02/11/2014
Chúa Nhật 31 Quanh Năm Năm A
(phần I)
Bài
Ðọc I: Ml 1, 14b - 2, 2b. 8-10
"Các
ngươi đã đi sai đường lối, và làm cho nhiều người vấp phạm lề luật".
Trích
sách Tiên tri Malakhi.
Chúa
các đạo binh phán rằng: Ta là Vua cao cả, và danh Ta đáng kính sợ trong các dân
tộc. [Ta sẽ làm cho các ngươi phải túng thiếu.]
{Và bây giờ, trên các ngươi có
án lệnh này, hỡi các tư tế: Nếu các ngươi không nghe, và nếu các ngươi không
lưu tâm mà tôn vinh danh Ta, Chúa các đạo binh phán, Ta sẽ phóng (sự) chúc dữ xuống
trên các ngươi; và Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của các ngươi.}
Các
ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật và huỷ bỏ giao
ước Lêvi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Bởi thế, Ta để cho các ngươi bị khinh
rẻ và đốn mạt trước mọi dân tộc, vì các ngươi đã không tuân giữ đường lối của
Ta, và vị nể trong khi thi hành lề luật. Chớ thì mỗi người chúng ta không có một
người cha sao? Chớ thì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy
tại sao mỗi người chúng ta lại khinh rẻ anh em mình mà phản bội giao ước của tổ
phụ chúng ta?
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn
con trong bình an của Chúa.
Xướng:
1) Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng
không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. - Ðáp.
2)
Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong
lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. - Ðáp.
3)
Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: 1 Tx 2, 7b-9, 13
"Chúng
tôi muốn trao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn mạng
sống chúng tôi nữa".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh
em thân mến, chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người
vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi
chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa,
mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa: vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi.
Anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi: chúng tôi phải làm việc
ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao
giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em. Bởi thế chúng tôi không ngừng cảm tạ
Thiên Chúa, vì anh em nhận lãnh lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em
đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như lời Thiên Chúa,
và thực sự là thế, lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia:
Ep 1, 17-18
Alleluia,
alleluia! - Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn
chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu
gọi chúng ta. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 23, 1-12
"Họ
nói mà không làm".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các
người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các
ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà
không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại
không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy:
vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc
và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta
xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta
gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với
nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một
Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo:
vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế
hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.
"Hễ
ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng
lên".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Mọi Người Ðều Phải Sửa
Mình
Những
lời Chúa Yêsu nói hôm nay về các Luật sĩ và Biệt phái xem ra rất nặng. Nhưng
Người không nói với họ, mà chỉ nói với dân chúng và môn đệ. Người dùng những
nét về nếp sống bề ngoài của họ, để dạy những người này một bài học. Nói đúng
ra, ở thời Giáo hội sơ khai, tác giả Matthêô đã nhớ lại những lời Chúa nói về
Luật sĩ và Biệt phái, để cảnh cáo trong Hội Thánh không được có những thái độ
như vậy...
Dĩ
nhiên những lời này áp dụng trực tiếp hơn cho hàng tư tế ở trong Hội Thánh.
Nhưng ai nghĩ chúng không liên hệ đến hết mọi người? Và tại sao chúng ta không
lợi dụng những bài Kinh Thánh hôm nay để nói về những quan hệ trên dưới ở trong
Hội Thánh? Mặc dù là vấn đề khá tế nhị, và chắc chắn một lần không đủ nói hết mọi
khía cạnh; nhưng nhờ được những bài Kinh Thánh hôm nay để nói về các quan hệ ở
trong Hội Thánh cũng là một dịp quý hóa, không nên bỏ qua. Chúng ta sẽ học được
nhiều điều lý thú cần thiết cho đời sống tốt đẹp ở trong Hội Thánh.
A.
Mọi Người Ðều Phải Sửa Mình
Ngay
bài sách Malaki đã cho thấy Lời Chúa hôm nay không chỉ muốn nói riêng với hàng
tư tế. Những câu cuối cùng chất vấn mọi người và gợi lên cho mọi người thấy phải
thay đổi cả một nếp sống cho phù hợp với Thiên Chúa.
Dĩ
nhiên hàng tư tế đã bị chất vấn trước. Chúa các đạo binh đã bắt đầu đặt họ trước
uy phong của Người. Người là Vị Ðại đế và Danh Người rất uy phong giữa các dân
tộc. Tại sao vậy? Chẳng phải vì như tục ngữ thường nói: gần chùa gọi bụt bằng
anh sao? Có lẽ hàng tư tế, vì quá quen với bàn thờ, nên nhiều khi không còn ý
thức đủ về uy linh của Thiên Chúa.
Malaki
sống ở thời Batư đang cực thịnh. Ít ra mọi nơi đều biết hoàng đế Batư như thế
nào? Giàu sang, phú quý và uy quyền. Malaki mượn hình ảnh của triều đình để nói
Thiên Chúa là vị Ðại đế cho người ta dễ hiểu. Hơn nữa ông biết tôn giáo Batư
cũng rất nghiêm ngặt. Thế mà dân ngoại vẫn có truyền thống khiếp sợ uy Danh
Yavê kể từ ngày Ngài giúp con cái Israel ra khỏi Aicập và chiếm được Hứa địa.
Thật ra Malaki còn muốn nói nhiều hơn nữa. Ông xác tín Yavê là Vua cả trời đất
và ông tin rằng "từ phương mặt trời mọc đến phương mặt trời lặn, Danh Yavê
lớn thật nơi các quốc gia, và hy sinh được huân yên dâng tiến Danh Người làm một
với lễ vật tinh sạch" (1,11). Nói cách khác, ông thâm tín về quyền phép
bao la của Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài cai trị tất cả trời đất vạn vật.
Chính Ngài giờ đây chất vấn hàng tư tế:
Tại
sao các ngươi không để tâm mang lại vinh dự cho Danh Ta?
Ðó
là tội lớn lao mà hàng tư tế dễ mắc phải. Họ được đặt lên để làm vinh Danh
Thiên Chúa, nhưng nhiều khi họ lại vơ tất cả vinh dự về mình. Bài Tin Mừng sẽ
cho chúng ta thấy mấy nét trong nếp sống hiếu danh, hiếu thắng của họ. Malaki
không đi vào chi tiết. Nhưng ông vạch cho họ thấy: Chúa sẽ giáng chúc dữ xuống
trên họ. Người sẽ phạt họ trên chính tội họ đang phạm. Họ tìm cách làm cho mình
được vinh dự, thì Chúa sẽ để cho họ mọi điều chúc dữ, đến nỗi Người chúc dữ cho
chính những sự chúc lành của họ. Thế nên Người sẽ để cho họ thành đồ đáng
khinh, làm lũ mạt hạng đối với toàn dân.
Thật
ra đâu phải họ chỉ có tội hiếu danh; nhưng chính vì chỉ muốn làm cho mình nổi
mà họ đi trệch đường và làm cho người khác đi lầm đường. Lẽ ra họ phải là những
người chỉ đường cho người ta đến với Thiên Chúa. Nhưng vì không còn lưu tâm tôn
vinh Danh Người và muốn vơ vét vinh dự về mình, họ giáo huấn sai lạc, họ làm
cho người ta không còn thấy hướng đi đến với Thiên Chúa. Họ đã phá hoại Giao ước
Lêvi rồi còn gì nữa, bởi vì chức vụ của dòng dõi Lêvi là phải giúp người ta giữ
Luật Chúa và thờ phượng Người. Thế mà họ lại không quan tâm làm tôn vinh Danh
Chúa. Họ bội phản ơn gọi, thì chính họ biến mình thành đồ đáng khinh, làm lũ mạt
hạng đối với toàn dân, chứ đâu cần phải Thiên Chúa đánh phạt. Họ gieo gió thì họ
gặt bão và tội nào thì đem lại vạ ấy. Chúng ta đừng tưởng Thiên Chúa khắt khe với
người nào! Người chẳng khắt khe với hàng tư tế hơn bậc giáo dân.
Thật
vậy, sau khi chất vấn riêng hàng tư tế, Thiên Chúa đã nói với mọi người qua miệng
ngôn sứ Malaki: "Chúng ta hết thảy chỉ có một cha, không phải thế sao?
Cũng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, không phải thế sao? Tại sao chúng ta
lại phản bội nhau mà phạm thánh đến giao ước của cha ông chúng ta?".
Malaki
trách dân vì tội thiếu bác ái, vì người ta phản bội biến nhau nên xa lạ và thù
địch thay vì sống coi nhau như anh em một Cha trên trời và như con cái của một
Ðấng Tạo Thành. Malaki vẫn có cái nhìn Thiên Chúa là Vua tất cả trời đất và là
Ðấng dựng nên muôn loài. Hơn nữa Người đã muốn ký kết một giao ước với dân: coi
dân như sở hữu riêng của Người và thắt chặt mối tình giữa mọi người lại như đồng
bào trong một tổ quốc. Thế nên vi phạm luật bác ái yêu thương, phản bội nhau
thay vì duy trì tình huynh đệ, không phải chỉ là lỗi phạm đến nhau, nhưng còn
phá hoại Giao ước và phủ nhận quyền sinh tử của Cha chung trên trời.
Như
vậy cả tư tế lẫn giáo dân đều phạm tội với Chúa, đều vi phạm Giao ước. Một bên
hiếu danh nên giảng dạy sai lạc, không đưa người ta đến với Chúa; còn bên kia
ham lợi nên phản bội anh em và chia rẽ gia đình Chúa. Chẳng bên nào đáng khen
hơn bên nào. Cả hai đều phải trở lại và đến với Chúa Yêsu là Con Chiên gánh tội
thiên hạ.
B.
Ai Tự Hạ Sẽ Ðược Nâng Lên
Hôm
nay, trong bài Tin Mừng, Chúa Yêsu nói với quần chúng và môn đệ. Chúng ta có thể
tự hỏi: Vì sao nói với những người này, Chúa lại có những lời chỉ trích Ký lục
và Biệt phái? Có thể coi những lời phê bình này như để dẫn nhập đưa vào phần
giáo huấn môn đệ. Có lẽ đúng hơn nên nghĩ rằng tác giả Matthêô viết bài Tin Mừng
này cho Hội Thánh. Và trong thế giới Dothái Kitô giáo của người, không khỏi có
những người hay ít ra không khỏi có khuynh hướng muốn tổ chức Giáo hội theo kiểu
mẫu Dothái; và hàng tư tế Ðạo Mới có vẻ sắp bắt chước hàng tư tế đạo cũ. Do đó
đoạn văn này vẫn cần thiết cho Hội Thánh, và chúng ta nên hiểu nó muốn nói gì với
mình.
Ký
lục và Biệt phái trước tiên được công nhận như những người có quyền ngự tòa
Môsê. Tức là họ giữ quyền giáo huấn và trông coi Luật pháp. Ðịa vị này không nhỏ.
Tòa của Môsê ngày xưa đặt ở núi Sinai, nơi ông tuyên bố Luật pháp và làm lễ ký
kết giao ước giữa Chúa với Dân. Và núi Sinai thuở ấy có mây trời bao phủ và sấm
chớp nổ vang trên chóp đỉnh. Tòa của Môsê được tham dự vào uy phong của Thiên
Chúa. Dân khi ấy hãi hùng khiếp sợ. Họ chấp nhận mọi điều Môsê nói thay mặt
Chúa.
Ngày
nay hàng tư tế ngồi tòa Môsê. Họ tiếp nối địa vị của ông. Họ có quyền giáo huấn
. Nhưng họ thi hành quyền ấy thế nào?
Matthêô
nhận thấy họ có hai cách: hoặc họ dạy Luật pháp mà không thi hành; hoặc họ thêm
thắt vào Luật pháp đến nỗi họ dạy truyền thống loài người chứ không phải Luật
Chúa nữa. Với cách trên họ là những con người giả hình; nhưng vì họ rao truyền
Lời Chúa, chúng ta vẫn phải thi hành nhưng đừng bắt chước cách ăn ở của họ. Còn
với cách sau, họ lấy mình làm luật cho người khác, gò mọi người vào khuôn khổ họ
làm ra. Bởi vì như Malaki nói, họ hiếu danh muốn ở tren trốc mọi người. Nhiều
khi tính hiếu thắng này trở thành lô bịch: nới rộng hộp đựng kinh, làm to tua
áo dài, ưa ngồi chỗ nhất trong bàn tiệc và thích được chào hỏi khi đi đứng. Họ
làm như cả xã hội này chỉ có họ là lớn.
Chính
nết xấu này là điều phải tránh trong Giáo Hội Chúa Kitô. Không những nó phân rẽ
hàng ngũ Dân Chúa, nhưng nhất là nó muốn choán chỗ của chính Người. Như đã thấy
trong bài sách Malaki, người có nết xấu đưa mình lên như thế, không lưu tâm làm
vinh Danh Thiên Chúa nữa nhưng chỉ muốn vơ mọi danh dự về cho mình. Và từ chỗ
này, người ấy muốn trở thành luật cho người khác và cầm giữ người khác dưới quyền
đô hộ của mình. Một xã hội không loại trừ nết xấu đó sẽ không còn lòng mến Chúa
và không còn tình anh em. Nó không thể là Giáo hội của Ðức Kitô.
Thế
nên khi Chúa Yêsu nói với dân chúng và các môn đệ rằng: các con chớ cho gọi
mình là Thầy, là Cha, là người chỉ đạo, Người chỉ muốn chúng ta từ bỏ nết xấu
đó để ý thức lại quyền của Thiên Chúa ở trên mọi người. Có hướng về Thiên Chúa,
người ta mới là anh em với nhau và Giáo hội mới là Hội Thánh. Và điều này hết mọi
người phải thi hành, cả tư tế lẫn giáo dân. Có thi hành, tư tế mới giảng đạo chứ
không giảng mình và mới khỏi "bó những gánh nặng mà đặt trên vai người
khác, còn chính mình lại không muốn tra ngón tay lay thử". Vì thường ách của
Chúa thì nhẹ, còn gánh người ta bó mới nặng! Còn giáo dân, khi theo gương khiêm
hạ của Ðức Kitô, sẽ dễ tìm thấy bình an giữa mọi người và xây dựng được cộng
đoàn bác ái.
Ðấy
là giáo huấn. Còn thi hành? Chúng ta hãy đọc thư Phaolô.
C.
Thái Ðộ Tông Ðồ
Thánh
Tông đồ gửi thư cho giáo đoàn Thessalônikê. Ngay lời mở đầu đoạn trích hôm nay đã
cho chúng ta thấy thái độ đúng đắn của người. Người đã thi hành Lời Chúa dạy bảo,
vì tuy là Tông đồ, người đã "ăn ở dịu hiền giữa anh em". Thái độ của
người như láy lại lời Chúa nói: "Hãy học với Ta, này Ta hiền lành và khiêm
nhượng trong lòng". Thái độ ấy áp dụng triệt để chỉ thị Chúa đã ban khi
nói với môn đệ: "Kẻ lớn hơn trong các ngươi sẽ là tôi tớ của các
ngươi".
Thánh
Tông đồ đã đi vào cộng đoàn Thessalônikê với thái độ ấy, khiến tuy ngồi ở toà
Môsê, nắm giữ sứ vụ giảng huấn, Phaolô đã không khác chi "mẹ nuôi con dại ấp
ủ con mình". Người có thể nói được như thế và ví được như vậy, vì
"đang khi chia sẻ Tin Mừng của Thiên Chúa với anh em, (người) muốn gắn bó
với họ đến đỗi muốn thí cả mạng sống cho anh em nữa". Chính việc rao giảng
Lời Chúa trong tinh thần yêu thương như vậy, đã khiến thánh Tông đồ là "mẹ"
hơn là "cha", là "thầy", là "người chỉ đạo". Và
nhất là nhờ thái độ ấy mà "anh em đã chịu lấy Lời Thiên Chúa... không phải
như lời của những người phàm mà là như Lời của Thiên Chúa; và Lời ấy đang thi
thố quyền năng nơi anh em là những kẻ tin".
Và
để tránh cho việc rao giảng Lời Chúa mọi vẻ gì như bó thành gánh nặng cho người
nghèo, cho dù rất chính đáng, thánh Phaolô đã làm việc ngày đêm để sinh nhai, hầu
tránh cho anh em mọi quan tâm nặng nề. Nhưng người vẫn khẳng định, đây là thái
độ hoàn toàn quảng đại, không phải bao giờ cũng thi hành được và ai ai cũng có
thể làm được. Chính người cũng có lúc phải để cho người khác lo cho mình hầu
mình có thể làm hết nghĩa vụ rao giảng.
Ðiều
cần thiết là khi thi hành nghĩa vụ tông đồ, người ta phải theo chỉ thị của Chúa
đã ban trong bài Tin Mừng hôm nay. Người ta phải hạ mình xuống, không được tìm
vinh dự cho mình, nhưng phải lưu tâm làm vinh Danh Thiên Chúa. Người ta không
được đưa mình lên trên người khác, nhưng phải trở nên tôi tớ mọi người. Không
phải người ta phải làm những việc hèn hạ hơn cả, nhưng chỉ cần người ta tỏ lòng
mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người khác như chính mình. Với hai lòng
mến ấy, thánh Phaolô đã giữ đúng lời Thầy Chí Thánh là "ở dịu hiền giữa
anh em". Người giảng dạy với tinh thần phục vụ, khiến người ta thấy rõ khi
ấy người không khác chi mẹ nuôi con dại ấp ủ con mình: vì khi cho con ăn sữa,
người mẹ còn ban tình yêu cho con, thì thánh Tông đồ khi đem Lời Chúa nuôi dưỡng
tín hữu, còn làm cho họ thấy người muốn trao ban cả mạng sống mình cho họ nữa.
Người không ở ngoài lời giảng như các Ký lục và Biệt phái, nhưng ở trong lời giảng.
Nhờ vậy mà tín hữu thấy lời giảng là Lời Chúa, đem tình yêu cứu thế, đem ân sủng
cứu độ.
Anh
chị em cầu nguyện cho lời giảng và sứ vụ tông đồ trong Hội Thánh được như vậy.
Anh chị em cũng hãy nhớ vinh dự và nghĩa vụ của anh chị em là Kitô hữu cũng là
Tông đồ, Tư tế, Hoàng vương giữa xã hội loài người. Lời Chúa hôm nay không nói
riêng cho ai cả, nhưng cho mọi người chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào Lời Chúa
trong cử hành phụng vụ này. Sau khi được tuyên bố ở giảng đài, Lời Chúa sắp được
công bố nơi bàn thờ. Ở đây Lời Chúa sẽ biến thành Mình Chúa, và trong thái độ
khiêm cung tự hạ của mầu nhiệm Thập giá. Nhưng đồng thời cũng là mầu nhiệm tôn
vinh... "Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
Lời
Chúa trở thành hành động trong thánh lễ này cho hết thảy chúng ta, để chúng ta
đón nhận, thi hành và xây dựng Nước Thiên Chúa đem hạnh phúc đến cho mọi người.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Ngày 2 tháng 11
Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Ðã Qua Ðời
Lễ Nhớ
Lễ
Nhất
Bài
Ðọc I: Rm 6, 3-9
"Chúng
ta phải sống đời sống mới".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã
chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với
Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển
của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời
sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết,
giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong
sự sống lại giống như vậy.
Nên
biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác
thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì
con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết
với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng
Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn
làm chủ được Người nữa.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi
chẳng thiếu thốn chi (c. 5).
Hoặc
đọc: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con
(c. 4a).
Xướng:
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả
tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi,
Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.
2)
Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Dù bước
đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và
cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3)
Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì
Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4)
Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong
nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.
Alleluia:
Ga 11, 25-26
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy
phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ".
- Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 6, 51-59
"Thịt
Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời
xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta,
để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng:
"Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"
Bấy
giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi
không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong
các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ
cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của
uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng
như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính
người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha
ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".
Ðó
là lời Chúa.
Lễ
Nhì
Bài
Ðọc I: Kn 3, 1-9
"Chúa
chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".
Trích
sách Khôn Ngoan.
Linh
hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được
các ngài. Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết
và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra
các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ
hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục,
các ngài sẽ được vinh dự lớn lao: vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng
trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi
đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu
tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống
trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã
tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình
yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 24, 6-7bc. 17-18. 20-21
Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn
con lên tới Chúa (c. 1b).
Hoặc
đọc: Lạy Chúa, phàm ai trông cậy Chúa, ắt chẳng hổ ngươi (c. 3b).
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn
có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài,
thân lạy Chúa. - Ðáp.
2)
Xin cho lòng con được nhẹ bớt lo âu, và giải thoát con khỏi cảnh ưu tư phiền muộn.
Xin Chúa coi cảnh lầm than khốn khổ của con, và tha thứ hết mọi điều tội lỗi. -
Ðáp.
3)
Xin gìn giữ mạng sống con và giải thoát con, đừng để con bẽ bàng vì đã tìm
nương tựa Chúa. Nguyện cho lòng con vô tội và trung thứ bảo vệ con, vì con
trông cậy vào Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.
Alleluia:
2 Tm 2, 11-12a
Alleluia,
alleluia! - Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, thì chúng ta cùng sống với
Người; nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. -
Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 23, 33. 39-43
"Hôm
nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên
trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng:
"Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Rồi
chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên
thập giá cũng sỉ nhục người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu
ông và cứu chúng tôi nữa".
Ðối
lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên
Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc
chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa cùng
Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".
Chúa Giêsu đáp: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên
thiên đàng với Ta".
Ðó
là lời Chúa.
Lễ
Ba
Bài
Ðọc I: Rm 5, 5-11
"Chúng
ta đã nên công chính trong Máu của Người, và nhờ Người chúng ta được cứu khỏi
cơn thịnh nộ".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh
Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ
tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, họa chăng mới có người dám chết
vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta,
nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết
vì chúng ta.
Vậy
phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người
chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù
nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài,
thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của
chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên
Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh
ơn giao hoà.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 26, 1. 4. 7 và 8b và 9a. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng
cứu độ tôi (c. 1a).
Hoặc
đọc: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân
sinh (c. 13).
Xướng:
1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời
tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2)
Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong
nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh
điện của Người. - Ðáp.
3)
Lạy Chúa, xin nghe con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Và lạy Chúa,
con tìm ra mắt Chúa. Xin Chúa đừng ẩn mặt xa con. - Ðáp.
4)
Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh.
Hãy trông đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và trông đợi
Chúa. - Ðáp.
Alleluia:
Ga 6, 39
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Ý của Cha là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng
để mất, nhưng ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại". - Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 17, 24-26
"Con
muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, (Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng:) "Lạy Cha, những kẻ
Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng
chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi
tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con
biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng
biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong
chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Hiệp thông với cộng đồng các tín hữu Chúa
Là
việc rất hợp lý, khi chúng ta mừng lễ các thánh ở trên trời ngày hôm qua, thì
ngày hôm nay chúng ta lại kính nhớ các linh hồn ở trong luyện ngục. Ðó có thể
nói chỉ là hai mặt của một mầu nhiệm, mầu nhiệm các thánh cùng thông công.
Chúng ta tin rằng tất cả những ai đã an nghỉ trong Chúa vẫn còn hiệp thông với
cộng đồng các tín hữu Chúa đang sống ở đời này. Hết thảy mọi người còn liên kết
với Ðức Yêsu, thì cho dù họ chết hay họ sống, họ vẫn ở trong Thân Thể mầu nhiệm
của Người. Và vì thế họ vẫn liên hệ với nhau như các tế bào và bộ phận trong
cùng một thân thể.
Mầu
nhiệm hiệp thông này, cộng đồng Dân Chúa không bao giờ muốn quên. Ðặc biệt mỗi
khi họp nhau cử hành phụng vụ, những người sống vẫn nhớ đến những anh em đã ra
đi trước về đời sau. Trong số những người này, theo quan niệm thông thường, một
phần giờ đây đang ở trên Thiên quốc, tức là đã xứng đáng ở trước mặt Chúa, diện
đối diện; phần còn lại đang chờ được tinh luyện thêm để đáng được chiêm ngưỡng
Thánh Nhan Chúa mà không phải hổ ngươi.
Người
ta phân chia ra như vậy căn cứ vào lòng tin đánh giá rất cao sự thánh thiện của
Thiên Chúa và sự yếu đuối của con người trong cuộc sống ở trần gian này. Nhưng
chẳng ai có thể biết tỷ lệ giữa hai thành phần như thế nào. Chỉ biết đang khi Lời
Chúa mạc khải về số các thánh trên trời thì nhiều không thể đếm được, chẳng có
mạc khải nào về số các tín hữu ở trong luyện ngục. Ðó có thể là một điều phấn
khởi cho chúng ta mỗi khi nghĩ đến số phận anh em đã ra đi trước chúng ta về đời
sau. Hơn nữa, chúng ta còn có những bài sách Thánh như Lời Chúa trong thánh lễ
hôm nay cho phép chúng ta nghĩ về thế giới các linh hồn với lòng đầy tin tưởng.
A.
Chúa Sẽ Tế Ðộ
Thật
vậy, ngay Isaia cũng đã rao giảng cho Dân Chúa một niềm tin vô cùng phấn khởi.
Có lẽ bấy giờ ông chỉ thấy Yêrusalem tiêu điều tang tóc vì bị quân thù tàn phá.
Ông đã nói lên những lời tiên tri của Chúa để Dân đang khóc lóc tin tưởng vào Ðấng
có thể tế độ. Ông nhìn thấy Chúa sẽ thết muôn dân một tiệc linh đình trên núi
Sion. Các nước sẽ đổ về. Tiệc đầy cao lương. Rượu hãm từ lâu. Không còn thấy ưu
sầu tang tóc nữa. Mọi người được lau sạch nước mắt. Dân Người hết mọi tủi nhục.
Và đặc biệt nhất chính tử thần cũng bị vùi đi.
Như
đã nói, có lẽ lúc đầu Isaia chỉ muốn đem lại cho con cái Yêrusalem một niềm tin
vào sự thay đổi vận mạng trong một tương lai gần. Nhưng Thánh Thần đã đưa tâm
trí ông đi thật xa và đã hướng dẫn tư tưởng ông về thời cánh chung, ông không
nói riêng về vận mạng Yêrusalem nữa; nhưng đã nhìn thấy tương lai cuối cùng của
moị dân tộc. Chúa sẽ ngự xuống trên Núi Thánh của Người để tế độ mọi dân nước.
Người làm như một hoàng đế lớn mở tiệc đãi muôn dân thiên hạ, vì chính Người đã
giơ tay gỡ đi cái khăn liệm phủ khắp muôn dân và cái màn sô đan khắp các nước,
đã từng che mắt con người khi còn sống và phủ lên thân thể họ khi đã chết. Người
sẽ vùi dập tử thần, là kẻ thù cuối cùng của con người. Người sẽ ban lại cho
nhân loại nhục nhã và khóc lóc vì tội lỗi, vẻ mặt hân hoan sáng sủa của dân được
cứu độ.
Viễn
tượng ấy thật là táo bạo. Người ta không thể nghĩ ra được. Ðó thật là mạc khải
của Chúa. Người cho chúng ta thấy lòng thương bao la của Người. Và cả quyền
năng cao cả của Người nữa, vì không oai hùng và kỳ diệu sau khi vùi dập được tử
thần, nhấc được khăn tang che khắp mặt đất, làm cho nhân loại khóc than, tủi hổ
được hân hoan tươi sáng? Chắc chắn Isaia có thể tin như vậy là vì ông biết Chúa
là Ðấng tín thành sẽ giữ mọi lời giao ước. Ngay từ ngày gọi Abraham, Người đã
chẳng hứa sẽ chúc phúc cho dòng dõi của ông và muôn dân thiên hạ sao? Quang cảnh
thời cánh chung mà Isaia mô tả trong bài sách hôm nay đã tựa vào Lời Chúa và
vào chính Người. Thế nên ông đã kết thúc bằng những câu:
"Trong
ngày ấy, người ta sẽ nói: này đây Thiên Chúa của ta; chính nơi Người, ta trông
cậy... Ta hãy hân hoan sung sướng trong ơn tế độ của Người".
Tuy
nhiên, đối với chúng ta hiện nay, niềm tin vào hạnh phúc mai ngày còn có những
cơ sở rõ ràng và chắc chắn hơn nữa, mà bài Tin Mừng hôm nay là một. Chúng ta
hãy nghe Lời Chúa theo tác giả Yoan.
B.
Người Ta Sẽ Ðược Sống Ðời Ðời
Theo
mạch văn, hôm ấy Ðức Yêsu đang nói với người Do Thái về Bánh hằng sống... Họ đã
đến tìm Người vì hôm trước thấy phép lạ Người nuôi mấy ngàn dân với 5 cái bánh
và 2 con cá. Người bảo họ hãy tìm kiếm Bánh hằng sống chứ đừng chỉ lo có bánh
ăn vào rồi lại đói. Họ xin Người giới thiệu thứ Bánh ban sự sống muôn đời đó.
Và Người đã làm cho họ hiểu: Bánh đó là chính Người đã được Chúa Cha sai đến trần
gian. Người đã nói lời hằng sống cho họ. Họ hãy tin và giữ Lời Người để được sống
muôn đời.
Nhưng
Bánh hằng sống cũng còn là chính Người nơi mầu nhiệm Thịt và Máu Người... Ðó là
điều Người muốn tuyên bố trong đoạn Tin Mừng Yoan hôm nay.
Ðối
với chúng ta đã có đức tin, những lời này thật là sáng sủa. Nhưng đối với người
Do Thái thời bấy giờ và người chưa có đức tin ngày nay, đó là những lời rất sống
sượng. Ai mà chấp nhận được? Trước hết, ai có thể lấy thịt máu mình cho người
khác ăn? Họa chăng chỉ có nơi những bộ lạc man rợ ăn thịt người. Và cho dù có
như vậy đi nữa, thì kết quả cũng chẳng thể nào có sự sống đời đời.
Thế
nên, ở đây Ðức Yêsu đã không nói theo nghĩa đen. Chẳng bao giờ Người nghĩ đến
chuyện có thể đem máu thịt trong thân thể hữu hình của Người cho người ta làm của
ăn và của uống. Tuy nhiên khi nói như vậy, Người đã chắc chắn sẽ ban Thịt Máu của
Người cho người ta. Và Người đã làm điều đó trong cuộc tử nạn. Người đã nộp
mình và đổ máu ra vì phần rỗi của mọi người.
Cụ
thể, việc ấy đã xảy ra một lần trong lịch sử, bởi vì Ðức Yêsu chỉ có một thân
thể hữu hình thôi. Thân thể thịt máu ấy, Người đã ban cho nhân loại khi chấp nhận
chịu nộp trong tay lý hình để chúng làm cho Người phải đổ máu ra cho đến giọt
cuối cùng. Nhưng vì là Thiên Chúa, Người còn làm được việc mà chẳng con người
nào có khả năng làm. Người có thể làm cho việc ban Thịt và Máu cho loài người
vượt ra khỏi khuôn khổ thời gian và không gian.
Quả
vậy, chiều tối trước ngày chịu nạn, Người đã ngồi bàn ăn với môn đệ. Và trong bữa
ăn này Người đã cầm lấy bánh rượu đưa cho môn đệ và bảo họ hãy cầm lấy mà ăn mà
uống vì đó là Mình và Máu Người sẽ bị nộp và sẽ đổ ra vì phần rỗi của loài người.
Lúc ấy, Lời Người nói trong đoạn Tin Mừng hôm nay mới rõ ràng. Người ta mới thấy
làm sao Người có thể ban Thịt và Máu Người làm của ăn của uống. Và bí tích
Thánh Thể này ban sự sống, vì Mình Máu Chúa ban nơi đây là để chịu nộp và đổ ra
trong mầu nhiệm Thánh giá vì phần rỗi của loài người.
Chúng
ta tin như vậy và không cần giải thích thêm. Chúng ta chỉ cần lưu ý một điểm:
Chúa đã ban Thịt Máu Người không những cho người ta được sống, sống sự sống
Thiên Chúa, mà còn cho được sống đời đời, là sống mãi mãi; không phải sống sự sống
trần gian nhưng là sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chính tư cách trường sinh
này làm cho "Bánh hằng sống" của Chúa ban khác với mọi lương thực
khác, kể cả manna mà người Do Thái đã được ăn nơi sa mạc, vì những kẻ ăn manna
cũng đã chết; nhưng những người ăn Bánh của Chúa sẽ được sống muôn đời. Và để
khẳng định rõ hơn, Người đã nói: Người sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết;
nghĩa là Mình-Máu Chúa không giữ người ta trong sự sống ở đời này, mà chỉ đảm bảo
sự sống đời đời của họ. Hiện nay sự sống ấy còn bị che giấu trong thân xác của
họ, nhưng khi xác đất vật hèn này đã bỏ sự hư nát đi, sự sống ấy sẽ tỏ hiện và
tồn tại muôn đời.
Ðó
là niềm tin của chúng ta. Nó củng cố và giải thích niềm tin của Isaia cũng như
của mọi người công chính. Ai ai cũng muốn sự sống đời đời và hạnh phúc trường
sinh. Nhưng phải đợi Chúa Yêsu đến đem lại bảo chứng cho lòng trông đợi của người
ta. Người thí mạng sống mình để tiêu diệt tội lỗi và sự chết. Việc phục sinh của
Người làm chứng Thiên Chúa đã vùi dập tử thần và cất nhắc chiếc khăn tang trùm
trên các nước. Người ban Thịt Máu Người cho chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể để
chúng ta được sự sống đời đời ngay từ bây giờ. Chúng ta hãy đón nhận, giữ lấy
và phát triển cho đến ngày đi vào cõi trường sinh. Bao giờ và thế nào?
Chúng
ta hãy nghe lời thư Phaolô.
C.
Anh Em Hãy Ở Kiên Vững
Các
người Corinthô nói riêng và mọi tín hữu thời thánh Tông đồ nói chung đã có niềm
tin như chúng ta. Họ tin rằng Lời Chúa hứa ban sự sống đời đời cho mọi kẻ ăn Thịt
và uống Máu Người. Nhưng nhiều tín hữu của Chúa đã qua đời. Những người đang sống
cũng sẽ chết nếu Chúa không mau trở lại vùi dập tử thần đang đe dọa đời sống
con người. Phải hiểu Lời Chúa hứa làm sao?
Thú
thật, thánh Phaolô bấy giờ cũng có lúc tưởng Ngày Chúa đến không còn xa. Về sau
ngài không nghĩ như vậy nữa. Nhưng ngay từ đầu, ngài đã khẳng định không ai có
thể đi vào sự sống đời đời với cái thân xác hư nát hiện nay. Nó phải biến đổi.
Thân xác những anh em tín hữu đã qua đời đang biến đổi rồi. Thân xác những người
đang sống mà gặp Ngày Chúa đến cũng sẽ biến đổi. Nó phải bỏ sự hư hoại để mặc lấy
sự bất tử. Chúng ta không hiểu được sự biến đổi này thế nào. Nhưng chắc chắn sẽ
có sự trường sinh, vì "nọc của sự chết là tội, mãnh lực của tội là Lề luật";
thế mà tạ ơn Thiên Chúa, Người đã ban cho chúng ta toàn thắng tất cả nhờ Ðức
Yêsu Kitô. Chính Người đã giải thoát chúng ta khỏi Luật pháp, cứu chuộc ta khỏi
tội lỗi, và toàn thắng sự chết cho chúng ta trong mầu nhiệm tử nạn - phục sinh.
Thế nên ở nơi Người, chúng ta có sự sống đời đời - Người thông ban cho chúng ta
nơi Bí tích Mình Máu Người. Chúng ta hãy kiên vững!
Lời
khuyên này an ủi chúng ta ngày hôm nay khi nhớ đến các tín hữu đã qua đời.
Chúng ta không chắc chắn về số phận cụ thể của họ bây giờ như thế nào. Nhiều
người lại là thân bằng quyến thuộc của chúng ta. Nhưng chúng ta có niềm tin.
Chúng ta tin vào Lời Chúa hứa ngay từ thời các tổ phụ Dothái, mà bài sách Isaia
hôm nay còn nhắc lại. Ðặc biệt chúng ta tin vào Lời Chúa Yêsu Kitô. Các anh em
tín hữu của chúng ta đã tin theo Chúa và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể là Bánh
ban sự sống đời đời, thì chúng ta tin họ đang chờ ngày sống lại, trong ngày sau
hết. Và khi tin như vậy, chúng ta thấy rõ nghĩa vụ hiện nay của mình; vừa phải
năng chịu lấy Mình Máu Thánh Chúa cho mình, vừa phải cậy trông Bí tích tử nạn -
phục sinh có sức tế độ các linh hồn đã qua đời. Nhất là chúng ta phải chứng tỏ
sức mạnh của Lời Chúa và của Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận bằng
nếp sống phù hợp hơn với mầu nhiệm thánh giá cứu độ của Chúa Yêsu Kitô. Chính
khi có nếp sống như vậy mà nghĩ đến các tín hữu đã qua đời để dâng lễ và cầu
nguyện cho họ, thì chúng ta chắc chắn Chúa sẽ cất khăn tang đang phủ trên họ và
lau sạch nước mắt cho họ để họ được mừng rỡ trong ánh sáng của sự sống trường
sinh.
Với
những tâm tình như vậy, chúng ta hôm nay hãy dâng lễ và cầu nguyện cho các tín
hữu đã qua đời, đặc biệt cho bà con quyến thuộc và bằng hữu của chúng ta.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Nhớ
Các Linh Hồn
Bài
đọc: Wis 3:1-9; Rom 5:5-11; Jn 6:35-40
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đối
diện với cái chết để học biết cái sống
Không
phải tình cờ mà Gíao Hội nhắc nhở các tín hữu: tháng 11 là tháng các linh hồn,
và mời gọi mọi người suy niệm về sự chóng qua của cuộc đời và về sự chết.
-
Nhìn qua cửa sổ chúng ta nhận ra ngay sự thay đổi của thời tiết: lá xanh hôm
nào đã chuyển màu thành lá vàng, rồi lá rụng, và lá bị nghiền tan đi dưới bánh
xe hoặc bị gió cuốn bay đi.
-
Vào trong xe, chiếc xe mới mua năm nào, giờ đã trở nên cũ rích, sửa lên sửa xuống,
rồi sẽ có một ngày chúng cũng bị quăng vào nghĩa địa... xe.
-
Nhìn vào con người mình cũng thấy sự thay đổi: mới hôm nào còn là một thanh
niên, thiếu nữ tươi trẻ đầy nghị lực, muốn đi đâu chỉ cần quyết định là đi, thế
mà hôm nay tóc đã ngả màu muối tiêu, da đã điểm đồi mồi, mỗi sáng thức giấc phải
cựa quậy mãi mà vẫn không đứng lên được, rồi sức khỏe và hơi thở cạn dần cho đến
ngày người khác cũng đưa mình ra nghĩa địa.
-
Có phải đời chúng ta cũng vô nghĩa như thế, để rồi chúng ta cũng vội vàng sống
như một văn sĩ đã thốt lên: “Chơi xuân kẻo phí xuân đi?” Đâu là ý nghĩa đích thực
của cuộc đời? Phải sống làm sao để đạt đích đó?
-
Các Bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta nhiều chất liệu để suy gẫm. Trong
Phúc Âm, chính Con Thiên Chúa trình bày rõ ràng cho chúng ta về mục đích của cuộc
đời và phải làm sao để đạt mục đích đó. Bài đọc I cho chúng ta thấy số phận về
2 cuộc đời: của những người công chính và của phường vô đạo. Bài đọc II trình
bày nền thần học then chốt của Thánh Phaolô: Tất cả mọi người đều phạm tội và xứng
đáng phải chết; nhưng vì tình thương Thiên Chúa đã cho con người Đức Kitô, Người
Con duy nhất của Ngài để chết thay cho chúng ta. Chính vì Máu Con Chúa đã đổ ra
nên chúng ta không phải chết, nhưng được sống muôn đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Sách Khôn Ngoan trình
bày hai niềm tin và hai lối sống.
Tin
như nào sẽ sống như vậy, hậu quả là sẽ gặt hái những gì mình tin. Con người muốn
biết sống để làm gì đã (mục đích) trước khi quyết định sống thế nào (phương tiện)
để đạt đích.
1.1/
Niềm tin và lối sống của những người công chính. Họ tin:
(1) Chết không hết: nhưng bắt đầu cuộc sống trường
sinh bất tử với Thiên Chúa. Ngài đã hứa sẽ xé chiếc khăn tang bao trùm muôn
dân, và chiếc màn đen bao trùm muôn nước; và Ngài sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần
(Isa 25:7).
(2) Chết là hạnh phúc và không còn
đau khổ: Thiên Chúa hứa sẽ
lau khô giòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên tòan cõi đất, Ngài sẽ xóa sạch
nỗi ô nhục của dân Ngài. Một khi đã được đòan tụ với Thiên Chúa, chẳng cực hình
nào có thể động tới họ được nữa, họ sẽ hưởng an bình (Isa 25:8).
(3) Mục đích của những đau khổ trong
cuộc đời là để chứng tỏ đức tin
và tình yêu của con người dành cho Thiên Chúa. Sau khi chịu sửa dạy đôi chút, họ
sẽ được hưởng ân huệ lớn lao. Quả thế, Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng
đáng với Người. Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và
đón nhận họ như của lễ toàn thiêu.
(4) Phần thưởng của những người công
chính: “Khi đến giờ được
Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ
xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là Vua của họ đến muôn
đời.”
(5) Cách sống ở đời này: Nếu họ chung phần đau khổ với
Thiên Chúa ở đời này, họ sẽ chung hưởng vinh quang với Ngài ở đời sau. “Những
ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành sẽ được Người
yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người
tuyển chọn.”
1.2/
Niềm tin và lối sống của những phường vô đạo. Họ tin:
(1)
Chết là hết: Chẳng có sự sống lại
và cũng chẳng có sự sống đời đời. Chẳng cần cầu nguyện cho người chết.
(2)
Chết là đau khổ: là điều vô phúc.
Khi xuôi hai tay nằm xuống còn hưởng thụ gì được nữa?
(3)
Đau khổ của cuộc đời là vô nghĩa,
cần phải tránh.
(4)
Chết là một sự trừng phạt đau đớn nhất vì
thần chết cướp đi tất cả sung sướng của cuộc đời.
(5)
Cách sống ở đời này: Bao
lâu còn sống, họ phải tìm đủ mọi cách để sống sung sướng và hưởng thụ ở đời
này.
2/
Bài đọc II: Tại sao con người
không phải chết đời đời?
2.1/
Mọi người đều phạm tội và vì vậy phải chết: Lề Luật mà Thiên Chúa ban cho con người có thể ví như con dao
hai lưỡi như ông Môsê đã từng nói với dân:
Coi
đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc
là phải chết, bị tai hoạ. Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến ĐỨC CHÚA,
Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh,
thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và ĐỨC
CHÚA, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào
chiếm hữu. Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp
xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết:
chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp
sang qua sông Gio-đan để vào chiếm hữu. Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo
tội anh em: tôi đã đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc
phúc hay bị nguyền rủa. Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được
sống (Dt 30:15-19).
Nhưng
có ai trong cuộc đời này dám vỗ ngực tự nhận mình không bao giờ phạm một tội
nào, và như thế, mọi người đều phải chết vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
2.2/
Tại sao con người không phải chết đời đời?
(1) Thiên Chúa bỏ qua hay xí xóa: Những người Do-Thái và Hồi-Giáo
tin điều này vì họ không tin vào Đức Kitô. Một niềm tin như vậy mặc dù đề cao
tình thương của Thiên Chúa, nhưng khinh thường trầm trọng đức công bằng của
Ngài. Phải chăng Thiên Chúa xí xóa mọi tội lỗi của nhân lọai mà không cần đền
trả? Tại sao Thiên Chúa không xí xóa luôn tội của quỉ thần?
(2) Kế họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Để bảo vệ lòng thương xót và đức
công bằng của Thiên Chúa, con người cần phải tin vào Kế Họach Cứu Độ của Ngài:
Theo Kế Họach này:
-
Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã chết thay cho con người: Khi chúng ta không có sức
làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì
chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì
một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi
chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương
chúng ta.
-
Con người được giao hòa với Thiên Chúa: Vì chúng ta đã được nên công chính nhờ
máu Đức Kitô đổ ra, chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên
Chúa. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa
đã để cho Con của Người phải chết, để cho chúng ta được hoà giải với Người.
-
Con người được hưởng sự sống đời đời: Vì chúng ta đã được hoà giải rồi, nên
chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.
-
Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức
Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.
3/
Phúc Âm: Cách duy nhất để đạt
được cuộc sống muôn đời. Mặc khải quan trọng nhất của Thiên Chúa được trình bày
rõ ràng trong 5 câu ngắn ngủi của Gioan (Jn 6:35-40):
3.1/
Đức Kitô là Bánh Trường Sinh: Đức
Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải
đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Bí Tích Thánh Thể là lương thực thần
linh nuôi sống con người ngay từ khi còn ở đời này. Một khi đã được nếm thử
lương thực thần linh, cuộc sống muôn đời thuộc về con người.
3.2/
Điều kiện cần có để đạt được cuộc sống muôn đời: Đứng trước Đức Kitô, con người có thể có 2 thái độ: tin hay
không tin; và tùy vào hai thái độ, họ sẽ đạt được cuộc sống muôn đời hay bị hủy
diệt muôn đời.
(1)
Tin vào Đức Kitô:
-
“Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi,
tôi sẽ không loại ra ngoài. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người
đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày
sau hết.”
-
“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người
Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”
(2)
Không tin vào Đức Kitô: Nhưng
tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. Ai không tin, sẽ không được
cuộc sống muôn đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Phải biết chắc chắn sống để làm gì trước khi quyết định sống thế nào.
-
Mục đích của cuộc đời là để về hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa.
-
Để đạt mục đích này, con người cần phải tin vào Đức Kitô và thực hành những gì
Ngài dạy.
-
Tin làm sao sống làm vậy. Đừng tin một đàng, sống một nẻo. Nguy hiểm của những
người muốn bắt cá hai tay: vừa muốn hưởng thụ đời này vừa muốn Nước Trời mai
sau.
-
Chúng ta phải làm gì cho những người thân đã chết? Họ là một phần của cuộc sống
chúng ta. Làm sao chúng ta có thể có những gì chúng ta đang có nếu không nhờ sự
đóng góp của họ: thân thể, đức tin, kiến thức, và tài sản vật chất… Cần cầu
nguyện, xin lễ, và làm những việc lành để xin Thiên Chúa tha những hình phạt
còn đang phải chịu. Hội Thánh cùng thông công: HT vinh quang (các thánh) – HT
đau khổ (các linh hồn) – HT chiến đấu (chúng ta). Chỉ có 2 thành phần có thể lập
công được là các thánh và chúng ta, các linh hồn không thể lập công được nên
hòan tòan trông cậy vào lời bầu cử của các thánh và lời cầu nguyện của chúng
ta.
-
Yêu thương các linh hồn là yêu thương chính chúng ta, vì khi đã hòan tất giai đọan
thanh tẩy, họ sẽ nhập đòan các thánh trên trời và bầu cử cho chúng ta khi tới
phiên chúng ta phải chịu thanh luyện. Chúng ta hy vọng sẽ gặp được tất cả và sẽ
sống với nhau muôn đời trên Thiên Đàng.
Lm.
Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Đạo đức thật và đạo đức giả
Có một bà vợ thường xuyên
càu nhàu về tình trạng khô khan nguội lạnh của ông chồng. Hơn thế nữa, bà còn
tỏ ra khinh ghét tất cả những hình ảnh ông đã xâm trên mình.
Ngày kia, trong một cố gắng
nhằm cải thiện đời sống cũng như mối liên hệ với vợ, ông đã quyết định xâm hình
Chúa Giêsu thật to trên tấm lưng của mình. Trở về nhà, ông hớn hở giơ tấm lưng
trần cho vợ xem và hỏi:
- Bà có biết ai đây hay
không?
Chẳng đợi cho vợ trả lời,
ông liền nói:
- Chúa đấy.
Thế nhưng, bà vợ bỗng nổi
giận đùng đùng và quát lớn:
- Thật là báng bổ. Chúa nào
lại ở trên cái lưng bẩn thỉu và nhớp nhúa của ông.
Nói rồi, bà vơ lấy cái chổi
và cứ thế quất vào tấm lưng của ông cho đến khi bật cả máu.
Sau trận đòn ấy, ông ra
ngồi dưới một gốc cây và bật khóc. Ông khóc không phải vì trân đòn của bà vợ
thuộc vào hạng sư tử Hà Đông, nhưng khóc vì nhận ra rằng mình không còn cách
nào để làm đẹp lòng bà vợ luôn tự hào về tình trạng đạo đức của mình.
Từ câu chuyện trên, chúng
ta đi vào đọan Tin mừng sáng hôm nay và chúng ta dễ dàng nhận ra hai mẫu người
đã được Chúa Giêsu nhắc đến. Mẫu người thứ nhất là những người luôn vỗ ngực tự
hào vì mình công chính và đạo đức. Còn mẫu người thứ hai là những kẻ tội lỗi và
bị xã hội loại trừ.
Chúng ta còn thấy được chân
dung hai mẫu người này qua những lời giảng dạy cùa Chúa và nhất là qua những
câu chuyện Ngài đã kể.
Chẳng hạn câu chuyện về người
con phung phá.
Cậu em tượng trưng cho kẻ
tội lỗi, còn người anh cả tượng trưng cho những người tự nhận mình là đạo đức
và công chính. Khi nghe biết thằng em mình đã ăn năn sám hối, quay trở về và
được người cha niềm nở tiếp đón, thì anh ta đã sừng sổ và giận dữ. Trong lúc
người cha dịu dàng khoan dung, thì anh ta đã bực tức xỉa xói:
- Thằng con hư đốn của cha.
Chủ đích của câu chuyện dĩ
nhiên nói về lòng nhân từ và khoan dung của Thiên Chúa, nhưng đồng thời qua đó,
Ngài còn nhắm tới bọn biệt phái và luật sĩ vì đám người này đã tỏ ra bực bội và
tức tối khi thấy những kẻ tội lỗi được Chúa Giêsu ân cần tiếp đón.
Và hơn thế nữa, họ vốn tự
hào là những người đạo đức và công chính, để rồi có thái độ kinh bỉ, chỉ trích
và gay gắt kết an những kẻ tội lỗi.
Chúng ta cũng thấy được
chân dung hai mẫu người trên qua câu chuyện về người biệt phát và người thu
thuế lên đền thờ cầu nguyện.
Người biệt phái thì huênh
hoang tự đắc:
- Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa
vì con chẳng phải là kẻ ham hố, bất lương hay ngọai tình. Con cảm tạ Chúa vì
con không giống cái thằng thu thuế kia. Con dâng cho Chúa một phần muời hoa lợi
của con…
Ngược lại, người thu thuế
thì đứng ở đằng xa, cúi đầu, đấm ngực và khiêm tốn kêu cầu:
- Lạy Chúa, xin thương xót
con vì con chỉ là một kẻ tội lỗi.
Và Chúa Giêsu đã kết thúc
câu chuyện:
- Ta nói cho các ngươi hay
khi trở về, không phải người biệt phái mà là người thu thuế được nên công chính
trước mặt Thiên Chúa.
Sở dĩ như vậy là bởi vì ai
nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên.
02/11/14 CHÚA NHẬT TUẦN
31 TN – A
Cầu cho các tín hữu đã qua đời
Ga 6,37-40
Cầu cho các tín hữu đã qua đời
Ga 6,37-40
Suy niệm: Là
người, ai cũng mong kéo dài sự sống, dài tới mức không bao giờ chết. Vì thế
nhân loại không ngừng tìm kiếm mọi phương thế để gia tăng tuổi thọ. Thế nhưng, theo
cụ Nguyễn Du, người ta sống cùng lắm cũng chỉ được trăm tuổi, rồi sau đó là: “Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ
khâu xanh rì.” Kết
thúc cuộc đời, theo cách nhìn của người không có niềm tin vào Thiên Chúa, thì
chẳng còn gì ngoài nấm mồ lạnh lẽo. Nhưng đối với người tin thì khác: sự sống
không mất mà chỉ đổi thay; sau cái chết này là một sự sống mới trong Đức Ki-tô,
và Ngài xác quyết: muốn đạt được sự sống ấy, thì phải “thấy Đức Ki-tô và tin vào Ngài”.
Mời Bạn: “Thấy
Đức Ki-tô” không chỉ là hưởng kiến Ngài ở đời sau, mà còn là nhìn bằng
cặp mắt đức tin để thấy Ngài đang hiện diện giữa thế gian này nơi những người
đang sống quanh ta, nhất là nơi những người thân cận, nơi ông bà, cha mẹ của
ta. Nếu bây giờ bạn gặp Đức Ki-tô, bạn sẽ cư xử với Ngài thế nào, thì bạn cũng
hãy cư xử như thế với ông bà cha mẹ; làm như vậy không chỉ bạn báo hiếu các
ngài, mà bạn còn được bảo đảm hạnh phúc đời đời nữa.
Chia sẻ: Hiếu
thảo đích thực là tôn kính vâng lời, làm việc lành thiết thực, và cầu nguyện
cho tổ tiên mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Tôn
kính và phục vụ ông bà cha mẹ với ý thức mình đang phục vụ Đức Ki-tô nơi các
ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết nhìn thấy
Chúa nơi ông bà cha mẹ chúng con, để khi sống hiếu thảo với các ngài, chúng con
cũng tôn thờ Chúa cho phải đạo. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét