lý và Lời Chúa. Điều này có nguy cơ sẽ bị loại khỏi nước trời. Ơn cứu độ chỉ dành riêng cho những ai kiên trung sống đức tin đến cùng. Vì thế Chúa Giêsu đã không ngại tuyên bố: "Kẻ sau hết sẽ trở nên trước hết...".
Xin cho chúng ta biết loại bỏ đi những suy nghĩ theo kiểu người đời, nhưng biết kiên trì  không ngừng nổ lực thực thi Lời Chúa dạy bảo với tinh thần khiêm tốn để xứng đáng được vào số người được cứu độ.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG MƯỜI
Để Thế Gian Tin Rằng Cha Đã Sai Con …
Sự hiệp nhất giữa các môn đệ Đức Kitô là một điều kiện để thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Hơn thế nữa, nó còn là một điều kiện để thực thi sứ mạng của chính Đức Kitô trong thế giới này. Nó là một điều kiện để rao giảng và củng cố cách hiệu quả đức tin của chúng ta vào Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con cũng cầu xin … cho những người sẽ tin vào con …để họ nên một trong chúng ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai con… Xin cho họ hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai con, và để họ nhận biết Cha yêu thương họ như Cha đã yêu con” (Ga 17, 20 – 23).
Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là điều thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì sự thành bại của việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào chứng tá sống của cộng đoàn Kitôhữu, chứ không chỉ là chuyện thuyết giảng Lời Chúa. Làm sao những người ngoài Kitô giáo có thể có thể bắt đầu tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, nếu họ không nhìn thấy các Kitô hữu yêu thương nhau? Tình yêu không thể được biểu lộ ra cũng không thể xuyên thấu vào trái tim con người ngoại trừ qua chứng tá hiệp nhất.
Vì thế trước hết chúng ta phải tha thiết khát vọng hiệp nhất. Chúng ta phải cầu xin ơn hiệp nhất. Ân huệ này, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, cũng đặt ra cho Giáo Hội một trách nhiệm đặc biệt trong đại gia đình nhân loại. Nói cách khác, Giáo Hội có trách nhiệm thúc đẩy việc đối thoại và thông cảm nhau giữa tất cả mọi người, để vãn hồi sự hiệp nhất và hòa bình cho thế giới vốn đang bị phân rẽ của chúng ta.
Ngày nay thế giới đầy dẫy những xung đột và căng thẳng. Các quốc gia bị phân rẽ giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, giữa bạn và thù. Và ngay bên trong các đường biên giới của mỗi quốc gia, người ta có thể nhìn thấy sự đối đầu nhau giữa các nhóm và các đảng phái: Những giành giựt xâu xé phát sinh từ các thành kiến và các ý thức hệ, từ những định chế cứng ngắt của các quốc gia, từ những rào cản về chủng tộc, và từ vô số yếu tố khác – chẳng có yếu tố nào trong đó xứng đáng với phẩm giá con người.
Chính trong thế giới phân rẽ này mà Giáo Hội hôm nay được mời gọi cổ võ cho sự hòa điệu và hòa bình.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 29-10
Ep 6, 1-9; Lc 13, 22-30.

LỜI SUY NIỆM: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? Người bảo họ: Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”
Chúa Giêsu cho biết những người được cứu thoát nhiều hay ít, hoàn toàn nằm trong ý muốn và sự sắp đặt của Chúa Cha. Còn đối với bản thân của từng người trong nhân loại, thì phải phấn đấu hết mình mới được vào,  đường vào không thênh thang như nhiều người lầm tưởng, nhưng đường dẫn vào là cửa hẹp. Cửa hẹp đòi hỏi sự cố gắng của mỗi người, không ai làm thay cho mình được, cần phải tự gò ép mình lại, cần cởi bỏ những gì là rườm rà, nặng nề, những gì không cần thiết trên đường dẫn vào cửa hẹp.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang nhắc nhở chúng con phải phấn đấu mà vào Nước Trời, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn, tỉnh thức trước những cám đỗ của ma-quỷ, và biết dùng ơn của Chúa để chiến thắng.
Mạnh Phương

29 Tháng Mười
Các Ông Là Quái Vật
Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ  triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người. Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô.
- Ông Giêsu Kitô là ai?
Một người Kitô sẽ trả lời:
- Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế.
- Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta?
- Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự.
Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm:
- Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như  ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác. Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện. Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc.
Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối:
- Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi.
Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu:
- Vậy thì các ông là những quái vật.
Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật.
Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự  sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao?
Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình.
Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ.
Ước gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét